Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

BIA

Nói tới bia phải nhắc ngay tới nhà văn Thanh Nam. Không hiểu ông uống bia hay bia uống ông! Tôi gặp Thanh Nam một lần duy nhất tại một nơi không thích hợp với bia: nhà hộ sanh. Đầu năm 1973, nhà tôi sanh con đầu lòng tại nhà thương Sùng Chính ở Sài Gòn. Nằm chung phòng là bà Túy Hồng. Trong một lần tới thăm vợ sanh, tôi gặp ông Thanh Nam cũng vào thăm vợ con. Hồi đó ông viết văn và làm báo nhà nghề, tôi làm báo tài tử nên cuộc gặp gỡ chẳng có chi chữ nghĩa cả. Chỉ vẻn vẹn là hai anh chồng đi thăm hai bà vợ sanh tình cờ nằm chung một phòng. Vậy mà tôi cũng ngửi thấy mùi bia!

Con đường được mệnh danh là đường báo chí Phạm Ngũ Lão thời đó là nơi gặp gỡ của dân làm báo. Cứ chiều thứ bảy là dân làm báo tụ tập trên mấy quán nhậu nằm rải rác trên con phố này. Tôi có mặt thường xuyên nhưng không bao giờ thấy có Thanh Nam. Có lẽ ông thuộc “cánh” viết văn tụ tập ở nơi khác. Tuy vậy tôi cũng biết Thanh Nam là đệ tử của bia. Mới đây tôi đọc được một bài báo của tác giả Nguyễn Thiếu Nhẫn nói về những kỷ niệm với Thanh Nam, trong đó nhất định phải có dính dáng tới bia bọt. “Chính tại tòa soạn báo Tia Sáng ở đường Phát Diệm tôi đã gặp và quen biết với nhà văn Thanh Nam. Qua giới thiệu của anh Ngô Tỵ, Tổng Thư Ký tòa soạn báo Tia Sáng, Thanh Nam cười cười, nói với tôi: “Qua quán kiếm bia uống”. Trước khi đi Thanh Nam còn ngoái lại hỏi Ngô Tỵ: “Chốc ông có qua không?”Ngô Tỵ đang cắm cúi làm tin, nói không nhìn lên: “Làm tin xong tôi qua, nhưng không chắc. Bữa nay có bạn mới, ông đâu có sợ độc ẩm”. Ở cái quán cà phê kế tòa soạn, anh Thanh Nam và tôi ngồi ở cái bàn trong góc quán. Quán lèo tèo với ba, bốn cái bàn gỗ. Một thùng gỗ có bọc nhôm trên mặt chất đầy nước ngọt, si-rô, ở một phía có đặt chiếc hỏa lò bằng đất, bên trên là ấm nước bằng nhôm, bên trên có chiếc ấm nhôm khác với chiếc vợt lọc cà phê đặt trên miệng ấm đang bốc khói.
Cô chủ quán người Hoa với chiếc trán vồ bướng bỉnh giống như cô đào chiếu bóng Trịnh Phối Phối lúc bấy giờ rất nổi tiếng với phim kiếm hiệp Thần Kiếm Kim Yến Tử đóng chung với tài tử Vương Vũ. Không nói không rằng, cô ta khệ nệ khiêng một “kết” bia sơn màu vàng có hình con cọp sơn đỏ: một “kết” mười hai chai bia “33” để dưới gầm bàn. Kế, trở về cái thùng nhôm, chặt đá để vào hai cái ly cối và mang lại bàn chúng tôi. Vẫn không nói không rằng. Lại trở lại thùng gỗ bọc nhôm và trở lại bàn chúng tôi với chiếc đĩa bên trên có đựng mấy bịch ny lông me khô ngào đường. Cúi xuống lấy hai chai bia, khui nắp và để trên bàn. Anh Thanh Nam rót bia ra ly, khuấy khuấy cục đá chạm vào thành ly nghe lanh canh, nâng ly bia lên: “Uống đi, cậu”.

Bia lia chia như vậy nên khi làm thơ, Thanh Nam cũng để cho bia lẻn vào thơ ông. Nhất là khi độc ẩm nơi xứ người.

Tuyết đổ dầy thêm, đêm lạnh buốt
Người về phòng nhỏ bóng cô đơn
Mở chai bia lạnh thay cơm tối
Ngồi đọc thư nhà lệ chứa chan.

