Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

NGUỒN

Ông Lê Thành Ân sẽ trở thành Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn vào mùa hè này. Ông còn trẻ, sanh năm 1954, đúng vào năm có cuộc di cư lịch sử của người miền Bắc vào Nam để trốn chạy cộng sản. Tính ra năm nay ông được 56 tuổi. Ông đã từng làm Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Nhật, Singapore và hiện đang là Sứ Thần Ngoại Giao tại Pháp. Như vậy nghề làm lãnh sự của ông cũng khá thâm niên. Nhưng lần làm Tổng Lãnh Sự này coi như một biến cố trong đời ông. Vì ông đã sống tại Sài Gòn, thông thạo tiếng Việt tuy đã rời nơi đây từ năm mới được 8 tuổi. Người nhắc nhở và ép buộc ông học tiếng Việt chính là cha nuôi người Mỹ của ông. Ông là một đứa con nuôi nhưng không mồ côi cha mẹ. Cha nuôi ông là một nhà ngoại giao phục vụ tại Việt Nam. Năm 1962, ông hết nhiệm kỳ phải trở về Mỹ. Chẳng biết có phải vì lòng mến mộ đất nước này không mà ông tới chơi nhà của ông Ân và ngỏ ý muốn xin một đứa con của gia đình này mang về Mỹ. Gia đình chọn anh của ông Ân tên Thọ, lúc đó khoảng 10 tuổi cho đi nhưng anh chàng này nhát không dám rời gia đình. Ông Ân, lúc đó vừa 8 tuổi bằng lòng đi. Vậy là…xa quê hương nhớ mẹ hiền! Xa quê nhưng ông vẫn rất…quê. Ông nói tiếng Việt và lập gia đình với một thiếu nữ trăm phần trăm Việt Nam tại vùng Maryland, Virginia. Tháng 8 sắp tới, hai người sẽ là chủ nhân của ngôi nhà to lớn trên đường Thống Nhất, ngôi nhà mà Đại Sứ Graham Martin đã xếp lá cờ Mỹ lên trực thăng bỏ lại 35 năm trước.

Ông con nuôi không mồ côi này đã làm lớn, ông con nuôi mồ côi thứ thiệt ở bên Đức cũng làm lớn. Ông này không nói được tiếng Việt và không có tên Việt. Tên ông là Philip Roesler. Ông làm Bộ Trưởng Y Tế Cộng Hòa Liên Bang Đức trong chánh phủ của Bà Thủ Tướng Angela Merkel. Oai hơn nữa, ông là vị Bộ Trưởng trẻ nhất trong chánh phủ. Siêu hơn nữa vì ông là Bộ Trưởng đầu tiên gốc châu Á trong chính phủ Liên Bang Đức. Ông sanh ngày 24 tháng 12 năm 1973 tại Việt Nam. Tháng 11 năm 1973, khi mới được 9 tháng tuổi, cậu bé Philip đã được một gia đình Đức xin làm con nuôi từ cô nhi viện Khánh Hưng ở Nha Trang. Như vậy khi nhậm chức Bộ Trưởng vào tháng 10 năm 2009, ông mới 36 tuổi và tốt nghiệp bác sĩ Nha Khoa vào năm 2001, lúc 28 tuổi. Ông là một thanh niên mang khuôn mặt rặc Việt Nam, khá đẹp trai và trí thức. Tuy không nói được tiếng Việt nhưng ông rất thân cận với cộng đồng người Việt tại Đức. Điểm ông cao vời vợi khi ông tới dự lễ khánh thành tượng đài Tị Nạn Cộng sản tại hải cảng Hamburg vào ngày 12 tháng 9 năm 2009, trước khi nhậm chức Bộ Trưởng, mặc dầu tòa Đại Sứ Việt Cộng đã ngăn cản ông vì lý do chính trị. Người con của đất Việt này đã hiên ngang trả lời là ông sẽ tới dự cũng vì lý do chính trị! Ông đã anh dũng tìm về nguồn!

