Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay

Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

TEEN

Tuổi teen, nghe bấp bênh lắm. Cái tuổi được các cụ xưa phán là: ăn chưa no, lo chưa tới. Lớn chẳng ra lớn, nhỏ chẳng ra nhỏ, cứ ấm ớ lòe nhòe. Tuổi teen là tuổi học trò, cái tuổi được các thi nhân xưng tụng như là một thứ ô mai, vừa cay, vừa chua, vừa ngọt, vừa đậm đà. Thứ ô mai này mà đi với tóc thề thì hết biết.

Trống tan em trước cổng trường
Trắng bay bay ngút ngàn phương tóc thề
Cặp đầy ắp mộng vàng hoe
Thôi em đừng gõ guốc đè ngợp anh!
(Từ Thế Mộng)

Hình ảnh thiên thần đó ngày nay có còn không? Áo trắng, không còn nhiều. Trinh trắng, còn hiếm hoi hơn. Cuộc sống không còn như xưa. “Nước thanh bình ba trăm năm cũ” coi bộ như đã ngàn năm cũ. Ngày nay, bấp bênh lắm. Người ta sống đã khác đi, trường lớp đã khác đi, nếp nghĩ suy đã khác đi.

Nhưng theo một bản nghiên cứu của Health Canada thì tuổi học trò Canada vẫn... OK. Phần lớn các em được phỏng vấn đã cho biết là vẫn mặn với trường lớp, hòa thuận với cha mẹ, thích giao du và ít khi bị trầm cảm. Nhưng trường lớp không phải là môi trường sinh hoạt duy nhất của các em, 60% em cho biết là đã đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt. Bản thống kê cũng cho biết là học trò của chúng ta ngày nay không phải là không có máu... phiêu lưu. Hơn một phần ba các em đã chơi ma túy. Theo các em thì ma túy ít hại hơn thuốc lá! Rượu thì lại càng ít tai hại hơn nữa. Cứ 5 em thì có 1 em uống rượu thường xuyên. Tuy vậy, 82% vẫn cảm thấy mình là một phần tử ràng buộc với trường lớp, 70% tích cực tham gia các chương trình ngoại khóa. Học sinh ngày nay vẫn tin tưởng vào những gì được giảng dậy ở trong lớp (80%), vào thầy cô (72%), vào cảnh sát (71%), và vào cha mẹ (69%). Truyền thông không được tin tưởng lắm. Chỉ có 44% tin vào báo chí, 41% tin tưởng vào truyền hình. Tuy vậy, 63% coi truyền hình hai tiếng mỗi ngày và 15% coi trên 5 tiếng. Truy cập vào Internet thì khoảng 10% ngao du trên 5 tiếng mỗi ngày, 33% mỗi ngày 1 tiếng, và 15% từ hai tiếng đên 5 tiếng.

Chuyện một mai khi rời ghế nhà trường thì nam vẫn ra nam, nữ vẫn ra nữ. Nam vẫn khoái những công việc hái ra tiền và mang lại nhiều danh vọng, nữ vẫn chỉ thích những công việc hợp với nữ tính và có khuynh hướng thích góp một tay vào việc tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là kết luận của cuộc nghiên cứu trên 1400 học sinh thuộc 39 trường trong vùng Alberta, Canada. Nữ vẫn tự tin vào năng khiếu nghệ thuật và ngôn ngữ, nam vẫn tự hào về khả năng toán học và khoa học.

Chuyện nghe ra vẫn như xưa, thời chúng ta còn ở với trường lớp. Con trai chiếm nhiều chỗ trong các lớp ban Toán, nữ sinh có khuynh hướng theo ban Văn Chương. Nhưng ngoài xã hội ngày nay xem ra đã khác. Phụ nữ cũng mạnh bạo gánh vác các công việc tưởng chỉ thích hợp với nam nhi. Và họ cũng đã thành công ra gì. Ranh giới nam nữ hầu như đã bị xóa nhòa. Thực tế hình như đã quay mặt với kết quả thống kê trên. Sao vậy? Vì bản nghiên cứu hỏi các em khi các em còn... teen. Lớn hơn lên, suy nghĩ có thay đổi. Điều này chứng tỏ con em chúng ta, trong khung cảnh cuộc sống hiện nay nơi các xã hội Tây phương, vẫn còn có tuổi teen, một thứ tuổi teen rất bấp bênh.

