Cay đắng
Chốn cũ
Giữa đàng
Lẽ ra
Nhảy chân sáo
Niềm vui không trọn
Rong chơi
Tìm về
Trong vùng quên lãng
Tưởng

 

GIỮA ĐÀNG

     Xe Huyndai tương đối còn mới, sạch sẽ, máy lạnh rò rè, năm chục chỗ ngồi chia làm hai hàng, giữa là lối đi, mỗi bên hai chỗ ngồi, cửa kính hai bên đều có những tấm màn vải sạch sẽ có thể kéo ra kéo vào được. Anh hướng dẫn du lịch và các cô ở quầy tiếp tân khách sạn đều gọi đó là xe đò  cao cấp. Cao cấp hình như là một tiếng thời thượng để chỉ những gì mà hạng người bình thường không thể với tới được. Tôi đã thấy ở một bên Xa Lộ gần ngã tư Hàng Xanh một tấm bảng to lớn cao vời vợi quảng cáo thứ kem chống nhăn cao cấp. Đầu tôi cứ miệt mài băn khoăn không hiểu tấm bảng có ý định chỉ rõ ra là có một thứ  da mặt nhăn cao cấp không. Còn thứ cao cấp của chiếc xe đò nghe nói là do một công ty Đại Hàn khai thác này, ngồi thoải mái trên xe tôi mới dần dần ngộ ra cái cao cấp của nó. Xe chạy loăng quăng qua các tụ điểm đón khách của thành phố Đà Lạt, phần lớn là các khách sạn, rồi rời thành phố là thôi, chạy một mạch không dừng lại đón khách giữa đường. Vừa ra khỏi Đà Lạt, anh hướng dẫn mở máy phóng thanh chào mừng khách, thông báo giờ nghỉ, giờ ăn, giờ đến bằng hai thứ tiếng Việt và Anh rất gọn ghẽ và chuẩn xác. Sau đó, anh lơ xe đò cao cấp này đi phát cho mỗi người một khăn ướt lau mặt và một chai nước suối cá nhân xem ra cũng thuộc loại cao cấp.
Ngồi yên vị trên ghế, hành lý cũng đã yên vị trong những hộc sát trên trần xe như trên máy bay, sắp xếp xong áo quần và mấy thứ trái cây xách tay, tôi mới rảnh rang ngó quanh. Hành khách gần phân nửa là người ngoại quốc, số còn lại cứ nhìn cách ăn mặc đủ biết ai là Việt Kiều, ai là thương gia, ai là cán bộ ( cao cấp?). Ngồi hàng ghế trên tôi, chắc là hai cha con, ông bố và đứa con gái nhỏ nhắn khoảng hai chục tuổi, loại nhà giầu, tôi nghĩ vậy. Đường dốc xuống, xe chạy ngon trớn. Hai bên đường vẫn xanh rì một loại thông Đà Lạt. Nắng vắt trên những chóp cây, đâm xéo vào chỗ tôi ngồi. Tôi kéo chiếc màn cửa, tính tôi vốn sẵn ngại ngùng sợ nắng ăn nám da. Vừa quay sang nói chuyện với Thạnh ngồi bên ghế phía trong, tôi thấy vạt nắng nhảy phắt vào nằm lại trên người. Tôi nhìn ra phía cửa kính, chiếc màn đã bị kéo gọn lên hàng ghế trên. Tôi nhìn sững vào gáy ông già ngồi phía trên Thạnh, phóng ánh mắt nháng lửa sang phía chồng dò hỏi. Thạnh nhún vai, lắc đầu, chép miệng. Anh chồm người ngang qua tôi, kéo xộc lại chiếc màn. Ông già đứng dậy, chỉ vào chiếc màn, nhún vai nói câu xin lỗi bằng tiếng Anh. Chiếc màn nhỏ chỉ đủ che một hàng ghế xuệch xoạc nằm giữa hai thanh sắt. Tôi nghĩ chắc ông già tưởng chúng tôi là người ngoại quốc khi dùng tiếng Anh nên nói lại bằng tiếng Việt.
“ Chắc họ làm thiếu một chiếc màn, mình để che ở giữa cho đỡ nắng cả trên dưới vậy, bác hỉ!’’
