Còn đó bóng hình
Cũng đành
Âm vang ngàn sóng
Khúc đoạn trường
Mặn bờ môi
Ru tôi mộng lành
Đội mũ
Tết trước tết

 

RU TÔI MỘNG LÀNH

Một chút hồng lên má. Một chút thôi. Nhiều quá giống như mấy bà lên đồng thì quê lắm. Tôi mơn man những hạt phấn mịn màng lên gò má. Phấn lan ra cho da tôi tươi mát. Quay qua quay lại trước gương. Đều chưa? Tạm được. Mấy sợi lông măng cũng hồng lên. Hơi dài đấy nhé. Mấy con bạn dục tôi đi se lông mặt cho láng nhưng tôi ngại chưa đi. Se một lần là phải se hoài. Phiền lắm. Ngày làm tám tiếng, năm ngày một tuần, cách một tuần lại phải làm overtime nửa ngày sáng thứ bẩy, giờ giấc của tôi quá chật chội. Cuối tuần thì lại phải hò hẹn với Hoài. Mà hò hẹn thì biết thế nào là đủ.

Son đâu rồi? Tay tôi xào xáo chiếc hộp ngổn ngang đủ thứ đồ trang sức kéo ra cây son vàng chóe. Tôi chìa môi ra trước gương. Môi tôi hơi dày. Hoài nịnh bảo là giống môi tài tử xi nê. Phải vuốt đường chỉ son cho gọn đôi môi lại. Tay tôi run run kéo rê cục son. Miệng tôi chúm lại như một nụ hoa vừa hé nở. Hoài vẫn ví von môi tôi như một đóa hoa đậm đà thơm tho. Có điều là Hoài không nói hoa gì. Tôi thay đổi son như cơm bữa làm Hoài luống cuống đâu có biết mùi thơm của hoa nào mà nói. Mà bày vẽ chi anh ơi. Chẳng hoa nào bằng hoa môi tôi thơm mùi con gái.

Tiếng bà Hiền vọng lên nghe rõ mồn một:

- Tao không hiểu tại sao có người lại thích đi ăn tiệm được. Vừa đắt vừa mất vệ sinh. Ăn ở tiệm mười đồng thì nấu ở nhà chỉ một hai đồng. Kê cổ vào cho chúng chém. Chẳng cái dại nào bằng.

Bà Hậu phụ họa thêm:

- Còn lâu mấy tiệm ăn mới lấy được tiền của tôi. Người khôn cũng có khác chứ. Như ông chủ của tôi đó. Giầu nứt đố đổ vách mà có bao giờ thèm đi ăn tiệm đâu. Tội gì cho chúng ăn trên đầu trên cổ mình.

Lỗ tai tôi ngứa dữ dội. Hai bà chị quí hóa của tôi đang xa gần tấn công tôi. Lỗi tại mẹ tôi. Đã sanh ra hai bà sát nhau năm một, bà nào cũng chiếu kính lúp vào đồng tiền cho đồng tiền nó nở to hơn con mắt, vậy mà sáu năm sau còn buồn tình sanh ra tôi làm cho tôi cu ki đứng một mình một phe. Hồi mẹ còn sống tôi còn được mẹ thương tôi út ít đỡ đần cho ít câu. Giờ chỉ có ba chị em ở với nhau tôi trơ khấc với cái bóng của mình.

