Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

GIỎI

Cứ mỗi lần tới tham dự một buổi phát thưởng cho các sinh viên Việt Nam xuất sắc, tôi thường cảm thấy yêu đời thêm một chút. Chủ Nhật vừa qua, ngày 15 tháng 11, tới tham dự buổi lễ phát giải thưởng cho các em sinh viên xuất sắc do Quỹ Học Bổng Thời Báo tổ chức, tôi lại thấy lâng lâng một niềm hãnh diện. Con em Việt Nam chúng ta có nhiều em giỏi thiệt. Con rồng cháu tiên có khác! Rồng tiên là những hình tượng xa vời nằm đâu đó tuốt trong huyền thoại, còn những thành tích học tập xuất sắc của các em sinh viên con cháu chúng ta thì hiển nhiên rõ ràng, được đo bằng những con số cụ thể. Đó là những điểm tối đa 4 trên 4 hay 100 trên 100! Những con số tròn trĩnh, toàn bích đó nói lên sự trì chí, thông minh, nhẫn nại và chuyên cần của lớp trẻ. Nói như vậy hình như tạo ra một hình ảnh của những cái đầu chỉ biết vùi mình vào sách vở. Không phải vậy. Các em còn là những tay đàn rất tới. Vừa nghe tuyên dương thành tích học tập xong khán giả lại được nghe tiếng đàn dương cầm của các em trong những bản nhạc cổ điển Tây phương khá nhuần nhuyễn và đầy nghệ thuật. Các em có một bộ óc và một trái tim, cái nào cũng lớn hơn người khác. Nhưng giỏi nhất là các em đã nói thông thạo tiếng Việt. Và có em còn soạn những bài viết và đọc không ngọng nghịu tiếng Việt. Có em còn là cô giáo dạy tiếng Việt nữa. Các em đó là Đỗ Bảo Anh, Nguyễn Mỹ Vân Julie và Nguyễn Minh Châu Linda của Đại Học McGill, Tạ Kim của College Marianopolis, Nguyễn Thị Trúc Khánh và Nguyễn Kim Duyên của trường Polytechnique, Đại Học Montreal, Hồ Tường Vân của Đại Học Sherbrooke.

Ngay bên cạnh tôi cũng có một cô sinh viên y khoa xuất sắc. Tuy cô bé này không muốn tôi nhắc tới vì tính khiêm tốn cố hữu nhưng tôi thấy cần phải khoe với mọi người cô cháu của tôi. Đó là cô Nguyễn Thế Thanh Diễm, con gái rượu của ông bạn nhà thơ Lưu Nguyễn. Học giỏi ngay từ nhỏ tuy không phải học…gạo. Cô cháu Thanh Diễm có trí nhớ rất đặc biệt cộng thêm một bộ óc thông minh hiếm có nên ngồi học thì ít mà kết quả thì nhiều. Không vậy thì làm sao cô bé này còn có thời giờ ngồi viết truyện tung lên net cho mọi nguời coi? Đúng năm thứ nhất của thiên niên kỷ mới, cháu Thanh Diễm nhập học trường Y Khoa của Đại Học Montreal.  Năm năm sau, năm 2005, cháu tốt nghiệp MD. Học tiếp chuyên ngành nhi khoa, cháu Thanh Diễm vào nội trú tại bệnh viện Nhi Đồng Sainte Justine, và tốt nghiệp ba năm sau đó. Tưởng con đường học vấn đã xong, có thể xoa tay hưởng…thái bình. Nhưng không, cháu tiếp tục học chuyên ngành phổi trẻ em và dự định sẽ hoàn tất vào năm tới, 2010. Chưa yên chân này, cháu Thanh Diễm đã vội bước chân khác. Cháu đang tìm đường học thêm hậu chuyên khoa về phổi. Năm trường Đại Học đã nhận cháu gồm Cambridge ở Luân Đôn, Harvard ở Boston, các Đại Học Seattle, Toronto và New York. Cháu đã từ chối trường Harvard, lưỡng lự trước những trường khác nhưng sắp sang Luân Đôn để tìm hiểu và có lẽ sẽ nhận vào trường Cambridge vì nơi đây có một giáo sư xuất sắc vào hạng nhất trên thế giới về chuyên khoa phổi. Bà giáo sư này mới chỉ nhận một môn sinh từ Toronto trước đây, cháu là người Canada thứ hai và là người thứ nhất tại tỉnh bang Québec được bà thu nhận làm đệ tử.

