Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

Những chốn cũ của Song Thao

Song Thao (Tạ Trung Sơn) thực sự đến với thế-giới văn-học từ khi ra đến hải-ngoại (1985) và đã tỏ ra là một cây viết bền bĩ, hăng hái nhất là khi mới xuất hiện - khoảng 1991, lúc mà văn-chương chữ nghĩa được xem như khí cụ đấu tranh và sống còn, lúc văn-học hải-ngoại đang vào cuối giai đoạn tị nạn, lưu vong. Từ năm 1993 đến nay, ông đã xuất-bản 7 tập truyện ngắn Bỏ Chốn Mù Sương (1993), Đong Đưa Cuộc Tình (1996), Còn Đó Bóng Hình (1997), Chân Mang Giày Số 6 (1999), Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại (2001), Bên Lưng Những Con Chữ (2003) và Chốn Cũ (2006). Những năm gần đây, Song Thao được biết nhiều hơn với các truyện phiếm (film) trên các báo và tạp-chí ở hải-ngoại và đã in 4 tập Phiếm (2004-2007). Trong bài này, chúng tôi thử phân tích thời-gian và dừng lại ở ý niệm Chốn Cũ, qua các truyện ngắn và bút ký của Song Thao đã xuất-bản.

Nỗi ám ảnh của thời-gian

Nói đến thời-gian thì có thứ thực-tại, có thứ chỉ là tham-chiếu, làm nền, nhất là trong thế-giới tiểu-thuyết. Thật vậy, tính tiểu-thuyết (fictionality) có chăng ở tác-phẩm viết về quá-khứ và đâu là những dấu hiệu, cái gì thật và cái gì là ảo hóa? Nói đến tiểu-thuyết hóa quá khứ, quá khứ cần đến văn-chương cũng như có nhu cầu được đặt lên bàn thờ tâm thức. Văn-chương, tiểu-thuyết có thể trở thành một trị liệu cho người lưu xứ, một giải tỏa tâm lý. Tùy vết thương nặng nhẹ (người ta hay nói vết thương lòng, vết thương đời,...) mà dùng đến những thể-loại hồi ký, bút ký hay tiểu-thuyết, truyện ngắn và thi ca. Khi sử-dụng thể-loại tiểu-thuyết hoặc tiểu-thuyết hóa, văn-chương hóa quá khứ thì các sự kiện, người và vật có thể mơ hồ, pha tưởng tượng, không bắt buộc phải tham khảo lịch-sử, tài liệu văn khố, hay phải là sự thật trăm phần. Quá khứ thành chuyện kể một lần rồi thôi, mà cũng có thể lập lại, kéo dài hết truyện này qua truyện khác, hay cả tập thơ. Người ta cũng có thể tìm hiểu tác-giả một cách khoa học qua cách đi vào tâm thức của nhân-vật, hay nói khác đi, những dấu chỉ rải rác qua các tác-phẩm giúp hiểu tâm thức tác-giả.

Ở Song Thao, nói chung, quá khứ hay "cái còn lại" phần chính là trong tâm thức. Một kiếm tìm thời-gian qua lối kỹ thuật kể chuyện: vừa kể vừa nhớ vừa tìm; đối với Song Thao, thời-gian đã là nổi ám ảnh khôn nguôi, có lúc bàng bạc có lúc nặng nề qua các truyện ngắn và bút ký (trong khi đó các chuyện Phiếm về cuộc sống đa dạng vây quanh của xã hội bản xứ và cộng đồng người Việt bát nháo, ông tung hoành trổ tài ngòi bút/phím máy điện toán và gia vị bi hài; khiến những nỗi ám ảnh và thao thức nói chung và nếu có, sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn). Thời-gian hiện tại được cấu thành bởi những yếu tố quá khứ, những bóng người và kỷ niệm. Thời-gian đã qua như bóng câu, một cách tự nhiên; nhưng cái thời-gian đã mất, cần đến tra vấn: tự đánh mất, hay mất mát vì hoàn cảnh, biến cố lịch-sử - như đã xảy ra với nhiều người Việt ở thế-kỷ XX? Và đã mất tức thế nào cũng phải có những "cái còn lại". Tác-phẩm của Song Thao lần lượt trình với người đọc những mảnh ghép puzzle đó.

Thời gian tuổi trẻ thường được xem là đẹp nhất, đã mất, như tiếc nuối của nhân-vật Trọng trong Gang Tấc Còn Xa: "Thời-gian là một tên cướp giật từ tốn. Nó lấy của anh từng chút từng chút nhựa sống và chẳng biết tự bao giờ nó dúi vào tay anh một cuộc sống nghiệt ngã tầm thường. Anh nuối tiếc những ngày sinh viên cũ, mảnh ban mai hồng hào của đời người, chuỗi ngày tươi mát rộn ràng". (ĐĐCT tr. 150). Thời-gian không thật, qua níu kéo, tìm lại: trở về Việt Nam, tìm trong sự vật, con người (bạn bè, người thân). Cả trong những món ăn đã có quá khứ, đã là một phần của quá khứ, như phở. Thật vậy phở được tác-giả đề cập đến nhiều lần và tất cả đều như một hạnh-phúc, một nhung nhớ vàng son. "Hồn tôi còn đang tìm về những bát phở xưa, những bát phở như nước lồ ô pha gia vị. Đúng như Hùng nói, bao nhiêu tật bệnh cũng nép mình chịu thua phở" (BLNCC tr. 218).

Ở Song Thao, thời-gian vị-lai thường thiếu bóng, có chăng là chân trời xám tối và phần nào những nỗi bi quan, mất tin tưởng khi hướng vọng, dự phóng về phía trước. Trong truyện Mai Sau, cái dự phóng có đó nhưng như muốn giải tỏa một tình cảnh bi thảm. Còn chạy trốn quá khứ thì vẫn xảy ra với một số nhân-vật của Song Thao, như hai vợ chồng già dắt nhau vượt biên trong Người Đàn Bà Ôm Bó Hoa Trong Ngày Tết, như Uyên và Thiệp trong Trên Đỉnh Whistler, v.v.

