Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

THUỐC LÁ

Viết về thuốc lá, dễ mếch lòng! Mấy ông bạn tôi phần đông đều cầm tinh cái... đầu xe lửa. Mù mịt lắm! Mấy năm trước, nhà thơ Du Tử Lê qua Montréal chơi, vào một tiệm ăn, thấy có khu dành cho người hút thuốc, khen rối rít. Cái xứ này... văn minh gớm nhỉ!
Đầu thập niên 90, tôi đọc được trên tờ Time, số đặc biệt về thuốc lá, một bài tiên đoán rất khó tin. Họ cho biết là tới năm 2000, hút thuốc lá sẽ bị coi như là hút cần sa ma túy! Vào cái thời những năm đầu của thập niên chót của thế kỷ thứ 20 đó, người ta sống với thuốc lá như sống với cơm, với bánh mì. Đề huề lắm. Có chi báo hiệu cho một sự chia tay sỗ sàng như vậy đâu! Mấy ông bạn tôi gạt đi. Cái thứ ăn nói bá láp! Tôi, chẳng còn là dân phì phèo ngậm chơi lửa đỏ, lúc đó cũng không nghĩ là chỉ nhấp nháy trong mười năm nữa, thuốc lá... ghê gớm như vậy! Vậy mà mọi sự xẩy ra đúng boong. Ngày nay, dân hút thuốc bị xua đuổi như xua tà ma. Chẳng còn nơi nào là nhà cả. Ngay nhà mình cũng... lạ lẫm với mình. Họa sĩ Đinh Cường dẫn tôi vào một cái chẹt nhỏ xíu dưới chân cầu thang dưới hầm nhà, tay rút thuốc, nói nhỏ. Cái phòng này bị kêu là phòng Tội Lỗi đó!
Hút thuốc quả là cái tội. Ngày xưa, tội nhẹ thôi, chỉ tổ vướng bận: thuốc với quẹt đầy túi. Ngày nay, tội nặng. Đối với người chung quanh, dù thân hay sơ, người làm bạn với khói như bị... rút phép thông công!
Tôi ở bên này hút cả trăm thứ thuốc
châm lửa rồi hút vội được vài hơi
nhìn quẩn quanh bảng cấm giăng khắp lối
muốn bực mình buông tiếng chửi lại thôi.
(Nguyễn Bá Trạc)
Ở bên này hút thuốc cực lắm. Ở bên nớ hút thuốc vẫn còn như đang ở... thiên đường. Người hút thuốc vẫn còn được sống chung hòa bình với người không hút thuốc. Tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam rất cao: 56% nam giới. Thầy giáo nước ta, cứ hai thầy lại có một thầy thở khói. Nam sinh học theo thầy cũng được 5%. Mùi thuốc lá vẫn là mùi quen thuộc. Trong thời gian ở Việt Nam mới đây, bước chân vào quán cà phê, tiệm ăn, điểm internet và hầu như tất cả các chốn công cộng khác, tôi vẫn thấy người ta rút thuốc ra châm lửa tỉnh bơ. Không... tội lỗi một chút xíu nào. Mới chỉ vài tuần trước đây, Viện Đại Học Y Tế tại Hà Nội mới chính thức cấm các nhân viên và sinh viên hút thuốc trong khuôn viên của trường. Đây là Viện Đại Học đầu tiên trong nước đưa ra lệnh cấm này. Lệnh là như vậy. Tuân lệnh lại là chuyện khác. Đó là... thông lệ ở nước ta!
Trưởng phòng hỏi một nhân viên:
“Anh không biết là Sở ta có lệnh cấm hút thuốc trong lúc làm việc sao?”
“Dạ biết! Nhưng tôi đang ngồi chơi chứ có làm việc đâu!”
Tại sao người ta hút thuốc? Tôi hút thuốc là vì muốn học đòi làm người lớn. Hồi còn học trung học ở Chu Văn An Saigon, được bạn bè rủ rê, tôi thử hút điếu đầu. Ho sặc sụa, đắng nghét. Ăn một cây cà rem chắc sướng hơn nhiều! Nhưng cái tâm lý muốn làm người lớn buộc tôi phải dứt... cà-rem. Hút thêm vài điếu nữa, dĩ nhiên không phải hút liên tiếp, thấy quen quen. Tập tọng thứ gì chẳng phải tốn công. Cứ từng điếu như vậy, tôi có cảm tưởng như mình đã... thành nhân. Chỉ từng điếu thôi, hút ké, mua lẻ, đi xin... Lần đầu tiên tôi có nguyên một bao thuốc 10 điếu còn bọc giấy bóng kính thẳng băng là lần tôi ăn hối lộ! Giờ làm toán, thằng bạn ngồi bên cạnh tôi cắn bút. Cắn chán nó năn nỉ tôi cho... cọp dê. Tôi bằng lòng vì nó hứa sẽ có quà đền ơn đáp nghĩa. Ngày hôm sau, nó mang cho tôi một bao thuốc còn nguyên xi. Nhà nó có cửa hàng tạp hóa, của này chắc cũng là của... chôm. Bỏ bao thuốc vào túi, tôi thấy như mình cao thêm cả thước. Giờ ra chơi, hung hăng bóc bao thuốc mời bạn bè. Thấy mình lớn chi lạ!
