Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

ĐÁNH

Chuyện được kể như thế này. Ngày xưa, có bà mẹ rất hay đánh con, mỗi lần đều đánh rất đau, nhưng cậu bé cứng đầu chẳng bao giờ khóc. Một hôm, bà nghĩ lại thấy thương con quá. Khi con phạm lỗi, bà đánh rất nhẹ. Lạ thay, cậu bé lại oà khóc nức nở. Bà mẹ hỏi nguyên nhân, cậu bé đáp: “Con thương mẹ đã yếu sức, nay đánh con cũng không đánh được đau, nên con khóc”. Bà mẹ nghe con nói , rất cảm động.
Ý chính mà câu chuyện trên muốn nêu ra: đó là một đứa con có hiếu, trẻ em nên... noi gương! Chuyện không nói gì đến hành động đánh con của bà mẹ. Mặc nhiên coi đó như một việc làm có... chính nghĩa! Ngày nay, kiếm được một đứa con như vậy, coi bộ hơi khó. Thời tôi còn mài đũng quần trên ghế trường tiểu học, học sinh đã biết dùng mọi mưu kế để chống đòn. Lá chuối khô, giấy báo, tập vở, và nhất là mo cau được lót vào trong quần để chống... khủng bố. Những hành động chống đối tiêu cực này, ngoài việc bảo vệ bộ mông, còn nói lên được điều muốn nói: chống đối roi vọt! Thời bây giờ, tình trạng chống đối còn quyết liệt hơn nữa. Đứa cháu tôi, mới loe ngoe đi nhà trẻ được có mấy tháng, chẳng hiểu được các cô giữ trẻ... tuyên truyền như thế nào mà khi về nhà bị mẹ dọa đánh đã nghiêm trọng tuyên bố: “Con sẽ kêu 911!”
Thời nhỏ dại của chúng ta, chắc chẳng có ai không được nếm mùi chiếc roi quất lên mông. Nó... cực chi lạ! Bố mẹ, tuy tức giận, nhưng còn đủ sáng suốt ban hình phạt một cách có lớp lang đàng hoàng. Kể tội, nhận xét và... định giá. Tội nào bao nhiêu roi, có giá biểu tất cả. Tội nhân lẳng lặng nằm xuống, giơ mông ra, chịu đúng số roi đã được ấn định trong tiếng khóc tức tưởi. Roi chưa đụng tới mông đã khóc la om sòm, đâu có được hiếu để như cậu bé trong chuyện cổ! Những vết thương rướm máu sau đó sẽ được anh chị lớn, bà cô bà dì tốt bụng hoặc chị người làm săn sóc. “Thủ phạm” lẳng lặng đi hút thuốc lào hoặc têm miếng trầu nhai bỏm bẻm, mặt lạnh như tiền.
Thày cô giáo cũng tha thiết với cây roi không kém. Có chữ nghĩa nên nhiều sáng kiến. Đánh mông chán, bắt chụm những ngón tay lại để gõ trên những ngón tay đau điếng, lại cho chiếc roi đi chu du từ đầu đến chân, nơi nào cũng là bến đỗ. Nhiều thầy cô đánh mãi mỏi tay, hết hứng thú, ủy quyền cho trưởng lớp đánh, hoặc tinh quái hơn, cho con trai quất mông con gái, con gái quất mông con trai, hoặc cho nạn nhân đánh... trả thù lại! Chiếc roi ngày bé, đó là những kỷ niệm không thú vị gì. Chẳng nên nhớ lại. Nó ám ảnh quá lắm.
Chú bé lần đầu tiên được ông nội cho đi coi hát opera, ghé sát tai ông thầm thì hỏi:
“Ông ơi, cái ông đứng quay lưng vào khán giả là ai thế?”
“Nhạc trưởng.”
“Tại sao ông ấy lại lấy cái roi chỉ vào mặt bà mặc váy dài để đe dọa?”
“Đâu có, ông ấy có dọa ai đâu?”
“Lạ thật, thế tại sao bà ấy lại hét thất thanh lên như vậy?’
