Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

Vài phút với nhà văn Song Thao nhân PHIẾM 10 có mặt

Lương ThưTrung (LTT): Kinh chào anh Song Thao,
Gặp anh hồi tháng Tám ở Katy và Houston (Texas), được biết anh có PHIẾM 9, nay tháng 11, anh lại cho chào đời PHIẾM 10, như vậy anh còn độ bao nhiêu PHIẾM nữa thưa anh?

SongThao (ST): Đường đi của Phiếm tôi cũng không lường được anh ơi. Chỉ biết trước mắt là cuốn Phiếm 11 sẽ phát hành vào mùa hè năm 2012.
Chuyện nhìn vào tương lai là chuyện của mấy ông bà thầy bói mà tôi lại không có chút khiếu nào về cách nhìn vào những thứ ở phía trước mình cả.
Nhân câu hỏi của anh tôi nghĩ tới câu hỏi cho các bà bầu. Bà sẽ sanh bao nhiêu con tất cả? Câu hỏi còn tùy vào nhiều cái nếu, các bà chẳng bao giờ có thể trả lời dứt khoát được. Anh cứ coi tôi như một bà bầu đi!

 

LTT: Tính sơ sơ mười cuốn PHIẾM của anh, mỗi cuốn khoảng 400 trang, như vậy anh đã có trên 4.000 trang sách phiếm rồi, vậy kể luôn các tập truyện, anh đã có được mấy ngàn trang chứ ít ỏi gì và do đâu mà anh viết được nhiều như vậy?

ST: Chuyện viết tới 4000 trang Phiếm và khoảng 1500 trang truyện, nghĩ lại tôi cũng không hiểu tại sao tôi làm được. Đối với nhiểu tác giả, chuyện dài hơi còn dài hơn tôi nhiều, tôi còn…ngắn lắm. Nhưng có lẽ nhờ những người thích đọc như anh chị nên tôi cứ cặm cụi gõ lên bàn phím. Cái cách anh chị trân trọng những cuốn Phiếm của tôi trong dịp gặp anh chị vừa qua làm tôi hứng khởi thêm nhiều. À thì ra những gì mình làm cũng có người nồng nhiệt hưởng ứng!

 

LTT: Trở lại PHIẾM của anh, tôi có cảm tưởng qua hơn bốn ngàn trang sách Phiếm với tựa đề vỏn vẹn có một chữ, nếu người đọc chịu khó sắp xếp các tựa ấy theo mẫu tự ABC..., thì quả đây là một bộ "Tự Điển Về Điển Cố, Nhân Văn Hiện Đại" vô cùng hữu ích mà từ xưa tới nay chưa từng có, vì nếu ai muốn cần biết một sự kiện gì liên quan tới một chữ nào đó, người đọc cứ lần tìm chữ đó trong 10 cuốn Phiếm của nhà văn Song Thao là biết tường tận về nghĩa lý, về sự kiện xưa nay liên quan tới chữ đó qua mọi nơi, mọi thời... Anh có nghĩ vậy không?

ST: Thực ra cũng khó coi Phiếm là một cuốn từ điển. Có những chữ tên bài mà nếu chưa đọc vào bài thì cũng không biết tác giả nói tới chuyện gì. Vậy thì tôi nghĩ nếu độc giả "mua vui cũng được một vài trống canh" là quý rồi. Khi viết Phiếm tôi chỉ cốt làm sao để cho người đọc cười được, tốt cho sức khỏe tâm thần và thể xác và nếu đi xa hơn chút xíu nữa, suy nghĩ về cái kết mà bài Phiếm muốn gửi tới độc giả là coi như bài phiếm thành công rồi. Phiếm chỉ là… phiếm thôi, thưa anh.

 

LTT: Tôi đã đọc lại hết các bài phỏng vấn trên trang nhà Song Thao, qua các tên tuổi như Nguyễn Mạnh Trinh, Lê Quỳnh Mai, Quỳnh My, Hồ Đình Nghiêm…, dường như anh chưa lần nào nhắc đến bút hiệu Song Thao mà anh đã in trên các tác phẩm của anh. Vậy anh có thể nói sơ qua một chút về bút hiệu này ?

ST: Đó chỉ là một cái tên. May ra thì còn được mọi người nhớ tới. Tôi chọn bút hiệu này từ ngày mới viết, lúc mới 21 tuổi, bây giờ có lúc không vừa ý nhưng cũng phải chịu thôi. Dù sao nó cũng đã ăn ở với mình hơn nửa thế kỷ rồi!
“Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên”.
Thơ Tô Thuỳ Yên đó anh Trung.