Mặt ông già có vẻ ngơ ngác. Cô gái vội đỡ lời.
“ Dạ, dì để như vậy được rồi. Cám ơn dì.’’
“ Không có chi, em!’’
Thạnh chôn mắt vào những trang sách. Anh có tật mê sách, lúc nào đọc cũng được, ngồi đâu đọc cũng được. Cứ có cuốn sách trên tay là chẳng biết trời trăng gì cả. Mà lạ, sách gì cũng đọc, cứ có chữ là mê mải. Hỏi thì anh bảo cứ đọc sẽ thấy có những cái mình cần biết, cái mình thấy hay, phải gõ thì cửa mới mở chứ! Tôi thì ngại gõ. Sách đâu có phải cuốn nào cũng hay, cũng hấp dẫn, nhiều cuốn đọc lạt lẽo, chán phèo chỉ muốn gấp ngay lại. Thạnh tỉnh bơ lập thuyết: gấp ngay lại thì còn biết gì nữa, đọc thì mới thấy chán làm sao, tại sao chán, dở như thế nào, tại sao dở, tìm được ra như vậy cũng thú vị chứ! Thật là lý luận nhăng cuội chỉ tổ đau đầu. Tôi thì cái gì hay mới đọc, không hay thì cho de. Mà đọc phải có chỗ có chàng đàng hoàng. Ngồi xe đọc tôi chẳng thể tập trung tinh thần được, họa chăng coi hình vớ vẩn thì có. Cuốn báo tháng  chuyên về thời trang, bạn gái mới mua ở sập báo sáng nay, giấy láng tốt, in ấn đẹp đẽ, hình ảnh rõ ràng như báo ngoại quốc , mang theo để đọc vẫn còn nằm nguyên trong túi xách. Tôi ngồi ngắm vu vơ cảnh vật hai bên đường nhưng thỉnh thoảng mắt vẫn kín đáo nhìn cặp hành khách ngồi trước mặt.
Nắng xiên khoai đã gắt. Tôi kéo tay áo xuống, vắt thêm chiếc khăn trên thành ghế chống nắng. Ông già phía trên loay hoay xoay trở chiếc nón rơm rộng vành che nắng cho cô gái. Trông điệu bộ lăng xăng của ông mắc tức cười. Chiếc nón hình như chưa đủ, ông lẹ tay với ra phía cửa. Chiếc màn vải nhích lên phía trên một chút. Nắng thừa cơ chen chân rọi vào vai tôi. Bụng tôi tức anh ách. Tôi huých Thạnh. Anh giật mình rời mắt khỏi trang giấy, liếc sang tôi, ngúc đầu dò hỏi. Tôi khẽ thì thầm.
“ Thằng cha phía trên dễ ghét! Hắn mới kéo thêm một chéo màn lên phía con gái hắn.’’
Thạnh nhìn chiếc đầu muối tiêu đang rộn ràng nhích qua nhích lại trước mặt, thì thầm lại với tôi.
“ Em muốn anh kéo đầu hắn xuống hỏi cho ra lẽ không?’’
“ Ai làm vậy, kỳ chết!’’
“ Vậy thì nhường hắn vậy.’’
“ Nhưng mà tức cái bụng lắm!’’
Thạnh dẩu môi như người đang suy nghĩ băn khoăn lắm. Thì thầm tiếp.
“ Vậy em muốn kỳ hay muốn tức?’’
Tôi véo mạnh vào đùi chồng.
“ Ghét cái mặt hay giỡn! Nói với anh thà đừng nói còn hơn.’’
“ Vậy thì đừng nói!’’
