Bên lưng những con chữ
Bốn người một bàn
Dõi mắt vời trông
Chuyện tình, khúc đầu
Nhà nằm trong hẻm
Mai sau
Trên đỉnh Whistler
Chuyến đi không hẹn
Rời nơi giấu mặt
Cuộc rượu ngày đi
Gieo cầu
Đà Lạt nhớ
Canh cánh bên lòng

 

CUỘC RƯỢU NGÀY ĐI

Xỉa năm tờ giấy trăm ngàn cho bà hàng, Ngọc xách cổ chai Johnny Walker nhãn xanh, kéo tôi ra xe. Buổi sáng, nắng dịu, cặp gương mát trên mắt tôi loãng ra một màu nâu nhạt. Cô hàng bán gương nhỏ nhắn dễ thương trong một siêu thị đã dùng miệng lưỡi trói tôi phải mua cặp kính này sáng hôm qua. Chú coi, kính tốt, đổi màu theo nắng, hàng hiệu, mà chỉ có hai trăm sáu chục ngàn, chú không mua giùm cháu thì thôi! Tôi cố tình sửa lại gọng kính. Ngọc liếc nhìn, hỏi mát.

"Kính mới à, mang vào coi cũng cải thiện được khuôn mặt chút đỉnh đấy chứ!"

Tôi tháo kính, đưa về phía Ngọc. Hắn chăm chú đọc hàng chữ li ti trên gọng kính.

"Dễ sợ chưa? Giorgio Armani đàng hoàng! Thật hay giả đây?"

Hắn cười. Nụ cười làm tôi bối rối. Tôi biết ẩn trong nụ cười là một niềm thương hại. Bố vào xiếc rồi chăng? Lọc lõi như Ngọc, gì mà hắn chẳng biết. Có điều hắn không biết là tôi cũng đã biết chẳng phải là hàng thật, dù trên gọng kính có ghi rõ ràng Made in Italy. Hôm qua, tôi đã vặn vẹo cô hàng. Thật hay giả đây cô? Mắt cô nhỏ xụi lơ nhưng giọng vẫn cứng cỏi. Không thật nhưng không phải là giả chú ạ! Cháu cam đoan là tốt. Chú mua giùm cháu đi, từ sáng tới giờ cháu chưa bán mở hàng chú ơi! Tôi nhẩm tính trong đầu. Chưa tới ba chục đồng Canada, chưa tới hai chục đồng cứng, đòi hỏi chi cho lắm! Tôi vờn cô hàng không biết có được bốn chục ký không. Mua thì được nhưng phải nói năng cho rõ ràng, chứ cứ cái giọng ấm ớ của cô mà mua thì tức cái bụng lắm. Cô hàng cười tươi, bằng cả miệng và mắt. Cháu đâu có nhập nhằng với chú! Kính này nhập từ Hongkong, đâu có phải giả. Tôi đếm đủ hai trăm sáu chục ngàn để nhận một niềm vui tỏa khắp khuôn mặt nhẹ nhõm của cô nhỏ bán hàng khéo léo.

Ngọc trả lại kính cho tôi, dặn tôi bằng một giọng quan trọng.

"Sống ở đây ông phải cảnh giác!"

Tôi chỉ vào chiếc túi treo lủng lẳng trên tay lái.

"Còn thứ này, liệu có thật không?"

Ngọc cười khẩy.

"Nhà hàng quen, giả sao được?"

Tôi leo lên yên sau chiếc Honda. Chẳng biết loại gì. Xe cộ bên này cả vài chục loại, ngơ ngáo như tôi cứ cho qua luôn chẳng cần biết. Mà biết làm chi? Người ta chỉ ăn thua so kè nhau khi cùng tôn sùng một thang biểu giá trị. Tôi đứng ở ngoài, mù mờ chẳng biết cái nào hơn cái nào kém, chẳng ai mê muội đòi nhìn vào mắt tôi để khẳng định giá trị chiếc xe của mình. Ngọc lại càng không vậy. Xe hắn cũ. Tôi lại chẳng tin là bạn tôi phải dựa vào một thứ vật chất bên ngoài để mập mờ làm giá trị của mình.

