Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

CALI

Cali đi dễ khó về / Trai đi có vợ gái về có con. Không biết ai cất tiếng đọc câu ca dao tân thời này khi chúng tôi vừa đặt chân xuống phi trường Los Angeles. Thực ra hơn ba chục mạng tới trong một đoàn du lịch do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montreal tổ chức này chẳng còn ai nằm trong diện…mất mát này được. Cũng có người còn độc thân hay tái độc thân đấy nhưng tôi cam đoan khi về lại Montreal sẽ chẳng thêm bớt nhân số. Cứ đoán mò như vậy nhưng chắc trăm phần trăm trúng. Chắc ăn nhất là cứ phè ra mà du hí. Đi ăn Tết mà lị!

Tết Cali có gì khác với tết Montreal mà phải khăn gói leo lên máy bay như vậy? Khác chứ! Khác xa! Khác rõ nhất là tiếng pháo. Pháo nổ liên chi hồ điệp trong suốt mấy ngày tết. Chúng tôi tới Cali vào trưa ngày 29 tết. Vậy mà đã có tiếng pháo đón chào. Đêm giao thừa thì pháo đua nhau nổ như những ngày Sài gòn năm xưa. Mùi pháo khiến tôi gây gây niềm cảm xúc của những năm tháng cũ. Chùa Điều Ngự đêm trừ tịch rộn rã những người là người. Khi chúng tôi tới vào khoảng 11 giờ khuya thì cả một khoảng sân chùa rộng mênh mông đã kín người. Chỉ hẹn nhau được là sau khi xong lễ sẽ chờ nhau trước cửa chùa lên xe về là mọi người mặc sức đi tìm đất để…nghếch! Cao một chút thì đỡ, thước tấc khiêm tốn quả là vất vả. Thước tấc tôi cũng vào loại khá vậy mà vẫn phải mỏi cổ mới nhìn lên được sân khấu. Trên sân khấu, MC Nam Lộc và Thùy Dương của Trung Tâm Asia đang…hót. Chẳng là chương trình giao thừa này được trực tiếp truyền hình trên đài truyền hình SBTN. Cũng chính vì được trực tiếp truyền hình chắc sẽ hay nên anh trưởng đoàn Đặng Sĩ mới quyết định tới đây thay vì đi chùa Huệ Quang như chương trình ban đầu. Các ca sĩ của Asia đang thay nhau hát những bài xuân ca. MC Thùy Dương xông xáo đi tới đám đông khán giả để phỏng vấn. Không biết thế nào mà cô MC này vớ ngay được chị Mỹ Tiên của Montreal. Tôi đứng phía sau, giơ máy quay phim lên thu được toàn bộ cuộc phỏng vấn. Phục bà bạn đồng hành quá sức! Mang chuông sang tận Cali để…đấm!

Gần tới giờ Giao Thừa, các vị chức sắc của thành phố và các vị dân cử, vừa Việt vừa Mỹ lên chúc tết. Thượng Tọa chủ trì tụng kinh cầu an. Một vị thượng tọa da đen tụng kinh bằng tiếng Mỹ. Nghe cũng thấy lạ. Còn 10 giây tới giờ khắc giao mùa, MC Nam Lộc mời mọi người đếm ngược countdown. Tiếng đếm tập thể vừa dứt là…pháo. Trước đó tôi đã chĩa máy quay vào…rừng pháo bên cạnh sân khấu. Trên hai thanh sắt được gác cao khoảng hơn một thước và dài chừng 5 thước là dây pháo treo rủ xuống như một bức màn hồng điều. Rừng pháo rộn rã lên tiếng dài suốt 13 phút trong khi các ca sĩ hát vang bài “Ly Rượu Mừng” không biết tới bao nhiêu lượt để chờ tràng pháo dứt tiếng. Khói trắng mịt mù khắp cảnh chùa. Sân khấu như quyện trong khói. Tôi chỉ lo các ca sĩ bị nuốt khói ho khan. Họ chỉ được đàn lân cứu thoát khi tiếng nổ của pháo đã gần tàn. Tiếng trống lân rộn rã tiếp theo tiếng pháo giữa lời dặn dò công chúng không nên vặt cây lá trong sân chùa. Lộc được các vị sư trụ trì đứng ban phát rộng rãi. Mỗi người lãnh một trái cam và một phong bao lì xì. Cả rừng người tuần tự lên lãnh lộc mà lộc vẫn còn đầy trên bàn. Các thầy đứng ngóng từng người mà chẳng còn ai. Muốn lấy lộc…extra cho người thân ở nhà xin cứ tự nhiên. Ai thấy ngót bụng có thể lấy thêm một khúc bánh mì…thịt! Dĩ nhiên là thịt chay.

