Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

MONTREAL và BỎ CHỐN MÙ SƯƠNG
Hồ Đình Nghiêm

Cách đây không lâu, nhà văn Nguyễn Mộng Giác có nói với tôi: Montreal là nơi quy tụ đông đảo những người cầm bút, đứng hàng thứ hai, chỉ sau có Quận Cam bên Cali. Tôi nghe,thực tình lòng có hơi nghi hoặc và yên lặng trước cái nhận xét ấy. Tự hỏi thầm, có đúng như thế không? Có thực sự đông đủ mặt mày để leo lên đứng hạng nhì chăng?

Sự hoài nghi đó lần hồi không còn ở trong tôi. Tôi vui sướng để nghĩ rằng, mình đã được định cư ở một thành phố hiền hòa; và thành phố ấy không chừng mai này sẽ lên đứng hàng đầu ở cái khoản đất lành chim đậu, trong bóng tối sẽ còn đông đảo hơn nữa những khuôn mặt văn chương chưa có dịp xuất hiện trước ánh sáng. Ngoài nỗi vui ấy ra, tôi còn mừng bởi vì luôn luôn nhìn thấy sự hiện diện của quý vị, hầu như đã có mặt trong tất cả những buổi sinh hoạt như thế này. Và quan trọng hơn, chính là lòng đam mê chữ nghĩa của từng cá nhân người cầm bút. Lòng đam mê của nhà văn Song Thao là một bằng chứng.

Còn nhớ năm ngoái, trong một tiệc rượu do nhà văn Nguyễn Đông Ngạc khoản đãi, do tình cờ tôi ngồi đối diện với một người lạ mặt có tên là Tạ Trung Sơn. Người mang cái tên lạ hoắc ấy rất điềm đạm, hiền lành, ít nói và tửu lượng cũng thường thường bậc trung. Nói chung, anh ta rất trầm lặng và dễ bị chìm quên vào đám đông. Lúc đó tôi có cụng ly với anh ấy và nghĩ thầm, giả như tuổi tác giữa hai người không có chênh lệch thì tôi sẽ kết bạn liền khi với người... “vô duyên đối diện bất tương phùng kia”.

Rồi thì lá vàng rơi, rồi thì băng tuyết ào ạt đổ xuống, rồi thì nắng xuân tràn về. ''Ngày qua rất vi''. Mới đó mà tròn năm, và giờ phút này có ai dè tôi đứng lên đây để giới thiệu đứa con vừa chào đời của người bạn văn ''hửu duyên thiên lý năng tương ng'' đang ngồi dưới kia.

Hình ảnh anh Tạ Trung Sơn năm ngoái vẫn còn y nguyên, không thay đổi, nhưng năm nay và từ đây cho mãi tới mai sau tôi sẽ xin được gọi anh bằng một cái tên khác, cho thân mật, cho gần gũi, và ngắn gọn nữa: Song Thao. Nói điều này quả có hơi muộn màng, bởi vì tôi vô tâm không ngờ được, chính cái anh chàng Tạ Trung Sơn lạ mặt gặp lần đầu ở nhà anh Nguyễn Đông Ngạc thực ra đã cùng tôi chung lưng đứng với nhau trên những trang báo của tạp chí Văn từ hai ba năm trước. Chúng tôi đã hít thở, đã sống chung hòa bình, đã đi lại, đã quen biết, đã cắm rào trong vùng đất của thế giới truyện ngắn từ lâu.

Tôi được biết, trước năm 1975 nhà văn Song Thao đã từng cộng tác với một vài tạp chí văn học nghệ thuật ở Saigon. Anh viết không nhiều, có lẽ vì bận mưu sinh, tuy thế nhà văn Song Thao đã kiên trì, đã âm thầm đi cho tới cái lằn mức đánh dấu một chặng đời của một người luôn nặng lòng với văn chương. Đó là anh đã hoàn thành xong tập truyện Bỏ Chốn Mù Sương.

Tôi sinh trưởng ở Huế nhưng có dạo phải xa nhà lặn lội vào trọ học ở Đà Lạt hai năm. Cuối cùng tôi đã bỏ chốn mù sương kia với tất cả những hậm hực buồn tủi. Bởi thế, khi nhìn cái tựa đề in ở ngoài tập truyện này tôi đã không giấu được lòng bồi hồi cũng như sự tò mò. Tôi cám ơn nhà văn Song Thao đã dìu đỡ tôi bước trở về cái nơi chốn kỷ niệm ấy bằng giọng văn không làm dáng, không màu mè. Nếu người đọc là một du khách khó tính ưa bắt bẻ thì nhà văn Song Thao là một người hướng dẫn du lịch cởi mở, thông minh, am hiểu tường tận, biết pha trò dí dỏm và biết chủ động trong mỗi một cử chỉ của mình. Một hướng dẫn viên như thế sẽ làm mọi người an tâm, tin tưởng đi tới hết đường dù có khi phải trèo đèo lội suối, băng qua những vùng đất khắc nghiệt. Hơn 200 trang của tập truyện này là những cảnh thổ luôn thay đổi. Thời tiết nghiệt ngã khi tuyết khi gió khi nắng khi mưa nhưng người đọc sẽ bằng lòng được sống thở với cái khí hậu đặc thù Song Thao đó.

