Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

Trò Chuyện Với Độc Giả Trang dutule.com

Mở: Trong tháng 6 và tháng 7/2010, trang mạng dutule.com của nhà thơ Du Tử Lê có nhã ý mời tôi trò chuyện với độc giả. Cuộc trò chuyện đã nhận được một số câu hỏi  khá lý thú. Nhân dịp tổng kết cuộc trò chuyện này, tôi  post lại toàn bộ cuộc trò chuyện trên trang nhà của tôi để chia sẻ với các bạn độc giả trong nước cũng như ở hải ngoại.
ST

toannguyen: Tôi có hai câu hỏi
1- Thưa ông, cơ duyên nào khiến ông tìm đến với lối viết phiếm?

2-Tôi đọc tiểu sử của ông được biết ông ở Canada, một nơi sống cũng khá êm đềm, tôi đoán ông cũng ít cơ hội tiếp xúc với người Việt Nam, vậy từ đâu là "nguồn" để ông viết loại phiếm dính đến người VN?
 
Song Thao:
1-     Tôi không tìm tới Phiếm mà tôi trở lại với Phiếm. Từ trước năm 1975, tôi đã phụ trách mục Phiếm mang tên “Những Điều Trông Thấy” trên bán nguyệt san Thời Nay, mục “Khều Mặt Trời” viết hàng ngày trên nhật báo Dân Ý dưới bút hiệu Thầy Khều trong nhiều năm. Sang Canada tôi mới chuyên viết truyện ngắn, việc mà tôi làm rất tài tử hồi ở Việt Nam.
2-     Tôi ở Montreal, Canada, thành phố có khoảng 40 ngàn người Việt với rất nhiều tiệm ăn và các chợ Việt. Ra đường, xuống tới những khu tập trung nhiều người Việt là có thể nghe tiếng Việt líu lo bên tai. Ngay cả khi đi shopping tại các cửa hàng của người bản xứ cũng có rất nhiều cơ may nghe được tiếng Việt. Không biết có cần phải nhắc lại là thành phố này quy tụ các cây viết: Luân Hoán, Trang Châu, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Vy Khanh, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Văn Lục, Lưu Nguyễn, Tiểu Thu…và cả bác Trương Bảo Sơn vừa bỏ chúng ta ra đi.

Đoan Trang: Thưa chú, tại sao từ là một người viết văn "bình thường" chú lại sang viết phiếm? Nhìn hình chú thấy chú có vẻ là một nhà giáo.

Song Thao: Tôi có vẻ là nhà giáo lắm sao? Nếu đúng thì là giáo…gian! Tôi có hai thời kỳ đi dậy học. Thời kỳ đầu là khi còn đang học ở Đại Học Văn Khoa, dậy để kiếm tiền theo học. Thời kỳ thứ hai là khi đi tù cải tạo về. Lúc đó bị đuổi đi kinh tế mới, bí lối, nghe theo lời một người bạn vào hội Trí Thức Yêu Nước để đi dậy học cho yên thân trụ lại Sài Gòn. Cả hai lần đều lợi dụng việc dậy học như chiếc thuyền qua sông. Như vậy thì…gian đứt rồi chứ chi nữa!
Như đã trả lời ông Toan Nguyen ở trên, tôi là một nhà báo trước khi là một nhà văn “bình thường”. Sau khi in 7 cuốn truyện, tôi về hưu. Hưu cả việc làm lẫn viết truyện. Thực ra khi đó tôi muốn tìm một công việc bắt buộc mình phải làm thường xuyên để tránh cảnh ra ngồi trong chốn đông người ngắm ông đi qua bà đi lại. Tôi đã chọn viết phiếm để có cơ hội viết thường xuyên hơn. Lúc đầu định dùng cả hai tay, một tay viết phiếm, một tay viết truyện. Nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy không thể múa đều cả hai tay được. Khi viết phiếm rồi tôi vẫn còn viết truyện lai rai. Cuốn tuyển tập truyện ngắn “Chốn Cũ” xuất bản vào năm 2006 lúc tôi đã lậm vào phiếm rồi đấy chứ. Trong một lần phôn sang anh Nguyễn Mộng Giác nói chuyện chơi, anh bảo là tới một lúc nào đó mình không còn chi để chia sẻ với người đọc nữa. Chắc là như vậy nên tay viết truyện không động đậy mạnh được nữa.

