Cay đắng
Chốn cũ
Giữa đàng
Lẽ ra
Nhảy chân sáo
Niềm vui không trọn
Rong chơi
Tìm về
Trong vùng quên lãng
Tưởng

 

CHỐN CŨ

Trời hoe nắng. Từ cửa sổ khách sạn, tôi nhìn thấy những sợi nắng óng ả ngơi nghỉ trên những tàn cây bàng trụi lá. Hà Nội đang trở rét, cái rét đậm đà người ta nói là mấy chục năm nay mới thấy lại. Dưới đường, khách bộ hành co ro trong những tấm áo dày mà kiểu cách hình như chỉ là chuyện phụ. Trên những chiếc xe gắn máy xuôi ngược nhộn nhạo, người lái xe che chắn kỹ lưỡng với mũ len, khăn choàng , găng tay ấm áp. Những bà già bán hàng, người cắp thúng, người đội, người gánh, khăn vuông chùm kín đầu, vừa te tái rảo bước vừa lớn tiếng rao hàng. Những tiếng rao mất hút bên kia lớp cửa kính.
Tôi trở vào nằm dài trên giường, lười biếng. Bộ bàn ghế, tủ áo quần, chiếc bàn phấn, tất cả đều bằng gỗ mun khảm xà cừ, cho tôi một cảm giác lạ. Trên bàn phấn, nằm xộc xệch như muốn rơi khỏi góc bàn tờ tạp chí đang đọc dở tối qua tôi vất đại lên khi giấc ngủ tới làm ríu mắt. Lẽ ra phải có Diệu trong căn phòng này. Mặt bàn phấn trơ trẽn nhắc tôi sự thiếu vắng tưởng như không thể có được. Mọi khi, trong mỗi chuyến đi, trong mỗi phòng khách sạn, mặt bàn phấn bao giờ cũng ôm đầy những chai lọ làm đẹp của Diệu. Chuyến đi vội vã, bất chợt lần này của tôi đã khiến Diệu không theo kịp. Diệu vẫn mơ một chuyến ra Hà Nội, với tôi, cùng tôi đi lại những con đường thơ ấu của thời tôi non yếu cắp sách tới trường. Em muốn biết Hà Nội của anh, muốn cùng anh sống lại những xúc động khi anh trở về chốn cũ, thời anh chưa có em. Giọng Huế nói về Hà Nội mà cũng tha thiết như giọng Hà Nội.
Chiếc điện thoại cầm tay nằm vất vưởng nơi nào đó trên giường reo lên từng chập hối hả. Tôi lật chăn mền, tìm kiếm một hồi mới lôi ra được.
“ Allô!’’
“ Em Phương đây anh. Hôm nay anh muốn đi đâu? Nửa giờ nữa em tới đón nhé.’’
Tôi ngần ngừ.
“ Chắc sáng nay em khỏi tới. Anh muốn thả bộ một mình, loanh quanh coi thành phố. Nhẩn nha như một người Hà Nội dư thừa thời giờ.’’
“ Ái chà! Anh lên cơn mơ mộng hồi nào vậy?’’
Tiếng cười khanh khách rộn ràng bên tai tôi.
“ Ở giữa Hà Nội mà không biết mơ mộng một chút thì mắc cở chết.’’
“ Anh, dân Hà Nội không nói mắc cở. Anh phải nói xấu hổ.’’
Phương sửa lưng tôi. Mấy hôm nay tôi cứ bị sửa lưng hoài vì cái giọng Hà Nội mà dùng chữ Sài Gòn. Vậy mà mấy bà bán hàng, khăn nhung quấn nghiêm chỉnh trên đầu, ở các con đường có đội chữ Hàng đằng trước, cứ xoắn xuýt khen lấy khen để cái giọng Hà Nội tôi đã vác đi ta bà thế giới trong ngót năm chục năm qua là đúng giọng Hà Nội xưa. Giọng Hà Nội nay có khác. Nghe lượn lờ như có thêm múi chanh trên môi.
“ Anh ơi, hôm nay rét lắm đấy. Mười hai độ, em vừa mới nghe đài loan báo như vậy. Anh thả bộ có được không?’’
Giọng tôi nhuốm vẻ bỡn cợt.
“ Mười hai độ lận!’’
“ Anh bỏ dùm chữ lận đi được không?’’
“ Ừ thì bỏ! Em rắc rối quá! Lưng anh bị sửa hoài, cứng ngắc, đi bộ ngoài đường người ta dám tưởng là hình nộm lắm đấy!’’
Phương cười rúc rích bên kia đầu dây.
“ Mười hai độ! Bên xứ anh, âm ba mươi, bốn mươi. Cái rét Hà Nội của em ăn nhằm gì!’’
“ Thôi, anh đừng nói nữa, em rùng mình. Anh ở cái nơi chốn gì mà kỳ quái. Chắc con người co rút lại chẳng nhìn thấy nhau nữa nhỉ?’’