Tiếng hai bà chị tung hứng vẫn len lỏi qua cửa phòng tôi làm rày rà cái bụng tôi dữ. Phải lẹ tay lên rồi rút ra khỏi nhà cho rồi. Chiếc khăn quàng một mặt màu rượu chát một mặt màu xanh xậm đâu rồi. Cứ lúc vội là cái gì mình cần đều biến mất. Tay tôi lanh lẹ lật lật những chiếc mắc áo nằm xúm xít trong tủ. Rõ ràng tôi đã lồng vào một cái mắc áo nào đó mà sao không thấy. Lúc nào rảnh phải sắp xếp lại tủ áo cho ngăn nắp mới được. Định trong bụng đã lâu mà có lúc nào rảnh đâu. Mẹ ơi, mày nằm ở đây hả? Làm tao tìm muốn chết. Quấn chiếc khăn quanh cổ tôi lại góc phòng soi mình trong gương. Được chưa? Tôi cười nháp một cái để chút nữa thả điệu với Hoài. Chiếc răng khểnh e ấp làm tôi hài lòng dữ. Chụp chiếc mũ màu rượu chát hợp với chiếc khăn quàng lên đầu, tôi kéo vài sợi tóc phủ trước trán làm duyên. Trán tôi hơi cao. Hoài bảo cái trán này không hiền đâu đấy nhé. Xấu xa thì đậy lại, tôi kéo chiếc mũ xuống thấp chút nữa. Tay tôi quơ chiếc áo choàng lạnh màu xanh đậm khoác lên người. Đi lẹ cho rồi kẻo Hoài đợi. Anh chàng dám hóa thành đá ở ngoài phòng khách rồi lắm. Tôi xoay một vòng trước gương. Cười thêm một cái cho chắc ăn trước khi mở cửa ra phòng khách.

Hoài đứng bật dậy như một chiếc lò so hạng tốt. Tôi cười:

- Chờ em lâu không?

Hoài vơ vội chiếc áo lạnh vắt bên thành ghế:

- Đâu có lâu gì. Mới đọc hết tờ báo, đang định đọc qua các quảng cáo thì em ra.

Tôi thấy miệng Hoài như cái móc câu. Tờ báo hàng tuần dày hai trăm trang khổ lớn chữ nhỏ chứ ít ỏi gì! Tôi muốn nhéo anh chàng thợ móc này một cái cho đã tức. Ngặt cái là chiếc áo lạnh Hoài mới khoác vào vừa dày vừa cứng. Tôi hích ngang người Hoài. Chẳng nhằm nhò gì. Hoài vững như chiếc cột đình biết nói:

- Em định diễn tuồng trứng chọi đá hả?

Cái trứng toét miệng cười hòa, cúi xuống tra chân vào đôi bốt.

Tuyết trắng xóa trời đat. Tôi vốn thích tuyết từ ngày còn ở Việt Nam. Tuyết trên màn ảnh. Tuyết trong sách. Tuyết trên các tấm thiệp Giáng Sinh. Sang đây đã qua mấy mùa tuyết mà tôi vẫn chưa chán. Mỗi lần tuyết rơi trẻ con vui mừng tôi cũng mừng theo. Tuyết rơi muôn mặt. Mặt nào tôi cũng ưa. Tuyết bụi lất phất nằm trắng vai áo, tuyết ướt bay nhọc nhằn lưng trời chân vừa chấm đất đã ứa thành nước, tuyết mảnh mai xàng xê nghịch ngợm không chịu nằm xuống, tuyết vẩy lớn hùng hổ đâm xuống ngổn ngang đất troi. Tuyết đang rơi xuống tôi là thứ tuyết ào ạt như có ai ngồi trên cao thả từng vốc cánh cúc trắng xuống. Tôi ngẩng mặt há miệng đón những cánh tuyết lạnh ngắt. Tuyết trắng trong tan trên lưỡi tôi ngọt lịm. Tôi nhắm mắt tận hưởng. Lời mẹ dặn trước ngày xuôi tay văng vẳng trong tôi. Rồi con sẽ thấy đời có nhiều cạm bẫy, làm thân con gái quí nhất là giữ được trong trắng, trong trắng từ thể xác tới tâm hồn. Tuyết nhởn nhơ lượn lờ quanh tôi bát ngát trắng như tôi trắng trong.

