HÀN

Phải chi tôi coi phim bộ Hàn Quốc! Thấy mấy đệ tử của phim bộ xứ kim chi tở mở như trở về quê khi tới xứ Hàn, tôi thấy thèm. Nhà tôi cũng có cả vài trăm bộ phim Hàn quốc nhưng tôi chẳng rành bộ nào cả. Thỉnh thoảng coi ké, đá gà đá vịt ít phút, kiến thức phim bộ của tôi chẳng là bao. Kiểm kê ráo riết thì chỉ biết được mấy chiếc cầu bắc qua sông Hàn ở Seoul, nơi các tài tử bị tình nhân đá bàn tọa hoặc có chuyện buồn bã hoặc khó nghĩ tài tử trong phim thường ra ngồi nhìn những ánh đèn và những tia nước phun ra từ bên cầu vắt ngang qua sông Hàn.

Một buổi tối, chúng tôi hộc tốc ra chiếc cầu để kịp giờ coi cầu phun nước dưới ánh đèn màu. Hình như cứ mỗi đầu giờ, cầu lại làm mưa một lần. Đêm đó, trời mưa lất phất, tôi che dù đứng dưới mưa chụp hình quay phim. Hàng người đứng bên bờ nhìn lên cầu không đông lắm. Có lẽ vì bữa đó là tối ngày thường không phải cuối tuần, thiên hạ còn bận ngủ để sáng hôm sau đi cầy. Nhìn ngang nhìn ngửa cũng thấy có mấy cặp tình nhân che chung một chiếc dù, khoác vai nhau ngắm…cầu. Nếu nói về sự “hoành tráng” và nghệ thuật thì cuộc biểu diễn phun nước này không có gì đặc sắc lắm nhưng vì nó đã được lên phim nên du khách vẫn muốn tới coi xem thực tế và trong phim ảnh có chi khác nhau không? Dĩ nhiên là khác. Trong phim chiếc cầu như được khoác chiếc áo lộng lẫy hào nhoáng muôn ngàn lần hơn. Dù sao chúng tôi, nhất là các đệ tử phim bộ, vẫn đã được nhìn tận mắt một “tài tử” trong phim.

Một “tài tử” khác là chiếc xe máy đi giao bánh màu đỏ. Anh chàng này xuất hiện trong khá nhiều phim. Một bữa đang lang thang trên đường thì bắt gặp ba bốn chiếc dựng trước cửa một tiệm bánh. Mọi người rối rit như gặp lại người thân. Máy ảnh chĩa ra bấm lia lịa. Tôi cũng quen tay bấm tuy chẳng biết chiếc xe này có chi hấp dẫn. Với tôi, những chiếc xe ba bánh chở đủ thứ hàng như chiếc xe thồ mới là cái đáng chú ý. Khách sạn chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố, gần một ngôi chợ, nên loại xe thồ này đậu san sát trên đường. Tôi chú ý tới chúng vì cái vẻ tồi tàn, nhếch nhác của chúng. Ngoài loại xe này, các xe gắn máy hai bánh thồ hàng nhắc tôi lại những hình ảnh xưa ở Sài Gòn. Chúng cũng chạy như ăn cướp, chen chân với khách bộ hành trên các vỉa hè. Không hiểu sao một nước vào loại khá văn minh như Đại Hàn lại vẫn còn cái vụ xe chen chân người đi bộ như vậy.

