Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

Chuyện tầm phào cuối năm chó

Giữa tháng mười, Red Skelton sang trình diễn tại Montréal. Red Skelton? Đâu có lạ gì anh hề này. Thuở xưa tôi đã đôi phen nghiêng ngửa cười với những màn riễu duyên dáng của anh hề tóc đỏ này. Tóc đỏ nay đã biến thành tóc trắng. Khuôn mặt căng phồng tếu không chịu được nay đã có dáng trái táo tàu ngâm đường. Đã nhích quá bát tuần chút xíu rồi còn gì nữa. Nghề làm hề là nghề làm cho người ta chẳng bao giờ được gọi là ông hay là cụ. Vì thế đã 81 tuổi mà cứ vẫn trẻ như "anh".

Trẻ thật chứ không phải chơi đâu. Bát tuần có lẻ mà mỗi năm vẫn trình diễn được 75 tối múa may quay cuồng suốt may tiếng đồng hồ. Nếu tính một năm có 52 tuần lễ thì tuần nào Red nhà ta cũng trình diễn ít là một lần, nhiều là hai lần. Nếu lại khó tính như một nhà toán học chân chính thì phải tính là cứ 4,8 ngày thì lại có một ngày ra sân khấu. Gân như vậy nên anh hề tóc đỏ Red Skelton vẫn là Red Skelton chứ không đổi tên là White Skelton mặc dầu bạc đầu bạc đến cả lông mày lông mi.

Mà có phải chỉ nhảy rock và chọc cười thiên hạ không thôi đâu. Cái đầu của anh hề này là một cái đầu đắt giá. Red đã viết 22 chuyện phim và đóng tất cả 48 phim. Tự đạo diễn show truyền hình ăn khách trong một thời gian kỷ lục 20 năm. Đã soạn 64 hòa tấu khúc và khoảng 5000 nhạc phẩm. Đã hết đâu! Skelton còn là một họa sĩ. Không phải thứ tay mơ đâu nghe. Mỗi bức tranh sơ sơ được bán với giá từ 40 ngàn tới 100 ngàn đôn. Vẫn chưa hết. Skelton còn là một nhà văn đã xuất bản bốn cuốn sách nhi đồng và viết khoảng 4000 truyện ngắn! Từng ấy thứ vẫn chưa nuốt hết thời giờ của anh hề vui tính này. Thời giờ "nhàn rỗi" Red giải trí bằng cách chế tạo nữ trang, đóng sách và làm vườn. Ông chuyên trị trồng cây bonsai.

Một ngày của anh hề 81 tuổi này đại khái như sau. Sau một giấc ngủ ba tiếng rưỡi mỗi đêm, ông thức dậy vào lúc 5 giờ rưỡi sáng. Tắm rửa, cạo râu, ngồi vào bàn viết một bức tình thư cho bà Skelton. Đây là bà thứ ba đã ở với ông được 23 năm, hai bà trước đều chịu chẳng thể cùng cười với ông đến đầu bạc răng long nên đã ra người thiên cổ hết rồi! Cũng trong buổi sáng, Red còn soạn 5 bản nhạc, viết một truyện ngắn và vài bài thơ. Nếu buổi tối không trình diễn thì ông sẽ ngồi trước giá vẽ suốt ngày. Nếu có trình diễn thì khi trình diễn về ông ngồi vẽ cho tới khi đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng.

Sức làm việc như vậy thì thanh niên cũng chỉ biết cười đến đỏ mặt chịu thua. Red không có tuổi hạc tuổi vàng gì cả. Ở Mỹ người ta thường quan niệm rằng một người mà số tuổi được tính bằng vàng thì ngày ngày chỉ nên gắn chặt với cái sân golf. Red không chịu như vậy. Ông đã ngôn như thế này. Thật tức cười khi nghĩ như vậy nhất là khi người ta còn làm được một cái gì. Vả lại, phòng của tôi nằm đối mặt với một sân golf. Như vậy đối với tôi cũng là quá gần rồi còn gì nữa!

Sau đây là một vài tư tưởng của "nhà văn" Red Skelton:

- Thế nào là già? Đó là khi mình ngồi trên một chiếc ghế đu mà không làm cho nó đu đưa được. Tôi chưa tới lúc đó.

- Điều phải nhớ là đừng có coi cuộc sống như một thứ quá nghiêm trang, bởi vì bạn sẽ không bước ra khỏi nó mà còn sống.

