Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

NGÓN TAY

Chỉ trong vòng hai tháng 5 và 6 năm 2003, người đọc và giới điểm sách, phê bình văn học Mỹ đã nồng nhiệt đón nhận hai tác phẩm của hai nữ tác giả Việt Nam thế hệ di tản thứ hai. Đó là cuốn The Book Of Salt của Monique Trương và cuốn The Gangster We Are All Looking For của Lê Thị Diễm Thúy. Cả hai cuốn đều do những nhà xuất bản lớn và uy tín của Mỹ đứng ra xuất bản và phát hành. Những bài điểm  hai cuốn sách này, sau đó, đã xuất hiện trên những tờ báo có nhiều uy tín và đông độc giả như New York Times, Vogue, Kirkus, Publisher’s Book...

Nhà phê bình Đào Trung Đạo, trên tạp chí Gió Văn, Texas, số mùa thu 2003, đã giới thiệu cuốn The Gangster We Are All Looking For của Lê Thị Diễm Thúy. Ông đã tóm tắt lại một đoạn kể lại thời thơ ấu của cô bé Diễm Thúy trong một căn appartment chỉ có một phòng ngủ tại một khu chung cư nghèo. Trong những đêm hè oi bức, cô bé cô đơn Diễm Thúy buồn tình một mình chơi với bàn tay của mình “... dùng ngón tay làm thành những hình dạng đủ kiểu đủ hướng biến đổi tùy thích bóng chiếu trên tường: khi thì một nắm đấm, khi thì một mỏ chim đói ăn, khi thì một cái kéo. Nếu để bàn tay trước mặt, cô bé có một trang sách, một bức tranh. Rút cổ tay vào lòng rồi lật đi lật lại, cô bé có một trang sách khác, một bức tranh khác. Hai bàn tay cũng có thể làm thành một cái cửa, cô bé tùy ý mở ra đóng vào. Tưởng tượng như thể cái bản lề kẽo kẹt cô bé liền dùng lưỡi liếm ngón út thế là cửa khép mở êm ru. Nếu dùng hai ngón tay cô sẽ tạo được đôi chân đang chạy lên đồi. Chụp năm ngón kéo cả bàn tay lùi vào lòng cô tưởng tượng ra một thân hình nhào sâu xuống nước.”

Từ khi con người tiền sử đứng vững được trên hai bàn chân để hai bàn tay được tự do hoạt động, cuộc sống đã hoàn toàn đổi khác. Địa vị của hai bàn tay với những ngón tay mặc sức uốn éo đã đẩy con người tới một hoàn cảnh sống cách biệt hẳn lối sống của những con thú còn phải chống cả bốn chân xuống đất.

Những ngón tay của cô bé Diễm Thúy chỉ là trò chơi, nhưng những ngón tay không phải chỉ là trò chơi, chúng còn là cái miệng. Từ khi con người hè nhau đồng lòng cộng tác xây tháp Babel lên cao thấu trời xanh làm Thượng Đế nhột, Ngài phải chơi trò chia rẽ, bắt mỗi người nói một thứ tiếng riêng, không hiểu được nhau, chẳng làm cách nào mà bảo nhau chung sức xây tháp lên cao được nữa, những ngón tay... ra quân. Khi ngôn ngữ phát ra từ cái miệng không còn mang được sứ mạng thông tin với nhau nữa, ngôn ngữ phát ra bằng những ngón tay uốn éo lên ngôi. Chỉ có chỉ chỏ thôi mà thông cảm với nhau rất mực. Thập niên 60 ở Việt Nam, khi những anh lính Mỹ mắt xanh ồ ạt đổ vào Việt Nam, những em gái bán bar vốn liếng tiếng Anh có bao lăm, thế mà chỉ trông vào những ngón tay lắt léo mà được việc. Hiểu nhau hết. Kịp đến khi con dân Việt Nam di tản ồ ạt đổ bộ lên đất Mỹ, nhiều người trong chúng ta có chút tiếng Mỹ nào dắt lưng đâu, vậy mà rồi cũng xong. Đó cũng là nhờ những ngón tay bẻ cong bẻ quẹo thay cho cái miệng bỗng ì ra bất lực. Nói tiếng Mỹ lúc đó rất mỏi tay!

Chẳng cứ tiếng Mỹ, ngôn ngữ tay còn là tiếng... quốc tế. Chụm 4 ngón lại, chỉ giơ một ngón cái thẳng lên thấu trời xanh. Số dách! Cũng vậy nhưng chỉ ngón cái xuống đất. Xìu! Lấy ngón cái vòng với ngón trỏ thành một vòng tròn, ba ngón còn lại giơ lên cao. OK! Chỉ ngón tay trỏ vào bên thái dương. Khùng! Cũng ngón tay trỏ, chỉ vào trán. Thông minh gớm nhỉ! Giơ cả năm ngón lên cao. Cám ơn! Nhưng chỉ giơ một ngón giữa lên cao, Chúa ôi! Nguy hiểm lắm! Nếu đang lái xe mà làm vậy, dám có án mạng trên xa lộ lắm. Nếu đang khơi khơi trên đường phố, thịt đổ xương rơi máu chảy có vòi không chừng. Không thương tích cũng thường tiền. Nếu ở cửa nhập cảnh phi trường?