Ngọc là một người có ý chí. Cứ nhìn vào cái dáng đi vững chãi của hắn khắc biết. Lúc voi, lúc chó, đời hắn là những ngày xông xáo hăm hở. Đời tôi chỉ có một lần nhìn được khuôn mặt của một người trúng số độc đắc. Nó như một trái bóng bay chỉ còn nối với mặt đất bằng một sợi dây mỏng manh. Ngọc gửi tiền vào ngân hàng, le lói một cuốn sổ băng trong túi, bắt ngay một chiếc xe hai ngựa bốn bánh rất lễ phép gật gù chào hỏi mọi chiếc xe khác trên đường phố. Chuyện xảy ra từ hồi Saigon còn chưa đổi chủ. Lúc này hắn lại đang cưỡi voi, dù chẳng trúng số gì cả, tiền thả ra như bươm bướm. Bắt toàn những thứ nặng ký.

Chai rượu trên bàn xa lông nhà Huỳnh đứng chờ vợ Huỳnh đi kiếm ba chiếc ly. Huỳnh nheo mắt hỏi.

"Thứ gì trông lạ vậy?"

"Ông già đi bộ xanh, già mười tám năm. Uống tạm được."

"Rượu mười tám năm, được quá đi chứ. Nhất rồi. Các toa chơi điệu với moa quá!"

Huỳnh bao giờ cũng điệu nghệ với bạn. Bạn hắn lúc nào cũng là nhất. Khi rượu đã thấm thì bạn là ông trời, hắn cũng là ông trời luôn. Đã có lần, sau một cuộc rượu, hắn đưa bạn về nhà ngủ qua đêm. Nhà có một chiếc giường đôi, hắn leo lên một bên, bắt bạn nằm phía bên kia, bắt vợ nằm giữa. Vợ ngúng nguẩy, bạn thoái thác, vậy mà chẳng ai làm trái ý được ông trời mặt đỏ!

" Moa chờ các toa suốt cả ngày hôm qua."

Giọng Huỳnh không trách móc nhưng tôi vẫn đỏ mặt. Tuần trước, chúng tôi hẹn đến uống rượu với Huỳnh, lại còn định ngày hẳn hoi. Ngày hôm qua, tôi nhớ nhưng những việc nhì nhằng của một ngày trước ngày lên đường trở về Canada làm tôi không tới được. Ngọc cũng bề bộn công chuyện chẳng dứt ra được một vài tiếng rảnh rang. Cái hẹn lừng lững trôi đi. Sáng nay, Ngọc phôn tôi. Trễ một ngày chẳng đến nỗi nào. Nhưng Huỳnh đã chong mắt cả ngày. Tôi biết hắn chẳng trông cuộc rượu nhưng trông ngóng bạn bè. Bạn xưa như rượu lâu ngày, thấm lắm. Bó người trong nhà cả ngày, nỗi ngóng trông phải vời vợi. Bôn ba công chuyện như tôi với Ngọc, thời gian nhẹ lắm. Nhưng chỉ đau đáu chờ bạn, cái dai dẳng của thời gian nặng nề vô cùng. Tôi cảm thấy ngượng, ấp úng.

"Xin lỗi toa, hôm qua bận quá. Phải xin lỗi thêm một chút nữa, hôm qua đã không điện thoại lại toa, để toa chờ."

Sáng nay, chúng tôi cũng chẳng điện thoại. Lúc nào Huỳnh chẳng có nhà, cần chi điện thoại. Nên khi chúng tôi tới, Huỳnh mừng cuống quít. Bàn tay run run khoác vội tấm áo khi chúng tôi xộc vào tới phòng ngủ bên trong.

Ngọc giơ tay coi đồng hồ. Hắn và chiếc đồng hồ lúc nào cũng gầm gừ canh chừng nhau.

"Thôi, toa khui rượu đi!"

Ngọc nhoài người đưa chai rượu cho Huỳnh. Huỳnh lắp bắp ngượng nghịu.

"Toa mở đi. Tay moa mở không được."

Ngọc mở rượu, rót ra ba chiếc ly. Huỳnh run run nâng ly kê sát vào mũi. Rượu cũng thơm trên mũi tôi. Ba chiếc ly cụng nhau.

"Mừng gặp lại được các toa. Moa đâu ngờ có ngày chúng mình lại được cụng ly với nhau như thế này."

