Cay đắng
Chốn cũ
Giữa đàng
Lẽ ra
Nhảy chân sáo
Niềm vui không trọn
Rong chơi
Tìm về
Trong vùng quên lãng
Tưởng

 

RONG CHƠI

Tôi gặp Marisa trong một viện bảo tàng đầy du khách. Chữ nghĩa ở Havana rặt một thứ chữ Tây Ban Nha nên tôi bù trất chẳng thể nào nhớ nổi cái tên của tòa nhà này. Tôi nghe loáng thoáng đây là nơi dinh thự của Quốc Vương Cuba ngày xưa. Mua vé xong, hai bà sồn sồn to như bao gạo trăm ký kéo sợi dây cản ra cho tôi vào. Một vùng sân nhỏ được bao quanh bằng những thân palm vươn cao. Loại cây tiêu biểu của Cuba này có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trông hao hao như những bóng dừa của miền Nam nước Việt. Bức tượng bán thân của ông Kha Luân Bố ngự giữa vuông sân hằn in nét trắng lên đám lá xanh. Tòa nhà vuông vức như một chiếc hộp rỗng ruột bao quanh sân chẳng có một nét kiểu cọ nào. Có lẽ đây là một tòa dinh thự được làm vội chẳng cần hoa hòe hoa sói chi cả. Vẻ vuông vức lại thêm tầm thường khi chỉ có một tầng lầu ngắn cũn cỡn nằm nép dưới những bóng lá palm đang nghiêng ngả theo gió.
Hành lang chung quanh rộng chỉ hơn một thước đưa vào từng căn phòng triển lãm. Mỗi phòng vuông vức, nhỏ, không khác lắm những căn phòng của các nhà lê dân. Tôi lớ ngớ nhìn số du khách lèo tèo đi lui tới trên hành lang. Hiện vật trưng bày bên trong, những bàn ghế, giường tủ, đèn, ly, tách, chén bát của vương triều xưa chẳng đủ sức thu hút tôi. Chán, tôi đang định ra về. Đi ngang qua căn phòng nằm ở cuối dẫy, tôi liếc vào thấy bức chân dung của một mệnh phụ vẽ bằng sơn dầu khá sắc nét, tôi bước vào. Marisa là một trong hai nhân viên đứng coi căn phòng này. Tôi không hiểu căn phòng nhỏ sao lại cần tới hai nhân viên túc trực. Vừa nhác thấy tôi, Marisa bước tới, nhìn chiếc máy hình toòng teng trên vai tôi, mời.
“ Mời ông chụp hình với bức tranh này. Đây là chân dung Hoàng Hậu... - nàng nói một cái tên nhưng tôi thấy chả cần thiết để nhớ - Ông vô đứng cạnh để tôi bấm máy cho!”
Tôi lưỡng lự. Cái trò mời chụp hình rất đon đả này tôi đã gặp ở mấy phòng khác. Lúc đầu tôi tưởng là họ hiếu khách, nhưng khi chụp xong, ánh mắt họ cho thấy khách có bổn phận phải móc túi chi tiền. Chẳng bao nhiêu. Hai mươi lăm, năm chục xu là họ mừng rối. Tôi ngắm kỹ bức tranh. Người trong tranh toát ra được cái hồn khá linh động. Tôi đưa máy cho Marisa.
“ Ông đứng vào bên cạnh  nhé!”
Tôi lắc đầu.
“ Cô chụp bức tranh dùm tôi đi!”
Marisa nhướng mắt ngạc nhiên. Nàng dấm dẳn đưa lại chiếc máy hình cho tôi.
“ Ông rảnh tay thì ông chụp lấy chắc vừa ý hơn!”
Tôi thản nhiên đỡ lấy máy hình. Nhắm bức tranh. Marisa đứng nhìn với vẻ hậm hực. Tôi vẫn chôn mắt vào ống kính, nói trỏng.
“Cô vào đứng cạnh bức tranh tôi chụp cho.”
Marisa không nhúc nhích. Tôi dục.
“ Tôi tính chụp cô nhưng khi không chẳng nhẽ chụp. Cứ coi như mình đánh lừa cái bà Hoàng Hậu đã quá cố này đi!”
Marisa bưng miệng cười, chân vẫn không nhúc nhích.
“ Cô nghĩ là chiếc máy hình nhỏ bé này không đáng chụp cô sao?”
Marisa dợm quay đi.
“ Tôi không được phép!”