Nhưng “nhân vật” nổi bật trong phim Đại Hàn là hoàng cung. Đây là nơi diễn ra các cuộc đấu đá cung đình làm say mê khán giả của các phim cổ trang Đại Hàn. Hoàng cung ngày nay ồn ào như một cái chợ. Nó nằm ngay trên một con lộ rộng rãi, xe cộ lưu thông nườm nượp. Muốn qua đường phải chờ đèn xanh khá lâu. Ngay khi nhìn thấy cửa chính của hoàng cung, các đệ tử phim Hàn đã nháo nhác. Y chang như trong phim! Thì phải y chang chứ sao! Đám đông du khách chen chúc nhau đứng ở ngoài cửa vì mấy ông lính gác. Họ ăn vận màu mè, đứng theo hàng ngay trước cửa hoàng cung, ông cầm cờ đuôi nheo, ông cầm giáo. Họ đứng không nhúc nhích như một pho tượng. Du khách canh me vào đứng cạnh chụp hình. Có bà còn véo tay ông lính coi cho chắc ăn là người thật chứ không phải người giả! Bị nắm, véo, kéo mà các ông vẫn phải đứng như tượng. Đứng như vậy mỏi chết. Vậy nên mới phải đổi ca. Khi đổi ca họ đi rập ràng trông khá bắt mắt.

Qua cổng chính, du khách vào tới một chiếc sân rộng. Tới đây thì chưa bị ai hỏi vé. Phòng bán vé nằm ở một dãy nhà phía bên phải. Tới mua vé mới hay  nơi này quá…văn minh. Người cao niên từ 65 tuổi trở lên được miễn phí. Vậy là hân hoan rút passport ra để chứng minh tuổi già. Qua chiếc sân rộng mới vào tới cung chính. Chỉ có một tòa nhà chẳng lấy chi làm rộng lắm, phía trong có một chiếc ngai vàng và mấy cổ vật lẻ tẻ. Cung điện ở Nhật và Đại Hàn khác xa với Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Nhỏ nhắn và bình dị hơn. Cung điện của Trung Quốc hào nhoáng, màu mè, rộng rãi, nhà trên nhà dưới, nhà cho cung nữ, tam cung lục viện rất rềnh rang. Chốn thâm cung của…thiên tử có khác! Điều này chứng tỏ mấy anh vua xứ con trời xa cách dân hơn.

Từ khách sạn tới hoàng cung, chúng tôi đi bộ, không xa lắm. Trước khi tới hoàng cung có một con đường được đào sâu  xuống thành một chiếc hào dẫn tới cửa hoàng cung. Cũng giống như ở Nhật Bổn, đoạn đường nằm dưới sâu này có một con suối nước chảy róc rách ở giữa. Nhưng có khác là trên vách tường phủ kín bức tranh dài suốt con đường làm bằng gạch vuông nhỏ ghép lại rất mỹ thuật. Tranh mô tả cuộc xuất hành của vua với đầy đủ đoàn tùy tùng rất uy nghi.

Cuối đường, leo lên, là công viên rộng lớn trước hoàng cung. Bên một góc công viên có một dãy nhà tiền chế treo cờ quạt rất bắt mắt. Vào coi mới biết đây là khu trưng bày hình ảnh vụ phà chìm vào tháng 5 năm 2014 làm chết gần 300 người trong đó phần lớn là học sinh một trường trung học. Vụ này đã khiến Thủ Tướng phải từ chức. Hình ảnh các em học sinh trẻ trung yêu đời khi sinh hoạt tại trường làm mọi người ngậm ngùi hơn khi đối chiếu với hình ảnh những thi thể trẻ măng được vớt lên từ biển cả.