Câu nói vô tình mà hữu ý của Phương làm tôi khựng lại. Quả thật, từ khi về lại trên mảnh đất này con người tôi như trải rộng ra. Máu mủ tôi rần rần trong châu thân những người chung quanh. Tôi mềm lòng với những con người bên tôi. Tôi thương cả những cái ranh mãnh, mánh mung vặt vãnh của những con người mà đời sống đã dậy họ phải lắt léo với chút lợi lộc còm cõi.
Cái rét tháng chạp của Hà Nội chỉ vừa đủ làm tôi tỉnh táo hơn khi bước chân ra khỏi khách sạn. Ngõ Bảo Khánh nằm chen chân với những  con phố cổ. Tôi chọn đại một bên đầu ngõ dẫn ra một ngã ba. Quẹo phải hay trái đây? Tôi mường tượng ra đường quẹo của chiếc xe gắn máy bụi đời của Phương. Tôi theo con đường và ngơ ngẩn trước ngã tư kế tiếp. Hàng gì đây chẳng biết? Tôi nhìn lên bảng tên đường. Hàng nào cũng đánh đố bước đi của tôi. Tôi quẹo mặt ngã tư kế tiếp. Người đi như hội. Ngoại kiều dập dìu lên xuống. Phố mang tên Hàng rất chuyên môn nhưng Hàng nào cũng toàn những cửa tiệm bán cho du khách. Cái trật tự cũ đã quá lỗi thời. Những rươi, mắm, đường, than, trống chẳng thể ngang nhiên đi vào kinh tế thị trường được. Tôi nhởn nhơ sánh vai với các khách bộ hành khác mà đầu chẳng có một ý niệm gì về phương hướng. Đi một hồi chẳng thấy tới đâu, tôi dừng bước hỏi một bà bán hàng đường đi tới nhà thờ Lớn. Cậu đi xuống hai ngã tư nữa rồi rẽ tay trái là thấy nhà thờ. Lại đi lộn lại. Phương mà biết tôi vừa ngơ ngáo ra khỏi khách sạn đã lạc lung tung, chắc cô nàng cười phải biết. Hồi sáng, Phương đã dặn đi dặn lại là nếu lạc thì gọi điện thoại ngay. Dân Hà Nội chẳng lẽ đi lạc ngay giữa Hà Nội, tôi đã vênh váo trả lời. Dại gì mà điện thoại, tôi phải cố giữ cái vênh váo vài chục phút trước. Bà bán hàng tài tình thiệt, vừa quẹo một cái là hai cái tháp chuông cổ lỗ đen đủi đã đập vào mặt!
Tôi đứng trên bực cấp nhà thờ, bên trái tôi là trường Dũng Lạc cũ. Trường vẫn còn đó, với một cái tên mới, trường Hoàn Kiếm-Tân Trào. Hàng rào đã được xây lại, cửa sắt cao kín mít. Ngày xưa, giờ ra chơi, bàn tay tôi đã muôn lần vất vả chen lấn thọc qua những song sắt của chiếc cửa, tờ bạc một đồng kẹp giữa hai ngón tay, tranh nhau mua cây kem mát rượi. Tôi đảo mắt qua vạt đất trước hàng rào trường. Không một bóng người. Những tủ gánh thịt bò khô, bánh tôm loẹt xoẹt tiếng kéo rao hàng đã trốn đi đâu tất cả? Tôi như nhìn thấy ông thịt bò khô hai tay hai chai xì dầu pha đường và chai dấm lợn cợn ớt có những tép tỏi trắng hấp dẫn thi nhau dốc xuống những đĩa đu đủ thịt bò bầy xúm xít trên mặt gương, bà bánh tôm má hồng trên lửa cuống quít với những tiếng lao xao đòi hỏi của bày trẻ háu ăn. Chợt nhớ tới cái mánh mua một cái bánh tôm mà lợi dụng lúc bà hàng bối rối lấy được tới hai ba đĩa rau muống chẻ ăn kềnh bụng, tôi mỉm cười một mình. Thằng nhỏ khoảng mười tuổi mặc chiếc áo len sọc xanh sọc nâu ngơ ngác nhìn tôi cười góp. Tôi như thấy lại tôi mấy chục năm trước. Tôi giơ chiếc máy hình rủ chụp hình chung, thằng nhỏ lắc đầu bỏ chạy một mạch.
Tôi quẹo mặt theo phố Nhà Thờ. Phố xá ngày xưa yên tĩnh với những dãy nhà ở kín đáo nay nhộn nhịp những cửa hàng. Ngôi trường bà sơ giữa con phố hẹp vẫn nết na cửa đóng then cài. Ngày xưa, giờ chúng tôi tan học về cũng là giờ bầy con gái trong ngôi trường này túa ra. Cái tên trường chạy đâu mất tiêu trong ký ức tôi. Tôi dừng lại trước cánh cửa sắt nhỏ xíu của ngôi trường Tây kín cổng cao tường, đứng ngẩn ngơ chôn mắt như muốn soi thấu vào bên trong. Có một thời tôi quá nhỏ trước bầy con gái mượt mà sang cả, liếc mắt thích thú nhìn những anh lớn học đòi làm những con trống, những con trống vụng về tội nghiệp!