Hoài theo tuyết ngậm kín môi tôi. Tôi đẩy Hoài ra cúi xuống nắm một vốc tuyết ném thẳng vào lưng anh. Tuyết bung ra bám đầy người Hoài. Anh lượm một nắm tuyết nặng trình trịch giang tay dọa ném qua tôi. Tôi giơ tay lên trời đầu hàng. Nắm tuyết trên tay Hoài tiến dần đến tôi. Hoài buông tuyết ôm chầm lấy tôi vội vã, khóa miệng tôi bằng cái hôn tham lam kín mít. Tôi ngẩng mặt lên đón nụ hôn nóng bỏng. Tuyết sà xuống châm chích mặt tôi buốt lạnh. Tôi đưa tôi bay bổng lên cao. Hạnh phúc như một luồng nước ấm len lỏi trong tôi. Cánh tay rắn chắc của hạnh phúc ôm xiết tôi ngột ngạt. Cái bóng cao lớn của Hoài vững chắc chở che cho tôi. Tôi an tâm co rút tìm hơi ấm trong anh. Hoài là một người yêu biết điều. Anh chẳng bao giờ đòi hỏi những điều mà anh biết tôi chẳng thể chiều chuộng anh được. Lời mẹ dậy lúc nào cũng lao xao nhắc nhở trong tôi thân phận con gái. Hoài không đẩy tôi lên cao, không đè tôi sát sạt, mà đặt tôi thân tình trong vòng ôm ân cần.

Hoài đưa lưng đẩy cánh cửa vào trạm métro bị gió chặn cứng ngắc cho tôi luồn vào trước. Chiếc thang cuốn dài thậm thượt nhìn xuống bắt chóng mặt. Tôi dựa sát vào Hoài mặc cho chiếc thang lục cục đưa xuống hầm. Tiếng động cơ ầm ầm đuổi nhau trong đưong hầm đen ngòm hun hút. Đoàn xe như một con trăn no mồi uể oải ngừng lại. Những cánh cửa lao chao bật mở cùng lúc nhả ra từng đoàn người vội vàng hấp tấp rồi táp vào những thân người chen chúc nhau dồn cục thành một tảng mồi khó nuốt.

Hoài nhanh chân chiếm được một ghế hai chỗ. Tôi khoan thai chờ cho Hoài nhấc chiếc túi xí chỗ của anh lên rồi mới ghé ngồi xuống. Con gái lúc nào cũng phải từ tốn dịu dàng. Tôi kẹp lời mẹ dậy trong tâm để điệu nghệ dù sống trong một xã hội thích cánh nhau mà chạy. Chiếc máy sưởi tròn to như một đĩa thu tín hiệu vệ tinh gắn trên trần toa xe hối hả thổi hơi nóng xuống ào ạt. Tôi mở mũ, tháo khăn choàng ra cho bớt nóng. Tay tôi vướng víu những thân người vây quanh. Hoài lăng xăng giúp tôi. Anh lúc nào cũng chu đáo. Bụng tôi nở ra thích thú mỗi khi được chiều chuộng. Làm thân con gái thiệt thòi đủ chuyện cũng phải có lúc được đền bù chút chút chứ. Hoài ôm chiếc khăn choàng và chiếc mũ dạ của tôi trên người. Chắc bụng anh đang mừng dữ. Kể công nuông chiều tôi cũng xứng đáng cho anh được lô trúng an ủi như vậy. Tôi nhìn ngang xem bản mặt một anh chàng đang cảm thấy hạnh phúc nó ra sao. Hoài thả tay ra sau ôm kín vai tôi hỏi:

- Công nương đã cảm thấy dễ chịu chưa?

Quen nhau đã vài năm, Hoài như chiếc hàn thử biểu trên người tôi. Lạnh tôi kêu. Nóng tôi than. Hiếm khi tôi bằng lòng với thời tiết của cái xứ sở này. Mà cái mảnh đất leo tuốt lên gần tới Bắc Cực này quá đỏng đảnh khó chịu đi. Lạnh thì lạnh cóng. Nóng thì như thiêu như đốt. Chịu chi nổi. May mà có những trận tuyết đổ tôi thích muốn chết. Nghĩ tới tuyết tôi mỉm cười vu vơ. Hoài bắt lấy nụ cười của tôi:

- Công nương vừa ý rồi phải không?

Khi muốn châm chọc, Hoài kêu tôi bằng công nương vì anh bảo tôi khó tính như con vua cháu chúa. Tôi ghét cái giọng nói sặc mùi sân khấu khi anh phát âm chữ công nương nhưng trong bụng vẫn thấy thú vị khi anh đảy tôi nhập vào hoàng phái. Hoài nheo mắt bỏ nhỏ vào tai tôi:

- Hôm nay công nương muốn kê cổ vào cái máy chém nào đây?