Nhìn gần quanh mình, tôi đã thấy người Việt có thể ngẩng cao đầu với thế giới. Nhìn xa hơn một chút, cũng vậy! Mùa thu này, một người trẻ Việt Nam sẽ cùng một trăm nhà nghiên cứu trẻ nhận được giải thưởng mang tên Giải Thưởng Tổng Thống Dành Cho Các Khoa Học Gia và Kỹ Sư Khởi Đầu Sự Nghiệp (Presidential Early Career Awards for Scientists and Engineers) trong một buổi lễ long trọng tại thủ đô Hoa Thịnh  Đốn. Người trẻ gốc Việt sẽ lên bục danh dự để nhận giải là Giáo Sư Tiến Sĩ Vicky Thảo D. Nguyễn, hiện giảng dạy tại phân khoa Kỹ Thuật Cơ Khí thuộc Đại Học John Hopkins. Giáo sư trẻ Thảo Nguyễn đã tốt nghiệp Cử Nhân tại Viện Kỹ Thuật MIT, Cao Học và Tiến Sĩ tại Đại Học Stanford, chuyên nghiên cứu về cơ khí sinh học (biomechanics) như độ bền và độ dẻo của các loại nhựa polymer, sự phát triển và hình thành của những tế bào sinh học cũng như sự tái tạo các mô. Giải thưởng cao quí này được Tổng Thống Bill Clinton thành lập năm 1996. Người nhận giải sẽ được chính phủ trợ cấp cho một công trình nghiên cứu trong vòng 5 năm về một đề tài nằm trong những mục tiêu chính sách.

Trong buổi lễ phát giải thưởng học bổng Thời Báo tại Montreal, một em đại diện các em được giải đã phát biểu bằng tiếng Việt lòng biết ơn tới các bậc cha mẹ đã khuyến khích và nâng đỡ các em tới những kết quả rực rỡ trong đời sinh viên của các em. Gia đình là yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của một người trẻ. Tôi đã thấy những bậc mẹ cha hy sinh tất cả cho việc học của con cái, từ tinh thần tới vật chất. Gia đình, nhất là người mẹ là cái nôi êm ái tạo nên sự thành công của con người. Đâu cũng vậy. Bên ta cũng như bên tàu. Tấm lòng của người mẹ lấy chi mà lường được. Chỉ với tấm lòng, một người mẹ quê mùa đã đẩy đứa con trai từ một làng quê Trung Quốc thành một Tiến Sĩ của Đại Học Harvard!

Người mẹ đó tên Lý Diệm Hà và cậu Tiến Sĩ  tên An Kim Bằng. Bà chỉ nói với con một câu: “Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này thì những trường Đại Học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đậu!” Nghèo như thế  nào? Cậu Tiến Sĩ An Kim Bằng kể lại bước đầu lên thủ đô Bắc Kinh học Đại Học. “Ngày 5 tháng 9 năm 1997, ngày tôi rời gia đình đi nhập học khoa Toán trường Đại Học Bắc Kinh. Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát của gia đình tôi. Người mẹ chân tập tễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những sợi mì này có được do mẹ đổi 5 cái hột gà cho hàng xóm. Chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ nhận đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân. Bưng bát mì, mắt tôi trào lệ. Buông đũa, tôi quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân mẹ sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao, tôi chẳng biết nói gì…Nhà tôi vô cùng nghèo khó ở làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, thành phố Thiên Tân”.

