Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

Phỏng vấn nhà văn SONG THAO

QUỲNH MY thực hiện

SONG THAO là bút hiệu của ông Tạ Trung Sơn, nguyên quán tại Hà Nội, viết báo từ năm 1959 tại Saigon, viết văn từ năm 1991 tại Montreal, Canada. Nhà văn Song Thao đã gửi tác phẩm của mình đến bạn đọc qua nhiều tạp chí văn học như: Làng Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Văn, Sóng Văn, Nắng Mới... Ông cũng đã cho xuất bản 5 tác phẩm qua các nhà xuất bản: Kinh Đô, Ngày Nay, Văn Mới tại Hoa Kỳ.
Để bạn đọc của Hồn Quê có cơ hội tìm hiểu thêm một số suy tư và quan niệm của một tác giả thành danh, chúng tôi đã có một cuộc bút đàm ngắn gọn với nhà văn Song Thao. Xin mời các bạn theo dõi.
QM

Quỳnh My (QM): Khởi từ tác phẩm đầu tay Bỏ Chốn Mù Sương, được trình làng năm 1993, một loạt tác phẩm khác của ông đã được xuất bản gần như đều đặn mỗi năm, xin ông cho biết những nguồn cảm hứng, điều kiện nào đã giúp ông sáng tác khỏe, cũng như ấn hành dễ dàng?

Song Thao (ST): Nói là sách của tôi được xuất bản gần như đều đặn mỗi năm là cô quá mến mà nói thêm cho tôi. Thực ra cứ trung bình hai năm mới có một cuốn. Trong sinh hoạt chữ nghĩa lèo tèo tại hải ngoại hiện nay thì xuất bản sách như vậy được coi là đều đặn. Nhưng xuất bản nhiều hay ít sách không phải là mục đích chính của tôi. Số lượng sách xuất bản không nói được nhiều điều. Chính nội dung những cuốn sách xuất bản mới là điều tôi quan tâm nhiều hơn.
Vì vậy, những nguồn cảm hứng bất chợt tới không làm cho tôi cầm viết ngay được. Tôi cảm nhận nguồn cảm hứng đó, suy nghĩ, dựng truyện, sống với nhân vật một thời gian cho thấm, thường thì tiến trình này mất từ vài tuần tới cả tháng. Sau đó, khi mọi sự đã chín, tôi mới viết lên giấy.
Về điều kiện sáng tác, điều cần thiết là có thời giờ rỗi rảnh để cầm bút. Rỗi rảnh đây là rỗi rảnh cả về thời giờ lẫn trí óc. Không có cái an bình trong đầu óc, tôi cũng không thể viết được dù có thời giờ. Tôi nghĩ sở dĩ tôi viết được đều đặn là nhờ hai điều: thứ nhất, thời giờ làm việc mưu sinh của tôi không đều đặn 5 ngày mỗi tuần mà thay đổi luôn, việc này làm tôi có những ngày rỗi rảnh nhiều khi nguyên cả ngày, viết mệt nghỉ; thứ hai, tôi có một đời sống tương đối không có nhiều lo lắng nên khá thảnh thơi viết lách.
Còn về việc xuất bản, tôi khá may mắn. Ba cuốn sách mới nhất của tôi đều do một nhà xuất bản in ấn và phát hành: nhà Văn Mới. Anh Nguyễn Khoa Kha, chủ nhân của Văn Mới và Kim Ấn Quán, lại khá rộng rãi với tôi, luôn luôn sẵn sàng in sách của tôi ngay khi tôi viết xong mặc dù chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt nhau. Âu đó cũng là một cái duyên hạnh ngộ mà tôi luôn luôn ghi nhớ.

 

QM: Nội dung các tác phẩm của ông có nhằm giới thiệu một vấn đề chủ yếu nào ông tâm đắc nhất hoặc dựa vào những cảm nhận bất chợt?

ST: Tôi rất nương nhẹ chữ nghĩa nên chẳng bao giờ có ý nghĩ khoác lên chữ nghĩa một sứ mệnh hay nhiệm vụ nào cả. Văn chương đâu có tội tình gì mà bắt nó lặc lè như vậy? Cứ để nó thảnh thơi vui chơi với người đọc, thế là đủ rồi.

