Biết nói chi
Gặp gỡ
Gió chướng
Nẻo ngược
Những con cá của già Sam
Vương tơ
Bỏ hoang đời
Trên đường thiên lý
Cuối ngày, một lần ngồi lại
Mùa hè đã qua

 

GẶP GỠ

Chiếc bao bằng giấy dầu bị bàn tay Phú xách cổ nhăn nhúm ở phía trên tạo hình dáng một chiếc chai được đặt xuống bàn. Anh Ba, anh Tư chôn mắt nhu muốn nhìn thấu qua lớp giấy màu vàng xỉn.

''Anh Ba khui đi!''

Chẳng đợi Phú mời thêm, anh Ba thận trọng kéo mép bao xuống, nắm cổ lôi ra một chai xanh mờ. Anh Tư cười phô ra hai chiếc răng cửa bịt bạc.

''Mèng đéc ơi! Lâu lắm mới ngó thấy lại cái mặt nó.''

Phú nhún nhường bóp nghẹt lời xuýt xoa của anh Tư.

''Saigon thiếu giống cha gì thứ này, anh Tư.''

'' Thì biết là có, nhưng có bao giờ dám liếc mắt tới nó đâu. Mình đâu có thuộc loại anh hai mà đòi trèo cao. Thứ này ngoại chính tông đấy cậu Hai nhỉ?''

''Thì ngoại đứt đuôi chứ còn gì nữa. Tôi mua ở Dubai khi máy bay ghé đổ xăng.''

''Vậy thì chắc ăn chín mươi hai phần dầu rồi. Ủa, nói tới dầu lại nghĩ tới già Lộc. Cậu còn nhớ Lộc chạy cliché Dầu cho mình hồi nẳm không?''

Phú muốn chọc anh xếp typo chút đỉnh.

''Lộc à? Tôi không nhớ, chỉ nhớ cái nốt ruồi bu có hai sợi lông dài ngoằng trên mép trái thôi.''

Anh Ba chạy giấy cho tòa báo hồi đó, vốn hiền lành ít nói, xổ ngang.

''Cậu này thiệt! Hai sợi lông đó giờ bạc phếch coi ngộ lắm.''

Anh Tư châm chọc.

''Cái đầu anh cũng bạc nát nước mà kêu sợi lông của người ta ngộ. Chuyện mình không lo đi lo chuyện bao đồng không à!''

Anh Ba toác miệng cười không ra tiếng. Nước da anh vốn đã đen xạm lại thêm lấm tấm những lỗ sẹo tròn như đầu kim cúc càng làm cho đậm thêm. Mái tóc cắt ngắn một phân rưỡi đều rắp từ trước tới sau đen nhánh ngày nào nay đã lỏi chỏi trắng nhiều hơn đen. Cái đầu vô tình làm hại cái mặt. Mái tóc làm nước da mặt anh tối thui. Nhưng anh được cái cười, vừa hiền vừa tươi, làm khuôn mặt vừa có duyên vừa sáng được chút đỉnh.

''Để tôi chạy đi coi già Lộc có hưởn, kêu hắn lại nghe cậu Hai! Gặp lại cậu chắc chả mừng rêm.''

Anh Tư xì một tiếng.

''Cái thẳng lúc nào chẳng hưởn. Kêu hắn lại cho đủ bộ!''

Anh Ba đã dợm đứng lên còn cà khịa.

''Cái thằng khéo làm tốt! Tui hỏi cậu Hai chứ hỏi già à?''

Hai anh già này coi bộ khắc khẩu dữ. Phú gạt ngang.

''Anh Ba đi kêu hắn đi. Gặp được người nào vui thêm được chút đó.''

Anh Ba dắt chiếc xe đạp dựa sát phía trong cửa phóng đi. Dáng anh còn nhanh nhẹn chẳng thua những ngày chạy giấy xưa. Phú nhớ hồi đó tòa soạn trông vào một tay anh. Có chuyện là anh phốc lên chiếc xe đạp màu đen chắc nịch nặng như cái cùm đi liền bất kể nắng mưa. Nhiều khi giữa trưa nóng điên người, ngồi trong mát nhìn ra ngoài nắng còn thấy ớn, vậy mà anh Ba vẫn chẳng ngại ngùng, giơ đầu đội nắng chẳng một chút than van. Nhìn những giọt mồ hôi lăn trên mặt anh mà ái ngại. Thế mà anh vẫn phô nụ cười hiền lành chân chất. Có những ngày Phú bệnh không tới tòa báo, anh như con thoi đạp qua đạp lại từ Thị Nghè tới Phạm Ngũ Lão, lấy từng trang viết mang về cho anh Tư sắp chữ cho kịp ngày báo ra.

