Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

RĂNG

Một thương... Hai thương... Ba thương... Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua. Phải đợi tới cái thương thứ bốn trong bài ca dao Mười Thương, răng mới được nhắc tới. Hơi chậm! Răng phải là số một. Cứ nghĩ như thế này thì thấy. Cả một khối cơ thể con người, các ông bà bác sĩ săn sóc tuốt, chỉ trừ răng. Chỉ vẻn vẹn có tối đa 32 cái răng mà các ông bà nha sĩ thi nhau chăm chút. Cùng có cái đuôi... sĩ, cùng ăn học như nhau, mà một đằng chỉ sờ tới bộ răng cân nặng chẳng bao gram, một đằng phải lo toan hết từ đầu tới chân, thường phải năm bảy chục ký có dư. Thứ nào quý hơn thứ nào?
Răng có thứ tự của nó. Răng cửa, răng nanh, răng hàm... Anh răng nanh coi bộ phiền toái nhất. Anh răng cửa, nhe ra là trăm phần trăm. Anh răng hàm, nhe ra mà vẫn kín như bưng. Chỉ có anh răng nanh là ỡm ờ nửa kín nửa hở. Nếu anh răng nanh này nghịch tinh, hơi nhoài mình ra phía trước một chút thì... nhức nhối lắm! Nó thành răng khểnh. Nó mang lại cái duyên cho cả khuôn mặt. Vì vậy, các ông văn thi sĩ, khi nói tới người đẹp, cách gì cũng phải đè ra gắn cho được chiếc răng khểnh.
Mùa này là mùa mơ mùa vải
Và đúng như người ta vẫn thường nói
Con gái Hà Nội rất là xinh
Mắt xếch một mí và răng khểnh.
Ông Đỗ Kh. phân biệt đối xử. Cứ gì con gái Hà Nội mới răng khểnh. Người đẹp của ông thi sĩ xứ Huế Hoàng Xuân Sơn cũng... khểnh vậy!
sáng nay ngắm
một nụ hường
mới hay si dại
là hương của trời
chiếc răng khểnh
chiếc răng cời
là duyên bất định
để đời cho nhau
Ông Trần Doãn Nho, có thơ thẩn gì đâu, mà cũng răng khểnh một chiếc gắn cho nhân vật Hạnh của ông trong truyện dài Dặm Trường. “...Nàng tên Hạnh, người ta không gọi là Hạnh-Lục, mà lại gọi là Hạnh-khểnh, vì nàng có cái răng khểnh, để phân biệt với ít nhất là hai cô Hạnh nữa, người thì là Hạnh-biển (dân ở biển lên) và Hạnh-nói (nói nhiều, hở cái là nói liên tu bất tận). Sau này, răng khểnh của nàng rụng mất, nhưng cái tên xem như đã chết, nên cứ Hạnh-khểnh.”
Răng nhô ra một hai chiếc là răng khểnh, tham lam nhô ra cả hàm trên thì lại thuộc diện khác, diện... thưa anh rằng! Chiếc mái Tây Hiên chẳng ai gọi là mái... khểnh được! Chữ nghĩa coi vậy mà khó khăn phát khiếp!
Vẻ đẹp của hàm răng, hầu như mọi người đều đồng ý là phải trắng và đều tăm tắp như những hạt bắp. Đều như bắp thì được đi, nhưng bắp e chừng không được trắng lắm. Răng ngà? Nghe thì có vẻ sang cả nhưng mầu ngà ngả về vàng. Mà răng ngà ngà vàng thì... hơi ngại. Nó không hứa hẹn sự thơm tho. Trên nửa thế kỷ trước đây, răng của con gái Hà Nội được tiêu chuẩn hóa là đều và bóng như hạt na. Hạt na không thể trắng được. Nó đen nhánh như hạt huyền. Răng đen phải là răng nhuộm. Nhuộm răng ăn trầu là phong tục xưa. Ăn trầu, ai cũng biết, nhất là những vị đã từng được nếm trái phật thủ vào mặt! Còn nhuộm răng là cả một công trình. Hồi còn nhỏ, tôi đã từng chứng kiến cảnh nhuộm răng của các bà cô, bà dì. Lấy lá chuối non, cắt thành một vành đặt vừa khít được vào hàm răng, bôi nhựa cánh kiến lên mặt lá áp vào răng. Buổi tối đi ngủ, dán cánh kiến vào răng, buổi sáng tháo ra. Răng sẽ trở mầu dần dần, từ đỏ tới nâu, rồi nâu thật đậm theo thời gian dán cánh kiến. Thường chu kỳ này phải mất vài chục ngày. Lúc răng đã sậm mầu, mới ngậm thuốc nhuộm cho răng đen và bóng. Như hạt huyền. Răng trắng, thời đó, bị chê bai là trắng nhởn như răng... me tây! Cũng như mặc quần trắng bị khinh bỉ là... ca-ve! Trong Tuyển Tập Nhớ Huế số 15, xuất bản tại Westminster, tác giả Lê Văn Lân đã nhắc lại vẻ đẹp răng đen của bà Cẩm Lợi, phu nhân của nhà văn Nhất Linh như sau: “Anh em tôi hồi thiếu niên còn nhớ đã núp nhìn lén bà, thấy bà dung nhan cổ điển dễ nhìn với vấn tóc trần, hàm răng đen, và nhất là ăn nói linh hoạt rất thực tế hoàn toàn không giống nữ nhân vật tiểu thuyết tên Loan trong truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh.”