Mười sáu năm trước, tôi bỏ đi chẳng cho Huỳnh biết. Cuộc ra đi trầy trật khó khăn làm tôi phải giấu biệt bạn bè. Ngọc đi trước tôi, cực nhọc với báo bổ nơi xứ người chẳng ra làm sao, quay về nước làm ăn lại khấm khá, nhưng công việc giữ chân giữ cẳng, cả năm may mới tới Huỳnh được một hai lần. Tôi về chơi, tụ lại được ba tên sát cánh nhau ngày xưa.

Ngày xưa, Huỳnh lừng lững một cậu cả rong chơi. Cũng có làm đấy chứ, nhưng làm báo cũng khật khưỡng như rong chơi. Trông coi một tờ báo, vậy mà cứ lấp ló bóng bạn ngoài cửa là tung hê hết. Nhậu cái đã. Chầu nhậu này mồi cho chầu nhậu kia, thời gian còn có nghĩa gì! Làm báo, bạn bè kể số chi. Cứ hết tên này đến tên khác, bàn nhậu mỗi lúc một đông. Khi tên này trả, khi tên khác trả, bổn phận ở chiếc túi nào có vẻ căng phồng. Huỳnh như tên đầu đàn hào hoa, có tiền thì móc ví, không tiền thì ghi sổ, thiếu chút đỉnh thì rủ một tên bạn đi tiểu. Phòng vệ sinh trở thành nhà băng, đếm đếm trao tay.

Nhưng nhậu mà ngồi tiệm nhiều khi hỏng mất buổi nhậu. Bàn nhậu có phong cách phải ở giữa trời, nằm ngang nhiên trên lề đường một cái ngã sáu ngã bảy nào đó. Trời đẹp thì cám ơn trời, trời mưa thì nhờ chiếc bạt. Nhiều bữa còn đội mưa mà nhậu. Chết ai đâu? Chỉ chết mấy cái ngõ hẻm gần bên. Tường rào lúc nào cũng hoa hòe hoa sói khi các bợm nhậu mở khóa quần kê sát vào. Kể cũng vất vả chút đỉnh. Nhưng khi Huỳnh bốc thì hắn chẳng phải vất vả một ly nào cả. Đường ria mép vênh lên theo nụ cười nhẹ kéo theo chiếc răng cửa sứt được phô bày rộn rã và câu nói cầu tài với tên ngồi trước mặt.

"Nhấc chân lên!"

Bạn nhậu với nhau lâu ngày biết ý nhau. Không co chân lên là lãnh đủ thứ la de phế thải. Bàn nhậu im phăng phắc. Tên nào cười mỉm cứ cười, tên nào liếc ngang liếc dọc thăm chừng cô chủ quán cứ liếc, Huỳnh nghiêm trang giải thủy. Trời không mưa mà nghe như mưa. Mưa bóng mây nhằm nhò gì! Chờ tới khi nụ cười trở lại với Huỳnh, mưa đã dứt, bàn nhậu lại nhộn nhạo trở lại.

Ngọc đưa ly lên.

"Mừng gặp lại nhau."

Rượu đắng trong miệng, tôi nhìn Huỳnh lệ muốn ứa ra. Huỳnh mắt đã mờ, chậm chạp đưa ly lên môi.

"Rượu thơm quá. Lâu lắm moa mới lại được uống thứ này."

" Moa định mang tới chai XO đấy chứ. Nhưng họ hết rồi."

"Thứ này là sang quá rồi. Giờ moa chỉ mỗi ngày lấy la de làm chuẩn."

Huỳnh nhấp nhấp môi. Rượu như một thứ hạnh phúc lỏng thấm vào đôi mắt lim dim của hắn. Ngọc uống như chiêm nghiệm, đón rượu như đón bạn. Để cho cái tình ngấm vào người. Chúng tôi nương nhẹ rượu. Nhất là rượu quý. Phũ phàng với rượu là một cái tội.