Đường Tràng Tiền hiện ra thênh thang xe cộ lên xuống. Tôi quẹo trái ra phía Bờ Hồ. Hồ Hoàn Kiếm tôi đã làm quen lại ngay buổi chiều ngày tôi đặt chân xuống phi trường Nội Bài. Anh tắc xi chạy văng mạng đưa tôi về tới khách sạn vào buổi trưa, vất chiếc va ly vào một góc, tôi gọi ngay cho Chí. Chí là anh của bạn của Hoàng. Hoàng mới là bạn tôi. Khi tôi vất vả về được tới Saigon, điện thoại cho Hoàng, hắn hốt hoảng. Sao ông về bất thần vậy? Tôi đang ở Hà Nội, mai tôi trở lại Saigon, tôi sẽ hú ông. Vừa tới Saigon, hình như vẫn còn say Hà Nội, Hoàng hỏi tôi có rảnh được vài ngày không? Làm chi vậy? Ông phải ra Hà Nội. Thế là tôi phải đi Hà Nội. Chỉ nội trong một buổi sáng, Hoàng lấy vé máy bay, đặt phòng khách sạn, gọi anh Chí nhờ hướng dẫn tôi ở Hà Nội, và không quên đưa cho tôi chiếc điện thoại cầm tay để dễ liên lạc. Chí tới ngay khách sạn sau cú điện thoại của tôi. Chuyện trò một hồi cũng ra được một điểm chung. Chúng tôi cùng học ở Dũng Lạc ngày xưa, Chí trên tôi hai lớp. Nhìn Chí râu ria sợi đen sợi trắng, da mặt xếp nếp, tàn nhang vất vưởng trên má, tôi khó tưởng tượng được tôi hai năm sau.
“ Thời thế cả anh ạ. Anh sa chân vào chỗ mát mẻ, người ngợm cũng mát mẻ. Tôi bị cột chân vào nơi bức bối. mặt mũi như bị thiêu đốt, trông chẳng ra làm sao cả.’’
Tôi với tay lấy ly bia Halida cao cao trên chiếc bàn mây. Bia lạnh không đá. Ly của Chí sóng sánh hai cục đá vuông. Chí cũng nhấc ly, nhìn tôi, cụng.
“ Bỏ qua mọi chuyện đi. Mừng gặp anh, hai thằng Dũng Lạc của cha Nguyễn Huy Mai.’’
Chí hớp vội một hụm bia, khề khà.
“ Cha Mai về sau làm Giám Mục. Cha Trịnh văn Căn, anh còn nhớ không, người kế chức Hiệu Trưởng sau cha Mai, làm tới Hồng Y. Các Ngài đã về với Chúa hết rồi.’’
Tôi cười khan với Chí.
“ Thì anh như vậy, tôi như thế này. Các Ngài đã tới lúc đi hết cũng là phải. Mình còn lao đao muốn đi nữa là.’’
Tháp Rùa dưới nắng chiều như gần gũi trước mắt tôi. Liễu lê thê rũ bên bờ sạch sẽ. Ngày xưa, lúc về học, tôi vẫn cùng lũ bạn cắm cần câu bên bờ đất bắt mấy chú cá lòng tong dại dột. Chung quanh bờ bây giờ đã cẩn gạch thoai thoải, chỗ đâu mà cắm cần câu.
“ Anh ở xa về lại chốn cũ, cũng ngót nghét nửa thế kỷ chứ ít gì, nghe mà thấy khiếp, anh thấy ra sao?’’
“ Tháp Rùa coi nhỏ quá anh ạ. Tôi có cảm tưởng với tay ra là đụng được.’’
Chí cười, pha trò.
“ Chắc tại bây giờ anh lớn hơn.’’
“ Già hơn chứ, tuổi mình hết lớn rồi anh ạ! Mà không hẳn như vậy. Tôi nghĩ cái gì trong kỷ niệm cũng vạm vỡ hơn trong thực tế. Mình thường phóng đại, tô hồng chuốc lục cho những kỷ niệm. Còn anh, ngồi lại với tôi trong khung cảnh cũ, anh thấy sao?’’
Chí ngả người. Người anh lọt thỏm trong chiếc ghế mây rộng rãi. Mắt anh lim dim.