Chữ vào tay anh Tư thì dư sức kịp. Đôi tay anh thoăn thoắt dùng chiếc kẹp nhón từng miếng chì chút xíu sắp ngược vào chiếc khung cầm gọn trong tay. Anh đọc chữ ngược nhanh chẳng kém gì chữ xuôi. Phú nhìn vào bản chữ chì của anh chẳng thấy mô tê gì nhưng hỏi thì anh đọc từng câu vanh vách. Mỗi khi muốn sửa gấp vài chữ, Phú ngại khi bắt anh phải gắp chữ bỏ ra, thay vào những chữ khác, nhưng anh thì vẫn vui vẻ vứt ra gài vô những con chữ ngược ngạo đen xì, đẩy tới đẩy lui sắp cho khít hàng. Sửa xong, anh nhanh nhẹn quệt mực lên những con chữ, đập lên miếng giấy bổi ướt thành bản vỗ cho Phú kiểm lại. Thường thì bản xếp chữ của anh rất ít lỗi. Thày cò khỏe ru. Nhấp nháy đã có thể phê được chữ OK liền. Nhưng gặp bản chữ của mấy đệ tử anh Tư thì sửa nát nước. Thày cò bực dọc la lối chỉ có anh Tư lãnh đủ. Cách lãnh của anh xem ra cũng khá nhẹ nhàng. Anh úp bản vỗ kín mít những chữ sửa mực đỏ xuống bàn, vỗ vai anh thày cò, xổ nước nhỏ. Bỏ qua đi anh Năm, tụi con nít anh coi như con cháu anh cho chúng nó mừng, để tôi rày chúng nó cho nhớ, chiều nay la de anh Năm há! Tính anh Năm hợp với la de nên mọi chuyện vui vẻ cả. Trở xuống nhà chữ, anh vừa la vừa chỉ cho tụi nhỏ bằng cái giọng nhỏ nhẹ có lẽ anh học được từ những anh kép mùi trong tuồng cải lương trên ti vi. Tụi nhỏ thì cũng chẳng xa lạ gì. Con anh cũng có, con mấy gia đình trong hẻm muốn học nghề cũng có, cháu chắt họ hàng của nhân viên trong tòa báo cũng có. Gửi nó cho anh Tư, dù sao, cũng có một nghề kiếm ăn khá trong thời kỳ báo chí nở rộ khắp Saigon.

Anh Tư vẫn giữ được bộ mặt sữa với làn da trắng, mái tóc chải vuốt ra sau lơ là một nét phồng phía trước. Trông anh vẫn còn phong độ tuy khuôn mặt đã bớt tròn, mái tóc thưa thớt ít ra cũng đã ba bốn phần bạc, và cái cười hiền lành xưa đã vất vả nhiều nếp nhăn dọc ngang trên mặt.

''Hồi này làm ăn gì không, anh Tư?''

''Đụng đâu xâu đấy cậu Hai à. Bây giờ việc nó chọn mình chứ mình đâu có quyền chọn việc nữa.

'' Chắc chẳng còn việc cũ của anh nữa nhỉ?''

Anh Tư cười nhẹ lắc đầu.

''Tiêu rồi cậu Hai ơi!''

''Rầu dữ hả?''

''Rầu thì ráng chịu chứ biết sao. Mình bị qua mặt cái vù chẳng lẽ ngồi bên lề đường ôm bụng đói mà càm ràm.''

Phú tinh nghịch giỡn.

''Chắc anh thù mấy thằng cha sáng chế ra cái máy điện toán lắm nhỉ?''

Anh Tư cười buồn, giọng trong veo nhẫn nhục.

''Đời mà cậu! Mình bị đào thải thì xoay qua mần ăn chuyện khác. Tiến bộ thì nó cứ phải tiến chứ, mình lội bộ không theo kịp thì ráng chịu. Thù hận gì vô duyên vậy cậu Hai.''

Phú thấy tức cười với lối chơi chữ của anh thợ sắp chữ yêu nghề nhưng mất nghề. Anh xí xóa câu chuyện chẳng mấy vui.

'' Tôi giỡn cho vui vậy mà. Thường thì mất cái này lại được cái khác. Chưa được bây giờ mai mốt biết đâu lại được nhiều hơn. Ráng nghe anh Tư!''