Quá khứ ở Song Thao đầy hình ảnh, âm thanh (và cả mùi vị). Nếu truyện ngắn Bỏ Chốn Mù Sương làm sống lại những ngày sinh viên hoa mộng ở đại học xá Đà Lạt, thì truyện Theo Dòng Thác cho biết những dịp sống tập thể ở xứ người (Bắc Mỹ) cũng có thể làm nhớ nhung mãnh liệt một quãng đời nơi quê nhà, hay qua dáng dấp Katrina, người con gái người Ba Tây, gợi cho nhân-vật Cảnh nhớ đến những ngày ở Đà Lạt với một người thiếu nữ tên Ánh: "Vẻ tươi mát thoải mái của người con gái ngồi ở đầu ghế làm Cảnh nhớ tới Ánh. Những ngày tháng Đà Lạt rạt rào trong trí óc Cảnh. Đôi gót chân hồng ấm nhỏ xíu của Ánh thoăn thoắt lướt trên thảm cỏ non. Kỷ niệm đầy ắp cơ hồ muốn giữ chặt nhịp tim của Cảnh.  (...) Cảnh chỉ còn có trước mắt chiếc cằm nhỏ nhắn xinh như một trái đào Đà Lạt lớt phớt lông tơ run rảy rùng mình trong một buổi sáng tinh mơ gây gây lạnh. Anh đưa tay nâng cằm Kristina mà cứ nghĩ là đang chạm vào cái mượt mà mềm mại của trái đào quê hương lung linh trong trí tưởng. Tiếng hát không có đàn cô quạnh buồn hiu hắt". (BCMS, tr. 56-58). Khi tiếng hát của Kristina cất lên thì Cảnh không thể thoát khỏi quá khứ của một thời Đà Lạt: " Tiếng hát khởi đầu bằng những âm điệu cao vút rồi lanh chanh dồn dập kéo tới như tiếng nước đổ. Cảnh thấy như mình đang ngồi dưới thác Prenn, đang ngước nhìn lên đỉnh thác Gougah. Đà Lạt những buổi sáng mù sương. Những tia nắng hắt hiu nằm long lanh trên những cột nước đang mải miết chen chúc nhau tụt xuống một chiếc thang dây vô hình. Tiếng hát chậm dần lại búng lên những tiếng rời rạc êm ả. Những vạt nước loang loáng bò qua những bụi cỏ, khóm hoa, len lách qua những phiến đá sần sùi trên thác Cam Ly. Tiếng rì rào than thở ngày đêm không ngưng nghỉ. Những lưỡi nước hôn nhẹ lên những mặt đá nhẵn thín chập chờn chập chờn chồng chất lên nhau rồi vội vã kéo nhau đi như sợ trễ một cái hẹn nào đó. Cảnh cũng chập chờn trong hoài niệm của những ngày xưa cũ. Lênh đênh như một chiếc lá khô bị xô tới xô lui mê mải" (tr. 59). Đây chỉ là nhung nhớ và hoài niệm, có buồn nhưng thật đẹp, nếu so với Đà-Lạt sau này khi trở về chốn cũ!

Khi viết về văn chương lưu đày, chúng tôi đã từng ghi nhận: "Quê nhà do đó trở nên điểm tựa, cho những tham khảo đã mất đó! Nhưng với thời gian, nỗi nhớ cũng trở nên khô cằn, già cỗi, một cách bi thảm, khó khăn. Nỗi nhớ trong cô đơn, giữa những thê thảm của cảnh vật xa lạ, "của người" thường trực chung quanh,... đã là những yếu tố làm suy bại kẻ lưu đày! Quá khứ quấy rầy đến làm hỏng cuộc sống hiện tại; đã dứt bỏ quá khứ nhưng không dễ, lắm khi bị thương tổn" (1). Tác-giả Song Thao (và nhân-vật của ông) sống chìm trong ngôn-ngữ và quê người, trở thành mảnh đất văn-chương. Giữa tiếc nuối và đứt đoạn (một loại tang chế), đau khổ và vui sống, tác-phẩm trở thành những mảnh đời không còn của những thiên đường đã mất. Người có quá khứ, kỷ-niệm  thì nỗi nhớ quấy rầy, tiếc nuối hạnh-phúc tưởng bỏ được đã không thể, vẫn day dứt!

Thật vậy, "những ngày đầu nơi xứ người anh chỉ ao ước có lúc được nhìn lại khung cảnh quen thuộc như thế này. Nỗi nhớ xót xa kỳ lạ lắm chắc em không thể tưởng tượng được đâu." (ĐĐCT, tr. 208). Hoán là người trẻ mà còn nghĩ thế về cảnh sống lưu lạc, huống chi là người lớn tuổi như bà dì Hòa của nhân-vật Tôi trong Cũng Gọi Là Về: "Về lại đất nước bao giờ cũng là niềm vui của dì. Những lần qua Pháp trước đây, dì đi như có sợi giây vướng víu ở chân. Con cháu đầy đủ cả ở Pháp mà lòng dì vẫn cứ muốn về. Mỗi lần dứt ra về được, dì như được tháo cũi sổ lồng. Hình như quê hương đã giữ chặt nhịp thở của dì, ban phát cho dì hạnh phúc của cuộc sống" (CMGS6, tr. 143). Người dì này đã từng khó khăn chấp nhận di cư vào miền Nam thời kháng chiến 1946! Cuối cùng dì cũng về "trong chiếc bình sứ' thu nhỏ... trong chiếc xách tay theo cô em tôi lên máy bay. Cũng là một chuyến về. Lần này là chuyến về quê vĩnh viễn của dì tôi".

Chốn Cũ

Nỗi day dứt đó sẽ vơi bớt khi người ra đi có thể trở về chốn cũ. Trong trường hợp Song Thao, ông từng hồi cư rồi di cưdi tản, ba lần thay đổi cuộc sống, một cách không tự nguyện. Ngay từ những truyện ngắn đầu tay ở hải-ngoại, Song Thao đã viết về chốn cũ và thời-gian đã mất, nhưng hai tập Bên Lưng Những Con ChữChốn Cũ mới thật sự ghi đậm dấu tâm thức này qua các đề tài thời gian và ký ức, mong-chờ và lắng nghe, vọng về, những lưỡng đề ngoài-trong, xưa-nay, tưởng-đã-quên - nay-tìm-lại. Chốn cũ được soi qua lăng kính phân tích và chú-giải, có khi đưa đến những nhận dạng ra cái sâu lắng của bản ngã không được đánh giá đúng. Nay con chữ đến như cứu-cánh tự tại, trình bày, biểu thị cái khuôn mặt che đậy của bản ngã. "Cái còn-lại", một từ ngữ của thời Hậu hiện-đại, trở thành sự chấp nhận tiêu cực, cái lẩn quẩn quấy rầy bởi sự hiện diện của nó, một thứ hiện diện 'bên lưng', 'bên lòng', v.v. Còn lại cũng là cái sừng sững, chưa mất, chưa bị triệt tiêu, một từ ngữ diễn tả ý tưởng nặng nề và mờ đục về vật chất cũng như tâm linh. Xuyên qua quá trình trở-về, đi-tìm, cái còn lại diễn biến rời khỏi vật chất vì yếu tố được sủng ái của nó là thời-gian, vì cái còn lại ở với thời-gian. Nhân-vật Nghiệp trong Cỏ Mềm Lãng Đãng tưởng đã tìm lại giọt máu rơi: "Nhìn dáng dấp Ngàn lồng trong bóng dáng nhỏ nhắn của Sarah anh bỗng cảm thấy rõ ràng con nhỏ đã được tượng hình vào một buổi chiều chạng vạng trong một ngày nhộn nhạo hốt hoảng năm xưa. Anh khẽ gọi thầm trong miệng. Con ơi!" (ĐĐCT tr. 27).

Ý niệm "cái còn lại" có khía cạnh tiêu cực mà con người muốn sống mạnh, đi lên, cần phải loại trừ. Tiêu cực với những nhãn hiệu như cặn bã, tàn tích, di vật, bùa hộ mệnh, v.v. vì những cái này có di hại rơi vào tôn sùng quá đáng (di vật), hoặc biểu dương thái quá thành ảo ảnh (bùa hộ mệnh), hoặc tiếc nuối cái đã mất (tàn tích, cặn bã). Sự thái quá đưa đến đồng hóa "cái còn lại" với những cái có thể sờ mó được trọn vẹn. "Những kỷ niệm như làm cho người ta níu kéo được cuộc sống dù là một cuộc sống đã mất tăm mất hút trong cái biền biệt của thời-gian. Cuộc tử sinh sao quá suồng sã!" (BCMS, tr. 180). Nhân-vật chị Vinh trong Người Thay Áo sống với hy vọng: "Nhưng cái mất mát từ một hiện diện sờ mó được tới một ý niệm thấp thoáng nét hư không phải cần có thời gian mới nuốt trôi được anh ạ. Nếu bây giờ tôi nói với anh là tôi đã nhìn thấy anh Vĩnh bên ngoài cõi sống này anh có tin không?"(BCMS, tr. 181).

