Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

FRED

Tôi có tật mỗi sáng, khi vừa thức dậy, mang tờ báo hàng ngày mới đưa tới cửa, vào phòng vệ sinh để…nghiên cứu. Đọc báo trong phòng nhỏ nhưng quan trọng số một trong nhà là một cái thú tiết kiệm thời gian. Một lúc mà làm được hai công việc. Bởi vậy nên mới thong thả ngâm nga đi ta bà thế giới tóm gọn được tất cả những biến cố trên quả địa cầu trong vài chục trang báo. Chuyện quan trọng ầm ĩ đã đành, chuyện tủn mủn cũng vui. Như mới đây, tại Montreal của tôi xảy ra một vụ băng đảng thanh toán nhau. Nạn nhân là con trai trưởng của ông trùm Mafia ở Montreal mang tên Nicolo Rizzuto. Chính ông trùm Vito Rizzuto thì còn đang thụ án tù tại Colorado bên Mỹ. Tang lễ của anh này được báo The Gazette Montreal chạy hàng tít dài suốt bề ngang trang nhất. Độc giả phản ứng liền. Bộ tên con trùm Mafia này là chiến sĩ vị quốc vong thân hay anh hùng dân tộc chi mà tâng bốc dữ vậy?

Nhưng với Fred thì cũng tờ The Gazette đi tới ba bài báo dài trong ba kỳ báo mà chẳng sao. Fred là ai vậy? Đó là một chú chó 7 tuổi thuộc giống Kugsha. Chú có là anh hùng…trinh thám chi chăng? Không, chú là một chú chó vô danh, do một anh chàng thất nghiệp ở bờ ở bụi nuôi. Anh chàng này tên Cyril Roy, 58 tuổi, cư dân Montreal nhưng đi lang bạt kỳ hồ sang tới tuốt bên miền Tây, sống trong một cái trailer ở Nainamo thuộc tỉnh bang British Colombia với chú chó Fred. Cyril Roy mắc bệnh tiểu đường và chết cô đơn chẳng ai biết vì tim ngừng đập vào ngày 27 tháng 11 vừa qua. Khi phát hiện được xác chết của Cyril ba ngày sau thì chỉ có chú chó Fred vẫn nằm bên cạnh cái xác của chủ. Thế là chú nổi tiếng. Lúc đó thân nhân của chàng Cyril Roy ở Beaconsfield, gần Montreal, mới tưởng nhớ người thân bằng cách mong muốn đưa được chú chó trung thành Fred về với gia đình. Đó là tất cả những gì mà Cyril để lại. Ngặt một cái là họ không đủ tiền để trang trải phí tổn đi đón Fred về. Vậy là hai chị hàng xóm bèn ra tay. Họ mua vé máy bay đi Nainamo để mang Fred về với gia đình. Fred là một chú chó to con, cao tới một thước và nặng tới 40 kí nên không thể dắt lên máy bay được. Nếu gửi như gửi hàng hóa thì kể từ ngày 15 tháng 12 hàng năm, các hãng máy bay không nhận gửi súc vật nữa vì khoang hành lý rất lạnh vào mùa đông. Chỉ còn cách đưa chàng Fred về bằng đường bộ. Hãng hỏa xa VIA bằng lòng chở miễn phí hai bà ái chó và chú Fred về. Ba bài báo trên The Gazette kể chi tiết về cuộc hành trình này từ khi lên tàu hỏa cho tới khi chú Fred được đón tiếp tại Montreal.

Chàng Nicolo Rizzuto không phải là anh hùng. Chú chó Fred cũng chẳng phải hùng anh. Vậy mà có sự phân biệt đối xử. Làm người hơn hay làm chó hơn nhỉ?

