Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

GÒ BỒNG ĐẢO

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông

Bà Chúa thơ nôm đã gợi lên hình ảnh một thiếu nữ ngủ ngày tượng hình như vậy. Gò bồng đảo! Nghe ra những núi những đồi. Cũng nói tới cái gò bồng đảo, nhà văn Nguyễn Văn Thà huỵch toẹt hơn, ông chơi ngay cái tên một tập truyện mới xuất bản của ông là Người Thích Nhìn Vú! Hồ Xuân Hương sống ở thế kỷ thứ 19, tập truyện của Nguyễn Văn Thà xuất bản đầu thế kỷ thứ 21. Ngót nghét  hai thế kỷ người ta mới gọi tên được vật nào ra đúng vật đó chăng? Hay là vì một đằng là thơ, một đằng là truyện? Thơ thì mơ hồ hơn, truyện thì thực tế hơn. Đúng chăng? Thế thơ của Đỗ Kh thì sao? Cũng là thơ mà cái gì gọi đúng tên cái đó, các nhà đạo đức cứ nhắm tít mắt lại mà vẫn toát mồ hôi hột.

Đàn ông có một cơ phận cũng đầy đủ tình tiết hoa văn như đàn bà. Như hệt nhau. Chỉ có mỗi cái tội nó không phồng lên. Mà nó không phồng lên thì thật vô duyên và vô dụng. Chỉ có nhìn không cũng phát chán. Cái đó người ta thoải mái gọi là vú. Cũng cái đó mà phồng lên thì gọi như vậy là khiếm nhã.

Như vậy khác nhau ở chỗ một đằng dẹp lép như cái màn hình TV flat screen, một đằng ngạo nghễ vươn lên như thách thức với cặp mắt của thiên hạ. Mà tại sao Con Tạo lại xoay vần cho ra nông nỗi bất công như thế? Một đằng cho chẳng thèm lấy, nhìn còn phải bĩu môi. Một đằng đắt giá như vàng như ngọc, nhìn chẳng muốn rời mắt. Con Tạo đâu phải là một nhà vẽ kiểu mẫu tùy tiện, vậy sự phồng lên là có lý do. Mà lý do sinh tồn hẳn hoi.

Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con?

Phồng lên như vậy là để chứa sữa nuôi con. Đó là nhiệm vụ chính, theo ý Hóa Công, của cặp hoa sữa.

Vú để nuôi con, nghe như chuyện thần thoại! Báo chí ở thành phố Montréal nơi tôi trú ngụ đã mấy lần rộ lên vì chuyện này. Một bà vạch vú cho con bú trong một thương xá đã bị chú bảo vệ bắt đậy lại đuổi đi. Một bà khác nuôi con bằng bình sữa thiên nhiên nơi phòng đợi tòa án cũng bị phú lít mời ra ngoài. Vậy thì nhũ hoa đâu có phải là cái bình chứa sữa! Sữa đã không kể tới thì bình chứa sữa mới đáng đồng tiền bát gạo chắc?

Đầu thập niên 60, Sinh Viên Đoàn của Đại Học Văn Khoa Saigon ra đặc san Xuân Văn Khoa. Năm đó, Hồng Khắc Kim Mai có góp vào một bài thơ. Cô sinh viên mới toanh vừa từ trường tây lên Đại Học đã làm sững sờ ban biên tập với bài thơ bất ngờ đó. Đã lâu rồi, tôi không còn nhớ tên bài thơ. Chỉ còn nhớ được hai câu:

Ngực em tròn rất tròn
Nhấp nhô từng hơi thở

Và nhớ thêm được một câu có lẽ là câu kết. Ngực để phần anh, sữa phần con. Như vậy là phân minh rõ ràng. Mọi người vui vẻ cả. Con chỉ cần sữa, cần chi đến cái bình. Miệng anh quen uống la ve, cần chi đến sữa, chỉ cần bình. Cái bình tự nhiên phải chuyển hướng. Nó đang từ một cơ phận sinh tồn chuyển sang thành một món đồ mỹ thuật. Dáng hình trái chanh, trái cam, trái lê, trái bưởi hay trái dừa đều thuộc dạng mỹ thuật cả. Không những thế, mới đây nó còn dính dáng tới... chính trị nữa!

Ông tài tử Arnold Schwarzenegger bỗng nhiên nổi hứng ra ứng cử chức Thống Đốc tiểu bang California. Vai u thịt bắp ra làm chính trị thật phiền. Phiền hơn nữa là ông có vẻ ăn khách, hạng nhất trong bảng thăm dò, bỏ xa hơn trăm ứng cử viên khác lếch thếch theo sau. Gần tới ngày bỏ phiếu, báo Los Angeles Times tung ra tin ông có những cử chỉ sàm sỡ với ít nhất 6 phụ nữ. Ông trâng tráo dùng tay thám hiểm leo đèo lặn suối suốt từ nam chí bắc! Lời tố cáo kéo theo ít nhất là 4 phụ nữ khác đứng ra tố cáo ông tài tử này đã nham nhở với các bà. Tình hình miền bắc được ghi nhận như sau: ông đã bóp ngực trái của một cô đấu thủ bóng chuyền; rờ ngực cô phóng viên Anna Richardson, lúc đó 29 tuổi, để xem ngực thật hay giả; lột áo tắm một cô làm việc cho đoàn quay phim The Terminator 2 mà ông đóng vai chính; theo bà Tanne Smith vào tận phòng tắm của phim trường để bóp ngực!

Người say mê bình như vậy vẫn được dân chúng bầu làm Thống Đốc. Say mê mỹ thuật đâu phải là một cái tội! Có cầu như vậy mới có cung. Hình trái gì thì trái, bình phải có mỹ thuật. Không mỹ thuật phải tạo cho nó vẻ mỹ thuật.

