Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

KỲ THỊ

Trong một shopping center, một bà người da đen đang vạch áo cho con bú. Tôi dắt đứa con nhỏ đang học tiểu học đi ngang qua, tếu một câu. Đứa nhỏ đang được bú sữa pha cà phê! Đứa con tôi phản ứng liền. Ba racist!

Câu nói vui tưởng như vô thưởng vô phạt đã đụng ngay vào một chuyện nhức nhối. Nhức nhối đến một đứa nhỏ 10 tuổi. Kỳ thị! Cái chữ lởn vởn mọi nơi mọi chốn trong cuộc sống. Ông bạn tôi, một luật sư đang hành nghề bên Anh, ghé qua Montreal chơi tuần trước. Nhiều năm không gặp nhau mà chúng tôi chỉ thu xếp được để có thể ngồi với nhau vài giờ trong một tiệm ăn. Chuyện cả chục năm, nói sao cho hết. Vậy mà không biết từ lúc nào, câu chuyện lại đá vào cái anh kỳ thị. Toa biết không, ở bên Anh tụi nó cũng kỳ thị khiếp lắm. Mà chúng nhắm nhiều nhất vào anh láng giềng Pháp. Chúng bảo đó là một lũ... ngu xuẩn!

Cứ có hai người là đã có sự khác biệt. Giới tính, màu da, địa vị, của cải, tính tình, trình độ, sở thích... kiếm đâu ra được hai người y chang nhau? Mà khác nhau là... kỳ thị. Nhẹ thì chê bai, nặng thì cãi nhau, chửi nhau, rồi chân tay bắt đầu có việc làm. Vậy mà cứ phải sống với nhau, bám vào nhau mà sống. Kỳ thị là cái... cẳng!

Canada đất rộng người thưa, cần... nhập cảng người vào làm việc, chung lưng gánh... thuế với nhau. Vậy nhưng, cần thì cần, dân Canada vẫn cứ... kỳ thị. 38% dân Canada phán là đất nước này nhận vào nhiều di dân quá, 44% cho là việc cho di dân nhập cư là chấp nhận được. Đó là kết quả cuộc thăm dò của Bộ Quốc Tịch và Di Dân Canada vừa công bố, còn nóng hôi hổi. Năm ngoái, số người OK với di dân cao hơn, 49% lận!

Mỹ, cái giống dân tạp chủng ấy, cũng... nóng không kém. Một phúc trình của Hội Ân Xá Quốc Tế Mỹ cho biết là cứ 3 người Mỹ thì có 1 người có nguy cơ là nạn nhân của kỳ thị vì nguồn gốc, sắc dân hay tôn giáo của họ. Quy ra con số thì có 87 triệu người sẵn sàng làm mồi cho kỳ thị! Mà không phải chỉ dân chúng kỳ thị với nhau đâu, các viên chức làm việc cho chính phủ Mỹ cũng kỳ thị ra gì! Có 32 triệu người cho biết là họ đã bị những viên chức nhà nước, nhất là Cảnh sát, kỳ thị. Từ sau vụ 11/9, vì lý do an ninh, tình trạng còn bết bát hơn, nhất là tại các cửa vào nước Mỹ. Những công dân các nước thuộc vùng Trung Đông và  Nam Á đã bị phân biệt đối xử khi muốn nhập cảnh vào Mỹ. Chính phủ thì giải thích là họ phải cẩn thận hơn đối với những người này vì lý do an ninh quốc nội. Nhưng khủng bố đâu có phải thiếu sáng kiến. Chúng cũng biết... đổi màu da chứ! Chú trọng tới những người da màu này, guồng máy an ninh đã lơ là với những người da trắng. Đó là một lầm lẫn. Hai anh trắng tươi John Walker Lindh, một thành viên Taliban, và Richard Reid, anh chàng dấu bom trong giầy người Anh, là những trường hợp cụ thể.

