Còn đó bóng hình
Cũng đành
Âm vang ngàn sóng
Khúc đoạn trường
Mặn bờ môi
Ru tôi mộng lành
Đội mũ
Tết trước tết

 

ÂM VANG NGÀN SÓNG

Tôi xăm xoi nhìn những bậc thang bằng đá quấn quít nhau chạy lên cao theo đường vòng trôn ốc. Mỗi bậc đá đều bị vẹt mòn ở giữa thành dáng một chiếc đáy thuyền. Chiếc đáy thuyền của thời gian tạo nên bởi những bước chân con người. Ngọn đèn bóng tròn đỏ quạch treo lủng lẳng trên tường hắt xuống một thứ ánh sáng bệnh hoạn thoi thóp. Tôi lặng nghĩ tới những khoảng thời gian dài gấp chục lần kiếp người. Phải bao nhiêu bàn chân, bao nhiêu đế giầy theo năm tháng mới bào mòn được những khối đá như vậy. Ánh đèn hắt hiu làm tôi chìm đắm trong cái tôi bọt bèo. Dòng người túa lên đẩy tôi leo cao. Tôi nhìn xuống bước chân mình chếnh choáng theo từng bậc đá lồi lõm. Đôi chân nuốt mấy trăm bậc thang mỏi nhừ mà chưa thấy quả chuông cổ kính nổi tiếng của Nhà Thờ Đức Bà đâu. Tôi bước ra ngoài hành lang đứng xếp hàng cho vào tháp chuông. Hàng người dài ngoằng phát nản. Tôi nhìn quanh. Khung cảnh nhắc nhở tôi những thước phim của mấy chục năm trước với thằng gù Quasimodo lê tấm thân tàn phế tới lui. Những bức tượng nứt nẻ ôm rong rêu đứng mấp mé trên những bờ tường đen đúa được bao phủ bằng lưới sắt cho khỏi ngã nhào xuống. Tôi nhoài người nhìn xuống dưới sâu thăm thẳm. Trước cửa nhà thờ tấp nập lui tới những hình người lúp xúp nhỏ bé.

Độ cao chỗ tôi đứng làm thốn chiếc bụng đã tiêu hết cặp bánh croissant với ly cà phê sữa điểm tâm buổi sáng. Tôi phóng tầm mắt ra phía xa. Một vạt cỏ xanh nho nhỏ bao quanh bức tượng cổ. Chiếc ghế đá trước bức tượng vẫn chỉ có một người ngồi. Dì của Tụng. Trông bà như một con búp bê lười biếng bất động trong manh áo nâu đậm, chiếc quần đen rộng rãi và chiếc khăn choàng sậm màu trải trên vai. Thời gian đối với bà như đứng lại. Không phải thứ thời gian ngắn ngủi của một ngày mà là thứ thời gian thênh thang của từng thập niên. Bãi cỏ nào cũng đưa bà về những dải xanh ngút ngàn của Đà lạt. Được ngồi trên bãi cỏ mặc cho thân xác bồng bềnh trôi về những ngày cũ là bà cảm thấy được sống. Tôi nhìn sang bên cạnh. Tụng cũng đang ơ hờ nhìn chiếc ghế đá chỏng chơ một người ngồi.

Vai tôi chạm vào vai Tụng. Tôi hích nhẹ, nói:

- Tao ít thấy có ngươi chung tình như bà dì mày.

Tụng lặng thinh một chập mới ừ hử theo:

- Ờ, ít có ngươi như bà ấy.

Một lúc sau, tôi vẫn nhìn về phía trước, tiếp:

- Thời gian đúng là một anh chàng bất lực chẳng lung lay gì được bà dì mày.

- Ờ, bà ấy sống chỉ một thời, sau đó chỉ là cái bóng kéo dài.

Cái bóng trước mắt tôi vẫn ngồi bất động. Như nhập thiền. Cuộc sống chung quanh chẳng có gì đáng bận tâm, chỉ có quá khứ vẫn tươi trong tim. Trời xám xịt mọng nước. Paris đang đi vào mùa đông. Tụng vẫn bảo tôi qua điện thoại là có sang chơi thì cố gắng sang vào mùa hè trời đất phởn phơ mới thấy hết vẻ đẹp của kinh thành ánh sáng. Vậy mà tôi lại vác xác sang vào lúc lập đông. Chẳng tính toán được gì trong cuộc sống tất bật này. Cái lạnh nhè nhẹ mơn man da thịt tôi. Cây cối đã bắt đầu thu mình lại co ro. Sông Seine như một con lạch nhỏ bên cạnh nhà thờ đã uể oải biếng nhác. Những cơn gió dật dờ bắt đầu làm khổ những chàng họa sĩ nghèo bày tranh trên những chiếc cầu nhỏ ghếch qua dòng nước chật hẹp.

