Âm dương
Bia
Cà phê
Cầy
Chó
Cõi tạm
Cởi
Computer
Con
Đánh
Đàn ông
Đạn
Đì
Đũa
Giáng sinh
Già
Gò bồng đảo
Hưu
Hoa xuân
Hỏa ngục
Kỳ thị
Lá thu
Lén
Mập
Ngón tay
Ngủ
Nói
Phôn tay
Phở
Quảng cáo
Răng
Rượu
Tai
Teen
Thuốc lá
Tiền
Tiện
Tóc
Vợ chồng
Xe đạp

 

TAI

Tai là một bộ phận xoàng xĩnh nằm trong một vị thế cheo leo nguy hiểm. Chẳng phải đầu cũng phải tai. Cái đầu to thế mà tránh để cho cái tai nho nhỏ gánh chịu. Vậy mà người ta vẫn chỉ để ý đến cái đầu và đoạn nối dài của cái đầu là cái mặt. Cặp tai toòng teng hai bên mặt hầu như bị bỏ quên không được kể vào quần thể những bộ phận trên mặt. Mấy ông nhà thơ thì lại còn quên bạo hơn nữa.
Má còn làm thẹn hoa đào?
Mắt còn làm nhạt ngàn sao trên trời?
Tóc còn xanh thuở đôi mươi?
Lòng còn vui thuở hoa cười ước mơ?
Nhớ về người yêu cũ, hỏi rối rít hầu hết các bộ phận trên mặt nhưng nhà thơ Tạ Ký lại làm lơ với đôi tai người yêu. Má hồng, mắt biếc, mi cong, mày phượng, miệng hoa. Từng ấy bộ phận chia nhau tất cả các mỹ từ xưng tụng, có dành cho đôi tai được một chữ nào đâu!
Tạ Ký làm thơ nên chắc lơ mơ như mọi thi sĩ khác. Đỗ Kh. cũng làm thơ nhưng ông này rõ ràng lắm. Ông gọi chỗ nào ra chỗ nấy, đố có lầm được. Ông vốn có khiếu về các bộ phận trên thân thể con người. Coi nào, thử xem ông có cho đôi tai một cơ hội nào không?
Ai mà nhớ nổi em làm sao
Kiểu tóc lần chót là kiểu nào
Ai mà nhớ nổi lần cuối gặp
Cái miệng em tròn hay nó méo
Cái miệng em cười hay nó mếu
Cái miệng của em như cái thuyền
Bấp bênh trên một hồ nhân tạo
Mỡ dầu.
Nói lắp về cái miệng đôi ba lần xong, ông rủ em Linda đi tuốt xuống miệt Cà Mau đất lành chim đậu, để lại đôi tai bơ vơ buồn tủi. Chỉ có một điều an ủi là cái mũi cũng cùng chung số phận, cả hai ông thi sĩ đều chẳng bố thí một dòng thơ cho cái mũi! Họa sĩ Thái Tuấn còn chê chiếc mũi tận tình hơn nữa. Các cô thiếu nữ trong tranh của ông chẳng cô nào được ông sắm cho một chiếc mũi cả. Chỗ của chiếc mũi ông làm lơ không thèm ban cho một nét. Vậy mà xem tranh ông, nếu không để ý thì chẳng thấy thiếu gì cả. Tài tình là ở chỗ đó. Chiếc mũi, tuy vậy, còn được ca tụng đó đây là mũi dọc dừa chẳng hạn. Tai thì chịu thua. Lại còn bị mắng bằng những chữ khó nghe nữa. Đồ cụp tai! Tai điếc hay sao vậy? Nói nghe ngứa cả tai! Ngứa tai là bệnh nghe những lời nói của những người ngứa mồm. Cũng như thối tai là bệnh nghe những lời nói của những người thối mồm.
Cái tai, cuối cùng, chỉ có chút an ủi là được nhắc tới trong các sách giáo dục sinh lý, như là một chỗ nhậy cảm trong các hoạt động trên giường.
Hai vợ chồng già cãi cọ với nhau về chuyện ai sướng nhiều hơn ai trong hôn nhân. Đến khi sắp đuối lý, ông chồng trở ngược tình thế bằng câu hỏi.
“Đã bao giờ bà bị ngứa lỗ tai chưa?”
“Thỉnh thoảng, nhưng có liên quan gì đến vấn đề này đâu?”
“Ậy, từ từ, thế bà làm thế nào cho khỏi ngứa?”
“Thì tui ngoáy tai bằng cái ngoáy tai!”
“Vậy chứ, tôi hỏi bà, lúc ấy thì cái ngoáy tai nó sướng hay lỗ tai bà sướng?”
Cái tai, xem ra như vô dụng. Bỏ quách nó đi được chăng? Không được! Ông nội trợ khoát tay (cái tai có bơi theo không nhỉ?). Bỏ đi thì lúc tay làm bếp lỡ bị nóng lấy cái gì nắm vào để giải nhiệt? Ông thầy tướng số lắc đầu (cái tai có lắc theo không nhỉ?). Không có tai thì làm sao coi được tướng thọ hay yểu? Ông thầy giáo cũng quắc mắt (cái tai có vểnh lên theo không nhỉ?) Không có tai lấy gì để nhéo khi học trò phá phách nghịch ngợm? Mấy bà mấy cô la bai bải ( cái tai có bịt lại không nhỉ?). Không được, bộ muốn tụi tôi vứt mấy đôi bông tai đi đâu?
Bông tai? Cái tai cuối cùng cũng có chút duyên dáng. Nhưng đó là thứ duyên dáng nguy hiểm. Tác giả cuốn Canh Dưỡng Sinh (sách gối đầu giường của người Việt hải ngoại?), khoa học gia Lập Thạch Hòa, đã làm tới bốn thí nghiệm về bông tai. Đeo khoen với vàng 3 carat vào hai tai của con dơi, nó không thể bay lên được. Đeo khoen vào tai con chuột, nó chạy vòng vòng không biết phương hướng. Đeo khoen vào con rắn, con rắn không thể bò thẳng tới, giống như là khúc gỗ vậy. Đeo khoen vào tai con chó hoặc con mèo, không bao lâu con vật sẽ chết.
