Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

Núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland bỗng nhiên phun mù trời khiến máy bay nằm ụ dưới đất làm hàng chục ngàn hành khách vất vưởng nơi phi trường. Tại sao núi lửa đang nằm im bỗng giở trò làm phiền nhiễu biết bao nhiêu người? Các nhà khoa học nói sao thì nói chứ tôi chẳng cần nghiên cứu cũng biết nguyên nhân tại sao. Đó là vì nó bị con người đè quá nên xì khói ra. Ai đè? Những con người dư thịt dư mỡ!

Mấy bữa nay, trên báo chí nơi tôi ở, ngày nào họ cũng la làng lên về sự sung túc của những người…nặng kí. Người la to nhất là các ông bà trong Canadian Health Measures Survey. Họ la làng vì toàn dân ta đều to ra. Nhất là lớp tuổi teen. Họ tả chân giới trẻ Canada là “nặng hơn, mập hơn và yếu hơn”. Rường cột quốc gia mà xìu xìu ển ển như vậy làm sao khá? Họ cứ căn cứ vào vòng bụng mà tính. Lớp tuổi từ 15 đến 19 có vòng bụng thuộc loại…báo động tăng lên gấp ba so với cuộc điều tra qui mô trước vào năm 1981. Như vậy là gần ba chục năm mới…càn quét một lần. Giới từ 20 tới 39 tuổi khá hơn một chút: các ông thì tăng từ 5% lên 21%, các bà thì tăng từ 6% lên 31%. Quý vị nào thắc mắc không biết mình có thuộc vào nhóm béo tốt này không thì cứ vào phòng tắm, vạch bụng ra đo. Nếu các bà đo đạc vòng bụng mà thấy con số lên hơn 87 phân, các ông hơn 101 phân thì đích thị có mặt trong nhóm “có nguy cơ cao về vấn đề sức khỏe”. Nhóm từ 40 tới 69 tuổi, các ông tăng 52%, các bà 65%, nhất là các bà trong độ tuổi sáu chịch tới sáu chín. Tính đồ đồng tất cả thì các teen boys bị nặng kí hay phì nộn tăng từ 14% năm 1981 lên 31% năm 2009, các bé gái tăng từ 14% lên 25%. Người lớn thì có tới 37% nặng kí và 24% béo phì! Tăng như vậy nên đường phố chật chội là phải. Năm nay tiền sửa đường ở Montreal tăng vọt không biết có liên quan gì tới cân kéo của toàn dân thành phố hay không.

Dân Mỹ chẳng chịu thua dân Canada. Cũng cứ mập mà tiến. Hai phần ba dân số Mỹ dư cân hoặc mập phì. Nếu tính chi li ra từng tiểu bang thì Mississipi vẫn tiếp tục giữ chức quán quân có số người phì nhiều nhất nước với tỷ lệ một phần ba. Trong 5 năm liền tiểu bang này vẫn được mang danh hiệu nặng nhất. Ba tiểu bang khác là West Virginia, Alabama và Tennessee bám theo sau với tỷ lệ 30%. Xếp hạng chót là Colorado, chỉ có 18,9% dân mập phì.

Cứ tạm coi là tại Bắc Mỹ chúng ta cứ ba trự thì có một trự dư ký. Ra đường nếu chúng ta đi theo tổ tam tam thì nhất định lòi ra một anh khổng lồ! Thấy cũng đáng ngại. Núi lửa phun có lẽ chỉ là bước đầu. Tôi sợ cả thế giới này sẽ sập mấy hồi! Lo như vậy là lo xa. Lo cho cái túi tiền của quốc gia mới là mối lo chính đáng. Bởi vì một thân thể dư kí là một mầm mống bệnh tật. Toàn những bệnh tốn bộn tiền. Tiểu đường, cholesterol, tim mạch, cao máu, đột quị, hen suyễn và một vài loại ung thư chẳng hạn. Ông Jeff Levi, Giám Đốc Điều Hành của nhóm Trust For America’s Health, đã phải la làng: “Phí tổn săn sóc sức khỏe của chúng ta đã gia tăng theo với những vòng bụng của người dân. Dịch mập phì đóng góp phần lớn trong số các lý do khiến phí tổn sức khỏe tăng vọt tại Hoa Kỳ. Làm thế nào chúng ta có thể cạnh tranh với phần còn lại của thế giới nếu nền kinh tế và nhân lực của chúng ta bị đè nặng bởi tình trạng sức khỏe xấu?”. Mập mà đè thì nền kinh tế dẹp lép là cái chắc. Tội là tội lớn chứ chẳng chơi.