Ngay lần đầu gặp bà dì của Tụng, bà đã bảo tôi:

- Cháu qua chơi vào lúc này thật hay. Mùa này Paris mới lộ hết vẻ buồn. Thấm lắm cháu ạ!

Tụng cười khẩy:

- Dì thật hay! Nó đi chơi để tìm vui mà dì lại bắt nó thấm buồn. Thật chán hết chỗ nói.

Cặp mắt bà dì lạnh lùng:

- Có anh nói mới hay! Cái vui thoáng qua lạt lẽo, cái buồn mới thâm thái đậm đà. Người ta nắm cái miên viễn chứ ai lại níu cái phù du. Phải không cậu Đồng?

Tôi ậm ừ cho qua chuyện:

- Dạ! Cái buồn thương là những vết khắc sâu trong tâm hồn con người.

Bà dì như tìm được tri kỷ:

- Đúng thế! Cậu nói như vậy nghe thuận tai biết mấy. Ông cháu tôi rõ ra là một thứ giếng cạn, lòng giếng phơi cả lên mặt.

Bộ mặt của Tụng như vừa bị sát ớt. Hắn nhìn qua tôi nhún vai hệt như một ông tây chính hiệu. Hai dì cháu có vẻ khắc khẩu. Nhưng cả cái thành phố nhộn nhịp này chỉ có hai dì cháu là ruột thịt nên chẳng rời được nhau.

Dì đã nuôi Tụng ăn học từ hồi còn ở Đà Lạt. Dì là người có khiếu buôn bán. Tay đặt tới đâu tiền vô tới đó. Thời lên nhất dì có một cửa hàng vàng khá lớn ở gần chợ. Khi cuộc chiến đã tàn dì nhìn thấy rõ con đường phải đi. Dì đã không do dự mang Tụng vượt biên. Lúc đầu hai dì cháu ở chung nhưng khi Tụng phải đi học xa, dì đã dọn vào sống trong một nhà dành cho người già. Trở về Paris làm việc, Tụng cũng thuê phòng riêng. Tuy không gần nhau, Tụng vẫn săn sóc dì từng ly từng chút. Dì hắn muốn gì là hắn chiều ngay. Thực ra dì cũng chẳng muốn gì nhiều. Mỗi cuối tuần tới đưa bà đi vãn cảnh là được rồi. Có điều cảnh phải là cảnh thiên nhiên khoảng khoát nên thường phải ra ngoại ô. Bà có thể ngồi hàng giờ mắt bất động trước thiên nhiên hồn thả về những ngày tháng cũ, pha nhiều tiếc nuối:

- Này cậu Đồng, chẳng có nơi nào bằng Đà Lạt của mình cậu nhỉ? Tôi yêu những gốc thông già tỏa ra cái mùi đặc biệt Đà Lạt, những cụm hoa ngàn sắc xôn xao, những con đường dốc trườn mình dưới bóng cây. Nhưng thích nhất là những thảm cỏ xanh rì khoảng khoát. Ngồi trên Thung Lũng Tình Yêu phóng tầm mắt lên những vạt mầu xanh thênh thang sao mà thấy yêu cuộc sống lạ lùng.

Dì ngồi lặng người như đang nuốt những miếng kỷ niệm êm ả. Tụng đặt một ngón tay lên miệng nháy mắt với tôi. Tôi giơ hai tay làm điệu bộ không hiểu hắn nói gì. Hắn chỉ tay vào dì nhếch mép lắc đầu cười. Dì chậm rải nói tiếp:

- Hồi đó vợ chồng dì thường hay lên ngồi trên Thung Lũng Tình Yêu. Dì dựa người vào gốc cây nghe chú đánh đàn. Chú có ngón tay tài hoa búng ra những âm thanh làm chết lòng ngươi. Tiếng đàn chất ngất xôn xao nhưng vẫn nghe ra như thủ thỉ riêng tư. Dì không thể diễn tả tiếng đàn của chú bằng lời được. Phải chi cháu được nghe một lần.