Nguồn gốc luôn là một ám ảnh với những đứa trẻ con nuôi. Cái tên Philip Roesler của ông tân Bộ Trưởng nhất định không có mối tương quan nào với khuôn mặt Việt Nam rặt của ông. Cũng như tại thành phố tôi ở, cô bé Lia Calderone cũng có khuôn mặt chẳng ăn nhậu chi tới cái tên hoàn toàn tây của cô. Cô bé 18 tuổi này kể lại: “Khi các thầy cô trong lớp kêu tên tôi để trả lại bài làm, họ thường lưỡng lự trước khi trao bài cho tôi. Họ bối rối khi thấy cái tên không tương hợp với khuôn mặt Á đông họ nhìn thấy”. Càng lớn, cô bé người Hoa này càng muốn tra vấn về nguồn gốc mình. Nhưng bị bỏ rơi từ khi còn mang tã, thật chẳng dễ dàng chi khi muốn trở lại tìm nguồn gốc. Cô bé Lia này có một kỷ niệm khá…nặng mùi. Khi bà mẹ nuôi người Canada bồng cô lần đầu tiên tại một cô nhi viện bên Trung quốc, cô đã tè trên tay bà. “Tôi vẫn còn đỏ mặt khi nghe kể lại là tôi đã đái trên tay mẹ tôi lần đầu tiên bà bồng tôi. Lúc đó tôi đâu có được mang tã Pampers mà chỉ mang tã bằng vải mỏng. Người đàn  bà Trung quốc làm trong cô nhi viện đã hứng khởi đến mức phải vỗ tay. Hình như đối với bà, việc pipi của tôi chứng tỏ là tôi cảm thấy dễ chịu và bình an trong tay người mẹ này. Tôi đoán là họ nghĩ đúng!” Cô bé Lia nghĩ vậy vì cô đã phải bỏ cuộc trong hành trình tìm về quá khứ. Cô quá nhỏ khi ra đi để có thể vững chân trở về. Cô đành phải chấp nhận hiện tại: “Tôi không có can đảm trả lời khi bị hỏi mẹ thật của tôi là ai. Vì vậy nên tôi muốn mọi người biết là người đã cưu mang tôi suốt đời là mẹ thật của tôi. Người đàn bà tôi đã tè trên tay khi tôi còn nhỏ, đã giúp tôi làm đơn xin nhập trường Đại học, và là người đã ở bên tôi trong suốt 18 năm vừa qua”.

