NHẬT 3

Cưỡi tàu tốc hành từ Okayama, nơi chúng tôi đặt…đại bản doanh, tới Kobe chỉ mất khoảng một tiếng. Chính xác là 57 phút. Nói tới tàu tốc hành là phải nói tới chính xác trăm phần trăm. Chín giờ sáng chúng tôi đã tới thành phố nổi tiếng vì thứ thịt bò quý phái này. Nơi tới được ghi trên vé tàu là shin-Kobe. Lúc đầu thấy những cái tên lạ hoắc như shin-Osaka, shin-Kobe trong khi các địa danh Kyoto, Hiroshima thì lại chẳng có chữ shin ngồi ở trước, tôi thắc mắc: bộ có một thành phố Osaka thứ hai sao? Tìm hiểu ra mới biết shin là chữ viết tắt của tên tàu tốc hành shinkansen. Những thành phố nào mà ga tàu tốc hành nằm ở phía ngoài thành phố thì mang tên ga shin. Ngồi trên tàu vào thành phố tôi lại ngạc nhiên với một thứ không phải là thịt bò. Toàn thành phố đều có phủ sóng wifi!

Nhưng tới Kobe là tới với…bò. Nhiều người cho là bày vẽ, bò Kobe chỗ nào mà chẳng có. Tại thành phố Montreal của chúng tôi đã có phở bò Kobe. Ngay tại Việt Nam cũng có bò Kobe mắc đắng họng bán tại các tiệm chỉ có các đại gia và cán bộ đông địa lui tới. Vậy thì bò Kobe tại Kobe cũng rứa thôi chứ có chi quý! Đừng nói như vậy mà mấy con bò Kobe chúng cười cho. Bò Kobe chỉ có ở Kobe! Bò gọi là Kobe ở những nơi khác là thứ dỏm trừ Macao và Hồng Kông. Kể từ năm 2011, Macao là nơi duy nhất được nhập khẩu bò Kobe. Một năm sau, vào tháng 7 năm 2012, Hồng Kông mới theo gót Macao.

Bò Kobe là thứ bò chi mà hách xì xằng như vậy? Đó là một trong ba giống bò Wagyu cho thứ thịt ngon nhất thế giới. Hiện đàn bò Kobe chỉ có 3 ngàn con và không có con nào không mang quốc tịch Nhật Bổn. Chúng được nuôi dưỡng một cách hết sức trưởng giả. Thực phẩm của chúng là những thứ bổ dưỡng như bắp non, lúa mạch, cỏ tươi của vùng Kobe. Thức uống là nước chiết xuất từ nguồn nước tinh khiết, đôi khi chúng còn được nhậu bia nữa! Hàng ngày chúng đều được tắm bằng nước ấm và massage bằng rượu sake đặc trưng của Nhật. Nhạc Mozart, Chopin hay Beethoven được mở cho bò nghe mỗi ngày. Thiệt tội cho các đại nhạc sĩ này bị mang nhạc ra gảy vào tai…bò. Chính cách nuôi sang cả quý phái này đã khiến cho những lớp mỡ nằm dọc ngang trong thịt quyện vào lớp thịt nạc khiến cho thịt bò Kobe trở nên béo ngậy và thơm ngon. Thứ mỡ này không có cholesterol thường được gọi là mỡ vân cẩm thạch. Bò được giết thịt khi được một tuổi rưỡi. Mỗi năm chỉ có khoàng ba tới bốn ngàn con bò đủ tiêu chuẩn ra lò. Thịt bò Kobe được phân thành 5 loại, từ A1 đến A5 với mức giá chênh lệch khá lớn.

Thứ thịt bò Kobe chúng tôi được thưởng thức không biết thuộc loại A mấy nhưng phải công nhận là chưa bao giờ tôi được ăn một miếng thịt bò như vậy trong đời. Nó mềm nhưng không bở, vị thịt thơm lừng, vị béo quyện vào những thớ thịt như tan dần trong miệng.

Chẳng phải vì miếng ăn mà chúng tôi là những người đầu tiên xếp hàng vào tiệm, nhưng vì đi chơi thường xuất phát rất sớm vào buổi sáng kẻo uổng một ngày nên chúng tôi tới nơi sớm. Tiệm chỉ mở cửa vào lúc 11 giờ sáng. Cái lợi của những kẻ sớm sủa như chúng tôi là được ngồi ghế chờ. Hành lang của tiệm có một dãy ghế sát tường để khách ngồi đợi. Những người tới sau không có ghế ngồi nhưng còn được xếp hàng trong nhà đỡ gió máy lạnh lùng. Tới trễ hơn nữa phải đứng xếp hàng ngoài vỉa hè!