Mấy ngón tay tôi cong vòng lên gân guốc như chiếc càng cua sẵn sàng xáp chiến. Quần áo kín mít thế này thì biết nhéo vào đâu. Tôi điểm khắp người Hoài. Chỉ có cái tai đang hớ hênh trước mắt tôi khả dĩ có thể là một mục tiêu ngon lành. Chiếc càng cua sà xuống. Tôi mím môi nghiến răng phụ họa cho thêm phần rùng rợn. Trình diễn cho xôm trò vậy chứ tôi nỡ lòng nào mà bóp nát vành tai trang điểm cho khuôn mặt dễ ghét của Hoài. Mấy ngón tay tôi kẹp nhẹ hều nhưng miệng mồm tôi rít rạt:

- Cho anh chừa cái tội nghe lén chuyện của hai bà chị tôi. Lần này cảnh cáo nhè nhẹ thôi, lần sau cắt tai luôn cho khỏi nghe.

Hoài nhăn mặt cười:

- Có bỏ tay ra không anh la lên thì cả trăm cặp mắt sẽ đổ dồn vào chiêm ngưỡng cái mặt của bà la sát bây giờ.
Bà la sát đời nào muốn chường mặt ra giữa công chúng. Tôi len lén rút tay về. Trận chiến như que diêm vụt bùng lên rồi vụt tàn lụi. Cái mặt nhởn nhơ đắc thắng của Hoài trông chỉ muốn nhéo cho cái nữa. Tôi quày quả quay mặt đi. Hoài kéo cằm tôi trở lại:

- Để anh nói cho em nghe. Hai bà chị em nói oang oang cốt cho anh nghe thì làm sao lời nói dừng lại ở ngoài tai anh được. Mà thây kệ mấy bà ấy muốn nói gì thì nói. Đường ta ta cứ đi.

Tôi thừ người sau câu nói của Hoài. Chẳng biết nên giận hay nên thương hai bà chị nhiều lời. Tôi hiểu hai chị tôi. Cố gắng tiện tặn nhưng hơi quá đà nên mang tiếng. Không ăn tiêu, không vui chơi, rat kỵ những chuyện phải nặn đồng tiền ra khỏi túi, hai bà phe lờ tất cả các đám cưới và các đám hội họp kỵ giỗ. Không mặn nồng với thiên hạ thì thiên hạ cũng coi hai bà như không có mặt trong cuộc sống của họ. Mặc cảm lẻ loi dễ làm hai chị tôi ghen tức. Tôi ở ngay trong nhà nên lãnh đủ. Hoài ngày một ngày hai tới với tôi, làm như mỗi ngày không nhìn thấy cái mặt tôi anh thiếu hụt đi một ngày sống. Sự săn đón lăng xăng làm chướng mắt các chị tôi. Hai bà không ưa nhưng chẳng nói ra được. Cái ấm ức không có lối đi thẳng bèn rẽ ngang. Hai bà nói cạnh nói khóe. Làm như trò chuyện với nhau nhưng đua nhau phóng những mũi tên nhọn hoắt vào Hoài và tôi. Khó chịu thì quả có khó chịu nhưng Hoài vốn tính tình dễ dãi nên anh chẳng thèm để bụng. Còn tôi, tôi thấy thương hai bà chị tôi.