Để có được ngày lên Bắc Kinh nhập trường đại học, cậu An Kim Bằng đã trải qua một tuổi thơ gắn liền với phận nghèo. Bảy tuổi, bắt đầu đi học, chẳng được như cậu bé trong bài văn bất hủ “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh, Kim Bằng đã phải đi nhặt những mẩu bút chì người ta vứt đi, ngắn cũng cỡn, rồi cột vào một cái que làm bút viết, dùng sợi dây thung cột quanh làm tẩy. Không phải chỉ tẩy những chữ viết sai mà tẩy sạch hết cuốn tập đã dùng cho trắng rồi dùng lại cho những bài kế tiếp. Bà mẹ đã có những lúc phải nuốt nước mắt đi vay vài hào để mua vở và viết cho cậu trai hiếu học. Kim Bằng đã đứng đầu trong suốt thời kỳ học tiểu học với điểm toán luôn luôn đạt điểm tối đa 100/100. Cậu chuyên môn học trước các bạn đồng lớp. Trước khi nhập học tiểu học cậu đã biết cộng trừ nhân chia. Lại còn biết cả phân số và tính số phần trăm. Khi còn ngồi ở tiểu học đã tự học chương trình toán lý hóa bậc trung học nên được đặc cách nhập học trường trung học danh tiếng nhất ở Thiên Tân. Vui mừng chạy như bay về báo tin cho mẹ thì cảnh nhà tang tóc. “Bà nội vừa mất được nửa năm, ông nội đang cận kề thế giới bên kia, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn 10 ngàn Nhân dân tệ. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt chan hòa suốt cả ngày. Đến tối, tôi nghe thấy nhà ngoài có tiếng cãi cọ. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán lấy tiền cho tôi nhập học, nhưng bố tôi không chịu. Ồn ào làm ông nội tôi nghe thấy. Bệnh nặng, trong lúc buồn bã, ông đã lìa đời. Sau tang lễ ông nội tôi, gia đình tôi lại mắc thêm vài ngàn tệ nợ nần…Không dám nhắc đến chuyện đi học nữa, tôi cất tờ giấy báo nhập học thật kỹ vào trong gối, hàng ngày ra đồng làm việc cùng mẹ. Sau hai hôm, tôi và bố cùng lúc nhận ra: con lừa con biến mất rồi! Bố sắt mặt lại hỏi mẹ: “Bà bán con lừa con rồi hay sao? Bà có bị dở hơi không vậy? Sau này lấy gì mà kéo xe? Lương thực , hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé! Bà bán con lừa một hai trăm bạc liệu đủ cho nó học được một hay hai học kỳ?” Hôm đó mẹ đã gào khóc bằng một giọng rất dữ dội để át lại bố: “Con mình đòi đi học thì có gì sai? Nó là đứa duy nhất huyện này được nhập học trường số một của thành phố, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được! Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác để cho con tôi đi học!”.

Khi anh lên tỉnh học thì bố ở nhà bị ung thư ruột, không có tiền uống thuốc. Bác sĩ bắt mổ, bà mẹ định đi vay tiền để chữa trị cho bố cậu Kim Bằng nhưng bố cậu không cho. Họ hàng, xóm giềng đã vay cùng khắp, vay mà không trả thì vay chi được nữa! Bà mẹ một mình vất vả việc đồng áng. Lui cui một mình, không tiền thuê người giúp, bà gặt dần từng góc lúa trên ruộng, dùng xe cải tiến mang về , đêm đêm dùng hai tay tuốt lúa. Mệt đến mức không đứng dậy nổi phải quỳ mà làm. Hai đầu gối toét ra chảy máu, bước đi cà nhắc. Nghe tình trạng tệ hại ở nhà, cậu Kim Bằng về quỳ dưới chân mẹ xin thôi học. Bà vẫn kiên quyết bắt cậu đi học với số tiền  chu cấp mỗi tháng vỏn vẹn có từ 60 đến 80 tệ trong khi nhu cầu của một sinh viên ít ra phải khoảng 200 tệ! Mỗi cuối tháng bà mẹ cõng một túi nặng lên Thiên Tân nuôi con. Cái túi chứa những gói mì ăn liền mà bà đã lội bộ cả chục cây số để mua được với giá bán sỉ, những xấp giấy đã in một mặt bà đã lê bước cả sáu bẩy cây số để xin tại một nhà in cho con làm giấy nháp, một chai tương cay bự, cải bẹ muối và cái tông đơ để tự cắt tóc.

Học tiếng Anh là một cực hình với Kim Bằng. Cậu có tật nói lắp nên khó phát âm. Để chữa tật này, Kim Bằng phải ngậm một hòn sỏi khi luyện giọng. Sau nửa năm, hòn sỏi đã bị mài tròn và cậu đã đứng thứ ba trong lớp về môn ngoại ngữ này. Đó cũng nhờ mẹ. Khi cậu than khó, bà mẹ nói với cậu: “Mẹ vẫn biết con là đứa trẻ khổ cực nhất, nhưng mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chẳng còn gì khó nữa con trai ạ!”.