“ Tôi thấy cái thiệt thòi của mình. Anh nhìn lại Tháp Rùa bằng con mắt khác, tôi nhìn Tháp Rùa bằng con mắt khác. Nó như cái gông trí trá, không những kìm giữ tôi lại, nó còn tước đi cuộc sống của tôi mỗi ngày, cho tới khi tôi phải tự cảm thấy tôi không còn cuộc sống nữa.’’
Tôi cố không nhìn thẳng vào mặt Chí. Có nỗi buồn nào đáng cho người ta muốn nhìn đâu. Tôi hất đầu ra phía bờ hồ.
“ Hồi xưa anh có bao giờ ăn bánh mì ba tê của những anh nhí bán hàng chỗ này không?’’
“ Không, nhà tôi ở phía trên phố cổ nên ít la cà ở chỗ này. Hồi đó anh ở đâu?’’
“ Gần chợ Hôm.’’
“ Vậy thì đi học anh phải ngang qua đây hàng ngày rồi.’’
“ Chỗ này là đất của tôi mà! Để tôi kể anh nghe. Chỗ này là chỗ buổi sáng tôi thường mua bánh mì ba tê. Ngày xưa, nơi đây chỉ có cỏ với cây, làm gì có quán giải khát như thế này. Thằng nhỏ móc chiếc bánh mì nhỏ bằng bàn tay con nít ra khỏi chiếc bao tải. Nóng hôi hổi. Một lát dao rạch dọc, nhét vào một lát ba tê mỏng như lá lúa, xục xục chiếc lọ muối tiêu. Vậy mà ngon thấu trời anh ạ. Nhất là những bữa trời lạnh như ngày hôm nay.’’
“ Thú nhỉ! Tôi chỉ biết những hàng nổi tiếng hơn. Như ông Tàu bán phát xa ở phía bờ bên kia.’’
Tôi theo ánh mắt của Chí bắt gặp chiếc cổng gạch vuông vức. Giọng tôi như reo.
“ Tôi vẫn còn nhớ mặt mũi ông ta! Nếu bây giờ ông ấy đi ngang đây, tôi có thể ra nắm áo ông ấy mà không sợ nhầm. Cặp kính gọng đen xộc xệch, đôi mắt hấp háy kèm nhèm, cái miệng lúc nào cũng nhe ra như cười mà không phải cười, hàm răng cải mả có mấy chiếc răng của to bản, cái dáng ngồi co ro và bàn tay gian xảo. Anh có nhớ cái bàn tay ra tiền đó không? Bàn tay thọc vào túi lạc rang nóng ròn một cách mạnh bạo, tưởng như có thể rút hết lạc ở bên trong, nhưng khi rút ra thì chỉ có mấy hạt lạc dính theo mấy đầu ngón tay chụm hờ vào nhau. Nhả vội mấy hạt lạc vào chiếc sâu kèn quấn bằng giấy báo kín mít. Ba cái bốc như vậy, ấn tay cho kín cái đầu sâu kèn, trao cho khách và xòe rộng bàn tay nhận tiền. Có nài nỉ thêm thì cái bốc bất đắc dĩ còn tệ hại hơn nữa. Vậy mà cứ xúm nhau vòng trong vòng ngoài chờ tới lượt mua.’’
Chí rung đùi cười khoái chí.
“ Cái mùi húng lìu thấm vào từng hạt lạc bất hủ thật!’’
Tôi nuốt nước miếng.
“ Nhất là những ngày trời mưa lạnh, ông Tàu ngồi vào trong chiếc cổng gạch bốn bề hở toang để trốn mưa và gió, mình đứng run run chờ gói lạc, nắm được chiếc sâu kèn, hơi ấm tỏa ra trong lòng tay, đã cách gì đâu!’’
Tôi lang thang qua chiếc cổng gạch rêu phong. Nó có cũ thêm chút nào không? Tôi sờ tay vào lớp vôi sứt mẻ. Tôi mường tượng ông già Tàu ngồi trong đó. Chiếc cổng như vẫn vậy. Nó đã rêu phong tới mức không thể rêu phong thêm. Tôi đang chạm tay vào quá khứ. Nỗi tê dại làm tôi ngây ngất. Tôi quay người lại khi nghe tiếng đằng hắng vọng lên từ phía sau.
“ Đổi tiền không anh?’’
Chị đàn bà mặc chiếc áo dạ dài phủ gần hết chân nhìn tôi chờ đợi. Nụ cười vẽ vội ra trên môi nằm cứng trên mặt. Tôi lắc đầu.
“ Không, chị ơi.’’
“ Em đổi giá nới hơn ở ngân hàng mà anh.’’
Tôi lại lắc đầu.
“ Anh đổi giùm em đi. Từ sáng tới giờ chưa được mối nào.’’
