Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

TRÒ CHUYỆN CÙNG NGƯỜI VIẾT PHIẾM SONG THAO

TRIỀU HOA ĐẠI

Triều Hoa Đại: Thưa anh kể từ ngày chúng ta gặp nhau ở Boston cho đến nay dễ chừng cũng đã ngót nghét 20 năm. Vâng, hai mươi năm cuộc đời ngó vậy mà đã một thoáng bay vèo. Những người thân yêu, những bạn bè thân thiết nhiều người đã bỏ cuộc chơi, đã “về trời”, hoặc đã “ngựa nản chân bon”. 
Hôm nay lại được cùng anh chuyện vãn, với tôi đó là một hạnh phúc, bởi vì biết đâu hai mươi năm sau chúng ta mới lại gặp nhau lần nữa. Gặp ở nơi nào ai mà biết được (biết ra sao ngày sau)? Thế thì trong câu chuyện giữa chúng ta hôm nay nếu tôi có lỡ lời cũng mong anh đánh chữ đại xá cho.

Song Thao: Anh Triều Hoa Đại, chúng ta là những người rơi rớt lại cho tới bây giờ. Bạn bè văn nghệ của chúng ta đã nhiều người ra đi. Nhiều quá không kể hết. Vừa giã biệt chúng ta là Du Tử Lê. Tôi muốn nhắc tới Nguyễn Xuân Hoàng, người mà anh và tôi cùng gặp hồi chúng ta tới Boston trong buổi ra mắt sách của Phan Xuân Sinh. Đó cũng là lần gần nhất tôi gặp anh. Vậy mà đã hai chục năm. Hai chục năm mà vật đổi sao dời quá cỡ! Tới hôm nay, chúng ta còn trò chuyện được với nhau là vui rồi, anh đừng rào trước đón sau làm chi cho khách sáo. Mình cứ thoải mái trò chuyện. Còn chuyện hai mươi năm sau nữa, chà! Lúc đó chúng ta có còn nhận ra nhau không?

 

THĐ: Không biết anh thì thế nào chứ riêng tôi thì cứ thấy người sang bèn bắt quàng làm họ cho nên dù cho 20 năm hay hơn thế nữa tôi vẫn nhận ra anh một người vừa đẹp giai vừa văn hay chữ tốt cho nên dù cho anh có ở nam tào hay bắc đẩu nơi nào anh tới tôi cũng cố bám theo mè nheo, nhận họ, nhận hàng.

ST: Anh nói quá lời! Anh là người đi trước tôi trong trường văn trận bút, tôi mới là người phải bám theo anh. Nhưng theo tôi nghĩ, những người cầm bút như chúng ta không bao giờ đồng dạng. Chẳng ai bám ai. Những người vụ vào sáng tạo mỗi người đều có con đường riêng, song song với nhau, nhưng vẫn liếc con mắt bạn bè qua bên nhau. Tôi rất cảm kích với con mắt thân tình của anh liếc qua con đường tôi đi.

 

THĐ: Có lần chuyện vãn với anh em, anh đã bảo: “Phiếm là trò chơi của tôi khi tới tuổi hưu…Tưởng đã là trò chơi thì chỉ nhất thời khi nào chán thì nghỉ chơi. Vậy mà tôi đã chơi hơi lâu…”, tôi yêu thích chữ “vậy mà tôi đã chơi hơi lâu...” của anh quá chừng chừng, sao nghe nó dễ dàng, nghe nó sướng một bên mé đìu  hiu một cách lạ thường, cũng chính vì cái “chơi hơi lâu” ấy mà những người yêu Phiếm đã có 23 đầu sách trong tủ sách vậy thì liệu ra mai này sẽ còn có bao nhiêu đầu sách nữa sẽ trình làng?

ST: Ở tuổi chúng ta mà nói chuyện tương lai coi bộ tham lam anh Triều Hoa Đại à! Cứ để thời gian dắt đi, nó dắt được tới đâu ta cám ơn nó tới đó. Sao cái câu hát hồi nhỏ Que sera sera cho tới hồi…không còn nhỏ như bây giờ vẫn đúng. Có điều hồi đó chúng ta hát với giọng trong trẻo hơn, bây giờ ồm ồm hơn, nghe thều thào như  đứt hơi! Anh có biết là anh ác lắm không, anh Triều Hoa Đại? Anh dắt tôi lạc vào vùng ngậm ngùi, ngược với cái lạc quan tếu của tôi. Thôi thì (thở dài một cái!): que sera sera!