Cô bé gốc Hoa bỏ cuộc nhưng cậu bé gốc Việt Vũ Tiến Kinh nhất định không chịu ngưng hành trình tìm về quá khứ dù cậu cũng phải ra đi khi còn nằm nôi. Lòng cương quyết của cậu được xác định khi cậu bỏ cái tên Joseph Palmeter để lấy lại cái tên toàn Việt là Vũ Tiến Kinh mặc dầu cái tên này cũng không phải là tên thực của cậu. Tất cả các cô nhi tại cô nhi viện An Lạc, con trai đều được đặt tên có họ và chữ lót là Vũ Tiến trong khi con gái là Vũ Thị. Số năm rời xa đất nước cũng là số tuổi của cậu. Ba mươi lăm năm kể từ cái năm 1975 định mệnh đó. Chuyện đời của cậu rất dài dòng. “Tôi mừng sinh nhật tôi mỗi ngày vì tôi không biết mình ra đời ngày nào! Tôi không biết cha mẹ ruột mình là ai và tôi cũng chẳng biết gì về nguồn gốc của mình, điều mà đứa trẻ bình thường nào cũng biết.” Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Kinh nằm trong số 219 trẻ mồ côi của cô nhi viện An Lạc được di tản bằng máy bay từ Sài gòn tới Los Angeles. Kinh được bỏ nằm trong một cái sọt tre. Chính ra chuyến bay sẽ tới thẳng Fort Benning, tiểu bang Georgia, nhưng vì có khoảng 20 trẻ sơ sanh, trong đó có Kinh, đã quá yếu nên không thể tiếp tục cuộc hành trình dài. Bé Kinh được đưa vào bệnh viện của Đại Học UCLA và được bác sĩ Barry Halpern điều trị. Bảng giám định y khoa ngày đó được ghi như sau: “Bệnh nhân Vũ Tiến Kinh, khoảng ba tháng tuổi, èo uột, thiếu dinh dưỡng, bị háo nước do đi tả, bị viêm kết mạc nặng, chốc lở đầy mình”. Khi chuyển bệnh qua bác sĩ khác, bác sĩ Halpern đã viết kèm theo hồ sơ bệnh lý mấy chữ: “Em bé này là một bệnh nhân rất thú vị, và chúng tôi ở UCLA rất mong được biết sức khỏe em sẽ tiến triển ra sao trong những ngày tháng tới”. Viết như vậy nhưng công việc dồn dập với các bệnh nhân tí hon khác khiến bác sĩ Halpern quên khuấy mất cậu bé Kinh. Năm nay, 35 năm sau ngày chuyển bệnh nhân “thú vị” đó, bác sĩ Halpern mới bất ngờ được nhận lại tờ giấy viết tay của mình. Với một bức thư ký tên Joseph Palmeter nội dung rất vắn tắt: “Tên tôi là Joseph Palmeter, Vũ Tiến Kinh, người Mỹ gốc Việt, mà ông, hồi còn là một bác sĩ nội trú tại UCLA có thể đã từng săn sóc vào tháng 4 năm 1975. Ðến từ một chuyến máy bay do bà Betty Tisdale tổ chức, với 219 trẻ mồ côi khác, tôi lúc đó hiển nhiên rất là èo uột. Gần ba mươi lăm năm sau, tôi rất vui có dịp viết thư báo cho bác sĩ biết tôi đã khỏe... Nếu đây đúng là ông, thì Bác Sĩ Halpern ơi, xin bác sĩ nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi.” Ông bác sĩ nay đã 61 tuổi vội về lại UCLA để tim hồ sơ của Kinh. Và hai người đã gặp mặt để Vũ Tiến Kinh nói lời cám ơn tới vị ân nhân của mình. Ngay sau đó,  Kinh nói với tất cả nỗi lòng khao khát của mình: “Tôi rất vinh hạnh tìm trở về được tới “cánh cửa” đã đưa tôi vào Hoa Kỳ”. Chặng đường Kinh nhắm tới còn xa vời. Nó bắt đầu khi cậu bé được 4 tuổi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của ký giả Hà Giang của báo Người Việt tại Little Saigon, Kinh đã kể lại. Khoảng 4, 5 tuổi thì Kinh biết mình không phải là con ruột khi lũ học sinh cùng trường nhạo báng: “Ê, thằng kia, mày là thằng Tàu con!”. Kinh vội về nhà hỏi cha mẹ nuôi: “Con có phải là người Tàu không?”. Họ không trả lời và cũng không đả động gì tới chuyện họ nhận nuôi Kinh như thế nào. Lớn lên, anh vẫn không quên câu chuyện này. Anh tìm tới bà Betty Tisdale, nay đã 87 tuổi, cư ngụ tại Seattle để hỏi thêm về cô nhi viện An Lạc, nơi đã nuôi anh vài tháng trước khi anh được mang qua Mỹ. “Nghe nói tôi đã bị bỏ vào một cái giỏ rồi mang để ở trưóc cửa tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Bị bỏ rơi từ nhỏ như vậy, tôi luôn luôn muốn tìm hiểu gốc gác của mình. Mình là ai và từ đâu đến, câu hỏi ám ảnh tôi mãi không thôi”. Anh thực ra không có tên. Bà Betty cho biết là trong lúc gấp rút lo thủ tục cho các em lên máy bay, bà phải chế ra giấy khai sanh cho hàng trăm đứa trẻ. Tất cả đám trẻ trai bà đều cho mang họ Vũ Tiến. Nghe vậy, Kinh nói: “Dù sao đây cũng là cái tên gần nhất với quá khứ”. Và cậu khai đổi giấy tờ để giữ cái tên này. Bước kế tiếp “sẽ là một chuyến về thăm Việt Nam, nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện được chuyến đi đó”. Bước đi nhỏ mà anh vừa thực hiện được là về thăm thủ đô của người tỵ nạn Việt Nam tại quận Cam. Đây là lần đầu tiên cậu biết có một nơi chốn rất Việt Nam như vậy. Cậu được ăn những món ăn Việt Nam, đưọc thấy những bảng hiệu bằng tiếng Việt. “Đi qua khu phố của người mình mà không hiểu được tiếng nước mình, cảm giác lạ thật. Và những bảng hiệu này, tôi chỉ nhìn chứ không đọc được, quả là khó chịu!”. Kinh không có bạn người Việt, chưa bao giờ nghe nhạc Việt Nam, không nói được một chữ tiếng Việt và cũng chưa bao giờ được nghe hai người Việt Nam nói chuyện với nhau. Anh hoàn toàn lạc nguồn cội. Cậu tâm sự với cô ký giả Hà Giang: “Đôi khi em tự hỏi tại sao lại có người bỏ mình vào một chiếc giỏ mang bỏ đi. Không biết lúc sanh ra, em có được ôm vào lòng không?”.