Thạnh tiếp tục đọc sách. Tôi ngồi khoanh tay ấm ức. Giận cuốn sách, tôi muốn giật phăng khỏi tay Thạnh. Giận thằng cha già ngồi trên, tôi muốn giật tấm màn xuống lại phía tôi. Nhưng tôi vẫn ngồi yên, mặt lạnh như tiền, đầu óc quay quắt với cơn giận. Tôi cố ém lòng, ngơi nghỉ với cảnh vật hai bên đường. Những bóng thông đã biến mất, cây cỏ miền thấp đã tràn lan. Rải rác đã có những thôn xóm làng mạc. Tôi chẳng nhận được ra xe đã chạy tới đâu. Mà sao tôi biết được, con đường này ngày xưa tôi đâu có dám đi tuy Saigon Đà Lạt tôi lên về như con thoi. Mối nguy hiểm vì mìn bẫy, hay nỗi bất trắc của những cuộc chặn xe, bắt người đã đẩy tôi lên máy bay. Khoản tiền ăn học trên Đà Lạt của tôi nặng nề thêm với món tiền không phải nhỏ trả cho những chiếc vé máy bay mỏng dính của Air Vietnam. Con đưòng Saigon Đà Lạt Saigon của tôi không tính bằng cây số, bằng những địa danh bên đường mà bằng những giờ bay khi sáng khi tối tùy tấm vé quí giá nhiều khi phải nhờ quen biết mới mua được hồi đó.
Chán với cảnh vật hai bên đường, tôi định mở túi xách, lôi cuốn tạp chí ra coi hình để giết thời giờ, thì tôi to mắt nhìn lên phía trên. Cô gái tựa đầu vào vai ông già say ngủ, ông già tì mặt xuống thả những chiếc hôn tha thiết lên má, lên tai cô bé. Tôi bấm tay Thạnh, chỉ lên trên. Thạnh gật đầu. Tôi thì thào.
“ Thằng cha già dịch! Tưởng là bố con, ai dè.’’
“ Ai bảo em tưởng là bố con!’’
“ Anh biết trước à?’’
“ Ừ, làm gì mà không biết!’’
“ Sao anh biết được?’’
“ Trông điệu bộ như gà mắc đẻ của chả, khó chi mà không biết.’’
“ Sao anh không nói với em?’’
“ Em có hỏi đâu!’’
Nói chuyện với Thạnh tức anh ách. Vòng vo một hồi rồi cũng bù trất! Mà lại mua thêm cái bực mình. Vậy mà tôi vẫn cứ nói.Thiệt!
“ Anh còn biết gì nữa không?’’
“ Chả không phải là người Việt.’’
“ Người gì vậy?’’
“ Một là Đài Loan, hai là Đại Hàn.’’
“ Sao anh biết?’’
“ Người Việt thì không dại gì dắt bồ nhí đi khơi khơi như vậy.’’
Tôi trề môi.
“ Chà! Kinh nghiệm dữ hè! Vậy thì dấu ở đâu?’’
“ Anh không biết.’’
“ Anh là người Việt mà sao không biết?’’
“ Anh không phải là người Việt “
Tôi chồm người qua.
“ Anh nói chi vậy? Anh không phải là người Việt?’’
“ Ừ!’’
“ Tại sao vậy?’’
“ Vì anh cũng đang dắt bồ nhí đi khơi khơi trên xe này vậy!’’
Tôi đập Thạnh một cái mạnh. Mặt tôi giãn ra. Bụng ngan ngát lâng lâng. Tôi nhìn bộ mặt dễ ghét của Thạnh, muốn ôm vào lòng.
Tiếng máy phóng thanh vừa được mở nghe rè rè óc ách. Anh hướng dẫn viên thông báo xe sẽ nghỉ ở Định Quán một tiếng cho mọi người dùng bữa trưa. Thạnh gấp vội cuốn sách nhìn nháo nhác ra bên đường. Tôi giương mắt theo dõi cử chỉ cập rập của Thạnh. Tuồng như anh vừa phóng mình trở thành một Thạnh khác. Câu hỏi của tôi cố làm ra vẻ thản nhiên xa cách.
“ Ngày xưa có cô bồ nào ở đây không mà nghe thấy tên Định Quán là nhớn nhác như gà lạc đàn vậy?’’
Thạnh vẫn láo liên nhìn ra cửa, ậm ừ.
“ Làm gì có! Em chỉ được cái đoán mò.’’
“ Cứ đoán khơi khơi như vậy coi chừng trúng phóc ạ.’’
Thạnh như không nghe thấy câu nói của tôi, mắt vẫn như diều hâu săn mồi. Làm như đã nửa phần đoán đúng, tôi nhấn thêm ga.