Tư tưởng như vậy cũng xứng mặt nhà văn lắm chứ. Red không nổi tiếng như một nhà văn mà lại nổi tiếng như một anh hề. Một nhà văn người Québec, nơi tôi đang tạm cư, bỗng dưng cũng nổi tiếng. Nhưng không phải nhờ văn tài mà là nhờ... tài ngáy!

Ông tên là Lorenzo Proteau, năm nay 66 tuổi, đã cho xuất bản hàng chục cuốn sách. Giữa tháng 9 vừa qua, ông sang Pháp dự cuộc triển lãm sách Grand Pavois tổ chức tại La Rochelle với tư cách một nhà văn. Ông tạm trú tại một khách sạn cũ trên đường Bordeaux. Đêm đầu tiên ông ngủ yên lành.

Ngày hôm sau ông dầm mưa giãi gió suốt ngày tại quầy sách triển lãm của ông nên thân già nhuốm bệnh ho hen cảm cúm. Ông vội uống thuốc trụ sinh và đêm đó ông mê mệt. Một tiếng đồng hồ sau khi lăn quay ra ngủ, có người gõ cửa phòng ông và cho ông biết là ông ngáy lớn quá. Ông vội xin lỗi và trình bày là ông bị bệnh nên khó thở. Xong ông lại ngủ mê mệt. Một tiếng đồng hồ sau lại có tiếng gõ cửa. Lần này là ông chủ Hôtel de l'Avenue có hai ông cảnh sát đi kèm. Lại trình bày, giải thích, còn đưa ra một mớ thuốc để chứng minh. Nghe xong họ bỏ đi. Quá nửa đêm, hai ông cảnh sát trở lại ra lệnh cho nhà văn của chúng ta làm va li đi chỗ khác vì tiếng ngáy đầy trọng lượng của ông đã đánh thức mọi người dậy. Họ bảo ông mặc quần áo và theo họ nếu không họ sẽ bắt giữ ông. Ông hỏi lại ông bị bắt vì tội gì và được trả lời là tội gây phiền phức cho người khác!

Bên ngoài trời mưa lớn. Ông bị dẫn về bót. Bèn thắc mắc tại sao phải diện kiến các ông cò. Câu trả lời không quanh co: tại vì ông ngáy. Nhà văn đâu có chịu thua dễ dàng. Ông hỏi ở Pháp có luật nào cấm ngáy không? Mấy ông cò không trả lời được. Ông mệt quá nên tự nguyện xin vào xà lim ngủ. Mấy "bạn dân" sợ rắc rối nên từ chối. Họ dẫn ông đi thuê phòng ở một khách sạn khác. Khuya khoắt như vậy thì đâu có khách sạn nào còn chỗ. Cuối cùng ông gõ cửa đại một nhà trọ và tả oán từ Canada qua đang gặp rắc rối với các ông cò. Ông gác dan nhà trọ thương tình cho ông ngủ nhờ trên một băng ghế dài ngoài hành lang.

Sáng hôm sau ra lại quầy sách ông làm toáng lên. Các ông ký giả chộp ngay lấy tin sốt dẻo này. Tất cả các báo, đài phát thanh, truyền hình đều đưa tin. Khi ông tới ngoại ô Paris, đài France 3 đã đưa nguyên một xe làm phóng sự tới phỏng vấn ông. Phóng viên cắc cớ đặt câu hỏi là ông biết ngáy từ hồi nào? Nhà văn trả lời:" Từ ngày còn ở trong bụng mẹ. Tôi không chừa được tật ngáy. Các ông muốn gì?"

Về tới Québec, quê hương xứ sở của ông, nhà văn cậy gần nhà còn mạnh miệng hơn nữa. Tờ báo Pháp ngữ có một triệu độc giả Journal de Montréal đi ngay một cái tít bự tổ chảng kèm theo chân dung màu mè của nhà văn chiếm hết trang nhất khổ lớn của tờ báo. Thế là ông Proteau được toàn dân biết mặt biết tên. Không hiểu sách của ông có bán chạy thêm được chút nào không chứ chỉ ngáy có một đêm mà nổi danh từ châu Âu qua châu Mỹ như vậy thì cũng nên ngáy lắm chứ. Nhưng mà phải là nhà văn ngáy mới rộn ràng như vậy. Giả thử một anh vô danh thuê phòng ngáy rung cả khách sạn thì có ăn thua chi. Về bóp là yên chuyện. Làm nhà văn kể cũng oai phong lẫm liệt lắm chứ!

