Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

CẲNG

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc từ khi viết blog đã ngộ thấy nhiều điều ngộ nghĩnh. Trong một bài viết nhan đề “ Tiếng Việt: Bản Đồ Từ Vựng Trên Thân Thể” ông đã nhận thấy là , để chỉ các bộ phận của thân thể con người, nếu bộ phận này nằm ở bên ngoài thì có tên thuần Việt, nếu nằm ở bên trong thì tên lại thường là từ Hán Việt. Thí dụ các bộ phận bên ngoài: tóc, tai, trán, miệng, cằm, vai, ngực , ức….Các bộ phận bên trong: tủy, não, mật, tiểu trường, đại trường…Nghĩa là cái gì nhìn được bằng mắt thì dùng từ thuần Việt, cái gì phải dùng dao xẻ ra mới thấy thì dùng từ Hán Việt! Tại sao vậy? Ông Nguyễn Hưng Quốc lý giải: “Điều này chứng tỏ có lẽ khi tiếp xúc với người Trung Hoa, ngành giải phẫu học và cùng với nó, trình độ khoa học của người Việt Nam tương đối thấp. Vì thấp hơn nên chúng ta chưa có tên gọi các bộ phận bên trong lồng ngực của con người. Và vì chưa có cho nên chúng ta mới phải vay mượn từ chữ Hán.
Điều này không những đúng đối với phần ngực mà còn đúng cả với hầu hết các bộ phận khác trong cơ thể. Sọ là từ thuần Việt nhưng cái phía bên trong sọ là tủy thì lại là từ Hán Việt. Da là từ thuần Việt nhưng gân, do chữ cân mà ra, lại là từ Hán Việt. Thịt là từ thuần Việt nhưng bộ phận nhỏ của thịt là cơ, cơ bắp thì lại là từ Hán Việt”.

Cẳng là từ thuần Việt là cái…cẳng!Cẳng thì ai chẳng nhìn thấy bằng mắt. Không nhìn thấy thì bị đá giò lái lúc nào không biết! Cẳng là chữ có vẻ bình dân hơn chữ chân, tuy hai chữ đều chỉ thị một thứ. Ông Nguyễn Hưng Quốc lôi ra tông chi họ hàng của chân : “Dưới chân thì : cẳng, giò, đùi, vế, đầu gối, khoèo (vùng phía sau đầu gối), ống quyển, bụng chân, cổ chân, bàn chân, gót chân, lòng bàn chân, gan bàn chân, ngón chân v..v… Không có từ Hán Việt nào cả ”.Nếu chia ra một cách vụn vặt thì cẳng gồm những phần như vậy. Nhưng nếu nói chân chung chung thì phải nói tới vẻ đẹp của chân. Chân đẹp phải là chân dài. Chẳng thế mà khi nói tới các cô người mẫu, người ta gọi là các em chân dài. Dài tới đâu? Người ta bảo dài tới nách! Đây chắc là lối nói thậm xưng chứ nếu thực sự dài tới nách thì chắc là các em này đi nạng. Tôi không thích những con số nhưng có những trường hợp phải tính bằng con số cho chính xác. Vậy thì chiều dài của chân các em chân dài là bao nhiêu phân? Hình như không có con số đo này. Khi nói tới một em người mẫu hay hoa hậu thì chúng ta chỉ có số đo của ba vòng được đánh số từ 1 tới 3. Chẳng có em nào chịu cho người ta đo cẳng cả! Muốn đo thì phải nhờ tới ông Guinness. Theo sách kỷ lục Guinness thì người đàn bà có cặp chân dài nhất thế giới là một người Nga tên Svetlana Pankratova. Cô dài cẳng này chơi bóng rổ tại Mỹ từ năm 1992 đến 1995. Cặp chân của cô dài tới 132 phân! Nhưng cô không phải là người cao nhất thế giới vì phần trên của thân thể cô tương đối không dài bằng chân. Cô chỉ cao 1 thước 96. Nhưng bàn chân của cô lại dài. Cô đi giầy số 13 nên hơi khó mua giầy.