Anh Tư cười khan, nét mặt nhăn nhó thảm hại. Tiếng thắng xe honda nghe rít rát nơi đầu hẻm. Lộc dựng xe, nhảy phóc xuống ôm lấy Phú.

''Mèng đéc ơi, ai ngờ có lúc này cậu Hai à! Gặp lại cậu thiệt ngộ hết sức. Vui quá xá là vui! Nghe anh Tư nói tôi bổ nháo bổ nhào tới liền.''

Phú nắm chặt đôi vai Lộc, bóp mạnh.

''Khỏe chứ anh Lộc?''

''Khỏe hổng nổi cậu Hai ơi!''

''Anh có mang cho tôi cliché tấm hình dặn làm gấp hôm qua không?''

Lộc toét miệng.

''Quên mất tiêu rồi cậu Hai à! Chút xíu nhờ anh Ba đạp gấp qua bển lấy dùm nghe cậu Hai.''

Anh Ba vừa trờ tới, dựng chiếc xe đạp vô tường, đưa tay quệt mồ hôi trên mặt, càu nhàu.

''Thằng chi đâu không! Chạy như bị công an rượt không bằng, theo muốn đuối luôn.''

Lộc giả lả.

''Bị nghe tin cậu Hai về nóng lòng muốn gặp mới xả hết ga chứ bộ. Thôi, cho xin lỗi nghe bồ.''

Anh Tư ngồi nhìn cái nhộn nhạo của ba người bằng cặp mắt giễu cợt, chêm vào.

''Mà anh Ba theo thằng chả làm chi vậy?''

Anh Ba ngớ người sựng lại, nói trỏng.

''Ừ há! Theo nó làm chi vậy cà?''

Cả bốn người cười oang oang rung cả đường hẻm. Mấy đứa con nít trần trùng trục ngừng chơi giương mắt nhìn, nhe răng cười góp. Con chó vàng của anh Ba nằm dưới gầm bàn cũng hếch mõm lên ngơ ngáo. Chị Ba, vẫn nhếch nhác như xưa, lặng lẽ bưng ra mấy đĩa đồ nhậu mời khách. Phú đưa chai rượu cho anh Ba. ''Khui cho ngon nghe anh Ba!''

''Thôi, hổng dám đâu, để cậu!''

''Tui nói anh khui mà. Hai anh có đồng ý không?''

Vẻ ngại ngần trên nét mặt hai người được hỏi ý kiến. Anh Tư vẫn chậm rãi, nhỏ nhẹ như bao giờ.

''Cậu Hai khui lấy hên đi rồi chia cái hên đó cho tụi tui mỗi đứa một miếng xài cho đỡ khổ.''

Ba cặp tay vỗ làm Phú khó xử.

''Thôi được, tôi nhận. Nhưng mình đang ngồi trước nhà anh Ba nên nhờ chủ nhà khui cho được đất. Làm lẹ đi anh Ba, nguội hết đồ nhậu của chị Ba bây giờ.''

Phú không uống được nhiều. Anh vừa nhâm nhi vừa nhìn những khuôn mặt thân quen cũ sảng khoái chén chú chén anh. Hình như đã lâu lắm họ mới lại có một cuộc rượu đã đời như vậy. Anh Tư càng uống mặt càng tái, nói nhiều nhưng giọng nói vẫn nhỏ nhẹ khéo léo. Anh Ba lầm lì vừa uống vừa nhìn những người trong bàn bằng cặp mắt đầy những tia máu đỏ đậm. Phú có cảm tưởng là rượu chẳng thể gài màu đỏ vào làn da đen sậm của anh nên dồn tất cả máu lên mắt. Anh Lộc ngật ngừ nhìn Phú cười hoài. Những cuộc nhậu ngày xưa thường chỉ có năm người khởi đầu vào mỗi chiều thứ bảy sau giờ làm việc, rồi châm thêm bằng những bè bạn người thì chọt qua một chút, người thì lăn vào ngồi đồng luôn. Bốn người nay còn ngồi đây, mỗi người đuổi theo một ý nghĩ riêng. Anh Năm thày cò chẳng còn ngồi đâu được nữa. Cuộc sống thúc bách nhọc nhằn sau ngày đổi đời đã du anh trầm mình xuống giòng nước đục ngừ của một nhánh sông nào đó trên miệt Thủ Đức. Phú nhìn ra đường, cái nhìn vu vơ nhưng không hẳn là không mong một bóng dáng quen thuộc chạy ngang xà vào. Đường phố vẫn tấp nập xe cộ nhưng con đường báo chí ngày xưa nay không còn là chốn tạt qua của những người quen cũ. Họ tản mạn phương nao, Phú ngâm ngùi tự hỏi. Tay anh máy móc đưa ly rượu lên môi. Chất nước màu hổ phách anh uống ở nơi tạm cư nghe khác ở chốn này. Thì cũng vẫn thứ rượu đó, cũng vẫn chất cay đó, nhưng vị giác của anh bắt được nhiều vị đắng hơn. Khuôn mặt của anh Ba, anh Tư, anh Lộc chập chờn trước mắt anh nhưng trong đầu anh đã nhân thêm nhiều khuôn mặt khác, những khuôn mặt anh đang thiết tha sẽ xẹt qua, ngồi xuống, thêm cái ly, bỏ vài cục đá, ấn đầu chai rượu xuống, nâng ly lên, cụng, cười tở mở.

