Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

KHÁM

Anh chàng Umar Farouk Abdulmullatab, 23 tuổi, người Nigeria, chơi dại mang bom lên cho nổ trên chuyến bay của hãng hàng không Northwest từ thủ đô Amtersdam của Hòa Lan về Detroit, Hoa Kỳ, vào đúng ngày lễ Giáng Sinh 2009. May là anh này là một người vụng về. Nói như các cụ thì anh chàng này “vụng khê vụng thối”! Ai đời, khám xét khó khăn như vậy mà vác được bom lên máy bay. Chỉ còn chuyện châm cho nó nổ mà lính quính làm sao không làm được để một hành khách ngồi bên cạnh trông thấy, tri hô lên và vật anh ta xuống. Các hành khách khác xô vào khống chế anh. Vậy là bom…xì!

Xì như vậy mà vẫn khốn khổ cho hàng triệu con người leo lên máy bay sau đó. Các chuyến bay bị đình hoãn làm hành khách kẹt nằm la liệt trên phi trường. Sau đó thì bay lại nhưng với rất nhiều khốn khó. Để cho việc khám xét được nhanh chóng, hành khách không đuợc mang xách tay theo, hành lý chỉ được gửi một va-li, và cơ khổ là cái cửa ải khám xét.

Tôi lên máy bay tại phi trường Pierre Trudeau ở Montreal khoảng một tháng rưỡi sau vụ bom này. Nơi đến là Los Angeles. Gia đình, bạn bè lắc đầu. Giờ này mà đâm đầu đi vào Mỹ thì…hết ý! May là trước ngày tôi đi khoảng mươi ngày, lệnh cấm mang hành lý xách tay lên máy bay đã được xét lại. Hành khách có quyền…xách. Nhưng không được như xưa. Xưa thì mỗi người được hai xách. Nay nhất định chỉ một xách thôi. Laptop của các ông, ví xách tay của các bà ngày trước nghênh ngang một mình một cõi, nay phải nép mình vào chiếc va-li kéo. Mà phải nép cho khéo. Trước cửa vào khu hạn chế dành riêng cho hành khách đi máy bay, từ xưa tới nay vẫn có mấy cái khung sắt nằm mốc thếch ở đó để đo kích thước va li kéo theo, có ai thèm biết tới chúng đâu. Nhưng nay khác. Mời các ông các bà làm ơn đút chiếc va li vào dùm. Cái nào không chui lọt thỏm được vào cửa càn khôn thì làm ơn vứt bớt đồ đi. Không nhân nhượng!

Vào tới trong, màn khám xét mới gian nan. Lột hết thắt lưng, ví, chìa khóa và giầy  ra, cho vào chiếc khay chạy qua máy dò xét. Ngày xưa, giầy ít khi bị cởi. Chỉ những người nào bị nghi mới có cái màn thoát hài này. Ngày nay già trẻ lớn bé gì đều phải tụt hết! Qua chiếc cổng điện tử mà còi không ré lên đừng tưởng là xong. Vẫn cứ phải làm chim bay cò bay cho các ông bà an ninh nắn khắp người. Màn này ngày xưa chỉ dành cho những người phải…tái khám. Chim bay cò bay xong vẫn chưa được…bay. Chiếc va li vừa qua máy xét phải tiếp tục được banh ra cho các ông bà có thẩm quyền rờ nắn kỹ càng. Xong vụ này mới được thả ra cho lên máy bay.

Kể cũng trần ai. Mặt nào mặt nấy căng thẳng. Nếu lội bộ được chắc đã lội bộ cho con tim được thong thả. Nhưng nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Thà cực nhọc một chút còn hơn ngồi cạnh trái bom trên máy bay. Nhưng cực nhọc như vậy có đáng công không? Ông Juval Avi bảo rằng không. Ông này là một chuyên viên về an ninh người Do Thái đã từng làm cận vệ cho bà Thủ Tướng Do Thái Golda Meir, đã từng truy nã những tên khủng bố Palestine trong vụ bắt cóc các lực sĩ Do Thái tham dự Thế Vận Hội Munich ở Đức. Ông cũng đã từng báo động trước vụ khủng bố trong đường hầm métro ở Luân Đôn. Tiên đoán công khai trên truyền hình hẳn hoi chứ không phải chỉ tiên đoán sau khi sự việc đã xảy ra như nhiều nhà bói toán khác. Trên đài truyền hình Fox, một tuần trước khi vụ nổ xảy ra, trong show của Bill O’reilly, ông đã nói rõ sẽ có vụ khủng bố này và cho biết thời gian khoảng một tuần. Khi đó anh host của chương trình O’reilly đã cười chế nhạo ông Juval Avi và châm biếm hẹn ông tuần sau trở lại trên màn ảnh một lần nữa coi có chuyện gì xảy ra không. Tuần sau thì vụ nổ đã xảy ra làm quê anh chàng host thiếu…đức tin! Nếu anh chàng này nhớ được là chính ông Juval này đã cho tin vụ khủng bố 9/11 trước cả tháng thì chắc đã có thái độ khác. Một tháng trước vụ 9/11, từ những nguồn tin lượm được ở Do Thái và Trung Đông, Juval đã báo cho chính quyền của Tổng Thống Bush là quân khủng bố có thể dùng máy bay thay bom và nhắm vào các tòa nhà chọc trời và các tượng đài cao.