Sáng hôm sau, mùng một tết, tòa soạn báo Phụ Nữ Diễn Đàn và Chí Linh của ông bạn Phạm Phú Minh mở cửa tiếp tân mừng xuân mới. Cũng khởi đi bằng một cối pháo nổ rộn rã. Chung quanh, các văn phòng và cửa hàng thi nhau cho nổ. Mùi pháo xuân quyện trong không gian. Nhà thơ Thành Tôn đưa tôi tới dự vừa lúc cuộc tiếp tân bắt đầu. Tôi gặp lại ông bạn cùng xứ Quebec Nam Dao cùng các nhà văn Lữ Quỳnh, Phạm Quốc Bảo, Phùng Nguyễn, Dohamide, Đạm Thạch. Tiếng pháo át mất câu chuyện của chúng tôi. Xác pháo tung tóe khắp nơi. Trên đường phố, khắp những nơi tôi đi qua, từ Nam Cali tới Bắc Cali, chỗ nào cũng có những vụn giấy hồng bay tung tóe theo gió. Tôi bỗng nảy ra ý tinh nghịch tìm những chiếc pháo lép như những ngày còn nhỏ. Ngày đó, túi chúng tôi đầy ắp những chiếc pháo không theo kịp chúng bạn bị chúng tôi bắt xác. Thói phá làng phá xóm được dịp xả láng. Chúng tôi châm từng quả pháo rời vào chân khách bộ hành để mua vui bằng cái giật mình của thiên hạ. Khi thiên hạ là những tà áo hồng áo đỏ thì niềm vui của chúng tôi tăng lên gấp bội. Ngày đó chúng tôi chưa rõ được hết sự khác biệt nồng nàn của những người khác phái. Phải mãi tới sau này, khi đã hơi chững chạc trong chiếc ghế của trường trung học đệ nhị cấp, những bóng hồng mới có ý nghĩa.

Những ngày thơ mộng tương tư áo hồng áo đỏ đó được nhắc lại trong cuộc họp bạn cùng các bạn Chu Văn An cũ vào trưa ngày mùng ba tết. Nhìn nhau, người thì nhận ra, người thì mất hút trong ký ức. Phải xưng tên, xưng ngồi bàn nào, năm nào mới “ừ nhỉ”. Nửa thế kỷ đã trôi qua chứ ít ỏi gì. Những râu tóc, những gậy gộc, những vết khuyết của răng làm chúng tôi lạ nhau. Nhưng khi nhắc tới những nghịch ngợm xưa, những cuộc tình vụng về dấu diếm cũ, những tật những tiếng thì chúng tôi mới mường tượng được những ngày thanh tân cũ. Sáu bảy chục mạng nay co cụm được hơn chục mạng. Bom đạn như vậy, súng ống lềnh khênh mấy chục năm thì sự mất mát coi như chuyện dĩ nhiên. Hai chai rượu mang về từ Hạ Uy Di của một anh bạn đã hâm nóng không khí tụ họp của những chàng trai hăng hái tìm cửa vào đời năm xưa, nay đã muốn tìm đường xa lánh đời. Hẹn nhau khi chia tay sang năm sẽ gặp lại nữa. Hẹn thì hẹn. Hăng hái hẹn. Chẳng ai muốn lỗi hẹn. Nhưng biết ra sao ngày sau.