Bước chân ra khỏi căn lều nhắc nhở tới tai nạn tưởng chừng không thể xảy ra ở một nước tân tiến, tôi sững sờ tưởng như đang trong mơ: Đức Trần Hưng Đạo đứng ngạo nghễ trước mắt! Bức tượng đứng tít trên một chiếc đế cao vút trông quen thuộc đến nỗi tôi đinh ninh đó là Đức Thánh Trần đang đứng trên bờ sông Sài Gòn. Tỉnh cơn mê ra mới thấy bị ám ảnh. Đức Thánh Trần đâu có mặc nhung phục Hàn Quốc! Nhưng vị anh hùng đứng cao chót vót kia cũng có điểm chung với Đức Trần của chúng ta. Cả hai đều đánh đuổi quân xâm lược đất nước bằng những trận thủy chiến. Đức Trần Hưng Đạo ba lần đánh bại quân Nguyên Mông khiến lũ trẽ chúng tôi ngày xưa được căng miệng ra hát với hào khí ngất trời: “Trên sông Bạch Đằng, quân Nam ầm reo, sóng nước vang đưa bao con thuyền mành trôi theo…”. Không biết trẻ em Đại Hàn ngày nay có bài hát…Bạch Đằng như lũ chúng tôi xưa không nhưng cái ông đứng trên bệ cao kia cũng là một Đô Đốc Hải Quân đi vào lịch sử như Đức Trần của chúng ta tuy ông này sanh sau đẻ muộn hơn. Đức Thánh Trần của chúng ta ba lần chiến thắng quân Nguyên và quân Mông vào những năm 1258, 1285 và 1288 trong khi Đô Đốc Yu Sun Shin của Hàn quốc hai lần đánh đuổi quân Nhật xâm lăng vào năm 1592 và 1598, chậm hơn Đức Thánh Trần ba thế kỷ. Cái chết của hai vị tướng tài cũng khác nhau. Đức Thánh Trần sau khi chiến thắng giặc phương Bắc ba lần đã lui về Vạn Kiếp và mất tại đây vào năm 1300. Còn tướng quân Yu Sun Shin hy sinh ngay tại trận tiền. Quanh tượng của Đô Đốc Shin là những vòi phun nước liên tục trắng xóa như nhắc nhở tới chiến trường sông nước xưa.

Đi thêm về phía hoàng cung, tôi bắt gặp một bức tượng khác. Ông này coi bộ nhàn nhã hơn: ngồi chứ không đứng mỏi chân như tướng quân Shin. Đọc tấm bảng ghi chú dưới chân tượng bằng tiếng Anh, tôi tạm dịch như sau: “ Hunmin jeongeum: ngôn ngữ của dân tộc ta khác với ngôn ngữ Trung Hoa nên không thể diễn tả bằng chữ viết của Trung Hoa được. Vì vậy, tiếng nói của nông dân chúng ta không được mọi người hiểu đúng. Ta thấy buồn vì tình trạng này.Vì vậy, chữ viết gồm 28 đơn vị được phát minh. Mong muốn của ta là mỗi người dân Hàn đều học hỏi thứ chữ mới này và dùng chúng trong sinh hoạt thường ngày”. Vậy là tôi bé cái lầm vì nhìn qua cứ tưởng Hunmin jeongeum là tên người sáng tạo ra thứ chữ quốc âm Hàn đang ngồi chễm chệ trên bục cao. Thực ra Hunmin jeongeum là tên của chiếu chỉ ban hành thứ chữ mới này của Hoàng Đế Sejong vào thế kỷ thứ 15. Vậy thì cái ông ngồi trên bệ kia chắc là Hoàng Đế Sejong! Nhìn kỹ thì thấy khuôn mặt có tướng vua thật.

Vậy là Hàn quốc cũng như ta, đã dùng chữ Hán và đã vùng vẫy ra khỏi thứ chữ tượng hình này bằng cách đặt ra một thứ chữ riêng cho dân tộc. Vậy nên chữ Hàn coi thấy giản dị hơn và có hình thức khác với chữ Hán. Có nhiều hình tròn chứ không vuông vức. Nhưng Việt Nam ta đi xa hơn. Từ chữ Nôm đã chuyển qua chữ Quốc Ngữ như chúng ta dùng ngày nay.

Còn một thứ các đệ tử của phim Hàn quốc quen thuộc là thứ bánh mực. Tôi không thấy thứ bánh này tại Seoul nhưng thấy vài tiệm tại Nhật Bổn. Thứ bánh này được làm trong chiếc khuôn lớn có những lỗ tròn như tổ ong. Các bà bảo giống khuôn làm bánh khọt của ta. Người làm bánh này có đôi tay khéo léo vô cùng. Họ dùng một cái xiên thoăn thoắt xiên trở bánh từ chiếc này qua chiếc khác trông vô cùng bắt mắt. Bánh làm bằng bột có một miếng nhân mực. Tôi ăn chẳng thấy ngon chi. Không hiểu sao nó lại đi vào phim thành món ăn quen thuộc như vậy.

