Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

CANH CÁNH BÊN LÒNG

Đi ăn cưới cũng giống như đánh bạc. Hên thì được một đêm vui. Xui thì chịu vài tiếng đồng hồ cực hình. Mười cái mặt lạ hoắc ngồi nhìn nhau như mười tội đồ. Chuyện thời tiết cũn cỡn có vài câu, thoáng cái đã hết. Ngồi rặn mãi cũng chỉ thêm ra dăm ba câu vô thưởng vô phạt. Rồi lại đần mặt ngượng ngùng. Mấy bà còn có cái thú nhìn kim cương hột xoàn của nhau. Mấy ông thì vơ vẩn biết để con mắt vào đâu. Chỉ có chị bồi bàn cứu vãn được tình thế. Những đĩa thức ăn tiếp nối nhau được đặt xuống bàn như một cứu rỗi. Nói chuyện với gà vịt tôm cua bằng đầu đũa coi bộ dễ hơn nói chuyện với nhau bằng mồm miệng.

Đêm nay tôi gặp hên. Cả bàn là bạn cũ. Có ông từ thuở còn đi học. Có ông từ thuở trai tơ chạy nhong ngoài đường như chó dái. Lại có ông từ thuở mới bắt đầu đi làm cứng ngắc với chiếc cà vạt vụng về trên cổ. Nhưng vẫn lòi ra một ông chẳng biết là ai. Quái lạ, sao cái điệu bộ và cặp mắt trợn trừng lên khi nói của ông này hình như đã thấy ở đâu rồi. Khuôn mặt tròn vo, mớ tóc nhuộm đen nháy chải hớt ra sau bóng nhẫy, nói năng ậm ừ, rõ ràng có nét quen quen. Đang định đánh bạo vấn câu người ở đâu tá thì cặp mắt ốc nhồi đã phóng qua đậu trên mắt tôi.

"Ông không nhận ra tôi à?"

Hơi ngượng, tôi ấp úng.

"Tôi thấy ông quen quen, đang cố gắng chắp ông vào một khoảng thời gian nào mà chưa ra."

Bộ mặt phủ phê trước mắt tôi như thách đố, giọng nói mất vui thấy rõ.

"Thì ông cố chắp tiếp đi. Trông thấy ông là tôi nhận ra liền, chẳng phải chắp chiếc lôi thôi gì cả."

Nếu có đuôi, chắc đuôi tôi phải cụp dữ lắm. Tôi nhấp nhổm trên ghế.

Những cặp mắt trên bàn đang hóng lên chờ một cuộc tỉ thí mà tôi thua thấy rõ. Đối thủ của tôi thản nhiên tiếp tục câu chuyện với người ngồi bên cạnh, chẳng coi tôi có kí lô nào cả. Tôi thì đần mặt bối rối chụp mảnh này bắt mảnh khác trong cái ký ức mà tôi đang xấn xổ lục tung lên. Vãn câu chuyện, khuôn mặt quen quen lạ lạ đó nhìn tôi thú vị.

"Ông chắp xong chưa? Lạ nhỉ, cãi nhau như mổ bò, thiếu điều đập lộn nhau mà bây giờ ngây mặt ra nhìn. Đau thật! Hùng đây, nhớ chưa?"

Tôi quả tệ thật! Người ta xưng tên ra rồi mà vẫn biệt mù cái trí nhớ phải gió. Cái bản mặt đang thộn ra của tôi chắc dễ ghét lắm. Tôi lầu bầu.
"Hùng! Hùng nào nhỉ?"

"Chán ông quá! Hùng chơi với ông hồi ở đường Trần Xuân Soạn Hà Nội đây, nhớ chưa?"

Đầu tôi như cái lò xo được buông thả. Khoảng đời trùng trục chỉ trần xì có chiếc quần đùi phơi nắng chang chang ngoài đường khét lẹt người ngợm vụt vùng dậy. Tôi không nhớ cái tên Hùng nhưng khuôn mặt này thì tôi nhớ.

"Hồi đó ông thò lò mũi xanh rả rích suốt ngày phải không?"

Mặt Hùng sượng thấy rõ. Tôi giận tôi bộp chộp. Hứng chí về thời nghịch ngợm cũ chẳng kịp giữ mồm giữ miệng nhè ngay nhược điểm của người trước mặt mà nói. Vợ Hùng ngồi bên cạnh kín đáo giấu nụ cười.