Con nít ngày nay có được may mắn hơn thế hệ chúng ta ngày xưa không? Nhiều phần là như vậy. Nhưng người lớn ngày nay coi bộ nhiều tính xấu hơn. Rượu chè, hút sách, dồn nén, nhiều lo toan, bệnh hoạn và... dâm hơn! Những tính xấu trên 18 tuổi này, đôi khi đầy đọa con nít một cách thậm tệ. Mới ngày 9 tháng 2 vừa qua, tại cộng đồng thổ dân Cree ở Waswanapi, cách Montreal khoảng 500 cây số về hướng tây bắc, đã sôi nổi về một vụ ngược đãi con nít. Bé Khayden Otter, 32 tháng tuổi, được bố mẹ gửi cho một bà chuyên giữ con nít, đã bị một người đàn ông 28 tuổi, sống chung với bà này, đánh đập đến ngất xỉu vì những vết thương ở đầu và nội tạng. Được đưa bằng trực thăng tới bệnh viện Nhi Đồng Montreal, em đã được các bác sĩ mổ xương sọ vì não bị sưng. Cả ngàn người trong 9 cộng đồng người Cree trong vùng đã tụ tập phản đối hành động dã man này. Họ đã hăng hái góp tặng tiền bạc và phẩm vật cho gia đình của em bé Khayden.
Tại huyện Bù Đốp, thuộc Bình Phước ở Việt Nam, một em học trò lớp 8 cũng đã phải vào bệnh viện vì bị ông Trưởng Phòng Giáo Dục... giáo dục hơi nặng tay! Cũng vào ngày 9 tháng 2, em Mai Văn Tâm, 14 tuổi, cùng bạn bè dùng súng bắn đạn nhựa chơi bắn nhau. Rủi ro, Tâm bắn trúng vào tai Phạm Quang Hải, con ông Trưởng Phòng Giáo Dục Phạm Quang Ái. Cuối buổi học, ông Ái lệnh cho Hiệu Trưởng đem em Tâm lên phòng của ông để giải quyết vụ việc. Ông giải quyết không phải bằng đầu óc, bằng công tâm nhà giáo, mà bằng những cú đấm vào đầu, vào mặt em Tâm. Sau đó, ông giáo viên thể dục Phan Văn Vỹ dẫn Tâm về trường lại chơi thêm trò... thể dục bạt tai Tâm tiếp. Kết quả, cái mền rách tên Tâm vào bệnh viện và được cấp giấy chứng thương ghi rõ “đa chấn thương do bị đánh... sưng đau vùng má phải, tai trái.” Gia đình em Tâm đã đâm đơn kiện.
Thế ra, lai rai, trẻ em vẫn cứ bị nọc ra đánh. Cú nào cú nấy đều phải vào nhà thương cả. Đâu có được đánh một cách... văn minh như bố ông Lê Quý Đôn phạt con. Cái ông Lê Quý Đôn mà sử sách ngưỡng mộ, có tên trên bảng tên đường thuộc nhiều thành phố, hồi nhỏ cũng cứng đầu, biếng học một cây. Một bữa, chú bé 10 tuổi Lê Quý Đôn bị ông bố phạt bằng cách ra điều kiện. Hoặc xuất khẩu làm một bài thơ, hoặc phải giao du với chiếc roi mây. Tội... rắn đầu biếng học. Cậu bé họ Lê xin bị phạt theo kiểu... văn hóa. Cậu ứng khẩu đọc ngay một bài thơ mà câu nào cũng có tên một loài rắn. Chỉ có “rắn đầu” là không thấy đâu!
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba
Từ nay Châu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Bài thơ đã đi vào văn học sử Việt Nam như một tuyệt tác. Ngày nay, trẻ em ít bị đánh nên thơ thẩn về cái vụ đánh đòn này... tuyệt bản! Chẳng còn thấy nữa. Mấy ông tòa Tối Cao Pháp Viện Canada lại vừa tiếp tay làm... thui chột thêm nền thơ phú roi vọt này.
Tối Cao Pháp Viện Canada mới đây, với đa số phiếu 6/9, đã sửa lại Điều 43 trong bộ Hình Luật đã có từ 112 năm nay đề cập đến vụ... đánh đòn. Theo nội dung cũ của Điều Luật này thì cha mẹ và thày cô giáo có thể dùng sức mạnh “vừa phải” với mục đích “giáo hóa”. Nội dung mới được sửa đổi cấm hẳn roi vọt với trẻ em dưới 2 tuổi, các bậc cha mẹ không được dùng bất cứ một thứ dụng cụ nào để trừng phạt con cái. Theo các chuyên viên giáo dục thì dùng hình phạt thể xác với các em dưới 2 tuổi không có hiệu quả cải hóa vì các em còn rất hạn chế về nhận thức. Thượng cẳng tay hạ cẳng chân với các em thuộc tuổi teen lại có cái hại khác. Chúng có thể kích thích sự gây hấn hay tạo ra những hành vi chống lại xã hội của các em.