Tập truyện này chứa đựng 9 truyện ngắn. 9 mảnh đời riêng lẻ không đi theo một lộ trình quy củ như dụng tâm của một số nhà văn khác thường sắp xếp, lấy bối cảnh từ quê nhà đi dần lưu lạc sang xứ người. Điều ấy nào có gì phải nhất thiết? Nhà văn Song Thao đã xáo trộn quá khứ hiện tại, đã xóc xáo mọi truyện và 9 mảnh gương ấy tuy bị vỡ vụn ra nhưng người đọc sẽ dễ dàng khi muốn ráp nối lại, soi rọi tường tận một chân dung hiền lành, một ngòi viết nhân hậu của riêng Song Thao.

Tôi trong truyện của nhà văn Song Thao có khi là một nhân vật nữ. Một vài nhân vật chính khác khi thì mang tên Thạc, có khi là cảnh, có khi là Thịnh, có khi là Nhương, là Ngọc. Dù tên gọi có khác nhau, nhưng vẻ mặt của tất cả bọn họ dường như chúng ta đã từng gặp qua, thật sống thực một đôi lần đâu đó ở ngoài đường Côte Des Neiges, trên đường St Denis hay St Catherine. Đặc điểm của họ hiền lành, dễ làm mình gần gũi, họ giàu cảm xúc, ưa suy nghĩ vụn vặt chuyện đời và tuyệt đối chúng ta không bao giờ phát hiện ở nơi họ chút dấu vết tỵ hiềm hoặc phản trắc. Họ thuần là những tấm bảng đường đơn giản, tuy chia lìa người đi bốn hướng, nhưng cuối cùng đám lữ hành chúng ta sẽ quy về một “La Mã” rất bình yên, rất có hậu. Và suốt trên đường đi, chẳng hề thấy bảng Arret-Stop, Cul De Sac hoặc Coi Chừng Nguy Hiểm. Cũng không nốt bóng dáng của một ông Cảnh Sát đậu xe ẩn nấp rình rập chờ hú còi phóng xe rượt đuổi theo. Bởi vì nhà văn Song Thao là người kể chuyện rất mực đường hoàng, từ tốn. Văn anh giản dị trôi chảy, anh không phải là người ưa chơi khó người đọc. Nếu như ai cũng quan niệm văn là người, thì tôi tin là cái bằng lái xe của nhà văn Song Thao mười mấy năm rồi vẫn còn trinh nguyên chưa hề bị trừ điểm.

Gặp một cảnh sống bất như ý, khi mà hai nền văn hóa có những điểm dị biệt, nhà văn Song Thao mượn ngòi bút kể lại chuyện bằng một giọng văn tỉnh táo, nhẹ nhàng, không bẳn gắt, chẳng chửi thề rồi cuối cùng kết luận, đóng lại truyện ''Như Giọt Rượu Nồng'' bằng câu; “Một lời xin lỗi lạnh lùng như là một thủ tục thông thường của những người văn minh. Giống như câu xin lỗi của những người vô ý đụng nhau ở ngoài đường. Rất máy móc và rất lịch sự.”

Đóng truyện lối đó chính là cái thành công của nhà văn Song Thao. Anh đóng thực đấy, dấu chấm hết nằm ở cuối truyện; nhưng kỳ thực anh lại mở ra cho người đọc một cánh cửa khác. Tỷ như ta uống cạn chén rượu, rượu hết trong ly, nhưng hậu vị còn tê buốt trên đầu lưỡi, choáng váng trong đầu óc. Ở một truyện khác, tôi là một nhân vật nữ lấy chồng ngoại quốc, người đọc theo dõi những chuyển biến của nhân vật ấy, từ băn khoăn cho tới sự chọn lựa quyết định; để rồi cuối cùng ta đọc phải hàng chữ sau rốt: “Tôi chỉ có một người đàn ông bên cạnh!”.

Nhà văn Song Thao không tàn nhẫn chút nào cả. Biết vậy mà sao ta vẫn thấy xót xa, buộc đầu óc chúng ta liên tưởng tới hoàn cảnh sống buồn bã vì phải xa quê hương. Tôi hình dung ra một hình ảnh tương tự, có kẻ vừa đi qua biên giới nước Mỹ vừa nói vừa trình tờ giấy tùy thân: “Tôi chỉ lận trong lưng cái giấy chứng nhận tôi là công dân Canada”. Người Việt trăm phần trăm mà trở thành dân Ca-na-điên thì buồn qua đi chứ! Có được một ông chồng ở bên lưng mà mở miệng là tôi chỉ có một người đàn ông ở bên cạnh thì vui làm sao được?