Thảm  kịch 11/9 chỉ làm vấn đề  trầm trọng thêm chứ tự nó, kỳ thị vẫn ở khắp mọi nơi, khắp mọi thời. Thành phố tôi ở, mấy anh thanh niên Hy Lạp vừa la lối là bị kỳ thị. George Panagiotakis, một sinh viên ngành thương mại 20 tuổi, bị Cảnh sát tò tò theo vào một đêm khi anh cùng nhóm bạn tới một tiệm fast food. Anh quay lại lễ phép hỏi Cảnh sát. Các ông đang tìm kiếm cái gì vậy? Tại sao các ông chăm chú vào chúng tôi mà chẳng có lý do gì cả vậy? Cuộc... trứng chọi đá làm George bể đầu. Anh bị biên phạt 313 đô vì tội vi phạm luật thành phố vì “tạo ra tiếng động gần như la hét”. George nhún vai bất cần. Đó  là tội gì vậy? Nhiều thanh nhiên da đen, da màu khác còn bị phạt vì tội... nhổ bậy ngoài đường. Anh chàng Bruno Andande, người gốc Bồ Đào Nha, 20 tuổi, vào một ngày tháng 5 vừa qua, còn bị phạt 85 đô vì tội dùng “tài sản của thành phố vào một mục đích không phù hợp với ý định khi tạo dựng ra nó”. Bruno đã làm chi? Anh ngồi trên một khối xi măng cạnh đám bạn ngồi trên một băng ghế dài trong một công viên!

Kỳ thị, nó... leo lên xe. Ba năm trước đây, trên một chuyến xe buýt chạy trên vùng LaSalle, anh Albert Stephen ngồi cùng cô bạn gái, anh phàn nàn là xe chạy chậm quá. Ông tài xế Yvon Huard, 54 tuổi, da trắng, nghe thấy vậy, chửi một câu có tính cách kỳ thị. Khi cặp này xuống xe, tài xế không chịu mở cửa. Một chặp sau, ông mới mở, nhưng Albert vừa lách ra thì ông đóng sập cửa lại làm anh té xuống đường. Ông tài xế kỳ thị sau đó lao mình xuống đường đánh đập anh Albert . Trong khi đó, chiếc xe buýt vẫn cứ lăn bánh. Ông mục sư Neville Barrington, cũng da đen, đang đi bộ trên vỉa hè thấy thế vội nhào lên xe buýt để thắng lại. Ông tài xế vội nhẩy lên xe, thoi vào mặt ông mục sư trong khi ông này đang cố đưa chiếc xe vào chỗ đậu. Cảnh sát được gọi tới, họ lại bắt giữ anh da đen Stephen vì tội đánh lộn mà không thèm nghe lời giải thích của anh. Hai ông da đen kiện Công ty xe buýt, hai viên Cảnh sát và ông tài xế đòi bồi thường 210 ngàn đô vì  tội kỳ thị!

Kỳ thị, nó lấp ló cả vào nơi... hở hang. Báo chí Montreal đang tốn nhiều giấy mực cho vụ kỳ thị tại tiệm nhảy...  chuổng cời “Oh Caresses”. Một ký giả da trắng của báo The Gazette đi cùng hai người bạn da đen vào... nghía các em không vải vóc. Vô cửa, anh gác cửa thu của anh da trắng 2 đô, hai anh da đen mỗi anh 10 đô tiền... nhập môn. Mười lăm phút sau, anh gác cửa mới tới bàn dúi vào tay hai anh da đen mỗi anh một tờ 5 đô. Lý do: ở khu này có nhiều du đãng nên thu thêm tiền để ngăn cản họ vào, nhưng thấy hai anh da đen này hiền lành nên thối bớt 5 đô. Vậy thì hai anh này vẫn phải trả thêm 3 đô tiền... da!

Leyna Nguyễn, một cô gái Việt nam rất thành công trên truyền hình Mỹ và đang là một khuôn mặt nổi bật trong video và các buổi đại nhạc hội Việt Nam trong vai trò MC, có bị kỳ thị không? Cô đã trả lời trên báo mạng Calitoday.