Nhà văn Thế Uyên... chậm tiến hơn tôi. Mãi tới trên 21 tuổi mới hút điếu thuốc đầu tiên trong đời. “Tôi bắt đầu hút thuốc lá hồi trẻ, so với tiêu chuẩn chung và quốc tế, vào năm đã hơn 21 tuổi, và không do ai rủ rê cả. Một người bạn đến mời tôi đến quán Gió Bấc để uống cà phê, gọi mấy điếu thuốc ngon hồi đó là Cotab, mời tôi. Mời thì hút thôi và thấy môi ngậm điếu thuốc buồn buồn trên da môi nhẹ nhàng, khói bốc ra trong miệng trong da mũi như mơn trớn một mùi thơm hắc dễ chịu, nhất là khi đi kèm với cà phê đắng ngọt trên lưỡi. Kể từ đó mỗi lần đi uống cà phê, tôi lại hút hai điếu Cotab, về sau thấy nhạt, không đã, chuyển sang hút thuốc lá nâu điếu dài Oakland.” (Văn, California, số 90&91, tháng 6&7 năm 2004 ).
Bắt đầu như thế, người ta xông vào một cuộc tự tử dịu dàng. Bởi vì, hút thuốc lá là chấp nhận mất đi từ 12 tới 25 năm tuổi thọ. Ung thư phổi là căn bệnh gần gũi với thuốc lá nhất. 87% trường hợp ung thư phổi là do thuốc lá. Số người chết vì thuốc lá khoảng 5 triệu người mỗi năm, nhiều hơn tất cả số tử vong do tai nạn, lao phổi và AIDS cộng lại! Trong tương lai 25 năm nữa, nếu không ngăn chặn kịp thời, số đi ngủ với giun do hút thuốc lá sẽ tăng gấp đôi, 10 triệu mỗi năm. Hai phần ba số tử vong này là ở các nước đang phát triển.
Những con số này, đọc cho vui, chứ các... nhà máy khói chắc chẳng coi ra gì. Trên mỗi bao thuốc lá bán ra trên thị trường, trước đây người ta đã... đe dọa bằng chữ. Hút thuốc sẽ bị ung thư phổi, ung thư miệng, có hại cho thai nhi... thậm chí tới... bất lực! Vậy mà người ta vẫn cứ phì phèo. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, người ta tăng sự đe dọa bằng những hình ảnh rõ ràng, đập thẳng thừng vào mắt các vị đang cắm điếu thuốc vào miệng. Mỗi bao thuốc đều có hình những lá phổi, những hàm răng, những cái lưỡi... loang lổ thâm xịt. Nhìn vào là thấy ớn. Người đã ngưng hút thuốc như tôi nhìn thấy rất hãi. Nhưng với những chiến sĩ can trường vẫn đang mù mịt khói thuốc thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Có mà dọa con nít! Không hút, chết sướng hơn!
Trên một chuyến tàu, cuộc trò chuyện chuyển sang nói về những thói quen tốt và xấu trong việc giữ gìn sức khỏe. Một anh chàng béo tốt hồng hào thao thao bất tuyệt về đề tài này. Anh ta nói:
“Hãy nhìn tôi đây thì biết! Chưa bao giờ tôi đau ốm cả. Tất cả là do cách ăn uống và kiêng khem.”
Mọi người há miệng ra chờ đợi lời giải thích hấp dẫn. Chờ cho mọi người nao nức xong, anh mới... thuyết pháp:
“Tại sao ư? Tôi sống rất có điều độ, ăn uống đơn giản, 9 giờ tối đi ngủ, 5 giờ sáng thức dậy, tập thể dục hàng ngày, mùa hè cũng như mùa đông. Và nhất là không bao giờ cà phê, rượu chè, thuốc lá...”
Một người ngồi trong góc tàu cắt ngang câu nói, hỏi:
“Xin lỗi ông! Ông vào tù vì tội gì vậy?”