Tôi lắc đầu, rảo bước, lòng phân vân không hiểu sao chị đổi tiền lại biết tôi có đô la. Tôi phì cười nhìn xuống quần áo mình. Chúng đã mách lẻo nhiều chuyện. Liếc nhìn thấy nhà Gô Đa cũ nay đã lột xác thành Trung Tâm Thương Mại Tràng Tiền ở phía bên trái, tôi thẳng bước. Phố Huế đây rồi. Xuôi xuống tới chợ Hôm là nhà tôi. Phố phường rộ ra buôn bán. Ngày xưa đâu có lắm cửa hàng như thế này! Cảnh vật có lạ nhưng tôi thấy rõ ràng thiếu một cái gì rất thân quen. Lặng nghĩ một hồi, tôi mới nghiệm ra chiếc xe điện xưa leng keng kéo chuông giữa lộ nay đã biến đâu mất chẳng còn dấu tích. Ngày xưa, hai buổi đi học về học, chiếc xe điện vẫn là trò chơi thú vị của chúng tôi. Khi nhẩy đổi tầu từng trạm dừng, khi luồn lách từ toa này qua toa khác, lũ học trò chúng tôi thích thú chơi trò cút bắt với mấy ông soát vé. Những đôi chân thoăn thoắt nhanh như sóc của chúng tôi bao giờ cũng làm tức giận các ông đội mũ kê pi mặc áo trắng. Có bao giờ mấy ông ấy thu được tiền vé của chúng tôi đâu!
Chiếc điện thoại trong túi quần quằn quại rung lên. Tôi bấm nghe. Tiếng Hoàng vang vang.
“ Ông đang ở đâu vậy?’’
“ Tôi đang đi trên phố Huế.’’
“ Ông đi đâu vậy?’’
“ Tôi tìm về nhà cũ của tôi.’’
“ Ông đi với anh Chí hả?’’
“ Không, tôi đi một mình.’’
“ Vậy anh Chí đâu?’’
“ Anh ấy bị cái rét Hà Nội đánh gục rồi. Mới đi với tôi một buổi, anh ấy lạnh quá không chịu nổi,’’
“ Rồi làm sao?’’
“ Ông khỏi lo. Anh Chí của ông đàng hoàng lắm. Anh ấy sang tôi cho cô cháu con người bạn của ông ấy rồi.’’
“ Số ông lạ nhỉ!’’
“ Lạ là sao?’’
“ Là hay hay. Kỳ này ông về lại Saigon, tôi phải vạch tay ông ra coi cái chỉ tay ông nó chạy loạng quạng ra sao mà cứ chỗ nào có hoa đào là tấp vào như vậy!’’
“ Nói bậy nào! Cháu chắt ấy mà!’’
“ Ông thì cháu chắt chồng chất! Thôi, không tán nhảm nữa. Tôi sẽ gọi ông sau.’’
Bỏ chiếc điện thoại nhỏ xíu vào túi lại, tôi nhớ cái giọng nhẽo nhẹt thảm khổ của Chí. Mới bảy giờ sáng, còn nằm nướng trên giường, tôi đã choàng tỉnh với cú điện thoại sớm sủa.
“ Allô!’’
“ Tôi Chí đây anh. Đêm qua anh ngủ ngon không?’’
“ Ngủ được anh ạ. Cám ơn anh. Di chuyển suốt ngày mệt nên nằm xuống là làm một giấc chẳng biết trời trăng chi cả.’’
“ Anh khỏe thật. Tôi bết bát hơn nhiều. Tôi bệnh rồi anh ơi.’’
Mấy tiếng ho phụ họa cho cái giọng khàn khàn đục đục.
“ Chết chửa! Chắc tôi lôi anh đi nên anh bệnh. Trời lúc này đang lạnh, gió máy độc địa.’’
“ Không phải tại anh đâu. Tại cái thân rệu rạo của tôi đấy. Chắc tôi lết đi với anh không nổi rồi. Nhưng tôi đã nhờ được cô cháu của một anh bạn đưa anh đi. Anh muốn đi đâu cứ nói với cháu. Con bé làm ở một công ty du lịch nên chắc biết nhiều hơn tôi. Chút nữa con bé sẽ tới gặp anh nhé. Chúc anh vui với Hà Nội. Của anh!’’
Con bé cao như một người mẫu. Tôi đã thuộc loại cao mà Phương chẳng chịu nhường tôi phân nào. Mà không hề ăn gian nghe! Giầy đế phẳng, tóc không uốn rẽ ngôi giữa nằm sát sạt trên đầu. Người kín bưng trong chiếc áo giả da nâu, áo len tím cao cổ, khăn choàng nửa nâu nửa đen kéo sát lên tới miệng, đôi găng len sậm mầu và chiếc mũ len chỉ để ló ra mái tóc dài. Dân Hà Nội phòng thủ kỹ thật!
Vượt qua tấm cửa kính rộng của khách sạn, Phương nhìn tôi đang ngồi chờ. Cười gượng. Vừa run vừa nhẩy nhẩy chống rét. Chờ cho bài nhẩy vãn, tôi mới hỏi.
“ Cô Phương phải không?’’