Tôi lại chỉ thấy cái tội nhỏ. Đó là tội lấn ghế khi các ông bà phì đi máy bay. Ngồi trên máy bay vốn đã chẳng thoải mái chi. Ghế hẹp, chỗ để chân chật chội, hơi lớn con một chút đã vất vả khi muốn xoay trở. Mà nhúc nhích cho giãn gân giãn cốt lại là chuyện cần thiết. Bay ngắn thì năm bảy tiếng, bay đường dài thì trên chục tiếng, cứ ngổi chết trân một chỗ cần phải nhúc nhích chứ. Vậy mà nếu bữa nào trúng số con rệp ngồi cạnh một ông hay một bà to đùng là chết một cửa tứ. Ghế mình đã hẹp mà phải cưu mang thêm một đống thịt thừa của con người…bá quyền xâm lấn bên cạnh gửi qua thì cuộc đòi coi như tàn. Vậy cho nên tôi đã cười trên sự đau khổ của các hãng máy bay khi đọc được phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Canada đưa ra vào cuối tháng 11 năm 2008, theo đó thì các hãng máy bay Canada phải dành cho các người “thiếu khả năng hoạt động vì bệnh béo phì” hai ghế trên phi cơ đường bay nội địa mà chỉ được tính tiền một vé. Đó là…bình đẳng. Mỗi người chỉ phải mua một vé. Rõ ràng tôi là một người mà sao lại phải mua hai vé? Bộ tôi hai đầu bốn tay sao? Chính sách “mỗi người một vé” này đã được áp dụng từ lâu cho hành khách mập phì đi xe đò, tàu phà hay xe lửa. Quyết định này đã gây thiệt hại cho Air Canada  hơn 7 triệu đô mỗi năm. Nghe thì thấy thương tâm nhưng trong trường hợp này cũng nên ích kỷ một chút. Từ nay đi máy bay đỡ phải hồi hộp. Mà các vị trời bắt phì cũng đỡ ái ngại vì sự vượt…biên giới. Một vị phì là bà Giáo sư Linda McKay-Panos của trường Luật Calgary đã lý luận trong đơn nộp trước tòa là bà bị “bắt buộc ngồi trong một chiếc ghế làm cho bà bị đau đớn thể xác, bị xỉ nhục dưới  mắt của người ngồi ghế bên cạnh khi họ bị bất tiện bởi sự hiện diện của tôi”.

Mập khổ như vậy nên bị chỉ danh…mập là một sự hổ thẹn không ai muốn. Thế cho nên ông bác sĩ nhãn khoa Earl Sunderhaus hành nghề tại thành phố Asheville thuộc tiểu bang North Carolina mới lãnh thẹo. Ông bị một nữ bệnh nhân kiện vì tội chê bà này dư mỡ! Theo đơn kiện thì ông bác sĩ chuyên trị mắt này nhìn vào đùi bà rồi lên tiếng chê bà béo. Chữa mắt thì ăn thua chi tới mập, ông bác sĩ mắt Earl Sunderhaus chắc cũng là người lắm lời. Quả vậy, sau khi chê mập, ông bồi thêm mắng bà thân chủ là vô trách nhiệm vì không chịu tìm việc làm mà chỉ lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp! Thường thì khi có một cơ thể nặng nề, người ta di chuyển khó khăn, cử động cũng ngại ngùng nên khó làm việc chăm chỉ. Nhưng can cớ chi mà ông nhiếc móc. Chữa mắt thì nên giữ cái miệng chứ! Nhưng ông Earl, chẳng gì cũng học hành tới…bác sĩ, đâu có phải là người lục tục thường tình. Ông công nhận là ông có nói đùi của bà bệnh nhân quá to nhưng ông nhìn xuống như vậy là có lý do. Ông cho biết là ông có nói thêm là nếu bà ta không cố gắng làm giảm cân thì bệnh tiểu đường có thể làm bà ta mù mắt. Vậy chứ! Cũng liên quan tới nghề của ông là chữa mắt chứ đâu ông có nói tầm xàm! Trong bức thư biện minh gửi tới Thống Đốc tiểu bang và Ủy Ban Y Tế, ông cho rằng những lời nói của ông không vượt quá giới hạn đạo đức nghề nghiệp. Ủy ban Y Tế tiểu bang còn đang thảo luận xem ông có nói càn không?