“ Đúng không bồ?’’
“ Em muốn đúng thì cứ cho là đúng.’’
Tôi thở ra niềm vui.
“ Em cho thế nào được. Nếu đúng thì là đúng. Thôi, khai ra cho rồi!’’
“ Ba bốn cô lận! Biết khai làm sao?’’
“ Thì cứ có bao nhiêu khai bấy nhiêu cho được tiếng là thật thà.’’
“ Một cô cao, ba bốn cô thấp.’’
“ Dữ à! Cao là cao bao nhiêu? Cao bằng em không?’’
“ Anh không biết.’’
“ Bộ không đo với nhau bao giờ sao?’’
“ Không. Nhưng cao lắm. Phải chỗ này không à?’’
Tôi nhìn ra cửa. Chỉ thấy cây chen lẫn với đá. Trời mênh mông xanh. Nắng trải rộng chóa mắt. Tôi nâng cằm Thạnh lên, giọng dịu ngọt.
“ Bộ bồ anh là người rừng à?’’
“ Người rừng đã là phước.’’
“ Phước? Bộ hồi đó anh muốn đóng khố đeo gùi đi chân đất thật sao?’’
Thạnh bật cười. Anh nâng lại cằm tôi.
“ Em có bộ óc phong phú lắm. Nhưng tưởng tuợng của em trật đường rầy tất cả. Người ngợm gì đâu! Anh kiếm mấy tảng đá ở khoảng đường này. Hồi đó, lần đầu tiên được đi xe ké lên chơi Đà Lạt, anh rộn ràng từ lúc xe nghỉ ở Định Quán, chụp hình bên những khối đá vươn cao ở khúc đường này. Đối với anh, cuộc phiêu lưu đầu đời hình như bắt đầu từ những tấm hình với đá nơi đây. Anh muốn sống lại với chúng mà sao chúng chạy đi đâu mất tiêu hết!’’
“ Ngộ hè! Chẳng lẽ đá cũng có chân!’’
Thạnh ngẩn ngơ buồn bã.
“ Đá không có chân đâu. Chắc ký ức của anh đi lạc!’’
Xe tung bụi mù mịt vào bãi đậu trước một hàng ăn rộng rãi. Mấy bậc thềm dẫn lên nhà  hàng bằng gỗ có tay vịn bằng những thân cây rừng còn nguyên vỏ. Phòng ăn rộng mênh mông. Người người tấp nập. Thạnh nhìn quanh, xấn tới chiếm một chiếc bàn nhỏ. Cô hầu bàn nhanh nhẹn bưng tới hai ly trà đá.
“ Có cơm, có phở, có hủ tiếu. Cô chú dùng gì?’’
Tôi muốn ăn cơm nhưng ngại. Chẳng cần hỏi Thạnh, tôi gọi.
“ Cô cho hai tô phở, một lớn một nhỏ, thịt chín. Hai chai nước suối lạnh.’’
Cô hầu bàn lúi húi ghi vào tấm giấy nhỏ, vừa quay gót vừa nói.
“ Cám ơn cô chú.’’
Thạnh ngó quanh. Tôi thấy cần phải giải thích một chút.
“ Em thèm cơm nhưng coi bộ ở đây không bảo đảm. Ăn phở dù sao cũng có nước dùng sôi nóng, yên tâm hơn. Anh đừng uống trà đá này nghe. Em đi kiếm thêm chút gì lành lành tráng miệng.’’
Tôi chậm rãi tới nơi quầy ở góc nhà bán  đủ thứ thập cẩm dùng cho khách đi đường. Mắt tôi loạn lên. Hàng hóa thứ xếp trên quầy thứ treo lủng lẳng dài theo tường rối mắt. Tôi chợt thấy những bao giấy bạc mầu sắc rực rỡ. Tay tôi nhanh nhẹn nhấc từng bao tìm kiếm. Cái này lạ đây. Tôi cầm bao mít sấy khô, ra trả tiền.
Hai tô phở tỏa khói làm tôi thấy đói bụng. Tôi tưởng có thể ăn hết ngay trong nháy mắt. Mới được vài miếng, tôi khựng lại.