Bấp bênh nhìn thấy rõ ràng nhất là sự phì nộn. Lại phải nói chuyện... thống kê! Tại Canada, 35% nam sinh và 29% nữ sinh dư kí lô. 17% nam sinh và 14% nữ sinh bị chứng phì nộn, tăng gấp ba so với năm 1981. Trẻ em Mỹ cũng rứa. Một bản nghiên cứu tương tự ở Mỹ có kết quả na ná như vậy đã lên tiếng cảnh giác là xã hội phải nghĩ tới việc chống phì mập nơi trẻ em. Bệnh phì nộn mang tới bệnh cao máu. Cuộc nghiên cứu của Viện Đại Học Tulane ở New Orléans do Giáo Sư Paul Muntner cầm đầu đã báo động về sự gia tăng của chứng cao máu trong giới học sinh trong thập niên qua. Lý do?  Ăn uống không kiêng cữ, uống cà phê và các thứ nước có chất cafféine quá sớm và quá nhiều. Tạp chí Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine số tháng 5 vừa qua đã cho biết là chất cafféine được coi là một yếu tố nguy hiểm cho bệnh cao máu và tim mạch nơi trẻ em. Trong độ tuổi từ 12 tới 17, 68% nam sinh và 62% nữ sinh uống nước ngọt hàng ngày, 21% nam sinh và 22% nữ sinh uống trà hoặc cà phê thường xuyên. Chúng không hề biết là chất cafféine không phải chỉ có trong cà phê mà còn có trong trà, chocolate, nước ngọt cola...

Bấp bênh trong lối sống ngầu. Nhiều em coi trường lớp, gia đình là những môi trường quá chật chội cho các em sống. Một số em tìm cách... nhảy rào. Chúng đi bụi. Bạn và tôi, lái xe trên đường phố, khi dừng lại ở những ngã tư có đèn lưu thông, chúng ta thường khó  chịu vì những em nhỏ ăn mặc lôi thôi dị hợm, đầu tóc xanh đỏ, vòng lớn vòng nhỏ toòng teng từ đầu tới rốn, chùi vội vài nhát trên kiếng trước xe và ngửa tay đòi tiền. Không trả thì thấy tội mà trả thì ấm ức. Buông thắng, rồ ga, vọt xe đi, đầu óc chúng ta muốn xua đi cái vướng mắc khó chịu vừa trải qua. Chuyện gì mình mà ôm rơm cho nặng bụng! Nhưng cứ thử tưởng tượng con em chúng ta là một trong những đứa trẻ đó, nhức nhối lắm! Cuộc nổi loạn của đám trẻ, bắt nguồn từ lối sống hippy nhiều chục năm trước, xem ra vẫn triền miên hàng ngày. Một trường hợp điển hình: Cô con gái 15 tuổi của ông Rob Marleau, cư dân Montréal, bỗng có những cử chỉ chướng tai gai mắt với cha mẹ. Thái độ cư xử, cách ăn nói xem ra đã có vấn đề. Cha mẹ còn lúng túng chưa biết xử trí ra sao thì một đêm, cô con gái không về nhà. Sáng hôm sau, từ một máy điện thoại công cộng, cô gọi về nhờ cha mẹ tới đón. Lúc tới nơi, vợ chồng Marleau thấy cô con gái đứng với hai cậu trai lớn tuổi hơn. Không xong rồi, họ kiếm tới Hội Dịch Vụ Gia Đình Amcal. Cô gái liền được gửi tới cơ quan thiện nguyện đã hoạt động từ năm 1990 này để theo một chương trình cải hóa trong 8 tuần lễ. Ban ngày, trẻ em vẫn được cho đi học ở trường như thường. Tối có những sinh hoạt hướng dẫn. Cuối tuần, các em được cho về nghỉ tại nhà. Cha mẹ được hướng dẫn cặn kẽ về việc chăm sóc con em trong dịp cuối tuần này. Và, như một phép lạ, chỉ trong một khóa 8 tuần lễ, cô con gái của Rob Marleau đã thay đổi trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn trong gia đình.