Nói như ông bác sĩ mắt Earl thì đã ăn thua chi. Giới khoa học còn kết tội sự dư cân dư kí đã “làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu”! Nghe mà thấy tội lỗi, tội lỗi! Họ lý luận như thế này: mập thì phải ăn nhiều, ăn nhiều nên tiêu thụ nhiểu thực phẩm. Mà việc sản xuất thực phẩm là một hoạt động làm tăng lượng khí thải gây nên hiệu quả nhà kính. Nguyên việc chăn nuôi súc vật để làm thực phẩm đã gây ra tới 20% tổng lượng khí thải có hại cho trái đất. Tiến sĩ Phil Edwards, chuyên gia về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng tại Đại Học London bên Anh đã ngôn: “Người dân trên khắp thế giới ngày càng trở nên mập hơn. So với 10 năm trước, thực phẩm hiện nay có hàm lượng chất béo cao hơn…Việc ăn ít hơn không chỉ giúp người béo phì có sức khỏe tốt hơn mà còn làm giảm đáng kể các khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.

Cơ thể đã bề bộn thì phải đòi hỏi tiêu thụ một lượng thức ăn nhiều hơn người khác là chuyện không có chi phải bàn. Đúng với tự nhiên. Như vậy các cụ xưa đã sai khi quả quyết “ gầy là thầy cơm” sao? Tôi nghĩ là không. Các cụ chỉ nói tới cơm. Chuyện ngày nay là chuyện thịt. Làm sao cho các người phì nhiêu ăn ít đi là chuyện người ta đang bận tâm. Nghe ra không phải dễ. Mấy ông bà bạn tôi, những người có da có thịt, đã từng hạ quyết tâm ăn ít, nhưng hầu như họ chỉ hô khẩu hiệu. Chuyện thực hành e rằng quá khó. Khó lắm. Nhịn một chút là cơ thể phản đối, người cứ rũ ra chẳng muốn nhúc nhích chân tay. Bảo tự nguyện bóp mồm bóp miệng coi bộ thiên nan vạn nan. Thôi thì đành nhờ tới các thần hộ mệnh.

Bà Marion Corns, người Anh, 35 tuổi, thì nhờ tới thôi miên. Bà qua Marbella ở Tây Ban Nha để nhờ một chuyên gia thôi miên của phòng khám Elite điều trị với giá 780 bảng Anh. Bà được đưa vào một căn phòng mà họ nói với bà là một phòng bệnh viện. Bà ngửi thấy mùi bệnh viện thật. Có chi khó đâu. Họ bơm cái mùi đặc trưng của bệnh viện vô phòng. Xong họ cho bà ngủ và thuyết phục bà tin là bà đã được cắt bớt dạ dày. Bà nhớ lại: “Thậm chí tôi có thể nhớ mình đã nằm trên xe đẩy vào phòng mổ, nghe được cả tiếng lách cách của dao kéo và ngửi thấy mùi của thuốc gây mê”. Tất cả đều là ảo. Nhưng cái cảm giác dạ dày của bà bị thắt nhỏ lại là thiệt. Bà chỉ ăn chút xíu đã thấy no ứ. Kết quả là mỗi tuần bà giảm được khoảng 1,3 kí. Sau 4 tháng điều trị bằng thôi miên, bà giảm được 25 kí tất cả. Được quá đi chứ! Giả mà kết quả thật!