Song Thao, hay nhân-vật của ông, đã trở về thăm lại Việt Nam, chốn cũ, bắt đầu ở miền Nam, nơi vừa bỏ đi, và hơn một lần ông xác định "trở về" chứ không phải "du lịch" (Về, Mười Mảnh Vụn). "Việt kiều" trở về quê nhà, như Hoán trong Nhạt Màu Phố Cũ, mới đó mà đã có cái "mùi nước ngoài" và người trong nước nhận xét: "Trông anh giống như một du khách người nước ngoài đứng nhìn cảnh lạ xứ người ấy!" (ĐĐCT tr 210). Nhưng bản thân Hoán thì cảm nhận xót xa rằng:"Bao nhiêu năm lưu lạc ôm nặng nỗi nhớ mong trong lòng, giờ đây ngồi giữa thành phố cũ với tên bạn xưa sao anh chẳng cảm thấy thanh thản. Anh lạc lõng giữa thành phố thân thương cũ, thấy lòng tiếc nuối như nghe một bản nhạc kỷ niệm bị đánh lỗi nhịp. Anh cảm thấy mình là một kẻ lưu vong ngay tại chốn quê nhà". (tr 201). Hoán về không tìm thấy người con gái tên Châu nhưng vô tình gặp gia đình người chỉ huy cũ, cái tình cờ để Hoán đưa lễ vật muộn màng giúp gia đình ông như chàng vẫn tự hứa. Truyện Gặp Gỡ trong tập Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại mang không khí Sài-Gòn nhẹ nhàng, kể cả những tình cảm kín đáo nhất: nhân-vật Phú trở về thăm người bạn cũ từng chung làm báo trước 1975 gặp lại Cúc con người bạn đó mà một thời trai trẻ Phú đã từng để ý.

Chốn cũ là những vùng đất quê hương từng đặt chân đến, như Đà-Lạt, nay trở về (truyện Giữa Đàng, Đà Lạt Nhớ). Hay chưa từng, nay theo những đoàn đi tour, đến Hạ Long (truyện Nhảy Chân Sáo). Không những chỉ miền Nam của thời trưởng thành và sinh hoạt mà cả Hà-Nội, nơi chôn nhau cắt rốn của tác-giả. Trong tập Chốn Cũ, hai truyện Chốn Cũ và Tìm Về cùng kể lại cuộc hành trình trở về ấy. Hà-Nội mới là "chốn cũ" của tiềm thức mang chức năng quan trọng nhất của Song Thao, cái nôi thời thơ ấu và niên thiếu là khoảng thời-gian tạo nên nhân cách và con người, nói như các nhà phân tâm học. "... Từ khi về lại trên mảnh đất này con người tôi như trải rộng ra. Máu mủ tôi rần rần trong châu thân những người chung quanh. Tôi mềm lòng với những con người bên tôi. Tôi thương cả những cái ranh mãnh, mánh mung vặt vãnh của những con người mà đời sống đã dậy họ phải lắt léo với chút lợi lộc còm cõi" (CC tr. 41-42).

Bước chân đi tìm về chốn cũ, đi qua nhiều con đường ngày cũ, háo hức tìm ra ngôi nhà nơi gia đình đã ở; cho nên khi đến gần, "chân tôi như có động cơ. Càng gần tới nhà, đôi chân càng cuống quít (...). Chân tôi như muốn vấp ngã. Tôi đã quá gần nơi chốn ấu thơ vẫn đậm nét trong trí tôi những ngày xa Hà-Nội" Nhưng bể dâu đã xảy ra, chốn thanh bình vườn cũ nay thành chợ vải bát nháo. "Đất thánh của tuổi thơ tôi. Mắt tôi hoa lên vì tức. Người ta đã ăn cắp vỉa hè của tôi. Tôi ngậm ngùi trước nhà cũ. Ngót nửa thế kỷ lưu lạc, tôi mới trở về. Tôi có phải khóc không nhỉ? Mắt tôi khô đi vì xúc động. Tôi đứng lặng người . Hình ảnh những ngày cũ quay mòng trong chiếc đầu đã hai thứ tóc, những sợi tóc bạc màu nhung nhớ nằm lấn lướt những sợi tóc ngày xanh." (CC tr. 52,53).

Trong Tìm Về, những ngôi biệt thự (‘địa chủ’) nay bị cắt nhỏ thành những cửa hàng nhộn nhịp, vỉa hè chỉ còn trong tâm tưởng "chứ không còn tại nơi chốn cũ"; người trở về muốn tìm gặp Chuyên, người cũ, "cô bé mười ba tuổi trắng trẻo, mũm mĩm, mắt tròn to, tóc rậm rạp đen nháy, lúc nào cũng theo tôi trong các cuộc chơi". Nay gặp lại thì Chuyên là một bà góa đã về hưu, nhưng Ngạn (Tôi) và Chuyên đã nhận ra và gặp lại nhau với tình cảm nguyên vẹn của ngày xa xưa. Họ đi với nhau đến những chốn cũ của tuổi thơ. Hạnh-phúc tìm về chốn cũ thật ra là ở nơi người trở lại, vì người ở lại như Chuyên đã nhận xét:"Thích nhỉ! Đi xa trở về mới có những tình cảm như vậy. Còn chôn chân ở nơi cũ như em thì chẳng cảm thấy gì cả". Nhưng tình xưa thì 'cô' nay vẫn cảm: "Chuyên luồn ra phía sau, ôm cứng lấy tôi, thì thào bên tai: Vậy thì em phải giữ anh cho chắc. Ngày xưa em cũng đã giữ anh như vậy nhưng anh vẫn gỡ vòng tay em chạy mất. Anh còn nhớ vòng tay xưa của em không?" (CC, tr. 128).

Song Thao trở về nhà cũ, tâm trạng không phải như của người con đi hoang tìm về nhà cha như trong Thánh Kinh, mà đúng hơn là tâm tình của người tìm lại được thiên đường đã mất - bị mất thì đúng hơn, vì sự bỏ đi của ngày trước có lý do chính đáng của nó - sống còn, không chấp nhận. Những tình cảnh hội ngộ vừa kể khác với không khí chốn cũ trong truyện Cô Ngân. Chốn cũ Hà-Nội ở đây là một nơi chốn chỉ để nhớ lại, từ thời Nhật chiếm đến hiệp định chia đôi đất nước, cô Ngân lấy chồng người Corse nên theo chồng ly hương sống đời lưu xứ, hành-sử "như một nhánh cỏ nơi quê cũ chỉ biết cúi rạp mình nương theo những cơn gió phũ phàng và nhánh cỏ đó đã bị bứt lìa ra khỏi gốc trôi dạt tới những bến bờ thăm thẳm mù khơi" (BCMS, tr. 165). Ở đây, hoài niệm đã phải nhường chỗ cho thực tại hội-nhập!