Tôi hiểu ngay. Marisa đâu có muốn làm gì thì làm trong khi đang làm việc. Tôi bấm vội tấm hình. Marisa vẫn đứng tại chỗ, nhìn tôi bằng con mắt sáng hơn. Tôi cho tay vào túi, hốt vội một nắm bạc cắc, dúi vào tay Marisa. Nàng nhìn quanh. Cô tiếp viên coi chung phòng với nàng đang mải mê chụp hình cho một đám du khách. Marisa lẹ tay cầm và đút vội vào túi. Cái tay nằng nặng với những đồng tiền Mỹ mát lạnh làm nàng như cũng tươi mát hơn. Nàng nói nhỏ với tôi, giọng dịu dàng thân mật.
“ Anh chờ một chút. Em quay lại ngay!”
Tôi gật đầu. Mắt nàng tinh ranh nhẹ cười. Như thể nàng và tôi là hai đứa trẻ có chung một niềm bí mật kỳ thú. Tôi vơ vẩn đứng nhìn những kỷ vật nho nhỏ bày trên những chiếc bàn ở giữa phòng. Marisa quay lại, đứng ở ngoài hành lang, vẫy tôi. Nàng nhìn quanh quất bằng vẻ mặt bất an.
“ Anh coi xong chưa?”
Thấy vẻ lúng túng của Marisa, tôi thấy chẳng nên kéo dài giây phút thừa thãi này.
“ Cũng chẳng có gì coi!”
“ Em đã xin được phép về sớm. Anh có cần hướng dẫn viên đi coi Havana không?”
Tôi thích thú.
“ Vậy thì tốt quá. Mình đi ngay được chưa?”
Marisa lại nhìn quanh, miệng căn dặn mà mắt vẫn đảo ngang đảo dọc.
“ Anh ra cổng chính, quẹo sang phía bên phải, đi hết một dẫy phố, lấy tay trái. Chờ em ở đó.”
Nhìn chiếc mề đay có hình anh Ché Guévara nằm lủng lẳng trên cổ Marisa, tôi nheo mắt, quay bước. Những bước dài vội vã đưa tôi xuống cầu thang. Một đám du khách bu quanh một cái lỗ hình vuông ngay sát chân cầu thang giữ tôi lại. Tôi ghé mắt nhìn xuống. Chiếc quan tài cổ được soi sáng bằng ánh đèn đỏ lờ mờ nằm bên dưới. Tiếng cô hướng dẫn viên vang vang. Tôi hiểu đây là chiếc quan tài của một vị vua được chôn bí mật dưới lòng cung điện mới được khám phá thấy. Tôi rời đám đông bước ra cửa. Ông Kha Luân Bố vẫn ngồi trên bệ đá giữa vườn nhìn tiễn đưa tôi. Ra tới cửa, tôi quẹo phải, rảo bước, thấy mình đang đóng phim nghẹt thở với cõi lòng phơi phới. Những viên gạch đã trăm năm nằm trong khu phố cổ Havana nhẵn thín đón bước chân tôi thoăn thoắt trên hè phố. Đường phố nằm thờ ơ nhàn nhã. Cả khu phố cổ đã đuổi xe đi chỗ khác để dành đường cho du khách. Tiếng còi xe ngoài con đường lớn chạy dọc theo biển dọa dẫm nhau. Tôi nhìn ra phía biển. Từng đoàn xe buýt du lịch nằm ngơi nghỉ trên khu đậu xe chính giữa chia con đường thành hai chiều lên xuống. Tiếng sóng đập vào kè đá nghe nhịp nhàng như một điệu nhạc buồn. Tới ngã ba đường, tôi quẹo trái. Những hàng cây palm cao vút vật vờ theo cơn gió nhẹ. Mặt trời ngồi tít trên cao thư thái. Tôi dựa vào một gốc cây đứng chờ. Ông già ngồi  đan mũ bằng lá palm ngước nhìn lên. Điếu xì gà trên môi ông vểnh lên theo. Lấy tay chỉ dăm ba chiếc mũ đã đan xong được bầy chung quanh ông, ông nói một hơi rồi cười cầu tài. Tai tôi xa lạ với những âm sắc nhưng cũng hiểu ông đang mời tôi mua mũ. Tôi lắc đầu, nặn ra một nụ cười cố ý làm nhạt bớt sự thất vọng nơi ông. Bóng Marisa hiện ra nơi đầu phố. Nàng đã thay bộ đồng phục áo và váy xanh đậm với chiếc khăn choàng đỏ vắt hờ hững trên cổ áo bằng một chiếc áo trắng, váy ngắn sậm mầu. Trông nàng như nhỏ hơn. Đi ngang qua chỗ tôi đứng, nàng hất mặt làm dấu bảo tôi đi theo. Ông già bán mũ đưa đôi mắt lờ đờ nhìn theo Marisa, đầu điếu xì gà đỏ lên tỏa ra một làn khói nhẹ nhàng. Tôi ý tứ theo sau, giữ khoảng cách vài bước. Tới chỗ vắng người, Marisa chậm chân chờ tôi. Nàng nói một câu tôi không chờ đợi.