Tôi tự do, vậy tôi hút thuốc lá! Dân Québec chúng tôi được tiếng là những người chịu chơi. Số người nghiện, bất cứ nghiện thứ gì, cũng đều nhất nước Canada. Thuốc lá thì càng nhất! Ngay trẻ em Québec cũng... nhất nước! Hơn nửa số trẻ em hút thuốc trên toàn thể Canada là trẻ em Québec. Năm 2002, trong số học sinh từ lớp 5 đến lớp 9, có 3%, khoảng 54 ngàn em, nghiện hút. Trong số này, quá nửa là các em gái! Cứ lên một cấp lớp là số trẻ em hút thuốc tăng gấp đôi. Lớp 7 là 2%, lớp 8 là 4%, lớp 9 là 8%. Học sinh từ lớp 7 đến lớp 9, từ 12 đến 14 tuổi, nghiện thuốc lá thì có tới 75% chơi luôn cần sa, 92% chơi luôn rượu. Hai phần ba các em nghiện có cả cha lẫn mẹ là dân... phun khói. Hổ phụ hổ mẫu sanh ra hổ tử! Càng hút thuốc thì càng... dốt. 12% các em hút thuốc có học lực trên trung bình so với 40% các em không hút. Học lực dưới trung bình thì có 28% các em hút so với 6% các em không hút.
Một cậu bé đi đi lại lại trước rạp chiếu bóng, miệng phì phèo điếu thuốc. Một bà cắc cớ hỏi:
“Mẹ cháu có cho cháu hút thuốc không?”
“Không!”
“Thế sao cháu lại hút?”
“Thế chồng cô có cho phép cô nói chuyện với đàn ông lạ ở ngoài đường không?”
Hút thuốc lá đâu có ngu! Lý luận cũng... ra gì! Trẻ em cũng như người lớn. Một ông Hy Lạp, ông Takis Kouris, cũng... tam đoạn luận! “Tôi là dân Hy Lạp và dân Hy Lạp thì phải hút thuốc. Đó là một phần của Hy Lạp!” Thuốc lá gắn liền với dân Hy Lạp. Số người trưởng thành hút thuốc là từ 40 đến 45 phần trăm. Trong hạng tuổi từ 25 tới 34 còn... siêu hơn nữa: 60%! Họ hút tá lả. Trong xe điện ngầm, ngoài phi cảng quốc tế, ở mọi chốn công cộng và nhất là trong tiệm ăn, khách sạn. Chính quyền cũng có ra tay đấy nhưng dân chúng coi như pha. Trong tiệm ăn, tìm được khu cấm hút thuốc cũng phải trần thân vất vả. Nơi “mát mẻ” đó chỉ là một vài bàn nằm thu mình cho có lệ bên cạnh những bàn hút thuốc. Trung bình một người dân Hy Lạp hút 23,38 điếu mỗi ngày, bỏ xa nước về nhì tại Âu Châu là Bỉ với 18 điếu rưỡi. Mắc mớ gì tôi lại suy tì Hy Lạp như vậy? Tại vì tháng 8 sắp tới, Thế Vận Hội mùa hè sẽ được tổ chức tại thủ đô Nhã Điển của Hy Lạp. Thể thao ít đi đôi với thuốc lá nên chính phủ đang khuyên dân chúng nên bớt nhả khói để khỏi mất mặt với các lực sĩ và du khách khắp thế giới sẽ đổ tới vào dịp hội lớn này. Cũng như trước đây, khi Thế Vận Hội được tổ chức tại Séoul, Nam Hàn, nhà cầm quyền đã phải dùng đủ cách để... dấu đi những tiệm thịt chó cho quốc tế khỏi chọc quê dân Nam Hàn! Chưa chi quốc tế đã... chọc quê dân Hy Lạp. Họ nói là Thế Vận Hội Hy Lạp nên châm ngọn lửa thiêng bằng... một điếu thuốc lá!
Giỡn hoài! Đã bảo thể thao không đi với thuốc lá được! Tại Montréal, trong giải Đua Xe Hơi Quốc Tế Grand Prix F1 vừa kết thúc, thuốc lá cũng được mời đi chỗ khác chơi. Từ trước tới nay, các hãng sản xuất thuốc lá đã bỏ rất nhiều tiền ra cho cuộc đua này để họ có cơ hội quảng cáo thuốc lá. Năm nay, dựa vào luật cấm quảng cáo thuốc lá, ban tổ chức bắt buộc phải nghỉ chơi với các ông đông bạc này. Cuộc đua tưởng đã phải bãi bỏ nhưng chính phủ đã chi ra 12 triệu Gia kim để cứu cuộc đua. Vậy mà chính phủ vẫn mang tiếng to đầu mà dại. Mùi thuốc lá vẫn vương trên vòng đua. Trên xe đua Jordan-Ford, quảng cáo thuốc lá Benson&Hedge đã được ghi trại ra thành Be On Edge, trên xe BAR-Honda thuốc lá Lucky Strike biến thành Look Left hay Look Right tùy theo hướng nhìn của khán giả! Cái kiểu... hương gây mùi nhớ này là một chiêu ngoạn mục của các nhà sản xuất thuốc lá!