Trở về chốn cũ để tìm, để sống lại, để nhận chân, để chứng kiến "cái còn lại", hữu hình và cả vô hình hay trong tiềm thức. Ở những truyện viết sau năm 2000, "cái còn lại" được tác-giả trình bày rõ hơn (so với các truyện trước đó) trong tương quan với hôm nay, với giây phút thực tại như là điểm đến sau khi đã trải qua một chuỗi niên-đại liên tục: "cái còn lại" chìm bóng tỏa rộng ra trong thời-gian - một thứ thời-gian bất khả hiện hữu ngoài cứ điểm không gian. "Cái còn lại" của một thời điểm, cái có thể du hành trong tâm tưởng khởi từ một thời điểm. Tục ngữ có câu "ai có thể lấy thước đo lòng người", nhưng ở Song Thao, thước đo thời-gian không chỉ đơn thuần một mảnh không gian tro tàn đã mất, có thể hãy còn mà đã cùng với thời-gian lòng người có cũ, có khác - nói đổi thì đúng hơn. Khiến cho ông đâm ra nghi ngờ cả tình bạn, như với Huỳnh và Ngọc trong Cuộc Rượu Ngày Đi: "Bùi ngùi nhìn Huỳnh ngồi xụi lơ một đống buồn phiền, liếc mắt xuống đôi chân bất toàn của người bạn xưa, tôi chợt như nhìn thấy lại ba mươi năm qua của tình bạn giữa chúng tôi.(...) Tôi muốn hỏi như đã hỏi cô nhỏ bán kính. Giả hay thật?" (BLNCC tr. 171-2).

Bình thường người ta dùng lý trí để gán Chốn Cũ với quá khứ, với suy tàn, vô hiệu, bất lực, hết thời,... Nhưng Song Thao như muốn chứng minh ngược lại mỗi khi so sánh nay hiện thực với xưa trong tâm tưởng. Như khi tìm về Đà-Lạt của một thời sinh viên: "Đường đi học của tôi, từ Học Xá Trương Vĩnh Ký tới Viện, qua những bãi đất trống, những vườn rau, gió thênh thang đi về. Bao nhiêu năm sống xa Đà Lạt, con đường vẫn ở trong tôi thiết tha. Con đường tôi đi lại hôm nay, chi chít nhà cửa, nắng đốt chói chang, bụi quẩn quanh, làm tôi ngạt thở. Ký ức tôi lạng quạng trước cảnh vật mới. Như có ai bất ngờ bạt tai tôi phũ phàng. Con dốc ngược gió leo đến rã chân, góc đường hò hẹn, đoạn vòng nắng quái nghiêng chiếc dù, tất cả đã mất dấu. Đường lên Viện xa lạ làm tôi ngỡ ngàng bước chân. Cổng Viện cũng mất dấu cũ". Dù vậy vẫn có những bất ngờ thích thú: "Bụng dạ tôi nao nao một niềm tiếc nuối. Bước xuống con đường đá nhỏ thoai thoải, mắt tôi sáng lên mừng rỡ. Cây cầu cong cong nho nhỏ đỏ chói vẫn còn đó. Cây lan hoa hậu son trẻ lùn tịt ngày xưa nay đã rậm rạp cao lớn bao che khắp một vùng trời" (BLNCC, tr. 191-2). Đó là dưới mắt người tìm về, còn người ở lại thì đã thất vọng từ lâu! Thật vậy, "Thung Lũng Tình Yêu tít tắp những đồi cỏ xanh đã làm tôi ngỡ ngàng với hàng rào vây quanh có bán vé vào cửa. Cảnh vật đã bị xóa nhòa đi. Khu đồi xanh cỏ mượt mà nay là một địa điểm du lịch ồn ào với hàng quán, luống hoa, vòi phun nước nhân tạo. Cái tên Thung Lũng Tình Yêu chỉ còn thu gọn lại nơi một trái tim bằng sắt rỗng ruột để du khách từng đôi từng cặp ghé mặt vào chụp hình" (BLNCC, tr. 198). Tìm về mà chốn cũ chỉ còn cái tên, thiên nhiên thơ mộng một thời đã bị phá nát; chốn cũ, nhà xưa cuối cùng chỉ còn lại trong nỗi nhớ của người xa xứ mà thôi!

Nhưng Chốn Cũ cũng là cái đang hiện thực sống động, là một phần dũng mãnh của giây phút, và cái một phần này cũng có thể đem lại thay đổi - Chốn Cũ cũng có thể đóng vai năng động nguyên thủy. Sau khi đã là đối tượng hồi hộp mong chờ và hy vọng, rồi thất vọng hay tưởng tiếc, Hà-Nội của thực tại giây phút có thể tác động lên con người và không-gian ngày xưa: cái tàn tích hay cái biến đổi trở nên trống không, vô vị, vô tri,... nhưng cùng lúc có thể soi sáng, cho thấy rõ, nhận chân. Song Thao luôn cho thấy là ông đang trực diện với Hà-Nội bây giờ, ông còn chứng tỏ đã không để cho kỷ niệm làm 'chết đứng'. Tháp Rùa sừng sững của tuổi thơ ngày nào bây giờ quả là "nhỏ quá... tôi có cảm tưởng với tay ra là đụng được", có thể vì "cái gì trong kỷ niệm cũng vạm vỡ hơn trong thực tế. Mình thường phóng đại, tô hồng chuốc lục cho những kỷ niệm" mà cái sống động cũng thuộc về ngày xưa cũ hơn là những bát nháo của thực tại Hà-Nội.

Chốn cũ trên và trước hết là nơi có đấng sinh thành. Tác-giả đã kể về những năm tháng cuối đời của người mẹ già (trong gia đình gọi là mợ) trong Trong Vùng Quên Lãng và người cha (cậu) trong Niềm Vui Không Trọn. Những nét thân thương được phác họa với sự trìu mến của những người con. Đời sống của những người thân yêu nhất ở những năm cuối dưới ngòi bút của Song Thao trở nên linh động, thay vì là những cảnh bi ai, buồn thảm.

Những trang viết của người trở về mái nhà xưa, ở Song Thao, nhất là ở những năm gần đây, mang những đặc tính riêng như tính tiểu-thuyết, tính không thể tìm thấy ở Phạm Xuân Đài qua Hà-Nội Trong Mắt Tôi (1994) nhìn với lăng kính chính trị hoặc cựu tù ‘cải tạo’, hay ở Trần Doãn Nho háo hức tìm lại kỷ-niệm cũ của tập thể (thế giới truyện Tự Lực văn-đoàn, ..): "Hà-Nội như thể là quê tôi, như thể tôi đã từng sống, từng lớn lên, từng vui, từng buồn ở đó. Con đường Cổ Ngư hình như tôi đi nhiều lần hơn đường Ngọ Môn (...) Tôi cũng đến Hà-Nội để tìm, tìm một mộng tưởng giữa sự thật, một vĩnh cửu giữa cuộc thăng trầm..." (2). Vả lại cả hai đều không là người Hà-Nội cũ, hai ông đến Hà-Nội để tìm hiểu hoặc kiểm chứng hơn là sống lại, trở về chốn cũ! Tính tiểu-thuyết dĩ nhiên cũng vắng bóng ở bút ký Quê Nhà 40 Năm Trở Lại (1995) của Phan Lạc Tiếp, một người cũ của Hà-Nội!