Thức ăn Đại Hàn thường rất ngon, ngon hơn đồ ăn Nhật. Nhưng giống Nhật là dùng toàn hải sản. Muốn kêu món chi thì khởi đầu nhà hàng cũng mang ra ba đĩa kim chi nhỏ để lai rai trước. Kim chi có hàng chục thứ. Hình như cái chi cũng thành kim chi được. Kim chi thường cay vừa vừa. Nhưng đụng tới kim chi ớt thì tốn nước mắt nước mũi lắm. Vậy mà cái tính tò mò cái chi cũng muốn biết làm tôi phải một phen khốn đốn vì cay. Mấy cô bé Hàn được nuôi bằng kim chi, không biết có cay không, làm sao biết được, nhưng mướt thì có mướt. Em nào em nấy cao ráo, trắng trẻo, mặt mũi ưa nhìn. Mấy bà nói bâng quơ: nhìn dzậy nhưng không phải dzậy đâu, toàn nhờ dao kéo cả! Hình như vậy thật. Sự thực ở sâu bên trong làm sao biết chắc được!

Kim chi là quốc hồn quốc túy của dân Hàn. Chẳng vậy mà khi gặp một đám học sinh trung học khoảng 13, 14 tuổi, trai có gái có, chơi đùa ngoài sân một bảo tàng viện, mặt em nào em nấy sáng quắc, tươi rói, tôi giơ máy hình lên bấm lia lịa. Thấy du khách chụp hình, các em tụ lại, giơ tay thành hình chữ V. Một cô bé mặt mũi sáng sủa, ngây thơ ráp tiếng Anh lỗ mỗ hỏi chúng tôi từ đâu tới. Khi nghe tới tên Canada, cô bé tinh quái, vừa cười vừa giơ tay vẽ lên không gian. Tôi thấy ngay đó là hình chiếc lá phong trên cờ Canada. Canada được dân Hàn cũng như dân Nhật biết tới nhiều. Trong các phim bộ Hàn quốc các nhân vật cứ dọa đi Canada hoài. Khoái Canada nhưng khi một ông bạn tôi đổi tiền tại một trung tâm thương mại lớn ở Nhật thì họ lại không  nhận đổi tiền Canada, chỉ nhận tiền đô Mỹ! Các em kéo chúng tôi vào chụp ảnh chung. Trước khi ông bạn bấm máy, ông hô cheese như thói quen, các em sửa lại:“kim chi”! Thứ nào cũng bắt người ta cười mím…chi!

Kiếm một món ăn có thịt, nhất là thịt bò, coi bộ khó. Cả ở Hàn lẫn ở Nhật. Một lần mấy ông bà bạn gọi món thịt bò, giá mắc gấp đôi món ăn hải sản, khi đĩa thịt bò được mang ra thì hỡi ôi, đếm được đúng chín miếng! Khô không khốc, dai nhách dai nhơ. Ai ăn ai nhịn? Chẳng cái dại nào bằng cái dại nào! Trong khung cảnh thịt bò quý như vàng nơi đây mà lại có tiệm phở bò! Đó là tiệm Phở Bay. Không hiểu tô phở thịt thà ra sao nhưng giá đắt gấp rưỡi một tô mì hải sản. Khi chúng tôi tới thì tiệm chưa mở cửa nên không được nếm hương vị quê nhà nơi đất khách.