Mùi vị cũng là một thứ có thể đánh lừa dạ dày của chúng ta. Có những mùi làm cho người ta cảm thấy đói nhưng cũng có những mùi làm người ta cảm thấy no. Các chuyên gia về thực phẩm tương kế tựu kế lợi dụng những mùi vị gây cảm giác no để làm thuốc chống béo phì. Khi người ta cảm thấy no thì không muốn ăn uống nữa. Những mùi liên hệ đến mỡ, carbonhydrate hay chất đạm protein làm cho người ta cảm thấy no. Hoặc các mùi vị kết hợp của nhiều mùi vị khác nhau cũng làm người ta tưởng mình no vì đang được ăn nhiều món khác nhau. Ăn từng miếng nhỏ kéo dài thời gian ảnh hưởng của mùi vị thức ăn cũng làm người ta thấy no hơn. Hoặc khi nhai đồ ăn, mùi bốc ra từ miệng lên đến phía sau mũi giúp giảm bớt cảm giác đói. Vì vậy nên thức ăn cứng làm người ta phải nhai kỹ rồi mớí nuốt tạo ra mùi thơm lâu hơn làm cho người ta có cảm giác no lâu hơn ăn chất lỏng. Các nhà khoa học thực phẩm tại trung tâm nghiên cứu Nizo Food Research ở Ede, Hòa Lan, đã dựa vào những khám phá mang tính chất lừa dối dạ dày con người để tạo ra những loại thực phẩm tiết ra những mùi làm cho người ta cảm thấy no, do đó giảm thiểu tình trạng ăn quá nhiều dẫn tới mập phì.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Toronto, Pittsburgh và Chicago còn đi xa hơn nữa. Họ tìm ra là chứng ăn nhiều do óc điều khiển. Muốn chữa trị thì nên can thiệp vào ngay chính cái tổ con chuồn chuồn. Họ làm thí nghiệm trên chuột trước và thấy có kết quả nên năm ngoái họ mới áp dụng cho người đầu tiên ở Toronto. Trước hết, vùng da đầu được gây tê trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo như thường. Sau đó đục một cái lỗ nhỏ trên xương sọ và đưa điện cực có đường kính nhỏ cỡ một sợi spaghetti chưa luộc chín vào vùng hypothalamus của não. Những sợi dây nhỏ li ti được luồn vào dưới da đằng sau tai nối với một máy tương tự như máy điều hòa nhịp đập được đặt tại phía dưới xương quai xanh. Bệnh nhân đầu tiên tại Toronto, theo diễn tả của Bác sĩ Andres Lozano của Đại học Toronto thì “ có một vài ảnh hưởng tới sự ăn uống của bệnh nhân” nhưng ông này cứ nằng nặc đòi tắt máy vì ông bị khó ngủ và vì ông muốn ăn lại! Chán ông này quá sức! Bây giờ người ta đang theo dõi kết quả của hai tình nguyện viên khác ở Pittsburgh.

Treo cái miệng quả là khó khăn nhưng cô cháu con bà bạn tôi quả là một cô gái có chí khí. Cô đưa cho tôi coi bức hình cô chụp khi còn đang màu mỡ. Chúa ôi! Thân hình cô có thể thi đua với bất cứ một bức hình thuộc loại phì nào trên báo. Tôi chú ý nhìn vào khuôn mặt. Tuy có bề bộn nhưng rõ ràng có nét của cô cháu này. Sự nghi ngờ của tôi không còn đất đứng. Đích thị đây là cô gái trong hình. Tôi nhìn cô. Một thân hình gọn gàng, cao ráo, trông rất vừa mắt. “Cháu làm sao mà có thể làm ốm được như vậy?”. Cô cười trả lời: “Một bữa, soi mình trong gương, cháu thấy đời mình như vậy là…tàn! Lúc đó cháu mới hơn hai chục tuổi, đời còn dài, nghĩ trong đầu: không thể như vậy được!”. Vậy là quyết tâm ăn kiêng, cân nhắc từng miếng ăn bỏ vào miệng, rồi tập thể dục. “Quyết làm là được, chú ơi!”. Nói nghe dễ ẹc nhưng tôi biết cô cháu tôi phải quyết tâm như thế nào mới có đưọc cái kết quả đẹp đẽ như vậy. Tôi khen bằng câu nói: “Cháu có thể chụp một tấm hình bây giờ rồi cho đăng báo theo kiểu “before & after” được đấy. Từ trước đến giờ chú chưa bao giờ tin những cái quảng cáo kiểu before & after này, nhưng với riêng cháu, chú phải tin!”.

Ăn nhiều và ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo làm cho người ta mập phì. Hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng các nhà nghiên cứu của Đại Học McGill ở Montreal lại tìm ra chuyện khác. Mập phì là…số trời! Nói cho vui vậy thôi chứ các nhà khoa học nghiêm chỉnh hơn tôi nhiều. Họ bảo có những người mập là do DNA của họ thiếu 30 genes. Nếu tính trong cơ thể con người có tới 30 ngàn genes thì 30 genes thiếu có thấm thía chi. Nhưng những gene thiếu này lại là những gene dính líu tới chuyện…dư kí. Số người bị nạn thiếu gene này chiếm khoảng 7 phần ngàn người béo phì loại king  queen. Nghe tính theo phần ngàn coi bộ nhỏ nhưng tính ra con số thì nguyên ở thành phố Montreal của tôi cũng lên tới hàng ngàn người. Đối với những người mập phì theo…định mệnh này thì dù họ có ăn ít hay ăn kiêng tới đâu, tập thể dục nhiều tới đâu thì phì vẫn hoàn phì! Số trời!