Hội nhập  chốn mới, tiếc nuối chốn cũ

Viết ở ngoài nước hay viết về quá khứ, chốn cũ, đương nhiên là tham chiếu với hiện tại và hội-nhập. Định cư ở một nơi khác nguyên quán, quê nhà - nhất là ở ngoài lãnh thổ đất nước, hội nhập là việc chẳng đặng đừng. Người di dân hội-nhập nếu không với tâm sự nặng nề thì cũng với quá khứ đau thương. Sau biến cố 30-4-1975, người Việt miền Nam, rồi miền Bắc, tiếp nhau đi di tản rồi làm thuyền nhân, bộ nhân, H.O, đoàn tụ. Những hãi hùng trên biển, những mất mát lớn, khiến cuộc đời còn lại có thể trở nên vô nghĩa, như với Hãng trong Vương Tơ vì "Hạnh hình như lúc nào cũng còn sống trong anh. Đôi môi khô khốc với những mảnh da mỏng trắng đục nằm cong lên cằn cỗi, làn da bị mặt trời thiêu đốt quắt queo, và đôi mắt dại trên khuôn mặt đã mất hết thần sắc của người yêu đã níu tim anh không rời. Cuộc thủy táng sau đó đã vét hồn anh rỗng tuếch rỗng toác. Ném một thân xác xuống cái mênh mông của biển cả đã nhân sự đau xót lên nhiều lần hơn là vùi một chiếc quan tài vào lòng đất" (CNMLNL, tr. 95). Ngọc của truyện Trên Nỗi Nhọc Nhằn, một thuyền nhân khác: "Đã có nhiều người vượt biển. Đã có nhiều cách ra đi. Chuyến đi nào cũng là một phiêu lưu vô định. Tai ương nào cũng là đáy vực thảm sầu. Người Việt bỏ nước mỗi người đều có những mất mát tận cùng chưa một dân tộc nào phải gánh chịu. Viết thêm về một chuyến đi nghĩ ra cũng chẳng làm nặng thêm được những mất mát tự nó đã muôn phần chĩu nặng. Vậy mà tôi không thể không cầm cây bút kể lại câu chuyện này. Câu chuyện của người đi biển, một mình" (BCMS, tr. 227).

Nhưng khi đã đến bến bờ, chưa hẳn đã hết tâm thức lẻ loi, một mình! Trước hết là biết phận, nói như một nhân-vật trong Tưởng Có Cơn Bão: "Mình là người ăn nhờ ở đậu ấy mà! Nhập gia thì phải biết nhắm mắt mà sống." (CMGS6, tr. 28). Ngày Tết ở xứ người vô vị hơn những ngày Xuân ở quê nhà những ngày thanh bình cũ (Giao Thừa Ở Một Nơi Khác, Người Đàn Bà Ôm Bó Hoa Trong Ngày Tết,...). Cuộc sống càng cô đơn hơn với những người lớn tuổi như bà Nhân (Người Đàn Bà Ôm Bó Hoa Trong Ngày Tết), ông Thanh (Rửa Tay) - ông Thanh là người hơi cực đoan khi không hài lòng về con cái nơi đời sống mới, về sự thiếu vắng những phong hóa truyền thống, mà nhân-vật Mậu ước gì ông Thanh cũng được rửa tay như thanh tẩy tâm hồn, "cử chỉ rửa tay như một cách thế truyền đạt sự thanh thản của cuộc sống cho người khác!". Sylvie, nhân-vật của Cội Nguồn Tìm Thấy, gốc Việt vì mẹ người Canada Pháp quen bố thời sinh viên, vẫn bị gọi là "chinoise", đã phải nhận thức rằng: "Tôi không thuộc về nơi chốn mà tôi đang sống. Tôi là một kẻ đứng bên lề bị mọi người ruồng bỏ lánh xa. Chắc tôi chết trong nỗi cô đơn quạnh quẽ. Làm sao tôi có thể chịu được sự lẻ loi hiu hắt này" (BCMS tr 122).

Tại sao tâm thức hiu hắt bên lề? Dĩ nhiên có những cú sốc văn-hóa, những dị biệt trong cách sống, cư xử và cả suy nghĩ. Truyện Theo Dòng Thác đã ghi lại một số, như uống trà không kem không đường, như đề nghị trắng trợn mượn vợ qua đêm, như thích thì ăn nằm thoải mái rồi sau tỉnh bơ như không quen biết, v.v. Vì hội-nhập cũng có giới hạn: trong Như Giọt Rượu Nồng, Alain, một người bản xứ làm chung hãng, bông lơn đưa ra một đề nghị vô luân "Mày muốn đổi vợ mày không?". Chuyện tầm thường đối với dân Tây phương thời nay. Phản ứng của nhân-vật Thạc cuối cùng là cơn giận kéo dài vì giá trị tinh thần của con người Á-đông bị xúc phạm. Rồi cùng Á-đông, nhưng người Việt chưa chắc đã dễ hội-nhập văn-hóa với người Hoa, nhất là ở một xã hội thứ ba: một nhân-vật xưng Tôi đã lập gia đình với Yan, người Hoa, như một Người Đàn Ông Bên Cạnh hơn là chồng đúng nghĩa vì từ món ăn đến âm nhạc, v.v. đều thực sự khác biệt hơn là hòa hợp!

Theo dõi tâm thức của tác giả qua các tác phẩm cho thấy có một diễn trình biến thiên, cập nhật. Song Thao lúc đầu viết về quá khứ như những nhung nhớ, tham chiếu với đời sống hội-nhập, đã lần hồi trở về quá khứ với con người và khung cảnh thật riêng tư, thật chi tiết, thật xa xăm, như càng xa về thời gian người ta càng gần lại với không gian. Qua các truyện ngắn như Rửa Tay, Eva, v.v., người đọc cảm nhận được những đổi thay đã xảy ra với các gia đình người Việt: khủng hoảng phụ quyền, giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền, ly dị, ly thân, con riêng, v.v. Những thảm kịch hội nhập, hôn nhân dị chủng thì khá nhiều vì người Việt định cư ở nhiều quốc gia, đại lục và vào nhiều thời điểm khác nhau. Đợt 1954 như truyện Cô Ngân từ Hà-Nội sang đảo Corse giữ nếp sống theo truyền thống bên cạnh con người thời đại sống ích kỷ theo chủ nghĩa cá nhân, vẫn con đông mà lại học hành nên, được lối xóm người bản xứ kính trọng. Cái gọi là thành quả ấy cô thú nhận "thật ra cô thấy những việc cô làm cho gia đình (của riêng cô) chẳng có gì là ghê gớm cả. Cô chỉ bắt chước đúng cuộc sống của bà nội: quên mình hy sinh cho chồng con..." (BCMS, tr. 164). Thảm kịch (và hạnh phúc) của di dân các đợt sau đó đã là một trong những đề tài chính của Song Thao, từ những hội-nhập hụt hẫng lúc đầu đến những hội-nhập hạnh-phúc, hài hoà, tự nhiên như hít thở khí trời! Ly dị, con riêng trong các truyện Gió Chướng, Song Thao đã nhận xét: "Sống trong một xã hội quá an bình, người ta cơ hồ như thiếu sức chịu đựng. Người nào cũng thoải mái giang chân giang tay chiếm cho thật nhiều chỗ. Cái tôi ít bị nguy nan nhiều phần sẽ trở nên hư đốn không biết nhường nhịn." (CNMLNL, tr.  53).