“ Vâng ạ. Để em xếp chương trình đi với anh nhé. Anh đã đi được những đâu rồi?’’
Thật là chuyên nghiệp! Nhưng cách nói và cử chỉ của Phương cho tôi cái cảm tưởng không phải mới biết nhau lần đầu. Chẳng cứ Phương. Dân Hà Nội bây giờ hình như ít hình thức hơn. Cứ em em anh anh vô tư. Có lần Phương nói chuyện với một anh lái xe  hợp đồng với công ty du kịch nơi Phương làm việc. Phương tự nhiên em anh. Anh lái xe cũng anh em mềm mỏng. Khi anh lái xe đi, hỏi Phương, Phương tự nhiên. Không, em gặp anh ấy lần đầu đấy chứ! Tôi cứ phân vân không hiểu tại sao người ta có thể phí phạm lối xưng hô thân mật thường chỉ  dành cho những người thương đến như vậy.
Tôi ngơ ngáo trên những thước vỉa hè cũ. Nhìn lên bảng tên đường tôi giật mình. Phố Hàng Bài. Mình đi lạc rồi sao? Tôi nhìn quanh. Chỗ này phải là rạp chiếu bóng Ciro’s chứ. Chẳng có dấu vết gì của một rạp chiếu bóng! Cửa hàng vẫn san sát chen lấn nhau. Chắc lạc thật rồi. Tôi hỏi bà cụ bán hàng bên lề đường. Đây là Phố Hàng Bài, cậu cứ đi thẳng xuống, không rẽ chỗ nào hết, là tới Phố Huế. Tôi cám ơn mà lòng vẫn phân vân. Cái tên Hàng Bài không có chỗ trong ký ức của tôi. Con đường này tôi đã hai buổi đi về trong bao nhiêu năm, làm sao mà lầm được. Đi một quãng, tôi gặp một trại lính. Ký ức tôi bừng dậy. Trại lính Bảo Chính Đoàn rồi Đệ Tam Quân Khu ngày xưa đây. Những buổi sáng đi học, tôi thường gặp ban quân nhạc từ cổng trại này ra đường đi tập. Cả trăm người hàng ngũ nghiêm chỉnh, kèn trống rền trời mà lũ chúng tôi chỉ hứng thú đi theo hai hàng cuối, nơi có những chiếc kèn đồng bóng loáng to lớn che kín mít ông lính thổi kèn. Những tiếng ùm ụp phát ra từ những chiếc kèn ngoại khổ giữ nhịp cho ban nhạc làm thích chí đám con nít chúng tôi. Mộng ước của chúng tôi lúc đó giản dị lắm: lớn lên đi lính thổi kèn to. Thổi như thế mới là thổi chứ!
Ngôi trường Nguyễn Trãi xưa nay vẫn là trường học. Nhưng bên kia đường, rạp chiếu bóng Majestic nay đã được xây lại mang tên Rạp Tháng 8 đang chiếu phim The Quiet American. Tôi đứng lặng nhìn qua. Lũ nhóc chúng tôi ngày xưa lăng xăng chạy đi kiếm cho được những tờ chương trình phim đang chiếu để bỏ vào bộ sưu tập. Xin ở quầy bán vé, ai mà cho. Phải len lỏi xin những khán giả đã đọc xong lơ là cuộn tròn trên tay hay lượm những tờ người ta vứt dưới đất. Tôi nhớ tới Trần, với cái trán to qua khổ mà chúng tôi thường gọi xách mé là quái thai, người có trí nhớ tuyệt vời. Chỉ đọc qua truyện phim trên tờ chương trình một lần là Trần có thể gấp lại, đọc thuộc lòng vanh vách không sai một chữ.
Bảng tên đường trên ngã tư kế tiếp làm tôi thở phào. Rõ ràng chữ Phố Huế. Con đường cắt ngang: Phố Hàm Long. Gần tới nhà tôi rồi. Hiệu sách Bình Minh thân quen, nhỏ xíu ngày xưa với bà bán sách đẹp kiêu sa, hình như là bà Hồ Dzếnh, nay chói chang ánh đèn của một tiệm bán kính đeo mắt thời trang. Hiệu kem Cẩm Bình kế đó đã mất dấu. Những que kem còn thở khói rút từ những chiếc khuôn lạnh ngắt ra còn làm nước miếng tôi kéo kín miệng. Kem đậu xanh đã ngon mà kem xúc cù là cũng tuyệt diệu không kém!
Chân tôi như có động cơ. Càng gần tới nhà, đôi chân càng cuống quít. Chợ Hôm bên kia đường không gợi được một nét quen thuộc nào ngôi chợ Hôm của tôi. Đâu còn chiếc hàng rào chợ cũ rích, đâu còn những gánh hàng lê lết trên vỉa hè trước chợ, đâu còn những chú bé len lỏi chào mời mua thơ Nguyễn Bính, đâu còn những đôi chân khẳng khiu thoăn thoắt di chuyển của những em nhỏ bán báo Cậu Ấm Cô Chiêu, Khỏe hay những tập truyện kiếm hiệp 16 trang ra hàng ngày.