Câu hỏi rất nhức nhối của Vũ Tiến Kinh, nay đã tốt nghiệp Cử Nhân môn Âm Nhạc tại Westminster College ở tiểu bang Pennsylvania, hiện đang dạy nhạc tại Connecticut và đang tiếp tục học chương trình Tiến sĩ về nghiên cứu âm nhạc trong giáo dục tại University of Minnesota Graduate School, khó có câu trả lời.

Một Vũ Tiến khác, anh Vũ Tiến Phước, nay có tên là Jason Robertson, được đưa qua Mỹ làm con nuôi từ năm 1972, khi anh mới có 3 tuổi, cũng khao khát tìm về nguồn. Vì một lý do tâm cảm. “Mọi chuyện bắt đầu cách đây 11 năm. Mười một năm trước, vào năm 1999, con trai chúng tôi ra đời. Và khi phải điền hồ sơ bệnh lý bên nội cho con, tôi bỗng lúng túng không biết khai làm sao. Chẳng hạn như câu hỏi: trong dòng họ có ai bị bệnh ung thư không? Lúc đó tôi mới thật thấm thía là mình không biết gì về nguồn gốc của mình cả. Trước đó tôi chưa bao giờ có một cảm nhận sâu sắc như thế về việc này, và cứ lờ đi quá khứ của mình. Nhưng không hiểu tại sao sau khi có đứa con, lòng tôi nung nấu muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình, cũng như tìm gặp những cô nhi khác”. Khi anh Vũ Tiến Phước được bà Betty Tisdale cho coi tấm hình ngày nhỏ của mình trong cuốn scrapbook của bà thì anh đã bật khóc.