Dĩ nhiên tôi chẳng thể nghe được tiếng đàn vàng ngọc đó dù cây đàn vẫn còn nằm trước mắt tôi. Bàn thờ thật giản dị. Một bát nhang bằng đá đen, một khung hình gỗ mun lên nước bóng loáng, một gốc thông bonsai dáng cằn cỗi và một cây đàn kỷ niệm. Tôi chăm chú vào tấm hình người đã khuất mà như vẫn còn quanh quất bên dì. Ông chú của Tụng khá đẹp. Cái đẹp tròn trịa mềm mại. Khuôn mặt thanh tú nhẹ nhàng như một bức tượng của ông thợ nắn khéo tay. Đôi mắt nhiều lòng đen dịu dàng. Chiếc miệng như có thể cươi bất cứ lúc nào.

Dì đứng dậy lê dép tới bên tôi thầm thì:

- Chú người nho nhã hiền lành chẳng bao giờ hại tới con sâu cái kiến. Vậy mà trời không cho hưởng phúc. Dì chẳng dám nghĩ trời cao lại mượn tay thần chết để cưỡng đoạt cái tài của chú. Chú đi mà vẫn để lại tiếng đàn cho dì. Mỗi tối dì đứng thắp cho chú nén nhang, khi làn khói cuộn quanh cây đàn tai dì lại nghe văng vẳng những âm thanh mê muội một thời.

Cây đàn nằm ngửa bóng loáng không một chút bụi. Cần đàn vươn về phía khung hình. Những đầu dây quăn queo níu kéo. Tôi khẽ búng vào một sợi dây. Một nốt nhạc vang lên chính xác. Chút âm thanh xôn xao làm mặt dì nở ra ấm áp. Đôi mắt dì mềm oặt dán chặt vào đôi mắt trong hình. Giọng dì nhỏ nhẹ:

- Dì vừa xin phép chú để cháu đàn cho dì nghe. Đàn đi cháu. Dây đàn dì mới lên hồi hôm.

- Dì lên dây đàn?

- Ờ! Bao nhiêu năm nay dì vẫn lên dây đàn cho chú. Mà lạ lắm cháu ạ. Đêm nào thắp nhang mà dì không nghe thấy tiếng đàn là y như rằng dây đàn bị lỗi.

Ngọn đèn vàng cạch hắt chút ánh sáng mỏi mệt lên mặt dì. Mặt dì ngơ ngẩn xa xôi. Như không hẳn là đang ở thế giới này. Tôi nhìn xéo qua góc phòng. Tụng chôn mặt vào tờ báo mở rộng như bức tượng người ngồi lặng thinh. Không khí thiếu vắng sự sống làm ngươi tôi rờn rợn. Da thịt tôi rời rã bồn chồn. Người trong hình chưa hẳn đã bỏ cõi sống, người đứng bên tôi như đã đặt chân vào cõi chết. Bầu u minh vây chặt quanh tôi ngột ngạt.

Tôi cố trườn mình ra khỏi đám mây đen:

- Chắc hẳn dì và chú có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc lắm?

Mớ tóc bạc được vuốt gọn ra phía sau gật gù trước mắt tôi:

- No tròn hạnh phúc cháu ạ. Những tháng ngày đó như một kho tàng vô giá dì đã chắt chiu được để gậm nhắm sống dần từ ngày chú ra đi. Chú đi là đi đối với mọi người chứ đối với dì chú vẫn luôn luôn bên cạnh dì.

Sống lưng tôi nhột nhạt giá lạnh. Tôi mường tượng thấy ông chú của Tụng đứng chen chân giữa dì và tôi. Tôi vội cầm tay dì:

- Dì ra ghế ngồi kẻo mỏi chân.

Tờ báo vẫn che kín mặt Tụng. Tôi đá vào chân hắn:

- Ngồi xích vào một chút được không?

Tụng lầu bầu trong miệng nhấc người lê vào một bên ghế. Mũi hắn vẫn dính vào trang báo rộng mở. Tôi mở to mắt nhìn hắn. Tiếng bà dì nửa trách móc nửa mỉa mai:

- Mặc kệ cái thằng cám hấp đó cháu!

Mắt Tụng rời tờ báo quay sang liếc xéo dì hắn rồi thản nhiên đọc báo tiếp. Dì bĩu môi quay phắt người sang phía tôi. Tôi kéo dì ra khỏi cơn hờn giận:

- Thời của dì có những mối tình thật thơ mộng. Tình yêu, thế thôi, không cần gì khác. Tụi cháu bây giờ lúc nào cũng có cái máy tính ở trong đầu. Yêu nhau mà cứ lách ca lách cách với những con số. Lật bên này, lật bên kia cho vừa với cuộc sống phiền toái vây quanh.