Chó mà như chú chó vện trong truyện “Con Chó Vện và Người Tù Cải Tạo” của nhà văn Nguyễn Vĩnh Long thì lại khác. Giữa tháng 10 năm 1976, khoảng một trăm tù cải tạo miền Nam bị đưa ra Bắc giam ở trại tù Khe Thắm tại huyện Văn Chấn, Hoàng Liên Sơn, Nghĩa Lộ. Tác giả nằm trong toán đi rừng đốn gỗ và làm bạn với Lê Xuân Đèo, một người rất thành thạo việc mưu sinh trong rừng. Họ công tác tại một vùng rừng gần một ấp đồng bào Thượng. Nhìn thấy ruộng mía, thèm ngọt đã lâu, họ đánh cắp mía. Tác giả lội sông qua ruộng mía, bẻ được vài cây, đang tính quay về thì nghe tiếng anh Đèo kêu: ““Chờ tớ! Chờ tớ...”Tôi thiệt bực mình, cầm cây mía đưa lên khỏi đầu, nói lớn: “Xong rồi! Qua làm gì chớ! Thôi, ngồi đó chờ tao!”Nhưng, hắn vẫn tiếp tục gào to hơn nữa. Và lần nầy, tôi nghe cái giọng Nha Trang của nó thật rõ ràng: “Chó tới! Chó tới...”Thôi bỏ mẹ rồi! Bây giờ tôi mới hiểu ra là“Chó tới!” chớ không phải “Chờ tớ!” thì đã muộn. Một con chó vện to lớn dùng để đi săn, xồng xộc lao tới và chỉ còn cách tôi vài mươi thước. Tôi thật sự hồn vía lên mây, quăng dao, quăng luôn cây mía, bỏ của chạy lấy thân, phóng như bay về phía bờ suối...Nhưng, con chó vện nhanh hơn tôi một bước, nó nhảy chồm lên, phập trúng cái đáy quần, ghì lại làm tôi té nằm xấp xuống đất. Hai cái răng nanh bén nhọn của nó đã xuyên thủng đáy quần. Con vện gầm gừ, mõm của nó ghì chặt lại, giằng xé như muốn lôi tuột cái quần của tôi ra thế mới khiếp! Cũng may, nhờ trời thương mấy thằng tù cải tạo ốm đói. Chúng tôi phải chôm chỉa để mưu sinh. Nếu hai cái răng nanh của con vện nhích lên vài phân định mệnh nữa thì bây giờ tôi đã trở thành quan “thái giám” là cái chắc!!! Tôi thét lên, cầu cứu: “Tao bị con chó vện táp trúng rồi Đèo ơi! Cứu  tao với...” Đến giờ phút nầy mà hắn còn hỏi đùa được: “Trúng chỗ nào vậy cha?” Tôi bực quá thét: “Nó táp lủng đáy quần rồi, tao bị nó ghì lại, không chạy được!”.  “Chỉ táp trúng đáy quần thôi hả?” hắn mách nước. “Tụt quần ra, vọt cho lẹ, thằng mắc dịch!” Thôi thì cùng tất biến, biến tất thông! Tôi lòn tay xuống hàng nút quần, cởi thật nhanh hàng nút. Nhờ cái quần rộng thùng thình, con vện tụt cái quần thật dễ dàng, một chân nó chận cái ống quần, đầu giằng mấy cái thật mạnh để cái quần vuột ra khỏi  cái răng nanh. Tôi chỉ chờ có thế, vừa rút chân ra khỏi cái quần rằn ri là tôi phóng như bay về phía hàng cây bên bờ suối, chỉ cách đó mươi thước. Tôi trèo lên cây nhanh như con sóc, chưa bao giờ tôi leo trèo nhanh như vậy.. Thế là thoát nạn!  Con vện phóng mình lên cây mấy lần, nhưng lần nào nó cũng bị té đau. Vì thế nó tức tối, ngồi bệt xuống đất, nghểnh mõm nhìn lên một cách hậm hực; thỉnh thoảng, nó le cái lưỡi dài thượt liếm mép. Tôi phải lấy vạt áo che lại phần khẩu súng nước phía dưới , sợ nó nhìn thấy “thịt tươi” thèm nhỏ dãi tội nghiệp !!”

Xuất hiện một cách đầy…kịch tính và đáng ghét như vậynhưng chú Vện lại chịu thua mưu kế của anh chàng mưu sinh thoát hiểm có nghề tên Đèo. “Con vện thấy hắn đang lội bì bõm, băng ngang qua dòng suối. Nó rời gốc cây, đứng chực trên bờ suối, sẵn sàng vồ hắn. Đèo đứng dưới suối, hai tay chống nạnh, vẻ mặt tỉnh bơ. Còn con vện nhìn hắn lườm lườm, chân sau quào dưới đất cát rào rào trong tư thế chuẩn bị vồ mồi. Tôi thấy còn phát ớn xương sống. Nhưng, Đèo chẳng nao núng chút nào cả thế mới là lạ. Bất ngờ, hắn huýt sáo miệng bản nhạc “bác cùng chúng cháu hành quân” một cách ung dung. Con chó vện vừa nghe âm điệu phần mở đầu của bài hát: Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận... nó lầm tưởng hắn là phe ta nên bỏ hẳn thái độ thù nghịch, ngoe nguẩy cái đuôi, chờ welcome “đồng chí Đèo”!!!! Mẹ kiếp! Sống ở miền Bắc XHCN nầy, đến con chó còn bị tuyên truyền mê hoặc đừng nói chi là con người. Đèo leo lên bờ, hắn vỗ đầu con vện, vuốt đầu nó mấy cái. Đồng chí vện chồm lên, vật ngã hắn xuống rồi liếm cùng mặt. Thế rồi, người tù cải tạo và “đồng chí vện” kết thành đôi bạn sống chết có nhau từ dạo đó!”