"Thế ra ông bắt tôi phải tiếp tục thò lò mũi xanh ông mới nhận họ nhận hàng hay sao? Cha này ác thật! Hồi đó ông chơi bi mả như gì, ăn dỗ hết túi bi ve tôi quí như vàng, nước mắt dơm dớm thiếu điều muốn khóc, ông còn nhớ không?"

Cái thời anh hùng hè phố đó sao mà đã! Tôi chạy qua phía sau Hùng, đập xái vai hắn, lắc lắc gần một tạ thịt xa lạ với thằng nhỏ phốp pháp dại khờ ngày cũ.

"Hóa ra là ông! Này, hồi đó có bao giờ tôi bắt nạt tặng ông vài quả thụi không đấy?"

"Chưa đến nỗi vậy. Chắc hồi đó tôi chịu lép vế nên ông thương tình không nỡ. Chứ cỡ ông mà tha ai!"

Những cái tên của một thời đường phố Hà Nội xếp hàng diễu qua đầu óc tôi. Tôi cuống quít với Hùng.

"Ông có tin gì về những thằng hàng xóm cũ của mình không? Tuấn điên, Toàn mỏng. Ngạc sấu, Thích ve sầu, Ngô kiếm hiệp...?"

"Chúng nó chết hết rồi ông ơi!"

Tôi thẫn thờ.

"Chết hết rồi à? Sao ông biết?"

"Có đứa tôi biết chắc, có đứa tôi nghe đồn, nhưng chết thì đâu có gì lạ hả ông? Loạn ly như thế, khổ cực như thế, cứ lăn ra mà chết. Vậy nên gặp lại ông tôi mừng, tụi mình như những con chim còn đập cánh được sau cơn bão táp. Chẳng biết ông ra sao chứ tôi bệnh tật cùng người, vẹo lúc nào không hay. Uống với nhau một ly chăng? Cái thứ vang đỏ này được lắm. Chẳng nói dấu gì ông, bệnh thì bệnh, tôi lúc này chỉ còn vui thú với ba chén rượu nên mồm miệng cũng phân biệt được cái nào ra cái nấy. Cạn nhé!"

Tôi đổ rượu vào miệng. Rượu vẫn còn sóng sánh dưới đáy ly thì phía sau một bàn tay kéo cánh tay tôi.

"Rượu ngon thì phải nhắp. Đổ như đổ nước thế kia thì hỏng. Chẳng nhẽ bạn tôi lại là thứ lông nách một nạm!"

Hùng đặt chiếc ly cạn xuống bàn nghe kêu đánh cạch một cái.

"Ơ, cái ông này hay nhỉ! Rượu của người ta là rượu hội ngộ giữa những người thất lạc nhau sau hai lần đổi dời. Hội ngộ thì nó phải diễn tả được niềm vui mạnh bạo hào hứng chứ. Ông đách biết cái gì cả mà lanh chanh ồn ào. Đi về chỗ đi!"

Câu mắng yêu của Hùng chẳng chuyển được cái lông chân của Niệm. Hắn tỉnh bơ.

"Thằng này hôm nay xung quá, khó nói chuyện. Toa qua đây với moa một chút. Moa có chuyện cần nói với toa."

Tôi cạn nốt ly rượu, theo chân Niệm về bàn hắn. Mặt hắn chuyển sang màu ủ dột. Tôi ngửi thấy mùi quan trọng, ngồi im re chờ hắn phán.

"Thằng Phan coi bộ mệt. Mấy đứa bên Houston phôn cho moa hay là hồi này nó ốm lắm, mặt mũi xuống sắc, tránh gặp bạn bè bên đó. Moa phôn cho nó không được. Toa thử phôn nó một tiếng coi. Dù sao toa cũng thân với nó hơn moa."

Tôi thừ người chẳng biết đang có cái gì trong đầu. Nhưng bụng tôi thì lo lắng thấy rõ. Sự bất thường như một cánh chim báo bão. Giông tố nham hiểm biết đâu mà lường. Tôi run giọng hỏi Niệm.

"Mấy tên bên đó có nói thêm gì không?"

Câu hỏi vô duyên chỉ cốt che dấu nỗi bối rối trong lòng. Niệm buồn bã.

"Không! Hình như chẳng đứa nào muốn suy diễn gì thêm. Ngại cả!"

Niệm vân vê chiếc khăn ăn mầu đỏ. Tôi cúi mặt hoang mang. Chẳng lẽ! Thế chỉ hơn một năm là đi. Dinh tắt nụ cười muôn thuở yêu đời. Hoàng quằn quại ôm bụng nhắm mắt. Thảo hôn mê mà nhăn nhó mặt mày mãi mới dứt được hơi thở.