Thời trước, người ta dùng cao su làm thành những cái nắp bình đậy thêm vào cho nó gồ ghề. Thể tích bình tăng thêm mà mắt thiên hạ chẳng biết được. Không biết nên những người thích ngắm bình mới đưa mắt hỏi nhau. Có ông NĐQ nằm vùng không? Ông tỷ phú NĐQ bị nhốt vào một cách oan uổng. Ông chỉ có cái tội là giầu quá. Giầu đến nỗi là chủ nhân ông của hầu hết đồn điền cao su ở miền Nam hồi đó!

Thời thế thay đổi, cao su mất giá. Tội gì mà cứ phải nâng nâng nắn nắn kiểm tra xem nó có tụt lên tụt xuống, cái nọ nghênh ngáo với cái kia không? Chi bằng chơi ngay một đường silicone nhét vào trong cho chắc ăn. Có một thời, một hai ba, chúng ta rủ nhau đi nhồi silicone. Các chuyên gia sửa sắc đẹp đếm bạc mỏi tay. Bình nào bình nấy cứ vênh lên kênh kiệu. Trông phát ghét!

Tia mắt của con người là một thứ dùi xoáy hết sức độc địa. Silicone cái thì bể, cái thì ọp ẹp, cái thì co rút. Bình đang phơi phới bỗng như bún gặp mưa. Thiu rữa ra. Trên TV, tôi đã thấy sự thương tâm của những chiếc bình gặp tai họa này. Trông thảm lắm! Nó không còn ra cái bình nữa. Những người có thẩm quyền vội vã ra tay. Chẳng nên gia cố bình bằng silicone nữa.

Ở xứ Canada của tôi, từ tháng giêng năm 1992, chính phủ đã ra lệnh đình chỉ dùng silicone, và các nhà sản xuất đã phải thu hồi tất cả “hàng hóa” về. Ngoài những nguy hại kể trên, nguy hại về ung thư ngực là quan trọng hơn cả. Theo thống kê thì từ năm 1974 đến năm 1999, đã có 40.000 phụ nữ ở hai tỉnh bang Quebec và Ontario dùng silicone bị dính ung thư, một con số gấp đôi những người không dùng silicone. Lệnh này ghi rõ rằng, chỉ được dùng silicone cho những trường hợp khẩn cấp nếu những chữa trị thông thường của khoa vật lý trị liệu không hiệu quả, không có sẵn hoặc không thích hợp với bệnh nhân. Lệnh cũng thiết lập ra một Ủy ban theo dõi việc điều trị. Các bác sĩ điều trị phải được phép của Ủy ban cho mỗi trường hợp cũng như phải thông báo trước cho bệnh nhân về những nguy hiểm có thể xẩy ra. Cuối tháng 10 năm 2003 này, báo chí lại phải trở lại chuyện silicone vì có những lỗ hổng trong lệnh cấm mà các ngài bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ lách qua được. Các ngài bác sĩ gân cổ lên cãi làm gì có chuyện đó. Họ vẫn theo đúng luật. Nhà nước cũng cho biết họ vẫn theo đúng luật để bảo vệ cho các bệnh nhân. Ở các nước khác không biết ra sao, chứ các loại bình ở xứ Lá Phong này vẫn được bảo vệ vững chắc!

Silicone, cao su là những thứ vô tri như gỗ đá. Nó làm hỏng mất vẻ mềm mại, dịu mát của khu đồi núi địa đàng. Cái vùng quyến rũ ngà ngọc đó lúc nào cũng vương vấn những tâm hồn lãng mạn. Khi được phủ kín, nó có cái quyến rũ của vùng đất cấm. Khi nửa kín nửa hở, nó có cái ỡm ờ mời mọc của một thứ trái ngon. Khi lồ lộ dưới ánh mặt trời, nó có cái thỏa thuê níu kéo.

Bạn tôi, ông Đức Phổ, đã mộng như thế này khi lên miền cao gặp được sơn nữ.

qua đồi chạm cánh sim rơi
có cô sơn nữ nằm phơi sơn tình
chút lòng hoang dã mong manh
treo trăm nỗi mộng trên cành chiêm bao.

Cũng bạn tôi, ông Luân Hoán, đã lạc vào vô thường khi tình cờ ghé mắt vào thiên cung.

thấy em thay áo, tình cờ
lòng khi không mọc vạt thơ phiêu bồng
không tim, không phổi bên trong
chỉ loi ngoi cái nọc lòng thanh xuân
giữa sông trăng, bỗng lừng khừng
cắm sào vọc gió nghìn trùng thổi qua
long lanh rớt giọt sương già
thanh tân địa phủ trổ hoa vô thường

Tôi đã nhắc tới tác giả Nguyễn văn Thà và tập truyện Người Thích Nhìn Vú. Người chuộng “mỹ thuật” mà ông Nguyễn Văn Thà nhắc tới là một cố đạo Tây sống trên miền núi nước Việt. Từ cửa sổ phòng ông nhìn ra là một dáng núi tượng hình một người đàn bà nằm khỏa thân mà ông say mê nhìn ngắm. Rõ nét nhất của dáng tượng này là đôi gò bồng đảo. Lẩn trong hang núi là những thạch nhũ mang hình những chiếc vú nhỏ nước xuống. Ông cố đạo Tây thường vào trong đám thạch nhũ này, “tịnh thất” của ông, và trong một lần đi ông đã không trở về. Ông bị giết trong một cuộc chạm súng.

Đọc xong truyện mới thấy ông tác giả này... ăn gian. Ông xài vú... giả!

11/2003