Bốn tháng sau, anh Lê Văn Đèo chết vị bệnh kiết lị sau khi chỉ được điều trị bằng xuyên tâm liên. Thực ra anh còn thủ được chục viên Reostop chuyên trị kiết lị nhưng trước đó anh đã cho một bà già người thiểu số ngoài rãy khi thấy bà nằm chờ chết vì không có thuốc. Anh chết cho bà già được sống. Xác anh được mang ra quàn qua đêm tại một chiếc chòi lá lợp vội trong một vùng đầy chó rừng. Đêm đó đàn chó đã về tấn công cướp xác anh. Nhưng chúng đã gặp phải…chiến sĩ Vện. Sau cuộc tử chiến để giữ được xác chủ, con Vện “đang nằm bất động gần đó, nó ngước đầu lên nhìn tôi, cố gắng chống hai cái chân trước xuống đất, gượng lết về phía tôi, nhưng được vài bước rồi ngã quỵ xuống, mồm rên ư ử vì đau đớn. Tôi vội vàng chạy đến ôm chầm lấy nó vào lòng. Con vật liếm vào mặt tôi một cách trìu mến, rồi mệt lả, nghẻo đầu lên vai tôi. Đặt nó nằm xuống đất để quan sát: con mắt bên phải bị lột một mảnh da, còn bê bết máu, cái chân trước bị táp gẫy xương và cái đùi sau bị ngoạm mất một mảng thịt to, vết thương còn rỉ máu âm ỉ. Tôi vô cùng xúc động nhìn nó một cách cảm phục và thương mến. Thật vậy, không một ai có thể ngờ rằng, con chó vện đã liều mạng sống của nó, tả xung, hữu đột, quyết đấu một mất một còn với cả một bầy chó rừng hoang dại để bảo vệ cái xác thân của Lê Xuân Đèo, người bạn của nó, đang nằm trơ trọi giữa bầy dã thú. Đối với tôi, con chó vện là hiện thân của một dũng sĩ, tuy mang hình hài của loài thú bốn chân, nhưng có một trái tim rất “người” dám vì nghĩa quên mình, chiến đấu đơn độc, không lùi bước trước kẻ thù”.

Chú Fred được báo chí Montreal làm um sùm thua xa chú Vện của nhà văn Nguyễn Vĩnh Long. Bì sao được! Người còn chưa chắc đã hơn được chú Vện đầy tình nghĩa này. Nhưng làm người khác làm chó. Chó không hưởng được cái thú của người.

Loanh quanh đàng cuối lại đằng đầu
Hễ thấy ai vào sủa gâu gâu
Khi ngồi bỗng thấy cao hơn đứng
Quanh năm chẳng được chén trà tàu!

Đó là thơ con cóc thương cho phận chó không được thưởng thức trà tàu. Lòng thương dầm dề này còn miên man sang một cái thú khác: thú ăn trầu. Cũng lại thơ…cóc:

Chẳng phải heo, chẳng phải trâu
Ấy là con khuyển hỏi “đâu đâu”
Khi muốn…ấy nhau thì phải đứng
Trăm năm chẳng được một miếng trầu!