Ngày sau là một bài toán đố chưa có lời giải, ngày xưa là những tiếc nuối khôn nguôi. Trong cuộc diễn hành sáng ngày 30 tết trên đường Bolsa, tôi đã được nhìn lại chiếc xe jeep chỉ huy có cần ăng ten cao vòi vọi được vắt cong xuống kính xe, nhìn lại chiếc GMC màu lính. Chính chiếc GMC này đã đưa tôi từ Trung Tâm Tuyển Mộ và Nhập Ngũ số 3 tới quân trường Quang Trung chăng? Tiếng còi hụ của chiếc xe quân cảnh dẹp đường nhắc lại những đoàn GMC đầy nhóc những chàng trai lầm lì ra chiến trường. Tôi không đi tìm mà quá khứ vẫn hiển hiện đâu đây.

Chiều 30 tết, cuối năm con trâu, tôi tới Hội Tết SinhViên. Quê hương nằm ngay trước mắt với những di tích lịch sử của kinh đô Huế xưa được dựng lại. Bên những Ngọ Môn, Thiên Mụ còn có quán trà Huế, quán bún bò và một gian nhà lá quê mùa có cây chuối, cây tre, có hàng rào thưa, có chiếc vó kéo cá ngoài sông, có bàn cờ tướng bên ngoài hàng rào. Các kỳ thủ vừa già vừa trẻ say sưa tìm những nước đi trên mấy chiếc bàn cờ dưới gốc cây. Không phải cây đa cây đề. Quê hương dựng lại vẫn hụt trước hụt sau cho đắng cay nỗi nhớ. Những em bé trong bộ quốc phục, những thiếu nữ áo dài, áo tứ thân tản bước du xuân, những chàng trai khăn đống áo dài lam, những em gái trong áo tứ thân sóng bước bên những bộ quân phục của đủ các sắc lính kể cả lính quân trường Thủ Đức.

Tôi đã qua nhiều cái tết xa quê. Chỗ này chỗ khác. Nhưng không có cái tết nào giống tết Cali. Đó là cái tết Sài gòn tìm lại được. Đoàn người trên ba chục mạng từ Montreal đi ăn tết Cali tản mác khắp nơi. Sau đêm giao thừa, chúc tết nhau xong là mạnh ai nấy…tết. Người có thân nhân bạn bè tại Cali tìm về ăn tết với người thân. Khách sạn Ramada trên đường Garden Grove dập dìu những chiếc xe tới đón bà con thân hữu. Số này coi bộ khá đông. Hầu như ai cũng vướng chút dây mơ rễ má nơi thủ đô tị nạn này. Ông quản lý khách sạn lắc đầu than: quý vị chưa tới mà phôn đã tới tấp hỏi xem đoàn đã tới chưa! Khách sạn rất Việt Nam với cây mai vàng nằm giữa những chậu cúc đại đóa nơi tiền sảnh. Những bức tranh của Bé Ký trong các phòng. Ngoài hành lang tranh của các họa sĩ Việt Nam, nhất là tranh của Hồ Thành Đức, phu quân của họa sĩ Bé Ký, nằm mỹ thuật trên tường. Gặp Hồ Thành Đức tại cà phê Factory, nơi hội tụ mỗi sáng của giới văn nghệ quận Cam, tôi nửa đùa nửa thật khi được người họa sĩ tài danh này hỏi đang ngụ ở đâu: “Ở nhà ông chứ ở đâu!”. Trước vẻ mặt ngơ ngác của Đức tôi nói tên khách sạn. Đức cười khì, trông rất hớn hở.
Nhóm không có thân nhân ở Cali là các vị lần đầu tới thủ đô tị nạn. Một bà được bạn dặn phải tới cầu nguyện ở một ngôi thánh đường rất linh thiêng ở San Jose đã cuống quít đòi thuê taxi tới ngay sau khi vừa đặt chân xuống phi trường Los Angeles! Ai cũng bật cười trước vẻ mặt ngơ ngác của đương sự nên chẳng cho bà biết là từ Little Saigon tới San Jose xấp xỉ từ Montreal tới Toronto. Một ông tỉnh bơ nói: “Chị phải đi xe đò. Có xe đò Hoàng đó!”. Bà hấp tấp hỏi bến xe đò trước những khuôn mặt không nín cười được của cả đoàn. Một ông khác đứng coi diễn hành ngay trước Phước Lộc Thọ mà quay ngang quay ngửa tíu tít hỏi Phước Lộc Thọ ở đâu! Những “khách” của Little Saigon này được anh chị Đặng Sĩ và chị Danh, Chủ Tịch Cộng Đồng, đưa đi đón xuân trong buổi chào cờ đầu năm tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, coi pháo nổ, thăm Hội Tết, shopping, đibiển và…tới ăn tết tại nhà chị Ba! Đây là một nhân vật đặc biệt. Lẽ ra chị phải ở Montreal mới đúng. Không biết sao chị lại mắc nợ dân Montreal như vậy! Chị Ba là chị dâu của anh Sĩ và chị Danh. Từ khi đoàn du lịch Montreal tới, chị cứ quấn quít với mọi người. Chị mang xe tới chở dân Montreal đi lung tung. Cần là có mặt chị, không cần chị cũng tới chỉ để ngồi nói chuyện, cười giỡn khan. Có những buổi chị lái xe đi đi về về nhiều lần như con thoi để chở hết lượt này tới lượt khác đến một nơi nào đó. Có lần chị mang “đặc sản Cali” gồm chè, bánh, xôi…tới chiêu đãi. Ai cần chi nhờ chị là chị mua mang tới ngay. Cali thứ chi chẳng có. Dân Montreal thứ chi chẳng thích. Nhất là trong dịp tết nhất.