Tiếng máy honda ồn ào vọng vào từ đầu hẻm. Còi xe thúc bách làm dạt đám trẻ đang chơi đùa. Tiếng thắng gấp bên bàn rượu làm Phú giật mình nhìn lên. Nụ cười nở tươi dưới cặp kính mát to bản che gần lấp hết khuôn mặt. Anh Ba quay người lại nạt nộ.

''Chạy chi mà dữ vậy, con ngựa? Thấy ai đây không?''

Người con gái dựng vội chiếc xe, ào tới nắm tay Phú.

''Chú Hai! Lâu dữ à!''

Ba bộ mặt rượu dãn ra nhìn chăm chăm vào cặp mắt ngơ ngẩn của Phú. Chỉ khi người con gái gỡ cặp mắt kiếng xuống Phú mới ngập ngừng dò hỏi.

''Cúc phải không?''

''Bộ cháu già lắm hay sao mà chú không nhận ra?''

Phú chưa kịp phản ứng thì anh Ba đã chen vào.

''Già thiệt chứ bộ gì nữa! Một đời chồng rồi đó cậu Hai.''

Cúc quắc mắt.

'' Ba này thiệt!''

''Bộ tao nói không đúng sao, con ngựa?''

Mắt Cúc quắc thêm, ánh lửa đậm hơn, giọng nạt nộ.

''Ông già xỉn rồi, ông ơi! Một đời chồng thì thây kệ tui chứ! Mắc mớ chi nói!''

Anh Ba quắc mắt lại.

''Mi nói ai xỉn? Còn lâu mới xỉn. Có mặt cậu Hai đây đừng đổ hỗn. Tao ghè cho thấy mụ nội bay bây giờ, con ngựa!''

Đang uống rượu bị quở là xỉn tức chịu gì nổi. Phú thông cảm với cơn giận của anh Ba. Anh nhìn qua nhìn lại hai cha con, ỡm ờ giải hòa.

''Đừng nóng, anh Ba! Để tội con nhỏ này tính sau. Vô hè! Năm chục phần trăm nghe anh Ba! Cúc này, ba cháu cứng rượu lắm, còn lâu ổng mới xỉn. Uống rượu với ba cháu lâu năm chú biết mà. Anh Ba chỉ xỉn trước mọi người chút đỉnh hà chứ không lâu đâu.''

Lộc cười ngoác miệng, đầu gật gù. Anh Tư, vẫn giọng nhỏ nhẹ chậm rãi, chêm vô.

''Xỉn gục xuống bàn chỉ nhấp nháy là hồn vía chu du rồi, một chút hay hai chút thèm biết hà!''

Anh Ba bị chọc quê, giơ ly thách anh Tư.

''Thằng đía này, trăm phần trăm nghe mậy!''

Cúc tỉnh bơ nhấc ly rượu của Phú lên uống ké. Anh Ba dốc ngược ly, khà một tiếng, nhón miếng cốc đưa cay, nhìn anh Tư đổ đủ trăm phần trăm rượu vô miệng, quay sang cà khịa tiếp với con gái.

''Cái con này, sao mi dám uống ly của cẩu?''

Cúc làm như anh Ba chỉ là chiếc bóng mờ không đáng quan tâm, vênh mặt nói với Phú.

''Uống ít thì có quyền ké chứ, phải hôn chú Hai? Chú có phiền chi cháu không?''

Có phiền thì cũng phải đổ phiền xuống sông xuống biển hết, huống chi phiền thế quái nào được khi Phú nhìn khuôn mặt mịn màng trắng hồng của Cúc khiêu khích ngước lên nhìn anh. Khuôn mặt này, trong trí nhớ của Phú, là một vẻ ngây thơ rất đỗi nhu hiền, hiếm khi mở miệng nói một câu không cần thiết. Anh không trả lời câu hỏi của Cúc, mà buột miệng nói ra những ý nghĩ trong đầu.