“ Cẩn thận vẫn hơn, anh ạ.”
Tôi nhìn quanh có ý kiếm một quán nước. Vừa đi vừa ngước nhìn thế này cực quá! Ngó quanh chẳng thấy quán xá chi, tôi quay sang Marisa.
“ Mình tìm chỗ nào ngồi uống nước nghỉ một chút.”
Marisa xoay tròn một vòng tay xung quanh.
“ Kiếm đâu ra quán ở đây! Anh là người Hoa phải không?”
Tôi ừ hử không trả lời. Cứ để cho Marisa tin tôi là người Hoa. Nàng kéo tôi đi. Vòng vài vòng loanh quanh, khi quẹo trái, khi rẽ phải, tôi hoàn toàn mất phương hướng. Bỗng nhiên trước mặt tôi là một con hẻm trông quen thuộc. Hai con rồng con phụng ở đầu hẻm dẫn vào một dẫy đèn lồng đỏ treo dọc hai bên đường. Những chiếc mái cong cong nho nhỏ một màu đỏ chói chang của những tiệm ăn san sát hai bên mang những hàng chữ Hoa mầu vàng kim nhũ. Tôi bỡ ngỡ nhìn quanh. Marisa như thích thú với vẻ ngỡ ngàng của tôi. Nàng cười.
“ Em nghĩ rằng em đã dẫn anh tới đúng chỗ anh muốn đến!”
Tôi gật đầu kéo nàng vào một tiệm nước nhỏ. Tôi kêu một chai bia, Marisa tự kêu một thứ nước uống gì đó. Tôi giơ ly lên cụng.
“ Mừng cho cuộc gặp gỡ kỳ thú của chúng mình!”
Ly nước của Marisa chạm vào thành ly của tôi, hững hờ. Nàng như lúng túng không quen. Tôi đặt ly xuống bàn.
“ Em có hay dẫn khách du lịch đi như thế này không?”
Mái tóc ngang vai mượt mà xao động.
“ Không, em mới kiếm ra nghề này ngày hôm nay thôi!”
Tôi hứng thú.
“ Anh là người mở hàng hả?”
Marisa gật đầu.
“ Có lẽ anh là người khách duy nhất.”
Tôi thấy như mình đang tham dự vào một trò chơi.
“ Em định đóng cửa hàng sao?”
Marisa nhoẻn cười gật đầu.
“ Sao vậy? Chán rồi hả?”
“ Không phải! Em không có môn bài!”
Dứt câu nói, nàng phá ra cười. Marisa có khuôn mặt nhẹ nhàng hơi nhuốm vẻ nghịch ngợm, da sậm mầu nhưng không đen, đôi mắt tinh ranh ướt rượt. Tiếng cười làm khuôn mặt nàng linh động hẳn lên.
“ Nói ra có lẽ anh không hiểu được đâu. Ở đây, làm gì cũng phải ngó chung quanh!”
Tôi quá hiểu. Tôi cũng đã từng phải nằm trong cái chảo rang như Marisa bây giờ. Marisa liếc nhìn chung quanh. Tôi thấy tội nghiệp cho cái bất an của người con gái chiều cao chỉ ngang vai tôi.
“ Hồi sáng, trong chỗ em làm, anh cũng đã thấy em ngó quanh liên hồi rồi.”
Mặt Marisa bừng đỏ.
“ Anh cười em phải không?”
Tôi gạt ngang.
“ Không! Anh chỉ để ý thấy vậy thôi. Thấy cái vẻ lấm lét của em, anh tội nghiệp chẳng hết!”
Giọng Marisa nặng xuống.
“ Tụi em sống bằng sự tội nghiệp của những người như anh. Đứa nào cũng vậy cả. Nhưng vẫn cứ phải canh chừng nhau. Chỉ một sơ ý là tiêu cả cuộc đời.”
Tôi giả bộ không hiểu.
“ Thì có gì đâu! Thông thường thì du khách là những người đang sống những giây phút thoải mái nhất của sự nghỉ ngơi. Họ có chia sẻ sự thoải mái với người khác cũng là điều tự nhiên.”
Marisa lắc đầu.
“ Em không nghĩ được như vậy. Em chỉ có thể nghĩ tới cách làm sao mà cho vào túi được trót lọt những đồng xu mà du khách thường sơ ý đưa cho một cách lộ liễu.”
Tôi không muốn thấy những giọt nước mắt của Marisa.