Vậy thì, ông an ninh có tài ngửi thấy mùi khủng bố trước đã nói gì về vụ hốt hoảng sau khi anh chàng Umar Farouk Abdulmullatab mang bom lên máy bay? Ông chê Mỹ chỉ biết phản ứng khi sự việc đã xảy ra. Một tên cài chất nổ trong giầy khi lên máy bay, vậy là toàn dân phải cởi giầy khi muốn…phi! Một tên khác mang bom lỏng lên máy bay, thế là toàn dân không được mang chất lỏng lên máy bay. Sau khi hoàn hồn thì nay được mang chất lỏng trong những chai lọ chứa không quá 50 ml. Tên Umar Farouk Abdulmullatab dắt chất nổ trong quần lót, may mà hành khách không phải cởi quần lót khi bị khám xét. Cứ tưởng tượng toàn dân cởi quần lót sẽ thấy cảnh tượng hỗn loạn như thế nào. Một số nhà hí họa trên các báo đã vẽ ra cảnh tất cả hành khách nhồng nhộng tiến vào ghế ngồi trên máy bay. Nhìn bức hình thấy vui mắt đáo để! Nhà chức trách chẳng thể nào để cảnh vui mắt này xảy ra. Cứ như đàn bò vào thành phố! Họ quay qua biện pháp văn minh hơn: dùng máy scanner  loại mới dò toàn thân tại các phi trường.

Trong phi trường Los Angeles ngày tôi bay trở về Montreal, chiếc máy này có thể đã hiện diện. Đó là ngày thứ sáu 5 tháng 3. Tôi tới đúng phóc ngày…lịch sử này vì đó là chiếc máy đầu tiên đặt tại một phi trường Mỹ trong 19 chiếc của đợt một. Có lẽ mặt mũi tôi không đến nỗi nào nên không được khai trương chiếc máy tối tân đó, hụt mất một dịp lấy kinh nghiệm tại chỗ để về ba hoa trên báo! Tiếc hùi hụi. Sau phi trường Los Angeles là các phi trường Chicago, Cincinnati của tiểu bang Kentucky, Mineta của San Jose, Oakland, San Diego, Kansas… Từ nay tới cuối năm, sẽ có tất cả 450 máy được lắp đặt và sử dụng. Bạn nào có dịp tới các phi trường này nhớ đòi cho được các máy scanner tối tân này khám. Dĩ nhiên là miễn phí. Tôi phải dặn kỹ như vậy vì theo luật, hành khách có quyền từ chối bị những chiếc máy này khám. Nhưng nếu từ chối thì sẽ được các nhân viên an ninh sờ nắn và hành lý xách tay sẽ bị khám xét kỹ lưỡng.

Sở dĩ có quyền từ chối đứng vào máy vì máy scanner này là một chiếc máy sỗ sàng. Nó quét khắp người hành khách để làm hiện ra hình ảnh trần truồng của người bị khám. Chính vì cái tính tò mò vào những phần thầm kín của thân thể hành khách bị khám mà chiếc máy, giá từ 130 ngàn đô tới 200 ngàn đô này, tuy đã có từ lâu nhưng chỉ được sử dụng rất hạn chế. Thực ra có hai loại máy dò chứ không phải máy nào cũng giống nhau. Một loại dùng sóng điện từ (milimeter wave) và một loại dùng quang tuyến X được gọi là backscatter. Máy dùng sóng điện từ phát ra sóng vi ba và đo năng lượng phản xạ từ thân thể để cho một hình ảnh ba chiều trên màn hình. Còn máy dùng quang tuyến X có cấp độ thấp có khả năng đi qua những vật mỏng như quần áo nhưng không đủ sức xuyên qua thân thể con người và cho ra hình ảnh hai chiều được thu lại trên màn hình. Dù ba chiều hay hai chiều thì quần áo trên người cũng mất hết chức năng ngăn chặn những con mắt tò mò.