Tôi nghi sẽ có những ông bà phì lười biếng dám tự liệt mình vào loại phì này quá. Đó là cách giơ tay đầu hàng sự phì nộn của cơ thể một cách có chính nghĩa nhất. Đỡ cực nhọc. Đỡ bóp mồm bóp miệng. Bởi vì làm cho thân hình teo lại khó muốn chết. Phải trầy vi tróc vẩy trong bao nhiêu năm trời như cô cháu tôi mới đạt được.

Ai cũng muốn cái thân hình ô dề được rũ bớt mỡ màng để thon gọn. Vậy mà có người muốn lội ngược dòng nước. Đó là chị Donn Simpson ở Mỹ. Chị năm nay 42 tuổi nhưng đã có sức nặng đáng kể là 273 kí. Người ta muốn ốm bớt đi nhưng chị đang cố phì thêm. Mục tiêu của chị là trong hai năm nữa sẽ cân nặng 450 kí. Để làm chi vậy? Để được mang danh hiệu người phụ nữ mập nhất thế giới! Sao danh vọng lại nặng nề đến vậy? Thực ra vào năm 2007, chị đã có…danh rồi. Đó là danh hiệu bà mẹ mập nhất thế giới khi chị vào nhà hộ sanh để cho ra đời một bé gái. Lúc đó chị chỉ nặng sơ sơ 241 kí. Làm sao để có thể nặng thêm gần 200 kí nữa? Chị Donna cũng công nhận là khó vì bây giờ chị phải nuôi con, tốn calorie lắm! Chương trình của chị là ăn nhiều bacon, cố đi lại càng ít càng tốt, ăn những thứ khoái khẩu như bánh ngọt hay sushi. Chị rất thích món ăn Nhật Bổn này. Mỗi lần ăn phải đớp 70 miếng sushi lớn. Chị phải ăn làm sao để có được 12 ngàn calories mỗi ngày, nghĩa là gấp sáu lần so với tiêu chuẩn của phụ nữ. Ăn nhiều dĩ nhiên phải tốn nhiều. Mỗi tuần chị Donna đã phải chi ra 815 đô riêng cho thực phẩm! Anh chồng Philippe 49 tuổi của chị đã không sợ tốn tiền thì chớ lại còn khuyến khích chị cố ăn cho đạt được mục tiêu để bê cái danh mập nhất thế giới! Chị Donna hãnh diện: “Tôi nghĩ anh ấy thích nếu tôi mập mạp hơn. Anh ấy thực là người tốt bụng”. Hiện giờ chị Donna chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn.

Tôi e rằng một ngày nào đó chị phải di chuyển bằng xe…tăng! Và tôi cũng ngại cho cô con gái đã cho chị đạt được danh hiệu người mẹ béo nhất thế giới. Bởi vì béo cũng có dòng. Đại học Peninsula ở Plymouth đã làm một cuộc nghiên cứu trên 226 gia đình và đã tìm ra mối liên hệ mạnh mẽ giữa tình trạng béo phì của mẹ và con gái. Nếu bà mẹ phì thì con gái có khả năng phì theo mẹ lớn gấp 10 lần những cô gái có mẹ không phì. Nhưng con trai thì không hề hấn chi. Nếu bố phì thì con trai mới phì theo nhưng tỷ lệ này ít hơn, chỉ có 6 lần. Theo người cầm đầu cuộc nghiên cứu này, Giáo sư Terry Wilkin, thì rất ít khả năng gene có ảnh hưởng ở đây. Nguyên nhân chính có thể là do vài dạng “đồng cảm hành vi”, nghĩa là con gái bắt chước lối sống của mẹ.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ lại thời chúng tôi tập tễnh muốn vợ. Hồi đó, chúng tôi có một lối nhìn vào tương lai bằng cách nhìn vào bà mẹ của cô nàng chúng tôi đang tán tỉnh. Tương lai của người thiếu nữ nằm nơi bà già của nàng. Nếu thấy bà mẹ vợ tương lai dư mỡ thì sau này cô vợ nhiều phần cũng y chang như vậy. Đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này tới nay, khi nhìn vào những bà vợ của bè bạn hồi nẳm, đã được kiểm chứng đàng hoàng. Bà già xưa ra sao, bà xã nay ra vậy! Nay kinh nghiệm xưa của chúng tôi lại được…gia cố bằng nghiên cứu của các nhà khoa học thì…trăm phần trăm là cái chắc. Này các cậu trai trẻ, hãy học tập chúng tôi mà định hình tương lai nhé!

04/2010