Có một điều rất thú vị: nơi có nhiều dân Việt tị nạn cư ngụ nhất lại là nơi mà, trong những ngày tết,  cây mai cây đào phơi phới nở hoa tứ tung từ ngoài đường đến trong vườn. Hình như thiên nhiên biết cái tết Việt Nam nên cho hoa nở tứ tung. Gọi là mai và đào nhưng thực ra trông chỉ từa tựa mai và đào ở Việt Nam thôi. Đào thì cũng màu…đào. Lại thêm thứ đào hoa trắng như hoa mai trắng trên Đà Lạt. Mai thì cũng vàng vàng. Cây đào đẹp nhất có lẽ là cây đào tôi được thấy nơi vườn nhà của anh chị Phạm Phú Minh. Một gốc nhưng nửa trắng nửa hồng. Hoa nở xum xuê. Cây cao tới khoảng ba, bốn thước. Đào Mỹ mà lị! Trên hành lang nhà ông bạn văn này tôi còn được coi một cây mai vàng năm cánh hẳn hoi được trồng trong một chiếc chậu lớn. Y chang thứ mai Sài gòn. Hỏi thì anh cho biết là do một người bạn biếu từ năm năm trước. Mỗi năm, đúng vào dịp tết, hoa nở vàng cả cây. Trông thấy “người di tản” đặc biệt này ai cũng thích. Máy hình lia lịa chụp…chàng. Các bà đứng vào bắt quàng làm họ với dáng cây độc đáo.

Phong vị tết nơi nhà của anh chị Võ Phiến mới thật là tết. Thủy tiên do chị Viễn Phố tự tay tỉa nằm trang trọng trên bàn thờ, đài các trên bàn tiếp khách, hợp cùng đào cùng mai trong từng góc nhà, ngoài lan can. Hai cây quít vàng óng trĩu quả, một trước nhà, một sau vườn chẳng có một chậu quất hay tắc nào sánh nổi. Dưới ánh nắng rạng rỡ ngày mùng ba tết, ngôi nhà xinh xắn của hai người tự nhận là già đã tươi mát không khí tết. Nét mặt hằn vết thời gian của nhà văn đã quá bát tuần từ lâu tươi tắn như không khí xuân. Anh luôn miệng xuýt xoa: tết này vui quá! Những ngày cuối năm cũ, nhà văn Võ Phiến đã cho trình làng cuốn sách thứ…không đếm được của anh mang tên “Cuối Cùng”. Cuối cùng là tận cùng văn nghiệp. Nghe có chút phiền muộn. Nhà văn lẫy lừng nhất của chúng ta vẫn còn phong độ. Đi ra đi vào trong nhà ngoài vườn vẫn chẳng cần tới cây gậy. Cuối cùng sao được! Ba năm trước, trong dịp ghé thăm, nhà văn họ Đoàn đã dặn khi chia tay: lần này là lần áp chót nhé. Lần này vợ chồng tôi lại ghé thăm nhà cùng với anh chị Thành Tôn, các nhà văn Phạm Phú Minh và Đạm Thạch, tôi nghĩ vẫn là lần áp chót. Đã có “Thư Nhà” rồi “Lại Thư Nhà” thì “Cuối Cùng” cũng sẽ có “Lại Cuối Cùng”!