“ Phở lạ quá anh nhỉ?’’
“ Ừ. Hình như món này người ta không tìm được tên gọi nào khác nên gọi là phở.’’
Tôi lắc đầu.
“ Tội nghiệp người ta, anh!’’
“ Thì thôi! Anh kính trọng lòng từ tâm của em đối với những người đeo vàng đầy tay đang ngồi thủ chiếc ngăn kéo đầy nhóc giấy bạc kia!’’
Thạnh hất đầu ra hiệu cho tôi nhìn về phía sau. Anh tài xế và anh hướng dẫn viên đang bận rộn với mặt bàn ê hề thức ăn, bia và hai bao thuốc lá ba số chưa bóc. Tôi kéo Thạnh ra ngoài.
Từng hàng dọc xe đạp cõng sọt trái cây to bự trên yên sau đậu kín sân trước nhà hàng. Những người bán hàng nhanh miệng mời chào, thoăn thoắt trên tay con dao lá lúa sắc lẻm xẻ từng miếng trái cây mời khách nếm thử. Táo Thái Lan, ổi xá lị thanh long, đu đủ, khóm tươi mơn mởn bắt mắt. Ổi xá lị chấm muối ớt làm tôi xuýt xoa lại thời con gái. Mắt tôi đụng vào một đống rễ cây còn dính đất chất trên chiếc sân thấp bên cạnh nhà hàng. Một thanh niên đang ngồi cong lưng đẽo gọt. Tôi  bước tới gần. Cặp mắt chăm chú của người thanh niên dán vào mũi đục được đẩy nhẹ bằng chiếc búa vỗ lên cán gỗ của cán đục. Anh đang tô tỉa khuôn mặt Chúa với vòng lá gai quấn quanh đầu. Bên anh ngổn ngang những chiếc đục to nhỏ nhiều cỡ. Khuôn mặt Chúa đã có hồn. Chiếc đục nhỏ xíu đang tẩn mẩn một giọt lệ trên má. Thấy có người, anh ngước mặt lên mời chúng tôi vào phòng trưng bày . Những bức tượng khắc trên rễ cây, cái lớn cái nhỏ bóng lộn nuớc quang dầu, được bày thành hàng trên những chiếc kệ thấp. Cô gái nhỏ ngồi trước tôi trên xe đang đứng bất động trước khuôn mặt Phật Bà Quan Âm hiền từ. Thấy tôi, cô gật đầu chào. Tôi hỏi cho có chuyện.
“ Tượng khắc linh động quá cô nhỉ?’’
“ Dạ. Mấy chú thợ ở đây xem ra vừa có hoa tay vừa có tâm hồn. Em...’’
Đôi mắt cô quấn lấy tôi. Môi cô ngập ngừng định nói gì rồi thôi. Tôi nhận thấy nét bối rối trên mặt cô. Mãi rồi cô mới dò dẫm.
“ Xin lỗi cô cho em hỏi. Cô có phải là cô Diệu không ạ?’’
Khuôn mặt cô đỏ ửng lên. Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
“ Sao cô biết tên tôi?’’
“ Em có học cô mà. Cô không nhận ra em sao?’’
Tôi không nhận ra khuôn mặt thanh thanh hơi xanh xao trước mặt. Học trò tôi ngày trước, lớp đi lớp tới, năm này nối năm khác, làm sao mà nhớ nổi. Thấy tôi ngây người không có vẻ gì là nhận ra được người học trò cũ trước mặt, cô gái vội chỉ tay vào ngực.
“ Thục Quyên đây cô!’’
Tôi há miệng ngạc nhiên.
“ Trời ơi! Em lớn thế này sao cô nhận ra em được?’’
“ Em cũng không nhận ra cô. Cô trắng và mập ra nhiều. Chỉ khi thấy nụ cười quen thuộc của cô em mới bạo gan hỏi. Cô ở nước ngoài về chơi phải không cô?’’
“ Sao em biết?’’
“ Trông bộ điệu và cách ăn mặc của cô làm gì mà không biết.’’
“ Cô không ngờ lại gặp em  ở đây. Cô vẫn nhớ tới cô học trò ngoan hiền của cô ngày xưa.’’