Ba chị em chúng tôi được anh Tín bảo lãnh qua sau khi mẹ mất. Anh Tín là anh đầu, được học bổng đi du học ngay sau khi đậu Tú Tài. Học xong anh trốn ở lại và cưới chị Micheline. Bữa ba chị em chúng tôi đặt chân xuống phi trưong, hai vợ chồng ôm hoa ra đón rất thân tình. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi tái ngộ với người anh đã nhiều năm xa cách. Chị Micheline ôm hôn từng đứa, dịu dàng thăm hỏi như đã từ lâu thân thiết. Xuống máy bay rồi mà hồn tôi vẫn lơ lửng trên trời. Niềm vui trong tôi rạng rỡ trước những ân cần của anh chị. Tôi ôm hôn chị Micheline cảm thấy như chị là một phần tử trong gia đình đã từ lâu lắm rồi. Mái tóc lúa chín, cặp mắt biển cả, đôi má ngà ngọc, hàng mi liễu rủ, bờ môi mộng mị tưởng là xa lạ bỗng thấy gần gũi gang tấc. Những ngày đầu nơi xứ người chúng tôi được chị Micheline lái xe đưa đi làm giấy to, mua sắm,chợ búa, ăn uống. Mỗi nơi mỗi chỗ chị chỉ vẽ cặn kẽ tỉ mỉ như một cô giáo tận tâm dẫn đám học trò đi thực tập. Mỗi ngày chúng tôi bớt ngơ ngác đi một chút. Mươi ngày trôi qua, một buổi tối, cơm nước xong xuôi, anh chị Tín kêu chúng tôi ra phòng khách nhỏ nhẹ nói về lối sống tự lập bên này. Mỗi người phải tự lo cho mình, không ai nuôi ai, không ai làm phiền ai, không ai nhờ vả ai. Câu kết luận của chị Micheline làm tôi sững sờ. Anh chị lo cho các em như vậy là đã xong phần của anh chị, ngày mai chị sẽ dẫn các em đi kiếm việc làm rồi sau đó các em sẽ thuê nhà ở riêng. Chị Hiền chị Hậu mặt tái mét giận dữ. Tôi cúi gằm mặt xuống cố nuốt ngược những giọt nước mắt. Mặt anh Tín, mặt chị Micheline trôi nổi trước cặp mắt thẫn thờ của tôi. Tôi bỗng rùng mình. Trước mắt tôi thăm thẳm con đường vô định.

Ba chị em được chị Micheline nhét vào một xưởng may với đồng lương tối thiểu. Chúng tôi đi về như những chiếc bóng câm nín buồn bã. Ngôi nhà sang trọng trống rỗng như một nhà mồ. Mỗi người một thế giới. Mỗi cái đầu một bận rộn riêng. Chúng tôi như những mảnh vụn rã rời. Anh Tín, chị Micheline có cái thản nhiên riêng của những người coi mình như đã cư xử sòng phẳng. Ba chị em tôi đắng ngắt như bị tình phụ. Ngày cầm được tấm chi phiếu tiền lương đầu tiên, ba chị em quyết định thuê nhà. Khi rời khỏi nhà anh chị Tín, chị Hiền chị Hậu thề sẽ mua nhà cho anh chị biết mặt. Căn nhà đành hanh treo trong đầu hai bà chị tôi khiến các bà chỉ chi ra những đồng tiền không thể nào không phải chi. Phần lớn số tiền kiếm được hai chị chất đống trong nhà băng. Bao nhiêu cũng là chưa đủ. Hai chị lao vào môn thể thao kiếm tiền như hai lực sĩ giàu can trưong. Nhảy từ hãng này qua hãng khác. Căng người làm nhanh làm nhiều bất kể giờ nghỉ. Từ làm lương giờ leo lên làm ăn khoán. Lại còn mua máy đêm đêm may thêm ở nhà. Đồng tiền kiếm được càng ngày càng khá hơn như những chiếc huy chương khuyến khích các chị tôi đổ mồ hôi leo mãi leo hoài không mệt mỏi.

Tôi thì đâu có thiết gì nhà cửa. Làm gì mà phải vất vả nhịn ăn nhịn mặc bo bo bòn mót như vậy! Tôi chỉ có mộng học. Sách vở có cái thần làm tôi mải mê quên hết giờ giấc. Vừa xong trung học là rời Saigon, chất học trò trong tôi còn nóng hôi hổi. Đời tôi chỉ mong được tiếp tục học tại ngoại quốc. Vậy mà chân đã đứng trên đất học tôi vẫn chẳng có cơ may cắp sách tới trường. Thấy anh chị Tín đối xử sòng phẳng như vậy tôi chẳng còn mảy may hy vọng anh chị nuôi cho đi học. Chị Hiền chị Hậu càng chẳng nước non gì. Cái nhà chắc chắn là lớn hơn mảnh bằng. Tôi đi lạc ra khỏi con đường mòn của hai chị nên bơ vơ một mình. Chúi đầu chúi mũi vào chiếc máy may chạy nhanh như bị ma đuổi được vài tháng, tôi chịu không nổi bỏ đi kiếm được một chân bán hàng. Đồng lương không khá hơn nhưng được cái nhàn nhã dễ thở. Còn thấy được trời được trăng. Còn có lúc thả được chút hồn theo gió theo mưa. Phải mỗi cái tội cứ phải toét mồm cười hoài đau cả miệng.