Năm 1997, Kim Bằng đoạt giải nhất môn toán toàn Trung Hoa và được cử đi Argentina thi toán quốc tế. “Tôi gói ghém sách vở cần chuẩn bị và chai tương đậu cay của mẹ, sẵn sàng lên đường. Giáo viên chủ nhiệm và cũng là thầy dạy môn toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo cũ của người khác cho, những thứ áo quần lộc cộc màu sắc, kích cỡ lủng củng, liền mở tủ áo của tôi, chỉ vào những áo quần lùng nhùng vá víu và hỏi: ‘Quần áo của con thế này đây ư, Kim Bằng?’. Tôi đáp: ‘Thầy ơi, con không sợ người khác cười con nghèo vì mẹ con vẫn bảo ‘phúc hữu thi thư khí tự hoa’ (trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa). Con mặc những thứ này gặp Tổng Thống Mỹ Bill Clinton cũng chẳng thấy ngượng!’”. Cậu bé…rách rưới đó đã đoạt huy chương vàng trong kỳ thi toán quốc tế. Trở về nước, cậu vội về quê. Mười giờ đêm, cậu tới trước cửa nhà. Người mở cửa là ông bố nhưng người ôm chặt cậu là bà mẹ. “Dưới bầu trời đầy sao, mẹ đã ôm tôi rất chặt! Ôi mẹ của con mới vĩ đại làm sao, thân thiết biết nhường nào! Lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, tôi khóc nhẹ nhõm và hạnh phúc.” Trong lễ tuyên dương, người mẹ có một không hai của cậu thủ khoa toán quốc tế đã được ngồi trên bàn danh dự để nghe con phát biểu: “ Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ người mẹ đã sinh ra và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người nông dân bình dị nhưng  những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã nâng bước tôi suốt cả cuộc đời”. Cuộc đời cuối cùng đã tạo nên một ông Tiến sĩ của một trong những trường Đại Học danh tiếng nhất nước Mỹ!