Chân dài dùng để làm gì? Để chụp hình là một! Cứ nằm xoải ra cho các ông phó  nhòm tí tách bấm máy là có tiền bỏ túi. Nếu cẳng dài lại gác lên cái xe hơi hay xe mô tô thì còn ẵm thêm tiền quảng cáo. Để xoạc ra trên sàn catwalk là hai. Cẳng dài bước trên sàn nghe rung rinh cả con tim người coi. Tiền không! Tôi chỉ biết tới đây. Còn xoạc ra ở những chỗ nào khác, tôi mù tịt. À! Còn cái xoạc cẳng của nữ sĩ họ Hồ nữa. Chuyện như thế này. Nhân ngày đầu xuân, bà chúa thơ Nôm đi lễ đền Trấn Quốc. Các nho sĩ đón sẵn ở cửa đền vì biết hôm nay thế nào nàng Xuân Hương cũng tới lễ thánh. Nàng bước uyển chuyển, tươi cười nhìn thẳng, chẳng thèm nhìn ai trong khi các cặp mắt của sĩ phu như dán vào nàng. Không hiểu vì mải lo làm điệu hay vì sân đền lát gạch nhấp nhô hoặc cơn mưa xuân lất phất làm trơn bước đi mà nàng bỗng té cái đùng. Các chàng nho sĩ được xem một hoạt cảnh lý thú bật cười như phá. Nàng Xuân Hương, mặt không biến sắc, khẽ nhẹ nhàng chống tay ngồi dậy, không biết có phủi mông không, nét mặt vẫn tươi vui hồng rực. Bỗng miệng hoa lên tiếng nhả ra thơ : Giơ tay với thử trời cao thấp / Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài. Vậy là êm rơ. Thơ khẩu khí bật ra như một nhúm dẻ rách nhét vào miệng mấy anh chàng học đòi chữ nghĩa. Câm nín hết! Xoạc như vậy mới nên xoạc!

Nữ sĩ ngã khác dân lục tục té khác. Trên ghế đá một công viên, một cụ già ngồi, chiếc gậy dựng kế bên. Bỗng cụ thấy một ông còn trẻ đang đi cà nhắc với vẻ mặt đau khổ tiến tới. Thấy đồng cảnh ngộ, cụ già bắt chuyện làm quen. Cụ chỉ tay vào cái chân tật nguyền của mình, nói : Mìn bẫy của chiến tranh. Ba chục năm về trước!. Ông bạn trẻ gật đầu, tay cũng chỉ vào chiếc cẳng cà nhắc : Cứt chó. Cách đây ba chục thước!.
Con người đi bằng hai chân, dễ té. Nếu có bốn chân chắc vững hơn. Ông bạn già của tôi hứ một cái, mắng : Bốn chân thì lại ra con chó à?. Một ông khác, máu tếu đầy mình, đía vô : Ba chân thì có. Tôi chậm hiểu nên mặt ngớ ra như chú tàu nghe kèn. Ông kia mắng cả tôi lẫn ông…ba chân : Ba chân thì chỉ có nằm chứ đi đứng chi!. Tôi cũng vẫn không hiểu. Chậm hiểu quả là một cái tội. Bèn về nhà tra sách vở. Hóa ra cả hai ông đều không hiểu tới hết. Người có ba bốn chân, sách vở ghi lại thiếu giống chi.

Bà Myrtle Corbin, người Mỹ, sanh năm 1868 tại tiểu bang Texas có tới bốn chân và hai cơ quan sinh dục. Bà sống bằng nghề trưng bày thân thể cho một rạp xiếc và kiếm được tới 450 đô mỗi tuần! Dĩ nhiên bà chỉ trưng bày bốn chân thôi. Năm 19 tuổi bà kết hôn với một bác sĩ tên Clinton Bicknell. Trong đời sống vợ chồng, bà sinh hoạt như mọi người. Chỉ có ông bác sĩ là lời. Ông có quyền chọn lựa một trong hai. Cả hai đều hoạt động tốt. Bà sanh hạ được bốn trai một gái. Người ta bảo là bà sanh con thay đổi bằng cả hai…cửa tuy điều này không được ghi vào sách vở.