Ba ngày tết, đám dân Montreal đi tìm tết chúng tôi đã no nê mùi tết, đã đã tai tiếng pháo tết. Đúng theo phong cách các cụ dạy, đón tết xong phải du xuân, ngày mùng bốn tết chúng tôi lên đường du xuân. Trực chỉ Las Vegas. Gì chứ du xuân ở thánh địa bài bạc chỉ có lỗ. Tin quân ta tan tác được cập nhật hóa từng giờ từng phút. Từ chết tới bị thương. Nhưng tổn thất được coi là nhẹ vì quân ta chỉ chiến đấu với những anh mặt sắt vuông vắn dùng đạn 1 xu tới 25 xu là nhiều. Du xuân gặp mấy anh mặt sắt chán chết. Phải chơi xuân cỡ hai anh chàng Lưu và Nguyễn mới thỏa chí bình sinh. Một đoàn Lưu Nguyễn tân thời đổ bộ tới rạp hát trong casino Bally’s để coi show nổi tiếng Jubilee. Nơi đó có các tiên nữ sẵn sàng dâng những trái đào tiên. Cả bầy tiên nữ thướt tha mang đào ra giữa sân khấu để thiên thai chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên. Hai chàng mà được dâng từng ấy đào chỉ có nước bội thực! Đào đủ cỡ đủ kiểu được ánh sáng nâng thêm vẻ hấp dẫn làm điên đảo đám Lưu Nguyễn Montreal. Nửa khuya, lếch thếch từ…thiên thai ra về, lòng dạ còn ngẩn ngơ, may mà không được ôm đào tiên trên tay ra về, chứ không thì húc đầu vào xe đang lũ lượt di chuyển trên đường phố là cái cẳng. Las Vegas không có đêm!

Mất thiên thai, cũng đành! Thua me gỡ bài cào, đoàn di chuyển tới một công trình tuyệt diệu của hóa công: Grand Canyon. Đất đá nhất định không bằng đào tiên nhưng đất đá được hóa công xếp đặt đến như vậy kể là diễm tuyệt. Mọi người say sưa thưởng thức nét đẹp của thiên nhiên. Nhìn những nét khắc họa trên đá đỏ của nhà điêu khắc lớn lao, ai cũng phải cảm thấy nhỏ bé phận người. Chúng ta có là gì trước thiên nhiên hùng vĩ!