Thật vẽ chuyện, chuyện…ấy thì cứ chi chó mới đứng! Còn chuyện trầu cau, xưa rồi, từ khi có hai anh em nhà kia cùng yêu một cô gái làng bên lận! Chó thì cần chi trầu cau, có cần thì chỉ cần cục xương. Nhưng chó triệu phú thì xương xẩu là thứ đồ bỏ. Thứ chó sang trọng hơn người thì cần những gì? Bữa nào rảnh, bạn thử nhìn vào sổ ngân hàng xem bạn có bao nhiêu tiền trong ngân khoản. E rằng bạn sẽ không nói ra khi biết chú chó Gunther IV có trong…chân tới 370 triệu đô. Ngay cái tên của chú cũng hơn người rồi. Tôi nhớ tới một bài học tiếng Anh hồi còn học trung học ở việt Nam đề cập tới cách đặt tên người. Người thường thì chẳng bao giờ tên có con số La Mã theo sau cả. Đó là đặc quyền của vua chúa. Chú chó Gunther IV, chỉ nội cái tên cũng ngang hàng vua chúa rồi. Vua chúa quá đi chứ! Vì chú là con của chú chó Gunther III. Gunther III được chủ là nữ bá tước người Đức Karlotta Liebenstein để lại gia tài trị giá tới 71 triệu đô khi bà qua đời vào năm 1979. Sau khi Gunther III về với đất, con là Gunther IV thừa kế gia tài khổng lồ này. Một nhóm chuyên viên tài chánh giúp việc cho…chó quản lý toàn bộ tài sản nay đã tăng lên tới 370 triệu đô. Chú Gunther IV hiện là chủ nhân ông của nhiều bất động sản rải rác trên các nước Đức, Ý, Mỹ, Bahamas. Tại Mỹ chú có một lâu đài 8 phòng ngủ mà sở hữu chủ trước đây là ca sĩ Madonna! Gunther IV sống như một đại gia trong ngôi biệt thự có bể bơi mà chú đi dạo quanh giữa một bầy con gái mặc bikini và các chàng vệ sĩ  lực lưỡng. Tôi bỗng muốn ngâm thơ của cụ Nguyễn Công Trứ: kiếp sau xin chớ làm người. Tốp lại ở đây là vừa, chẳng nên ngâm tiếp. Theo cụ Nguyễn thì chỉ có nước chơi với…cây thông. Chán phèo!

Tôi vốn không hẩu với chó, lúc nhỏ cũng như khi lớn. Nhỏ thì bị chó dọa, chó cắn, ghét là phải. Với chó nuôi trong nhà, mỗi khi có dịp là chơi trò đả cẩu liền không suy nghĩ. Lớn thấy mấy em bé cỡ Paris Hilton ôm ấp vuốt ve chó, ghét là cái cẳng. Phận mình, phận chó, phận nào hơn phận nào! Chó kiểng còn đáng ghét như vậy, chó đại gia phải ghi vào sổ…đoạn trường. Bởi vậy nên thấy ai ghét chó thì nhận ngay là bạn. Tôi vừa mới có hai người bạn mới là cặp Robert và Brenda Vale, chuyên viên thuộc Đại Học Victoria ở Wellington, Tân Tây Lan. Họ mới kết án chó về tội làm bẩn môi trường. Môi trường là thứ đang hot hiện nay. Mọi người đều đang góp phần vào việc làm sạch môi trường để trái đất này không bị…thối vì các thứ rác rưởi thải ra. Với sự thay đổi tệ hại môi trường đang diễn ra, mọi người đang điên lên tiếp cứu. Các nhà khoa học, từ năm 1995, đã phân tích và tìm ra một công thức tác hại môi trường mà họ đặt tên là Ecological Footprint mà chúng ta tạm dịch là dấu chân sinh thái. Vậy dấu chân sinh thái, viết tắt là EF, là cái chi chi?

Đành phải dài dòng một chút về ý niệm mới toang này. Để tồn tại và phát triển, người và các sinh vật khác tiêu thụ những gì mà thiên nhiên cung cấp, như vậy mọi hoạt động tiêu thụ đều ảnh hưởng đến các hệ sinh thái hành tinh. Nếu việc tiêu thụ này không vượt quá khả năng cung cấp và tự tái tạo của trái đất thì không sao. Từ ngàn xưa tới đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, hệ sinh thái của trái đất không hề hấn chi vì trái đất vẫn là một mẹ hiền cung cấp cho chúng ta đầy đủ trong khả năng tự tái tạo của người mẹ thiên nhiên này. Nhưng càng ngày các sinh vật càng hư hỏng, trong đó con người là hư hỏng nhất. Mức tiêu thụ đã vượt quá khả năng của mẹ đất. Theo số liệu năm 2003 thì từ thập niên 1980, mức tiêu thụ này đã vượt quá khả năng cung cấp tới 25%, nghĩa là phải mất một năm ba tháng để tái tạo những gì các sinh vật tiêu thụ trong một năm. Vậy là nguy to. Trái đất đang ở trong tình trạng báo động : các vùng đánh cá sa sút, khí hậu thay đổi do khí thải CO2, sự tuyệt chủng các loài sinh vật, mất rừng, suy thoái nước ngầm..v..v..  Các nhà khoa học phải ấn định một chuẩn mực để đánh giá và định hướng hoạt động nhằm vừa phục vụ cuộc sống của các sinh vật vừa không làm ảnh hưởng tới các hệ sinh thái hành tinh. Và họ đã tạo ra ý niệm dấu chân sinh thái. Dấu chân sinh thái là một phép miêu tả ẩn dụ nhu cầu về các diện tích đất và nước cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm cho các sinh vật, nơi để xây dựng cơ sở hạ tầng và hấp thụ CO2, chứa đựng và đồng hóa chất thải. Đơn vị tính là hectare chỉ thị diện tích tương ứng các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn cần thiết để tái tạo các nguồn tài nguyên bị tiêu thụ.