“Trong hơn 10 năm làm anchor cho TV Mỹ, em có bao giờ bắt gặp những ánh mắt khó chịu hay thái độ kỳ thị của người Mỹ chưa?”
“Em không có nghĩ kỳ thị, nhưng em thấy như thế này: Có đài nào có người Á Đông rồi thì khó vào được cái đài đó lắm. Đài TV có người on air Mỹ trắng thì không sao hết, nhưng đã có người Á Đông rồi thì ít khi nào có được ba người hết... Anh có hiểu ý em nói không? When they have one black person, one Asian person, and that’s it! Cái business này đã quá competitive already, ngay cả đối với white American, when you’re Asian, mà đài đó đã có một người Á Đông rồi thì mình rất khó vào cái đài ấy được. Difficult that way. Hồi em đi học, em nghe nhiều người nói cái nghề của em vô hơi khó, mình vừa là Asian và vừa là woman, nên hồi đó, người ta nói với em là mình là double minority... (cười), nên try something else, nhưng có lẽ là em rất lucky!”
“Cô nghĩ gì về những anchor thành công gốc Á Châu như bà Connie Chung chẳng hạn?”
“Em thấy là Asian mình có rất ít người thành công. Connie Chung! And that’s it. Trong lúc đó, nói về người Mỹ, em có thể name a lot of people, nhưng nói về người Á Đông trong ngành này, thì chỉ... Connie Chung.”

Nói tới kỳ thị, người ta thường nghĩ tới kỳ thị màu da, nhất là da đen. Ừ thì quanh chúng ta quả có những người da đen hung hãn, phá phách, phạm pháp, băng đảng. Nhưng da trắng cũng băng đảng vậy! Băng đảng Trung Hoa hay Việt Nam không phải là không có. Mà còn thuộc loại dữ dằn. Vậy tạo sao lại da đen?

Hơn ba chục năm trước, trong một lần tới dự một khóa hội thảo quốc tế ở Nữu ước, tôi được xếp ở chung phòng với một Tổng Thư Ký một Bộ đến từ Zambia. Chúng tôi đồng tuổi, dễ thân thiết với nhau. Có lần anh đã nửa đùa nửa thật bảo tôi theo anh về Zambia anh sẽ gả em gái cho tôi! Anh vẫn thường phàn nàn với một giọng tức tối về sự kỳ thị người da đen ở Mỹ. Anh vẫn cho là người Mỹ đã không giúp đỡ, cố tình để cho những người da đen thất học hoặc ít học, nên cách xử sự của người da đen trong xã hội thường bị đánh giá thấp. Một lần, trên xe đi ngang một trường Đại Học trong khu da đen, tôi khều tay anh ta. Khu này cũng có trường Đại Học lớn vậy! Anh nhún vai. Làm cảnh thôi đấy mà! Tôi hỏi tới. Thế còn cái ông Khoa Trưởng một phân khoa Đại Học vừa tới thuyết trình cho chúng mình vào hôm qua, cũng da đen vậy! Anh cười khẩy. Đó là những tên da đen mất gốc, chỉ còn cái màu da!

Sự bực tức của anh bạn da đen này bị... bôi đen hơn khi những người tổ chức cuộc hội thảo đã, vì lý do an ninh, khuyên những người ngoại quốc chúng tôi không nên tới khu da đen Harlem. Thấy mấy “đồng hội” da đen có vẻ không bằng lòng, tôi bèn nổi máu giang hồ. Đã tới Nữu Ước mà không đi Harlem, một khía cạnh văn hóa đặc thù, thì uổng chuyến đi. Tôi rủ mấy anh da đen dẫn tôi đi Harlem. Anh nào cũng lắc đầu từ chối. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao. Các ông sợ chi? Câu hỏi của tôi làm thái độ của anh bạn cùng phòng ... đổi trắng! Anh có vẻ giận, ít muốn nói chuyện với tôi.