Ai cũng có thời quá khứ nhưng với các cô nhi quá khứ đã bị một tấm màn mây che mờ. Họ có hai thân phận. Thân phận một đứa trẻ được sanh ra ngoài ý muốn hoặc từ một gia đình bần cùng. Trong cả hai trường hợp, chúng được sanh ra nhưng không được chấp nhận. Khi bị bỏ vào một viện mồ côi, chúng có một thân phận khác, đoạn tuyệt với cuộc đời trước đó. Chúng trở thành những đứa trẻ không quá khứ. Cái đoạn đời ngắn ngủn nhưng rất quan trọng đó hầu như tất cả đều muốn tra hỏi cho ra lẽ. Con người không nguồn gốc là một con người què quặt trong cuộc sống. Năm đứa con gái của bà Betty cũng phân vân về nguồn cội của mình tuy họ đã có một đời sống đầy đủ hơn và đã trở thành những con người thành đạt trong xã hội. Đó là các cô gái mang tên Xuân, Liên, Mai, Thu Vân và Kim Lan. Họ đều là những cô nhi của An Lạc được bà Betty rả rích mang về từ khi bà lấy chồng.Tại sao lại năm cô con nuôi? Bà Betty cũng biết tới  “ngũ long công chúa” chăng? Không! Tuy bà đã vướng nhiều hệ lụy với Việt Nam nhưng bà không thể biết được tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Bà chỉ biết tới những số phận nho nhỏ bị bỏ rơi. Chính bà cũng là một đứa con nuôi nhưng hai người nuôi bốn chị em bà là một người cật ruột và một gia đình hàng xóm. Bà không được học nhiều nhưng cũng có công việc đủ sống. Cuộc sống mà bà cho là vô ích nếu chưa làm đưọc một việc chi có ích cho nhân gian. Bà đã gặp định mệnh của mình nhờ một cuốn sách có cái tên là một câu trong kinh Lạy Cha của Thiên Chúa Giáo tình cờ tới tay bà. Cuốn “Deliver Us From Evil” (Xin Cứu Chúng Con Khỏi Mọi Sự Dữ). Tác giả là Bác sĩ Tom Dooley thuộc Hải Quân Hoa Kỳ đã tham dự vào việc giúp đỡ làn sóng di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Cô ký giả Ngọc Lan của báo Người Việt được bà cho coi cuốn sách định mệnh đời bà trong một buổi phỏng vấn. Bà Betty lật một trang sách, chỉ tấm hình chụp một người đàn bà trên đường trốn chạy nhưng vẫn rất thanh lịch, đang được những đứa trẻ rách rưới vây quanh. “Đó là bà Vũ Thị Ngải, một người đàn bà góa chồng, có học thức, thuộc dòng dõi quý tộc. Trên đường di cư, bà Ngãi nhặt hết những đứa trẻ nằm lê lết bên xác của cha mẹ rồi mang theo vào Nam. Đó là những cô nhi đầu tiên của cô nhi viện An Lạc. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên cô nhi viện này!”. Cảm phục tấm lòng của vị Bác sĩ có lòng này, bà đi tìm tác giả cuốn sách. Khi ấy Bác sĩ Tom Dooley đang ở một bệnh viện tại Nữu Ước, không phải với nhiệm vụ của một bác sĩ mà là một bệnh nhân ung thư của bệnh viện. Ông nói với bà: “Một người bình thường cũng làm được những việc phi thường.” Sau đó ông mất vào năm 34 tuổi.

Vậy là bà sang Sài Gòn, tìm tới cô nhi viện An Lạc. “Chiếc xích lô đưa tôi tới cô nhi viện trong một buổi trưa nóng bức của năm 1961. Và dù đã chuẩn bị tinh thần, quang cảnh của cô nhi viện làm tôi chết lặng…Tôi đến gần một chiếc nôi và bế một đứa bé lên. Khi đứa bé đưa hai tay quàng vào cổ tôi, rồi nhất định co chân đu người lên không cho tôi thả nó xuống nôi nữa thì tôi biết cuộc đời mình giờ đã gắn liền với An Lạc”.

Chuyện “ngũ long công chúa” cũng là chuyện của An Lạc. Bà Betty gặp ông Đại Tá Bác Sĩ Quân Y Patrick Tisdal tại cô nhi viện này. Ông cũng là một…fan của An Lạc , thường lui tới giúp đỡ các em cô nhi trong thời gian công tác ở Sài Gòn. Ông goá vợ, bà chưa bao giờ có chồng mặc dù đã năm chục cái xuân xanh. Một bữa ông Patrick thu hết can đảm hỏi: “Cô có vẻ yêu trẻ con, tôi cũng thế! Tôi rất yêu mến cô. Tôi góa vợ, có năm đứa con trai, cô có…chê tôi không?” Đúng là lời tỏ tình của…lính! Khai hết số quân, lý lịch trích ngang và lời cầu hôn trong một câu gọn lỏn. Bà Betty không chê nhưng đặt điều kiện: bà sẽ nuôi 5 cô bé An Lạc cho cân bằng quân số. Ông Patrick tuân lệnh. Tháng 7 năm 1969 hôn lễ được cử hành thì tháng 12 cùng năm bà Betty thi hành…hiệp ước: bà nhận hai cô con nuôi đầu. Sau đó bà bổ sung quân số cho đủ ngũ long công chúa. Vậy là huề. Gia đình gồm 5 anh con trai Mỹ và năm cô gái Việt. Năm anh con trai thì khỏi tìm mà đã biết nguồn nhưng năm cô con gái vẫn còn trăn trở với gốc gác. Họ là ai?