Cùng thời với bà Myrtle Corbin, nhưng ông Francesco Lentini được sanh ra tại đảo Sicily của Ý vào năm 1889, thua bà Myrtle 24 tuổi. Ông này cũng có bốn chân và hai cơ quan sinh dục hoàn chỉnh nhưng một chân kém phát triển nên chỉ được tính là ba chân. Cũng vững như kiềng rồi! Ông hơn bà Myrtle ở chỗ có tới 16 ngón chân. Nếu chia ra cho ba chân thì ông dư một ngón. Ba chân của ông Francesco hoạt động mạnh mẽ như nhau. Khi lên 8 tuổi, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ. Tại đây ông nổi tiếng ngay lập tức vì cái chân thứ ba. Ông có thể biểu diễn đá banh bằng cái chân này. Ông lập gia đình với một phụ nữ trẻ tên Helen và có bốn con. Hơi ít! Có tới hai cái củ lẳng mà không hơn gì thiên hạ. Ông mất năm 1966, thọ 78 tuổi.

Ngày nay còn có những người…hơn người như hai ông bà này nữa không? Vẫn có. Theo khoa học thì những trường hợp này là thai đôi nhưng một cái không phát triển đầy đủ. Những bộ phận của cái thai không phát triển dính vào cái thai phát triển. Mới đây, tại một ngôi làng hẻo lánh ở xứ Nepal, một cậu bé có tới bốn chân và bốn tay ra đời. Ở cái xứ sở mà thần linh ngự trị khắp nơi, việc sanh ra một đứa bé khác người là một sự may rủi. Bà Januk Ghimire, 32 tuổi, mẹ cậu bé kể lại : “Trong suốt thời kỳ mang thai, tôi nhìn xuống và thấy bụng của mình không bình thường và tôi rất sợ, không phải với gia đình hay với chồng con, nhưng với hàng xóm láng giềng. Họ sẽ nói gì? Tôi đã sợ rằng nếu chồng tôi không ở đó, có thể họ cho rằng tôi đã sinh ra một phù thủy và họ sẽ giết tôi”. Nhưng cậu bé Risad này có số may. Người Hindu có một vị thần voi nhiều tay tên Ganesh nên người ta cho rằng cậu là hiện thân của thần tái sinh! Nhiều ngàn người kéo tới ngôi làng hẻo lánh để chiêm ngưỡng, thờ phụng và cúng tiền, thức ăn, quần áo. Họ gọi anh Rikhi Ghimire, cha của bé Risad, là cha của vị thần. Không muốn con đóng vai thần, anh chị Rikhi mang bé tới bệnh viện để xin bác sĩ phẫu thuật cho bé thành một người tay chân bình thường. Nhưng mộng của họ không thành vì họ không có đủ số tiền tương đương với 50 ngàn đô Mỹ để chi trả. Chẳng lẽ dân chúng lại góp tiền để biến một vị thần của họ thành người! Vậy nên cho tới giờ cậu bé vẫn còn là thần nhiều chân nhiều tay.

Nhưng tại Sài Gòn không có thần linh bốn chân nên bé gái S. T. M. Nhiên được cắt bớt chân ngay khi cháu mới được một tháng rưỡi tuổi. Cháu được sanh ra ở Sóc Trăng nhưng được mang lên bệnh viện Nhi Đồng 1 ở Sài Gòn để mổ. Cháu Nhiên khi sanh ra cũng có tới bốn chân nhưng trường hợp này không phải là chân của thai song sanh không phát triển mà là một trường hợp bất thường về số lượng chi. Trong y văn chưa thấy có ghi trường hợp nào về dị tật này. Việc cắt bớt hai chân không giản dị. Bệnh viện Nhi Đồng 1 phải cầu cứu tới các chuyên gia của bệnh viện Nhân Dân 115 và các giáo sư Pháp sang hội chẩn. Ca mổ được tiến hành ngày 12 tháng 12 năm 2008 bằng phẫu thuật cột túi thoát vị, cắt bỏ hai chân dị tật phụ, tách tủy sống, may phục hồi màng cứng phía sau cho vùng thắt lưng và tạo hình lại vùng thắt lưng cho bé.