Dài dòng như vậy mà vẫn chưa rõ ràng. Thôi thì cứ nghĩ “dấu chân sinh thái” là một đơn vị đo lường để qui kết tội làm hại môi trường trái đất thân yêu của chúng ta. Dân các nước càng văn minh thì càng hưởng thụ nhiều hơn nên ăn hại đái nát nhiều hơn. Dân Hoa Kỳ dẫn đầu với chỉ số EF là 9,57, Canada 8,56, Na Uy 8,17, Úc 7,09. Dân các nước nghèo ít làm hại môi sinh hơn. Có đủ ăn đâu mà…thải. Ấn Độ 0,76,  Pakistan 0,67, Haiti 0,62, Bangladesh 0,50. Các đại gia cũng phá hoại môi sinh nhiều hơn dân bình bình như chúng ta. Ngự máy bay riêng, du thuyền riêng, bồ bịch nhiều, ăn uống thừa mứa thì thải ra nhiều chất độc hại là đúng chỉ số. Người vậy thì chó cũng vậy. Như anh chó đại gia Gunther IV có tới cả bày con gái mặc bikini theo hầu khi đi dạo  chẳng hạn. Giặt bikini cũng hại môi trường chứ bộ! Chẳng cần phải là đại gia, mấy anh cẩu lục tục thường tình cũng là thứ đái nát nhất trong các loài gia súc. Theo hai nhà khoa học Vale thì một chú khuyển làm hại môi trường gấp đôi một chiếc xe bị mang tiếng là ăn hại SUV. Theo tính toán thì một chú khuyển có chỉ số EF là 0,84 hectare so với 0,41 hectare của một chiếc xe SUV chạy 10 ngàn cây số một năm! So với một chú mèo chỉ có 0,15 hectare tương đương với một chiếc xe Volkswagen Golf, hai chú chuột bạch tương đương với một chiếc ti vi plasma, một con cá vàng tương đương với hai chiếc điện thoại cầm tay thì anh chàng khuyển quả là đắc tội. Hai nhà khoa học này đi tới kết luận được xác định ngay ở tên cuốn sách vừa được xuất bản của họ : Time To Eat The Dog ? The Real Guide To Sustainable Living”.

Đi vòng vo nghiên cứu mãi thì kết luận của các nhà khoa học Tân Tây Lan Robert và Brenda Vale chẳng làm ngạc nhiên dân chúng các nước Việt Nam, Hàn, Phi Luật Tân, Trung Hoa. Gì chứ chuyện sơi tái các chú khuyển thì chúng tôi đã làm từ khuya. Làm có bài bản đi vào truyền thống như rựa mận, dồi, xáo măng và ngay cả đến thịt luộc chấm mắm tôm cũng làm tốn nước miếng của dân ta ở hải ngoại mỗi khi nhắc đến cầy! Chó là chó, người là người, chúng ta đã phân biệt rạch ròi từ lâu. Làm gì có chuyện cùng lứa.

Trở lại chuyện của chú chó Fred nơi tôi ngụ cư, tưởng là câu chuyện đã đi vào dĩ vãng khi chú chó trở về yên lành với các người thân. Nhưng mở tờ The Gazette mới đây thấy vẫn chưa hết chuyện chó. Độc giả Gwyneth Edwards vừa gửi về tòa soạn một bức thư nghe ra khá chua sót : “Khi tôi chết, tôi mong sẽ được tái sinh làm một con chó để có thể đi du lịch xuyên khắp nước mà không tốn tiền, được kết thân với nhiều bạn bè mới, và được báo chí viết bài nhiều lần. Xem ra làm chó cũng không tệ lắm!”

Làm người hay làm chó, that’s the question! Một câu hỏi thuộc loại chết tiệt!

01/2010