Làm nhà văn mà lãnh được giải Nobel Văn Chương kể là đã tới tột đỉnh danh vọng. Nói tới Boris Pasternak, tác giả cuốn Bác Sĩ Zivago thì ai chẳng biết. Một cuốn sách mới xuất bản, cuốn “Princess in Love”, ký tên tác giả cũng là một Pasternak. Nhưng đó là một nữ ký giả của báo “Daily Express” ở Anh năm nay 27 tuổi: Anna Pasternak. Hai cái tên Pasternak này có giây mơ rễ má gì với nhau không? Thưa có. Anna Pasternak là cháu của Boris Pasternak.

Sách của Boris Pasternak là sách văn chương, sách của Anna Pasternak là sách... ngồi lê đôi mách. Ngay ngoài bìa sách đã có lời rao hấp dẫn như sau:" Cuốn sách này kể lại chuyện tình của một người đàn bà và một người đàn ông, vừa đam mê vừa đầy hy vọng, nhưng cuối cùng kể như vô vọng. Người đàn bà là Diana, công chúa xứ Galles, người đàn ông là Thiếu Tá Hewitt. Cuộc tình của họ kéo dài 5 năm, đây là chuyện tình của họ".

Chuyện tình của họ khởi đầu từ một buổi tiếp tân vào năm 1986 ở Luân Đôn và đã đi tới những liên hệ mật thiết nhất giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Nếu chỉ là một người đàn ông và một người đàn bà trên đường phố thì hai người có nhăng nhít thế nào thì thây kệ họ, ai mà để ý làm chi. Nhưng người đàn bà đây lại là Lady Diana, người vợ ly thân của Thái Tử nước Anh. Thế là ầm ĩ cả lên. Cả nước Anh nổi giận. Sách phải bán chui. Thiếu Tá Hewitt cũng phải trốn chui trốn nhũi, bị mọi người chửi rủa. Ngay bạn bè của ông cũng nổi giận gọi ông là một thằng dơ dáy, một tên vô lại, một đứa ngu đần... Tất cả chỉ vì ông dám đụng tới công chúa của họ.

Tôi muốn nọc mấy ông viết truyện nhi đồng ra đét cho may roi quá. Chính những ông này đã bơm vào những chiếc đầu ngây thơ những hình tượng trong mộng: công chúa, hoàng tử, hoàng hậu, hoàng đế... Người nào cũng như từ trời bay xuống. Đẹp như mơ.

Hình ảnh rực rỡ hào nhoáng của những ngày trẻ thơ đó chẳng thể nào dứt bỏ được. Các bà các cô cứ thấy hoàng gia là suýt soa, thấy công chúa là ưa, thấy hoàng tử là mê mệt. Chẳng cứ các bà các cô, đường đưoờng một đang nam nhi như nhà văn Hồ Trường An cũng đã tiết lộ là ông đã sưu tầm được cả chục ngàn hình ảnh hoàng gia.

Hoàng gia làm những gì mà được quí hóa đến thế? Họ chẳng làm gì cả. Chỉ ngày ngày mặc áo quần đẹp đẽ, ngồi xe ngựa, ngự xe hơi, cỡi máy bay rong chơi. Ngày xưa nhà vua còn trị vì thiên hạ, hai vai gánh cả sơn hà xã tắc. Ngày nay vua chúa chẳng còn trị mà chỉ còn ngồi đó làm vì như một thứ xa xỉ phẩm tốn tiền tốn bạc mà chẳng có lợi ích chi. Vô ích như chiếc vú của đàn ông!