Thục Quyên xoắn tay ngượng nghịu. Cử chỉ dễ mến này nhắc tôi bay về những ngày thầy trò cũ.
Thục Quyên là học trò ruột của tôi những năm em mới bắt đầu bước chân vào trường trung học. Em nhỏ người, quá nhỏ so với đám bạn cùng lớp. Da em xanh xao bệnh hoạn. Thực ra, những ngày nhọc nhằn đó, học trò của tôi hầu như toàn là những đứa trẻ thiếu ăn thiếu thuốc cả. Nhưng Thục Quyên choắt choeo thấy bắt thương hại. Gia đình em ở quê, em lên ở trọ nhà bà con để đi học. Nhà em trọ là một quán bán cà phê nên em thành một lao động vất vả sau giờ học. Những cái ngáp mệt mỏi trong lớp cùng với sự sa sút trong bài vở của em khiến người giáo viên chủ nhiệm là tôi phải gọi em hỏi riêng. Em thú thật là không có đủ giờ ngủ, thiếu thời gian học bài làm bài, lại phải quần quật  làm việc nên rất nhọc mệt. Em đưa tay gạt nước mắt thều thào với tôi. Thà là như vậy, em còn được cắp sách tới trường, về quê chắc chắn em phải bỏ học. Thỉnh thoảng, em khệ nệ mang tới nhà tôi vài trái dừa, trái bí, trái bầu hoặc đòn bánh tét, bánh dừa do gia đình em mang lên. Tôi nẫu ruột trước những món quà dân giã nhưng đầy ắp thân tình của em. Không nhận thì em nặng mặt không vui, nhận thì khó chịu trong bụng. Khó chịu như những lần chia nhu yếu phẩm trong trường. Chỉ vì chút mỡ chút xương, chút nhiều chút ít rau cỏ, chút nặng nhẹ tay của từng nhúm bột ngọt, chút nhích nhẹ của bàn cân cá cân khoai mà đồng nghiệp lạnh mặt với nhau. Mỗi lần tan trường vào ngày chia nhu yếu phẩm, tôi lúng túng xếp, cột những cái vặt vãnh nhưng thiết thân vào chiếc xe đạp, thì bao giờ cũng có bàn tay khéo léo của Thục Quyên giúp đỡ. Thỉnh thoảng được chia ít viên kẹo, thỏi đường, tôi kín đáo gói cho em chút ít bồi dưỡng. Khi em nhận, khi em nhất định không nhận. Cô mang về cho mấy em nhỏ ở nhà! Thục Quyên nhỏ nhẹ vừa nói vừa bỏ lại vào giỏ xe. Mấy đứa con tôi giờ đây cao lớn đẫy đà, chắc cũng xấp xỉ gấp đôi Thục Quyên đang đứng trước mặt tôi. Chút son phấn nhẹ nhàng trên mặt không xóa được nét thơ dại của Thục Quyên ngày xưa. Tôi nhìn em, đầu óc rối mù, lặng người đứng như một người câm.
“ Mấy em bây giờ chắc lớn bộn rồi cô nhỉ?’’
“ Chúng cao lớn hơn cả cô rồi.’’
“ Vậy thì chắc chúng nuốt trỏng em được!’’
Thục Quyên le lưỡi cười. Tôi ngần ngừ sang số hoài mà chưa hỏi được cô học trò cũ điều muốn hỏi.
“ Em chắc bây giờ cũng khá chứ?’
“ Cũng lai rai vậy cô. Sống được là may rồi , cô ạ.’’
Tôi lại loay hoay lựa lời.
“Ừ, thời buổi này sống mà thỉnh thoảng đi chơi xa được là tốt rồi.’’
Thục Quyên nhìn xuống đôi chân đang rê rê phía dưới.
“ Em đi công tác đấy cô ạ.’’
Câu chuyện lại ngập ngừng trúc trắc như đang đi vào ngõ bí. Cả tôi lẫn Thục Quyên  đều ngại ngùng chưa dám đặt bước tiến xa hơn. Tôi lấy hơi quả quyết trong bụng. Mình cần phải biết hoàn cảnh của người học trò cũ tình cờ gặp lại này, để xem có giúp đỡ gì được không. Tôi mạnh bạo dấn bước.