- Thời này các cô các cậu toan tính đã đành, mà tình yêu cũng như chiếc áo của thiên thần đã bị lấm bùn. Lê lết trên mặt đất chứ chẳng cất cánh bay lên được.

Tôi đưa đẩy:

- Dạ, dì nói không sai chút nào. Bây giờ tụi cháu chú ý tới những cái có thể nắm được trong tay chứ không màng tới những thứ lơ lửng trên trời.

Dì chắc chẳng may khi vớ được ngươi hầu chuyện vừa ý như tôi nên bằng lòng ra mặt. Dì đon đả chỉ đĩa bánh đậu xanh trên bàn:

- Cháu ăn bánh đi. Có người mới đi Việt Nam về cho dì đấy. Bánh Hải Dương chính cống ngon lắm. Nói thiệt với cháu, ngon thì có ngon, nhưng sao vẫn chẳng được như thứ bánh dì vẫn ăn hồi nhỏ. Có lần tham ăn quá, sợ mất phần, dì vun cả đống bánh vô miệng mắc nghẹn xuýt chết!

Dì bưng miệng cười lớn tiếng, hai má đỏ nhừ, mắt đẫm nước. Dứt tiếng cười, dì lấy giấy chặm nước mắt, giọng vỡ ra:

- Nghĩ thấy hư thiệt. Cũng thế, dì thấy các cô các cậu bây giờ yêu nhau như muốn ham hố nuốt chửng nhau. Chẳng còn cái thanh tao của tiếng đàn câu ca. Dường như tình yêu đã di tản từ tim xuống bụng!

Dì cười ngặt nghẽo thú vị vì hình ảnh ngộ nghĩnh dì vừa vẽ ra. Tiếng cười của dì làm rơi tờ báo ra khỏi mặt Tụng. Mặt hắn nặng trình trịch.

Hắn nhoài người vớ chùm chìa khóa trên bàn bảo tôi:

- Thôi mình về cho dì đi nghỉ. Chuyện tình yêu thì nói tới bao giờ cho hết. Thời nào nó cũng loạng quạng như anh say rượu. Vá chỗ này, vấp chỗ kia, có khi quay mòng mòng chẳng biết đâu mà lường!
Mặt dì xám lại lạnh tanh khi chúng tôi cáo từ ra về.

*
* *

Gió chạy ào ào tạt những hạt nước li ti châm chích mặt mũi tôi. Mũi tầu vẫn nhẩn nha trườn lên mặt nước lăn tăn gợn sóng. Tiếng cô hướng dẫn viên được khuếch đại trên chiếc loa gắn cao trên boong tầu nghe loáng thoáng khi được khi mất. Sông Seine ở khúc này trông mới ra dáng một dòng sông tuy chỉ là khúc sông tội nghiệp nằm co quắp giữa những tòa nhà búng ra cái mầu xám đen của thời gian. Cứ cách ít chục thước dòng sông lại bị đè xuống bởi những chiếc cầu vắt vẻo nằm ngang làm chiếc bateau mouche phải khổ sở nép mình chui qua. Tôi đứng trước mũi tầu lặng lẽ chiêm ngưỡng những cây cầu đặc biệt Paris. Những thành cầu chạm trổ trân mình với qua hai bên bờ, những cây đèn chỏng trơ ngắm trời, những pho tượng trăm năm đứng không biết mỏi. Tôi chui dưới những cặp tình nhân đang lặng lẽ ôm hôn nhau dựa người vào thành cầu, những dòng xe cộ từ tốn băng ngang sông, những du khách đang nhoài mình ra mắt dán vào chiếc máy chụp hình. Tôi ngột ngạt dưới những gầm cầu rêu phong ôm cả sức nặng thời gian đè trên người tôi nhỏ nhít.