 

THĐ: Một năm có 365 ngày kể cả chẵn và lẻ v..v… thế mà  trong có hai năm anh “chơi” liền tù tì ba (03) cuốn mà mỗi cuốn có độ dày trên dưới ngót nghét 400 trang thế thì anh đào đâu ra thời giờ mà làm cái công việc trần ai ấy?

ST: Hiện nay, thời giờ là thứ chúng ta có bộn bề nhất. Đó là tôi đồ chừng anh cũng đã hưu hiếc như tôi. Tôi đã hưu được gần 15 năm, anh đừng cho cô Kiều biết chuyện này kẻo cô ấy tủi thân khi thấy tôi thanh thản bằng thời gian cô ấy long đong. Tội! Anh cứ lấy 15 năm nhân với 365 ngày thì biết tôi thừa thãi thời gian tới mức nào. Cái gì thừa thì, như luật bù trừ, chúng ta…vẽ. Tôi không vẽ ra voi mà vẽ ra…phiếm. Vậy nên mới làm khổ mọi người, trong đó có anh.

 

THĐ: Vẫn biết viết là một phương thức thể dục đầu óc, chống bệnh lãng quên mà anh tiết lộ “bí quyết” ấy với nhà văn Hồ Đình Nghiêm nhưng xem ra cái tập thể dục đầu óc này có vẻ thái quá mà cái gì thái quá thì theo người xưa quan niệm nó trở thành bất cập, anh thấy thế nào?

ST: Đó, như tôi đã nói ở trên, tôi thấy làm phiền mọi người đủ rồi nên không phóng thêm phiếm ra. Sợ…bất cập!  Mà mới thể dục sơ sơ đầu óc như vậy cũng đã thấy hậu quả. Cứ ngồi mà tập thể dục đầu óc có một kết quả ngược: cái bụng lại bự ra! Bất cập thiệt! Sao anh tài quá vậy? Chuyện chi cũng biết. Hay là bụng anh cũng mang cái trống như tôi? Được cái may là tôi cũng có tập tành khá chăm chỉ từ ngày về hưu nên bụng tôi mới chỉ là cái trống cơm. Chắc anh không quên đây là thứ trống được các nường ca múa khen lấy khen để.

 

THĐ: Hai mươi ba (23) cuốn phiếm, qua cái tài “gia giảm liều lượng cay, chua, mặn, nồng”, vẫn theo nhà văn Hồ Đình Nghiêm, thì đầu bếp Song Thao đã chạm trổ cho đời sống này thêm những nụ cười, bớt đi những oán trách, giận hờn, đó có phải là công việc của một nhà văn nói chung và việc làm của nhà văn Song Thao nói riêng?

ST: Nhà văn đâu có trọng trách mang lại cho độc giả nụ cười. Có nhiều ông bà vắt nước mắt của độc giả một cách không thương tiếc. Chẳng kém gì cô Kim Cương ngày xưa. Vậy nên tôi mới không bao giờ tự nhận mình là nhà văn. Chọc cười thiên hạ cũng không phải là công việc của nhà văn mà là của những anh hề. Tôi chẳng là gì cả nên cứ khơi khơi đứng giữa. Thời bây giờ có cả một giai cấp đứng giữa, không đực không cái, vậy nên đứng giữa coi bộ là một chỗ đứng hợp thời trang không chừng!

 

THĐ: Tác phẩm Moby Dick và Stendhal của nhà văn Herman Melville (1819- 1891) khi xuất bản chỉ bán được có ba (03) cuốn, và nhà văn này phải đợi đến nửa thế kỷ sau mới nổi tiếng, còn Phiếm của anh thì bán chạy như tôm tươi là vì nó đã mang đến cho đọc giả những niềm vui, những nụ cười vậy thì anh có cảm thấy là mình may mắn hơn không?

ST: Thiệt vậy không anh? Bán được có ba cuốn mà nửa thế kỷ sau mới nổi tiếng. Tôi nghĩ đó là chuyện ngày xưa, thời mà cái chi cũng tà tà.  Bây giờ cái chi cũng như ma đuổi, tiếng chưa kịp nổi đã chìm. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện nổi tiếng. Thấy phải viết thì viết. Còn viết làm chi thì thây kệ, nghĩ tới làm chi cho mệt óc.