"Toa thấy sao?"

Niệm thở mạnh.

"Chỉ mong chẳng có gì quan trọng."

Tôi đanh mặt lại.

"Chẳng lẽ nó lại bắt thêm một thằng nữa sao!"

Niệm tần ngần.

"Ngán lắm toa ơi! Ở tuổi tụi mình đành cứ phải co vòi chịu trận. Biết thế chó nào được. Nó đụng đâu thì chịu đấy."

Hai đứa chúng tôi như hai tên mù. Cứ sờ quanh. Chẳng đứa nào dám nhìn thẳng vào sự sợ hãi của mình. Ngày xưa, đạn réo quanh người, chẳng biết nó ghim vào thịt lúc nào, chúng tôi còn có cái dũng khí của tuổi trẻ, át cơn sợ hãi, nhanh nhẹn tránh né, chống trả. Ngày nay, chúng tôi nhu nhược, nép mình vào một chỗ dựa vô hình, cun cút run người trước cánh tay hung hãn của nó. Hòn tên mũi đạn còn có hướng tới, nó lù lù trong người biết tránh nơi đâu. Nó đã từng vấy bẩn dòng máu của Thế, bóp vữa ruột già của Dinh, vọc nát lá gan của Hoàng, làm tan hoang buồng phổi của Thảo. Trò nào nó cũng chơi được. Toàn những trò chết người. Thân thể có bao nhiêu bộ phận thì nó có từng đó thứ để mầy mò phá phách. Nghe tới cái chết phía trước, nó. Phía sau, nó. Bên trái, nó. Bên phải, nó. Nó bao vây, dọa dẫm khắp nơi. Cách gì cũng là trò chơi điên cuồng của nó!

Mẹ Dinh, mắt ráo hoảnh bên xác con nằm bình thản giữa một rừng hoa đầy mầu sắc, đã bảo những bộ mặt tang tóc của lũ chúng tôi. Thằng Dinh nhà tôi mà còn dính thì các cậu cứ thả giàn đi. Muốn rượu chè hút sách gì thì cứ việc. Đừng kiêng khem, giữ gìn làm gì cho nó khổ cái thân! Cái giận chuồi vào ruột vào gan của cụ khiến cụ nói mát nói mẻ như vậy chứ cái sợ của lũ chúng tôi vẫn nằm ỳ ra đó. Một đời Dinh, hắn cẩn tắc giữ sức khỏe. Rượu không, thuốc không, ngủ sớm, dậy sớm, sáng nào cũng chạy bộ, thở hít đúng bài bản, ăn uống đúng nguyên tắc, kiêng khem đầy đủ. Đùng một cái, ruột già dở chứng. Thuốc tây bơm vào nát người rụng tóc chẳng ăn thua gì. Người cứ rạc đi. Chạy qua thuốc ta, nghe đâu hay tìm tới đó. Vậy mà cũng chẳng đi đến đâu. Tiêu!

Cái lối dánh lén nham hiểm của nó làm lũ chúng tôi sảng. Nghe thấy một ông bị phổi bèn thấy ngực mình râm ran, thở thiếc khó khăn. Người khác bị dạ dày thì thấy bụng mình hình như cứ quặn quặn bất ổn. Người ta bị gan thì tay cứ từng chặp sờ bụng có cảm tưởng như bụng mình phình lên hơn. Ông hàng xóm bị tuyến tiền liệt thì sao cứ thấy mình muốn đi tiểu hoài. Vòng vây không hình dạng, không tung tích làm thui chột cuộc sống của lũ chúng tôi.

Chính Niệm cũng đã một thời, theo lời hắn, lo đái ra máu! Hắn vốn thuộc loại đô con, đi đứng dềnh dàng, nói năng mạnh bạo, chẳng biết sợ là gì. Đang đi làm ngon lành, bè bạn đàn đúm mỗi cuối tuần vui như tết, cuộc đời thoải mái biết mấy, đùng một cái mặt mũi cứ tái đi, cân kéo rủ nhau đi xuống. Lo quá đi chứ. Khi thân xác nó phản bội mình thì chẳng biết sẽ đi tới đâu. Hắn điện thoại cho tôi, giọng nhuốm vẻ thu vàng.

"Sao khỏe không toa?"

"Khỏe, còn toa sao?"

Hỏi là hỏi như vậy thôi, như một thói quen, tôi đâu có chờ đợi gì nơi câu trả lời của hắn.