Nhưng cần chi thịt thà, có dịp ăn…chay thì cứ ăn, đồ hải sản tươi rói có khi ăn ngon hơn thịt. Có lần tôi vào một nhà hàng, nhìn hình chụp, kêu đại một tô mì nghêu. Nghêu còn nguyên vỏ nằm la liệt trong tô, ngọt ơi là ngọt! Đó là tô mì tôi nhớ đời tuy chỉ phải trả có 6 ngàn won, khoảng 7 đô Canada.

Seafood tươi lềnh khênh trong khu chợ cá ở Seoul. Hình như không có một thứ chi sống dưới biển mà không có mặt trong khu chợ cá này. Gọi là chợ cá chứ tôi còn thấy cả con cầu gai, đỉa biển và nhiều thứ chẳng biết là cái giống chi. Bà bán hàng nơi cửa hàng chúng tôi tụ lại rất vui tính luôn tay luôn miệng quảng cáo. Những lời quảng cáo từ miệng bà dĩ nhiên chẳng làm chúng tôi bận tâm nhưng tay bà là cả một nghệ thuật quảng cáo. Hầu như con chi cũng còn bơi lội trong các bồn chứa. Bà bốc hết con này tới con khác ra , để trên bàn tay cho chúng giẫy đành đạch, dí vào sát người chúng tôi để mời mua. Con đỉa biển, lần đầu tiên tôi thấy trong đời, là màn quảng cáo vui nhất. Đỉa biển hình ống tròn, lớn bằng hai ngón tay cái, ngo ngoe trong tay bà. Bà nắm chúng lại và bóp. Từ đầu (hay đuôi?) một dòng nước phun ra có vòi! Thấy màn trình diễn khá ngoạn mục, tôi yêu cầu bà làm lại để quay phim. Bà vui vẻ diễn lại, xong cười ngoặt nghẽo, mặt đỏ lên. Tôi chẳng hiểu vì sao bà cười mà mặt đỏ đến thế.

Chợ cá là một địa điểm thu hút nhiều du khách. Họ chụp hình quay phim nhiều hơn mua. Đi chơi ai muốn vướng bận với thứ tanh tưởi như vậy. Chúng tôi cũng tưởng như vậy nên tôm càng bự con, cua lớn nhúc nhích, cá đủ loại tung tăng bơi lội, trông phát thèm mà không dám mua. Nhưng khi bà bán hàng cho biết là ở trên lầu có dịch vụ chiên nấu hải sản theo ý khách. Muốn sao cũng được, ăn ngay tại chỗ, thì cái cân của bà làm việc túi bụi. Trên lầu là nơi nhậu nhẹt. Tôm, cá, cua do khách mua mang lên, nhà hàng chỉ lấy tiền công nấu nướng. Tiền này tính theo đầu người. Mỗi đầu người 3 ngàn won. Khi ra về để ý mới thấy chung quanh khu chợ cá toàn những tiệm chiên xào nấu nướng ăn theo chợ như vậy.

Khách sạn chúng tôi ở gần chợ Jungbu. Đây cũng là chợ chuyên bán hải sản nhưng là hải sản khô. Tôm khô, mực khô, cá khô, không biết còn thứ chi khô nữa không. Chợ rộng lớn như chợ Bến Thành, chia ra từng sạp, đi hết cũng bở hơi tai. Nhưng vì chúng tôi chỉ cần bước ba bước là đã tới chợ nên đi hầu như khắp chợ. Ngoài hải sản khô, tôi thấy có một sạp bán toàn ớt khô, ớt bột, ớt giã nhỏ. Dân kim chi có khác, cay ác!