'' Con nhỏ này đía quá! Ngày trước nó đâu có vậy hè!''

Mặt Cúc chẳng hạ xuống một phân nào, giọng hằn học vờ vĩnh.

'' Đời dạy cháu đấy chú ơi! Thôi, để cháu đóng vai hiền lại cho vừa lòng chú nghe. Coi nè, rượu của chú Hai là rượu xịn mà mồi thì chỏng chơ thế này coi sao được. Chú có thấy vậy không?''

Trên bàn, đồ nhậu của chị Ba chỉ còn dính đĩa. Thậm chí đĩa cốc chấm muối ớt cũng chỉ còn chơ vơ một lát mỏng dính. Mải chuyện trò, thách nhau uống, chẳng ai để ý. Giờ nghe Cúc nói, mọi người mới thấy mấy chiếc đĩa nằm giơ xương ra. Anh Ba dợm đứng dậy chạy vào nhà thì Phú vội cản.

'' Thôi, đừng làm phiền chị Ba nữa anh Ba à! Để coi gần đây có gì nhậu được bắt bậy vài đĩa về cho tiện.''

Cúc đẩy sóng mắt về phía Phú.

'' Nói vậy nghe được chưa nào! Nhưng quanh đây thì có gì ra hồn đâu. Chẳng mấy khi có rượu ngon, lại hội ngộ với quới nhơn, để cháu chạy lên chợ Cũ quơ ít đồ nhậu về cho xứng với dịp vui này chứ, phải hôn?''

Anh Ba bụng khó chịu thấy mình không được chu đáo trong vai chủ nhà, vội dục con gái.

'' Ừa, bay đi đi chứ ngồi đó mà rao nam rao bắc. Nhớ kiếm ít con đuông bọc bột chiên bơ về cho cậu Hai nhức răng chơi nghe mậy!''

Cúc đeo lại cặp kiếng mát, xỏ đôi găng tay dài tới gần khuỷu tay, kéo ghế đứng dậy. Phú vội bảo anh Ba.

'' Để tôi đi với cháu.''

Anh Ba gạt phăng.

'' Mược nó mà, cậu Hai. Nó mới trúng mánh nhằm chi với nó.''

Cúc thủng thẳng chẳng ra giỡn mà cũng chẳng ra thiệt.

'' Mánh gì thì mánh, sức đâu mà đọ với Kiều. Phải hôn chú?''

Phú xăng xái đứng dậy.

'' Mấy anh ngồi uống tự nhiên, tôi xẹt đi với cháu một xíu về liền.''

Anh Ba nói vớt theo tiếng máy xe vừa nổ bong bong.

'' Thiệt tình, con nhỏ!''

Xe ra hết con hẻm, Cúc lượn gắt qua trái. Phú chới với suýt té. Chiếc yên đôi liền nhau chẳng có một chỗ vịn tay, anh luống cuống ôm hờ vào hông Cúc. Tiếng Cúc bạt theo gió.

'' Chú ôm eo cháu cho chắc ăn.''

Miệng nói, tay Cúc nhấc tay Phú đặt lên bụng mình. Phú chẳng thể rút tay về. Bụng Cúc êm ả như miếng mút có tình. Cúc lên ga. Người Phú dán vào lưng Cúc. Vành tai nhỏ chập chờn phả mùi thơm vào mũi Phú. Cúc nghiêng mặt về phía sau, nửa mặt Cúc như bức tượng có những đường cắt dịu dàng. Giọng Cúc tinh nghịch.

'' Hay là để cháu đưa chú đi tham quan Saigon, mặc cho mấy ổng ngồi nhậu khan với nhau nghe!''

Phú dẫy nẩy.

'' Bậy nào! Mấy ổng chửi cho tắt bếp!''

Cúc cuời vang, giọng lanh lảnh.

'' Mấy ổng chửi thì nghe với nhau, chú có nghe đâu mà sợ. Mà thôi, giỡn chú chút xíu coi gan ruột tới đâu thôi. Chú ôm chắc nghe!''

Xe lồng lên nuốt những đoạn đường vắng. Đã lâu không ngồi xe hai bánh, Phú cảm thấy chông chênh lạ lùng. Nước chạy xe của Cúc càng làm anh sợ hơn nữa. Chẳng lẽ xuống nước năn nỉ Cúc chạy chậm lại, anh đành ôm chặt bụng Cúc chịu trận. Gió thốc làm lưng anh gây gây, mồ hôi rịn đầy người.