"Moa đang lo quá đây!"

Tôi giật mình. Cái miệng lúc nào cũng bô bô ầm ĩ của Niệm có bao giờ xuống giọng xề như thế này.

"Lo cái gì vậy?"

"Sao hồi này moa thấy người mệt mệt thế nào ấy."

Tôi nghĩ thầm tên này bỗng nhiên dở chứng. Chắc lại vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Hay cu cậu nổi máu anh hùng muốn bắt nụ cười của chủ nên hung hăng cầy sâu cuốc bẫm.

"Toa có làm việc quá độ không?"

"Không, vẫn như thường thôi."

"Hay có ham hố quá không?"

Tôi cười một mình chờ câu mắng của thằng bạn vẫn thường sỗ sàng nặng giọng mỗi khi bị bạn bè nhẹ nhàng thọc lét. Nhưng đầu giây bên kia không có tiếng nổ lớn.

"Còn giỡn nữa, cha nội! Đang lo són đái ra đây này, ở đó mà ham hố!"

"Toa làm ơn leo lên bàn cân giùm moa coi, xem voi có sút mất cái móng nào không?"

"Cân rồi. Tuần trước mất đi hai ký. Tuần này lại hai ký nữa."

Tôi lo trong bụng, giọng nói nghiêm trọng hẳn lên.

"Toa có đi đâu không vậy?"

"Đi đâu mà đi. Đang rầu thối ruột đây. Moa lo quá toa ạ. Con moa còn nhỏ."

Cái giọng trầm trầm lo lắng của Niệm làm tôi bấn loạn. Cứ sự thường ra, khi hắn thở than con còn nhỏ là dịp may cho tôi kê hắn ít câu đã cái miệng biết mấy. Ai đời vợ chồng tuổi chẳng còn xuân, con cái đã nếp tẻ đầy đủ, đứa nhỏ nhất đã sắp rời trường Trung học, vậy mà vợ hắn lại chề bề cái bụng. Chọc hắn thì hắn giở giọng bài bây. Các anh đếch theo được tôi nên các anh ganh tài. Ngày xưa lão bạng sanh châu còn được thiên hạ tấm tắc khen giỏi, tôi chưa lão mà các anh xầm xì cái nỗi gì! Phải khen đẫm lên cho anh em lên tinh thần chứ! Chúng tôi thừa biết dù có khen rối rít thì hắn cũng chẳng lên tinh thần được. Sữa mã, tã lót vào cái lúc đầu đã so le sợi đen sợi trắng thì có mà lên!

Tôi tạm dẹp cơ hội bằng vàng tặng cho Niệm ít câu không êm ả để vội vàng bảo hắn.

"Moa tới toa ngay bây giờ."

Giọng hắn mừng rỡ thấy rõ.

"Tới ở lại ăn cơm với moa luôn nghe!"

Tính Niệm vốn đầy đặn với bạn bè như vậy. Bạn tới nhà là phải ăn uống. Hắn vốn khỏe ăn nên rất chăm chú chuyện bát đũa. Tôi ầu ơ.

"Cơm với nước gì."

"Không sợ moa giận à? Moa đang cần có bạn."

"Ừ thì ăn. Mà đừng có rau dưa bầy vẽ gì nhé, cứ thịt cá loàng xoàng thôi!"
Câu nói đã bắn đi tôi mới nhẹ trách mình. Cái miệng ít biết nghiêm trang cứ hở ra là nhâng nháo đùa cợt. Bên kia đầu dây, giọng Niệm ít hào hứng.

"Thì cứ tới, có gì ăn nấy. Lại còn giễu nữa!"

Niệm đón tôi ở cửa, mặt mũi như cái mền rách. Ít khi tôi thấy hình ảnh thằng bạn thân lại xộc xệch đến như vậy. Vợ hắn rào trước.

"Em bảo anh ấy đi khám bác sĩ mà anh ấy cứ ầu ơ miết."

Niệm cười buồn, quay qua tôi.

"Moa ngán quá toa ạ. Các anh lang tây là chúa moi bệnh, lỡ các anh ấy phán ra những điều động trời thì sống sao nổi."

Tôi lên dây cót tinh thần cho thằng bạn chết nhát.

"Toa không đi cũng được, không sao. Nhưng với điều kiện là toa phải quẳng được mối lo đi. Chỉ lo không cũng đủ làm cho toa ốm người rồi. Vậy toa có dứt khoát tin rằng mình không bệnh tật đau ốm gì được không?"