Sáng ngày mùng bảy tết, chúng tôi xuống du thuyền Sapphire Princess để tiếp tục cuộc du xuân. Đây mới đúng là…du. Phè ra hết chơi lại ăn. Một bà sung sướng phát biểu: đi chơi sướng thật nhỉ? Câu nói khéo ngây thơ làm mọi người cười rộ. Nhảy nhót, bơi lội, đánh tennis, xem hát, coi kịch, nằm khểnh trên boong tàu đọc sách tiện thể ngủ luôn giữa sóng biển thuộc tiết mục chơi. Tiết mục ăn thì cứ nhà hàng Tây kéo ghế sáng trưa chiều tối. Toàn những món ăn loại 5 sao đẹp nhức mắt. Vậy mà mới vài ngày một bà đã ước: ước chi có tô phở ngay bây giờ nhỉ! Chị Lụa, chủ một quán phở nổi tiếng ở Montreal, cười tươi như hoa. Tây cũng chẳng bì được với phở. Khi còn ăn tết ở Little Saigon, chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn Việt. Sao lại có thể ngon đến như vậy được nhỉ? Món gì cũng ngon kể cả khi vào tiệm cơm chay. Tôi thường không hẩu với các món ăn chay. Rau dưa đâu có nuôi được cái miệng mặn mà, vậy mà đụng món chay Cali cũng phải xuýt xoa thay cho ông thần khẩu. Mà món chay cũng đắt như món mặn. Chỉ có phở là rẻ. Chẳng là các tiệm phở Cali đang cạnh tranh nhau đại hạ giá trong dịp tết. Phở bò có tiệm bớt 50%. Phở gà cũng 50% đại hạ giá. Đi ngang qua những bảng quảng cáo to đùng, mắt mọi người đều liếc bà chủ tiệm phở Montreal. Đi một ngày đàng học một sàng khôn, không hiểu bà này có học được chút khôn nào không. Bà lắc đầu lia lịa nhất định không chịu học hiếc chi cả!

Bảy ngày trên tàu du xuân, mặc cho tây tàu chạy đông chạy tây, cứ tối tối dân Việt nhất định không quên văn hóa Việt. Người bày ra việc trở về nguồn là anh Sĩ. Thực ra việc trở về nguồn này cũng không có chi rắc rối lắm. Anh chỉ mang theo một bộ bầu cua cá cọp. Chạy vào tiệm ăn buffet mượn đỡ một cái đĩa, một cái bát là đầy đủ lệ bộ. Bàn cờ bịch rất tết này cũng rất văn nghệ. Chỉ được đặt tối thiểu 25 xu, tối đa 1 đồng. Lại rất hòa hợp hòa giải: đặt tiền Canada chung tiền Canada, đặt xu Mỹ chung xu Mỹ! Cứ cò con mua vui vậy mà vui đáo để. Khách tây khách Mỹ đi ngang qua đều ngừng lại coi cái trò lạ mắt này. Một ông Phi đứng coi một lúc, thông hiểu trò chơi, hỏi tôi: nếu xóc ra ba hột đều cùng một con thì sao? Thì giam gấp ba lần. Ông cười toe hiểu ra. Hiểu nhưng không thấy ông đặt tiền. Nếu ông đặt tiền thì bàn bầu cua cá cọp đã mang màu sắc quốc tế!

Bảy ngày…khoái lạc qua mau, mọi người khăn gói quả mướp xuống tàu trực chỉ phi trường Los Angeles qui hồi cố hương. Anh Sĩ đếm đi đếm lại số người. Tôi đã nói trước rồi, có sai đâu. Đi bao nhiêu mạng về đủ từng ấy mạng. Không thiếu cũng chẳng thêm, mà có thêm thì hạ hồi phân giải, giờ chưa biết được! Không ai nhắc lại câu ca dao tân thời ngày mới đặt chân tới phi trường Los Angeles. Cali đi dễ ợt mà về cũng dễ ợt. Khó chi đâu nè!

Cũng khó chứ! Tôi chưa dễ dứt tình với Cali. Xuống tàu tôi vội khăn gói leo tuốt lên miền Bắc Cali. San Jose, San Francisco và leo lên tận đầu Cali là thủ đô Sacramento. Leo tiếp lên cao hơn nữa tới tận Lake Tahoe lận. Tuyết! Tuyết nằm trắng xóa trên núi. Nhấc phôn gọi về cho ông Luân Hoán ở Montreal định trách ông sao không giữ tuyết lại dùm. Ông nhà thơ cười hề hề: từ ngày anh đi trời Montreal nắng ráo, ấm áp, chẳng có một vẩy tuyết nào cả. Nghe mà lộn tiết! Chẳng là khi đi, muốn học đòi làm sang như các ông bà snowbirds giầu có đi trốn tuyết khi đông về, tôi lỡ ba hoa với ông bạn là tôi đi trốn tuyết. Thiệt mất mặt! Bây giờ tôi mới thấm thía nghĩ ra là tuyết chúng đều biết bay!

03/2010