“ Hình như em đi với một người nữa phải không?’’
Mắt Thục Quyên chạy quanh, xáo xác như mắt nai bị săn đuổi.
“ Dạ. Ông chủ em đấy.’’
Tôi không nỡ vờn con thú đang bị săn đuổi chuệnh choạng trước mặt nhưng tại sao tôi vẫn cứ xấn tới.
“ Chắc ông ấy buôn bán lớn?’’
“ Ông ấy qua đầu tư ở bên này.’’
Tôi làm bộ ngạc nhiên.
“ Ủa, ông ấy không phải là người mình sao?’’
“ Không, ông ấy người Hàn Quốc đấy chứ. Em tưởng cô biết rồi!’’
Tôi thẹn với mình, ngại ngùng đuổi theo câu chuyện.
“ Ừ, lúc ở trên xe, cô chỉ ngờ ông ấy không phải là người mình thôi. Còn cô có biết ông ta là người nước nào đâu.’’
“ Bây giờ người Hàn Quốc qua đầu tư bên mình đông lắm. Dân trong nước nhìn là biết liền. Cô ở xa về chắc không biết.’’
“ Lương em khá không?’’
“ Cũng tạm được cô ạ. Đủ nuôi gia đình.’’
“ Em lập gia đình rồi hả?’’
“ Chưa cô ạ.’’
Em bỗng nắm tay tôi, mắt rướm lệ, giọng ướt sũng.
“ Em khổ lắm, cô ơi!’’
Tôi ôm chặt đứa học trò cũ tội nghiệp, lòng dạ như có kim châm.
“ Cô hiểu em. Tội nghiệp em!’’
Thục Quyên thổn thức trong vòng tay tôi.
“ Em học hành dang dở, làm được chân thư ký quèn cho hãng nước ngoài đã là phúc. Phải cắn răng mà chịu đựng hết, cô ạ! Mất cái nọ thì được cái kia. Bổng lộc em cũng khá, đủ nuôi một bầy em ăn học. Nhờ trời, tụi nó cũng chịu khó học hành tất cả, đứa nào cũng vào được Đại Học.’’
Tôi đắng ngắt trong cổ. Tay tôi vuốt ve bờ vai mỏng.
“ Cô thương em quá!’’
Trong tôi, Thục Quyên bỗng biến hình thành một đứa con gái yêu của tôi. Mắt tôi rớm lệ. Phải chi tôi luôn luôn ấp ủ được em như thế này. Tôi với tay qua cầm bức tượng Quan Thế Âm.
“ Em giữ bức tượng này. Mỗi khi buồn phiền trong lòng, em niệm Phật cho em được thanh thản để chịu đựng được nhọc nhằn của cuộc sống. Mỗi bước chân gian nan của em, em luôn luôn nhớ có cô ở bên em. Lúc nào cô cũng thương đứa học trò bé bỏng ngày xưa của cô.’’
Tiếng máy xe nổ vang vang ngoài bãi đậu. Tôi trả tiền bức tượng, tiện tay rút tấm danh thiếp có ghi địa chỉ trao cho Thục Quyên. Tôi đưa giấy lau mặt cho Thục Quyên, lau kỹ mắt mình, gượng gạo nói.
“ Em lau mặt đi. Xe sắp chạy rồi đó.’’
Chúng tôi vội vàng leo lên xe. Thạnh dò hỏi bằng mắt. Tôi ghé vào tai chồng.
“ Học trò cũ của em.’’
Thạnh gật đầu. Tôi không nói mà anh như đã hiểu hết. Anh ngồi lặng im. Cuốn sách thả lửng trên đùi vẫn gấp nguyên. Xe chuyển bánh. Bụi tung mù mịt. Mấy chị bán hàng kéo khẩu trang lên che mũi miệng. Tiếng máy phóng thanh rù rù mở. Thạnh quay sang hỏi nhỏ tôi.
“ Đại Hàn hay Đài Loan vậy?’’
Tôi như hóa đá, giọng chán chường.
“ Có gì khác nhau không?’’

12/2002