Mặt Niệm trông thiểu não như sắp bị quăng ra nghĩa địa tới nơi. Tôi bồi thêm.

"Còn nếu toa vẫn lo sợ bệnh tật đã tới đóng chốt trong người thì phải đi. Moa nghĩ toa thần hồn nát thần tính chứ không có gì quan trọng đâu. Nhưng toa phải đi khám mới giải tỏa được sự sợ hãi đang bám chặt vào toa. Này ông Trâu Điên, ngày xưa xuống đông lên đoài đi tìm hòn tên mũi đạn mà tâm hồn nhẹ bâng. Bây giờ, sống cuộc đời an nhàn đầy đủ, trâu coi bộ lạnh cẳng rồi chăng? Để moa ới thằng Luận vồ một tiếng."

Khám khiếc, thử thiếc xong xuôi, Luận mới hấp háy cặp mắt dấu sâu dưới lớp kính dầy, uốn cái miệng răng cỏ nhẩy ra tranh sống với đôi môi, phán.

"Moa nhớ ngày xưa toa hay dựng xe bên lề đường, cởi vội khuy quần, tiếp nước cho gốc cây, bờ tường thì phải."

Niệm cười như mếu. Tôi mắng anh tu bíp nhiều chuyện.

"Biết nó bị sao chưa mà véo von vô duyên bỏ mẹ. Anh vừa phải thôi chứ! Có thấy cái mặt nó căng ra như mặt trống không đấy? Con người ta lo đái ra máu mà còn ầu ơ sốt ruột!"

Luận xấn xổ.

"Hôm nay ngày gì mà bọ xít hung hăng bay ra đầy phòng thế này nhỉ! Phải để cho người ta lung khởi vào đề chứ. Dùi đục như mày mà cũng mang tiếng viết văn đấy! Lâu lâu tao mới có dịp bóp dế được thằng này mà bắt tao bỏ qua được à? Nhưng thôi, tao thương nó, chiều mày, vểnh tai lên nghe ông phán này. Nó không đái ra máu đâu mà đái ra đường!"

Niệm nghe bệnh của mình mà mừng như bắt được của. Bệnh gì cũng được miễn không phải là nó. Mặt hắn phởn phơ trông phát ghét.

Tôi thầm mong Phan cũng vớ được cái bệnh loại hai nào khác, như Niệm. Ngón tay tôi nhấn mười một con số trên điện thoại mà tim tôi đập không biết bao nhiêu nhịp dư thừa. Tiếng chuông bên kia đầu dây nặng nề reo từng hồi. Nhịp chuông viễn liên như lúc nào cũng lanh chanh dục dã hơn. Chuông đổ hết hồi này sang hồi khác. Tôi áp ống nghe nén người chờ đợi. Tiếng chuông phụt tắt. Đường dây bị cúp ngẩn ngơ trong tôi. Tôi ngỡ ngàng đưa ống nghe ra trước mắt, nhìn. Có bao giờ chuông tự lặn đi như vậy đâu. Tôi bấm số lại. Chuông vang vang từng chập. Rồi lại bị cắt ngang. Tôi dằn mạnh ống nghe xuống. Phan đã quay mặt lại với cả tôi sao? Học chung lớp, du học ở chung phòng, đi làm chung chỗ, có chuyện gì của Phan mà tôi không tường đâu. Tiếng chuông bị cắt đứt như cái quay ngoắt phũ phàng làm tôi lặng người. Trong giây phút cô đơn khiếp sợ, Niệm đã tìm đến tôi. Còn Phan, sao hắn không nói với tôi một tiếng? Phan đã biết định mệnh của mình chưa hay, cũng như Niệm, bồn chồn nép mình dưới cơn nghiệt ngã tưởng như có thật?

Hùng đặt chai rượu đã vơi quá nửa lên bàn quay, đẩy về phía tôi.

"Rót nữa đi chứ! Ông tu hay sao mà bây giờ hiền khô vậy?"

Tôi nghiêng cổ chai, dấm dẳn.

"Thì cũng tu chứ. Tu như ông vậy. Tu chai!"

Hùng cười ha hả.

"Chứ không phải tu cha à? Được! Mấy cha có biết rượu nhậu với mồi gì bắt nhất không?"