 

LTT: Cũng qua các bài phỏng vấn vừa nhắc, được biết anh đã viết Phiếm luận từ trước 1975 ở Sài Gòn, lúc bấy giờ anh thường  viết về những đề tài nào?  Chẳng hạn như “Tuổi trẻ và chiến tranh”, “Chiến tranh và đời sống nơi thành thị”, “Chiến tranh và hòa bình” hoặc “Nông thôn và chiến tranh” vân…vân..Sau này,  anh có còn lưu giữ lại được vài ba bài nào để làm kỷ niệm không? Ngoài ra, so với những bài phiếm luận trước năm 1975 và những bài phiếm hiện nay, thì thời nào anh viết hứng thú nhất? Vì sao?

ST: Trước 1975, tôi có viết những bài gọi là “phim” cho các báo hàng ngày, hàng tuần và mỗi nửa tháng như Dân Ý, Tìm Hiểu, Thời Nay, Thời Việt…Đó là những tờ mà tôi viết thường xuyên mỗi kỳ báo ra.
Thực ra những bài viết của tôi thời đó không hẳn là phiếm như những bài tôi viết tại hải ngoại bây giờ. Bây giờ viết tương đối thoải mái hơn. Mình sống kiểu sống nhờ tại một quốc gia mà mình bắt buộc phải nhận mình là công dân của quốc gia đó. Nó không là máu mủ của mình nên mình cũng không nợ nhiều như mình nợ đất nước mình. Ngày xưa những bài viết của tôi nặng về phần chỉ trích, chế giễu, đòi hỏi và có ý hướng cải thiện xã hội hơn. Chúng có cái vẻ…trâu đánh hơn. Ngày nay viết là viết lấy vui, cười với nhau, ngẫm nghĩ với nhau một cách chung chung, ba lơn ba cợt. Như vậy anh thấy cái tinh thần và mục đích của bài viết ngày trước và bây giờ đã khác nhau, khác xa lắm. Ngày xưa tôi viết khi còn đang đi làm, bận tíu tít. Có nhiều lần ông tùy phái của tòa báo phải tới sở làm của tôi đợi bài để mang về cho thợ sắp chữ gấp kẻo báo ra trễ. Ngày nay, hưu rồi, tiền sinh sống đã có chính phủ lo, tâm trí mình thảnh thơi hơn nhiều. Viết như một cái thú, thích thì viết, hứng thì viết, chẳng ai bắt, chẳng vội vàng chi. Cứ như rong chơi vậy anh ạ.

 

LTT: Trong PHIẾM 10 của anh, có cả thảy 31 tựa đề, từ An, Bẫy, Bít, Cãi, Cầu, Chơi, Gật, Giúp, Hỏi, Khác, Khiếm, Liệt, Mảnh, Mới, Ngã, Ngẫu, Ngọc, Nguyên, Nhân, Nước, Phở, Phofan, Quậy, Sinh, Thai, Thiêu, Thời, Tí, Xả, Xâm và sau cùng là Xoàn. Trong 31 tựa đề ấy, anh còn nhớ bài nào anh viết nhanh nhất và bài nào anh viết cực nhất, và vì sao, thưa anh?

ST:  Thường trước khi đặt bút viết (quen miệng nói vậy chứ thực ra cây bút chằng ăn nhậu gì tới việc viết cả, phải gọi là gõ mới đúng!) tôi đã thu thập đủ tài liệu và phân định dàn bài rồi. Khi viết là cứ việc…gõ thôi. Việc nhanh hay chậm là tùy cái hứng lúc gõ. Có bài tôi gõ trong một ngày, có bài lai rai vài ngày. Khi thấy trong người mỏi mệt, ngại động não, dòng văn không còn mượt mà vui tươi nữa thì tôi ngừng, kiếm ly nước, loanh quanh nghỉ ngơi, hay có khi lai rai cái bánh cái kẹo, rồi mới viết tiếp. Nhưng cũng có khi tới hẹn giao bài cho tòa báo, ngừng không được thì cũng cứ viết. Một chặp thì cái hứng nó cũng tới. Hóa ra cái hứng nó nằm vùng trong mình rồi, khi nó tạm lánh mặt là vì cái lười, cái mệt nó lấn áp. Nhưng thường thì tôi viết nhẩn nha thoải mái. Vậy nên chẳng bao giờ tính thời gian cả. Có đi làm đâu mà tính giờ ăn tiền! Con cái tôi là con đàn con đống, biết đứa nào làm mình cực hơn đứa nào được!