Trước ngày về, chúng tôi thi nhau ra vác đồ khô mang về làm quà. Mực khô, cá khô, không ướp gia vị chi cả, vậy mà ngọt lịm. Tay xách nách mang, đi tới đâu vang lừng mùi…khô! Khi về tới Montreal, giấy khai quan thuế phải hài rõ có mang seafood. Vậy là có màn đối thoại với nhân viên quan thuế phi trường. Seafood ông mang là thứ chi? Mực, cá xấy khô! Ông mua ở đâu? Nhật Bản và Đại Hàn. Cô quan thuế ký cái rẹt cho đi. Như vậy Nhật và Hàn cũng có uy tín. Nhưng có một điều nhân viên quan thuế không biết là khu chợ đồ biển khô Jungbu rộng rãi là vậy mà tuyệt không có một con ruồi. Họ sạch tới vậy sao? Tôi không nghĩ như vậy bởi vì rác rưởi nơi đây không thiếu, rất khác với Nhật. Họ còn khạc nhổ ngay trên đường rất mất vệ sinh. Vậy tại sao ruồi không bén mảng tới đây? Một bà có máu đa nghi buột lên câu hỏi: hay đây bán đồ made in China tẩm hóa chất nên ruồi tránh xa? Nghe cũng không phải là không có lý nhưng chẳng làm sao kiểm chứng được. Đồ khô đựng trong những thùng các-tông lớn rồi chiết ra những bao nhựa nên bao không có một chữ nào cả. Vào giờ khuya, khi chợ vãn người, các xe máy hai bánh thồ từng thùng hàng vào chợ, nếu tinh ý đọc chữ trên thùng hàng chắc cũng có thể biết xuất xứ món hàng nhưng họ chạy ào ào, lo tránh xe đã đủ mệt, mắt đâu mà nhìn chữ với nghĩa!

Tôi vẫn tưởng là hàng made in China không thể có mặt tại Nhật và Hàn. Chắc nhiều người cũng nghĩ như vậy. Nhưng chúng vẫn có, nhiều chứ không ít. Vào một tiệm bán đồ điện tử ở Tokyo, số hàng làm ở Trung Quốc nhiều hơn hàng làm ở Nhật. Thứ nào made in Japan được cửa hàng viết chữ to kềnh như muốn đập vào mắt khách mua hàng. Từ khi biết là anh thày lòn Trung Quốc có mặt tại Nhật và Hàn quốc có in rõ made in China chứ không dấu diếm chi cả, chúng tôi cẩn thận hơn khi mua bán. Tránh như tránh hủi thứ hàng vừa dỏm vừa độc địa ở bên đây, vậy mà đi Nhật đi Hàn lại tha thứ made in China về thì còn ra cái thống chế chi nữa!

Dạo quanh chỗ ở, tôi thấy một điều khá vui. Khu này là khu thương mại, cửa hàng san sát. Mỗi con đường bán một loại hàng. Tôi thấy có đường chuyên bán vật liệu xây cất, đường bán đèn, đường bán giấy và nhà in và nổi trội nhất là đường bán xe gắn máy và mô-tô. Nhìn lên bảng tên đường, tôi không biết thứ chữ ngoằn ngoèo trên đó có phải là Phố Hàng Đèn, Phố Hàng Giấy hay Phố Nhà In không?
Dân Hàn dùng nhiều xe hai bánh. Loại xe này chạy khá hỗn. Leo cả lên lề đường dành đất với khách bộ hành. Dĩ nhiên không  nhiều như ở Việt Nam. Xe hơi hầu như toàn xe nội địa như Huyndai, Kia. Ở Nhật tôi cũng thấy như vậy. Nhan nhản ngoài đường là xe Toyota, Nissan nhưng Honda lại ít thấy.

Khi biết tôi đi Đại Hàn, mấy ông bạn giao cho tôi nhiệm vụ rất nghiêm trọng: nghiên cứu tình hình thịt cầy tại xứ có tiếng là đả cẩu. Tôi có để ý các quán nhậu nhưng không thấy bóng dáng chiếc đùi vàng ngậy đặc trưng của loài cẩu mà chỉ thấy toàn lòng heo. Hai bà bạn đã có lần xâm mình thử thứ lòng này. Tôi kỵ thứ thường có mùi hôi nên không mặn mà chi. Hai bà cho biết là lòng ở đây ngon lắm, không có mùi chi cả.