Cũng trong mục đích ngăn cấm các em đi hoang, hai thành phố, một ở Canada và một ở Mỹ, đã... giới nghiêm! Con nít dưới 15 tuổi không được ra đường từ 10 giờ rưỡi tới 6 giờ sáng tại Huntington, một thành phố chỉ có 2600 dân, nằm cách Montréal khoảng 60 cây số về phía tây nam, và từ 10 giờ tới 5 giờ sáng tại Malone, một thành phố thuộc tiểu bang New York. Tại Huntington, vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt lần đầu 50 Gia Kim, từ lần thứ hai tăng lên 100 Gia Kim. Tại Malone, “nhân đạo” hơn, không có phạt tiền, chỉ kêu cha mẹ tới lãnh con về! Chuyện rắc rối là thành phố Huntington vừa bị kiện đã vi phạm vào Hiến Chương về Quyền và Tự Do trong khi... bắt nạt con nít như vậy. Ủy Ban Nhân Quyền Quebec đã khẳng định là thành phố đã vi phạm nhân quyền và buộc phải bãi bỏ biện pháp giới nghiêm khắt khe này. Thị Trưởng thành phố Stéphane Gendron, một mặt tạm hoãn lệnh giới nghiêm, một mặt nhờ luật sư kháng cáo. Chuyện chưa ngã ngũ ra sao! Không biết bà già gân Gendron này có họ hàng gì với ông già gân Đô Trưởng Saigon của chúng ta năm xưa không?

Theo các nhà Tâm lý học và các nhân viên công tác xã hội thì cuộc sống ngày nay đặt ra cho các bậc cha mẹ rất nhiều thử thách. Nguyên do thì nhiều. Gia đình ngày nay không còn là một chốn dung thân an bình cho con em. Cha mẹ ly dị; cha mẹ đầu tắt mặt tối với công việc; cha mẹ quá hưởng thụ cuộc sống riêng tư; cha mẹ không theo kịp sự thay đổi của cuộc sống dồn dập ngày nay... là những nguyên nhân gần nhất. Trường học lơ là việc giáo dục đạo đức, thiếu nhân viên xã hội và tâm lý gia trong nhà trường cũng là một nguyên nhân. Cuộc sống quá phức tạp với nhiều giá trị khác nhau được tôn sùng hoặc quá nghiêng về vật chất làm thui chột các giá trị tinh thần cũng làm đám trẻ bơ vơ mất phương hướng. Đó là những cái xẻng xúc các em đổ ra ngoài đường phố. Và làm các em mất tuổi thơ. Chừng nào cho tuổi thơ tìm lại được tuổi thơ?

Tuổi teen là tuổi hồn nhiên. Những ngày xưa cũ đó, cuộc đời dịu hiền như những vòng quay vui của cặp bánh xe đạp mini. Rộn ràng, lóng lánh.

Chả có gì... sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ: hay là ai?...
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ).
(Nguyên Sa)

Những cuộc tình học trò  ngon như một trái táo thơm. Khởi đầu một chuyện tình thường là những bức thư không qua bưu điện. Mực tím, giấy thơm, chữ biết thở, nếu thở được ra thơ càng...ăn tiền

mang vào lớp bài thơ anh mới tặng
khoe bạn bè cho chúng lác mắt chơi
í mà chết, anh viết gì trong đó?
chuyện chúng mình? em hổng chịu đâu!
(Luân Hoán)