Cổ nhân đã phán: nhàn cư vi bất thiện. Lại phán thêm: no cơm ấm cật dậm dật khắp nơi. Câu nào cũng đúng phong phóc với hoàng gia Anh. Công chúa Margarette, công chúa Anne, thái tử Charles, hoàng tử Andrew người nào cũng đã ly dị. Thái tử, công nương gì cũng đều ngoại tình. Gia đình của bậc mẫu nghi thiên hạ mà bát nháo quá thể khiến Nữ Hoàng đã phải buồn tình khóc trước công chúng. Mà ngay Nữ Hoàng và Hoàng Tế Philip cũng đã từng bị chỉ danh. Trong một cuốn sách mới xuất bản, tác giả Nick Davies viết là từ sau ngày lên ngôi, Nữ Hoàng Elizabeth đã coi thường chồng và đã "ăn nem" với Bá Tước Patrick Terence William và Hầu Tước Carnavon. Động trời hơn nữa là chính ông Hầu Tước này mới là cha ruột của Hoàng Tử Andrew! Một cuốn sách khác do Kitty Kelley viết đã kể vanh vách những cuộc "ăn chả" của Hoàng Tế Philip. Vì bị Nữ Hoàng lơ là trong việc gối chăn nên Hoàng Tế đã vui vẻ với nhiều người đàn bà khác. Danh sách những người tình của Hoàng Tế khá dài gồm: Công chúa Alexandra, vợ của Bá Tước Augus Ogilvy và là bạn thân của Nữ Hoàng; công nương Electique kém ông 20 tuổi; Hélène Cordet, nữ ca sĩ một phòng trà ở Pháp và đã có một người con với cô này tên là Mac Boisot, hiện là giáo sư Kinh tế học ở Mỹ; Christina, vợ cũ của vua xe hơi Ford; Susan Barbarantes, mẹ của công nương Fergie tức sui gia với ông. Ngoài ra còn một số nữ tài tử điện ảnh, một nữ văn sĩ người Anh và tai tiếng hơn cả là một nữ tài tử đóng phim sex!

Dù hoàng gia có bê bối thế nào đi chăng nữa thì dân chúng Anh vẫn cứ mến mộ. Trời lạnh căm căm toàn dân vẫn cứ vai chen vai đứng cho bên đướng coi Nữ Hoàng và bầu đoàn thê tử ngựa xe diễn hành qua. Phim ảnh, sách báo có hình ảnh hoàng gia bán chạy như tôm tươi. Cứ cái gì có dính dáng tới hoàng gia là thích thú quí mến. Dân Anh là thứ chúa bảo thủ. Đã bao nhiêu đời thờ phụng vua chúa thì cứ tiếp tục chẳng bao giờ dứt ra được. Người ta đã nói là cuối cùng trên thế giới này chỉ còn năm vua. Đó là vua nước Anh và các vua cơ, rô, chuồn, bích!

Này bạn, cơn cớ gì mà bạn lại có vẻ chua chát với hoàng gia Anh như vậy? Người ta thích vua chúa của người ta là chuyện riêng của người ta, sao bạn lại chen vô cho mất vui đi.

Bạn không biết chứ chuyện hoàng gia tưởng chỉ là chuyện riêng của dân xứ sương mù mà thực ra cũng là chuyện của tôi nữa. Số là xứ Canada nơi tôi hiện đang ngụ cư cũng là thần dân của Nữ Hoàng. Tiền tệ có in hình Nữ Hoàng, nhập quốc tịch cũng phải giơ tay tuyên thệ thề trung thành với Nữ Hoàng, vô công sở là thấy có Nữ Hoàng đeo trên tường cười miếng chi, thậm chí mỗi năm có một ngày lễ kêu là “Victoria Day” toàn dân được nghỉ có lương. Nói gọn lại, đấng tối cao của dân Canada là Nữ Hoàng nước Anh.

Tuy chỉ làm vì nhưng Nữ Hoàng cũng chẳng có thể ngồi bên Luân Đôn bấm “remote control” chăn dắt đám con nuôi được nên phải đặt một Viên Toàn Quyền thay mặt Nữ Hoàng ăn trên ngồi trốc ở thủ đô Ottawa. Việc làm vì coi bộ cũng vất vả nên chỉ một viên Toàn Quyền ở thủ đô không cáng đáng nổi. Phải đặt ở mỗi tỉnh bang một viên Phó Toàn Quyền thay mặt Nữ Hoàng cho sâu sát với dân chúng. Canada có cả thảy 10 tỉnh bang nên có tới 10 Phó Toàn Quyền. Các vị Toàn Quyền và Phó Toàn Quyền này có lương lậu, có văn phòng lại chịu khó đi công du lắm. Tháng 10 vừa qua, báo Sun ở Ottawa đã đi một tin bình thưong như thế này: chuyến kinh lý thương mại của ông Toàn Quyền Ramon Hnatashyn trong 16 ngày đến các nước Á Châu vào tháng tư vừa qua đã phí phạm tiền của người đóng thuế là 300 ngàn đôn. Riêng tổn phí cho 55 đại diện phái đoàn là 218.635 đôn. Nguyên dịch vụ “limousine” đón rước đã tốn 9 ngàn đôn.

