Trả lời Nguyễn Mạnh Trinh

Trả lời báo VĂN HỌC

Trả lời Quỳnh My

Trả lời Lê Quỳnh Mai

Trả lời Lê Bảo Hoàng

Trả lời độc giả trang dutule.com

VẤN - Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Song Thao qua bà Lê Diệu Hương

Lương Thư Trung - Vài phút với nhà văn Song Thao

"GẶP LẠI VUA "PHIẾM"- Trả lời Hồ Đình Nghiêm

Trò chuyện cùng người viết Phiếm Song Thao

GẶP LẠI VUA "PHIẾM"

HỒ ĐÌNH NGHIÊM thực hiện

Nhà văn Song Thao gốc người Hà Nội 9 nút, sang đây anh là láng giềng của tôi. Nếu cả gan mang thơ Nguyễn Bính ra nhào nặn: “Nhà anh ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu văn thơ xanh rờn”.

Nhà anh to nhà tôi bé bởi tôi lỡ “kế hoạch”, trong khi anh có số đông con, khó đếm, đâu chừng trên dưới 35 đứa, sòn sòn đẻ năm một và xem chừng chưa mỏi gối chồn chân. Tôi từng trêu ngươi buông lời ghẹo chuyện mắn đẻ nhưng nể tình hàng xóm, anh cười: Vậy là cắt đầu gối chú mi chẳng còn chảy máu? Hôm nay tôi cắt hàng rào đột nhập nhà anh, hú hồn, anh vẫn vui vẻ đón tiếp.

 

Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thưa anh Song Thao, đây là lần thứ hai tôi được hầu chuyện cùng anh. Lần trước là bài “Vấn” dễ chừng đã rơi vào quên lãng, đã “buốt xuân thì” như cách nói của Trịnh Công Sơn. Xin hỏi, sức khỏe anh dạo nầy ra sao ạ?

Song Thao (ST): Mình nói chuyện lai rai qua bàn nhậu thì nhiều nhưng nói chuyện qua giấy bút thì đây là lần thứ hai. Nhắc lại mới thấy chuyện này là quan trọng, phải giữ gìn cân nhắc từng câu từng chữ. Nghiêm làm khó anh em quá. Nhưng lâu lâu phải làm… nghiêm vậy cho ra vẻ kẻo cứ luông tuồng bên bàn nhậu mất nghiêm trang đi.
Sức khỏe của tôi cứ lai rai, còn đi đứng được là vui rồi. Cũng có vài thứ làm rộn nhưng sống dai thì phải chịu thôi. Chuyện gì cũng có cái giá của nó. Tôi mới mổ mắt, vừa cataract vừa glaucoma, dân ta gọi là cườm khô và cườm nước. Vừa khô vừa nước, nói mà nhớ tới hủ tiếu Nam Vang. Anh dùng hủ tiếu khô hay hủ tiếu nước ạ? Cái thứ hai làm rộn mình là răng. Cứ nay nhổ một chiếc mốt mất một chiếc. Hàm răng cứ thưa dần quân số. Vừa mất thẩm mỹ vừa thiệt thòi khi ăn uống.
Thôi! Chẳng nên nói chuyện này nữa. Nhìn quanh bạn bè còn chịu nhiều nỗi đau khổ bệnh tật hơn, chuyện mình có chút xíu, có ra chi đâu mà ngôn!

 

HĐN: Bây giờ giả mà anh than, kiểu của nhà thơ Luân Hoán, thì tôi cũng không tin đâu. Anh khỏe quá mà, Phiếm số 19 còn thơm mùi giấy mực. Người đọc vẫn mong ngóng đón đợi hay số lượng có phần nào vơi đi, thưa anh?

ST: Nghiêm nói viết khỏe hả? Thực ra có chi đâu, cố dùng đầu óc chút đỉnh cho khỏi bị quên, đồng thời cũng không bị đời lãng quên. Như một thứ thể dục trí óc ấy mà. Vậy mà cái bệnh quên nó cũng không quên mình. Bi chừ muốn làm chi là phải làm liền, để chút xíu nữa là quên khuấy đi. Cái quên ác nhất là quên tên người. Gặp người quen, mặt thì rõ nhưng tên người ta thì biến mất tiêu. Nói năng vì vậy cứ ấm a ấm ớ. Lại khi đang chuyện ngon trớn bỗng khựng lại vì chữ định nói tự nhiên biến mất, để lại cái đầu trắng bóc!
Sở dĩ Phiếm có tới tập 19 là vì mỗi tuần phải mỗi phiếm. Chậm gửi bài là mấy ông chủ bút các báo la oai oải. Ông thì ở Canada, ông thì ở Mỹ, ông thì ở Úc, các ông ấy hợp nhau la thì đó là thứ la… quốc tế. Chịu chi thấu!

