Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

NÓI

Nói thương mà ở chẳng thương,
Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng.
Đêm qua khi lạnh khi nồng,
Khi đắp áo ngắn khi chung áo dài.
Bây giờ chàng đã nghe ai,
Áo ngắn chẳng đắp, áo dài không chung?

Lời trách rất ca dao. Trách thì vẫn trách, thương thì vẫn thương. Anh chàng hai lòng nói từ miệng thì khác nhưng trong tâm lại có ý khác. Cái miệng nói, nó lắt léo dễ sợ. Cùng một lời nói, nghĩa bắn ra mọi hướng. Ghi nhận về nói, phong phú lắm. Nói cạnh, nói khóe, nói chua, nói dóc, nói dối, nói điêu, nói gần nói xa, nói hươu nói vượn, nói khan nói vã, nói kháy, nói khéo, nói láo, nói lóng, nói nhăng nói cuội, nói phách, nói phét, nói suông, nói thánh nói tướng, nói trộm, nói xa nói gần, nói xấu, nói xỏ...

Trong cơ thể người ta, cái miệng là thứ lắt léo hơn cả. Nhưng cái miệng, tự nó đâu có nói được. Chẳng qua nó chỉ là cái lỗ để cho hơi thoát ra. Làn hơi chui ra, hơi nào cũng như hơi nào, khác nhau họa chăng chỉ có ngắn dài, mạnh nhẹ. Cái lưỡi nằm ở bên trong mới lắm chuyện!

Một hôm, người chủ nhà bảo tên đầy tớ rằng: “Mày ra bắt con lợn đem làm thịt, và xem cái gì ngon hơn cả, thì đem về đây cho tao.”
Tên đầy tớ vâng lời, bắt lợn giết, và lấy cái lưỡi đem vào hầu chủ.
Mấy hôm sau, người chủ muốn thử tên đầy tớ, lại bảo nó đi làm thịt con lợn khác và dặn rằng: “Xem có cái gì không ngon hơn cả thì đem vào.”
Tên đầy tớ làm lợn xong, lại đem cái lưỡi vào cho chủ.
Người chủ hỏi: “Thằng này láo! Sao lần này mày lại đem lưỡi vào cho tao như lần trước?”
“Thưa ông, cũng một cái lưỡi, khi tử tế ra thì không có gì tốt cho bằng, nhưng khi độc ác, thì lại không có gì xấu cho bằng.”

Lợn có biết nói không nhỉ? Nói gì được! Chỉ có con người mới biết nói. Loài vật, kể cả loài linh trưởng, đâu có... láo lếu được như con người. Quốc Văn Giáo Khoa Thư là sách dậy cho con trẻ nên người. Chẳng lẽ lại đi cắt cái lưỡi người để dậy trẻ? Con ủn ỉn được đưa ra làm... bung xung. Lưỡi lợn được... nhân cách hóa! Ai bảo các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận không thâm?

Cái miệng hợp lực với cái lưỡi phát ra tiếng nói. Đó là hai “nhân vật” chính. Phụ vào còn thanh quản, làn hơi... Phụ nhưng ép phê lắm. Không có thanh quản, khào khào liền. Không có làn hơi, có ghé sát tai vào cũng chẳng ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ là ký hiệu chung của một tập thể con người, thường là một quốc gia. Những thanh âm phát ra đã được gán cho một ý nghĩa. Đồng ý chung với nhau về cái nghĩa đó, ngôn ngữ trở thành một thông tin giữa con người có chung một ngôn ngữ với nhau. Khác luồng thông tin, ngôn ngữ đâm ra... bơ vơ, chẳng có ý nghĩa gì cả. Muốn hiểu được nhau, người ta cần phải có người thông dịch.

Một nhà văn Mỹ đến nói chuyện tại một trường Đại Học ở Nhật Bản. Vì ngôn ngữ bất đồng nên phải cần tới một thông dịch viên. Nhà văn kể một mạch một truyện vui khá dài rồi ngưng lại để anh thông ngôn làm việc. Diễn giả rất ngạc nhiên trước việc anh ta chỉ nói có vài câu mà tất cả sinh viên đều cười ồ lên. Lúc kết thúc bài nói chuyện, nhà văn cảm ơn anh chàng thông dịch viên vì đã dịch rất giỏi. Ông hỏi :
“ Làm thế nào mà chỉ cần vài lời thôi anh đã chuyển cả một câu chuyện cười dài như vậy sang tiếng Nhật?”
Anh chàng thông dịch viên tự hào :
“ Tôi không thuật lại câu chuyện mà chỉ nói với họ là ông vừa kể một truyện cười và đề nghị cả hội trường cười to lên!”