Ông Dale Hirsh, phi công hãng máy bay American Airlines, đã giơ ngón tay giữa lên khi chụp hình để làm thủ tục nhập cảnh tại phi trường Sao Paulo, Ba Tây đã bị các viên chức di trú Ba Tây chơi sát ván. Họ đòi qui hành động của ông vào tội hình với hình phạt tối đa 2 năm tù ở. Sao ông lại chơi dại vậy? Chỉ vì tức khí. Nguyên là để trả đũa chính phủ Mỹ  đã bắt các hành khách vào Mỹ phải chụp hình và lăn tay trong kế hoạch chống khủng bố, chính phủ Ba Tây, kể từ ngày 1 tháng giêng 2004, cũng bắt tất cả hành khách Mỹ nhập cảnh Ba Tây phải làm y như vậy. Trâu bò đang húc nhau, con ruồi háu đá Dale dại dột giơ chân giơ cẳng, ra cái điều phản đối, dính chấu là cái cẳng! Ông đã bị giữ lại và, sau khi thương lượng, chỉ được cho về Mỹ sau khi đã móc túi ra trả tiền phạt 12,750 đô... Mỹ!

Ngón tay, nhiều khi không đại đồng cả thế giới, mà chỉ là riêng tư ngôn ngữ của hai người. Khi yêu nhau, ngón tay tình biết mấy.

Trên bàn tay năm ngón
Có ngón dài ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử coóc-sê
Ngón tay cài khuy áo
Em còn ngón tay nào
Để giữ lấy tay anh?
(Nguyên Sa)

Cũng khi yêu nhau, những ngón tay níu nhau đủ một đời.

em có bàn tay dịu dàng mấy ngón
có ngón nào của cô bé ngày xưa?
chỉ một lần vuốt nhẹ trái tim thơ
mà vết xước đủ một đời máu ứa!
(Hoàng Lộc)

Khi vợ chồng, ngón tay thân tình biết mấy! Bạn tôi, nhà thơ Phan Ni Tấn N. D. (tại sao cứ phải N.D. cho thêm phần tối tăm bí hiểm?), trước đây cùng vợ làm tương. Hai vợ chồng đi bỏ tương ở phố Tầu. Đường phố chật chội, xe cộ đông đúc, người lấn người chen chúc, làm họ đứng cách xa nhau. Muốn nói với nhau, hò hét thì kỳ, phôn tay lúc đó chắc chưa có, họ ngôn với nhau bằng những ngón tay.

dưới nắng chang chang cười thật hiền
nhìn ta vợ giơ hai ngón lên
hiểu ý tiệm cần tương hai lố
chợt thương con bạn đến vô biên.

Cũng vợ chồng, ngón tay... gian dối biết mấy! Vợ than thở.
“Anh không còn yêu em nữa sao? Trước kia, chiều chiều anh thường ngồi cạnh em và nắm giữ những ngón tay em...”
“Nhưng em yêu, từ khi chúng ta bán cây đàn dương cầm đi thì điều đó không còn cần thiết nữa!”

Cũng lại vợ chồng, ngón tay... tội tình biết mấy!
“Sao anh lại buộc ngón tay mình thế kia?”
“Vợ tôi buộc đấy, để tôi khỏi quên gửi thư.”
“Thế anh đã gửi thư chưa?”
“Bà ấy đã quên không đưa thư cho tôi!”

Ngón tay là ngôn ngữ. Ngón tay của một bức tượng cũng... ngôn ngữ như thường. Những ngày Saigon sau 1975, người dân như có chung một ý nghĩ. Đi! Bằng mọi cách, đi! Trong đầu mỗi người Việt Nam không phải đều có một ông quan như mấy anh tây thực dân ngày xưa nói, mà đều có một con tầu. Bến tầu Saigon lúc đó thiếu gì người ra đứng ngó mông mà trong bụng đầy một trời mơ ước. Nhìn lên bức tượng Đức Trần Hưng Đạo, thấy tay Ngài dõng dạc chỉ ngón ra sông, lòng thấy người xưa người nay sao mà dễ hiểu nhau quá. Dạ, thưa Ngài, con quyết sẽ theo ý Ngài!

Cũng là tượng, nhưng chuyện này thì lại khác. Không phải đi mà... vào!