 

THĐ:  Trước đây anh viết văn nếu tôi nhớ không sai thì cuốn Bỏ Chốn Mù Sương là cuốn truyện ngắn đầu tiên (1993), rồi kế tiếp là Đong Đưa Cuộc Tình (1996), Còn Đó Bóng Hình (1997), Chân Mang Giầy Số 6 (1999), Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại (2000), Bên Lưng Những Con Chữ (2003) rồi bây giờ anh chuyển sang viết Phiếm, vậy thì giữa VĂN và PHIẾM cái nào anh tâm đắc nhất. Tay trái, tay phải Văn và Phiếm anh thuận tay nào?

ST: Coi như tôi có hai dòng con. Phiếm là thứ sanh sau đẻ muộn nhưng được các chú các bác cưng nên hay ăn chóng lớn, qua mặt thằng anh cái vù. Đã là con thì đứa nào cũng quý hết. Tới chừ, tôi vẫn ân hận là không viết thêm được truyện dù rất muốn. Viết truyện đòi hỏi nhiều công sức hơn nhưng thích thú hơn. Mình dựng nên nhân vật, cho nó cử động theo ý mình, cứ như bé gái chơi búp bê, muốn vặn chân vặn tay thế nào cũng được. Viết xong một truyện ưng ý, sướng cách chi đâu. Hồi đó, báo văn nghệ được mùa. Viết xong phải tính gửi báo nào cho thích hợp. Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn, mỗi tạp chí đều có khí hậu riêng. Cho thằng nhỏ vừa ra đời vào môi trường nào là một chọn lựa thích thú. Nghĩ tới ngày đó, đông vui biết mấy, nay thấy tiếc. Cái không khí nhộn nhịp đó thúc đẩy người viết sáng tác. Ngày đó, chúng tôi còn “trẻ”, trái tim còn đỏ tươi, truyện ra đều đều, in hết cuốn này tới cuốn khác.
Nhưng rồi, như một chu kỳ, thịnh rồi cũng tới hồi suy. Suy trước hết là chính người viết. Tới một tuổi nào đó, đầu óc cùn mằng đi, đang đẻ xoành xoạch bỗng khựng lại, tay viết lơi ra, thấy đóng góp của mình không như ý muốn, nghỉ chơi. Người đọc là những người cùng thế hệ với người viết, có cách nhau cũng chẳng bao lăm, cũng rơi rớt dần. Thế hệ tiếp nối hầu như không có, cả phía người viết lẫn người đọc. Báo chí cũng rơi theo. Thêm những tiến bộ  của kỹ thuật truyền thông, lôi chữ nghĩa lên trời, vậy là báo in dưới đất hụt chân hụt cẳng. Người viết cũng hụt theo. Có người im hơi lặng tiếng. Có người chuyển hướng viết. Tôi cũng vậy, tay không có cây viết thì buồn, phải viết để tránh cảnh ngồi than trời trách đất. Nhưng tuổi ngày càng cứng, cái đầu cũng cứng theo, chuyện văn chương hư cấu không còn kham nổi nên quay qua Phiếm nhập thế hơn, thực tế hơn. Nhưng cái hứng văn chương vui lắm anh à. Tưởng nó ngỏm củ tì mất tiêu nhưng khi gặp dịp nó lại ngo ngoe lại. Sau khi đã ngả sang Phiếm, tôi đã về thăm lại Hà Nội, nơi tôi rời xa từ hồi còn ở tuổi teen. Chuyến về quê cũ đã đánh thức những xúc động trong tôi khiến tôi hứng chí viết thêm được tập truyện “Chốn Cũ” xuất bản năm 2006, một năm sau khi cuốn Phiếm đầu tiên ra đời. Suy ra thì thấy cái chi mất không hẳn mất, còn không hẳn còn. Cuộc đời cầm viết nó rắc rối như vậy đó anh!

 

THĐ: Anh nhắc tới chuyện “về thăm lại Hà Nội, nơi tôi rời xa từ hồi còn ở tuổi teen” Ấy, chuyện này thì không những chỉ một mình anh được độc quyền “xúc động”, nhiều người trong đó cũng có tôi được ăn ké cái xúc động này, nhớ lắm những cây bàng trụi lá, những cây me, cây sấu, nhớ cả đến  những cây hoa sữa bên đường, nhớ chùa Keo, chùa Trầm, hàng Ngang, Hàng Đào, và đã không có ít người gửi tình vào “ô mai sấu ngon ”, nhớ  buổi sáng tinh sương một cô bé đạp xe đi bán hoa cúc Nghi Tàm. Còn nhớ gì thêm nữa không hả anh nhà văn của Hà Nội năm nảo năm nào, xin anh cứ tự nhiên trút bầu “tâm sự”, độc giả đang lắng nghe chuyện kể của anh đây?