Khác với loại máy rà soát được dùng từ trước tới nay chỉ phát hiện được những vật bằng kim khí như súng, dao, chìa khóa, tiền cắc..v..v.. loại máy mới này có thể thấy được tất cả các vật bằng plastic, hóa chất giấu trong bất cứ chỗ nào trên người. Vật nổ mà anh chàng người Nigeria giấu trong quần lót sẽ hiện ra ngay nếu đi qua máy dò mới này. Nhưng những thứ mà các bà buôn lậu nhét vào hẳn phía trong thân thể thì máy mới này cũng chịu. Đó là thâm cung. Mà thâm cung thì có bí sử. Đã bí thì làm sao mà bật mí được!

Đi máy bay chứ đâu có phải vào bệnh viện mà trùi trụi như rứa, nhiều người phản đối không chịu. Ngay các nghị sĩ và dân biểu Mỹ cũng phản đối. Nó vi phạm tới đời tư của con người. Nhưng quân khủng bố ngày càng ma mãnh thì an ninh hơn hay quyền…tư hữu hơn? Nếu nổ thì các thứ tư hữu cũng tanh bành hết chứ giữ sao nổi. Thôi thì an toàn trên máy bay cho chắc ăn vậy. Chịu nhưng vẫn cứ ngại ngùng. Hiểu được tâm lý đó nên Cơ quan An Ninh Vận Chuyển Hoa Kỳ (Transport Security Administration) cũng phải an ủi chút đỉnh. Theo sự giải thích của cơ quan này thì tuy có nhồng nhộng thật nhưng chẳng ăn thua chi. Bởi vì nhân viên an ninh trực tiếp hướng dẫn hành khách vào máy khám sẽ không nhìn thấy hình ảnh. Còn nhân viên ngồi trong phòng kiểm soát riêng biệt thì chỉ thấy hình ảnh chứ không thấy hành khách. Vậy là người biết mặt mũi hành khách thì đâu có thấy chi, còn người thấy thì lại không biết hành khách này là ông bà nào. Đã không biết mặt mũi thì hình ảnh ai cũng như ai, cái nào có một thứ, cái nào có hai thứ, ai mà chẳng vậy. Chúng hiển hiện ra đó nhưng không đi kèm với mặt mũi thì chúng trở thành…vô danh. Chỉ sau 15 giây ngắn ngủi đứng trong máy, nếu không có chi khả nghi thì hành khách được thơ thới ra đi. Nếu máy phát hiện ra được những vật lạ thì một nhân viên khác sẽ rà soát lại chứ không phải người ngồi trong phòng kiểm soát. Vậy là hình ảnh trong máy và người thật vẫn nhìn nhau xa lạ! Hơn nữa, hình ảnh này sẽ được xóa đi ngay và nhân viên trong phòng kiểm soát không được mang máy hình hay điện thoại cầm tay vào phòng làm việc.

Người dân trong chế độ dân chủ thường có nhiều quyền và lắm đòi hỏi. Ừ thì không ai trông thấy nỗi niềm thầm kín của tôi nhưng chơi với máy móc có tia nọ tia kia nhất định là có hại cho sức khỏe chứ? Cơ Quan An Ninh Vận Chuyển lại phải trấn an. Máy milimeter wave chỉ phát ra số năng lượng ít hơn một điện thoại di động nên chẳng ăn thua chi. Buôn chuyện trên điện thoại cầm tay hàng giờ không sao thì 15 giây trong máy làm sao mà…sao được! Còn máy X-rays Backscatter chỉ tương đương với bức xạ một người tiếp nhận khi ngồi trong máy bay khoảng 2 phút. Cũng ăn thua chi. Ngồi máy bay giờ nọ qua giờ kia có chết con ma nào đâu! Nhà sản xuất máy Rapiscan trấn an thêm. Các kỹ thuật gia cho biết là mỗi người có thể trải qua 5 ngàn lần rà khám bằng máy mà sức khỏe không bị ảnh hưởng chi. Các bạn thường hay đi nha sĩ chứ gì? Máy soi răng còn tạo ra bức xạ gấp 20 ngàn lần hơn thế! Vậy mà cứ đi nha sĩ đều đều chứ đâu có care chi!