Vẫn canh cánh trong lòng nhiệm vụ được giao phó, tôi lẳng lặng nhìn ngang ngửa mỗi khi đi qua một tiệm nhậu. Kể cũng lạ, dân Hàn xực thịt cầy còn bạo hơn dân Việt ta, mỗi năm họ xơi tái tới 2 triệu rưởi chú cẩu và có tới 20 ngàn tiệm thịt chó trên toàn quốc, doanh thu tới 2 tỷ đô Mỹ, vậy mà sao chúng biến đâu hết dưới con mắt thám tử của tôi? Hay là vì tôi tới Seoul sớm quá? Ngày 7 tháng 8 mỗi năm, ngày nóng nhất ở Hàn, mới là ngày hội thịt chó mà họ kêu là bok nal. Ngày này họ hàng nhà cẩu bị hy sinh nhiều nhất. Hay có lẽ từ Thế Vận Hội năm 1988 và World Cup năm 2002, bị thế giới chê cười, chọc quê, nên thịt chó đã rút vào bóng tối? Tôi không tin là một tập tục có từ thời nảo thời nao tới nay bỗng chốc bị dân Hàn bỏ rơi cái rụp dễ dàng như vậy. Niềm tin của tôi được củng cố vì một sự kiện xảy ra vào ngày 5 tháng 3 năm 2015. Ngày đó ông Đại Sứ Mỹ tại Seoul bị một ông tên Kim Ki-jong dùng dao rạch nhiều vết trên mặt và tay. Ông này đã 55 tuổi nhưng còn khỏe, đã tiến tới từ phía sau, ghì ông Đại sứ xuống bàn, hét lớn “Nam Bắc Hàn phải được tái thống nhất” và ra tay rạch. Ông Đại Sứ Mark Lippert, 42 tuổi, được đưa vào bệnh viện và phải khâu tới 80 mũi, nằm nhà thương tới 4 ngày. Ngay khi vừa được giải phẫu xong, một cụ ông người Hàn 70 tuổi đã tới bệnh viện tặng ông Đại Sứ món thịt chó và canh rong biển. Ông già này giải thích: theo phong hóa cổ truyền của Đại Hàn, thịt chó là thứ bồi bổ cho bệnh nhân sớm hồi phục sau khi giải phẫu. Tuy nhiên bệnh viện đã từ chối món quà này vì những quy định thực phẩm an toàn của bệnh viện.

Mới năm ngoái, thịt chó còn được dân Hàn quý trọng như thế, vậy mà chỉ một năm sau, khi tôi tới, sao lại không trông thấy một chú cẩu nhe răng nào vậy cà? Hay là trong những con chữ loằng ngoằng trước cửa các tiệm nhậu, biết đâu chẳng có những hàng chữ đại loại như cờ tây, đây rồi, sống trên đời, lá mơ mà tôi mù chữ đọc không ra! Biết ăn nói làm sao với các ông bạn đang mỏi mắt mong chờ ở Montreal đây?Vậy cho nên tôi vẫn canh cánh bên lòng chút hậm hực khi quy hồi Montreal!

05/2016
Website: www.songthao.com

Bức vẽ đoàn rước hoàng đế ngày xưa trên đường dẫn tới hoàng cung ở Seoul.


Du khách mặc quốc phục Đại Hàn tới viếng thăm hoàng cung.

 

Lính canh gác trước hoàng cung.

 

Cổng chính vào hoàng cung.

 

Ngai vàng trong hoàng cung.

 


Tượng Đô Đốc Yi Sun Shin.

 

Tượng hoàng đế Sejong, người ban hành chữ quốc âm của Hàn.

 

Cầu phun nước trên sông Hàn.


Xe hai bánh giao hàng.

 

Chợ Jungbu giống như chợ Bến Thành.


Phở Bay.

 

Một sạp bán hải sản trong chợ cá.


Ăn đường ăn chợ!


Vui chơi với học sinh Hàn.


Một tiệm bánh mực ở Tokyo.