Vài ngày sau, vào một ngày cuối tuần, tôi một mình đeo máy hình đi chơi tượng Nữ Thần Tự Do. Trên phà, một anh trắng khều vai tôi. Anh cũng dùng một máy hình Minolta giống của tôi, mượn của ông bố, không rành sử dụng, nhờ tôi chỉ dẫn. Chiếc máy hình kết thân làm tôi lời thêm một người bạn. Anh từ San Francisco sang Nữu Ước du lịch, mò mẫm chưa biết nhiều về thành phố này. Anh hỏi tôi có rảnh đưa anh đi chơi nguyên ngày không, tiền anh sẽ chi? Thế là một anh Mít dẫn một anh Mỹ đi chơi trên nước Mỹ! Chúng tôi đi lòng vòng thành phố, coi kịch ở Broadway và thật bất ngờ, anh rủ tôi đi Harlem. Không sợ sao? Sợ chi! Thế là một anh vàng, một anh trắng đi vào miền đất... đen. Chúng tôi ăn uống, ghé vào một tiệm rượu trong Harlem. Sân khấu nhỏ của tiệm rượu chỏng chơ một bộ trống, một dương cầm, một đại hồ cầm, một vĩ cầm và hai cây kèn. Thỉnh thoảng vài người lên đập đàn. Anh bồi cho biết đó là những khách hàng. Tiệm chỉ có nhạc cụ, ai muốn chơi gì cứ việc leo lên chơi. Tôi khoái cái không khí rất văn nghệ này, anh bạn Mỹ trắng cũng thích thú. Nhìn quanh chỉ có hai chúng tôi là... không đen. Gật gù với nhịp điệu jazz cho tới khuya, chúng tôi bất ngờ thấy một ông đen kéo ghế ngồi vào bàn của hai đứa tôi. Ông vui chuyện cho biết ông là nhạc sĩ đi chơi khuya với một nhóm bạn, thấy chúng tôi lạ, muốn làm quen cho thêm phần... văn nghệ. Ông tặng chúng tôi cái đĩa nhạc mới thu của ông, vẫy nhóm bạn, trai có gái có, sang ngồi với chúng tôi. Ông bước lên sân khấu giữa tiếng vỗ tay của khách. Vài người nữa bước lên. Họ đã nhanh chóng thành một ban nhạc jazz tự phát. Tiếng đàn, tiếng trống, tiếng kèn quyện vào nhau. Chưa bao giờ tôi được nghe nhạc jazz hay đến như vậy. Cái không khí văn nghệ đó, cái phóng khoáng tài tử đó, cái say mê hòa nhập đó đã làm nên một thứ jazz rất jazz. Có ai nhìn vào màu da nhau?

Không ai muốn nhìn vào một màu da để xử sự với một người. Nhưng thực tế vẫn có những chuyện không như ý. Một nhân viên hoạt động xã hội, anh Robints Paul, 28 tuổi, trong một tối mùa đông lạnh giá nơi thành phố tuyết Montreal, đứng trong trạm métro Berri-UQUAM chờ một người bạn. Anh mặc một chiếc áo rộng thùng thình và một chiếc quần rộng cũng không kém. Một viên cảnh sát tiến tới nói anh vi phạm luật lang thang trong trạm métro và ông có thể ghi phạt. Anh cho biết anh là một nhân viên hoạt động xã hội và thường hoạt động chung với cảnh sát. Viên cảnh sát để cho anh đi. Robints thắc mắc: nếu anh không ăn mặc cẩu thả, nếu da anh không đen, Cảnh sát có thăm hỏi anh không?

Anh mang thắc mắc này tới cuộc Hội Thảo của trường Đại Học Concordia do Phong Trào Thanh Niên Hành Động Da Đen tổ chức. Trong cuộc Hội Thảo, nhiều người đã mang ra những trường hợp được coi là... kỳ thị. Kết thúc cuộc Hội Thảo, những khuyến cáo sau đây được gửi tới những người có trách nhiệm: giáo dục thanh niên và quần chúng về quyền của con người; thu thập những vụ cảnh sát phạt người da màu về những vi phạm nhỏ để minh chứng có sự kỳ thị; gia tăng số nhân viên cảnh sát da màu; huấn luyện thêm cho cảnh sát và những nhân viên an ninh; động viên dân chúng mạnh bạo làm chứng cho những vụ vi phạm nhân quyền; nghiêm phạt những chức quyền có óc kỳ thị.

Tại Little Saigon, Ủy BanVận Động Chính Trị Việt Mỹ cũng kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng ủng hộ cho dự luật AB 2428 do nữ dân biểu Hạ Viện California Judy Chu đệ nạp. Dự Luật chống kỳ thị này còn có tên là Kenny’s Law. Kenny là một em trai 17 tuổi gốc Đài Loan đã bị người hàng xóm da trắng tên Christopher Hearn giết chết vì thù hận người thiểu số. Sau khi đâm em Kenny 25 lần, thủ phạm đã không hề hối lỗi mà còn công khai biểu lộ lòng căm ghét người Á Châu. Tòa Thượng Thẩm Quận Cam đã công nhận thủ phạm Hearn phạm tội sát nhân bậc nhất, nhưng cuối cùng đã cho trắng án vì thủ phạm mắc bệnh tâm thần!