ST: Hà Nội là nơi tôi rời bỏ khi vừa 16 tuổi. Không biết anh ra sao chứ lúc đó tôi còn ngơ lắm. Đừng nói chi tới chuyện bỏ lại người yêu, ngày đó đâu đã biết yêu đương chi. Tôi chỉ nhớ được khu phố quanh quẩn chỗ tôi ở. Nhà tôi ở ngay sau rạp Đại Nam, cũng là phía sau chợ Hôm. Tôi chỉ đạp xe đạp vui chơi cùng các bạn trong những khu Hàm Long, Hòa Mã, Nhà Rượu. Phố cổ và các nơi khác tôi ít biết tới. Có lẽ anh là người biết nhiều về Hà Nội hơn tôi. Nhưng Bờ Hồ thì tôi có nhiều kỷ niệm. Vì khi lên trung học, tôi theo học trường Dũng Lạc, ngay bên hông Nhà Thờ Lớn. Câu cá, chọi đá, vớt nòng nọc, mua phát-sa húng lìu của ông già Tầu, bánh mì kẹp ba-tê của những chú nhỏ vác cái bao tải đựng bánh mì nóng chạy loanh quanh chào hàng. Rồi còn chuyện đi tàu điện lậu không mua vé, chuyện ghé các rạp chiếu bóng khổ công kiếm được tờ programme bằng mọi cách: xin tại quầy bán vé, nhặt trên đất, xin khán giả khi họ ra về. Ngày đó, chúng tôi có cái thú chơi sưu tập các tờ chương trình chiếu bóng. Xin hoài trong quầy vé họ không cho. Phải “sáng tạo” ra nhiều cách để có được, trong đó có cả cách trao đổi hình tarzan, zorro với chúng bạn để đổi lấy tờ chương trình còn thiếu. Kể lan man chuyện một thời biết bao giờ mới hết, chúng ta tạm để cho những ngày tháng vàng đó ngủ yên nghe anh.

 

THĐ: Ủa, anh có nói lầm không đấy khi nẫy anh bảo với tôi rằng: “…Ngày đó, chúng tôi còn “trẻ”, trái tim còn đỏ tươi, truyện ra đều đều, in hết cuốn này tới cuốn khác”, thế  sao tôi được nghe người ta nói: Nhà văn là những người có trái tim không bao giờ già?

ST: Trái tim chúng ta không bao giờ già vì già là hưu rồi, hết xài. Nhưng màu đỏ của trái tim dĩ nhiên phải bớt tươi hơn khi còn trẻ chứ. Thứ chi cũng vậy hết anh ạ! Có thứ gì đứng được với thời gian đâu!

 

THĐ: Nghe anh “tâm sự” khi viết Phiếm là một cách “giết” truyện xin anh giải thích thêm?

ST: Nói vậy cho có hình tượng thôi, chuyện giết chóc nghe kinh quá, tưởng có máu đổ thịt rơi. Truyện và Phiếm là hai thể loại tôi gian díu từ lâu. Thoạt đầu, từ sáu chục năm trước, tôi viết Phiếm. Văn nghiệp của tôi, nếu gọi được những gì tôi đã viết ra là văn nghiệp, là sự đan xen giữa Phiếm và Truyện. Tôi viết phiếm cho báo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng từ năm 1959 cho tới khi mất nước. Sang tới bên đây, tôi mon men vọc chữ lại vào năm 1990 và chuyển sang truyện. Sau đó lại quay về phiếm. Rồi xen lẫn phiếm và truyện. Nói như vậy có vẻ như có biên giới rõ rệt, thực ra không phải vậy. Hứng thứ chi tôi mần thứ đó. Giờ thì đang mùa phiếm, biết đâu mai mốt, “đã già hơn xưa”, hết làm nghé được, tôi lại quay về với truyện. Tóm lại, tôi chỉ muốn thưa với anh là con tim chỉ tới đâu tôi theo tới đó. Làm chi có chuyện giết chóc !

 

THĐ: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, người Việt Nam chúng ta có câu nói ấy cho nên có lần anh em bên nớ kháo nhau rằng: anh cẩn thận đến nỗi mỗi một bài viết trước khi được trình làng đều phải qua tay “Bộ Trưởng Bộ Thông Tin” là chị nhà đọc trước và sau khi được phê chuẩn độ “an toàn” thì sách mới được đến tay đọc giả. Tiếng đồn đãi ấy thực hư thế nào?