Trong năm 1998, tại Canada, đã có 9700 trường hợp trẻ con bị đánh đập được các viên chức bảo vệ trẻ em ghi nhận. Đánh đòn vẫn là một trong những cách dậy con của phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng ngày xưa họ bị đánh đòn thì nay leo lên làm cha mẹ cũng cứ tiếp tục... truyền thống đó. Họ bưng tai bịt mắt với những thay đổi của cách sống ngày nay. Năm 1986, điều tra viên Barbara Carson tiếp xúc với 1000 phụ huynh thì chỉ có 21 người cho biết là họ không bao giờ dùng roi vọt với con cái. Trong một cuộc điều tra khác, lần này bằng giấy tờ đàng hoàng, thì 90 % phụ huynh có con từ 3 đến 4 tuổi nhận là họ có đánh con. Phần lớn phụ huynh đều cho là việc phát nhẹ vào mông để răn dậy là điều cần thiết. Nhưng thế nào là nhẹ? Nhiều người cho là có những bậc phụ huynh dễ nổi nóng và không biết dừng lại đúng lúc. Mà đánh đòn con cái lại rất thường xảy ra vào những lúc phụ huynh nóng giận. Nóng có khi chẳng vì sự ngỗ nghịch mà còn vì sự học hành của con cái.
Cậu con mách mẹ;
“Hôm nay bố đánh con những hai lần liền mẹ ơi!”
“Tại sao vậy?”
“Lần đầu là vì con không đưa sổ liên lạc cho bố coi.”
“Đánh rồi thì thôi chứ sao lại đánh nữa? Con lại phá phách gì cho bố đánh nữa phải không?”
“Không, con có phá gì đâu! Lần thứ hai là khi bố xem xong cuốn sổ ấy!”
Các cậu ấm cô chiêu của chúng ta nghĩ sao về chuyện roi vọt? Jack Hellyer-Milroy, 11 tuổi, học sinh lớp 6 của trường Lower Canada College, ghen tị với con mèo trong nhà. “Nếu con mèo làm đổ bể vật gì trong nhà thì OK. Nhưng nếu là con nít thì bị vụt liền!”. Cậu ấm Daniel Khazzam, 12 tuổi, thì nhún vai cho việc đánh con nít là... ghê tởm. “Cha mẹ và thày cô không có quyền làm tổn hại trẻ em!”. Cô chiêu Caraline Ballard, 9 tuổi, rất... đạo mạo khi cho biết là cha mẹ phải nói phải quấy với con hơn là đánh con, luật phải viết rõ như vậy. Một cậu bé 10 tuổi cho kể lại có lần bị cha đánh, cậu đã đánh lại. “Ba tôi hỏi tại sao lại đánh lại ông, tôi trình bầy những gì tôi cảm thấy khi bị đánh và ông hứa sẽ không bao giờ đánh tôi nữa.” Biến cố này đã làm cho ông bố hiểu là lời nói có hiệu quả hơn là đánh đòn. Phần lớn các trẻ em được phóng viên báo The Gazette phỏng vấn sau khi có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Canada đều nói là chúng sẵn sàng chấp nhận bị cúp không được coi truyền hình hay chơi Nintendo trong một tháng hơn là bị đánh!
“Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, câu tục ngữ này đã có thể cho vào Bảo tàng viện được chăng? Yêu một cách... đau đớn như vậy dễ ghét lắm. Chỉ có cô ký điệu này mới thích... đau đớn. Cô vừa lấy được ông sếp. Về nhà chồng, cô hỏi mẹ chồng: “Mẹ có biết tại sao con lấy được anh ấy không? Chắc hẳn trong số 15 cô thư ký của anh ấy, sẽ chẳng bao giờ anh ấy để mắt đến con nếu không có cái lỗi lầm của con bữa đó. Anh ấy gọi con lên văn phòng quở trách về việc con viết sai lỗi chính tả nhiều quá. Con bảo anh ấy rằng con sợ nghe mắng lắm, thà anh ấy cứ phát cho con mấy cái vào mông còn hơn!”

04/2004