“ Ở đâu thì cũng vậy thôi. Những người phục vụ có quyền nhận được sự biết ơn của khách hàng chứ! Anh thấy ở đây người ta vẫn công khai nhận những lời cám ơn một cách cụ thể này. Anh đã từng thấy vậy trong các nhà hàng, ngay ở cửa những nhà vệ sinh của các nhà hàng, ở phi trường, ở những địa điểm du lịch. Không phải là một thứ lệ phí chính thức nhưng người ta vẫn công khai, hầu như ép buộc khách phải móc túi.”
Marisa nhìn vơ vẩn ra ngoài cửa. Cái nhìn thấp thoáng nét lo âu.
“ Những gì anh nói đều đúng hết. Nhưng chỗ em lại khác. Đây là bộ mặt của đất nước. Chúng em không có quyền nhận tiền của du khách, nhưng – giọng Marisa nhỏ xuống – chúng em không thể không nhận. Em nói vậy chắc anh hiểu. Khổ hơn nữa là du khách thường chỉ cho toàn tiền Mỹ, thứ tiền mà người dân ở đây không có quyền giữ.”
Tôi vỗ tay vào đùi.
“ À ra thế! Thảo nào ngày hôm qua anh thấy một du khách bỏ mấy đồng xu Mỹ vào chiếc đĩa trên bàn ngoài cửa một phòng vệ sinh, bà bảo vệ ngồi thu tiền đã gọi ông du khách bắt lấy lại. Bà nói một tràng thứ tiếng mà ông du khách không hiểu bằng một giọng giận dữ. Ông nhún vai, lượm lại những đồng tiền vừa bỏ xuống. Bà ta nhìn ông với ánh mắt không thể nào gọi được là thân thiện, tay không hề cầm tiền đưa trả. Anh thấy hình như có sự kinh tởm trong mắt bà ta!”
Marisa cười nhạt, lạnh lùng nói.
“ Bà ta là một công dân gương mẫu. Mọi người chính ra đều phải như vậy. Em chưa đứng tới gót chân của bà ta. Nhưng em không thể xếp hàng với bà ta. Bụng em còn nhiều chỗ trống lắm, và em không muốn nghe thấy tiếng kêu óc ách trong đó!”
Tôi mỉm cười khi nghe câu nói hóm hỉnh bất ngờ của cô bé xem ra khá hiền lành trước mặt.
“ Anh không muốn hỏi câu này. Nhưng tùy em, em muốn trả lời hay không cũng được. Lương tháng em được bao nhiêu?”
Marisa bối rối. Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn dò hỏi.
“ Em tin anh! Chẳng ra đâu vào đâu cả. Chỉ hơn trăm pesos!”
Tôi nhẩm tính. Không đến nỗi tệ. Đồng peso tôi vẫn đổi ở khách sạn tương đương với đồng đô la Mỹ. Và nó được bảo đảm bằng giá đồng đô la, lên xuống không cần biết. Tôi gật gù.
“ Cũng được đấy chứ! Hơn một trăm đô la Mỹ một tháng. Chắc sống đủ chứ?”
Marisa trợn mắt.
“ Anh nói chi? Em đâu có nói với anh hơn một trăm đô la một tháng!”
Tới lượt tôi trợn mắt.
“ Thì anh vẫn đổi ở khách sạn. Một đô la ăn một peso mà!”
Marisa lắc đầu chán nản.
“ Xin lỗi anh! Em quên anh là du khách! Có lẽ người nào cũng lầm như vậy cả. Thưa anh, thứ peso họ đổi cho anh ở khách sạn là peso khả hoán, nó trị giá tương đương với đồng đô la Mỹ và chỉ mới được phát hành từ khi có lệnh cấm người dân không được giữ đô la. Thứ peso của dân chúng như em là thứ peso bình dân. Một đô la ăn tới 27 pesos lận!”
Tôi ngớ người ra. Cái trò lập lờ này hình như tôi đã có kinh nghiệm! Vậy mà vẫn hụt chân! Tôi cắn chặt môi cho đỡ tức tối. Tôi ơ hờ nhìn Marisa, thả giọng.
“ Lương vậy có đủ sống không?”
Tôi nghe Marisa uể oải như không muốn nói.
“ Nếu mình em thì cố gắng cũng co được!”
Tôi buột miệng.
“ Em có gia đình rồi sao?”
Marisa lắc đầu nhìn tôi, nói như miễn cưỡng.
“ Anh hỏi dễ thương quá! Có gia đình mà đi chơi với anh được như thế này à? Nhưng em cũng có gia đình chứ! Ba mẹ em, bốn đứa em của em. Có ai làm ra tiền đâu!”