Mới tối hôm qua, sau bữa cơm đãi bạn phương xa về với đặc sản quê hương kín mít mặt bàn, chúng tôi lên sân thượng nhà Ngọc uống rượu dưới trăng. Tôi ngồi dưới bóng cây ngọc lan trồng trong chậu ngằn ngặt tỏa hương, hòn non bộ trước mặt róc rách dưới bóng cây, ngả người sảng khoái trong khi Ngọc khui chai XO. Bàn rượu có bốn người, tay đều từng dính mực nhà báo. Ngoài Ngọc và tôi ra còn một anh bạn nhà báo đã nghỉ hưu từ bên San Jose về, và một anh bạn xưa, nay vẫn còn đang báo bổ ở Saigon. Những đồng khí tụ nhau lại. Cảnh đẹp, rượu ngon, bạn khó gặp, tưởng phải là một đêm hội ngộ đẹp. Rượu nếm từng giọt, anh bạn bên Mỹ về mặt sáng lên thú vị. Tôi ngồi chết lặng, đời mấy khi có được những phút giây này. Anh bạn nhà báo Saigon, mặt bấm ra rượu, cầm ly rượu quý, nảy nảy thách thức từng người, đưa lên miệng ực một hơi, giơ chiếc ly không lên giục giã người khác uống. Anh bạn nghỉ hưu nhăn mặt trước cung đàn lạc điệu. Tôi thầm tiếc, rượu có cái kiêu kỳ của rượu, mỗi thứ rượu có cách uống riêng, mỗi bạn rượu có cách tiếp rượu riêng, mỗi bàn rượu có những cách đối xử riêng, lỡ một cái là hỏng.

Ba đứa chúng tôi, thân thích từ ba chục năm có dư, biết tính nhau như biết từng vị rượu, lặng người trầm ngâm. Thăng trầm cuộc đời như hiện ra trên màu hổ phách lóng lánh chất say. Rượu lỏng nhưng keo sơn, xa mặt nhưng lòng chúng tôi chẳng cách xa. Dòng đời đãy đưa mỗi đứa dạt một nẻo. Tôi yên phận buồn nản với cuộc sống ở trọ. Ngọc vẫn say sưa bay nhảy những bước dọc ngang chinh phục. Còn Huỳnh bó gối trong gian phòng nhỏ lấy chuyện xưa làm chuyện nay. May mà Huỳnh còn có hai đầu gối để bó. Một bên còn lủng lẳng một khúc thừa chưa đày nửa gang tay dưới đầu gối, một bên sát sạt đầu gối vết sẹo cưa. Căn bệnh tiểu đường trầm kha đã nuốt của Huỳnh đôi chân, và lấy đi gần cạn sự sáng của đôi mắt.

Huỳnh có bao giờ đợi bạn tới rủ đi uống rượu, vậy mà nay ngồi ngong ngóng từng tiếng chân quen thuộc. Ngày xưa Huỳnh luôn luôn là người bày ra cuộc rượu. Chiếc vespa méo mó đưa anh đi gõ cửa hết nhà này đến nhà khác rủ đi nhậu. Huỳnh năng động. Rượu trong hắn còn năng động hơn. Nửa khuya, gần giờ giới nghiêm, chúng tôi mới vội tản ra, mỗi người một xe, phóng vèo vèo về nhà. Đường phố im phăng phắc, thỉnh thoảng những chiếc xe cảnh sát hay quân cảnh tuần đêm xẹt qua mặt. Lớ ngớ còn ở ngoài đường sau tiếng còi hụ là trăm sự phiền phức. Thường thì chúng tôi say mà vẫn biết sợ tiếng còi. Nhiều đêm lỡ trớn phải cần tới lá bùa thẻ ký giả mới khỏi ngủ với muỗi.

Có những đêm rượu hành sớm, giới nghiêm còn xa, mà tôi đã phải kè kè bên xe Huỳnh đưa hắn về nhà. Thường thì Huỳnh phản đối.

" Toa làm mất mặt moa quá vậy! Không sao đâu, moa về được mà."

Chiếc xe suốt đời đói dầu nhớt thả khói mịt mù. Huỳnh biến mất trong màn đêm. Chúng tôi chỉ còn biết cầu mong thần Lưu Linh cho Huỳnh được lấy say làm tỉnh. Hôm sau, gặp lại, Huỳnh cười tươi rói.

"Các toa biết không? Say rượu lái xe như đi thảm thần vậy. Không thèm giữ thăng bằng mà vẫn phom phom, không cần biết đi đâu mà xe vẫn vào tới nhà. Dựng xong chiếc xe đàng hoàng, ném người xuống giường, bấy giờ mới say thực sự."