Quán rượu nằm đối diện với một bức tượng trên công trường. Nhậu xong, anh bợm nhậu khật khưỡng bước ra cửa thì thấy vĩ nhân chỉ tay vào quán, thế là lại quay vào uống tiếp.
Lần thứ hai ra cửa, vẫn thấy bức tượng đứng uy nghi chỉ tay ngược lại, anh bợm nghĩ: “Chắc là Ngài thấy mình uống chưa đủ đô nên chưa cho về đây! Đã thế thì vào làm chai nữa”.
Lần thứ ba mò ra được đến cửa, ngẩng đầu lên thấy bức tượng “lắc đầu xua tay” lia lịa, bợm nhậu mới yên tâm bò về. Lết qua chân tượng, hắn còn lẩm bẩm: “Ông mà không can, tôi còn uống đến sáng!”

Ngón tay còn là cả miệng lẫn tai. Đối với những người chẳng may bị câm điếc, những ngón tay là ngôn ngữ chính của họ. Thứ ngôn ngữ này đã được chuẩn hóa dần dần theo thời gian. Ngày nay, với những ngón tay ra dấu với nhau, họ đã chuyện trò được cả những vấn đề trừu tượng. Trên truyền hình chúng ta coi hàng ngày, vẫn có những chương trình có “phụ đề” ngôn ngữ tay cho những người câm điếc. Trên góc màn hình, người xướng... tay “múa” thông dịch những gì người ta đang nói với nhau, kể cả khi truyền hình những phiên họp của Quốc Hội, nơi các dân biểu đang cãi nhau hăng say về những vấn đề chính trị. Hồi còn ở Việt Nam, vì công việc, tôi đã nhiều lần tới trường Câm Điếc Lái Thiêu. Đặt chân vào nơi đây, chúng ta thấy những nụ cười và những ngón tay vung lên uốn éo rất thành thạo. Những ngón tay của những dì phước cai quản và dậy dỗ cũng như những ngón tay của các em học viên trong trường. Nhờ ngôn ngữ tay cuộc sống như bừng ra khỏi tấm màn bưng bít không âm thanh. Mười ngón tay đã trở thành một bó hoa sống động của cuộc đời.

Bông hoa và ngón tay, không phải là không có những lúc phiền hà.

Đạo diễn nhập vai làm mẫu cho một kép trẻ.
“Cậu đưa bông hồng lên mũi, nhắm mắt, từ từ hít vào thật sâu rồi nói: “Chao ôi, đây chính là mùi hương đằm thắm của nàng!”. Cậu hiểu rồi chứ?”
“Dạ, em sẽ diễn tả hết mình”.
Đến hôm công diễn, màn độc thoại của chàng si tình làm khán giả cười nghiêng ngả. Vào trong hậu trường, anh ta lo âu hỏi đạo diễn.
“Sao họ cười vậy anh? Em có làm điều gì sai không?”
Đạo diễn gầm lên.
“Đồ chết tiệt! Ngửi ngón tay không rồi ăn nói bậy bạ! Thế bông hoa cậu để đâu?”

Chuyện ngón tay đến đây coi như là hết. Để cho cậu diễn viên trẻ đi... rửa tay. Những vị đã giã từ vũ khí, xin mời mở coi bài khác. Riêng những vị còn mịt mù khói súng xông pha chiến trường, xin tặng thêm chút quà bonus.

Khi bạn nắm tay người yêu đi dạo hoặc âu yếm đưa lên môi hôn, bạn đừng quên liếc mắt nhìn ngón tay trên bàn tay phải của nàng. Nếu ngón trỏ ngắn hơn ngón đeo nhẫn, người yêu của bạn có xu hướng làm tình phóng khoáng tự do hơn. Đó là kết quả vừa tìm thấy được của Andrew Clark, một sinh viên ban Tiến Sĩ về tâm lý học của trường Đại Học McMaster ở Canada. Ông đã nghiên cứu trên 110 nữ sinh viên của trường tình nguyện làm mẫu cho ông. Bản nghiên cứu cũng đưa ra tỷ lệ 2D:4D với số 2 chỉ ngón tay trỏ và số 4 chỉ ngón tay đeo nhẫn. Nếu tỷ lệ càng cao thì “nhiệt tình” cũng cao theo. Thông thường đàn ông có ngón trỏ ngắn hơn trong khi đàn bà có ngón tay đeo nhẫn ngắn hơn. Vì vậy, nếu cô gái nào có ngón tay mang tỷ lệ của đàn ông (ngón trỏ ngắn hơn ngón đeo nhẫn) thì dễ sẵn sàng làm tình ngẫu nhiên và ít ràng buộc hơn. Tỷ lệ chiều dài giữa các ngón tay là dấu hiệu của sự tương quan giữa hàm lượng hormone nam và nữ có từ trong bào thai. Hàm lượng này ảnh hưởng tới sự phát triển khi trưởng thành như hành vi tình dục hay khả năng thể thao. Những phụ nữ có ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ có nhiều testosterone hơn, dẫn đến có xu hướng tình dục giống nam hơn.

Đó là công trình khoa học của một ông chuẩn tiến sĩ. Các cụ ta ngày xưa, có cần tiến sĩ tiến siếc gì đâu mà cũng... bác học ra phết. Không tin các bạn cứ thử nhẩm đọc những trường túc, mi trường, hồng diện... mà xem!

03/2004