 

QM: Là một nhà văn có nhiều tác phẩm đã xuất bản, xin ông cho biết những thói quen của ông khi sáng tác cũng như một số kinh nghiệm riêng.

ST: Thói quen sáng tác của tôi, ngẫm ra, đều là những thói quen xấu, nên tránh. Tôi viết rất tùy hứng, nay vài trang, mai vài trang. Có khi vứt đó cả tuần hoặc nhiều tuần mới viết tiếp. Rất nhiều lần tôi phải đọc lại những gì mình viết trước đó rồi mới viết tiếp được. Nghĩ lại, hình như chưa bao giờ tôi hoàn tất được một truyện ngắn trong vòng một tuần thì phải! Lai rai như vậy đâu có gì tốt, phải không cô? Rồi lại còn cái thói ngả ngớn: chẳng bao giờ ngồi vào bàn viết cho đàng hoàng cả. Cứ vớ vội lấy vài tờ giấy, ngồi trên ghế dựa ( đúng ra là nửa nằm nửa ngồi! ), kê một cái bìa cứng lên đầu gối để viết. Thời buổi bây giờ, có ai chậm tiến như vậy không? Thường thì các người viết khác, theo chỗ tôi biết, họ viết thẳng vào máy điện toán. Tiện lợi và văn minh biết chừng nào! Vậy mà tôi thì quê mùa, ngồi trước màn hình ( cái anh mặt vuông đó! ) thì chữ nghĩa chạy trốn đi đâu mất tiêu, lấy gì mà viết?
Bá láp như vậy thì truyền được kinh nghiệm gì cho ai? Nặn mãi thì tôi cũng chỉ có thể tự nhủ với mình như thế này: sống với nhân vật và không khí trong truyện mình định viết một khoảng thời gian đủ cho mọi sự đã chín rồi hãy cầm viết. Và trước khi cầm viết, nhớ nắm cái kết truyện trước cho chắc ăn!

 

QM: Bối cảnh trong truyện của ông một số lớn được xây dựng từ cuộc sống tại hải ngoại, hẳn ông có chủ đích trong chiều hướng này? Tại sao?

ST: Đúng như cô nhận xét, truyện của tôi thường lấy bối cảnh trong cuộc sống lưu vong của chúng ta trong xã hội này, vào thời gian này. Có lẽ cuộc sống của chúng ta hiện nay là những điều dễ ghi nhận, dễ hòa mình, dễ xúc động hơn. Tính tôi hơi lè phè, cứ tìm những cái dễ mà làm. Hay là cái óc tưởng tượng của tôi hơi èo uột nên chẳng thể ném mình vào cuộc sống của một thời đại khác, một nơi chốn khác?
Dù sao tôi cũng phải nhận là mình có nuôi nấng một chủ đích trong việc lựa chọn xây dựng cốt truyện trong bối cảnh cuộc sống của chúng ta tại hải ngoại. Đó là tôi muốn ghi lại cho mai sau ( nếu truyện của tôi may mắn còn sống được với thời gian! ) cuộc sống của lớp người lưu vong thế hệ thứ nhất chúng ta. Chúng ta đã ngỡ ngàng làm sao, hội nhập làm sao, học hỏi làm sao, suy nghĩ làm sao, sinh tồn làm sao sau cuộc chia lìa phũ phàng với nơi chôn nhau cắt rốn, sau khi bị ném vào một xã hội khác, một phong tục khác, một đạo đức khác, một trật tự khác, một nhân sinh quan khác.

 

QM: Trong những sáng tác tiếp theo của ông sẽ có những thay đổi quan trọng ở đề tài, nội dung hay tiếp tục khai thác sâu rộng thêm những góc cạnh đã có?

ST: Tôi là người ngại thay đổi, luôn tìm những con đường dễ dãi mà đi. Chặt cây, phá rừng, mở đường mở lối hay quẹo qua một lối khác trắc trở hơn là tôi ít khi đặt chân vào. Đó cũng là một tính xấu của người sáng tác, thường được hiểu như một người hăm hở lao mình vào những ngõ ngách mới, vạch ra những con đường mới. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mắc cỡ, mình chẳng sáng mà cũng chẳng tác được gì!