Bia phải là bia lạnh. Bia không lạnh uống không nổi. Hoặc bỏ chai bia vào trong tủ lạnh, hoặc cho vào bia vài cục đá. Tôi thích cách thứ nhất hơn. Bỏ đá vào bia sẽ làm bia lạt bớt đi. Vào những năm trước 1975, tại Sài Gòn còn có trò bia đặc mà các quán nhậu quảng cáo như một…đặc sản. Bia đặc là chai bia được cho vào ngăn làm đá của tủ lạnh cho tới khi bia đóng thành từng cục trong chai. Khi uống phải dùng đầu một chiếc đũa để moi bia ra. Đây là trò mới, dân nhậu nhiều người rất thích. Tôi không thích…cục đá nhận này! Uống bia mà như con nít nhấm nháp cục đá nhận có si-rô khi xanh khi đỏ khi vàng quả là mất khí thế. Ông Phan  Văn Song, Chánh Sự Vụ sở Tiếp Thị của hãng bia BGI hồi đó, đã giải thích độ lạnh tiêu chuẩn khi uống bia. “Cái nhất của la de là chất tươi (la fraicheur). Chất tươi, chất mát, không phải là cái lạnh. Chất tươi là cái ta lựa chọn lúc ta thưởng thức. Nó có thể là tùy vào hàn thử biểu, ướp lạnh thế nào để độ lạnh hạp vào khẩu vị của người uống, cũng tùy vào khí trời, nhiệt độ căn phòng ăn, quán uống. Tay đầu bếp nổi tiếng ba sao Michelin Alain Passard của nhà hàng Arpège, Paris giảng dạy: ‘Nhiệt độ của bia khi uống rất quan trọng. Nếu biết sử dụng nó đúng chúng ta có thể khai thác mọi khía cạnh khác nhau của bia đối với những thức ăn khác nhau’”.

Bia có thứ xịn thứ ít xịn. Ngày xưa chúng ta hầu như không có bia nhập cảng. Ngoại tệ quý hiếm đâu có thể khơi khơi mang ra mua bia ngoại quốc về cho dân nhậu khề khà. Chỉ có bia nội địa do hãng BGI, viết tắt của tên Brasseries, Glacières d’Indochine, chế tạo. Hãng này nằm ở Chợ Lớn, gần sân vận động Cộng Hòa. Dân bia bọt chỉ có hai thứ bia do hãng này sản xuất. Đó là bia thứ xịn tên Bia 33 chai nhỏ chỉ có 330 phân khối và bia thứ thường Larue, thường gọi là bia Con Cọp vì có vẽ hình con cọp, chai lớn 660 phân khối. Bia 33 khai sanh tại Hà Nội vào năm 1949 là thứ bia nổi tiếng không những ở Việt Nam mà còn tại những nước khác nữa. Năm 1972, tôi sang Tokyo, ngụ tại một khách sạn có quán bia là một lầu kính trên tầng thượng. Lầu này quay vòng tròn để khách vừa ngồi uống vừa nhìn ra phong cảnh thành phố chầm chậm quay dưới chân. Khách sạn này tự hào là nơi “có tất cả các thứ bia trên thế giới”. Một buổi tối, thèm bia ngoại quốc bắt chết, vậy mà tôi cắc cớ muốn thử nên gọi Bia 33, thế mà họ có. Thiệt đã!