 

LTT: Ngoài ra, trong mạch phiếm của anh nói chung và Phiếm 10 nói riêng, có cái nét rất đặc biệt là đang khi giống như anh muốn làm cho người đọc giải trí một chút qua những ý tưởng dí dỏm, tức cười rồi bỗng nhiên giọng văn của anh lại nghiêm trang trở lại tức thời với những kết luận quan trọng hết biết chứ không phải chỉ là chuyện giỡn chơi với những chứng cứ, bút lục không ai có thể bắt bẻ được.

ST: Tôi còn nhớ khi học với Linh Mục Thanh Lãng tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn về môn “Văn Chương Miền Nam” cha luôn nhấn mạnh đến một đặc tính của văn chương miền này. Đó là lối viết “trơn tuột như lời nói”. Tôi lại nhớ là hồi đó tôi rất thích văn chương miền Nam và sau khi hoàn tất văn bằng Cử Nhân tôi đã khởi sự làm luận án Cao Học với đề tài Hồ Biểu Chánh. Rất tiếc là sau đó, vì công ăn việc làm, tôi đã không đi tới cùng của công việc này. Khi viết phiếm tôi cũng cố viết theo kiểu “trơn tuột như lời nói”. Như trò chuyện với độc giả. Tính tôi lại ưa cà giỡn, ít nghiêm trang nên những trang viết của tôi cũng ba lơn rất không vừa lòng ông Khổng Tử. Những lúc anh nhận thấy văn của tôi “nghiêm trang” có lẽ vì khi đó tôi đang đề cập tới chuyện gai góc làm mình hết ba lơn ba cợt được. Nhưng theo tôi cảm thấy khi viết thì khi nào tôi thấy những con chữ có vẻ ít …phiếm là tôi trở lại lối viết ít nghiêm trang liền. Tôi luôn muốn gửi tới người đọc những lông hồng chứ không muốn đè họ bằng một tảng đá.
Sẵn anh hỏi, tôi cũng nói luôn, là khi viết truyện hay viết phiếm hoặc viết bất cứ thể loại nào, tôi cũng nắm lấy cái kết trước. Tôi nghĩ tới cái kết trước khi bắt đầu gõ. Chưa có cái kết là chưa chín để viết. Như một thứ trà ngon thì phải có cái hậu vị! Có lẽ vì vậy nên rất nhiều độc giả đã nói với tôi là những bài viết của tôi không chấm dứt khi họ buông cuốn sách. Người đọc còn phải vấn vương sau khi đọc xong.
Nhận xét của anh chứng tỏ là anh đọc tôi rất kỹ. Có được một người đọc như anh thật sướng!

 

LTT:
Đọc Phiếm của anh làm tôi chợt nhớ lại trong "Cổ Văn Trung Quốc" có bài nghị luận "Tránh Thần Luận" của Hàn Dũ, Nguyễn Hiến Lê dịch là "Luận Về Nhiệm Vụ Của Chức Gián Nghị", và cảm tưởng của dịch giả Nguyễn Hiến Lê ở cuối bài: "Thắt rồi cởi, bao khắp phía rồi mở cho một lối thoát, nhờ thuật đó mà bài này được nhà Nho cho là một áng văn kiểu mẫu trong thể nghị luận. Mỗi khi bác bẻ, Hàn Dũ đều dẫn lời trong sách cổ (lời Kinh Dịch, lời Mạnh Tử, lời Kinh Thư, lời trong Truyện); điểm đó cũng được cổ nhân khen lắm."(1).
Phương pháp vừa dí dỏm vừa nghiêm trang đó do anh tự sáng chế lấy khi mới bắt đầu viết Phiếm luận trên các báo trước năm 1975 hay anh mới áp dụng khi bắt đầu trở lại Phiếm sau này ?

ST:
Trước năm 1975, những trang viết của tôi khác bây giờ rất nhiều. Có lẽ vì hồi đó tôi còn trẻ, máu còn nóng và còn rất mật thiết với những vấn đề xã hội. Khi mình sống trong đất nước của mình, mình tự cảm thấy mình là một phần máu mủ của xã hội. Khi thấy những bất công, sai trái, mình dễ nhào vô ăn thua đủ. Vì vậy, như tôi đã trình bày ở trên, những bài viết hồi đó …trâu đánh hơn. Ngày nay, tuổi đã cứng, sống trong xã hội dù sao cũng của người ta, mình tự cảm thấy lạc lõng hơn. Thế giới chung quanh hình như không phải của mình, hình như máu mủ của mình không nằm ở nơi đây, hình như mình không thấy thoải mái với người và cảnh nơi đây. Không có sự liên quan mật thiết nên mình quay về với mình, với cộng đồng riêng của mình, chuyện viết lách là một cách thế để mình thoát ra khỏi sự tù túng. Vậy nên những con chữ nằm thảnh thơi hơn. Nếu khi nó dí dỏm, khi nghiêm trang thì cũng tại lòng mình không phân định được vị trí của mình trong cái không gian mình sống thôi. Ngày trước, trong không gian cũ, tôi nghĩ là tôi không có cái thắt mở như anh thấy. Hay tại bây giờ mình… sinh tật!