Song Thao đã viết về những cặp hôn nhân dị chủng Tôi-Yan, Trường-Liwah, Sylvie-Hiên, Hà-John,... Người Việt lấy vợ đầm, lấy chồng Mỹ có khuynh hướng tìm đến cộng đồng người Việt, thèm được nhìn người, thèm nghe và được nói tiếng Việt. Trong Đong Đưa Cuộc Tình, Hà lấy chồng Mỹ theo về quê chồng lúc chưa có cộng đồng người Việt tị nạn, đã cảm thấy "chới với giữa những người xa lạ. Anh biết không, thuở đó dễ gì mà tìm được một người đồng hương. Đi ngoài phố thấy bóng dáng một người Á-châu là ngóng cổ nhìn mong cho nghe được một câu tiếng Việt. Gặp được một người Việt là mừng hết lớn" (ĐĐCT tr 46). Do đó người đọc không lạ khi cuối cùng Hà bỏ người chồng Mỹ để làm lại cuộc đời với Hiển, người yêu thời hàn vi, dù nay "Da thịt của nửa quãng đời son trẻ tôi đã dành cho người, giờ đây chỉ còn chút xương xẩu tôi thu vén cho cuộc tình của tôi. Tôi có dành phần quá đáng đâu, phải không anh? " (ĐĐCT tr 49). Lấy vợ đầm như Hiên với Sylvie trong Giọt Trầm cuối cùng cũng rơi vào cùng tình cảnh văn-hóa hoà nhi bất đồng: "Hiên ngột ngạt trong tấm lưới tình cảm êm dịu của Sylvie. Nàng bủa vây anh bằng những âu yếm ngọt bùi..... Nàng nhồi nắn Hiên cho vừa vặn với tiêu chuẩn của giai cấp trưởng giả của xã hội này. Hiên của nàng chẳng thua kém một ai. Nhưng Hiên đã bỏ cuộc. Anh không biết mang mặt nạ. Sống gượng gạo cho vừa ý mọi người không phải nghề của một "trâu điên" mặt mũi đã từng khét lẹt khói súng. Huống chi trong bụng anh lại có nguyên một cành gai châm chích khôn nguôi. Nó nhắc nhở liên tu bất tận khối u ẩn trong thâm tâm anh. Hiên vẫn yêu vợ nhưng không thể chiều vợ được. Cuộc sống lứa đôi mang cái dáng khập khiễng. Họ vẫn sánh bước bên nhau nhưng đôi chân mỗi người đều có con đường mòn riêng" (ĐĐCT tr. 84). Vì Hiên còn có một quá khứ: "Sylvie không thể hiểu được tâm trạng của Hiên. Tại sao anh lại bận lòng với quá khứ như vậy? Quá khứ là cái phần phải lui vào bóng tối, là thời gian người ta phải bỏ lại không luyến tiếc. Như những chiếc hỏa tiễn rụng rơi trên bầu trời khi đã hoàn tất nhiệm vụ đẩy phi thuyền lên không gian. Người ta chú mục tới cái phần cốt lõi ở trên cao chứ ai lại nặng lòng với những thứ đồng nát tiêu hao dưới đất. Hai chân Hiên đang đứng vững trên xứ sở này cớ sao đầu anh cứ quay về phía sau, phía chỉ có toàn bóng tối mịt mù" (tr. 83). Ngay cả lấy chồng người Hoa như nhân-vật Tôi trong Người Đàn Ông Bên Cạnh cũng không thể 'hảo hợp' như những lời chúc ngày thành hôn, vì người vợ Việt vẫn thiếu ngay cả cái căn bản nhất là ngôn-ngữ: "Đôi khi tôi lên cơn thèm nói tiếng Việt như người ghiền thèm thuốc. Bứt rứt khó chịu lạ lùng. Không được nói tiếng Việt ở sở, về nhà tôi cũng chẳng biết nói với ai, tôi như thấy thiếu thốn trong tận cùng thâm tâm. Tôi thèm có người nói chuyện để ba hoa cho đã cái miệng. Tôi điện thoại cho Yan và đi thẳng từ sở về nhà ba mẹ tôi. Yan cũng thừa dịp về gia đình anh. Tôi vô cùng thoải mái và có lẽ Yan cũng cảm thấy như vậy. Chúng tôi chẳng thể sống trong gia đình của nhau như một phần tử trong gia đình".

Nhưng thế-giới của Song Thao (và Nguyễn Trung Hối, v.v.) cũng có những cảnh hội-nhập ngược. Trong truyện Nẻo Ngược, cô gái Cindy người bản xứ thích ăn các món Việt-Nam kể cả mắm nêm, rau thơm, ớt,... làm như người mẹ suýt lấy Việt-Nam thì con có thể ăn uống như người Việt! Trong Còn Đó Bóng Hình, cô cháu Cát Tiên bố Pháp cũng vui mừng giữ được phần gốc Việt với những món ăn Việt, những món ăn như thay thế bóng hình người mẹ Việt-Nam đã quá vãng! Chưa kể những phong tục và lối sống Việt-Nam được người bản xứ trân trọng và muốn dự phần (Tưởng Có Cơn Bão, v.v.). Dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, Song Thao vẫn có những tháo gỡ nhẹ nhàng, có thể hợp tình và cũng có khi hợp lý. Trong Mai Sau, Giao bị ung thư nặng, đã thương vợ đến độ sắp xếp để Phụng, người bạn rất thân của mình, đưa về ở chung mái nhà, bất chấp dư luận, đẩy bạn và vợ vào nhau trong những sinh hoạt bình thường, và cuối cùng phải nhận lời sẽ đùm bọc cho vợ mình sau khi anh ra đi. Vào nhà thương lần cuối, trước khi hôn mê, "Giao đã dặn kỹ bà (bác sĩ) là chỉ trao hai bức thư này khi anh không còn nữa. Nét mặt nhàu nát và lời nói nghẹn ngào của Giao đã nói cho bà biết đó là những bức thư quan trọng. Anh đã lắp bắp dặn bà như một người đang cố bước ra khỏi những vòng dây rối mà chân cẳng còn như muốn dính vào đất đai cuộc đời".

Đi tìm nguồn cội

Sống ở xứ người, hội-nhập là chuyện đương nhiên, nhưng đồng thời nhu cầu đi tìm nguồn cội cũng tha thiết, khẩn cấp không kém. Nơi đất khách, bên cạnh cuộc tìm tình người, tìm tình-yêu, ở những người xa lạ chung quanh, là những cuộc tìm người thân, gần cũng như xa. Đặc biệt ở Song Thao, tình bạn hữu có một chỗ đứng quan trọng. Gặp lại bạn cũ là niềm vui tìm thấy, là thuốc tiên chữa bệnh cô đơn. Trong Phận Người là mẫu số chung tình bạn giữa những con người mà số phận và cuộc đời khác nhau. Trong Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại, cái chết của một người đã níu kéo đưa đến gần những người bạn học chung một thời. Trong Chớp Mắt Ngoái Lại, đó là tình nghĩa giữa ba người bạn từ những ngày học trò tuổi nhỏ lớn lên với những biến cố của đất nước và cuối cùng ra nước người vẫn theo dõi nhau, giúp gia đình bạn như một "thiên thần hộ mệnh". Bên cạnh là những con người một thời ở quê nhà trước đó đã làm việc hoặc liên hệ mật thiết, những tình 'huynh đệ chi binh' của những "ông thầy" như Hiên trong Giọt Trầm, v.v. Với Song Thao, các nhân-vật người bản xứ cũng đầy tình cảm và lương tri, biết sống trách nhiệm, như Jeff, một người Mỹ da màu từng qua Việt-Nam chiến đấu, cuối cùng đã tìm lại được đứa con lai mà ông từng bao nhiêu năm tháng truy tìm (Dõi Mắt Vời Trông).