Tụng bên cạnh tôi biến mất từ lúc nào tôi chẳng hay. Rời khỏi chiếc lan can tầu bằng sắt sơn đỏ, tôi chập choạng len giữa những thân người chong mắt tìm Tụng. Tầu lắc lư làm khó tôi dữ. Thấy một chồng phao xếp ngay ngắn vào một chiếc cột trên boong tầu, tôi dựa người vào ngắm Tụng đang lom khom chụp hình cho một cô bé có khuôn mặt mũm mĩm đứng dựa vào thành tầu. Đôi mắt ti hí một mí kia đánh chết cũng phải là một em Nhật Bổn hay Đại Hàn. Ánh chớp lóe lên soi sáng nụ cười phô ra hàm răng trắng bóng đều đặn. Tụng chưa kịp vươn ngươi đứng lên thì bàn tay trắng muốt từ xa đã giơ ra đè hắn xuống. Một ngón tay thon thon vẽ ra một khung vuông tưởng tượng chỉ về phía tháp Eiffel nằm ở phía sau. Tụng lại lom khom cục cựa chụp. Tầu cứ chạy, hắn cứ lom khom, khung cảnh ở phía sau cô bé cứ thay đổi. Cảnh nào cũng vừa ý cô bé. Chắc Tụng đã phải bấm nguyên một cuộn phim. Hắn giơ tay chỉ máy hình báo động hết phim. Cô bé cười nhận lại máy hình hì hục ngồi thay phim. Tôi lảng vảng phía trước cho Tụng nhìn thấy.

Hẳn là mặt tôi phải có chút uy nào đó mới khiến hắn vội vàng chạy lại bên tôi. Giọng tôi cố lấy vẻ thương hại:

- Có mỏi lưng lắm không?

Tụng nghênh mặt:

- Sư mày, định giở trò ghen tuông đấy hả?

Tôi cười xòa:

- Con bé trông kháu khỉnh đấy chứ. Sao không bỏ túi mang về trình diện bà dì mày? Mẹ kiếp, nhà mày vô phước mới sanh ra mày. Già đầu rồi mà không biết làm sao cho có vợ. Sắp hai thứ tóc trên đầu rồi đó con ạ!

Những lời xỉ vả của tôi như nước đổ đầu vịt. Chẳng ăn thua gì. Mặt Tụng trước sao sau vẫn vậy. Hắn lầm bầm:

- Không biết con nhỏ người gì?

Tôi cười khẩy:

- Mày ngắm nó chán chê mà không biết người gì à? Sao không đè nó ra hôn thì ngửi thấy mùi gì ngay chứ khó khăn chi. Đánh chết con nhỏ này không có mùi kim chi thì cũng có mùi sushi. Mà chắc gì mày có cái mũi tinh đời. Cứ chịu khó cất tiếng hỏi nó một câu xem nó có ăn thịt mày không?

Tụng bĩu môi nhìn tôi bằng con mắt khinh khi ra mặt:

- Mày tưởng mày hay lắm! Hỏi tiếng tây cũng lắc đầu, tiếng Anh cũng ngơ mặt ra. Chẳng biết một chữ nào cả. Chỉ nhe miệng cười. Khốn nỗi nụ cươi nó đẹp mới chết cha tao chứ. Hay là cứ ôm đại em bé về. Cầm bằng như lay một người vợ câm. Tình yêu cứ tay chân diễn tả cũng được.

Tôi làm bộ suy nghĩ:

- Vất vả nhỉ?

Tụng cũng đăm chiêu:

- Ừ, kể cũng vất vả đấy. Chưa chi đã thấy mỏi lưng. Hay là thôi quách đi cho rồi. Chỉ sợ em bé thất tình nhảy xuống sông Seine thì cực lương tâm tao lắm.

Tôi lên giọng mắng mỏ:

- Còn lâu mới có đứa vì mày mà chơi trò Lý Bạch mò trăng. Đừng có tưởng bở con ạ! Mày tưởng thân mày ngàn vàng lắm đấy hả? Mang vứt vào thùng rác chắc chẳng có ma nào thèm lượm. Mày có trần xì một bà dì ở xứ lạ quê ngươi mà coi bộ bà ấy cũng chẳng chịu nổi cái tính khật khùng của mày. Mà sao tao cũng không hiểu được mày. Bà ấy bảo bọc mày từ nhỏ, tốn tiền tốn của mang mày sang bên này rồi còn lo cho mày học hành nên người. Vậy mà mày nói năng với bà dì mày như gậy thọc bánh xe. Tao nghe mà thấy bất nhẫn. Sao vậy?

Mặt Tụng nhăn lại khó chịu, giọng hắn giấm dẳn :

- Mày là bạn tao hay là bố tao vậy?