Tiệm có khoảng hơn trăm chỗ được phân bổ khá lạ. Họ chia thành từng cụm bàn, mỗi bàn có 14 chỗ. Nằm chính giữa bàn là một miếng kim loại hình trỏn khá lớn dùng làm bếp. Bếp lại được chia ra làm hai theo hình bán nguyệt, mỗi bên có 7 chỗ ngồi vây quanh. Đứng giữa hai bàn hình bán nguyệt là hai đầu bếp mặc đồng phục trắng, đội mũ cao trông rất tư cách. Mỗi người phụ trách nửa bàn gồm 7 thực khách. Trước mỗi thực khách đã được dọn sẵn một chén súp miso, một chén kim chi, một chén sà lách cà chua, một chén cơm và ba chén nước chấm. Trước hết họ xào tỏi đã được cắt thành lát lớn trông như miếng chip. Mùi thơm bốc lên. Sau đó đầu bếp gạt lớp tỏi qua một bên, lấy ra một phần thịt làm steak. Họ để nguyên miếng thịt 150 gram (thịt bò quý phái nên mỗi khẩu phần chỉ có vậy!), hỏi ý người khách muốn ăn thịt chín, trung bình hay hơi sống. Cũng giống như các nhà hàng làm steak khác. Làm chín sơ quanh miếng thịt xong, họ cắt thành từng miếng vuông vức vừa một miếng ăn, lật quanh bốn bề cho chín đều từng miếng nhỏ, gạt qua một bên. Tiếp theo là giá và hành được xào sơ. Bỏ thịt bò và tỏi vào một đĩa, hành và giá vào một đĩa khác. Vậy là xong một người. Lần lượt họ làm cho tất cả bảy người. Mời mọi người…thời!

Thưởng thức xong món thịt bò Kobe mong đợi từ lâu, chúng tôi hân hoan ra về. Lúc ra mới thấy quang cảnh chung quanh. Trước đó chắc miếng thịt bò tuyệt vời đã che mắt chẳng thấy chi. Hàng người xếp hàng từ trong ra ngoài đông nghẹt. Ngoài vỉa hè họ căng dây thành từng khối người, mỗi khối cũng cả vài chục nhân mạng. Tôi đếm ít ra cũng cả trăm người đang chờ diện kiến miếng thịt bò!
Sở dĩ họ phải phân ra từng khối là để tránh làm trở ngại cho việc lưu thông trên vỉa hè. Vỉa hè tại các thành phố ở Nhật rất rộng. Xe đạp và khách bộ hành dùng chung. Họ chia ra làm đôi, chiều lên và xuống. Xe cộ dưới đường chạy theo lằn trái thì khách bộ hành trên vỉa hè cũng theo luật như vậy. Cứ bên trái mà đi. Có chỗ có mũi tên chỉ, có chỗ không, nhưng người đi bộ vẫn tuân theo thứ tự như vậy. Đặc biệt chỉ có ở Osaka là ngược lại: giữ bên phải. Tôi thắc mắc chẳng biết tại sao.

Cũng thắc mắc là vạch phân chia vỉa hè ra làm hai bên phải, trái. Thường vỉa hè được lát bằng gạch màu xám vuông vức, mỗi cạnh khoảng 30 phân. Gạch vàng phân chia vỉa hè cũng cùng kích cỡ nhưng đặc biệt có những đường nổi cỡ ba phân chạy dọc trên viên gạch. Nếu chỉ để phân chia thành hai bên thì cần chi phải dùng viên gạch màu vàng lớn như vậy. Chú ý thêm thì thấy khi tới đầu mút vỉa hè, chỗ tiếp giáp với đường xe chạy cắt ngang, thì có thêm đường gạch vàng chặn ở đầu vạch vàng. Loại gạch nằm ngang này không có dọc nổi mà có những chấm nhỏ nằm khắp viên gạch. Suy ra mới biết là đường vạch vàng này dành cho người khiếm thị di chuyển. Không những trên vỉa hè của tất cả các con đường lớn nhỏ mà đường đi trong các công viên, nhà ga đều có gạch vàng như vậy. Khi đèn giao thông đổi màu xanh cho lưu thông thì có tiếng chim kêu báo cho người khiếm thị biết có thể qua đường an toàn. Với tất cả tiện nghi tốn kém như vậy mà trong suốt thời gian ở Nhật, tôi chỉ thấy có một người khiếm thị đi bằng gậy, nhưng ông này có cô con gái kẹp tay dẫn đường!