Kinh nghiệm bợm nhậu này, chúng tôi đều có trải qua. Thần say quả có tính cẩn thận. Nhưng khi thần cũng quắc cần câu thì lôi thôi lắm. Tôi hỏi Huỳnh.

"Toa có nhớ bữa toa té xe gãy chiếc răng cửa không?"

Huỳnh gật đầu cười. Nghe ra vừa thú vị vừa ngượng ngập.

"Toa có biết hồi này Sáu Bính ở đâu không?"

Tôi biết cái té để đời vẫn nằm trong đầu óc mông muội của Huỳnh. Đầu óc mà Huỳnh mới than với tôi là lộn xộn khi nhớ khi quên, mà quên nhiều hơn nhớ.

"Hắn vẫn ở Úc. Trước có thư từ đều cho moa. Mấy năm nay bặt tin chẳng biết đi đâu."

Huỳnh nhắm mắt.

"Tội nghiệp hắn. Mà cũng tức cười."

Cái té không chỉ lấy của Huỳnh chiếc răng cửa mà còn bẻ gãy một bên xương bả vai. Tôi vội đưa hắn vào tìm Bính ở nhà thương Đô Thành. Bính một tay làm bác sĩ, một tay viết báo. Mê cầm viết hơn cầm kim chích. Chính hắn cũng chẳng biết tay nào là tay trái, tay nào là tay phải. May mà bữa đó nhằm đúng vào đêm Bính trực. Hắn khám bệnh, xoa xoa nắn nắn, chụp hình quang tuyến. Chúi mắt vào tấm phim đen trắng lớn bằng tờ báo hàng ngày gấp đôi lại, Bính chặt lưỡi.

"Nứt mẹ nó rồi còn đâu. Sao ông để hắn lái xe vậy?"

Ai mà để hắn lái xe đâu. Thấy rượu trong người hắn coi bộ nhiều hơn máu, anh em đã cản. Mỗi người một câu, câu nào cũng đậm mùi rượu. Vậy mà Huỳnh cứ lảo đảo dắt xe ra. Một tên giật xe lại đòi mang vào gửi cô chủ quán. Huỳnh làm dữ. Tôi vội theo sau vệt khói của xe hắn. Huỳnh làm xiếc với chiếc xe chẳng được mấy nả thì đã lăn ra đường. Xe một bên, người một bên. Tôi dựng xe nhào tới. Huỳnh cười ngây ngô.

"Toa đấy à? Sao toa ở đây?"

Bính bó bột khúc xương gãy. Hai ngày sau, Huỳnh tự cắt băng, đi thày tàu chữa theo thuốc gia truyền. Vết nứt lành lại sớm hơn thời gian bác sĩ Bính dự trù. Huỳnh cười ha hả. Mặt Bính xám ngoét. Giận thì có giận nhưng ai giận được lâu với Sáu Huỳnh. Hắn ở với bạn như bát nước đầy.

Bữa chúng tôi kéo nhau xuống xóm rẻ tiền, rẻ nhưng cũng khá nặng đối với chiếc túi đã chi tiền rượu còn lại rất mỏng của chúng tôi, các em xúm vào mời mọc khoe của. Cả bọn đi thì đông mà các em tàm tạm ôm được không đông lắm. Đành phải xa luân chiến. Huỳnh quắp một em vào phòng. Xong việc, hắn cúi đầu sát vào từng cái mặt ngồi chờ, dặn đừng tên nào léng phéng với em hắn vừa đi. Hắn say mà còn khá tỉnh. Hắn dính bệnh từ trước, sợ anh em dính theo.

Căn bệnh quái ác làm cho Huỳnh xanh máu mặt. Nó tới vào đúng thời gian vợ hắn dính bầu. Ngày vợ hắn sinh, hắn ngồi lì ở tòa soạn, đụng đâu đổ đấy, chẳng làm được việc gì ra hồn. Khi tôi tới tòa soạn thì vợ hắn đã sanh xong.

"Sao toa? Trai hay gái vậy? Mở rượu mừng đi chứ!"

Huỳnh ơ hờ.

" Moa không dám tới nhà hộ sinh."

"Sao vậy?"

"Moa sợ."

Huỳnh mà sợ là chuyện hiếm có. Con người hắn lông ngông đâu biết sợ gì.