Sự khéo léo, cách nhìn vấn đề thật tế nhị của nhà văn Song Thao còn chứa đầy ở những truyện khác. Những hồi tưởng quá khứ thơ mộng đan cài vào cái thực tế xót xa của hiện tiền. Một chút lãng mạn, một chút bồng bột của tuổi trẻ, những rung động của tình yêu.... Nhiều, nhiều lắm những thứ “gia vị” khác. Nhưng với tôi, có lẽ điểm nổi bật trong những truyện ngắn của Song Thao là anh luôn quan tâm, đề cao phong tục tập quán, sự thuận thảo, kính trên nhường dưới có phép tắc của nguời Việt. Anh viết nhiều đến đời sống chốn này, mượn đời sống xa lạ này làm hậu cảnh, lót nền. Những nhân vật phản diện mang tên Alain, Kristina, Claude, Sylvie, Marie... đã như những vệt màu lạnh trên khung bố làm nổi bật cái đốm màu nóng chủ điểm mà anh muốn nhấn mạnh. Và bức tranh ấy đậm đà hẳn lên nhờ anh biết khai thác tâm lý của những nhân vật luôn luôn đối chọi nhau bởi những điểm dị đồng.

Đây là lần đầu tiên tôi làm thứ công việc mà ai cũng không mấy ưa. Nói về một tác phẩm văn học nghệ thuật chẳng phải là điều đơn giản. Xét cho cùng, sẽ không có một lời “phi lộ”, một sự giải thích nào đầy đủ cho bằng cái hành động là chúng ta tự mình mua lấy sách của tác giả để về nhà đắp chăn nằm nghiền ngẫm. Đẹp xấu tùy người đối diện không hẳn là vô cớ mà người ta ưa mang ra để nói đùa. Tôi có nói hươu nói vượn cả giờ nữa cũng không bằng cái làm thinh của cuốn “Bỏ Chốn Mù Sương” đang nằm ngơi nghỉ ngoài kia.

Vậy thì tôi xin ngừng nói. Tôi chỉ đọc một đoạn có trong truyện “Trên Nỗi Nhọc Nhằn”. Đây là đoạn cuối, nhà văn Song Thao viết như thế này: “Đã có nhiều người vượt biển. Đã có nhiều cách ra đi. Chuyến đi nào cũng là một phiêu lưu vô định. Tai ương nào cũng là đáy vực thảm sầu. Người Việt bỏ nước mỗi người đều có những mất mát tận cùng chưa một dân tộc nào phải gánh chịu. Viết thêm về một chuyến đi nghĩ ra cũng chẳng làm nặng thêm được những mất mát tự nó đã muôn phần chĩu nặng. Vậy mà tôi không thể không cầm cây bút kể lại câu chuyện này. Câu chuyện của người đi biển, một mình”.

Cái đoạn cuối này cũng là cánh cửa sau cùng vừa đóng lại. Gấp tập truyện trong tôi dồn lên nhiều cảm nghĩ. Một trong những cảm nghĩ cần thổ lộ ra trước tiên, đó là tôi mong mỏi nhà văn song Thao cứ mãi trân trọng cầm lấy cây bút của mình. Không có chuyện đi biển một mình thì xin anh viết tới chuyện đi núi một mình, chuyện đi uống cà phê một mình, chuyện bát phố một mình hoặc thậm chí đến chuyện đi chợ một mình. Mang tiếng là một mình nhưng thực ra anh không đơn lẻ đâu, bởi vì văn của anh đầy lòng nhân ái thế kia và tôi tin là có ai mà nhắm mắt được, quay lưng lại được đối với những dòng chữ luôn ca tụng vẻ đẹp, sự giàu có lòng vị tha mà anh đã chắt chiu viết ra với cả một lòng thành.

Văn chương hải ngoại, dù hoàn cảnh sáng tác có gặp khó khăn, vậy mà mỗi ngày một tăng trưởng. Tập truyện “Bỏ Chốn Mù Sương” của nhà văn Song Thao sẽ là một cây lúa mọc lên cứng cáp giữa cánh dồng phì nhiêu ấy. Tôi tin vào điều đó, cũng như tôi hy vọng rằng sang năm, nhà văn Song Thao sẽ gắng “đẻ” thêm một đứa con nữa. Và khi ấy, thay vì lên đứng nói một cách khó nhọc như thế này, tôi chỉ xin được đề nghị với nhà văn là hãy thử dùng một cái tên truyện cho lạc quan: “Về Lại Chốn Mù Sương”. Hoặc là: “Nơi Ấy Đã Hết Sương Mù”.

Tôi xin dừng ở đây. Xin cám ơn quý vị.

Nắng Mới, Montreal, Canada, số 21, tháng 6/1993