Marisa dợm đứng dậy, làm mặt vui.
“ Mà thôi, anh không cho cô hướng dẫn viên tay mơ này làm việc hay sao mà cứ ngồi đây điều tra hoài vậy?”
Tôi kêu trả tiền. Họ không nhận tiền Mỹ. Sáng nay, trước khi đi, tôi quên đổi tiền. Tôi mượn tiền của Marisa trả nhà hàng. Du khách nhẩn nha giữa con đường hẹp. Những anh chàng Cuba ăn mặc bảnh bao, đứng trước mỗi tiệm ăn, tay chìa thực đơn, miệng líu lo chèo kéo khách vào tiệm. Chẳng thấy bóng dáng một anh Tàu nào. Chẳng lẽ họ núp cả ở trong bếp? Tôi vừa đi vừa ngó quanh, tới lúc ra khỏi con hẻm nhỏ lúc nào không biết. Mấy bực thang xi măng đưa tôi ra lại đường phố. Marisa bất giác nắm lấy tay tôi. Đường phố vắng vẻ. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe lôi chở khách đi qua. Người đàn ông đội chiếc nón rơm gò người trên chiếc xe đạp thô kệch cũ kỹ kéo theo một chiếc thùng xe trên có ba bà khách ngồi ép vào nhau. Nhà cửa hai bên đường cũ nát. Những bức tường đói vôi chắc đã lâu ngày dơ dáy xám xịt. Có những căn nhà oằn xuống như sắp sửa sụp đổ mà vẫn có những thân người chui ra chui vào. Đi ngang qua một cửa tiệm tối tăm nhếch nhác, tôi kéo tay Marisa dừng lại. Ông Tàu già đứng sau chiếc quầy ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn tôi như có ý hỏi. Chiếc giá ngăn thành từng ô kê sát phía tường sau lưng ông lỏng chỏng ít chai xì dầu. Chiếc máy tính lớn như một chiếc hộp cồng kềnh cổ lỗ sĩ nghênh ngang đứng trên quầy. Đã lâu lắm tôi mới thấy lại cái máy này. Dễ chừng từ ngày tôi còn ở Chợ Lớn khi mới di cư vào Nam! Một bà già Tàu xà tới nói líu lo với ông Tàu. Họ không dùng tiếng Tàu. Nói qua nói lại một hồi, bà đưa cuốn sổ cho ông Tàu ghi.  Ông lách cách tính tiền bằng cách đưa đẩy lên xuống những nút gạt trên máy tính rồi kéo mạnh chiếc cần bên hông máy kêu đến xạch một cái. Ông đưa cho bà một chai xì dầu sau khi nhận tiền. Bà già cuộn tròn cuốn sổ trong tay. Hoạt cảnh này làm tôi nhớ lại và hiểu ngay đây là một cửa hàng quốc doanh bán theo sổ nhu yếu phẩm. Y chang như những ngày tôi còn kẹt lại ở Saigon. Marisa kéo tôi đi.
“ Họ nói gì với nhau vậy?”
Marisa cười ngặt nghẽo.
“ Anh là người Hoa mà không hiểu à?”
Tôi cãi lại.
“ Họ có nói tiếng Hoa với nhau đâu!”
Tôi vừa tố vừa run. Họ có nói tiếng Hoa thì tôi cũng bù trất! Marisa đâu có biết tôi run. Nàng giải thích.
“ Họ ở đây lâu quá rồi nên chắc quên tiếng Hoa. Em ít gặp người nói tiếng Hoa lắm.”
Tôi nghĩ tới mối liên hệ giữa Đại Lục và Cuba. Chắc những người Hoa này được phái sang chi viện các nước anh em chăng?
“ Lâu là bao nhiêu lâu?”
“ Em nghe nói họ là con cháu chút chít gì đó của những người Hoa sang làm đường xe lửa từ hồi xửa hồi xưa. Lâu lắm rồi!”
Tôi nhìn quanh, chẳng thấy khuôn mặt người Hoa nào trên con phố lác đác những người da đen hay da sậm mầu qua lại. Tôi hỏi Marisa.
“ Đây còn là khu phố Tàu không vậy?”
Marisa gật đầu.
“ Sao anh không thấy người Hoa đi ngoài đường?”
“ Có đấy chứ!”