Thứ bia lớn thường gọi là La de Con Cọp (thực ra tên chính thức là bia Larue, lấy theo tên Victor Larue của chủ hãng) lạt lẽo hơn nhưng giá cả dễ chịu hơn. Khi túi không được căng lắm thì cứ Con Cọp mà uống. Nói cho oai vậy chứ thường thì cứ Con Cọp làm chuẩn. Vừa rẻ tiền vừa to chai. Nhậu lia chia hàng ngày mà chơi Bia 33 như ông Thanh Nam kể đã là dân sang. Dân túi lép uống bia lớn, nếu là khách quen thì thỉnh thoảng được chủ quán dành cho một chai bia “trái thơm” có hình vẽ hai trái khóm nằm hai bên con cọp thay vì hai tràng hoa. Bàn nào có chai bia trái thơm này là dân có đẳng cấp, có thể ngẩng cao mặt hãnh diện. Mà bia trái thơm này ngon hơn thật. Uống bia mà uống luôn lòng tự cao tự đại thì ngon là cái chắc! Ai ngờ đến bây giờ, ông Phan Văn Song, dân trong cuộc mới tiết lộ…huyền thoại này. “Lúc ấy là năm 1973, tôi làm Chánh Sở Tiếp Thị coi luôn phần quảng cáo. Để hà tiện tiền làm nhãn ở Pháp, tôi nghĩ anh họa sĩ văn phòng quảng cáo đủ tài nghệ chép lại cái nhãn đặt ở Pháp. Và tôi nhờ anh họa sĩ vẽ lại cái nhãn. Trên nhãn có cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai tràng hoa houblons là loại hoa dùng để thêm vị nhẫn đắng vào bia…Nhãn vẽ xong đại khái cũng tạm ổn. Vì anh họa sĩ chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon nên thấy giống trái thơm, cho là trái thơm, và vẽ giống trái thơm… Nhãn ô kê, gởi đi làm décalque đưa qua công ty Thủy Tinh Việt Nam dán vào chai: 100 ngàn chai mới. Khi đưa vào nhà máy Chợ Lớn, các lão kỹ sư cười vỡ bụng, “hoa houblon sao giống trái thơm thế này”. Nhưng các quan văn phòng vẫn quyết định cứ trộn chai mới vào đám chai cũ, lẫn lộn chẳng ai biết gì đâu. Người ta uống la de có ai thèm nhìn nhãn đâu. Chẳng lẽ vất bỏ 100 ngàn chai hay sao?”. Vậy là cứ một két la de Con Cọp 12 chai có lẫn vào một chai trái thơm.Thứ ít là thứ quí nên một đồn mười, mười đồn trăm, dân nhậu đua nhau săn chai có trái thơm. Cái miệng uống nhưng cái đầu cũng tham gia chỉ huy nên uống mà cứ tưởng tượng nghĩ là trái thơm ngon hơn thiệt. Bé cái lầm! Kỳ thực thì chỉ có một thứ bia. Đóng vào chai nào thì thành bia thứ đó. Bia thường, bia trái thơm hay ngay cả bia quân tiếp vụ đều tăm tắp như nhau. Một cha chứ mấy mồ! Ông Chánh Sở Phan văn Song này thật ác. Sao không tiết lộ cho dân nhà báo chúng tôi chạy nhật trình ngay từ hồi đó cho khỏi mất công tranh dành nhau. Hoặc nếu không thì mang theo bí mật này xuống suối vàng dùm cho dân nhậu về già ngày nay đỡ đỏ mặt vì một thời lầm lẫn!

Bia hay la de thì cũng cùng một gốc tiếng Pháp la bière mà ra. Ông Bắc kỳ tóm gọn miệng thành bia, ông Nam kỳ bạnh miệng ra thành la de. Trong một bài viết trước đây, tôi dùng chữ la de. Vậy mà một độc giả trẻ tuổi không biết đó là cái thứ gì, bèn điện thoại hỏi tôi. Dân Nam hay nhầm lẫn “d” và “v”. Nói là “la de” nhưng khi viết thì lại là “la ve”. Ngay cuốn lịch hàng năm của Hãng BGI cũng lộn. Trên nền vàng có vẽ hình con cọp nằm ngang màu đen với hàng chữ “la ve Larue”. Mấy anh Tây nhìn vào tưởng đây là lịch của…sở Lục Lộ: rửa (lave) đường (la rue)!

Ngoài hai thứ bia chính hiệu, dân nhậu còn một chọn lựa khác là bia hơi. Đây là loại bia tươi, cũng do hãng bia BGI sản xuất, chỉ giữ được 24 tiếng. Loại bia này được hãng cung cấp bằng những thùng đặc biệt, mỗi ngày đều phải đổi thùng mới, súc hệ thống hơi và vòi do chính nhân viên hãng làm để đảm bảo chất lượng và vệ sinh. Quán bia hơi nổi tiếng nhất là quán Bia Bock ở Chợ Cũ, bên cạnh Ty Ngân Khố. Mồi nằm quanh quán gồm có hột vịt lộn, bò bía và phá lấu.