ST: Cuộc sống hôn nhân là chia sẻ. Có chi đều chia sẻ hết. Huống chi thứ rẻ rề là những con chữ. Tôi nghĩ hai cái đầu tốt hơn một cái. Anh có nghĩ như vậy không? Và tình hình nội bộ chính phủ nơi anh ra sao? Có khác chi không?

 

THĐ: Kiểm duyệt gắt gao như thế về văn hoá của “Bộ Trưởng Bộ Thông Tin” nghe vậy mà sao có rất nhiều anh em viết lách cũng mong cầu được như vậy. Thế thì còn về đời sống riêng tư thì sao, “Bộ Trưởng Bộ Thông Tin” có để mắt vào không?

ST: Bộ Trưởng (chữ của anh) của tôi cũng rất thích đọc anh ạ! Không những để mắt vào những con chữ của tôi mà còn để mắt vào tất cả những con chữ được in trên giấy hay phóng lên trời. Không chừng trong đó có chữ của anh nữa!

 

THĐ: Trong 23 cuốn Phiếm, hai mưoi ba (23) đứa con tinh thần có người “théc méc” hỏi anh: Cuốn nào anh ưng ý nhất, tại sao lại là cuốn ấy mà không là cuốn khác?

ST: Phiếm là phản ảnh của thời gian. Chuyện của một thời. Mỗi thời có những dấu vết của thời đó. Làm sao có thể nói thời nào hơn thời nào. Anh nói chuyện hơn thua là làm khó tôi quá.

 

THĐ: Xa cách quê nhà đã lâu, là một nhà văn, anh có thường quan tâm đến những sinh hoạt chữ nghĩa bên nhà?

ST: Biên giới địa lý ngày nay không còn là một trở ngại với chữ nghĩa. Trong nước và ngoài nước vẫn có thể kề vai sát cánh với nhau trên mạng và ngay cả trên sách báo. Tôi muốn nói tới sách báo tại hải ngoại. Một số nhà văn nhà thơ từ trong nước ra gặp gỡ những người viết tại hải ngoại là điều thường xảy ra, thường đến mức người ta không để ý tới nữa. Đã xa rồi thời tờ Hợp Lưu của Khánh Trường mới ra mắt.

 

THĐ: Anh thích đọc nhà văn, nhà thơ nào nhất?

ST: Tôi không chú ý tới một người nào mà tìm đọc tất cả những bài tôi muốn đọc.

 

THĐ: Trong thời gian chiến tranh, Nam Bắc chia hai, lửa khói tùm lum chúng ta thường đổ lỗi cho súng đạn nên những nhà văn, nhà thơ, điêu khắc, hội hoạ… v…v.. chưa có một tác phẩm ngang tầm với thế giới bên ngoài. Đến nay chiến tranh đã lùi khuất cũng gần nửa thế kỷ ấy vậy mà những tác phẩm được coi là lớn vẫn còn mù khơi, theo anh thì phải có lý do gì chứ?

 ST: Tôi cũng muốn hỏi lại anh câu này. Anh có câu trả lời cho tôi không?

 

THĐ: Vẫn cái chuyện văn học ấy, anh là một trong  “tứ trụ triều đình” gồm: Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán đã tạo dựng lên tờ NGÔN NGỮ động cơ nào đã thúc giục các anh làm cái công việc “đội đá vá trời”này giữa lúc hai nền văn hoá “trên trờ”i và “dưới đất” đang trong cuộc chiến khốc liệt một mất một còn, ý tôi muốn nói đến báo mạng và báo giấy?

ST: Chúng tôi có năm người tất cả. Ngoài bốn người mà anh kể trên còn có nhà thơ Lê Hân là người lo gạo nước, mắm muối cho Ngôn Ngữ. Ngoài ra, Ngôn Ngữ cũng được sự giúp tay rất tận tình và đáng quý của anh Trần Triết trong việc trình bày, chị Nguyệt Mai trong phần sửa lỗi chính tả (rất cần! cần lắm!) và anh Nguyễn Thành trong việc chăm sóc kỹ thuật. Chúng tôi hình như là những người đi ngược chiều. Thấy phải đi thì đi, còn đi được bao lâu, đi tới đâu, đó là chuyện của mai sau. Nếu nói chúng tôi nhắm mắt bước tới chắc cũng không sai. Nhưng chuyện phải bước tới, cứ bước anh ạ. Mong anh và các bạn văn tiếp sức cho chúng tôi.