Chuyện tình tuổi học trò, nó bấp bênh lắm. Có đó mà mất đó. Nhưng có khi có đó mà còn đó. Như cuộc tình của nhà thơ Luân Hoán. Nó bắt đầu từ khi nàng còn trong tuổi teen. Chàng phải mất tới bao nhiêu bài thơ mới dỗ dành nàng chìa được bàn tay ra, “văn học sử” không thấy ghi! Giấy bút chỉ ghi lại được lời thú nhận của nàng như sau: “Cảm ơn Trời Phật, cuộc tình của chúng tôi gần như không có chuyện buồn. Cái trở ngại lớn nhất là lúc khởi đầu. Tôi nhỏ hơn ảnh gần tròn một con giáp. Nói xấu hổ, phải tăng thêm hai tuổi trong khai sinh để được về nhà chồng, hư thật. Vì không có chuyện buồn nên chúng tôi có quá nhiều chuyện vui. Vui lúc lận đận, vui lúc thong dong. Chuyện vui nào cũng đáng nói, thành ra, chừ không có chuyện vui nào đáng kể cho anh nghe hết. Nhưng nghe để làm chi đây? Để cười người ta chắc?” (Chân Dung Thơ Luân Hoán, trang 245)

Tôi bỗng thấy muốn rời thơ để làm một con toán nhỏ. Tuổi lập gia đình, theo pháp luật, của một cô gái là 18 tuổi. Chị Luân Hoán khai tăng lên hai tuổi để đủ tuổi... xấu hổ. Như vậy là nhà thơ đón nàng thơ về dinh vào năm 16 tuổi. Cuộc tình khởi đầu lâu trước đó, lâu đủ để chàng thả hàng hàng lớp lớp thơ. Nó bắt đầu từ tuổi nào? Hình như chị Luân Hoán, trong một lần vui chuyện, đã tiết lộ là vào tuổi 13. Tuổi của ca dao!

Lấy chồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám thiếp đà năm con
Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã năm con với chàng!

Như vậy, chị Luân Hoán chưa... ngon! Lấy chồng trễ mất ba năm và cho tới bây giờ chị mới có bốn con. Còn thiếu một đứa!

Nghịch ngợm một chút thôi, chị Luân Hoán à! Coi như thêm một chuyện vui trong cuộc đời chỉ có toàn chuyện vui của chị.

Tôi còn biết nghịch ngợm, huống chi tuổi teen. Đó là tuổi đứng hàng thứ ba, chỉ sau quỷ và ma. Học trò mà không nghịch thì còn ra cái... tuổi teen gì nữa!  Học trò có hóa thành tượng cũng còn nghịch như điên.

Trong công viên có hai bức tượng teen rất đẹp, một nam một nữ. Họ lặng lẽ đứng đó nhìn nhau đắm đuối suốt nhiều năm ròng. Một sớm mai đẹp trời, một thiên thần xuất hiện và ban cho họ một điều ước: “Vì hai ngươi là những pho tượng mẫu mực đã mang lại niềm vui cho nhiều người, ta ban cho các ngươi điều ước lớn lao nhất: sự sống! Các ngươi sẽ có 30 phút để làm tất cả những gì khao khát bấy lâu nay!”
Thiên thần vừa dứt lời, lập tức hai bức tượng trở thành người thật. Họ mỉm cười với nhau, dắt tay nhau chạy vào khu rừng bên cạnh và lẩn vào sau một bụi cây. Thiên thần mỉm cười một mình khi nghe thấy đôi trai gái cười rúc rích và bụi cây rung soàn soạt, cành lá đu đưa.
Sau 15 phút, hai pho tượng sống từ trong bụi cây trở ra, vẻ thỏa mãn, tươi tỉnh. Băn khoăn nhìn đôi trẻ, thiên thần nhìn đồng hồ , hỏi:
“Các ngươi vẫn còn 15 phút làm người nữa, các ngươi có muốn tiếp tục không?”
Bức tượng nam nhìn âu yếm bức tượng nữ và hỏi:
“Em ơi! Mình làm lại lần nữa nhé!”
Bức tượng nữ mỉm cười e ấp, đáp:
“Dạ! Nhưng lần này đến lượt anh giữ con bồ câu để em “ bĩnh” lên đầu nó nhé!”

08/2004