Làm sao giữa những con phố ồn ào mà có thể lo cho dân chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh thanh thản? Nhật làm được. Chuyện này tôi thấy ở hai thành phố Tokyo và Kyoto. Thường giữa hai làn đường xe chạy ngược xuôi, chúng ta làm giải phân cách bằng những con lươn, hàng cây hay vẽ những vạch vàng kẻ xéo cấm lưu thông. Nhật làm khác, họ đào thành một đường hào lộ thiên sâu chừng chục thước, có cây leo trên tường, hoa trồng dưới đất, ghế đá công viên và nhất là có con suối nhân tạo nước chảy qua những bờ đá gập ghềnh. Dân chúng có thể chạy, đi bộ, tập thể dục hoặc đơn giản ngồi nghỉ ngơi giữa khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh ngay giữa hai làn đường xe cộ nhộn nhịp tối ngày.

Lo cho đời sống của người dân hầu như là trách nhiệm hàng đầu của người cầm quyền. Tôi thấy người dân Nhật khi làm việc thì làm cật lực, khi vui chơi cũng chơi tới bến. Người trẻ hòa vui đã đành, người già cũng xôn xao tươi vui trong những dịp hội hè đình đám. Có lẽ họ có chung một niềm tự hào là con dân của xứ thái dương thần nữ. Họ luôn vươn lên mỗi khi gặp nghịch cảnh như sóng thần, mưa bão và động đất. Khi tôi đang ở miền Nam nước Nhật thì xảy ra hai trận động đất tại Kumamoto cách nhau chỉ có hai ngày. Trận sau mạnh hơn đo được 7.3 trên địa chấn kế Richter. Con số này tương đối là mạnh. Có tất cả 41 người thiệt mạng và 110 ngàn người được di chuyển ra khỏi nhà. Bạn bè khắp nơi gửi mail thăm hỏi. Thiệt tội! Chúng tôi không cảm thấy chi. Chỉ khi coi ti-vi mới biết cớ sự. Ngay ngày hôm sau của trận động đất thứ hai, chúng tôi tới Hiroshima, gần trung tâm động đất hơn. Thành phố vẫn bình thường, chỉ có một vài chuyến tàu xuôi Nam bị bãi bỏ. Sau đó, tại khu downtown của thủ đô Tokyo, tôi gặp từng toán sinh viên đứng ngoài đường quyên góp cứu trợ rất sôi nổi.

Dân Nhật đã cam chịu nhiều thiên tai nhưng họ vẫn vươn lên sau mỗi nghịch cảnh. Nhân tai cũng đổ xuống đầu dân Nhật khi họ là nước duy nhất hứng chịu hai quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki trong Thế Chiến thứ hai. Theo một số tài liệu thì đáng lẽ thành phố hứng bom là Kyoto nhưng vì Kyoto có nhiều di tích lịch sử nên Hiroshima bị lãnh búa thay cho cố đô Kyoto.

Kyoto quả thật là một thành phố của quá khứ. Đi bất cứ khu nào cũng đụng vào lịch sử và văn hóa Nhật. Những hàng cây có dáng đẹp như những cây bonsai khổng lồ, những mái nhà cách điệu cổ kính, và nhất là những chùa chiền, đền đài, cung điện. Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là văn hóa Nhật, nên không có con mắt chuyên môn để nhìn ra những tầng lớp văn hóa Nhật nằm chồng chất trên những kiến trúc cổ kính nơi cố đô này. Tôi cảm được cái đẹp rêu phong đầy sắc màu thiền định, cái trầm uất của những viên gạch, mái ngói, cái phong cách đặc trưng của đất nước Phù Tang. Nhưng chỗ nào cũng cùng một sắc thái tương tự dễ làm cho con mắt tầm thường nhàm chán. Coi vài ba cảnh chùa, viếng vài ba cổ tự, nhìn vài ba cung điện là đủ. Riết rồi như thấy chỗ nào cũng như chỗ nào. Tình cờ chúng tôi gặp ông Đỗ Thông Minh nơi một cửa chùa ở Kyoto. Ông gợi ý phải tới thăm chùa Vàng.