Đi tìm cội nguồn trong truyện kể có phân tích thông suốt đồng thời tạo hiện tượng đa nghĩa khi phải tham chiếu hiện tại cho quá khứ và ngược lại. Tác-giả khi cần đã phải đi vào tỉ mỉ tình tiết cho tiểu-thuyết. Sống giữa một tập thể mới đa văn-hóa, ả-rập có, do-thái có, hồi giáo có, người Canada nói tiếng Pháp tiếng Anh đều có, Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ latino, v.v., nhân-vật Việt của Song Thao sống và cư xử như người Việt, với tâm tình Việt, với những nét lém lỉnh, tự cao, cũng như rất rõ những nét cởi mở, tự nhiên. Những trang Song Thao viết về những tình cảnh và thân thế khác nhau của dân di trú khá tài tình, như một đi tìm thông cảm, hiểu biết hơn là để tránh xa. Trong Hạnh Phúc, ông trình bày chân dung một đời sống đa văn-hóa mà cũng vì văn-hóa mà lòng người đã như thu hẹp lại trong bốn bức tường ghetto: Liwah, sinh viên du học người Hoa-lục lấy chồng người Việt, Trường, tình-yêu hai người trẻ không đủ khỏa lấp những ngăn cách, nghi kỵ. Liwah lạc lõng trong một gia đình khác chủng tộc (mà cứ tưởng là cùng chung khối á-đông) lại phải mang mặc cảm của một người đến từ một nước theo chế độ cộng sản vốn là kẻ thù ý thức hệ của gia đình chồng. Cái ghetto văn-hóa và chính trị đã gây nên những nỗi bất hạnh cho con người: "Cái xuất xứ Trung Quốc của Liwah đã trở thành một hàng rào vô hình ngăn cách nàng với gia đình anh. Bố Trường là người đã khơi cao chiếc hàng rào ngăn cách lên hơn nữa. Ông đã sống dưới chế độ Cộng Sản. Ông đã bị đày đọa trong các trại cải tạo. Lúc nào cái dấu hỏi to lớn cũng dựng đứng trong đầu ông khi phải tiếp xúc với những gì dính dáng tới cái màu đỏ chát chúa mà ông kinh sợ. Những con người được sinh ra và sống dưới chế độ Cộng Sản, họ chẳng có tội tình gì, nhưng ông vẫn nghi ngại. Mấy ai được trui rèn trong lò lửa mà chẳng lem lấm bụi than. Cái trí trá của một chế độ dễ tạo ra cái trí trá trong mỗi con người" (CMGS6, tr. 36-7).

Song Thao chứng tỏ con người lạc quan trong tình cảnh không vui nhưng không còn có lựa chọn khác, vững niềm tin nơi con người và lẽ sống còn, như người phụ nữ do-thái trong Eva sống vì tình nghĩa hơn là lý trí, thành hôn với người làm ơn: "Cho tới bây giờ tôi vẫn một mình. Cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Phải chi tôi có được với anh ấy một đứa con! Nhưng đâu có thể đòi hỏi nơi anh ấy điều anh ấy không thể làm được. Mình cũng đâu có thể tính lời lỗ với cuộc sống của mình được ông nhỉ. Cái được nhiều khi chẳng phải là được. Cái thua nhiều lúc cũng chẳng ra thua. Người ta bảo nó như một trò chơi. Ừ thì chơi!" (CMGS6, tr. 112).

Trong số những nhà văn khác viết nhiều về hội-nhậpnguồn cội có Tâm Thanh, Song Thao, Hoàng Chính, Hoàng Nga, Nguyễn Trung Hối, Ngô Nguyên Dũng, v.v., nhưng ở mỗi tác-giả có những đặc thù đáng kể. Ngoài đặc thù địa-dư hội-nhập (Canada, Hoa-Kỳ, Âu-châu), Nguyễn Trung Hối vội vã và hết mình. Tâm Thanh và Hoàng Chính nếu không lãng mạn thì giữ kẽ. Song Thao có thể sinh sống trong môi trường đa văn-hóa hơn và chịu khó quan sát, đã viết về một hội-nhập tích cực, đa diện hơn, ông đã tài tình dùng kinh-nghiệm, quan sát và hiểu biết riêng để khai thác tâm lý của các nhân vật và sắp xếp các diễn tiến.. Người kể Song Thao đa mang truy tìm trong kho chất liệu quá khứ nhưng không hẳn để tái tạo lại dĩ vãng dù có thể vàng son đến mấy, nhưng từ đó, tác-giả, cùng với những chi tiết ngoài, tạo dựng nên đời sống tiểu-thuyết, văn-chương. Có thể nói Song Thao chạy đuổi theo đời sống tiểu-thuyết với quá khứ của ông và cả của thế hệ ông, như một người thông suốt mỗi khi đặt chúng vào ngoại cảnh hôm nay.

Ở bút ký, dĩ nhiên cái Tôi dễ sừng sững, hiện diện. Trong truyện, Song Thao dùng nhân-vật ở ngôi thứ ba để nói đến cuộc đời và hành-sử của người đó, thường có vẻ giữ khoảng cách "tôi-nó, hắn" nhưng lại như nói về mình và "nó, hắn,..." trở nên quá-khứ, tham chiếu. Có những truyện mà tiếng nói của tâm tư, đáy lòng của nhân-vật như những trừng phạt cái Tôi, cái ý thức hoặc lương tâm. Hoặc ông gây cho người đọc cảm tưởng mơ hồ về một cái Tôi khác hoặc tha-nhân ở tác-giả, một nhân vật như đóng hai vai, nhân-vật và tác-giả. Ở Song Thao có sống lùi, có vui sống hôm nay dù đôi khi gượng gạo, như góp vui, chơi chung, nhập chén, và có cái Tôi, tự truyện. Đặc tính này nói chung bàng bạc, nhưng người đọc nếu đọc hết các tác-phẩm của ông có thể tìm ra, hình dung được những nét chân dung, hành-sử, CV của tác-giả.

Như vậy, ở Song Thao có Cái Tôi giấu mặt và có những ám ảnh của cái Tôi. Trong các truyện ngắn của ông, nhân-vật xưng Tôi hiếm là nữ (Hà trong Đong Đưa Cuộc Tình và Bỏ Chốn Mù Sương, Nghi trong Bỏ Hoang Đời, Thanh trong Đà-Lạt Nhớ, Tôi trong Người Đàn Ông Bên Cạnh,...), phần lớn là nhân-vật nam, khi thì mang tên Thạc, có khi là Cảnh, Thịnh, Hiên, Ngọc, Trọng, Đạt, v.v. Khác Cái Tôi đích danh (thật), những Tôi ẩn danh giúp tác-giả dễ dàng diễn tả hành động và tâm tình qua các nhân-vật, cũng như dễ mở đầu câu chuyện và kết thúc tình huống. Âu cũng là cách làm văn-chương thoải mái, hơn là tự-truyện vốn vẫn bị ngờ vực, kể cả thánh Augustin hoặc Pascal. Từ J-J Rousseau với Tự Thú (Confessions), André Gide và Jean-Paul Sartre mới có những tự truyện (autofiction) đúng nghĩa văn-chương. Thể tự truyện còn có thể là một công cụ có tính xã hội, tâm lý như với những Thế Uyên, Túy Hồng, Lê Thị Thấm Vân, Dương Thu Hương, Đỗ Hoàng Diệu, v.v. dù tác-giả không xác nhận. Ở Song Thao, Cái Tôi không được phơi bày chính thức, mà lúc ẩn lúc hiện, giấu mặt khi cần - trong những nhân-vật nữ và những truyện ngắn đầu tay ở hải-ngoại, ra mặt những khi khác - nhất là trong hai tập truyện mới nhất. Tác giả Song Thao biến mất, ẩn dấu đằng sau tác phẩm, nhường chỗ cho nội dung, cái được nói ra, phải nói lên, phải này phải nọ. Phần lớn các truyện ngắn của Song Thao tham chiếu lịch sử, tham chiếu thời gian, tác giả như đi bên cạnh, bên lề, nhưng bỏ lịch-sử và thời-gian ra thì tác-giả, cái tác-giả viết ra mới là chính.