 

QM: Ông có gặp trở ngại nào đáng kể trong khi sáng tác?

ST: Có chứ cô! Có những lúc tôi thấy chán nản rùng mình trước cây viết, có những lúc tôi thấy lười biếng chỉ thích mặc quần áo đi rong chơi, có những lúc tự đối diện với mình và thấy tất cả như vô nghĩa.

 

QM: Ông đã sẵn sàng một tác phẩm mới? Có thông điệp nào ông sẽ gửi đến bạn đọc trong tác phẩm sắp ấn hành này?

ST: Tôi vừa hoàn thành một cuốn sách mới, cuốn Bên Lưng Những Con Chữ. Cuốn này cũng do nhà Văn Mới xuất bản và phát hành. Tôi dự định sẽ ra mắt cuốn này tại Cali vào ngày 19 tháng 7 năm 2003 tại Phòng Sinh Hoạt của nhật báo Người Việt.
Không biết tôi có nên nhắc lại là tôi không bao giờ nỡ quàng chiếc ách nào lên cổ chữ nghĩa không? Nói chi tới những cái dễ sợ như là "thông điệp".

 

QM: Ông có nhận xét nào về giới độc giả hiện nay tại hải ngoại?

ST: Độc giả là những người giấu mặt. Họ có ở đâu đây nhưng tôi không nhìn rõ được họ. Dường như họ là những người không còn trẻ thì phải. Dường như họ cũng là những người tất bật cơm áo nên không có nhiều thời giờ. Dường như họ coi sách vở như một trốn trú thân an bình và riêng tư. Dường như họ là những người có lòng với chữ nghĩa và người viết. Chỉ có một điều tôi chắc chắn: họ là lý do tồn tại của người viết!

 

QM: Với những cây bút phê bình văn học hiện nay, trong cũng như ngoài nước, ông có những nhận xét nào về họ?

ST: Hình như chúng ta không có nhiều nhà phê bình văn học thì phải. Đây là một lãnh vực đòi hỏi nhiều sở học, công sức, nhạy bén và kiên nhẫn. Tôi rất tâm phục những người lao vào công việc khó khăn và vất vả này.

 

QM: Xin ông trình bày những quan tâm của ông về Văn Học Việt Nam tại hải ngoại.

ST: Số người đọc, phần lớn là những người trung niên và có tuổi, ngày càng giảm sút, sự "mù chữ" Việt của thế hệ con em chúng ta, đó là những yếu tố gần nhất làm cho người ta lo ngại cho nền văn học Việt Nam hải ngoại. Quả là trong những năm gần đây, văn học hải ngoại đã mất sức nhiều. Các báo văn học vẫn cầm cự một cách khó nhọc để có mặt đúng kỳ hạn, ngành xuất bản như một người bước vào tuổi già, tuồng như chúng ta đang cố níu kéo cho nền văn học của chúng ta khỏi suy sụp. Dù có lạc quan cách mấy, chúng ta cũng không thể giữ được nụ cười trong tình huống này.
Nhưng nếu chúng ta quan niệm Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là Văn học Việt Nam thì chúng ta cũng có thể có được nụ cười khá tươi tắn. Bởi vì, sớm hay muộn, sẽ tới lúc nền văn học này hiên ngang trở về lòng đất mẹ.
Trên 26 năm qua, chúng ta đã miệt mài tạo dựng được một nền văn học phong phú và đồ sộ, nền văn học mà có người cho rằng đồ sộ nhất từ trước tới nay mà một cộng đồng di dân tạo dựng được bên ngoài xứ sở gốc của mình. Thành tựu đáng hãnh diện này có thể là một nguồn suối làm tốt tươi cây trái văn học hải ngoại và giúp chúng ta một lòng vượt qua những khó khăn để gìn giữ và thêm hương thêm sắc cho nền văn học trân quí của chúng ta.

Người Việt, Westminster, CA, số 6427, ngày 13/7/2003