Cái anh thông dịch viên này... ma lanh! Thua xa mấy anh chị thông dịch đứng đắn đàng hoàng, Như những thông dịch viên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước. Tôi đã có lần vào nghe lóm một buổi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc họp tại trụ sở này. Mấy anh chị thông dịch thật dễ nể. Mấy ông bà chức sắc, đại diện hơn một trăm quốc gia, tranh luận gay gắt đến như... cãi lộn. Qua chiếc máy nghe, các thông dịch viên cũng... cãi lộn! Họ cũng lên bổng xuống trầm, cũng năng nổ, cũng hùng hồn, cũng bỏ nhẹ, cũng giận dữ, cũng thiết tha chẳng kém gì nhân vật mà họ đang... núp bóng! Nhìn vào cử chỉ như... đóng tuồng của các chính khách, nghe giọng thông dịch, thấy y như được nghe chính các chính khách ấy đang nói thứ ngôn ngữ mình đang nghe. Nếu cần đập bàn đập ghế, các thông dịch viên cũng đập như ai! Cái miệng họ là cái miệng cho mượn, nhưng cho mượn một cách... trọn vẹn!

Từ thứ tiếng này qua thứ tiếng khác, không hiểu nhau, đã đành. Cùng nói một thứ tiếng mà cái tai của người này vẫn có thể làm ngơ với cái miệng của người kia. Thế mới... chia rẽ. Cố ý làm ngơ, không kể. Đó là một thái độ! Nhưng lắng nghe, cố nghe mà vẫn như vịt nghe sấm, cái đó mới phiền hà!

Tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết, hơn một triệu dân chúng miền Bắc đã bỏ phiếu bằng chân không chấp nhận sống chung với Cộng sản. Trong hơn một triệu người đó, có một thằng nhỏ là tôi. Chân ướt chân ráo tới Saigon, gia đình tôi trú ngụ tạm thời tại nhà ông bác tôi trên đường Lê Thánh Tôn, ngay sát chợ Bến Thành. Sáng đầu tiên trên đất... khách, vừa ló đầu ra cửa, tôi đụng ngay một đám cãi lộn ngay bên hông chợ. Hai chị bán hàng tranh cãi mù mịt khói lửa, người đứng chung quanh hào hứng sẵn sàng châm thêm dầu. Tôi há miệng đứng coi như đang xem phim nói tiếng ngoại quốc không có phụ đề. Đôi tai tôi... bơ vơ. Có lắng nghe đó nhưng chẳng hiểu gì ráo trọi! Vậy mà cũng tò mò đứng vểnh tai cho tới khi... hạ màn. Quay trở vào nhà, ông bác tôi hỏi họ cãi lộn chuyện gì vậy? Đành phải thú thật nghe mà không hiểu gì cả làm cả nhà được một trận cười vui do thằng cháu Bắc kỳ di cư ngây ngô trình diễn!

Năm 1985, tôi bỏ phiếu thêm một lần nữa. Lần này lá phiếu đưa tôi tới một... trận địa ngôn ngữ. Cuộc tranh chấp giữa tiếng Anh và tiếng Pháp. Đúng ra là anh thiểu số tiếng Pháp... đòi quyền sống. Thành phố Montréal nơi tôi ngụ cư, người dân phần lớn nói được cả hai thứ tiếng nhưng hai thứ tiếng luôn luôn... háy nguýt nhau. Nói tiếng Pháp ở khu Anh hay nói tiếng Anh ở khu Pháp phiền hà lắm. Cái mặt mình lúc nào cũng là mặt lạ. Ngôn ngữ, sao nó hại nhau kỹ thế! Hại nhau từ ngoài đường vào tới trong nhà. Vào tới nhà, lại thêm một cuộc tương tranh nữa. Anh tiếng... mẹ đẻ nhẩy vô!