Khói xe còn vương vấn khói thuốc. Khói thuốc còn... đốt sức khỏe của những người phải ngửi khói. Không hút nhưng chỉ hít khói thừa cũng bị vạ lây. Ngửi khói thuốc thường xuyên có nhiều nguy cơ bị viêm phế quản, viêm phổi hoặc làm bệnh hen suyễn trở nên nặng nề hơn. Ở Việt nam, vì tỷ lệ người hút thuốc cao nên số người hưởng cơm thừa canh cặn cũng cao. Trên 50% dân không hút thuốc phải tiếp xúc với khói thuốc ít nhất 30 phút mỗi ngày. Theo một khảo sát mới đây với các học sinh ở 5 tỉnh thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước thì cứ 10 em lại có 6 em bị nhiễm khói thuốc ngay tại nhà.
Đốt thuốc lá là đốt tiền. Cách này hay cách khác. Mỗi năm, một người hút thuốc lá ở Việt nam chi khoảng 700 ngàn đồng cho thuốc lá. Nhân lên với 12 triệu người hút, mỗi năm họ đốt hết 8200 tỷ đồng, số tiền đủ để mua thực phẩm nuôi sống 10,6 triệu người! Một khảo sát gần đây cho thấy chi tiêu cho thuốc lá trong một gia đình ở Việt Nam cao gấp 3,6 lần phí tổn cho học hành, gấp 2,5 lần cho mua sắm áo quần và gần gấp đôi số tiền chi cho khám bệnh!
Số tiền nhà nước bỏ ra để chữa những bệnh gây ra bởi thuốc lá là chuyện khác. Đó là một số tiền không nhỏ. Trong thập niên 90, hơn 40 tiểu bang ở Mỹ kiện các hãng sản xuất thuốc lá đã dẫn tới vụ dàn xếp ngoài tòa một món tiền bồi thường khổng lồ lên tới hơn 240 tỷ Mỹ kim! Năm nay, tỉnh bang British Columbia ở Canada nối gót đưa các hãng sản xuất thuốc lá ra tòa. Số tiền đòi bồi thường là bao nhiêu, người ta chưa biết rõ. Nhưng mỗi năm, số tiền tỉnh bang đã phải chi ra cho việc điều trị các loại bệnh liên quan đến thuốc lá là 500 triệu Gia kim.
ta với cái buồn chẳng ai buồn hơn
ngậm điếu thuốc rê gật gù thở khói
giá mà còn em cho ta được nói
chắc đôi đường ân oán cũng không xong!
(Hoàng Lộc)
Góc quán cà phê đây thiên hạ
Buồn vui thuốc lá chuyện lao xao
Vui em áo mới theo mùa mới
Xưa ngực bình nguyên trổi dậy chào
(Nguyễn Nam An)
Buồn theo thuốc lá. Vui theo thuốc lá. Không có điếu thuốc lá, các bạn tôi chắc sẽ hụt vần thơ. Thuốc lá tơ lơ mơ mà, biết chăng, đã làm nên một góc văn học của mọi nền văn học trên thế giới. Không có thuốc lá, chắc gì văn thơ đã không nhạt nhẽo, chẳng mùi mà cũng chẳng vị. Bạn tôi, nhà văn Hồ Đình Nghiêm, cũng cùng dân Montréal, cũng phì phèo ngang cỡ nhà thơ Lưu Nguyễn, đốt khói ngang tầm nhà thơ Hoàng Xuân Sơn khi chưa dứt khói, đã... thuốc lá tụng hết nước: “Những chính trị gia, những nhà văn, những họa sĩ, những đạo diễn...chừng như ai nấy đều là những kẻ nghiện hút. Bởi thuốc lá, nó đại bổ cho một đầu óc cần toan tính, suy tư. Là thang thuốc kỳ diệu giúp người ta hạ hỏa, lấy lại được sự bình thản. Những mafia, những đại ca cũng đều ngậm thuốc, nheo mắt trước và sau khi hành sự. Kể cả thằng đàn ông trên giường, nằm vật mình sang bên, việc đầu tiên là vớ ngay một điếu thuốc, lim dim thụ hưởng, thôi ngó ngàng tới con mẹ đàn bà đã từng là đồng minh vừa mang mình vượt qua cái lãnh thổ mà sự mê tơi thống khoái có thể làm phát khóc đi được. Khóc trong quốc gia hay khóc ngoài biên ải cũng đều là khóc cả. Cái quan trọng là anh còn khóc được hay đã khô cạn những nguồn cơn?” (Văn Học, California, số 208&209, tháng 8&9 năm 2003 )

06/2004