Tại sao vậy? Khoa học gia Lập Thạch Hòa giải thích. Các loại động vật sinh sống trong trạng thái thiên nhiên rất nhậy cảm với các chất kim loại, nên sanh ra các phản ứng tác hại. Cơ thể con người thường phát ra một dòng điện rất thấp. Dòng điện này xuyên qua lớp da truyền đạt qua thần kinh, mang những mệnh lệnh phát ra từ não bộ phân phát đi khắp các cơ tạng trong cơ thể. Vì thế lớp da đóng vai trò truyền đạt điện từ của thần kinh rất quan trọng. Đeo nhiều nữ trang sẽ gây cản trở đường chuyển vận dòng điện nên có thể xảy ra các trường hợp phát điện bất thình lình và tùy tiện lúc nào cũng được. Một khi tế bào ác tính biến thành bướu ung thư, não bộ phát mệnh lệnh cho các bạch huyết cầu và tế bào lành hình chữ T tấn công các tế bào độc đó. Nhưng vì đeo nhiều vàng quá, thành ra sự truyền lệnh phản công bị gián đoạn, nên thua trận. Vì thế những bệnh nan y như ung thư nhũ hoa, ung thư tử cung rất dễ xảy ra cho các phụ nữ thường đeo nhiều trang sức bằng kim loại. Tổng số các bệnh nhân mắc phải bệnh này hàng năm gia tăng gấp hai lần nhiều hơn những người không đeo nữ trang. Mặt khác, những phụ nữ đeo nữ trang mắc bệnh lú lẫn cũng càng ngày càng gia tăng.
Cho nên, đeo nhiều vòng vàng trên cơ thể không có ích lợi gì cho sức khỏe!
Nếu khoa học gia Lập Thạch Hòa, ngoài nữ trang bằng vàng, nói thêm vào cả kim cương hột xoàn thì quý hóa biết bao!
Tôi không phải là khoa học gia nhưng cũng thấy được một điểm là càng đeo bông tai lớn con người càng trì trệ. Cái gì lớn mà chẳng nặng! Bằng chứng là các phụ nữ Thượng đeo bông tai đến căng cả tai nên ít mở mang hơn các phụ nữ đeo bông tai nhỏ là các bà các cô văn minh có hạng, son phấn ngất trời!
Cái tai luôn luôn có một phần số hẩm hiu. Được có mỗi một việc duyên dáng là cõng đôi bông tai mà ngày nay, cái công việc tưởng như độc quyền này cũng đã bị cạnh tranh quyết liệt. Chẳng cứ gì tai, các bà các cô ngày nay chỗ nào mà chẳng đeo bông đeo khoen được. Trên trán, lông mày, mí mắt, lỗ mũi, đôi môi, cằm, xuống tới nhũ hoa, lỗ rốn và xuống sâu hơn nữa! Một bà ở Ba Tây vừa được ghi vào sách kỷ lục Guinness vì đã đeo trên khắp người tới gần hai ngàn khoen!
Ông bạn tôi, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, vốn là người rất nhậy cảm, thơ liền.
Những chiếc khoen trên mũi trên môi trên ngàn ngàn rốn
lóng xương cụt ngoẹo đầu hôn vết xâm
đêm hôn một khoảng da trời nguyệt bạch
mơn mởn xanh ngày ruỗi chân nằm
Tôi có một ông bạn đồng sự người Haiti rất vui tính, đạo đức và dí dỏm. Có một lần, ông đọc báo thấy có một bài phóng sự về chữ trinh của các tiểu thư ngày nay, bèn than thở: “Cái giống trinh nữ ngày nay đã tuyệt chủng rồi!”. Chuyện thường ngày, chẳng ai thèm để ý tới nữa. Tôi ầu ơ với ông cho phải phép. Nhưng ông không bỏ qua. Ông bảo ở quê hương ông, cô gái nào trước khi về nhà chồng mà léng phéng trước thì, sau đêm tân hôn, bên nhà trai sẽ gửi về bên nhà gái một cái bánh. Cái bánh này có hình thù như hai bàn tay khum khum úp vào nhau, ở giữa có một khe hở. Thế là rồi đời cái danh giá của cả họ nhà cô dâu!
Nghe câu chuyện hấp dẫn, tôi hứng chí cho ông biết là ở Việt Nam chúng ta, cũng có một cách tố cáo về sự mất mát cái ngàn vàng tương tự như vậy. Nhưng chúng ta dùng một thứ khác: cái tai heo quay! Nhà trai sẽ gửi về cho nhà gái, vào ngày nhị hỉ, cái đầu heo đã bị xẻo tai.
Tôi vừa dứt lời, ông bạn đen như than của tôi toác miệng cười. Không hiểu cái bánh khum khum có đường rãnh của nước tớ và cái tai heo của nước đằng ấy, cái nào có lý hơn nhỉ? Tôi không muốn trả lời ông bạn nhưng trong bụng vẫn nghĩ là cái tai heo nó lắt léo và sâu sắc hơn là cái chắc!
À, thế ra tẩm ngẩm tầm ngầm như cái tai, cuối cùng, cũng nói lên được một điều gì đấy chứ. Nhưng đây là cái tai heo! Rõ phiền!

01/2004