Nhắc lại một thời bia bọt như nhắc lại một quãng đời đẹp khi người ta còn trẻ. Ngày đó bia rượu như một thứ keo gắn kết bạn bè báo bổ chúng tôi lại với nhau. Không có bia có lẽ đã không có…tình. Nghe thì bạc bẽo nhưng hình như đúng là như vậy. Bây giờ ngồi nghĩ lại thử tưởng tượng nếu không có những bàn nhậu lúc thì sang trọng trong La Pagode, Givral, Brodard hay Thanh Thế, lúc thì thênh thang trên vỉa hè những con đường được mệnh danh là đường báo chí, thì lũ chúng tôi lấy gì mà nuôi chút tình trong nhau. Tìm vui trong bia và chỉ trong bia.

Ngày đó đâu có thứ bia ôm như bây giờ. Bia ôm ở Việt Nam có lẽ là thứ ôm tiên khởi của các loại ôm khác. Người ta tụ tập vui chơi với nhau chẳng phải vì bia mà vì ôm. Ôm có chi thú vị không, một ông hay đi bia ôm lắc đầu. Người đặt câu hỏi chính là bà vợ ông bạn này. Ông hỏi lại: “Vậy lúc ngồi xe ôm, ôm cái thằng lái xe, bà có thấy thích không?” Bà vợ gạt ngang: “Thích cái chi mà thích! Chẳng qua là sợ té thì phải ôm thôi.” Ông bia ôm nhẩn nha kết  luận: “Đó, bà thấy chưa? Bà cứ lằng nhằng nói bia ôm này nọ, nhưng nó cũng như xe ôm thôi. Vào quán uống bia nhiều phải say, say thì phải ôm một cái gì đó cho khỏi té. Hoàn cảnh nó bắt buộc như vậy chứ thích thú nỗi gì!”

Không biết có phải vì ôm không mà dân Việt ngày nay là dân nhậu có đẳng cấp. Đứng hàng thứ nhì trong mười quốc gia Đông Nam Á, chỉ thua có Thái Lan tuy lợi tức đầu người trung bình ở Việt Nam chỉ bằng một phần tư so với người Thái Lan! Đó là tiết lộ của ông Nguyễn văn Hùng, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Bia, Rượu, Nước Giải Khát vào ngày 15 tháng 9 vừa qua. Tổ chức Business Monitor International Ltd. cũng cho biết bia là thứ thức uống chiếm đến 97,9% thị trường chất uống có chất cồn trong năm 2008. Trung bình mỗi người Việt Nam uống 22 lít bia mỗi năm. Theo ước tính của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam thì trong năm 2010 này, Việt Nam sẽ sản xuất 2,5 tỷ lít bia cho một dân số khoảng 90 triệu người. Nếu tính đổ đồng không kể già trẻ lớn bé, nam hay nữ, thì mỗi người sẽ uống 28 lít bia một năm. Tính ra tiền thì dân nước ta nhậu mỗi năm hết sơ sơ 6000 tỷ đồng, tương đương với 375 triệu đô Mỹ!

Nhưng thị trường bia ở Việt Nam bây giờ đâu chỉ có bia nội hóa mà còn tràn ngập bia nhãn ngoại ruột nội! Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã nhào vào cung cấp chất cồn cho dân Việt Nam như các hãng bia Carlsberg, Heineken, Tiger, Miller, San Miguel và mới đây chàng khổng lồ Anheuser-Busch của Mỹ với nhãn bia quen thuộc Budweiser. Walter Blocker, Giám Đốc Điều Hành tập đoàn Gannon, một đối tác đầu tư ở Việt Nam của Anheuser-Busch đã hân hoan phát biểu: “Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ bia hào hứng nhất trên thế giới bây giờ!”.

Cái mà ông thương gia gọi là “hào hứng” đã mang lại những hậu quả không hào hứng một chút xíu nào cho Việt Nam. Năm 1990, rượu là nguyên nhân của 0,31% bệnh nhân nhập viện Tâm Thần Hà Nội. Tới năm 2004, tăng thành 7,03%! Hậu quả của rượu và bia tới phải mang bệnh tâm thần gồm bệnh ảo giác 33,72%, hoang tưởng 31,25%, run 16,7%, quên 10,4%, còn lại 10,4% là trầm cảm và rối loạn nhân cách. Theo một thống kê của bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn thì 30% tai nạn giao thông là do say xỉn mà ra.