Nàng chỉ tay vào tôi, cười. Tôi cũng cười gượng. Coi như thua cô bé này thêm một bàn nữa. Một ông người Hoa đứng trong nhà nhìn ra cũng cười. Tôi không chú ý tới ông mà ngạc nhiên dán mắt vào những khuôn chữ bằng chì nằm thứ tự trên những chiếc kệ nghiêng nghiêng sát tường. Những con chữ của ngày xưa! Cả một thời quá khứ đổ ập về trong tôi. Những ngày làm báo xưa lao xao tất bật với những anh thợ sắp chữ thoăn thoắt tay bốc từng con chữ ngược gài vào khuôn xếp. Những bàn vỗ, những khuôn chì vừa đổ nhúng vội vào nước, những chiếc máy in già nua lạch xạch nuốt từng tờ giấy khổ báo lớn do anh thợ in đút vào máy bằng chiếc que gỗ mỏng... Tiếng lạch xạch ngày xưa rõ ràng đang vẳng lại trong tai tôi. Trong một góc lờ mờ soi sáng bằng một bóng điện tròn vàng ệch, anh thợ in trần trùng trục đang châm giấy vào máy. Tôi như gặp lại người bạn cũ. Tay chân tôi rối bời lên. Ánh đèn flash của chiếc máy chụp hình trên tay tôi chớp lia lịa như muốn nuốt trọng những hình ảnh tưởng đã mất từ lâu. Tôi như bị hớp hồn chẳng còn nghe thấy tiếng nói chuyện giữa ông Tàu và Marisa.
Bước chân tôi lâng lâng trên đường. Marisa lặng thinh bên cạnh tôi. Chỉ khi chúng tôi bước vào một công viên tràn ngập du khách vang vang tiếng đàn tiếng trống, Marisa mới hỏi.
“ Sao anh bấm máy hình lia lịa như một thợ chụp hình chuyên nghiệp đói khách vậy?”
Tôi chẳng biết trả lời sao. Vội chống chế.
“ Anh thích đồ cổ!”
Marisa bĩu môi.
“ Cổ gì đâu mà cổ! Ở đây thiếu giống!”
Một ngón tay khều sau vai tôi. Tôi quay lại bắt gặp nụ cười cầu tài của ba anh nhạc sĩ đội mũ kết bằng lá dừa rộng vành. Một chiếc tây ban cầm, một cái trống thuôn dài kẹp trong cánh tay, một bộ gõ lục lạc loảng xoảng.
“ Japan?”
Tôi lắc đầu. Marisa nhún nhẩy theo nhạc miệng nói một câu gì đó. Người nhạc sĩ ôm đàn gật đầu, dạo nhạc. Tiếng trống, tiếng lục lạc vào nhịp. Ba cái miệng há ra hát. Tôi nghe thấy tiếng China lập đi lập lại. Dứt bản nhạc, họ chìa tay. Tôi móc tờ giấy một đô Mỹ ra. Họ vội cuốn vào túi, cúi chào, vội vã chạy tới một toán du khách khác. Marisa kéo giật tay tôi.
“ Anh cho họ nhiều vậy?”
Như sực nhớ lại, nàng ghì tay tôi nói bằng một giọng buồn bã.
“ Em xin lỗi. Em quên anh là du khách!”
Tôi hỏi Marisa giọng bỡn cợt.
“ Cho bao nhiêu là vừa?”
‘ Hai mươi lăm xu thôi.”
“ Nhưng họ có ba người tất cả.”
“ Nhưng có phải chỉ có mình anh cho họ tiền thôi sao?”
Tôi làm bộ chạy.
“ Để anh tới đòi bớt lại nghe! Họ còn đứng kia kìa!”
Marisa giật cánh tay tôi lại. Vừa đưa mắt lườm vừa cười  như nắc nẻ. Tôi thấy nàng như đang đánh mất nàng.
“ Họ hát bài gì mà anh nghe thấy chữ China hoài vậy?”
Marisa nhìn tôi thương hại.
“ Anh đúng là ngớ ngẩn như du khách! Họ chỉ có mỗi một bài, hát đi hát lại cả ngày. Một bài chào mừng vớ vẩn. Cái ăn tiền của họ là trước khi hát, họ hỏi du khách từ đâu tới rồi chêm tên nước đó vào bài hát. Du khách như anh chắc khoái lắm đấy nhỉ?”
Nàng liếc mắt đăt dấu hỏi như chế nhạo.
“ Vậy thì họ cũng thông minh và tâm lý ra phết. Đáng một đô la. Khỏi đòi lại nữa!”
Marisa đập vào vai tôi. Lắc đầu, cười. Cử chỉ tự nhiên của nàng làm như chúng tôi đã thân nhau từ thuở nào. Tình thân càng lúc càng quánh lại theo những bước rong chơi qua khắp khu phố cổ. Khi ánh mặt trời đã dịu xuống, tôi rủ Marisa đi ăn. Nàng tinh quái hỏi.
“ Mình trở lại phố Tầu chăng?”