Những chiếc máy tối tân này có làm nản lòng những anh khủng bố không? Ông Juval bảo là có. Nhưng cũng theo ông trùm an ninh này thì khủng bố chúng sợ hành khách hơn. Từ trước tới giờ hành khách rúm người chịu trận mỗi khi có khủng bố trên máy bay, nhưng với vụ bom quần lót này, hành khách đã hợp nhau phản ứng lại, đè tên khủng bố xuống sàn máy bay. Họ đã vùng lên. Khủng bố phải tạm thời lui binh. Chúng không mang bom lên máy bay nữa nhưng khủng bố thì cứ chi phải diễn trò máy bay rơi. Chúng có thể cho bom nổ giữa nơi đông đúc người dưới đất chứ. Miễn là làm loạn lên cho chính quyền và dân chúng nước sở tại bất an là đạt mục tiêu rồi. Mà chúng cũng chẳng cần tìm đâu xa. Cho nổ ngay tại phi trường cũng ép-phê chán.

Theo ông Juval thì chúng ta chưa sẵn sàng cho tình huống này. Cứ tưởng tượng một tên khủng bố giả dạng làm hành khách lên máy bay. Chúng chen chân vào chỗ check in thường đông nghẹt người với chiếc va li sẵn sàng gửi. Xếp hàng như mọi người, một lúc sau chúng sẽ gửi người xếp hàng bên cạnh để đi toa lét hay đi mua nước uống chẳng hạn. Nếu người được gửi là bạn, bạn có gật đầu nhận không. Nhận là cái chắc. Tôi đã từng nhận như vậy mà không thắc mắc. Vậy là hố!

Ở Do Thái, người ta đã đề phòng trường hợp này. Họ khám người và hành lý ngay tại cửa vào phi trường. Không có vé máy bay thì đi chỗ khác chơi. Phi trường không phải là chỗ qua lại vớ vẩn để chơi. Ngoài phi trường, những chốn đông người như những địa điểm vui chơi, ga xe lửa, các mall đông người mua sắm, hầm métro… cũng là mục tiêu tốt. Hoặc chúng chơi trò ngông, tới một khách sạn, sòng bài hay rạp hát sang trọng, trao chiếc xe đầy bom trong thùng xe cho anh valet rồi ung dung chuồn. Thiếu chi chỗ hớ hênh cho khủng bố hành động. Nhất là bây giờ khủng bố không phải là những anh da luốc luốc, quấn khăn rằn ri, râu ria rậm rạp nữa, mà có thể là những thanh niên sinh trưởng và học hành ngay tại Mỹ, được đưa đi huấn luyện tại một nước nào đó ở Trung Đông, rồi về lại Mỹ để hoạt động. Biết đâu mà phòng ngừa!

Vậy cứ khoanh tay chịu trận sao? Do Thái, Anh và Ái Nhĩ Lan đã không khoanh tay. Họ không phó mặc việc phòng vệ khủng bố cho máy móc nhưng giao nhiệm vụ cho con người. Người đây là toàn thể dân  chúng. Dân chúng Do Thái đã được huấn luyện để khi thấy một cái túi hoặc một chiếc va li vô chủ, họ không làm ngơ mà tri hô lên. Mọi người sẽ tránh xa chỗ để vật khả nghi và báo cảnh sát. Ở Mỹ không được như vậy. Chính ông Juval đã làm thí nghiệm cho Quốc hội Mỹ coi. Ông đặt 5 chiếc va li trong 5 địa điểm đông đúc tại 5 thành phố lớn của Mỹ. Kết quả, chẳng ai thèm ngó tới. Không một cú phôn cho 911 hay Cảnh sát dù hầu như ai cũng có phôn trong người. Tại Chicago còn có một người mắt trước mắt sau, vội chớp chiếc va li chạy nữa!