Nhiều chân kể ra cũng lôi thôi. Cứ cái gì khác người là chẳng nên. Tôi có một anh bạn học từ hồi tiểu học thường hay bị chúng tôi chọc. Mỗi bàn chân của anh có sáu ngón. Chơi bắn bi đánh đáo anh cũng di chuyển bình thường như chúng tôi nhưng đôi bàn chân nhiều ngón hơn người vẫn làm anh mang mặc cảm. Cũng may là hồi đó chúng tôi thường đi chân đất hay mang dép Nhật hoặc dép quai nên chuyện giầy dép của anh cũng không thành vấn đề. Anh còn may mắn hơn anh chàng Heramb Ashok Kumthelar ở Ấn Độ rất nhiều. Anh này có tới 14 ngón chân và 12 ngón tay. Nơi anh ở lại có mùa đông lạnh giá nên việc đi giầy và mang găng tay là điều bắt buộc. Với số ngón dư, anh khó lòng tìm được những thứ phụ tùng bắt buộc này. Nhưng anh Heramb, hiện là sinh viên của trường Đại học Pune ở phía tây Ấn Độ, là một người lạc quan. Anh đã biến cái bất thường của anh làm một điểm nổi trội hơn những người khác. Anh cho biết : Tôi rất hạnh phúc về điều bất bình thường này bởi vì tôi có những cái mà người khác không có. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì với bàn tay, bàn chân đặc biệt của mình. Khi xuất hiện trước mọi người, tôi sẽ trở nên nổi tiếng vì vẻ kỳ dị của mình . Niềm vui của anh Heramb chắc sẽ giảm đi chút xíu nếu anh biết là vào tháng 11 năm 2008 vừa qua, một bé trai có tới 16 ngón chân đã được hạ sanh tại Trung Quốc. Hơn đứt anh Heramb hai ngón! Bé này được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh polydactylism. Bé còn nhỏ nên chưa biết tự hào nhưng chắc khi lớn lên bé cũng chẳng có cơ hội tự hào vì gia đình dự định sẽ giải phẫu cắt tất cả những ngón thừa.

Em Võ Thành Ni ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, năm nay 18 tuổi, không thừa chân hay ngón chân chi cả. Em lại…tật kiểu khác. Bàn chân em lớn quá khổ và những ngón chân tõe ra như chân vịt! Giầy nào nong được chân này. Vậy mà em lại là sinh viên  ngành Cơ Điện Tử, khoa Công Nghệ của trường Đại học Cần Thơ! Đi giầy là một ước mơ không bao giờ đạt được trong đời em. Ba em phải mua dép cỡ lớn nhất, cắt quai hậu, may thêm vải mới lọt được đôi bàn chân dài 36 phân, ngang 14 phân! Nhà nghèo, ba bị bệnh hở van tim không có tiền giải phẫu, mẹ làm thuê làm mướn, em trai phải nghỉ học vì gia đình không kham nổi, em Ni cố công học giỏi để đứng vững với đời, không phải bằng đôi chân mà bằng cách dùng kiến thức làm cái cần câu cơm sau này.

Cứ kể những chuyện nhiều chân với nhiều ngón chân nghe chừng như muốn nản về cái phần phía dưới cùng của thân thể con người. Cẳng cũng có điều hấp dẫn riêng của nó chứ. Như đùi chẳng hạn. Đùi phía trong là cái phần duy nhất trong cơ thể không bao giờ già. Vì tên nó là đùi…non! Nghe đã thấy mát mẻ. Mát mẻ vì thân cận với hàng xóm của đùi, nơi có cái phần vô cùng mát mẻ. Nhà văn Đào Hiếu là người mặn với cái chỗ mát mẻ này. Có điều ông thiên vị. Ông đặt cho đùi biệt danh là vòng số bốn . Đã gọi là vòng thì chỉ có cánh phụ nữ được hưởng. Vòng từ số một đến số ba, và nay có số bốn, nếu lại kể cả vòng xoắn nữa, thì chỉ có các bà sở hữu là đúng chỉ số. Thứ đực rựa như tôi thì vòng viếc chi phiền toái. Ông Đào Hiếu ra sức biện hộ cho đùi của chị em phụ nữ hùng hổ như thế này : Cặp đùi là một “nhân vật quan trọng”, một “thiên tài” mà bấy lâu nay bị đời bỏ quên, làm như thể nó không đóng vai trò gì trong nhan sắc của nữ giới. Hãy tưởng tượng một hoa hậu có khuôn mặt đẹp và ba vòng đều đạt những con số lý tưởng nhưng lại có một cặp đùi đồ sộ hoặc khẳng khiu như hai ống sậy thì cái khuôn mặt đẹp kia, cái vòng 1,2,3 lý tưởng nọ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Một cặp đùi thô thường gây cho đàn ông cảm giác “sợ hãi”. Một cặp đùi quá gầy gợi lên vẻ thảm hại. Cho nên, dù cặp đùi xưa nay không được các vị giám khảo “kính nể” bằng ngực, eo và mông nhưng thực tế nó gần như đóng vai trò quyết định trong vẻ đẹp của phụ nữ. Nó không nổi tiếng và có vẻ “lép vế“ nhất, nhưng nó có quyền phủ quyết. Bạn có ba vòng lý tưởng hả? Mặc kệ bạn, nếu đùi bạn không thon mịn, thì coi như bỏ. Không phải vẻ đẹp của cặp đùi chỉ có ưu thế ở hồ bơi hay bãi biển mà chính trong tư thế nằm, cặp đùi mới bộc lộ đầy đủ tính “ưu việt” của nó. Khi bạn nằm, ngực và vú bạn sẽ bị ép xuống và biến dạng đi, eo cũng bị biến dạng và mông thì gần như bị che khuất. Nhưng cặp đùi thì không hề thay đổi. Nếu đùi bạn có nhược điểm thì không cách gì che giấu được, ngược lại nếu nó thon thả, mịn màng thì không có gì gợi cảm và quyến rũ bằng”.