Trẻ em ở tỉnh bang Québec hầu như bị bắt buộc phải học bằng tiếng Pháp ở bậc Tiểu Học và Trung Học. Lên tới Cao Đẳng (gọi là CEGEP) mới được... tung tăng. Muốn Anh thì Anh, muốn Pháp thì Pháp. Sau hai năm Cao Đẳng, lên Đại Học cũng... rứa. Về nhà, trong các gia đình di dân tỵ nạn, ngôn ngữ được dùng thường là tiếng mẹ đẻ, thứ ngôn ngữ tình cảm mà các bậc cha mẹ thường nhiệt thành gìn giữ. Theo cuộc thăm dò các em dưới 24 tuổi ở Montréal do Association of Canadian Studies thực hiện mới đây thì các trẻ em di dân thường dùng tiếng mẹ đẻ trong nhà. Mạnh nhất là trẻ em Do Thái 95%, thứ nhì là trẻ em Nga 90%, thứ ba là trẻ em Việt Nam 89%. Yếu nhất là trẻ em Ý 32%.

Ngôn ngữ chẳng phải chỉ gây phiền hà cho con người mà còn ảnh hưởng tới... chó tuy chó chỉ biết nghe mà không biết nói. Anh Yvan Tessier, 39 tuổi, người gốc Pháp, cư ngụ tại Montréal, khiếm thị, có nuôi một chú chó dắt đường. Tháng 3 vừa qua, anh nhận được học bổng để đi học một khóa tiếng Anh cấp tốc trong 5 tuần lễ tại trường Đại Học New Brunswich, một tỉnh bang kế cận với tỉnh bang Québec. Dĩ nhiên anh phải mang chú chó dắt đường đi theo. Nhưng trường Đại Học này bắt buộc đi học tiếng Anh thì chỉ nói tiếng Anh kể cả việc ra hiệu lệnh cho chó. Khổ một điều là chú chó này được huấn luyện bằng tiếng Pháp nên chỉ có thể hiểu được những lệnh bằng tiếng Pháp. Nhà trường không chịu, bắt anh Yvan phải tập cho chó nghe tiếng Anh! Làm chi nổi! Ngày 4 tháng 7 vừa qua, anh tới trình diện nhập học nhưng bị từ chối. Anh bèn kiện lên tới Ủy Ban Nhân Quyền ở New Brunswich vì tội... kỳ thị của nhà trường!

Chó đã sa chân vào vòng ngôn ngữ như vậy, mèo còn vất vả hơn. Ông anh tôi được ông hàng xóm đi nghỉ hè nhờ coi chừng dùm nhà. Ù lì như cái nhà thì xong ngay nhưng trong nhà có một chú mèo cần phải chăm sóc, cho ăn uống. Khi ông anh tôi mở cửa nhà để thể hiện tình hàng xóm, chú mèo thấy người lạ bèn vênh râu lên... kỳ thị! Ông anh tôi cho tới luôn. Ông ra lệnh cho chú mèo bằng tiếng Việt! Chú mèo trơ mắt... xanh lên nhìn thách đố. Chú đâu có biết tiếng ngoại quốc! Ông anh tôi phải... tránh mèo chẳng xấu mặt. Ông đành phải dùng tiếng Pháp nói với... mèo tây. Ông anh tôi vốn người ít nói nên không tiết lộ là trong thời gian... nuôi mèo có lên cơn... ái quốc lần nào nữa không, nhưng chỉ vài ngày sau khi ông hàng xóm trở về, chú mèo... chuyển sang từ trần! Chẳng lẽ mèo chết vì... ngôn ngữ! May, bác sĩ thú y sau đó xác nhận là mèo chết vì bệnh thận. Thận thì liên quan quái gì tới ngôn ngữ!

Mới có ba cái ngôn ngữ đã loạn cả lên. Vậy mà thế giới có tất cả 6800 ngôn ngữ hiện còn... khỏe mạnh. Loạn xà ngầu là phải! Mỗi tiếng nói có một cuộc sống riêng. Có những tiếng nói càng ngày càng vươn lên, có những tiếng nói cứ teo lại, có những tiếng nói... tạ thế! Người ta ước đoán rằng, tới cuối thế kỷ thứ 21 này, sẽ có thêm một nửa số ngôn ngữ hiện nay sẽ... qui tiên! Chẳng hạn như ngôn ngữ Middle Chulym nay chỉ còn một nhóm rất nhỏ người dân sống trong một thị trấn bó hẹp trong vùng Sibéria dùng. Tất cả số người này nay đã trên 45 tuổi. Họ đang hòa nhập với cộng đồng ngôn ngữ Nga và có khuynh hướng bỏ rơi tiếng mẹ đẻ. Một khi số người nhỏ nhoi này chết đi hoặc hoàn toàn hòa nhập với tiếng Nga, ngôn ngữ Middle Chulym cũng sẽ mất dấu!