Tên Nhật của Chùa Vàng là Kinkakuji, đọc theo âm Hán Việt là Kim Các Tự. Chùa được xây vào năm 1397 và dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tướng quân Yoshimitsu Ashikaga. Về sau, con của ông cho đổi hành cung này thành chùa và thiền viện cho tín đồ Phật Giáo. Trong cuộc chiến Onin vào nửa cuối thế kỷ thứ 15, chùa bị đốt cháy rụi. Sau đó được xây lại. Chùa được đưa vào sách giáo khoa tại các trường học trên khắp nước Nhật và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là một trong những thắng địa nổi tiếng nhất của Nhật. Năm 1950, một tiểu tăng nổi loạn đốt chùa. Chùa được xây lại vào năm 1955 nhưng không còn được coi là quốc bảo nữa. Chùa có ba tầng, hai tầng trên được dát vàng nguyên chất phía tường bên ngoài.

Khi tới Chùa Vàng, tôi không chú ý nhiều tới chuyện dát vàng thật của chùa mà người ta nói tốn hết 20 kí vàng. Nhưng phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời. Chùa nằm soi bóng xuống ao Kyoko-chi, đọc theo âm Hán Việt là Kính Trì, nghĩa là ao gương. Mặt nước ao trong vắt khiến bóng chùa soi xuống như có tới hai cảnh chùa nằm lộn ngược nhau. Phong cảnh chung quanh thật hài hòa. Khách viếng thăm chỉ được đứng từ xa ngắm nhìn. Chắc sợ cho khách tới gần có thể  có người táy máy bóc vàng chăng! Lớp vàng này được dát thêm vào năm 1987.

Cuộc đốt chùa của vị tiểu tăng vào năm 1950 đã được nhà văn Mishima Yukio dựa vào để viết thành cuốn truyện Kinkaku-ji đã được Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và xuất bản tại Sài Gòn vào cuối thập niên 1960 mang tên “Kim Các Tự”. Tác giả Yukio Mishima được cho là người hiệp sĩ samurai Nhật cuối cùng. Ông đã tự sát theo nghi lễ hiệp sĩ đạo harakiri vào năm 1970, lúc 45 tuổi, để phản đối chính phủ Nhật.

Ngôi chùa tôi thích nhất khi tới thăm là chùa Kangetsudo ở Tokyo. Ngôi chùa này không giống ai. Sau khi mua vé vào cửa, người ta chỉ nhìn thấy một tượng Phật khổng lồ ngồi trên bệ cao giữa những cây hoa anh đào. Bức tượng bằng đồng này cao 11 thước 30, nặng 121 tấn, được dựng nên vào năm 1252. Thoạt đầu tượng được đặt trong ngôi chùa mang tên Daibutsu-den nhưng ngôi chùa này đã bị bão lụt tàn phá vào năm 1334 và 1369, và nhất là trận động đất vào năm 1498. Từ đó tới nay tượng trơ thân cùng tuế nguyệt.
Du khách thắp nhang cầu nguyện trước tượng Phật không chùa. Tôi luồn qua phía sau mới thấy một ngôi chùa nhỏ có rào cản chỉ được nhìn từ xa. Trong chùa vắng lặng, không có một chỉ dấu nào là có sự sống. Nhìn vào tấm bia ghi ở phía ngoài mới biết ngôi chùa nhỏ này trước đây được dựng trong hoàng thành ở Seoul, Đại Hàn. Chùa được ông Kisel Sugino tặng vào năm 1924. Tôi ngồi trên một tảng đá phía trước chùa. Phong cảnh yên tĩnh lạ thường. Phía trước nơi có tượng Phật khổng lồ nhộn nhịp thiện nam tín nữ, phía sau nơi ngôi chùa nhỏ bé này vắng bóng người. Hình như thế gian thường tình chỉ chuộng những gì to lớn vĩ đại! Tôi chụp được vài bức hình có hoa anh đào ngả vào tượng.

Tới Nhật vào đầu tháng 4 là mùa anh đào nở rộ, anh đào chào đón chúng tôi trên mỗi bước di chuyển. Vườn hoa quốc gia Shinjuku Gyoen tập trung những gốc đào cổ thụ. Anh đào là hoa của Nhật đã được phát triển tại các thành phố lớn khắp năm châu bốn biển. Tôi đã từng tới coi anh đào tại Thủ đô Washington của Mỹ, tại Vancouver của Canada, nhưng không nơi nào có những gốc đào cổ thụ như ở công viên này. Có những cây đã già nua bị cắt cụt tất cả cành và lá nhưng từ thân cây vẫn túa ra những cành hoa rậm rạp rực rỡ. Không biết có bao nhiêu giống anh đào. Mỗi cây là một kiểu hoa khác. Người ta mang những tấm bạt trải ra trên cỏ, dưới gốc đào, cả gia đình bày ra ăn uống vui chơi. Có những cặp tình nhân, tìm tới một gốc cây khuất, ngồi tình tự dưới những cánh hoa đào rụng xuống theo từng cơn gió nhẹ. Tôi chưa thấy nơi nào anh đào toát hết ra vẻ đẹp như ở đây. Hằng hà sa số những máy hình chĩa vào hoa cố thu hết vẻ đẹp hiếm có. Những cây gậy selfie ngổn ngang khắp chốn. Tôi bắt gặp một du sinh Việt Nam mặc áo dài đứng làm mẫu cho bạn bè chụp hình liên miên trên từng gốc đào.