Nghĩ tới những anh rặt Cuba đứng mời chào trước cửa các tiệm ăn Tầu, tôi nghi là thức ăn cũng lai căng như vậy. Chẳng ham. Tôi rút tấm bản đồ chỉ dẫn du lịch ra, liếc qua mục nhà hàng, tìm địa chỉ một nhà hàng mà tôi đã chíp trong bụng từ mấy ngày trước. Một nhà hàng được quảng cáo là có món gà Asado chicken đặc biệt ngon của Havana.
Tôi chỉ địa chỉ nhà hàng cho Marisa, lấy giọng xa cách.
“ Này cô hướng dẫn viên, cô có thể đưa du khách đi ăn món gà đặc biệt của Havana này không?”
Marisa nhìn vào bản đồ chỉ dẫn, giọng cũng xa cách.
“ Địa điểm nhà hàng thì hướng dẫn viên bắt buộc phải biết. Không biết thì giải nghệ cho rồi! Cũng gần đây thôi. Nếu chân cẳng du khách còn tốt thì chúng ta có thể cuốc bộ được. Còn món gà thì dân Havana chưa bao giờ biết tới thứ này. Gà ở đây đều là gà trời cả, cao lắm, dân Havana chính cống với không tới đâu!”
Tôi bóp nhẹ chiếc cần cổ mảnh mai của Marisa, nâng mặt nàng lên.
“ Chưa biết thì cứ đi tới đó khắc biết. Tội cô nhỏ quá!”
Nhà hàng dễ chừng chứa được tới ba trăm thực khách được cất bằng gỗ lợp lá trông giống như những căn nhà sàn của miền Thượng được nối vào nhau một cách khá thẩm mỹ. Nói là nhà sàn nhưng những nhà sàn này là loại nhà sàn thượng lưu, kiếm đâu ra nơi rừng rú. Trần nhà cao vút như trần nhà thờ được đánh vẹc ni bóng loáng làm nổi những vân gỗ và ngay cả những sống lá chắc nịch. Tiền sảnh được trang hoàng bằng những tượng gỗ nghệ thuật. Ngay trên bức tường bằng gỗ lớn, đập vào mắt hàng khách đứng chờ được xếp chỗ là một khung ảnh lớn vẽ hình Ché Guevara nằm gối trên lá cờ Cuba rộng khổ. Hình ảnh của Ché chỗ nào cũng có. Ngay những đồ kỷ niệm chỉ bán cho du khách, áo, mũ, lịch... anh Ché cũng ghé mặt vô. Tôi bấm Marisa.
“ Sao cái anh Ché này chiếm nhiều chỗ quá vậy?”
Marisa không nói gì. Tôi nhìn vào cổ nàng. Anh Ché vẫn lấp ló giữa cổ áo. Marisa theo tầm mắt tôi, vội lấy tay che cổ. Nàng vít tôi xuống thì thầm.
“ Anh đừng nói lớn. Anh hùng thần thánh của đất nước đó.”
Tôi ghé tai Marisa, cũng thầm thì.
“ Anh thấy thần thánh nào cũng khó ưa hết!”
Nàng bịt miệng tôi lại, nhún vai.
Chúng tôi được dẫn tới chiếc bàn nhỏ có hai chỗ ở tít tận trong góc tiệm. Marisa có vẻ khớp.
“ Cả đời em chưa bao giờ được bước chân vào một tiệm ăn sang trọng như thế này!”
Tôi nhìn quanh. Thực khách có lẽ toàn là du khách ăn nói thoải mái. Marisa đập vào vai tôi. Nàng quay lưng về phía tôi.
“ Anh cởi dùm em sợi dây chuyền.”
Tôi vén những lọn tóc hung, vừa mở chiếc móc vừa hỏi.
“ Em chán anh hùng rồi hả? Chắc nặng quá phải không?”
Marisa cầm cái mề đay có hình Ché bỏ vào túi áo.
“ Kể cũng hơi nặng!”
Tôi gọi một ly vang đỏ. Marisa lúng túng. Tôi gọi cho nàng một cái Pina Colada có pha một chút rhum. Anh bồi áo trắng gật đầu. Một cô tiếp viên mang tới hai đĩa sà lách. Cải bắp trắng cắt nhỏ, cà chua cắt miếng lớn. Món hầu như bắt buộc nhà hàng nào cũng dọn ra trước cho khách ăn chơi. Tôi rắc muối, dấm, dầu ăn vào hai đĩa rau. Marisa chăm chú nhìn. Chưa ăn hết đĩa rau, hai chiếc đĩa hình bầu dục lớn đã được dọn ra. Người hầu bàn vừa đặt đĩa xuống thì một người tiếp theo sau xúc vào mỗi đĩa vài muỗng cơm, một người khác rưới lên cơm chút nước sốt. Một cánh tay để lên bàn giỏ bánh mì nóng hôi hổi. Tôi giỡn với Marisa.