 

LTT: Đó là nói về Phiếm. Giờ xin nhắc qua một chút về Truyện của nhà văn Song Thao. Ngoài bảy tập truyện ngắn Bỏ Chốn Mù Sương (Kinh Đô, Houston, 1993), Đong Đưa Cuộc Tình (Ngày Nay, Houston, 1996), Còn Đó Bóng Hình (Văn Mới, California, 1997), Chân Mang Giày Số 6 (Văn Mới, California, 1999), Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại (Văn Mới, California, 2000), Bên Lưng Những Con Chữ (Văn Mới, California, 2003) và Chốn Cũ (Nhân Ảnh, Toronto, 2006) anh có dự định sẽ cho chào đời thêm tập truyện nào nữa không ? Và nếu có, những truyện ấy chắc anh cũng đã viết trong vòng gần bốn năm năm nay rồi (từ 2006 tới nay), như vậy có lẽ sẽ có nhiều cái mới như cốt truyện, không gian, tâm lý nhân vật và chủ đích của tác giả nữa bởi lẽ mỗi thời đại những sự việc diễn ra mỗi khác, và nhất là tâm lý các nhân vật cũng cùng với thời đại mà thay đổi đi nhiều, phải thế không anh ?

ST: Tôi có một nỗi buồn: từ khi xuất bản tập truyện thứ bảy “Chốn Cũ”, tôi không viết thêm được truyện ngắn nào nữa. Đã nhiều lần tôi muốn viết lại, dựng truyện trong đầu, tưởng chỉ việc ngồi gõ bàn phím là xong, nhưng cũng không xong. Trong một lần gặp nhà văn Huy Phương ở Little Saigon, anh có than với tôi “Tay phiếm giết chết tay truyện”. Hồi đó, chắc cũng bảy tám năm trước, tôi vừa bắt đầu viết phiếm, chưa thấy anh phiếm ra tay sát thủ nên nghe là nghe vậy thôi. Nhưng sau đó, lậm vào phiếm mới thấy cái tay viết  truyện rời rã. Cho tới khi về lại Hà Nội vài ngày, thăm lại chốn cũ, đi bộ lại đoạn đường mình vẫn đi học ngày xưa, la cà tới những chỗ mình vẫn nô đùa với bạn bè ngày cũ như thảm cỏ trước Nhà Bác Cổ, sân nhà thờ Hàm Long, hông nhà thờ Lớn, những rạp chớp bóng trên phố Huế, lề đường trước căn nhà cũ… tôi bỗng xúc động và viết thêm được cả một cuốn truyện. Sau đó, cái hứng lại bỏ tôi đi. Từ đó tới nay chẳng viết được thêm truyện nào nữa. Tiếc chứ! Tiếc ngẩn tiếc ngơ, lòng dặn lòng nhất định có ngày sẽ lại trở về với truyện. Cho tới nay ngày đó vẫn chưa thấy ở cuối chân trời!

 