"Moa để cho con nhỏ người làm lên với bả. Con nhỏ về moa cũng không dám hỏi. Moa chờ xem nó có nói gì không mà nó cứ lặng câm. Túng quá, moa phải run run hỏi. Em bé có gì lạ không? Con nhỏ trả lời không. Moa đánh liều hỏi tiếp. Em bé có chân tay bình thường không? Mồ hôi moa đổ hột ngóng câu trả lời. Dạ, bình thường. Moa thở ra. Mừng quá xá cỡ. Chưa bao giờ moa biết quí chữ "bình thường" bằng hôm nay!"

Lúc đó tôi mới biết hắn sợ mất hồn. Chỉ sợ bệnh tật của mình làm di hại tới đời con. Sau cái lông ngông là một tấm lòng. Với bạn, và với con.

Ngọc nhìn lên mấy tấm hình trưng trong tủ kiếng.

"Mấy đứa nhỏ không còn đứa nào ở với toa hả?"

"Chúng nó lớn ra ở riêng hết rồi."

Huỳnh gật gù. Hắn tiếp, giọng ngập ngừng.

" Chúng nó về thăm moa hoài. Chúng có tình. Chắc hơn ông già chúng!"

Huỳnh nhấc ly uống. Rượu là thuốc. Nó làm dịu đi được niềm ăn năn. Rượu là trí nhớ. Nó mời gọi lại được giữa ba chúng tôi mảnh đời hoang đàng đẹp đẽ xưa.

" Toa có nhớ chai rượu saké của ông này không?"

Huỳnh cười thích thú sau câu hỏi của Ngọc.

"Nhớ chứ! Vui dễ sợ!"

Tôi từ Nhật về ôm theo chai rượu bản xứ đãi anh em. Chai rượu bằng men trắng có những cánh hoa xanh được chuyển quanh bàn. Vào thời mà việc xuất ngoại cũng tương tự như trúng số độc đắc, chai rượu như gợi ra những ước vọng tang bồng. Rượu chưa khui, bàn rượu đã rộn tiếng tranh cãi.

" Rượu saké phải uống nóng mới đúng cách."

"Đúng rồi. Nhưng làm sao hâm nóng đây?"

"Thôi mấy bố ơi, đừng có dại! Bể mẹ nó chai thì hết rượu."

"Bể sao được! Đưa moa."

Huỳnh giật lấy chai rượu, kẹp vào nách. Rượu dĩ nhiên không nóng được nhưng những trận cười thoải mái đã hâm nóng bàn rượu.

Ngọc gật gù.

"Rượu bữa đó ngon thiệt hả?"

Huỳnh cười khoe chiếc răng sứt.

"Ngon chứ! Nó mang cả khung trời ước mơ trong đó!"

Huỳnh thèm đi hơn ai hết. Nghề làm báo bắt hắn đọc nhiều. Càng đọc, trong đầu hắn càng hằn in những chân trời lạ. Hắn thèm những bước chân lang thang trong xóm Harlem, la cà trên các quán rượu Paris, ôm trong tay những nàng nghệ giả Phù Tang, những nơi mà tôi, chẳng biết có nháy mắt đồng lõa với ông thần may mắn nào không, đều đã đặt chân tới. Huỳnh chép miệng, giọng buồn.

"Toa sướng thật. Moa thèm chết được một lần đi mà chẳng bao giờ được làm va ly. Bây giờ, chân cẳng thế này. Chịu!"

Bầu không khí đặc lại buồn thiu. Huỳnh khuấy đặc thêm.

" Trông các toa, moa thèm quá. To lớn, khỏe mạnh!"

Tôi sợ phải nhìn thấy nước mắt trên mặt Huỳnh. Nhưng không, Huỳnh chỉ quay qua Ngọc.

"Toa bao nhiêu ký?"

"Khoảng tám chục."

Huỳnh quay sang tôi.

"Còn toa bao nhiêu ký?"

"Bảy chục."

"Hồi nãy ngồi ở trong giường, trông thấy các toa đi vào, người nào cũng đô con, vững chắc. Các toa còn cuộc sống!"

"Ngày xưa, toa to con nhất bọn!"

Tôi bảo Huỳnh. Chẳng phải là lời an ủi mà là sự thật. Ngày xưa, tôi gầy gò ốm nhách, Ngọc có da có thịt hơn, nhưng so thế nào được với Huỳnh. Hắn cao lớn, mập mạp, mặt mũi rôm rả, dáng đi vững chắc dềnh dàng, lúc nào cũng làm đầu tầu các cuộc chơi.