Bất cứ nơi nào tôi đi qua, trên đường phố, bên ven hồ, dưới những cây cầu cong cong, những cánh đào nhởn nhơ đùa cợt với gió. Cả thành phố phô ra vẻ đẹp với những chùm hoa hồng đỏ. Tại Osaka, trong một công viên, tràn ngập hoa đào, một ông già ôm cây tây ban cầm có loa khuếch âm ngồi đàn say sưa. Tôi chợt nhớ tới bài hát Sakura, có nghĩa là hoa anh đào, và yêu cầu ông đàn cho mọi người nghe. Ông già vểnh tai nghe tôi nói nhưng lắc đầu không hiểu. Tôi nhấn mạnh chữ sakura. Ông vẫn ngớ ra. Lạ thật! Dân Nhật mà không biết sakura! Tôi vận dụng tay để diễn tả. Tay tôi chỉ lên cây anh đào đang rộ hoa. Ông già nhe răng cười, đầu gật gù. Ông nói lại: sakura! Nghe ông phát âm mới thấy khác với lối phát âm của tôi tới cả cây số! Phát âm của tôi thẳng đuồn đuột, phát âm của ông lên xuống, chỗ nhấn mạnh chỗ buông nhẹ, ông không hiểu là phải. Ông ôm cây đàn, gẩy bài Sakura. Tiếng đàn mộc mạc vang lên giữa những cánh hoa rụng coi bộ có hồn hơn đĩa nhạc tôi nghe ở Montreal. Chuyện chi cũng có nơi có chốn cả!

Nói tới hoa đào phải nhắc tới một vật kỷ niệm mà ai đi Nhật cũng tìm mua. Đó là cây dù đặc biệt của xứ hoa đào. Mở ra cây dù trông bình thường như mọi cây dù khác. Nhưng nếu gặp mưa, lớp vải trên dù sẽ nở ra những cánh hoa anh đào! Nói vậy cho thêm phần hấp dẫn chứ thực ra người ta vẽ những cánh hoa anh đào trên vải lợp dù bằng một chất gì đó mà khi gặp nước những cánh hoa vẽ mới hiện ra.

Thường những cây dù này không có bán tại các tiệm bán dù mà bán tại các địa điểm nhiều du khách tới viếng thăm như trước các chùa chiền, di tích, thắng cảnh. Hầu như chẳng ai không vác về ít nhất một cây. Có bà vớ vội năm bảy cây về làm quà cho người thân. Dù có thứ ngắn, có thứ dài. Ai thích ngắn, ai thích dài, nhân tâm tùy mạng mỡ!

Trên máy bay rời Nhật, những bó dù nhiều khi tới ba bốn cây cột lại với nhau, được các bà vác như những kiếm sĩ samurai trong các phim cổ trang Nhật. Nếu một ngày mưa gió nào đó, các bạn bỗng thấy hoa đào nở rộ trên dù tại Montreal thì cũng đừng ngạc nhiên. Phe ta đó!

05/2016
Website: www.songthao.com

       
Thịt bò Kobe.


Xếp hàng chờ ăn thịt bò Kobe.


Sinh viên Nhật quyên tiền giúp nạn nhân động đất tại khu downtown Tokyo.


Tượng Phật khổng lồ và hoa đào tại chùa Kangetsudo ở Tokyo.


Cảnh chùa nhỏ do Đại Hàn tặng tại chùa Kangetsudo.


Đôi tình nhân dưới cội hoa đào tại Tokyo.


Một loại hoa anh đào hiếm thấy.


Áo dài Việt Nam với hoa anh đào.


Cây anh đào cổ thụ.


Cây anh đào cổ thụ bị xén cành vẫn tiếp tục ra hoa.


Nơi thư giãn của dân chúng nằm sâu chia đôi hai làn đường lưu thông ở trên tại Kyoto.


Chùa Vàng Kinkakuji.