Ngã tư Trần Xuân Soạn. Mắt tôi như mờ đi. Tôi đang đứng trước rạp chiếu bóng chuyên chiếu phim Tàu. Tên rạp là gì nhỉ? Trí nhớ tôi lại loạng quạng. Chỉ nhớ được là tôi đã từng xốn xang đếm từng ngày rạp sẽ khai trương với phim Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự có cảnh các hiệp sĩ đằng vân. Mây trôi, gió cuốn ào ào, áo quần các hiệp sĩ bay phất phới mà ông quay phim lại lỡ tay quay xuống quá thấp làm khán giả thấy cả bức tường mà các hiệp sĩ đang đứng vững vàng trong khi đằng vân! Rạp nay đã thành tiệm bán áo cưới rộng mênh mông. Các hiệp sĩ ngày nhỏ của tôi nay đã di tản đi đâu?
Tôi như người mộng du rẽ trái theo đường Trần Xuân Soạn. Xe cộ tấp nập, vỉa hè kín mít người. Tôi chong mắt nhìn về phía trước. Nhà tôi đó, nằm ngay góc ngã ba Phùng Khắc Khoan. Chân tôi như muốn vấp ngã. Tôi đã quá gần nơi chốn ấu thơ vẫn đậm nét trong trí tôi những ngày xa Hà Nội. Tôi len lỏi giữa dòng người lên xuống tấp nập. Mắt tôi choáng lên với những cửa hàng vải. San sát nhau toàn cửa hàng vải. Vườn trước nhà tôi nay cũng đã rào dậu thành hai cửa hàng vải. Tôi đứng lặng trên ngã ba đường. Cả con đường Phùng Khắc Khoan nay là chợ vải. Vải tràn lan trên hai lề đường. Tôi nhớ lại hai bên vỉa hè đất ngày xưa vắng lặng, nơi chúng tôi mải mê suốt ngày bắn bi, đánh đáo, đánh khăng, chơi quay... Đất thánh của tuổi thơ tôi. Mắt tôi hoa lên vì tức. Người ta đã ăn cắp vỉa hè của tôi. Tôi ngậm ngùi trước nhà cũ. Ngót nửa thế kỷ lưu lạc, tôi mới trở về. Tôi có phải khóc không nhỉ? Mắt tôi khô đi vì xúc động. Tôi đứng lặng người. Hình ảnh những ngày cũ quay mòng trong chiếc đầu đã hai thứ tóc, những sợi tóc bạc mầu nhung nhớ nằm lấn lướt những sợi tóc ngày xanh.
Thấy cánh cửa bên hông nhà để ngỏ, tôi bước vào. Ba cửa phòng cõng ba chiếc khóa to bè bè. Chiếc cầu thang lên lầu nhớp nháp. Những lớp đất lưu cữu bám chặt vào từng bậc thang mà mầu xanh đá mài  còn bóng loáng trong tôi. Tôi bước lên thang không dám vịn vào tay cầm. Khoảng tiền sảnh rộng rãi trên lầu dẫn vào cửa ba căn phòng khác cũng nhớp nhúa. Những viên gạch bông nhiều mầu sắc nay chỉ còn một mầu xỉn ảm đạm. Lại ba chiếc khóa nằm lủng lẳng trên ba cửa phòng. Tôi theo hành lang cạnh cầu thang xuống nhà sau. Sân chơi trên nóc nhà để xe đã được xây kín mít thành một căn phòng khác. Tôi lặng người, nhìn lên , nhìn xuống. Đứng mãi cũng chẳng thấy bóng người. Chẳng có ai để tôi hỏi han. Đứng chán, tôi quay ra cửa. Nhà để xe ngày xưa nay cũng là một tiệm vải. Tôi hỏi thăm mới biết nhà nay có tới mười hộ chia nhau ở, mỗi hộ một phòng. Cửa nẻo, cầu thang, hành lang nay là chốn công cộng chẳng ai ngó ngàng tới. Ông chủ tiệm vải vui tính, biết tôi ngày xưa ở đây, đã dẫn tôi vào góc nhà, nơi đặt đồng hồ điện, bảo tôi nhìn kỹ đi. Tấm bìa ghi số điện tiêu thụ treo bên cạnh đồng hồ vẫn còn mang tên ba tôi. Ông cười trước bộ mặt ngẩn ngơ của tôi. Đồng hồ nước cũng vẫn còn để tên ông cụ đấy!
Ra trước nhà, tôi bâng khuâng ngó quanh, lòng rối bời. Có thực tôi đang dẫm lên những thước đất  của thằng bé ham chơi nhếch nhác ngày xưa vẫn chạy nhẩy không? Chiếc điện thoại trong túi lại lồng lộn như cá quẫy.