 

HĐN: Tiền nhân quả có yếm thế và khiêm nhượng khi bảo “mua vui cũng được một vài trống canh”. Tôi nghĩ Phiếm của anh vô tình chống đối lời than ấy. Chị tôi, một độc giả thầm lặng vẫn xem sách anh ngày này qua tháng nọ, thay mặt chị, tôi xin cảm ơn sức mạnh của những con chữ anh gầy dựng nên. Hẳn anh có chán khối những phản hồi thuận lợi, thứ niềm vui tinh thần khiến mình “sung”? Số 20 bao giờ ra đời hở anh?

ST: Phiếm còn lai rai tới bây giờ là nhờ độc giả cho nước đường qua gặp gỡ, qua internet hay qua phôn. Biết là nước đường nhưng vẫn cứ khoái, chẳng sợ “đái đường”, bởi vì chúng ngọt ngào quá. Mật ngọt chết ruồi huống chi là… Song Thao!
Phiếm 20? Nghe hấp dẫn đấy vì đó là một con số chẵn chòi. Con số đánh dấu thêm một chặng đường. Nhưng tùy hứng như tôi thì… tùy. Chừng nào thấy đủ số bài cho một cuốn sách 400 trang là in. Bi chừ chuyện in ấn có cái áo của ông Amazon cho mình nắm nên cũng dễ dàng. Nhớ hơn một năm trước, chuyện in ấn coi bộ… tan hàng cố gắng. Vậy mà ông Amazon với chiêu in từng cuốn đã giải cứu cho các tác giả Việt Nam. Tôi nhớ ông bạn Trường Kỳ khi sinh tiền hay nhắc câu Thánh Kinh đại khái: khi Chúa đóng cánh cửa này thì Ngài lại mở một cánh cửa khác. Tôi dè chừng chắc Chúa bảo ông Amazon mở cánh cửa cho văn học hải ngoại chúng ta.

 

HĐN: Tôi xin được thăm dò ý anh, câu hỏi mà tôi từng đặt ra cho nhà thơ Hoàng Xuân Sơn: Cớ sao giờ nầy văn xuôi đâm khan hiếm trên “thị trường chữ nghĩa”. Người ta thích đọc thơ hơn? Hoặc người ta không có nhiều thời gian?

ST: Nghiêm thấy vậy sao? Tôi thấy văn xuôi, nhất là hồi ký, vẫn được xuất bản ào ào. Có người đọc hay không là chuyện khác. Văn xuôi có nhường bước cho thơ đâu. Nhưng chẳng nên nói kẻo ông Luân Hoán ông ấy buồn, tội nghiệp!

 

HĐN: Để ý thấy anh đi du lịch lắm xứ sở vùng miền. Theo anh, một nhà văn cần dịch chuyển thay đổi nơi chốn, quan trọng hơn một kẻ có văn tài mãi bị “cấm cung”? Điều nầy có vẻ liên quan tới lợi thế của sự tự do và mặt khác, bị kiểm duyệt quản thúc?

ST: Đi tạo cho mình sự sảng khoái. Nằm mãi trên chiếc giường của mình cũng chán, lâu lâu nên đổi nằm giường khách sạn. Nhưng nằm giường khách sạn lâu lại đâm nhớ cái giường nhà. Con người khó chịu như vậy đó. Có sảng khoái, lại được nhìn ngang nhìn ngửa cảnh lạ, quả có thêm nhiều thứ để viết. Nhưng không biết các nhà… viết khác ra sao, tôi không viết trên giường nên chuyện đi đứng, tuy có thêm chút hứng viết, nhưng không phải là chuyện sinh tử cho người viết. Được biết ông Luân Hoán hay viết trên giường, Nghiêm hỏi thử bạn mình coi sao.
Còn chuyện kiểm duyệt thì ở đâu và bao giờ cũng có. Không có cơ quan kiểm duyệt của nhà nước thì có hệ thống kiểm duyệt tư nhân. Anh tư nhân sát sao bên mình hơn anh nhà nước. Cũng đành chịu thôi!

 

HĐN: Anh có hy vọng về một tương lai gần, Phiếm được in ấn và phát hành rộng rãi ở trong nước? Bởi công tâm mà nói, Phiếm đâu có mang ý đồ đả phá chế độ, đằng khác nó giúp mở rộng tri thức cho người đọc trong nước.