 

THĐ: Trong một cuộc phỏng vấn cách nay cũng khá lâu xin trích ra đây câu trả lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để xem anh có ý kiến gì về vấn đề này “…. Cần có thêm văn học hải ngoại trong nước, và văn giới hai nơi cần liên hệ gần gũi, trao dổi với nhau, để làm phong phú thêm cho đôi bên, và không nên kỳ thị, không nên để bị thành kiến chi phối” 

ST: Tôi thấy đây là một ước vọng. Mà ước vọng cần rất nhiều điều kiện mới hoàn thành được. Chắc anh hiểu ý tôi nói?

 

THĐ: Chúng ta có muốn được như thế không, theo thiển ý thì là có. Nhưng, trước hết và trên hết chính quyền CSVN cần phải có cái nhìn bao dung hơn đối với những người viết văn ở hải ngoại và nhà cầm quyền nên hiểu rằng “quan điểm của nhà văn nó khác với quan điểm của nhà cầm quyền, nó khác với quan điểm của những ngườii có tham vọng chính trị”. Anh nghĩ thế nào về ý kiến nêu trên?

ST: Tôi ít khi có ảo tưởng lắm anh ạ. Cứ để con tạo xoay vần coi sẽ tới đâu.

 

THĐ: Có giòng sông thì người ta mới đóng thuyền, tàu bè để di chuyển, nhưng nếu có tàu bè mà không có giòng sông thì liệu tàu bè có cần thiết chăng. Cũng vậy, xin được thỉnh ý anh thế thì giữa người đọc và người viết ai mới là người cần thiết để tạo nên văn chương chữ nghĩa, ai “quan trọng” hơn ai?

ST: Theo tôi thì cả người viết lẫn người đọc đều phải níu kéo nhau. Thiếu một phía thì tình hình ủ dột nhãn tiền. Tình hình văn học hải ngoại của chúng ta hiện nay là một minh chứng. Phía người viết hầu như không có thế hệ tiếp nối, phía người đọc không có lớp người trẻ trong khi lớp độc giả của chúng ta đang cằn cỗi đi vì mắt mũi kém, trí nhớ cùn và vì cứ đều đều rủ nhau tìm về với các cụ. Chúng ta có nên thở dài không, thưa anh?

 

THĐ: Ôn lại một chút “chuyện xưa tích cũ” đi anh, trước đây nghe như anh cũng đã một thời chữ nghĩa trong làng báo ở Sài Gòn, thế thì có khi nào anh bị “đói ăn” như dịch giả, nhà văn Bửu Ý  “Nhiều khi hai, ba ngày không có cái ăn, không có tiền đi xe buýt” nhưng  “Sống cơ cực song bù lại đó thời  gian hào hùng , tôi thấy tôi sinh ra mình trên từng con chữ”, anh thì thế nào?

ST: Thực ra tôi không không sống bằng chữ nghĩa, trước đây cũng như bây giờ. Ngày còn ở trong nước, tôi là một công chức, viết là nghề tay trái. Di tản qua bên này, cây viết vẫn nằm bên tay trái. Tôi chưa bao giờ vụ vào chữ nghĩa để sống. Vậy nên chữ nghĩa chỉ là chuyện vui chơi. Thường là chuyện chơi bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được vui chơi với con chữ trong suốt 60 năm qua. Vui lắm anh!

 

THĐ: Trước khi từ giã, anh có cần thêm bớt điều gì trong câu chuyện hôm nay giữa chúng ta,   anh có muốn nhắn gửi gì thêm đến đọc giả mà trong lúc trò chuyện tôi đã sơ ý không đề cập đến?

ST: Anh quay tôi như vậy là quá đủ. Xin phép anh cho tôi gửi lời cám ơn tới tất cả các bạn văn đã cùng tôi rong ruổi trong một thời gian không ngắn, cám ơn các độc giả đã rộng lượng đẩy cái ghe chữ nghĩa của tôi bềnh bồng tới tận ngày hôm nay. Không có các bạn văn và bạn đọc chắc hành trình chữ nghĩa của tôi không được dồi dào phong phú như bây giờ. Một lần nữa xin đa tạ tất cả.

 

THĐ: Xin cám ơn nhà văn Song Thao. Và cũng xin được nhắc với anh là đọc giả và ngay cả tôi nữa vẫn đang chờ cuốn PHIẾM thứ một trăm (100) của anh đấy!

 05/2020