Ngôn ngữ có diệt nhưng cũng có sanh, tuy số sanh không ăn thua gì với số diệt. Những thứ tiếng đang thống trị thế giới hiện nay như tiếng Anh, tiếng Tây ban Nha, tiếng Trung Hoa lại trở nên biến hóa và phức tạp hơn. Theo David Lightfoot, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại Đại Học Georgetown, Hoa Kỳ, thì cuối cùng có thể sẽ có những ngôn ngữ mới ra đời từ sự biến hóa này. Thí dụ như tiếng Trung Hoa đang biến dạng khá nhanh và nhiều khi trở nên khó hiểu ngay trong những cộng đồng còn nói tiếng Trung Hoa. Khi nào cùng nói một thứ tiếng nhưng cộng đồng này không hiểu được cộng đồng kia thì một ngôn ngữ mới bắt nguồn từ tiếng Trung Hoa sẽ được khai sinh.

Chúng ta nói tự nhiên như chúng ta thở. Chẳng có chi phải... vấn. Nhưng những người không được may mắn như những người bị câm hay bị tật, nói là một vấn đề. Hoặc họ không phát âm được hoặc họ phát âm một cách thiếu sót.

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông!

Giọng thơ bỡn cợt của Hồ Xuân Hương nghe ra như... việt vị. Nó thiếu sự thương cảm làm cho người ta có cảm tưởng nhà thơ là một người... ác! Cũng đề cập tới nỗi đau lòng của những người bị tật, tôi tâm đắc với nhà văn Ngô Nguyên Dũng hơn. Trong truyện ngắn Về Trước Hăm Ba Tháng Chạp, ông kể chuyện chị Tuyến: “Chị Tuyến bị khẩu tật bẩm sinh. Bù lại, chị có một nhan sắc rực rỡ. Tịnh luôn có cảm tưởng là đứa được chị thương chiều nhất nhà, vì Tịnh là người duy nhất hiểu được ngôn ngữ của chị Tuyến. Hai chị em thường trò chuyện với nhau, chị Tuyến bằng thứ tiếng tật nguyền, Tịnh bằng cách phát âm chậm, lớn và uốn lưỡi ra điệu... Một lần Tịnh bắt gặp chị ngồi khóc bên gốc ổi già, cạnh giếng nước. Hỏi tại sao khóc, chị ấp úng :
“  Úng... úng ó oị ị à on âm.” (Chúng nó gọi chị là con câm)
Tịnh vuốt vai chị không biết phải an ủi sao. Những lúc cùng chị Tuyến ra chợ, Tịnh thoáng nghe đôi lời nhạo báng gần như miệt thị của vài người, trong đó có đứa là công an xóm. Chúng tới tiệm mua đồ, còn mở lời trêu ghẹo, bị chị Tuyến điểm mặt mắng : “U ắm, ơ ắm.” (Ngu lắm, dơ lắm.). Dù không hiểu, nhưng nhìn vẻ mặt băm bẳm, cau có của chị Tuyến, chúng biết đó là lời mắng, xua tay cười nham nhở: “Con câm đẹp mà dữ quá.” Chị Tuyến vùng lên, thẳng tay đuổi thằng công an ra khỏi tiệm. Tịnh chạy ra, nắm bàn tay chị, gấp lại ngón trỏ xỉa xói giận dữ. Tay chị không còn hơi mát dìu dịu của ngày xưa.”

Tiếng nói chẳng phải chỉ là một phương tiện giao tiếp mà nó còn là... nhân cách nữa. Cách chúng ta nói, cách chúng ta dùng chữ sẽ cho người khác biết về con người chúng ta. Với những người đẹp, tiếng nói cũng phải... đẹp. Nguyễn Du , khi tả nhan sắc của Thúy Vân, cũng cẩn thận tả cả tiếng nói.

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da.

Thiếu nữ Hà Nội ngày nay không được như Thúy Vân mặc dù có những nàng cũng hoa nhường nguyệt thẹn ra gì. Đầu năm 2002, tôi trở về Hà Nội lần đầu sau gần nửa thế kỷ rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Điều làm tôi sững sờ là những người đẹp Hà Thành không còn thứ tiếng nói kinh kỳ ngày xưa. Được khuôn mặt nhưng không được cái miệng. Những cái miệng đã làm cho một người Hà Nội trở về Hà Nội phải bâng khuâng hụt hẫng. Giá tôi đừng trở về!

09/2004