Kỳ thị, nó vẫn cứ mù mịt khi chỗ này, khi chỗ khác. Dẹp bên đây, nó tái sinh lại bên kia. Cái anh Phạm Nhan này ba đầu sáu tay quá đỗi. Nó con cái nhà ai vậy?

Trong truyện ngắn Dõi Mắt Vời Trông, tôi đã cho hai nhân vật, một GI  Mỹ da đen đang  tìm lại đứa con rơi với một người đàn bà Việt Nam còn kẹt lại và một sĩ quan Dù Việt Nam đang giúp ông trong cuộc tìm kiếm này, thử lý giải nguyên nhân kỳ thị người da đen tại Mỹ cũng như tại Việt nam.     

“Tôi thương yêu Nụ và nàng cũng thương yêu tôi nhưng tôi để ý thì thấy nàng luôn luôn tránh né việc đi cùng tôi ra giữa đám đông. Những người con gái sống với những bạn da trắng của tôi thì không vậy. Sự kỳ thị ở bên này tôi hiểu được, đó là một dấu vết đau buồn của lịch sử, từ những ngày tổ tiên tôi bị mang tới châu Mỹ như những tên nô lệ. Nhưng bên nước ông, tại sao cũng có sự kỳ thị, nhiều khi tôi thấy còn nặng nề hơn ở bên đây. Tại sao vậy ông bạn?”
Tôi không muốn tránh né nhưng trả lời câu hỏi này quả là một điều tế nhị, quá tế nhị Cho cả Jeff và tôi. Tôi cố mài dũa sao cho lời nói được tròn trịa, nhẵn nhụi hơn.
“Sự kỳ thị, như ông biết đấy, bao giờ và ở đâu cũng là điều đáng chê trách, nhưng khốn nạn thay, nó lại luôn luôn có mặt bất kể thời gian và không gian. Để hiểu nó, người ta phải gác lại tình cảm để chỉ dùng lý trí mà phân giải. Ông cảm thấy bị kỳ thị bên nước tôi thì tôi nhiều khi cũng cảm thấy bị kỳ thị trong cuộc sống ở nơi đây. Rồi chúng ta có đi tới chân trời góc biển nào cũng vậy. Cón những người khác mầu da, khác tiếng nói, khác văn hóa chung sống với nhau thì anh chàng kỳ thị vẫn có cơ hội chường mặt ra. Nếu phải trả lời cho câu hỏi của ông thì tôi cũng qui trách nhiệm cho lịc sử như ông vậy. Lịch sử cận đại của nước tôi là một quãng thời gian đau buồn của một nước nhược tiểu bị một cường quốc phương Tây chiếm đóng và cai trị. Người Pháp đã mang đến nước tôi một đạo quân hỗn tạp trong đó có những người da đen ở Phi Châu, nơi xuất phát của tổ tiên ông. Và, phải xin lỗi ông trước, ông đừng buồn khi nghe tôi nói là những người da đen này, với những vết rạch trên mặt, là những người hung hãn trong việc cướp bóc, hãm hiếp dân Việt Nam chúng tôi. Trong khi đó người da trắng là những người cai trị, quyền sinh sát trong tay, làm dân nước tôi tuy không ưa, thậm chí còn chống đối nữa, nhưng những người dân đen nước tôi trong thâm tâm vẫn phải nể sợ họ. Chính tình huống này đã đặt ngôi thứ cho mầu da trắng và mầu da đen trong suy nghĩ và tâm cảm của dân nước tôi. Xóa đi một vết đen trong lịch sử kéo dài cả trăm năm chẳng phải là điều dễ. Khi các ông sang, vết đen đó vẫn còn tồn tại và sự kỳ thị mà ông cảm thấy là hậu quả tất yếu vậy thôi.”

Lịch sử, nó có bao giờ chịu nhắm mắt ngủ yên!

09/2004