 

Nhung Dang: Tại sao khi người ta gọi là Phiếm, cũng có người gọi là Phiếm Dị, có khác nhau giữa hai cách gọi đó không thưa ông?

Song Thao: Phiếm theo Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng: “nổi trôi trên mặt nước” hoặc “rộng rãi”
Phiếm Luận là: “bàn bạc dông dài, rộng về nhiều việc. Bàn bạc mà chơi”.
Theo định nghĩa trên thì cái thứ tôi viết chính là Phiếm Luận. Nhưng khi khởi sự viết Phiếm tại hải ngoại, tôi tự nhiên thấy thích dùng một chữ cho mạnh nên gọi bằng một chữ “Phiếm”. Cũng vì sở thích nên lúc đầu các bài Phiếm có thể có cái tựa một, hai hoặc ba chữ. Nhưng dần dà tôi lại thích dùng một chữ cho mạnh. Riết rồi độc giả quen với các bài một chữ. Gặp độc giả tôi mới biết là lối đặt tên bài bằng một chữ duy nhất đã làm thành nét đặc trưng của những bài Phiếm của tôi. Vậy là từ đó tới nay các bài Phiếm toàn chì có một chữ. Vậy cũng đỡ tốn chữ! Tiết kiệm được chút nào hay chút ấy!
Còn chữ “Phiếm Dị” thì tôi hoàn toàn không biết do đâu mà có. 

 

Kim Loan: Thưa anh, theo tôi nghĩ, người viết phiếm như ông thì bất cứ lúc nào, đi đâu cũng lắng tai nghe, thâu nhận...để rồi về viết. Như thế đời sống lúc nào cũng lăm lăm dòm ngó mọi chuyện để viết, thế thì chán chết. Chẳng lúc nào mình sống thoải mái, phải không thưa anh? 

Song Thao: Chết thật! Cô đừng nghĩ như vậy mà oan cho tôi. Theo như cô hiểu thì tôi như một thứ công an chuyên nghe ngóng chuyện của người khác! Tội chết! Không có như vậy đâu cô. Tôi có đôi tai rất lơ là và cái đầu rất hay quên. Thường những bài viết của tôi là những suy nghĩ của tôi trước những gì xảy ra chung quanh hoặc đọc được trên các loại thông tin trên internet cũng như trên báo giấy hoặc sách vở. Chuyện xảy ra chung quanh là những gì tôi sống chứ không phải những gì tôi rình rập được. Nếu cô gặp tôi cô sẽ thấy tôi là người lơ đãng đến thế nào! 

 

Bích Ngọc Nguyễn: Tại sao tôi vào trang Web của ông, chẳng thấy ông post tác phẩm mình lên như những trang web khác?

Song Thao:
Trang web của tôi post hậu hĩnh đấy chứ.
Có 7 cuốn truyện thì tôi đã post toàn bộ 6 cuốn. Cuốn thứ 7, Chốn Cũ, đang post dở dang.
Về Phiếm tôi đã post hai cuốn. Đang sửa soạn post cuốn Phiếm3.
Truyện thật ngắn: có 10 truyện thì tôi đã post hết  rồi.
Các bài viết cho bạn bè hoặc viết từ bạn bè đã được post hết.
Các bài trả lời phỏng vấn cũng vậy. Các bài audio đọc truyện và video ra mắt sách có bao nhiêu tôi  đã đưa lên web hết.
Như vậy gia tài điền sản của tôi, tôi đã “khoe” trên mạng gần hết rồi. Mong cô bằng lòng với những bài vở trên trang web của tôi.

 

Trần Thành:  Tôi có theo dõi truyện ngắn của ông, tôi thấy đề tài của ông rất đa dạng. Từ thời sự, chiến tranh, phản kháng tới tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa.
Thưa ông: Những đề tài đó có xuất phát từ những cảm nghiệm cá nhân của ông không? Nếu  có thì chừng bao nhiêu phần trăm? 