Chẳng lẽ tôi vạch đùi mình ra để cãi. Cãi chi được. Hình như tạo hóa chỉ nên tạo ra đùi cho phụ nữ. Đùi phải là đùi…nữ thì mới có chân ngọc. Lại phải mang thơ của bà chúa thơ nôm ra mà bảo chứng:

Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không!

Cột với lỗ cho đi chỗ khác chơi. Chỉ “hai hàng chân ngọc duỗi song song” là nên ở lại. Đó là một hình ảnh đẹp não nùng. Chân ngọc tưởng chỉ là chuyện văn thơ tán dóc cho mơ màng chơi nhưng hóa ra lại có thật. Sở hữu chủ của chân ngọc thứ thiệt này là cô gái 23 tuổi người Mã Lai tên Siti. Không biết tại sao cô lại có cái tài nhả ngọc từ vết nứt dưới kẽ móng chân ra như vậy. Lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này, da dưới kẽ móng chân của Siti bị nứt ra. Ngay sau đó, từ kẽ nứt này tuôn ra một viên đá màu trắng trông giống như mã não. Lần tiếp theo là hai viên lớn như hai viên ngọc trai, một màu xanh nhạt và một màu trắng đục. Từ đó bất kể giờ phút nào, chân của Siti cũng nhả ra được những hạt ngọc ngũ sắc màu sắc rất đẹp mắt, trong vắt như thủy tinh. Mỗi lần tuôn ra khoảng năm viên. Sau đó da lành lại như thường. Thông thường trước khi nhả ngọc chừng mười phút, Siti phải trải qua một loạt những triệu chứng rất khó chịu như buồn ói, đau răng. Chán lắm! Cô nói: “Những lúc đó, tôi chỉ mong sao cho những viên ngọc chui ra lẹ lên để cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn”. Có khi cô đang ngủ, ngọc cũng chui ra. Ngọc đó từ đâu mà có, các bác sĩ bó tay dù họ đã chụp bằng tia laser hẳn hoi. Tin…ngọc được đưa lên truyền hình, nhiều người kéo tới coi hiện tượng lạ. Có người sẵn sàng mua lại ngọc với giá cao. Bệnh…ngọc của Siti là một loại bệnh vô cùng kỳ lạ, hoàn toàn không tưởng. Thường ra thì chân và ngón chân chỉ có thể phát triển xương. Nhưng xương cũng không thể rơi ra ngoài, tách rời với cơ thể được. Chịu! Các bác sĩ vẫn bó tay. Ngọc vẫn cứ khơi khơi được chân sản xuất. Đây mới đúng là chân ngọc.
Tôi làm một cuộc trưng cầu dân ý nho nhỏ với các ông bạn tôi. Câu hỏi: giữa “hai hàng chân ngọc” của nữ sĩ họ Hồ và bàn chân ứa ra ngọc của cô Siti, bạn chọn cái nào? Chẳng có ông nào trả lời dứt khoát được. Ông nào cũng ú ớ. Thế mới biết cuộc sống mang lại cho chúng ta những điều khó lựa chọn dứt khoát. Sống khó lắm! Khó là cái…cẳng!

12/2009