LTT: Về bút pháp, qua các truyện ngắn của anh mà tôi đã đọc khá lâu và nay đọc lại trong hai cuốn “Bỏ Chốn Mù Sương”(2) và “Bên Lưng Những Con Chữ”(3), tôi có mấy ghi nhận truyện của anh, trước nhất về cốt truyện rất hạp với tình và cảnh, chẳng hạn trong truyện ngắn Bỏ Chốn Mù Sương tả về đời sống những nữ sinh viên nội trú trong một ký túc xá nữ sinh trên Đà Lạt vừa muốn học mà cũng vừa mong chờ những cuộc tình. Thế rồi cô sinh viên ngành khoa học, nhân vật xưng tôi ấy, mới 20 tuổi từ Nha Trang lên Đà Lạt học cứng cỏi với cái nhìn và nhận định chính xác như toán học, không chọn lựa ai, thế mà vẫn muốn có người yêu và rồi đành bỏ Đà Lạt về Sài Gòn để theo tiếng gọi con tim của cái thời đang âm ấp lửa yêu đương ấy. Hoặc như truyện ngắn Theo Dòng Thác (4), nhân vật nam là Cảnh gốc Đà Lạt và người con gái Ba Tây lai Đức có tên Kristina trong một khóa tu nghiệp chuyên môn quốc tế về hành chánh tại Hoa Kỳ, họ có chung niềm đam mê là thích nghe tiếng róc rách của những dòng suối len lỏi qua những bờ đá thấp và tiếng nước chảy của những dòng thác khi đổ từ trên cao xuống vực sâu và rồi như một định mệnh, họ lại có dịp đến thác Niagara nằm giữa bên này và bên kia của biên giới Hoa Kỳ và Canada khi ban tổ chức khoá tu nghiệp có một thay đổi thời khoá biểu nên có mấy ngày họ từ Hoa Thịnh Đốn được đưa về Buffalo thuộc tiểu bang New York để dự lễ bế mạc khóa tu nghiệp về Công Tác Xã Hội tại đây và rồi hai con người cùng ý thích ấy họ có những giờ phút tuyệt diệu thực hiện một triết lý sống mà Kristina từng ấp ủ:”Cuộc sống như một dòng thác, đời người như chiếc lá theo dòng. Biết lúc tĩnh, biết lúc động, đó là biết sống.”(5) Và cả trong Đà Lạt Nhớ (6) nữa, mỗi mỗi truyện của anh, khi anh tả cảnh thì cảnh chìm trong lòng bàng bạc những sắc trời, khi anh tả nỗi nhớ thì ôi thôi nhớ ơi là nhớ; khi anh tả nỗi đau như trong Người Thay Áo (7), Chuyến Đi Không Hẹn (8) thì nỗi đau tím ngắt con tim…
Nhờ đâu mà anh có những bút pháp như vậy, thưa anh?

ST: Khi viết truyện tôi đặt tất cả con người tôi vào truyện. Thường thì tôi sống với nhân vật một thời gian rồi mới đặt bút viết (hồi đó còn viết trên giấy chứ chưa gõ thẳng trên bàn phím). Vậy nên khi viết, tôi đã sống nhuyễn với nhân vật rồi. Tất cả những tình cảm, lối cư xử, cách ăn nói đều là của nhân vật. Rất nhiều lần, cốt truyện tôi phác ra trước bị chính nhân vật dẫn dắt tôi đi theo một lối khác. Hiện tượng…tha hóa này tôi đã có lúc đọc được trong các hồi ký hay tự sự của các nhà văn Việt Nam cũng như ngoại quốc và tôi không tin. Làm chi có chuyện các nhân vật trong truyện “quyền năng” đến thế! Nhưng đúng như vậy anh Trung ạ, có những lúc nhân vật nổi loạn dắt tác giả đi theo.
Trở lại câu hỏi của anh, tôi nghĩ có lẽ vì sống hết lòng với nhân vật nên bút pháp cũng theo đó mà đi. Cái ma lực của ngòi bút khó cưỡng nổi lắm anh ạ. Mà cưỡng làm chi anh nhỉ?

 

LTT: Đọc một truyện nào đó, tôi thường không quan tâm nhiều đên nhân vật đó có thật hay không thật, bởi lẽ nhân vật chỉ là một cơ hội, chỉ mang tính tượng trưng để từ đó tác giả giãi bày kiến thức mình, gởi gấm tâm sự mình và điều chính yếu là người đọc phải tìm hiểu tư tưởng của tác giả, ý nghĩa cao siêu của tác phẩm chứ không phải chỉ là tâm lý cá biệt của nhân vật ấy. Do đó, tác giả dễ có xu hướng can thiệp vào nhân vật và rồi đôi lúc anh lại bị “nhân vật nổi loạn dắt tác giả”, nghĩ cũng là một cái thú của tác giả mà người thường như tôi làm sao có được. Như vậy văn hay hoặc dở đâu phải là do nhân vật đó có thật hay không thật phải thế không anh?