Có chí thì nên, ngay từ những ngày còn mài đũng quần nơi trường tiểu học chúng ta đã được dậy như vậy. Nghe ra thì dễ nhưng làm theo thì khó biết chừng nào. Không biết trong những người cùng lứa tuổi với tôi có ai còn nhớ được bài học đơn giản ngày đó. “Ông Châu Trí lúc bé thông minh và chăm học lắm. Năm mới lên mười hai tuổi, đã biết làm văn, nhiều người đều khen ngợi. Song nhà nghèo, ông vẫn phải đến ở nhờ tại chùa Long Tuyền . Không có tiền mua dầu thắp đèn, ông phải đi quét lá đa, tối đến đốt lửa lên mà học. Ông học đến năm mười sáu tuổi đã đỗ giải nguyên. Thiên hạ rủ nhau đến mừng và tặng ông một bài thơ: Một anh trò kiết chùa Long Tuyền / Ai ngờ nay lại đỗ giải nguyên /  Ở đời chẳng có việc gì khó / Người ta lập chí phải nên kiên!” Ngày đó lũ học trò chúng tôi xem ra rất bê bối. Đã chẳng nghe lời thánh hiền thì thôi, lại còn bẻ cong chữ nghĩa. “Có chí thì nên”bị chúng tôi mang ra giễu là “có chí thì…ngứa”! Cũng may là cái máu…cà khịa với trường ốc này mau phai nhạt. Chứ không thì đã lúa cuộc đời. Cuộc đời chỉ dành cho những người có chí. Chàng trai Trương Văn Dương đáng được coi là người có chí. Nhà nghèo, Dương đạp xe 100 cây số từ Cai Lậy, Tiền Giang lên Sài Gòn dự thi nhập học trường Cao Đẳng Sư Phạm với hành trang vỏn vẹn có một chai nước và 5 đòn bánh tét để ăn trong 4 ngày dự thi ở Sài Gòn. Không kiếm được chỗ trọ qua đêm vì giá quá đắt, em Dương đành nằm ngủ ngay tại đầu con hẻm số 438 đường Ngô Gia Tự, quận 10. Người phát hiện ra cậu thí sinh ngủ đường này là anh Phạm Ngọc Đáng, ngụ tại hẻm này. “Lúc đó, nhìn bộ quần áo nhem nhuốc, hành lý lỉnh kỉnh, nằm vạ vật ở góc hẻm, tôi không nghĩ đó là một thí sinh. Bộ quần áo đầy bùn đất, đôi giầy vải rách mũi, chiếc xe đạp được cột chặt vào chân để khỏi mất. Khi nhìn tờ giấy báo thi được gói chung với mấy đòn bánh tét và chai nước, thú thật tôi muốn trào nước mắt”. Anh Đáng bèn đưa cậu thí sinh…bụi đời này về cho trọ miễn phí trong nhà tuy nhà anh rất chật chội. Chỉ vẻn vẹn có 20 thước vuông cho hai vợ chồng anh Đáng và ba con nhỏ còn đi học. Nhiều nhà hảo tâm đã tặng cho cậu học trò hiếu học này tiền bạc, áo quần và cả một chiếc xe đạp. Đó là cả một tài sản của cậu sinh viên nghèo rớt mùng tơi này. Dưới quê, nơi ấp Hội Nghĩa, xã Hội An, nhà cậu là một căn nhà lợp lá dột lung tung mỗi khi mưa. Vậy mà đó là nơi “an cư” cho sáu người. Cả nhà phải làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm nấy. Mùa này là mùa nhãn nên cả nhà bóc nhãn thuê với giá 3 ngàn đồng một kí. Cả nhà kiếm được khoảng 30 ngàn một ngày. Em Dương là người có chí, rất ham học và miệt mài sách vở trong những lúc rỗi rảnh. Cô giáo Trương Thị Kim Phượng, giáo viên môn tiếng Anh của Dương, kể về cái nghèo và cái chí của Dương: “Đầu năm tôi yêu cầu các em mua kẹp giấy để ghim tài liệu. Đến khi cầm xấp tài liệu của Dương, tôi thấy em dùng cơm nguội dán từng tờ giấy vào nhau. Hỏi sao không mua kẹp giấy, cậu học trò đáp: “Vậy cũng được cô à”. Từ đó tôi biết nhà Dương nghèo lắm. Dương thu mình trong mặc cảm, hình như điều đó cũng ảnh hưởng tới việc học của em. Em không phải là một học sinh giỏi nhưng là một học sinh chăm chỉ, tự trọng và nỗ lực. Ngày Nhà Giáo Việt Nam, Dương bứt một bó cỏ may vào lớp. Tôi hỏi chi vậy? Dương bảo tặng cô. Tôi quý những món quà như vậy... Tôi bàn với lớp trưởng nên tổ chức cho các bạn trong lớp làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học cho Dương sau khi tham khảo ý Dương. Tôi đưa tiền nhờ một bạn chở Dương đi mua hồ sơ, đăng ký dự thi và chụp hình làm hồ sơ. Các bạn trong lớp bàn với nhau rồi tư vấn Dương ngoài Đại học nên thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm để không phải đóng học phí. Dương đồng ý. Hôm sau, Dương đứng tần ngần chờ tôi trước cổng trường. Tôi hỏi có chuyện gì? Dương bảo cho em gửi trả lại tiền cho cô. Tôi thấy bên ngoài ló ra tờ 50.000 đồng, bèn nói: Nhiều lắm, vài trăm ngàn sao em trả hết? Dương bảo cô cho em trả từ từ, mai mốt em trả tiếp”.

Tôi tin rằng, em Trương Văn Dương học không giỏi nhưng với ý chí phi thường em sẽ thành công. Tôi thấy tiếc cho em. Phải chi em được như các bạn trẻ sinh viên trong buổi lễ phát giải thưởng mà tôi vừa tham dự thì con đường học vấn của em chắc sẽ không phải thập phần vất vả. Các em sinh viên quanh tôi tươi tắn như những bông hoa mới nở trong vòng tay của mẹ cha, của ông bà, của bạn bè và của cộng đồng trong ngày vui ghi dấu những thành công của cuộc đời trường lớp. Các em là những sinh viên giỏi xuất sắc. Nhưng, tôi nghĩ em Dương cũng là một người giỏi, giỏi theo cách của em: vượt mọi khó khăn để cố gắng theo đuổi con đường tiếp nhận tri thức.

11/ 2009