Một thời gian sau, nhờ bạn bè giới thiệu, tôi an phận với công việc xếp giấy tờ trong một xưởng dệt. Giờ giấc có chật chội nhưng lương hướng không đến nỗi nào. Tôi thong dong trong cuộc sống mặc cho hai chị tôi quay quắt với những con tính hụt hẫng. Nhà thuê có hai phòng ngủ, tôi chiếm một phòng, hai chị tôi chung một phòng. Hai cái đầu chi li buộc tôi phải trả tiền gấp rưỡi mỗi người tôi cũng dễ dãi gật đầu. Còn kiếm được tiền thì việc chi phải lụy đồng tiền.

Tôi còn một bà chị có chồng con ở Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi vẫn lặng lẽ gởi tiền về cho chị Hà. Tôi thương những mảnh ruột thịt còn lại nơi quê nhà. Dù cuộc sống của tôi ở đây có vất vả thật nhưng cuộc sống của anh chị và các cháu tôi chắc cơ cực bội phần. Mỗi lần chị Hà viết thư qua xin tiền là hai bà chị tôi chu chéo lên:
- Bộ chị ấy tưởng bên này tiền từ trên trời rơi xuống lượm không kịp chắc! Đi làm mửa mật mới đủ nuôi thân chứ đâu có tối ngày nhàn nhã ngồi ngóng tiền gửi về như ở Việt Nam.

Mặt tôi đanh lại. Tôi cảm thay bất nhẫn. Bụng tôi như một thùng nước sôi nhưng giọng tôi vẫn nhỏ nhẹ:

- Thì chị ấy túng thiếu mới viết thư xin chứ đâu có biết bên này cực nhọc vất vả phải chắt chiu từng đồng để mua nhà!

Ông Trương Phi khi nổi giận mặt ghê gớm đến như thế nào thì tôi không biết chứ hai cái mặt của hai bà chị tôi dựng đứng lên đến lạnh người. Chị Hậu tay chống nạnh, người chồm ra phía trước, môi bĩu dài ra lên giọng:

- Ai mua nhà thì thây kệ người ta! Việc chi phải xía cái miệng vào. Nhỏ mà hỗn! Có ngon thì gửi tiền về cho bà ấy đi!

Đồng tiền của tôi có dầu có mỡ dễ chui ra khỏi túi lắm. Gửi tiền cho chị Hà tôi đâu có ngại ngùng gì. Tôi tỉnh bơ nhìn thẳng vào mắt chị Hậu:

- Hai chị không muốn gửi thì thôi. Để đó cuối tuần tôi sẽ đi gửi. Làm giàu làm có gì được với trăm bạc.

Cuối cùng thì hai chị tôi sợ mất mặt nên cũng phải bóp bụng móc hầu bao qua một cái khe hẹp. Hai người một trăm. Tôi một trăm. Tôi nghĩ là mình chẳng thiệt thòi gì. Năm chục từ túi mỗi chị tôi ra cũng nặng bằng một trăm của tôi.

Một năm rút ruột ra vài lần như vậy làm cho hai chị tôi bồn chồn nuối tiếc. Đồng tiền chẳng phải là thứ dễ để hao hụt. Nhưng hao hụt tiền lại làm cho cái đầu của chị tôi trở nên thông minh bất ngờ.

- Này Hằng! Tao thấy tụi mình gửi tiền cho chị Hà kiểu này cũng giống như be bờ nước vậy. Chặn được chỗ này thì bể chỗ khác. Chi bằng làm sao kiếm cho chị ấy được một số tiền kha khá làm vốn buôn bán thì chị ấy có thể tự nuôi gia đình được chẳng cần tới tụi mình giúp đỡ. Mày thấy sao?