Cái đẹp là một thứ hết sức đỏng đảnh. Nó trở mặt như trở bàn tay. Đang đen nó quay ngoắt sang trắng. Đời sống văn minh làm răng đen đâm ra bơ vơ. Mang hàm răng đen bị chê là... le nhaque! Thế là một hai ba chúng ta rủ nhau đi cạo răng cho trắng. Mấy ông thợ làm răng bỗng có việc làm. Rẻ tiền thì nó thành răng... cải mả. Đắt tiền thì răng mới... ngà ngà. Trắng tươi, khó lắm! Túi đông địa thì đi ngay một đường răng bọc vàng cho thêm phần lóng lánh, chụp hình chẳng cần đèn rọi , ban đêm ai nhìn cũng thấy!
Cạo răng dĩ nhiên là đau nhưng cái đau thấm gì với... đau răng. Phải cất công leo lên ghế của nha sĩ. Mà ghế của nha sĩ là một loại phi thuyền không biết sẽ đưa người ngồi trên ghế đi tới đâu. Mấy ông chính khách được báo chí ví von đang ngồi trên ghế của nha sĩ có nghĩa là con đường danh vọng đang phiêu bồng mù mịt chẳng biết đâu mà mò. Chiếc ghế nệm êm ái, ngả người cỡ nào cũng ô kê, chân duỗi thẳng tự nhiên, tưởng là phải thoải mái lắm, ai ngờ nó...cực chi lạ! Mắt nhắm, miệng mở tê rần bất động đến rách khóe môi, tiếng dùi tiếng đục, tiếng sè sè đe dọa, đục đẽo tuôn trào máu me, nước miếng nhả ra liên chi hồ điệp mà không được nuốt. Răng cỏ, sao mi làm tội làm tình ta đến như thế này!
Tội tình này đã được các nhà sáng chế vừa đổ xuống sông xuống biển cho bàn dân thiên hạ nhờ. Họ đã dùng tia laser để biến những buổi... hội đàm với nha sĩ thành những giờ phút dễ chịu hơn. Không kim, không đau, không tiếng động, không đục đẽo. Và nhất là không tê tái vì há miệng đường dài! Neil Gregory, một quản trị viên ở Calgary, Canada, vừa đi chữa răng bằng phương pháp mới đã ngôn với cái miệng cười rộng. “Thật không thể tin được! Không kim kiếc gì cả. Cái khó chịu duy nhất là cảm thấy lạnh ở nướu răng khi nước bị làm bốc hơi đi. Chỉ có vậy!”
Đi nha sĩ mà khoan khoái như vậy thì sợ chi. Khách chữa răng đổ xô làm theo phương pháp mới này mặc dù phải móc hầu bao chi thêm khoảng từ 30 đến 100 gia kim tùy theo mức độ công việc. Riêng tại Calgary đã có 13 phòng mạch được trang bị bằng những máy mới này. Tốn kém lắm không? Khoảng từ 90 đến 100 ngàn gia kim. Chính các ông bà nha sĩ cũng thích thú với... đồ chơi mới này. Nha sĩ Norman Cheng đã khoái trá nói: “Đây là một kỹ thuật thú vị. Có ngày tôi không phải đụng đến cây kim. Chưa bao giờ trong 14 năm hành nghề của tôi lại có lúc như thế này”. Tia laser đã hoạt động ra sao? Nó tìm ra những tế bào có nước rồi làm bay hơi nước đi, rất nhanh và rất chính xác, không hề hấn gì tới cấu trúc của những chiếc răng không đau. Kỹ thuật này có thể dùng để trám răng, giải phẫu nướu và xương răng, và niềng răng. Chỉ có một phiền toái nho nhỏ. Vì kỹ thuật quá mới nên các hãng bảo hiểm sức khỏe chưa theo kịp: họ chưa chịu chi tiền cho các khách hàng chữa răng theo lối mới này!