ST: Nhân vật do tác giả tạo ra nhưng chúng có đời sống của chúng. Chúng phải sống trong hoàn cảnh cũng do chính tác giả dựng nên. Nhưng tác giả không phải là ông trời muốn bẻ cong nhân vật hay muốn vẽ vời ra cái hoàn cảnh thế nào cũng được. Nhân vật và cảnh giới trong truyện phải xứng với đời thường trong cách cư xử, ăn nói. Nếu bắt nhân vật lên gân giảng giải những tư tưởng của tác giả, nhân vật sẽ cứng, không thiệt, tính thuyết phục sẽ mất. Tôi thấy có nhiều tác giả muốn “tải đạo” một cách say sưa quá đã làm chết nhân vật. Nhân vật “con” không thể nói như nhân vật “bố”, nhân vật “chủ” không có tư tuờng và ngôn ngữ như nhân vật “người làm”, thí dụ như vậy. Vậy nên, như tôi đã đề cập ở trên, tác giả cần sống với nhân vật trước khi cho chúng…múa may.

 

LTT: Thấp thoáng trong các truyện của anh có thời tuổi trẻ, có chiến tranh, có lúc lao đao khốn cùng vì những biến thiên của thời cuộc, của dòng đời... Ở mỗi mỗi thời khắc trôi qua ấy, truyện của anh diễn lại gần hết những cảnh đời vui lẫn buồn, hạnh phúc lẫn âu lo, đợi mong lẫn tuyệt vọng… Thưa anh Song Thao, phải chăng nhà văn là người luôn luôn muốn phác họa lại hoàn cảnh xã hội một thời mà mình đã và đang sống không?"

ST: Trong các bài điểm sách hoặc phê bình truyện của tôi, tôi được liệt vào loại tác giả “hội nhập”. Nghĩa là vứt vào đâu cũng sống được! Như nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong bài Tựa của tập truyện “Chân Mang Giầy Số 6” đã nhận xét: “ Nhưng điều quan trọng nhất, độc đáo nhất trong cách viết của Song Thao, là nhân vật chính người Việt của ông không còn là tù nhân của bất cứ thứ ghetto nào, bất cứ thứ mặc cảm nào, bất cứ thứ hoang tưởng nào. Ra khỏi cái ghetto quá khứ Việt Nam, nhân vật  truyện Song Thao mới ý thức được rằng nỗi đau Việt Nam không phải là nỗi đau duy nhất chỉ có dân tộc chúng ta phải gánh chịu. Khi chấm dứt trò chơi nuôi sẹo và ngắm sẹo, chúng ta sẽ thấy những người di dân thuộc các sắc tộc khác sống chung quanh chúng ta cũng có những bi kịch riêng của họ, nhiều khi bi kịch của họ còn khốc liệt hơn cả những gì chúng ta đã trải qua…Ra khỏi cái ghetto quá khứ Việt Nam, nhân vật truyện Song Thao mới thấy những người cùng làm việc ở sở, những người láng giềng, những khách qua đường khác chủng tộc với mình cũng "hiện diện", có những nỗi lo riêng, nỗi buồn riêng, có tiếng cười tiếng khóc của riêng họ, và xét đến cùng thì tiếng khóc tiếng cười của họ không khác tiếng khóc tiếng cười của chúng ta bao nhiêu”.
Nhà phê bình trong nước Hoàng Ngọc Hiến, trong bài “Đọc Văn Học Hải Ngoại” đã phân tích sự “hội nhập” của hai nhân vật trong truyện của tôi: “Nhân cách của Loan và Ngạn biểu lộ khá rõ trong cuộc liên hoan tạm biệt ngẫu hứng, đặc biệt được thể hiện trong cách ứng xử của họ với những người thợ Tây khác, với ông chủ người Mỹ và trong quan hệ của hai người với nhau. Họ không giống như những người ngụ cư rụt rè, khép nép ngồi lủi sang một bên, trong khi đám quan viên làng tự do ăn nói. Loan đã xóa bỏ được hàng rào ngôn ngữ, không có mặc cảm, mỉm cười thoải mái với những người bạn Tây, sẵn sàng đùa giỡn, đối đáp… Một tác phong rất Tây, theo nghĩa tốt đẹp của từ này. Diễn đạt một cách triết học, thì đây là “cá tính tự do”. Một nét đẹp của nhân cách con người trong xã hội dân chủ”.
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh, trong bài “Những Chốn Cũ Của Song Thao” cũng đã có nhận xét về sự hội nhập trong các truyện của tôi: “ Song Thao có thể sinh sống trong môi trường đa văn-hóa hơn và chịu khó quan sát, đã viết về một hội-nhập tích cực, đa diện hơn, ông đã tài tình dùng kinh-nghiệm, quan sát và hiểu biết riêng để khai thác tâm lý của các nhân vật và sắp xếp các diễn tiến.. Người kể Song Thao đa mang truy tìm trong kho chất liệu quá khứ nhưng không hẳn để tái tạo lại dĩ vãng dù có thể vàng son đến mấy, nhưng từ đó, tác-giả, cùng với những chi tiết ngoài, tạo dựng nên đời sống tiểu-thuyết, văn-chương. Có thể nói Song Thao chạy đuổi theo đời sống tiểu-thuyết với quá khứ của ông và cả của thế hệ ông, như một người thông suốt mỗi khi đặt chúng vào ngoại cảnh hôm nay”.
Viết về một hoàn cảnh nào, tôi thường sống trong hoàn cảnh đó. Rất nhiều trang truyện của tôi là trong hoàn cảnh thực nhưng cũng rất nhiều hoàn cảnh chỉ là hư cấu. Nhưng dù thực hay được hư cấu, tôi cũng đã dùng óc quan sát để dựng chúng lại một cách trung thực nhất có thể được trong truyện. Truyện của tôi có chân đứng trong hoàn cảnh thực nên câu hỏi của anh “phải chăng nhà văn là người luôn luôn muốn phác họa lại hoàn cảnh xã hội một thời mà mình đã và đang sống” rất thích hợp với truyện của tôi.