“ Anh thấy ở đây có một thứ thừa mứa là sức lao động!”
Marisa hỏi lại.
“ Anh không có ý định nói chỗ em làm đấy chứ?”
“ Em cũng cảm thấy như vậy à?”
Marisa chỉ cười, không trả lời. Tôi cũng chẳng cần câu trả lời vì đĩa thịt gà vàng ngậy, nóng sốt đã nằm trước mặt. Tôi gắp cho Marisa một chiếc đùi gà ươm mật. Bụng đói, tôi xử ngay miếng thịt gà xem ra khá hấp dẫn. Thơm, hơi ngọt nhưng có vị riêng rất lạ. Tôi nhìn Marisa ngượng nghịu với dao và nĩa.
Bốn miếng gà đã mất tăm tích, anh hầu bàn tới hỏi và mang ra một đĩa khác. Marisa nhìn tôi dò hỏi. Tôi khẽ bảo cứ việc ăn thỏa thích, gà ngon là một lẽ, nhưng thực khách có quyền ăn tùy bụng, muốn ăn bao nhiêu thì ăn không phải trả tiền thêm. Có lẽ thịt gà ngon hơn nếu nó không đụng tới hầu bao nên chúng tôi đánh gục luôn được đĩa thứ hai. Anh hầu bàn đứng cạnh như nhấp nhổm muốn đi lấy đĩa khác. Tôi lắc đầu. Bụng dạ nào mà đút được nguyên một chú gà vào dạ dầy!
“ Ngon không em?”
Marisa mơ màng.
“ Chưa bao giờ em được ăn gà ngon và thỏa thích như thế này. Em mới có thêm một chút tự hào về đất nước em, cái tự hào mà phải nhờ một du khách nước ngoài em mới có được!”
Tôi cười. Cô bé nhỏ người trước mặt tôi cũng sắc gớm! Phần kem tráng miệng được gài theo giấy tính tiền. Tôi đặt tiền lên đĩa, rút thêm tờ giấy trăm đô dúi vào tay Marisa.
“ Trả nợ em tiền anh vay sáng nay.”
Marisa hốt hoảng.
“ Sao anh trả em nhiều vậy?”
“ Anh có tính thêm tiền lời nữa!”
Marisa vội đút tiền vào túi, mắt nhìn quanh, như một bản năng.
Khi chúng tôi rời tiệm, trời đã tối. Tôi trông thấy phần lầu cao của khách sạn tôi ở nhô lên khỏi ngọn cây. Theo con đường về hướng khách sạn, tôi ôm vai Marisa.
“ Bây giờ cho em nghỉ. Để anh dẫn đường về khách sạn nghe!”
Marisa ngước nhìn tôi, tay vòng qua lưng, bấm nhẹ. Mặt Marisa như khựng lại, bối rối. Chúng tôi lặng lẽ đếm bước. Marisa ấm trong tay tôi. Ngọn đèn đường yếu ớt, vàng xỉn vẽ hai chiếc bóng mù mờ lên mặt đường đá. Tôi lặng người lâng lâng hưởng cái thú lãng đãng thanh thản trên vùng đất lạ. Như đang hái được những của cải trần gian. Marisa nép người bên tôi lặng thinh. Không hiểu có những gì trong chiếc đầu bé nhỏ đang ngoan ngoãn nặng một bên vai tôi. Tới gần khách sạn, chúng tôi dừng chân trong bóng tối. Marisa ngước nhìn tôi như chờ đợi. Tôi xiết mạnh bàn tay nàng. Nàng bỗng run run hỏi.
“ Anh có muốn em lên với anh không?”
Marisa như hốt hoảng khi nghe câu hỏi lúng búng vang vọng lại. Tôi khẽ cắn vào tai nàng.
“ Em có thích lên không?”
Marisa vùi mặt vào ngực tôi. Người nàng nức lên. Tôi thấy lành lạnh trên ngực áo. Tay tôi dìu dịu vỗ lên lưng Marisa.
“ Em về đi!”
Nàng giữ những cơn nấc. Tôi khẽ đẩy Marisa ra. Mặt nàng nhòe nhoẹt ngẩng lên, tay run run vẽ hình thập giá trên trán, trên miệng và trên ngực tôi. Rồi thoắt quay đi. Tôi đứng lặng yên cho tới khi bóng Marisa khuất nơi ngã tư đường. Tôi leo lên khách sạn bằng những bước nặng nề.

03/2005