Giữa những bạn nhậu của tôi có cuộc tranh cãi cũng rất... hào hứng. Càng có bia rượu vào càng hào hứng hơn. Một bên cho uống bia rượu mà say là dở ẹc, chẳng nên uống nữa. Một bên cho là nếu uống mà không say thì uống làm chi, phí rượu. Đây là cuộc tranh luận kiểu huyện bênh huyện, phủ bênh phủ. Các anh hay say xỉn đứng vào một phe, các anh đổ chất cồn vào miệng mà vẫn tỉnh bơ đứng vào phe đối lập. Tranh luận như vậy tới tết Congo cũng không xong! Những khi ngây ngất vì rượu mà những tên khác vẫn tì tì hết chén chú tới chén anh, tôi cũng thấy ông trời thật bất công. Kẻ được hưởng phước, kẻ không chân nam đá chân chiêu thì cũng chạy vội vào toa-lét chơi trò cho chó ăn chè. Mấy nhà khoa học không biết có mang niềm ấm ức như tôi hay không mà họ đè mấy con ruồi ra mà thí nghiệm. Ruồi đây là giống ruồi ăn trái cây. Họ cho chúng tiếp xúc với chất cồn rồi lọc ra những con tỉnh táo nhất. Kết quả họ tìm ra được một gene mà những con ruồi tỉnh táo này có còn những chú ruồi xỉn không có. Họ đặt tên gene này là gene “Happy Hour”. Thật khéo đặt tên! Vì happy hour là giờ mà các tiệm nhậu cho uống với giá rẻ hoặc free!Cấu tạo gene của giống ruồi này cũng tương tự như người. Vậy thì cái gì ruồi có thì người cũng có. Tiến sĩ Ulrike Heberlein, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại Học California kết luận: “Những người sở hữu gene đó có thể chống lại tác động của chất cồn nên uống được nhiều bia rượu”. Biết ai có gene “happy hour” biết ai không? Vấn nạn xem chừng là chuyện…sinh tử đối với dân nhậu. Nhưng các nhà khoa học không nghiên cứu để khuyến khích người ta nhậu chất cồn. Bia bọt quá làm hư người đi. Họ áp dụng ngược lại. Làm sao mà hủy loại gene này trong những tay bợm nhậu để họ tu tỉnh làm ăn! Cũng vẫn ông thần này ra thuốc: “Chúng ta có thể tắt gene này để tăng mức độ nhậy cảm với chất cồn của người nghiện rượu khiến họ không thể uống được nhiều như trước. Hiện chúng ta có nhiều loại thuốc làm được chuyện này”. Thế có chán mớ đời không! Tôi quả thực không muốn viết tiếp về thứ thuốc…phản động này. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp nên đành phải kê ra đây. Đó là thuốc Tarceva hoặc thuốc Iressa. Nếu các bạn không có tí ý niệm nào về hai thứ thuốc này thì xin thêm đó là thuốc chữa ung thư!

Quên chuyện buồn đó đi! Chúng ta phải tự hào về chính nghĩa…cồn của mình. Dân nhậu là dân…thông minh. Xin chứng minh sự thông minh này. Một dân nhậu vừa cưới cô vợ mới tinh về nhưng vẫn bỏ đi uống với bạn bè. Cô thút thít khóc với chồng: “Anh dối em! Anh nói là anh không biết uống rượu, vậy mà mới lấy nhau có mấy ngày anh đã say chẳng biết trời trăng gì!”. Anh bợm nhậu ôm vợ biện minh: “Anh đâu có dối em đâu! Chỉ vì anh không biết uống rượu nên mới say chứ anh mà biết thì đâu đến nỗi như vậy!”.

Tôi đã trích bài viết của tác giả Nguyễn Thiếu Nhẫn để biết hệ lụy với bia của nhà văn Thanh Nam. Bạn ông Thanh Nam là  ông nhà thơ Nguyên Sa. Theo một bài viết của nhà văn Mai Thảo thì Nguyên Sa có tác phong một nhà giáo hơn là một nhà thơ. Không la cà nơi trà quán tửu đình, không bia bọt, Nguyên Sa là một nhà thơ không có chất cồn. Vậy mà ông cũng có thơ bia. Bia lên đàng hoàng.

Bia lên tìm chỗ ta nằm
Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu
Hầm bia buồn đến mộ sâu
Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay.

Bia sao lại có đạn vào đây? Chết cha! Thứ bia trong quân trường Thủ Đức này khác với bia của ông Thanh Nam. Mới sương sương có một két mà đã loạng quạng. Thiệt Tình!

02/2010