Cả bàn ngó nhau. Toàn những khuôn mặt bạn bè ngơ ngẩn cả ra, chưa biết trả lời anh bợm nhậu này ra sao. Thằng này lớn lên được hơn hồi nhỏ nhiều, tôi nghĩ. Mặt hắn hếch lên như đón chờ một tia nắng chẳng bao giờ xuất hiện. Cái cười khệnh khạng của hắn trông khó thương vô cùng.

"Chẳng biết các ông đây có bao nhiêu ông đã từng mặc áo lính, lính thứ thiệt leo đèo lội suối coi tên đạn như ruồi bay chứ không phải thứ lính văn phòng hậu cứ đồ bỏ đâu. Đối với tôi, lính là lính, phải sình lầy phong sương. Hành quân về, rờ khắp người thấy thân thể còn lành lặn, trời mưa phùn giăng giăng, hơi lành lạnh, tắp vào một quận lị dọc quốc lộ, mùi phở tỏa ra đẫm mũi, chơi một chậu xí quách, vài lít đế, chuyền quanh với những khuôn mặt sống chết với mình, sướng tới củ tỉ hết biết!"

Hùng nhìn quanh bàn, như chia cái sướng cho từng người, mắt hắn dịu lại, chìm đắm, hỏi tôi.

"Ông còn nhớ ông hàng phở gánh trước cửa nhà ông không?"

Tôi hình dung ngay ra cái đầu hói, đôi mắt sáng, chút râu trên mép, bàn tay cầm con dao to bản cắt phần phật bánh phở, thịt chín thịt tái, miếng gân miếng sụn, lá hành cọng mùi. Đầu tôi bật ra một cái tên. Tôi khoái chí chỉ tay về phía Hùng, dõng dạc.

"Ông Tiến!"

Hùng long sòng sọc đôi mắt, đứng bật dậy, chỉ tay lại phía tôi.

"Đúng! Ông Tiến! Ông Tiến răng đen!"

Hắn gieo người xuống ghế, mặt vẫn căng lên sung sướng.

"Hồi đó, chỉ ngửi mùi phở ông Tiến đã thèm cách chi. Sau này, ghiền phở, ăn đông ăn tây, ăn từ bắc vô nam, ăn từ quê nhà ra hải ngoại, tôi vẫn chưa bao giờ ngửi được cái mùi phở mê ly như vậy."

Tôi thần người ra nghĩ tới những bát phở chiết yêu nhỏ nhoi nông xoẹt, khi có thịt, khi không có thịt, tùy theo những đồng tiền rách nát trong túi. Ăn bát phở như nuốt hết nhẵn cơn thống khoái vào bụng. Hùng xuýt xoa.

"Các ông các bà có biết không, phở của ông Tiến mà bỏ thêm ít thìa cơm nguội vào thì, cha mẹ ơi, sướng ngất ngư cái miệng, lăn đùng ra chết cũng thỏa!"

Cơn say phở thời ấu thơ của Hùng bị vợ tôi kê khéo.

"Phở mà bỏ cơm nguội vô. Sao mà nhà quê đến vậy!"

Hùng cong người lên.

"Xin lỗi chị! Lúc đó anh em chúng tôi đang ở giữa đất ngàn năm văn vật đấy, thưa chị!"

"Vậy mà vẫn quê! Phở mà tương thêm cơm nguội vô thì đúng là ông giết phở chứ còn gì nữa."

Hùng gân cổ.

"Ngon lắm chị ơi. Bữa nào chị cứ thử mà xem. Nhưng xin chị nhớ cho, phải cơm nguội đấy, cơm nóng thì hỏng bét. Nói vậy chứ, cứ phở là ngon rồi. Mà phở ông Tiến ấy, nó ma quái lắm chị ơi. Ăn bát phở vào, bách bệnh tiêu tan hết, thấy người khỏe khoắn lạ thường. Ông chồng của chị đấy, chỉ nhờ ông Tiến đặt gánh nhờ ngoài cửa, chiều nào cũng vậy, sau khi đã vét hết xí quách bán cho mấy bợm nhậu, vét một lần nữa tặng không cho một bát nước phở cặn mang vào nhà ăn với cơm. Vậy mà vừa khỏe vừa khéo tay, tôi có bao nhiêu bi là thua vào tay ông ấy hết."

Hùng nháy mắt cười với tôi. Tôi mặc kệ hắn. Hồn tôi còn đang tìm về những bát phở xưa, những bát phở như nước lồ ô pha gia vị. Đúng như Hùng nói, bao nhiêu tật bệnh cũng nép mình chịu thua phở. Ngày xưa, hình như tật bệnh cũng ít tinh ma ranh mãnh hơn bây giờ.