Tôi bùi ngùi nhìn Huỳnh, chiếc mền mỏng che lấp nửa dưới thiếu hụt. Ba chục năm có lẻ, chúng tôi người nào cũng có những mất mát, nhưng nỗi mất mát của Huỳnh thật tàn bạo. Những khiếm khuyết trên thân thể Huỳnh, chúng tôi còn nhìn thấy được, nhưng làm sao những con mắt đẫm tình bạn của chúng tôi có thể nhìn thấy được những mất mát trong lòng người bạn lừng lững xưa. Tôi nhớ tới một câu trong một truyện ngắn của Tolstoi mà tôi đã dịch đăng trên tờ báo mà Huỳnh điều khiển xưa. Cuộc sống không còn là cuộc sống nếu người ta phải sống. Tôi nghĩ Huỳnh đã trầm mình trong cuộc sống và chỉ thực sự ngoi lên khi gặp lại những bạn cũ.

Chẳng biết ly rượu thứ mấy Huỳnh đã nhấp trên môi.

" Gặp lại các toa, moa mừng quá. Moa chỉ mơ ước được một lần đi ra những quán xưa ngồi nhậu với các toa."

Cái việc Huỳnh làm hà rầm trước kia, nay đã trở thành một ước mơ. Ba mươi năm quả là một thời gian dài!

Tiếng điện thoại trong túi Ngọc giục giã. Ngọc rút điện thoại ra nghe. Chỉ ừ được một tiếng, hắn gấp điện thoại bỏ vào túi, nhấc ly rượu lên uống cạn.

"Xin lỗi! Moa phải đi gấp."

Mặt Huỳnh ngơ ngác. Tôi bảo Ngọc.

"Ừ, toa đi đi. Để moa ở lại chơi với Sáu Huỳnh chút nữa."

"Toa về lại bằng an nghe! Chừng nào về đây nữa, nhớ hú moa một tiếng."

Quay sang Huỳnh.

" Moa đi nghe. Tết moa sẽ tới thăm toa nữa."

Bàn tay Huỳnh như muốn níu kéo Ngọc.

"Nhớ tới nghe. Moa chờ. Moa giờ chẳng còn ai."

Ngọc quay vội ra cửa. Tôi nghiêng chai rượu.

"Uống nữa đi toa. Rượu còn nhiều. Mỗi ngày toa lai rai một chút nhớ tới tụi moa."

Huỳnh lắc đầu.

"Không! Moa để dành chờ tới Tết uống với Sáu Ngọc. Lúc đó, toa uống cho moa một ly ở bên đó nghe!"

Tôi chẳng biết nói sao. Rượu uống một mình như rượu phạt. Uống giùm một ly cho bạn ở xa còn hơn cả rượu phạt. Giọng Huỳnh chán chường.

"Chừng nào toa về?"

"Khuya nay."

"Thực sao? Toa về thật à? Ừ, mà trước sau gì toa cũng phải về!"

Tôi đã năm lần bảy lượt định nhấc người lên mà đứng không nổi. Huỳnh ngồi ngậm câm như viên đá tảng nặng nề đè tôi xuống ghế. Lòng tôi như lửa đốt. Việc của ngày chót trước khi lại rời xứ sở còn bề bề cả đống. Cuối cùng tôi cũng đành phải đứng lên nói lời chia tay với Huỳnh. Huỳnh vẫn một khối lặng câm trên ghế. Mãi hắn mới nói.

" Lần sau toa về, moa chắc có còn không?"

Tôi rút kính ra đeo một cách máy móc, chẳng nghĩ ngợi gì. Tôi có định dùng kính che chắn cái gì đâu. Ngoài khung cửa nắng còn gay gắt. Mắt kính quánh lại một màu nâu đậm. Bùi ngùi nhìn Huỳnh ngồi xụi lơ một đống buồn phiền, liếc mắt xuống đôi chân bất toàn của người bạn xưa, tôi chợt như nhìn thấy lại ba mươi năm qua của tình bạn giữa chúng tôi. Tôi muốn hỏi như đã hỏi cô nhỏ bán kính. Giả hay thật?