Khi răng... hết thuốc chữa thì khỏi chữa luôn. Chơi một bộ răng giả là xong. Thường các cụ bắt răng phục vụ lâu quá, răng oải răng... đi chơi. Cho anh nướu răng... cô đơn! Nướu răng, tiếng Bắc Kỳ diễn nôm là... lợi.
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thày bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!
Răng giả cũng có cái vui của răng giả. Nó cho chúng ta hưởng được cái thú vừa đánh răng vừa huýt sáo! Nhưng vì nó không dính chặt vào miệng mà chỉ khi on khi off nên cũng có cái phiền. Mới đây, một ông người Đức đã đi trình phú lít ở Dortmund là chủ nợ đã xiết bộ răng giả của ông khi ông không thể thanh toán tiền nợ vì thua bạc. Ông chủ nợ, mới 51 tuổi, răng cỏ chắc vẫn còn đầy đủ, nên không hiểu được nỗi khổ của người chỉ có thể ăn thức ăn lỏng. Được cái là ông cũng biết nể cảnh sát nên đã chịu trả lại bộ răng khi con nợ cam kết sẽ trả đủ 150 euro tiền nợ.
Răng giả chẳng phải chỉ để nhai thực phẩm mà còn là tình nữa.
Sau những ngày đông giá lạnh, chợt một chiều, thời tiết trở nên ấm áp, cặp vợ chồng nọ ra ngồi ngoài hiên nhà sưởi nắng và ôn lại quá khứ. Bà già nói với ông già.
“Em nhớ ngày xưa anh thường ngồi sát vào em.”
Ông già xích lại sát bên bà vợ. Bà già lại tiếp.
“Em nhớ hồi đó anh thường choàng tay ôm chặt em.”
Ông già run rẩy vòng tay qua eo bà già, siết chặt lại. Bà già lim dim mắt nhớ lại.
“Em nhớ là anh còn thích cắn vào vai em nữa kia!”
Ông già lập cập đứng lên.
“Được! Được! Để anh vào nhà lấy hàm răng giả ra đã!”
Cuộc sống, nhất là cuộc sống trong những thời khắc nghiệt ngã gần tàn, chẳng mấy khi là những thời khắc mộng mơ. Nó thực tế hơn nhiều.
Một đôi vợ chồng già bước vào một tiệm Mac Donald’s gọi một cái hamburger, một gói khoai tây chiên, một ly nước. Họ cẩn thận cắt đôi bánh, chia đều gói khoai và rót nước ngọt thật đều ra hai chiếc ly. Thấy vậy, một thanh niên tốt bụng đề nghị mời hai vợ chồng già một xuất ăn nữa. Bà vợ lịch sự từ chối.
“Cậu không hiểu đâu! Chúng tôi lấy nhau đã hơn 50 năm và đã quyết định sẽ cùng nhau chia sẻ thật đều những gì mình có cho tới trọn đời.”
Ông chồng bắt đầu dùng bữa trong khi bà vợ ngồi khoanh tay say sưa ngắm chồng. Thấy vậy, người thanh niên thắc mắc.
“Sao bác không ăn cùng với bác trai?”
Bà lão móm mém cười.
“Tôi chẳng nói với cậu là chúng tôi chia sẻ thật đều mọi thứ trong đời hay sao? Hôm nay tới lượt ông ấy dùng hàm răng giả trước!”
Răng, nó đau thì ta khổ. Trong trăm ngàn nỗi khổ của đời sống, nỗi khổ đau răng là nỗi khổ có hạng. Mất ăn mất ngủ. Đau răng mà thiền được chỉ có các thiền gia. Ni cô Trí Hải thiền với cái răng đau như sau.
“Đau răng mới biết rõ ý nghĩa của Vô Ngã.”
“Răng với Vô Ngã có ăn thua gì với nhau đâu, thưa cô!”
“Khi răng không đau thì mình không để ý tới hắn, coi như không có. Khi hắn lên tiếng là có chuyện. Cũng thế, nếu mình vô ngã thì môi trường chung quanh mình rất dễ chịu. Còn mình lên tiếng “Có tôi đây” thì có chuyện ngay. Bởi vậy, muốn lành mạnh phải vô ngã!”

03/2004