Tôi nhìn lên trời. Bộ ông trời đi vắng rồi sao? Vô lẽ đã tới lúc chị tôi xuề xòa với đồng tiền như thế này. Đừng hy vọng hão Hằng ơi! Khúc ruột của bà chị mày lúc nào cũng có đủ chỗ cho đồng tiền dính liền vào. Đầu óc tôi đăm chiêu nghĩ ngợi. Hay chị tôi định khai thác ông anh tôi? Tôi tung một câu dò hỏi bâng quơ:

- Chị nghĩ tới anh Tín phải không?

Như một cô gái nhà lành bị vu oan giá họa, chị tôi đỏ mặt tía tai lồng lộn lên:

- Bộ điên hay sao mà chờ đợi ở cha đó! Mày tưởng tao ngu đến như vậy sao? Dẹp cha đó đi mày. Ruột thịt gì!

Ông anh tôi đã bị loại ra ngoài. Còn ai nữa ngoài tôi. Tôi muốn biết xem những con tính trong đầu chị tôi đang xoay trở ra sao. Cái dấu trừ cho hai chị tôi là bao nhiêu và cái dấu cộng cho tôi là bao nhiêu. Tôi vốn không có nhiều ảo tưởng về sự rộng rãi của hai bà chị. Đôi mắt chị Hậu mở lớn nhìn tôi. Như đôi mắt của một chủ nợ đánh giá khả năng của con nợ. Tôi bình thản như không, hỏi:

- Vậy chị tính sao?

Chị Hậu như chỉ cho chiếc đèn xanh của tôi bật mở là nhấn ga tiến tới:

- Tao tính tụi mình phải bảo lãnh cho chị Hà qua du lịch.

Cặp mắt mở trừng trừng tưởng có thể rách mí mắt của tôi chắc làm chị Hậu thích thú lắm. Tôi muốn té xỉu vì ngạc nhiên. Lại còn mời chị Hà qua du lịch. Sao khi không bà chị tôi lại có cái ý tưởng quí phái như vậy! Nếu mây trên trời có đua nhau kéo xuống đất và cát bụi dưới đất bỗng bay bổng lên kín bàu trời chắc cũng không làm tôi ngỡ ngàng đến như vậy. Đầu óc tôi luống cuống bất định khiến tôi chỉ hỏi được một câu chẳng thành một câu hỏi:

- Bảo lãnh chị Hà qua du lịch?

Chị Hậu cười. Chiếc đầu mải lo tính toán đã làm chị ít khi dùng đến cái miệng để cười. Nụ cười của chị bò rộng ra thêm một chút:

- Làm gì mà như trời sập vậy? Tao tính kỹ rồi. Tụi mình không mất gì hết.

Chị Hậu hiểu lầm tôi. Tôi đâu có nghĩ tới tiền nong. Tôi sững sờ vì chẳng biết hai bà chị ma mãnh của tôi đang toan tính những gì. Như không muốn làm tổn thương thêm trái tim của tôi, chị vội giải thích:

- Chị Hà sẽ qua du lịch sáu tháng. Nhà có sẵn máy may, chị may cật lực thì bỏ rẻ ra cũng được bảy, tám ngàn. Trừ tiền máy bay, tiền ăn ở thì cũng ôm về được ba, bốn ngàn đồng làm vốn. Tụi mình chỉ ứng trước tiền máy bay cho chị. Chẳng mất đi đâu đồng bạc nào mà lại giúp chị có một số vốn lớn. Mày thay tao tính có thần sầu không?
Mắt chị Hậu nở ra long lanh cho đợi lời khen ngợi của tôi. Đầu óc tôi như một sợi giây căng thẳng bỗng bị một nhát kéo cắt ngang. Tôi chẳng còn muốn nghĩ ngợi gì hết. Những ý nghĩ trong đầu tôi lả tả rụng xuống. Cảm giác chán chưong ôm kín tôi. Tôi thầm thì như nói riêng với mình:

- Thế mà cũng gọi là đi du lịch!