Song Thao:
Trong truyện tôi viết thường là sự trộn lẫn giữa cái thật ngoài đời và hư cấu. Thấy một nhân dáng, một hình tượng, một cảnh quan hay một sự việc, lòng bỗng xúc động, cái tay động đậy muốn trải những cảm xúc ra giấy, vậy là suy nghĩ, đào sâu tình huống, sắp đặt thành truyện. Không biết các vị khác viết truyện ra sao chứ tôi thì tôi nghĩ tới cái kết trước rồi dẫn dắt nhân vật hoặc các nhân vật tới cái bến mà mình đã đặt ra trước. Đôi khi các nhân vật vùng vằng theo diễn tiến truyện khiến mình bị lôi kéo theo tạo ra những tình huống mới rất đa dạng và thú vị. Nhưng cuối cùng, tác giả cũng sẽ giải giao nhân vật tới bờ bến của mình.
Bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu phần trăm là giả, thật khó đong đếm. Nhưng đong đếm làm chi nhỉ? 

 

Hoàng: Có bao giờ ông cảm thấy “cạn” đề tài quá, và “ẩu tả” trong công việc viết không?

Song Thao: Ngay từ khi bắt đầu viết thường xuyên mục “Phiếm” cho các báo, tôi cũng đã dự trù có ngày sẽ cạn đề tài. Nhưng phúc đức quá, việc đó chưa xảy ra. Nếu nó xảy ra thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chuyện gì mà chẳng có hồi chung cuộc! Nếu cạn đề tài thì tôi sẽ ngưng viết vì có ai gí súng vào lưng bắt tôi phải viết đâu! Cần chi phải tự mình làm mình ngượng ngùng bằng những bài viết “ẩu tả”.
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ tới câu chuyện của tôi với nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Trong một buổi ngồi nói chuyện chơi ở Montreal, nhà thơ nói với tôi là có một độc giả hỏi ông làm thơ có khó không? Ông bập bập một hơi chiếc tẩu thuốc lá, cười mỉm, nói : “Tôi trả lời là khó thì làm làm chi cho cực!”

 

KínhNguyễn: Kinh nghiệm sống, sự từng trải cộng với những chiêm nghiệm, quan sát chung quanh, cọ sát xã hội dường như là những chất liệu quý báu cần thiết cho một nhà văn? Ông cũng có làm thơ, như vậy điều này có cần cho một nhà thơ không, theo ông? 

Song Thao: Có lẽ bạn lộn rồi. Tôi chưa bao giờ làm thơ một cách nghiêm chỉnh. Thỉnh thoảng có vẽ vời viết ra những câu vần nhưng là do bạn bè bắt tôi phải tham gia cho vui vậy thôi. Tôi chưa bao giờ coi đó là thơ. Chữ nghĩa trong thơ là những hạt ngọc mà tôi chưa sở hữu được. Không làm thơ nên tôi không biết trong người các ông nhà thơ có những thứ gì. Bạn có cần tôi làm một cuộc thăm dò hoặc điều tra không?

 

Hoàng Oanh: Xin ông cho tôi hỏi một câu hỏi có tính cách cá nhân: Nếu ông không trả lời cũng không sao?
Thưa ông, công việc viết lách của ông có ảnh hưởng đến …hạnh phúc gia đình? Phu nhân của ông có đọc và góp ý với ông không trong những tác phẩm ông viết? Ông có cháu nào theo nghiệp của Bố? 

Song Thao: Viết là chuyện vui chơi. Mà vui chơi thì có chi nghiêm trọng. Bà xã tôi là độc giả thứ nhất của những bài viết của tôi. Hay nói theo kiểu vui chơi thì bả là nhà kiểm duyệt không được tuyển mộ nhưng rất hăng say. Nói vậy nhưng đôi khi tôi cũng phải dựa vào bả để biết các bà nghĩ gì, thấy gì và thích gì trong những bài viết để theo đó, tôi uốn theo chút đỉnh. Các con tôi, hai cháu lớn rời Việt Nam khi mười hai và mười tuổi còn đọc được chữ Việt. Đôi khi cũng thấy các cháu cầm sách của tôi đọc nhưng đọc như thế nào thì quả thực tôi không rõ. Chẳng nên trông đợi quá nhiều. Được sao hay vậy. Bàn tay chúng ta ngắn lắm, chẳng thể nắn được cuộc sống đâu.