“ Em, Phương đây anh. Anh đang ở đâu vậy?’’
“ Anh đang đứng trước nhà cũ.’’
“ Chết cha! Em phôn anh có được không? Sợ anh đang bận cảm động!’’
Tiếng cười bong bong trong tai tôi. Phương có tiếng cười xổng xểnh. Chữ “xổng xểnh’’ tôi mới nghe được ở Hà Nội,  chẳng biết dùng có đúng chỗ không. Tôi thích chữ này vì âm thanh tượng hình của nó. Nghe như lơi lỏng, buông rơi. Chờ cho Phương dứt tiếng cười, tôi mới nói.
“ Này, cô bé, không ai có quyền cười trên sự cảm động của người khác đấy nhé!’’
“ Mà em lỡ cười rồi, thu lại làm sao được. Em đến đón anh nhé?’’
“ Ừ. Em đến đi. Anh chờ em trước cửa nhà.’’
“ Anh vẫn còn đang cảm động phải không? Nhà anh chứ có phải nhà em đâu mà em biết. Nhà anh ở đâu mới được chứ?’’
Tôi ngớ ra, cười trừ.
“ Em tinh quái quá đi! Nhà anh ở góc đường Trần Xuân Soạn và Phùng Khắc Khoan. Em tới cứ vạch vải ra là thấy anh.’’
“ Sao lại vạch vải? Thế anh nai nịt kỹ càng lắm à?’’
“ Không, chung quanh anh toàn tiệm bán vải. Anh đang đứng trên lề đường chen vai thích cánh với vải đây này.’’
“ Ồ, chỗ chợ vải! Em biết chỗ đó rồi. Con gái mà anh! Vậy mà từ sáng tới giờ em cứ sợ anh đi lạc, hao mất mấy cân thịt rồi đó!’’
“ Ối dào! Em cũng biết điêu ra phết đấy nhỉ!’’
“ Ối giời ơi! Ai ngờ anh nói được đúng tiếng Hà Nội như thế! Anh ơi, còn sớm,em tới đón anh rồi mình đi thăm Lăng bác anh nhé.’’
Lần này là lần thứ ba, Phương dục tôi đi thăm Lăng. Lần đầu, khi Phương chở tôi đi ngang qua. Đang từ phố cổ chật chội, đi ngang Lăng thấy nghênh ngang chiếm nhiều chỗ quá. Lần thứ hai, khi tôi mua tượng Chùa Một Cột bằng đá trong khu bán đồ kỷ niệm nơi Đền Ngọc Sơn, cầm tượng Chùa trên tay, tôi chợt muốn đi thăm Chùa. Phương vội bảo muốn đi thăm Chùa phải vào qua Lăng. Tôi lơ đi. Tôi nhìn thẳng vào mắt Phương. Làm sao có thể nói cho em hiểu là con người  không thể nên thánh bằng cách mạnh bạo đắm mình theo con đường trần tục, rất trần tục.    
“ Thôi, để khi khác. Anh muốn đi tìm vài người bạn cũ ở quanh đây.’’
Tiếng Phương lỏng le.
“ Vậy cũng được. Tùy anh.’’
Phương tới khi tôi vẫn còn nghểnh cổ nhìn vào ngôi nhà cũ. Chắc đã lâu, tòa nhà không biết mùi vôi vữa gì. Hai tấm hoa văn trắng chạy dọc từ trên xuống lấy gió và ánh sáng cho cầu thang nay đen đủi thảm hại. Chấn song sắt trên các cửa sổ nhìn ra đường vẫn là chấn song xưa nay đã bị thời gian gậm nhấm lồi lõm. Những cánh cửa vênh váo, sứt mẻ, tróc sơn không biết có còn đóng kín lại được không?
Phương đứng bên tôi, ngắm tòa nhà, giọng e dè.
“ Nhà anh đấy hả?’’
Tôi gật đầu không nói gì. Phương dựa tay lên vai tôi, ghé sát tai nói nhỏ.
“ Anh là con địa chủ!’’
Tôi quay phắt người lại. Phương buông tay khỏi vai tôi, đứng sững. Tôi nhìn chằm chặp vào mặt Phương. Khi chiến tranh kết thúc, Phương còn chưa tượng hình trong bụng mẹ. Em học ở đâu được cái danh từ tưởng đã phải bị chôn vùi với thời gian từ lâu rồi. Mắt tôi chắc lạ lắm. Tôi thấy vẻ sửng sốt trên mặt Phương. Khắp người tôi ớn lạnh trước giọng nói nhởn nhơ của em. Mặt Phương bỗng giãn ra. Miệng em nhếch lên bày ra một nụ cười bằng hai hàm răng muốt mát. Cũng may! Phương có nụ cười hiền, thật hiền.

2/2003