 

LTT: Qua các bài phỏng vấn của các vị phỏng vấn chuyên nghiệp mà tôi có nhắc bên trên, được biết quan niệm của anh là nhà văn không có mang một “sứ mệnh” nào cả, viết chỉ vì mình thích viết, vậy thôi; nhưng những trang sách của anh dù muốn dù không nó cũng mang đến cho người đọc những nhung nhớ về một thời kỳ mà họ có dịp sống cùng thời với tác giả, về phương diện rất riêng của một người viết rất nhiều như anh, anh có thấy mình có trách nhiệm gì về những trang sách ấy không ?

ST: Đúng như anh vừa nhắc tới: viết đối với tôi chỉ là mình thích viết, chẳng bắt những trang chữ khệ nệ vác một “sứ mệnh” nào cả.  Nghe thấy chữ “sứ mệnh” tôi đã thấy sợ! Ông bạn tôi, nhà thơ Luân Hoán, trong một cuộc phỏng vấn của báo Văn Học, California, vào năm 1996, trả lời câu hỏi ngắn ngủn: “Tại sao viết?”, ông Luân Hoán nói là “vì thích nổi tiếng”. Nghe thật thà biết bao. Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, trả lời cùng một câu hỏi, tôi cũng ngắn gọn: “Không cách gì mà không viết được! Viết là một cách giải thoát!”.
“Văn dĩ tải đạo” là ý niệm xa lạ với tôi. Khi tôi viết tôi chẳng nghĩ mình “tải” cái gì cả. Thích thì viết. Viết xong thấy như vơi được những chất chứa trong lòng. Khoái lắm chứ! Nếu truyện hay phiếm của mình được đón nhận nồng nhiệt thì còn khoái hơn nữa. Nếu chẳng may mình “nổi tiếng” thì còn khoái thêm một bậc nữa. Ông Luân Hoán nổi tiếng từ lâu chắc có kinh nghiệm nên chẳng cần giấu giếm cái thú…nổi tiếng. Nhưng dù những trang viết của mình được đón nhận như thế nào, cũng cứ viết. Bởi vì viết, trước hết, là viết cho mình. Viết cho mình nhưng không phải muốn viết chi thì viết. Cần tôn trọng những người khác, những người đã hy sinh thời giờ, tiền bạc ra để mua và đọc những gì mình viết. Vậy nên tôi nghĩ muốn viết chi cũng phải viết với trách nhiệm của mình. Với độc giả, với xã hội và với lương tâm của chính mình.
Viết cũng như đi giây làm xiếc. Không những cần vững tay để khỏi té mà còn phải trình diễn cho hay.

 

LTT: Nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần nhận định: “Cho hay văn cốt để cảm người, mà khi cảm xúc đã cực mạnh thì cứ bình dị, tự nhiên diễn nỗi lòng của mình ra là đủ. Kỹ thuật lúc đó không còn cần thiết nữa.” (9). Và rồi tôi lại được anh chia sẻ: “Khi viết phiếm tôi cũng cố viết theo kiểu “trơn tuột như lời nói”. Như trò chuyện với độc giả.”, như vậy, có được văn phong “trơn tuột như lời nói” cũng đã là một kỹ thuật khó khăn lắm rồi! Phải thế không anh?