Chỉ khi mua bán xong xuôi, xe về tới đầu hẻm, Phú mới kín đáo thở phào nhẹ nhõm. Bàn tay anh rời khỏi bụng Cúc lúc nào anh chẳng hay.

Có sự góp sức của mấy chú ếch chiên bơ, một đám đuông bọc bột, ít chân gà vàng lượm và nguyên một anh lươn nằm xếp vòng ngoan ngoãn, bàn nhậu náo nhiệt hẳn lên. Chất cô nhắc dậy vàng trong sô đa thơm lừng mời mọc. Chén chú chén anh, chén nào cũng phủ phê những lời thách thức thân thiện. Giọng anh Ba đã líu ríu tiếng nọ chồng lên tiếng kia. Đầu Phú đã chùng xuống kéo cặp mắt khó khăn nhướng lên. Anh Ba và Phú, hai tửu đồ công lực không bao lăm, chẳng biết ai gục trước ai. Phú trấn một đầu bàn, anh Ba ôm một đầu bàn, Lộc và anh Tư vẫn trừng nhau ra giá từng phần trăm. Chỉ tới khi anh Tư dốc thẳng đứng chai mà chẳng còn giọt rượu nào nhỏ xuống ly dù anh đã giả bộ vắt mạnh cổ chai, bàn tiệc mới vãn. Hai tửu đồ bị ông thần Lưu Linh chê được dìu vào nhà.

Phú nằm li bì chẳng biết trời trăng gì trong phòng của Cúc. Phòng bên kia, chị Ba vừa thoa dầu vừa lầm bầm trách móc chồng. Cúc xăng xái chườm khăn ướt lên trán ông chú không họ hàng, pha sẵn ly nước chanh ngồi canh bên cạnh. Nàng tần ngần đưa tay vuốt tóc Phú, rê bàn tay mân mê khuôn mặt hình như ít thay đổi với thời gian. Phú trông trẻ hơn tuổi. Mà thực sự tuổi Phú đâu có hơn nàng bao nhiêu. Cha nàng trọng nghề viết lách của Phú gọi bằng cậu đẩy nàng xuống vai cháu chứ chú cháu gì giữa nàng với Phú. Đám chân râu của Phú làm tay nàng gai gai dễ chịu. Phú mệt nhọc mở mắt chưa nhìn rõ mọi vật thì ruột đã cồn cào nhồi lên. Anh há miệng nghiêng người. Cúc vội kéo chiếc chậu dưới gầm giường ra đón cơn ói của anh. Mùi rượu chua lét xông lên đầy phòng. Cúc kéo chiếc khăn ướt trên trán Phú xuống lau miệng cho anh. Ruột gan Phú còn nhồi thêm mấy lần nữa mới vét sạch được những lợn cợn hôi hám. Cúc nâng đầu Phú giúp anh uống được vài hớp nước chanh giã rượu. Phú mệt mỏi chìm sâu vào giấc ngủ. Cúc nằm trên chiếc ghế bố bên cạnh thiếp đi từng chặp. Đêm ngọt ngào chậm rãi ru hồn nàng vào cõi lâng lâng êm đềm. Chiếc cổ áo ngủ trật ra khỏi vai nàng cũng chẳng buồn kéo lại.
Trời sáng trưng Phú mới tỉnh hẳn. Anh ngại ngùng nhìn anh chị Ba và Cúc. Anh Ba nhậm lẹ gỡ rối cho Phú.

'' Hổng biết tui với cậu ai gục trước hè? Uống rượu mà chưa xỉn thì đâu có hưởng được hết cái thú của rượu, phải hôn cậu Hai?''

Chị Ba liếc xéo.

'' Thú dữ hè! Hầu ông phát mệt còn khéo chống chế!''

Anh Ba chẳng chút nao núng.

'' Vậy tại sao người ta nói: nam vô tửu như...như..như..''

Anh ''như'' một hồi rồi cười trừ, vỗ đầu tới tấp cũng chẳng vọt được ra mấy chữ oái ăm trốn biệt khỏi đầu anh. Phú thấy bộ điệu tức cười của anh Ba, vội tiếp.

'' Thôi anh Ba ơi! Như gì thì cũng chẳng chuộc được cái tội say sưa. Xin lỗi chị Ba với cháu Cúc nghe. Vui anh vui em một chút mà phiền quá.''

Cúc đã áo quần tươm tất, ra bộ dọa dẫm.