Chị Hậu quắc mắt nhìn tôi. Nếu tôi là một chiếc bánh chắc chị đã lủm gọn một miếng là hết sạch ngay rồi. Giọng chị kéo dài nửa như chế nhạo nửa như mắng mỏ:

- Sời! Nghèo mà ham! Ở đó mà nói chuyện sang trọng! Thứ con nhà lính tính nhà quan!

Tôi ngậm câm cho xong chuyện. Mà đâu có xong. Miệng ngậm kín nên nó leo lên đầu nằm cấn cái khó chịu. Tôi trút cái khó chịu cho Hoài. Hoài nghe tôi kể chuyện chị Hậu cho chị Hà đi du lịch xong cứ mỉm cười hoài. Tôi chẳng hiểu anh cười gì chỉ mường tượng thay có chút giễu cợt bên trong. Sức mấy mà anh dấu được tôi. Tôi xắn tay áo bắt đầu cuộc chiến:

- Cười gì vậy?

- Thấy tức cười thì cười.

Cái mặt tỉnh bơ của Hoài trông dễ giận. Tôi nghe thấy mạch máu chạy rần rần trên mặt. Hạch nước mắt của tôi đang phình ra. Hoài ơi, em khóc cho mà coi.

Hoài là một tay cờ lão luyện biết tấn thối đúng lúc. Thấy khuôn mặt tôi đang bày ra trận thế mưa sa bão táp, anh vội nhích một nước cờ:

- Anh thấy ít có người biết kính cẩn đồng tiền như hai bà chị của em.

Tôi vốn không ưa gì hai bà chị xi măng cốt sắt của tôi nhưng sẵn đang tức Hoài nên gây chiến liền:

- Rồi sao?

Hoài nhởn nhơ như không, gảy thêm nước cờ thứ hai:

- Đâu có sao! Anh đang tính đề nghị với chính phủ in hình hai bà chị em lên đồng tiền Canada. Chắc thế nào họ cũng chấp thuận vì cho họ kiếm đỏ mắt cũng chẳng tìm được ai kề cận với đồng tiền bằng hai bà ấy.

Tôi cố làm mặt nghiêm nhưng cái giọng bơ bơ khôi hài kiểu móc lò mà không thèm nhếch miệng cười của Hoài làm tôi bật cười. Nụ cười của tôi như những mảnh pha lê vung vãi trên mặt đất kéo theo tiếng cười của Hoài. Chẳng biết chiếc kim đồng hồ nhích được bao xa hai đứa mới hãm được tiếng cười. Hoài ôm vai tôi nhỏ nhẹ:

- Chắc anh phải mau mau kéo em ra khỏi nhà chứ không em bị ô nhiễm thì đời anh chắc sẽ được ăn mắm quẹt dài dài.

Hoài vẫn vẽ cho tôi một tương lai hết sức rõ ràng ngăn nắp. Hè này Hoài sẽ ra trường. Chắc chắn anh sẽ kiếm được việc làm ngay vì đã có nhiều nơi phỏng vấn muốn nhận anh làm. Chúng tôi sẽ làm đám cưới sớm. Cưới xong anh sẽ để cho tôi đi học lại như tôi vẫn hằng mong ước.

Hoài nhẹ nắm tay tôi dưới bàn ăn. Tay tôi mềm mại trắng muốt. Hoài vẫn khen như vậy trước khi đặt môi hôn lên tay tôi. Người tôi dựa sát vào anh. Tôi cảm thay an tâm vững chãi. Mảnh tương lai Hoài tặng cho tôi là một món quà vô giá. Chúng tôi sẽ mãi mãi có nhau trong những tháng ngày lóng lánh hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng đẫm ướt ân tình. Tôi đỏ mặt thỏ thẻ:

- Em nói trước rồi nghe! Anh làm sao thì làm, đừng để cho em ôm cái bụng đi học thì quê lắm đấy.

Hoài thủng thẳng thả giọng bài bây:

- Ai quê người ấy ráng chịu. Biết sao mà nói trước được!

Cái mặt trơ trẽn dễ ghét! Tôi muốn nhéo cho vài cái thật ngọt.