ST: Cái mình viết ra là thứ “văn mình”. Tác giả nào cũng khoái được đông đảo người đọc. Người đọc ở hải ngoại thưa thớt và… lão hóa dần. Nếu có thêm một số lượng lớn độc giả trẻ trung hơn là điều người viết nào cũng thích. Nhưng nếu in ở trong nước mà phải cắt xén, sửa sang cho vừa lòng… ai thì xin miễn.

 

HĐN: Phiếm chiếm nhiều thời giờ của anh? Anh có tìm ra khe hở để chiều lòng “em” truyện ngắn bấy chầy anh lỡ phụ rẫy?

ST: Phụ rẫy? Nói chi mà như chuyện cơm với phở. Phiếm không hẳn là phở, truyện ngắn không hẳn là cơm. Kể ra với tình trạng răng cộ chiếc còn chiếc mất thì chuyện ăn uống cứ cái chi mềm là khoái. Chẳng cứ cơm hay phở. Khi tôi bắt đầu viết phiếm, anh Nguyễn Mộng Giác vỗ tay rất giòn. Anh bảo khi tới cái tuổi không còn chi để chia sẻ thì nên buông tay viết. Việc tôi quẹo qua phiếm, theo anh Giác, là chuyện rất nên. Vậy là tôi cứ nhắm mắt bước theo con đường anh Giác vỗ tay. Vậy nên không có chuyện phụ rẫy mà là chuyện tôi lạc trong tiếng vỗ tay của anh Giác. Nay anh đã qua cõi khác, tiếng vỗ tay không còn nhưng dư âm vẫn còn. Tôi vẫn mãi đi lạc!

 

HĐN: Tôi hỏi một câu hơi lạc đề: Anh có mở Facebook? Sinh hoạt trong cõi ấy nó có gieo cho anh niềm vui nỗi buồn nào không? Nếu anh bảo “vui lắm” vẽ đường cho hươu chạy thì tôi sẽ làm đứa lạc hậu để thử “nhắm mắt đưa chân có bận liều” như cụ Bùi Giáng nói.

ST: Kỳ thật! Câu hỏi của Nghiêm tới đúng lúc Facebook của tôi bị hack. Tự nhiên có một tên cha căng chú kiết nào nhảy vào nhận Facebook của tôi là của hắn. Rồi hắn nhờ người mua cái này, nhờ người mua cái khác. Có người ở Việt Nam nhận được lời yêu cầu mua thẻ cào điện thoại. Chúa ơi! Tôi có biết cái thẻ cào mặt mũi nó ra làm sao đâu!
Cái nạn Facebook, tới giờ này vẫn chưa gỡ ra. Bực cái mình! Nghe vậy tưởng tôi không mặn mà với Facebook nhưng thực ra vẫn khoái cái “làng thế giới” này lắm. Trong đó mình gặp bạn bè ở khắp chân trời góc biển, thăm hỏi nhau, giỡn chơi với nhau, biết tin tức của nhau. Tin tức về người này người kia được thông báo cho nhau đầy đủ. Tóm lại: vui lắm! Nghiêm cứ đưa chân mà không cần nhắm mắt. Cứ mở mắt ắt thấy ánh sáng.

 

HĐN: Giáng Sinh tới, tôi dự tính in thêm một tập truyện, anh có nhín thời giờ viết cho tôi một cái tựa không? Nhà thơ Luân Hoán từng nói: Dựa hơi bè bạn. Và tôi đang ưa dựa hơi… ba chàng ngự lâm vó câu hý lộng chốn nầy.

ST: Có một lần tôi sửa soạn in một cuốn truyện, có nói với anh Trần Doãn Nho viết cho cái tựa hay bạt chi đó. Anh Nho “mắng” cho một trận. Tại sao lại cần người khác viết? Đã có tí ti tiếng tăm trên văn đàn thì đi trên đôi chân của mình, cần chi phải dựa vào người khác! Và anh không viết. Tôi cũng không nhờ ai viết nữa. Hãy đi bằng đôi chân của mình, nhất là bi chừ Nghiêm có thêm một chân nữa. Đùa chơi tí chút cho vui. Ý muốn nhắc lời các cụ: vững như kiềng ba chân!

 

HĐN: Thành thật cảm ơn nhà văn Song Thao, thay vì đi cà phê đã đóng cửa ngồi nhà, mở khi tôi vừa đưa tay gõ. Cho tôi kính gửi lời thăm chị, người cùng quê cũ với tôi.

ST: Cám ơn Nghiêm đã cho tôi cơ hội nói nhăng nói cuội cho vui. Niềm vui hình như hao hụt theo thời gian, có thêm chút nào quý chút nấy.
Cám ơn lời thăm hỏi người cùng quê Huế mình. Hay là “phố mình”?

07/2017

Song Thao qua nét vẽ của Duyên.