Nghe ông Juval nói cũng lọt tai. Khủng bố là thứ không tim nên không biết thương người. Cứ nổ được là nổ, có thịt rơi máu chảy là được. Nhưng điều ông đoán là khủng bố không cho nổ máy bay nữa thì cần phải xét lại. Có chỗ nào mà chúng chừa ra. Vậy nên những chiếc máy scanner kiểu mới vẫn cần thiết. Dân đi máy bay có hở hang tí chút cũng không sao. Nhưng vỏ quít dày thì có móng tay nhọn. Khủng bố đâu có chịu yên bề. Chúng luôn luôn…đổi mới phương cách mang bom lên máy bay. Khám được thứ này chúng cho lòi ra thứ khác.

Cơ quan tình báo Anh M15 vừa phát hiện ra một sáng kiến mới toanh của khủng bố. Chỉ vài giờ sau khi tên khủng bố giấu bom trong quần lót Umar Farouk Abdulmutallab bị bắt, nhân viên an ninh của M15 đã xét hỏi và tìm hiểu nội dung các cuộc chat trên mạng của các phần tử tình nghi là khủng bố người Pakistan và Yemen. Họ đã lờ mờ khám phá ra âm mưu cấy bom vào ngực phụ nữ. Điều tra sâu hơn, nhóm chuyên gia tình báo Anh M15 đã biết rõ hơn về âm mưu đe dọa mới của khủng bố Al-Qaeda theo đó thì chất nổ có tên là PETN sẽ được cho vào các túi dẻo thay cho silicon để độn vào ngực phụ nữ. Ưu điểm của chiêu khủng bố mới này là các máy dò tìm tối tân hiện nay tại các phi trường quốc tế sẽ chịu không phát hiện ra được thứ bom…tí này. Báo The Sun của Anh ra ngày 25/3 cho biết là có thể Al Qaeda đã có các bác sĩ học được kỹ thuật nâng ngực thẩm mỹ ở Anh để về nước cấy cho các phụ nữ tình nguyện. Chuyên gia về khủng bố Joseph Farah đã cho biết: “Những phụ nữ đó đã được cấy chất nổ vào ngực theo kỹ thuật nâng ngực thẩm mỹ”. Các nhà phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu của Anh cho biết kỹ thuật cấy bom vào ngực là hoàn toàn khả thi. Các máy móc hiện có không phát hiện ra được. Vẫn theo các chuyên gia này thì chỉ cần 140 gram PETN là đủ để làm thủng một lỗ khá lớn trên thân máy bay!

Tin tức mới toanh này làm tôi đổ mồ hôi hột. May mà mình không còn trẻ. Nếu không, với quan niệm bốn bể là nhà, không phân biệt màu da, không care khác biệt chủng tộc như đám thanh niên ngày nay, tôi dám bồ bịch với một em khủng bố lắm. Nếu em đã được các chuyên viên nhét bom vào ngực, lại có tí máu văn nghệ, hẹn nhau một màn tạm biệt trước khi em đi làm nhiệm vụ thì hơi mệt. Trong lúc xúc động, thấy vòng số 1 của em sao hôm nay lả lơi quá, bèn đi một đường tí toáy thì…hỡi ôi. Đời em đời anh sẽ đi về…nghĩa địa!

Màn tâm tình trên là giả tưởng. Như đóng kịch trên sân khấu. Thế nhưng nếu các bạn thanh niên ngày nay gặp trường hợp duyên số éo le như vậy thì quả thực quả tuyết lê của em có nổ không? Tin tức không thấy nói rõ là làm sao cho bom ngực kích hỏa được. Nếu cần một cái kích hỏa thì đặt vào đâu. Đặt ở phía ngoài thì máy móc khám ra là cái chắc. Đặt ở trong thì phải bấm nút nào? Tôi nghĩ là các tên khủng bố phải dùng chiếc nút có sẵn.

Nếu thứ bom ngực này được mang vào phi trường, làm sao mà cản. Không ai có thể bắt nhau giơ ngực ra khi lên máy bay được. Đó là mối lo của những người tâm huyết như các ông bạn tôi. Các chuyên gia chắc chắn còn lo bạo hơn. Họ đã tính  tới việc chế tạo ra một thứ máy X-quang đặc biệt để đối phó với thứ bom dễ thương nhưng thương không dễ này.

Từ trước tới giờ, các bậc nữ lưu có vòng số 1 nhỉnh hơn người thường vẫn được khen tụng và trọng vọng. Như Marilyn Monroe chẳng hạn. Đã có thời chúng tôi thân mật gọi những núi của đó là những quả bom nguyên tử. Kể ra chúng tôi cũng có tài tiên tri đấy chứ!

04/2010