Song Thao chuyên trị truyện ngắn, bút ký và phiếm; người đọc chưa được thưởng thức truyện dài của ông. Văn Song Thao như theo khuôn chừng mực, ít cách tân, có thể đó là lý do ông viết đều và liên tục, khác với một số cây bút cùng thời thời-gian gần đây đã ngưng hoặc không tiếp tục xuất hiện. Văn kể chuyện trực tiếp, từ tốn, với giọng điệu duyên dáng, ví von thông minh. Mỗi truyện đều có những chi tiết và quan sát mới lạ, tinh tế, làm như tác-giả thích quẩn quanh đời sống bình thường để bất chợt khám phá những cái hay, đẹp, bất ngờ! Những địa danh quen thuộc ở Bắc Mỹ (và ở Việt-Nam) cũng như một số biến cố đã là đề tài hoặc để lại dấu vết trong truyện của ông, lớn như vụ khủng bố 9/11, nhỏ hơn như những hội chợ Tết của người Việt ở Montréal, v.v. Văn Song Thao giản dị trôi chảy, đôi khi rơi vào biền ngẫu dễ thương như đã quen: "Một tháng chín ngày không phải là thời gian dài. Nhưng nếu tính từng phút trực diện với thần chết, đối đầu với tuyệt vọng, thách đố với hiểm nguy thì mỗi phút là một thời gian không phải ngắn. Một tháng chín ngày kết hợp bởi một chuỗi giây phút căng cứng như vậy phải là một thời gian lê thê nặng nề vo chặt con người trong nỗi khủng khiếp tai quái. Ngọc ngồi trước mặt tôi trong một căn phòng tồi tàn dưới hầm một tòa nhà cũ rích ở Montreal không có vẻ là người có đủ can đảm tung mình vào cái mênh mông đầy bất trắc của đại dương, có đủ nghị lực căng mình chống trả với sóng gió, bão táp cuồng nộ của biển khơi. Tôi không thấy gì đặc biệt nơi khuôn mặt xương xương tai tái, nơi đôi tay khẳng khiu đen đúa, nơi dáng người cao cao chênh vênh. Chỉ có cặp mắt và đôi lông mày. Cặp mắt lì lợm cương quyết vẫn còn hằn rõ những tủi nhục đầy đọa nơi quê cũ. đôi lông mày rậm rạp giao nhau như hai con sâu xù xì đang cụng đầu nhau thách đố..." (BCMS tr. 226-7).

Bút pháp, giọng văn Song Thao tỉnh táo, nhẹ nhàng, dù nhân-vật đang ở vào tình cảnh phẫn nộ, như khi đóng lại truyện Như Giọt Rượu Nồng: "Một lời xin lỗi lạnh lùng như là một thủ tục thông thường của những người văn minh. Giống như câu xin lỗi của những người vô ý đụng nhau ở ngoài đường. Rất máy móc và rất lịch sự." (BCMS tr. 24). Điềm đạm, kể cả trong những tình huống buồn thảm - như mất việc làm chẳng hạn: "Loan nước mắt doanh tròng đưa tay cho Ngạn nắm: -Chúc anh may mắn! Mọi sự rồi sẽ qua. Nhớ lúc mình mới tới đây, lạ nước lạ cái, chẳng biết sẽ sống ra sao. Vậy mà cũng chẳng chết! Giờ này thì nhằm nhò gì. / Ngạn rộng miệng cười không thành tiếng: - Ờ nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Giữ cho chân cứng đá mềm nghe Loan!" (Auld Lang Syne, CMGS6, tr. 79).

Ví von gắt gỏng vì bực không thể không nói, như Sài-Gòn hôm nay với những cái gọi là "khẩu trang": "Những đôi môi của các cô gái Saigon quanh anh đều bị băng kín dưới những khẩu trang (...) Một miếng vải đủ che kín miệng mũi với hai sợi thung mắc vào tai. Cả thành phố bịt miệng bịt mũi. Cũng có lý. Trăm tội từ cái miệng tuôn ra, ngàn uế khí từ cái mũi thu vào. Bịt quách đi là xong!" (ĐĐCT, tr. 227).

Về những cảnh tình dục, Song Thao thuộc thế hệ không thể vung tay tả chân như một số nhà văn hiện thực hoặc Hậu hiện-đại. Dù một số nhân-vật của Song Thao không 'đạo đức' cao nhưng họ không đạo đức giả; thấy gái và những đồi núi hấp dẫn thì nhìn, cả công khai không cần phải tế nhị, kín đáo, đi xem nhảy truồng, vào xóm chị em ta, v.v. nhưng khi tả những cảnh làm tình thì nếu không dí dỏm bóng gió cho qua thì ông lựa chọn con đường thơ mộng hóa, hình ảnh hóa. Như anh chàng Cảnh cùng cô gái người Ba Tây Kristina đã cho nhau theo tiếng thác Niagara: "Đôi tay Cảnh mở hội hoa đăng. Dòng suối màu sữa uốn mình thức giấc. Thịt da lên gai ngây ngất. Dạt dào tiếng thác vỗ. Rung động nỗi khát khao. Bùng nổ những đê mê đang triền miên vỗ về hai khối da ngà"(Theo Dòng Thác). Hoặc chữ dùng màu mè mà người đọc vẫn được mời tưởng tượng thêm, trong truyện được dùng làm tựa cho tập Bên Lưng Những Con Chữ: "Lãng kéo chiếc gối nằm dọc sát bên Nhi. Những chiếc hôn từng chặp đam mê. Nhi đẩy Lãng ra. Gối em vàng, em là rơm, gối anh đỏ, anh là lửa, đừng đốt em nghe anh. Nhi thấy rực lên ánh lửa trong mắt Lãng. Câu can ngăn của Nhi như mời mọc Lãng. Anh xoay người phủ lên Nhi. Từng mảnh vải cuống quít tung ra mặt thảm. Thân hình Lãng rực lửa. Nhi nhìn thấy lửa nhảy múa quanh nàng. Nàng nhắm mắt lại. Những cọng rơm trong nàng bung ra. Lửa ập xuống mê đắm. Nàng quặn lên trong lửa. Lửa bùng bùng liếm khắp thân người nàng. Những cọng rơm cong lên đón lửa. Nàng thấy thân hình Lãng lẫn vào đám lửa trong lò sưởi. Nàng nhoài người ôm đám lửa rừng rực thiêu đốt. Nhi thấy mình như tan ra, biến mất. Lửa như những con sóng ấm áp vùi nàng chênh vênh. Nàng lửng lơ ở một nơi nào đó không có thật. Chân tay nàng rũ ra. Êm ả. Sóng dìu nàng bập bềnh, bập bềnh" (BLNCC, tr. 20). Đấy là một nữ độc giả trả nhuận bút một cách 'hậu hĩnh' cho nhà văn tên Lãng hư cấu! Các nhân-vật nam hoặc xưng Tôi vốn vẫn được Song Thao chăm chút về mặt hào hoa và rất may mắn với phụ nữ!

Song Thao đã đóng góp cho nền văn-học hải-ngoại những viên gạch nhuốm màu thời-gian, rêu phong bám phủ đầy, có những viên đã nát hoặc thành vữa, tàn tích của một cuộc bể dâu, và cũng có những viên phải đào xới thềm cũ chốn xưa mới tìm ra, như vết tích khảo cổ. Trong ngậm ngùi và tưởng tiếc!

Nguyễn Vy Khanh
9-9-2007


1. Nguyễn Vy Khanh. Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX: Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại (Glendale CA : Đại Nam, 2004), tr. 366.
2.Trần Doãn Nho. "Lô Sơn Yên Tỏa" In Loanh Quanh, Những Nẽo Đường: Ký  (Los Angeles CA: Văn Mới, 1999), tr. 97, 122.