Chơi với bạn lâu ngày biết tính bạn, tôi hiểu là Tụng đang giận. Hắn đã giận thì đừng nên chọc hắn. Tôi ngó lơ lên hai bên bờ sông. Thành phố đã lên đèn. Những ngọn đèn của kinh thành văn hóa này cũng có vẻ e dè nhỏ nhẹ. Từng vũng ánh sáng nằm co quắp như không muốn khuấy động bầu không khí cổ kính trang nghiêm. Tôi bắt được chất Paris mà tôi đã cảm thấy trong những bản nhạc một điệu lững thững mềm mại. Tôi thả hồn bềnh bồng theo những ngọn gió đêm đang khép nép thu mình lại muốn ngủ.

Tới một khúc sông rộng tàu quay mũi trở về bến. Tiếng hướng dẫn viên không còn oang oang trên loa phóng thanh. Con tàu lủi thủi quay về chốn cũ. Du khách đã rút gần hết vào trong khoang tàu có những hàng ghế đã chật kín ngươi. Những bộ mặt uể oải ơ thờ nhìn qua những bức tường kính trong vắt. Một hai người còn nán lại bên ngoài lặng lẽ kéo cao cổ áo đứng nhìn bâng quơ. Tụng rút bao thuốc chìa ra trước mặt tôi. Tia lửa nhảy lên trong bàn tay khum khum kéo hai cái đầu chụm xuống châm thuốc. Hơi thuốc như thấm vẻ tịch mịch trở nên đậm đà bất ngờ. Giọng Tụng nhừa nhựa trong màn đêm đang nhanh chóng buông xuống:

- Đôi lúc tao cảm thấy có lỗi với dì tao nhưng mỗi lần nghe dì nhắc tới chuyện xưa là tao thấy bực mình.

Tôi mở to mắt xoi bói xem cái đầu của tên này có chỗ nào lỏng mối hàn không, miệng tôi lên giọng:

- Sao khắt khe quá vậy? Mày thừa biết là người già thương sống với quá khứ. Dì mày có một mối tình bay bướm, bà ấy luôn luôn nghĩ về nó là chuyện dĩ nhiên. Chẳng lẽ mày táo bón ái tình rồi đâm ra ghen với dì mày à?

Tụng vung tay vứt mẫu thuốc lá xuống mặt nước gằn giọng:

- Mày biết đếch gì mà nói!

Tôi rít hơi thuốc chót, thong thả:

- Tao biết hai người có một mối tình thơ mộng, tao biết dì mày mê mẩn với tiếng đàn của ông chú mày, tao biết ông chú mày là một người nho nhã đáng yêu, tao biết dì mày vẫn còn sống với mối tình của đời bà, tao
biết dì mày...

Tụng nạt ngang:

- Mày câm cái miệng lại! Thế mà cũng đòi biết. Mày chỉ cần biết một điều: những gì dì tao nói ra là một bức màn mỏng che dấu những sự thật ở bên trong.

Chắc thằng này khật khùng thiệt. Dì nói không sai. Thoáng qua đầu tôi khuôn mặt thật thà hiền hậu của ngươi đàn bà đã quá tuổi làm dáng. Có chút mắc mấu gì đâu sau vầng trán xếp nếp được ủ dưới mái tóc đã chịu thua thời gian. Tiếng Tụng vẫn chưa hết tức tối:

- Chẳng thà dì tao cứ im lặng thì đã đi một lẽ. Đằng này cứ lúc nào cũng mang ông chú tài hoa ra, lúc nào cũng lôi mối tình thanh cao ra. Không phải chỉ nói với mày. Gặp bất cứ ai, thân sơ gì không cần biết, dì tao
cũng vẫn cái giọng như vậy. Tao nghe mãi phải bực mình chứ.

Tôi ngạc nhiên thực sự:

- Thì có gì đâu mà mày phải bực mình. Ai già mà chẳng vậy!

Tụng quắc mắt nhìn tôi:

- Nhưng đó là những điều tao muốn quên đi.

Đôi mắt Tụng bất động nhìn về phía trước. Dòng sông đã bị nhuộm đen phản chiếu những ánh đèn loáng thoáng khi ẩn khi hiện. Tiếng máy tàu xộc xệch rã rời. Tiếng Tụng cũng rời rã vô hồn:

- Khi người gọi là ông chú tao chết, lúc khâm liệm ngươi ta mới phát giác ra đó là một người đàn bà!

Tôi lặng ngươi nhìn xuống khoảng đen chấp chóa phía trước. Thân hình tôi như muốn đổ xuống dòng nước. Tụng như một bức tượng ngàn năm bên cạnh. Câm nín.