ST: Tôi thấy vấn đề không phải là kỹ thuật. Văn phong là con người tác giả. Cứ thành thật khi viết là ló ra cái văn phong riêng của mình. Nếu điệu đà bắt chước lối viết của người này người kia thì độc giả biết ngay là…đồ giả! Nhưng xây dựng truyện thì quả có kỹ thuật xen vào. Đó là cách đóng mở, thêm gia vị tiêu hành tỏi mắm vào một cách vừa phải, không lạt quá mà cũng không mặn quá.

 

LTT: Ngoài Phiếm và Truyện, anh có lần nào mê dịch thuật không? Nếu có, anh thường dịch các tác phẩm văn chương hay báo chí và sách tiếng Pháp hay sách tiếng Anh? Công việc dịch thuật ấy có giúp cho công việc trước tác của anh nhiều lắm không ? Nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần cho rằng “Dịch văn cũng là một cách luyện văn” (10), theo anh có đúng vậy không?

ST: Trước đây, khi làm báo ở Sài Gòn, tôi cũng thường hay dịch, nhất là dịch truyện ngắn trên báo Văn Học do Dương Kiền và Phan Kim Thịnh chủ trương. Nhưng từ lúc sang bên đây, khi còn đi làm thì kiếm ra giờ để viết cũng không đủ lấy đâu giờ để dịch. Bây giờ nghỉ làm thì lại lậm vào chuyện viết phiếm. Phiếm đã lấy hết thời giờ của tôi.
Dịch có cái thú của dịch, chỉ hơi mỏi tay khi đánh vật với những cuốn từ điển! Đó là nói về những dịch giả cẩn tắc, thận trọng trong công việc của mình. Nếu dịch qua quít theo kiểu…mắc dịch thì lại khác, ít mỏi tay hơn. Cho tới bây giờ, tôi luôn luôn quý trọng những dịch giả. Họ là những người nối hai đầu cấu của ngôn ngữ làm phong phú thêm cho văn học và làm cho những người không cùng chung một ngôn ngữ có thể xáp lại gần nhau hơn.

 

LTT:
Trước khi dừng lại ở đây, tôi vẫn mơ có một ngày nào đó được đọc thêm truyện mới của anh, bởi lẽ, với cái nhìn rất chủ quan và thô thiển của tôi, Phiếm của Song Thao là sự đời muôn mặt và Truyện của Song Thao là tâm hồn của một nhà văn trôi bềnh bồng trên những trang sách dễ thương biết bao!
Xin chân thành cảm ơn anh đã bỏ thì giờ chia sẻ cùng bạn đọc về Phiếm, về Truyện rất chí tình. Kính chúc anh chị dồi dào sức khoẻ, vạn an, hạnh phúc.

ST: Tôi vẫn còn mê chữ nghĩa lắm và chắc không bao giờ hết mê. Hai thể loại mà tôi thường viết là truyện và phiếm tôi đều mê cả. Không hiểu tại sao tôi lại đa mang như vậy. Bởi thế nên tôi cũng hy vọng một lúc nào đó, khi các nhân vật truyện tới đòi nợ tôi, tôi sẽ có truyện mới để anh đọc. Anh cứ xúi các nhân vật truyện đi, vẻ chân thật và nhiệt thành của anh coi bộ cũng được việc lắm đấy!
Xin cám ơn anh đã đặt ra cho tôi những câu hỏi mà tôi chắc anh cũng phải dày công nghĩ ngợi. Cám ơn anh đã cho tôi cơ hội để có dịp trò chuyện với anh và với các độc giả.
Xin cám ơn quý vị đã chịu khó theo dõi cuộc chuyện trò của anh em chúng tôi.

Houston, ngày 20 tháng 11 năm 2011.


Phụ chú:
1/ "Cổ Văn Trung Quốc", Nguyễn Hiến Lê dịch, nhà Tao Đàn xuất bản, Sài Gòn, 1966, trang 252.
2/ Tập truyện Bỏ Chốn Mù Sương của Song Thao, nhà xuất bản Kinh Đô, Hoa Kỳ, năm 1993.
3/ Bên Lưng Những Con Chữ của Song Thao, nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ, năm 2003.
4/ Theo Dòng Thác trong tập truyện Bỏ chốn Mù Sương (sđd), trang 51.
5/Tập truyện “Bỏ Chốn Mù Sương , sđd, trang 63.
6/ Tập Truyện “Bên Lưng Những Con Chữ”,sđd, trang 187.
7/ Tập truyện Bỏ Chốn Mù Sương”, sđd, trang 167.
8/ Tập truyện Bên Lưng Những Con Chữ, sđd, trang 123.
9/ Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 272.
10/ Luyện Văn của Nguyễn Hiến Lê, quyển 3, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, Sài gòn,