Mỗi lần Canada có lễ lạc lại phải triệu Nữ Hoàng dời gót ngọc qua cho thêm phần long trọng. Bà "long trọng viên" này làm dân chúng Canada tốn kém khá bộn. Kỳ Thế vận hội thứ 15 các quốc gia trong khối Thịnh Vượng Chung tổ chức vào tháng tám vừa qua tại Victoria, tỉnh bang British Columbia, cũng phải triệu Nữ Hoàng qua chủ tọa. Đoàn tùy tùng của Vua Bà lên tới 35 người gồm bác sĩ riêng, người chải tóc, 2 người phụ trách áo quần, 2 người hầu, 6 người khuân vác, cận vệ... Liên Bang Canada mất béng 500 ngàn đôn cho chuyến thăm viếng này. Tỉnh bang Nova Scotia đón tiếp Nữ Hoàng trong ba ngày đầu tốn sơ sơ 300 ngàn đôn.

Đồng tiền của quốc gia là khúc ruột của dân chúng. Dân chúng làm ăn vất vả đầu tắt mặt tối, mỗi tuần tấm check mồ hôi nước mắt cầm được đã bị sứt mẻ một miếng lớn cho tiền thuế. Mỗi năm cứ tới tháng hai là người người toát mồ hôi hột khai thuế cuối năm. Tờ mẫu khai thuế có vẽ một đồng đô la tròn vành vạnh với những vết cắt chỉ rõ mỗi đồng thuế dân đóng cho nhà nước sẽ được chi tiêu ra sao. Một trong những vết cắt đó là dành cho hoàng gia. Con cò lặn lội bờ sông Saint Lawrence để nuôi chim oanh chim yến trong lầu son gác tía bên dòng sông Thames. Sự đời sao lại chéo cẳng...cò như vậy?

Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan cũng cùng một hoàn cảnh như Canada, cùng có Nữ Hoàng làm quốc trưởng của xứ sở mình nhưng hai nước này sớm nhận thấy hai cái cẳng cò bắt chéo nhau nên đã cho "mẫu quốc" ra rìa, cho Nữ Hoàng đi chỗ khác chơi. Chỉ còn đất ngụ cư Canada của tôi là vẫn chưa dứt được sữa mẹ. Cho nên dù đang mang trên lưng món nợ 500 tỉ đôn chỉ nguyên trả tiền lời mỗi năm cũng đủ ná thở, dù ngân sách thiếu trước hụt sau khiến chính phủ đòi cắt tới cả tiền giáo dục, xã hội của dân nghèo, vậy mà Canada vẫn cứ phải cúc cung nuôi báo cô cái hoàng gia lắm lộn xộn kia.

Tháng 11 vừa qua, báo chí Canada loan một tin khá cảm động. Ông McNeil ngụ tại một ngôi làng nhỏ bé thuộc thành phố Fullerton lúc sinh thới sống một cuộc sống rất cơ cực, nhà không có tủ lạnh để chứa đồ ăn, không có lò điện để nấu nướng, không có nước nóng để tắm gội, tằn tiện từng đồng với ước nguyện là khi chết ông sẽ hiến tất cả tài sản cho chính phủ Canada để chia bớt gánh nợ của quốc gia. Ông sống độc thân suốt đời và mất vào ngày 25 tháng 2 vừa qua, thọ được đúng 100 tuổi. Sau khi ông chết, thi hành đúng theo ý nguyện của người quá cố, người thừa kế của ông McNeil đã trao tặng chính phủ số tiền 37.634$61. Một người hàng xóm lâu năm của ông McNeil đã thuật lại rằng lúc gần chết "ông còn ngoái cổ trở lại một vài giây phút để suy nghĩ xem kim đồng hồ chỉ số nợ đã ngừng chạy chưa".

Tội nghiệp ông già McNeil, số tiền ký cóp cả đời của ông chỉ đủ để kéo kim nợ của Canada đứng lại có 30 giây thôi.

Ông McNeil tính làm bà Nữ Oa đội đá vá trời có phải là nhà văn không nhỉ? Không phải, nhà văn đâu có chất phác như vậy! Ông là một nhà nông. Một nhà nông tội nghiệp đã bỏ cả đời để làm một chuyện tầm phào. Chuyện tầm phào mà giả dụ Nữ Hoàng nghe được thì mặt rồng cũng dám ửng đỏ như trái cà chua thối lắm!

Song Thao
Người Việt, California, giai phẩm Xuân Ất Hợi, 1995.