Cô Mai Lara Tisdale trả lời: “Tôi là một người Việt Nam được nuôi dạy trong một gia đình Mỹ, suy nghĩ như một người Mỹ. Tôi tự lập, thích học hỏi, tìm tòi, thích thể thao, du lịch, thích giúp đỡ người khác”. Mai đã về lại Việt Nam nhưng “thú thật, thoạt nhiên, tôi cũng chỉ tò mò về Việt Nam như một quốc gia khác mà tôi chưa đến, một nền văn hóa mà tôi chưa tìm hiểu nên muốn tìm hiểu. Còn việc nghĩ đến mình như một người Việt Nam thì thỉnh thoảng chỉ là những ý nghĩ thoáng qua, chưa sâu sắc….Mẹ cho chúng tôi biết rõ chúng tôi là con nuôi, đến từ Việt Nam”. Bà Betty luôn cho các cô con gái biết là nếu ai muốn tìm hiểu về cha mẹ ruột thì bà sẽ giúp.

Cô Xuân đã được mẹ Betty giúp tới khi tìm được tấm giấy khai sanh nguyên thủy của cô. “Tên tôi là Lê Thị Mười. Cha tên Lê Văn Đức, mẹ tên Nguyễn Thị Vân, cà hai cùng làm nghề nông, cùng cư ngụ tại Tân Thới Hiệp”. Biết đến ngọn nguồn như vậy nhưng cô vẫn chưa được gặp lại cha mẹ ruột. Cô đã nhờ bạn tìm về tới quê cô, đã gặp được những người biết gia đình cô. Họ cho biết cô là con út trong gia đình. Nhưng cha mẹ cô giờ ở nơi nao, vẫn mù tịt tung tích. Cô tiếc rẻ: “Phải chi bà Ngãi còn sống thì tôi sẽ hỏi thêm về bố mẹ, nhưng bà đã mất rồi!”. Bà Vũ Thị Ngãi, người mẹ của ngàn con đều mang họ Vũ của bà, là một trong hai vị…thánh dưới mắt bà Betty. Vị kia là Bác sĩ Tom Dooley.

Không ai tôn bà Betty là thánh nhưng tấm lòng của bà với đám cô nhi An Lạc không thể là tấm lòng của một con người thường. Bà đã bỏ cả cuộc đời cho chúng. Bà cho mà không nghĩ tới lấy lại. Bà để cho tất cả năm cô con gái vẫn dùng tiếng Việt với nhau như một cách thả những đứa con bà thương yêu về nguồn. Bà dạy các con chỉ một câu, câu của “thánh” Tom Dooley đã cho riêng bà: một người bình thường cũng có thể làm được những việc phi thường.
Ông Luân Hoán không được bà giúp đỡ chi nhưng ông cũng trân trọng tấm lòng của bà đối với các em cô nhi Việt Nam. Ông thơ:

dẫu không được gọi bà bằng mẹ
cũng xin quỳ dâng tặng nụ hoa
mẹ nhân  ái Betty cao cả
mỗi nhịp tim là một mái nhà

xin được phép gởi lời cảm tạ
thay các em khốn khổ Việt Nam
lòng từ thiện không phân quốc tịch
biên giới không ngăn trái tim vàng.

Trong buổi lễ tưởng niệm ngày mất nước được tổ chức tại Tượng Đài Chiến Sĩ ở Freedom Park, Nam Cali, vừa qua. Trước khoảng 5 ngàn người tham dự, bà Betty Tisdale đã lên diễn đàn nhắn nhủ giới trẻ Việt Nam là “không bao giờ được quên nguồn gốc, không bao giờ được quên quê hương”. Cứ như quê hương của bà là giải đất hình chữ S ở tuốt bên kia bờ đại dương. Nhìn trong ánh mắt bà thì hình như đúng là như vậy!

05/2010