'' Bộ phiền rồi xin lỗi một cái là hết à? Đâu có dễ vậy chú Hai! Tối qua cháu đã hầu chú, bữa nay chú phải đền lại. Cháu muốn gì chú phải chiều cháu hết, chịu không? Mà không chịu cũng phải chịu. Cháu đưa chú về nghe?''

Cúc dắt xe ra. Anh chị Ba đứng nhìn chịu thua. Hình như cả hai đều chịu nước lép với đứa con gái đang kiếm ra tiền này. Anh la cho có lệ.

'' Tổ cha mi! dữ cho lắm vô. Cậu Hai còn mệt, liệu mà liệng xe nghe mậy!''

Cúc chẳng để ý tới câu mắng yếu xìu của cha, lẳng lặng đạp máy xe, chờ cho Phú chào xong, leo lên xe là rông.

Xe cộ như một mớ bùi nhùi chộn rộn ngoài đường. Cái xỉa ngang cái xỉa dọc đan vào nhau mạnh ai nấy chạy. Tim Phú nhảy từng chập. Cúc kéo tay Phú.

'' Chú ôm cho chắc nghe, cháu lách à.''

Ban ngày ban mặt, giữa chốn đông người, Phú rút tay về không dám ôm bụng Cúc. Chỉ khi xe nghiêng anh mới cố gượng để tay vào eo Cúc cố giữ thăng bằng cho khỏi té. Cúc như đã quen với vũ điệu ngoài đường, thoải mái bon chen với các xe khác. Vừa thoát ra khỏi một ngã tư kẹt cứng, nàng quay lại hỏi.

'' Chú đói không?''

'' Đói quá đi chứ. Kiếm cái gì ăn sáng đi.''

'' Chú thích ăn chi?''

'' Chi cũng được, tiện thì thôi.''

'' Bánh cuốn, hủ tiếu, mì,phở. Gì cũng tiện hết.''

Cúc cười châm chọc. Phú nói cho xong.

'' Phở đi.''

'' Có ngay!''

Xe giật nhẹ đổi số, chồm lên với tiếng máy rống ồn ào. Phú nhận ra đường Pasteur.

'' Bò hay gà chú?''

Phú khựng lại một lúc mới hiểu câu hỏi.

'' Gà đi.''

Đường Hiền Vương. Ngã ba Duy Tân. Xe leo lên vỉa hè sóng hàng với đám xe trên lề đường. Phú thấy trước mặt mấy chú gà bóng lườm treo mình trong tủ kiếng.

Hai tô phở đùi gà trứng non bốc khói trước mặt khiến Phú thấy đói hung. Anh vớt trái trứng vào miệng khi Cúc còn điệu nghệ với tiêu, ớt, nước mắm.

'' Ngon không chú?''

'' Ngon.''

'' Thổ công này dẫn đi thì hết ý.''

Nụ cười thật tươi đi kèm với lời tự khen chẳng chút nhún nhường. Phú bật cười theo, lắc đầu.

'' Cúc giờ lạ với Cúc xưa quá.''

Cúc lấy giấy lau miệng, bỏ nhỏ.

'' Cúc xưa là nụ, Cúc giờ nở bung rồi. Chú thấy cháu vô duyên lắm sao?''

'' Đâu có!''

'' Vậy thì có duyên hả?''

Phú cười trừ lắc đầu chịu.

'' Để cháu nói một câu có duyên nghe. Ăn xong mình đi vườn chơi không?''

'' Để bữa khác đi. Bữa nay trễ rồi.''

'' Vậy đi Kỳ Hòa chèo thuyền nghe?''

'' Mệt chết! Chèo chống gì!''

'' Định bắt địa chú mà sao khó ăn quá. Đi vô tiệm vàng nghe!''

Giọng Cúc hạ nhỏ, nụ cười tinh quái cài hờ trên môi. Mặt Cúc chồm về phía Phú nghe ngóng. Phú luống cuống, làm bộ bất cần.

'' Cháu muốn vàng hay hột xoàn?''

Cúc vẫn giữ nguyên bộ mặt căng thẳng chờ đợi.

'' Lần này chú không được từ chối nghe! Gật đầu chịu cháu mới nói.''

Phú chẳng thể lắc đầu.

'' Cháu muốn đi coi hát bóng!''

Trước khi vô rạp chiếu bóng, Cúc mua một gói chùm ruột dầm chấm muối ớt mang theo. Ngày thường, khán giả lèo tèo ít người. Cúc kéo Phú vào một góc rạp. Ngồi vừa yên chỗ, nàng trao gói chùm ruột cho Phú cầm. Cúc nhón một trái bỏ vào miệng, nhón thêm một trái nữa bỏ vào miệng Phú. Đèn tắt, rạp tối om, Cúc ngả người sang phía Phú, kẹp cánh tay Phú lên ngực, tay vẫn lia lịa nhón từng trái cho nàng và cho Phú. Ngực nàng mềm ấm. Phú cảm thấy hơi thở gấp gáp rướn trên cánh tay đờ đẫn. Anh biết vòm ngực bên trái này có một nốt ruồi nhỏ gần đỉnh ngực. Khuôn ngực nhỏ nhắn trắng hồng trở về trước mắt anh. Từ những ngày còn làm báo.

Phòng biên tập cách nhà chữ bằng một căn phòng dài dùng làm nơi xếp trang và đóng báo. Báo khổ tạp chí được in thành từng tờ lớn mỗi mặt mười sáu trang. Thợ xếp trang mỗi người ngồi trên một đòn ghế thấp, cúi xuống chồng giấy in được trải nằm trên mặt gạch, gấp theo thứ tự số trang, mỗi nếp gấp được miết cho thẳng bằng một chiếc que dẹp đưa ngang. Cúc không phải thợ thường xuyên. Ngoài giờ học, nàng làm thêm kiếm chút tiền tiêu vặt. Chỗ ngồi của Cúc bên hông cửa xuống nhà chữ. Trăm lần như một, Cúc đón Phú đi ngang bằng cái mặt ngước lên phác nhẹ nụ cười. Áo Cúc khoét cổ rộng. Từ trên cao nhìn xuống, ngực Cúc bày lộ liễu trước mắt Phú. Ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ trước mặt như ngọn đèn tọc mạch soi rõ những chi tiết thân mật bỏ ngỏ sau làn áo mềm. Màu trắng non của Cúc hớp hồn Phú. Anh Ba thì đen thậm đen tệ, chị Ba có sáng sủa hơn nhưng không phải là người trắng trẻo. Vậy mà Cúc lại như một miếng dừa tươi mát. Trên bàn rượu, nhiều người đã nửa đùa nửa thật châm chọc hoài nghi dòng máu của anh Ba. Anh chỉ cười hiền, đưa ly rượu lên môi làm một hơi. Bữa nào có Cúc làm, hình như Phú chăm chỉ lên xuống hơn. Nhiều lần Phú thấy Cúc như cố ý cúi sâu hơn, đôi đầu gối cố tình ép vun cao gò ngực. Gò ngực đó giờ đang trườn nhẹ trên cánh tay anh. Phú lịm người chẳng dám nhúc nhích, gói chùm ruột vẫn run lên nhè nhẹ.

Đèn bật sáng. Khán giả lục tục đứng lên. Cúc vẫn ôm cánh tay Phú ra cửa. Chút cọ sát thân mật như bức màn mỏng ngăn cách làm hai người bỗng lặng thinh ngang. Cúc buông Phú ra đi lấy xe. Phú đứng chờ trước bãi đậu xe được quây bằng mấy sợi giây thừng. Tiếng Cúc nghe thiếu sôi động.

'' Cháu chở chú về khách sạn nghe.''

Phú mừng trong bụng. Đầu óc anh như tỉnh dậy. Reo vui hiện rõ trong giọng anh.

'' Ừ, cho chú về!''

Xe uể oải lăn bánh. Nước chạy xe của Cúc chùng xuống. Chiếc gáy mát rượi bảng lảng trước mắt Phú. Những sợi tóc mỏng được vén lên cao để lộ những chân tóc nằm ngoan trên làn da sữa. Gió chiều lùa vào mặt Phú rối rít vài sợi tóc buông lơi. Cúc ngừng xe trước cửa khách sạn, chống một chân xuống đường. Phú nhảy xuống, đặt tay lên tay Cúc.

'' Cám ơn cháu nghe.''

Cúc nhếch miệng cười.

'' Chú không mời cháu lên coi phòng chú à?''

'' Phòng khách sạn cái nào cũng vô hồn như nhau, có gì mà coi.''

'' Cháu chưa bao giờ thấy phòng của khách sạn có sao nó ra làm sao cả.''

'' Để khi khác đi. Chú mệt rồi.''

Cúc vùng vằng sang số xe. Chiếc xe giận dữ giật mạnh. Trước khi quay tay ga vọt đi, miệng Cúc hằn học.

' Cứ làm như chú người ta thiệt không bằng!''

Xe chồm lên như nước phi của một chú ngựa vía bỏ Phú ngơ ngẩn trên hè đường.