Trần Huy Bích:
Song Thao, nhớ lại những ngày Chu-Văn-An

Luân Hoán:
Song Thao, người bạn văn, biết sớm, gặp muộn

Phiếm

Tiễn

Hú Hồn Vì Tính Thày Lay

Song Thao

Luân Hoán

Viết về Song Thao

Hà Thúc Sinh:
Nghe Song Thao kể chuyện

Hoàng Ngọc Hiến:
Đọc văn học hải ngoại

Nguyễn Đình Toàn:
Song Thao - Bên Lưng Những Con Chữ

Đọc PHIẾM của Song Thao

Nguyễn Mộng Giác:
Bài tựa tập truyện: Chân Mang Giầy số 6

Giữa người viết

Hồ Đình Nghiêm:
Montréal và Bỏ Chốn Mù Sương

Hai Mươi

Nhiều tác giả:
Chùm thơ kỷ niệm

Phạm Phú Minh
Đọc "PHIẾM" của Song Thao

Lưu Nguyễn
Luân Hoán trong chuyện PHIẾM của nhà văn Song Thao

Du Tử Lê
PHIẾM của Song Thao

Song Thao, phiếm

"Phiếm chủ" Song Thao với "Phiếm 15"

"Phiếm... chủ" Song Thao chuẩn bị đường gươm…Phiếm, mới

Hoàng Xuân Sơn
Đọc PHIẾM

Mượn vài ý của Song Thao...

Song Thao - Chùm trái cấm nửa vời

Trà Lũ
Tôi đọc sách PHIẾM của Song Thao

Phạm Xuân Đài
Đọc Chốn Cũ của Song Thao

Lương Thư Trung
Vài ghi nhận về PHIẾM của Song Thao

Lá thư văn nghệ gởi nhà văn Song Thao

Bắc Phong:
PHIẾM Song Thao

Lan man của PHIẾM

Nguyễn Vy Khanh:
Những chốn cũ của Song Thao

Lê Hân:
Chờ Song Thao

Đôi dòng kỷ niệm có với nhà văn Song Thao

Đinh Cường:
Một chữ

Đặng Thơ Thơ:
Đoc "Bên Lưng Những Con Chữ"

Phan Ni Tấn:
Một chút với nhà văn Phiếm: Song Thao

Minh Ngọc:
"Thời Nay" và tuổi thơ của tôi

New York dưới dấu chân lang bạt của Song Thao

Hoàng Quân:
Ông Anh

Minh Đạo Đoàn Vinh:

Song Thao - Truyện Phiếm Du

Nguyễn Dạ Quỳnh:

Tản mạn với chú Song Thao

Nguyễn Hoàng Quân:

Song Thao, Thời Nay và Đà Lạt

Orchid Lamquynh:

Viết vu vơ về chú Song Thao

Phạm Hiền Mây:

Viết về một người viết Phiếm

Quan Dương:

Với nhà văn Song Thao

Trang Châu:

Hai Thằng tuổi cọp

Trúc Lan:

Gởi nhà văn Phiếm chủ Song Thao

Trần Thị Nguyệt Mai:

Vua Phiếm

Trần Vấn Lệ:

Song Thao, một kỳ quan

Trần Yên Hoà:

Song Thao, vua Phiếm...

Võ Kỳ Điền:

Vài nhận xét thế giới văn chương của Song Thao

Vài ghi nhận về "PHIẾM" của Song Thao

Trong văn giới, tôi thường nghe tên, nhưng rất ít được gặp mặt các tác giả tên tuổi . Một lẽ đơn giản là vì tôi không phải là người trong giới viết văn. Tôi chỉ là một người đọc, chỉ biết đọc văn và khi cần, tôi hay viết vài ba ý kiến  về một đoạn văn nào đó mà tôi đã đọc được. Nhưng với nhà văn Song Thao, tôi nhớ không lầm là đã gặp ông hai lần khi ông từ Canada qua Boston dự các buổi ra mắt sách. Gặp và chào hỏi ông qua giao tế nhưng thực tình là tôi chưa quen ông nhiều và dĩ nhiên là tôi chưa dám nhận là mình đã quen biết hay thân tình gì với tác giả của các bài Phiếm mà nhiều tác giả tên tuổi đã có các bài nhận định như Luân Hoán, Nguyễn đình Toàn, Du tử Lê, Phạm xuân Đài và nhiều tác giả khác nữa …(1)

Chính vì chưa quen thân nên khi gặp ông, tôi chỉ ngồi nghe ông nói hơn là góp lời cùng ông qua những mẩu chuyện mà ông viết. Với tầm vóc cao lớn, Song Thao, mùa hè, ông mặc chiếc áo ngắn tay bỏ gọn vào chiếc quần màu xanh nươc biển tươm tất, trông ông giống một nhà mô phạm hơn là một nhà văn phảng phất chút hồn nghệ sĩ. Dáng dấp Song Thao nghiêm mà hiền. Nói chậm mà không làm buồn chán ở người nghe. Ông rất ân cần khi chào hỏi . Đặc biệt ông không để lộ cái biết ra ngoài bàng quan thiên hạ trong những buổi gặp có nhiều người mới như tôi trong bàn tiệc. Có lẽ vậy, nên Song Thao nói rất ít hay có thể nói rằng ông thích ngồi nghe người khác nói và ông ghi nhận để rồi ông không bỏ sót chi tiết nào trong các trang Phiếm của ông. Phong cách của Song Thao, qua hai lần gặp, đối với tôi ông là một nhà mô phạm thích suy ngẫm …

Đi vào Phiếm của Song Thao, trước hết, về đề tài, hầu như trong các bài Phiếm của Song Thao, tác giả lấy con người làm đề tài chính . Chẳng hạn các cơ phận trong thân thể con người rồi đến tính nết, thói quen, tài cao, tật xấu, nhất nhất khía cạnh nào trong Phiếm của Song Thao cũng dính dáng đến con người . Từ nhỏ đến lớn, từ đàn ông đến đàn bà, từ Việt Nam đến ngoại quốc, không một khía cạnh nào tác giả bỏ lỡ . Có thể nói, tác giả chọn con người làm đề tài cho các trang Phiếm của ông là một chọn lựa hợp lẽ nhất . Bởi lẽ Phiếm nguyên thủy của nó là những chuyện của con người với cái nhìn của con người qua nghệ thuật vừa nói chơi vừa nói thiệt, vừa cười giỡn vừa nghiêm túc, vừa bình dân vừa bác học .

Khi Song Thao chọn viết Phiếm là tác giả chọn một trò chơi chữ nghĩa không đơn giản chút nào . Qua bất cứ một trang Phiếm nào đó của tác giả, người đọc thấy được rằng tác giả phải đọc nhiều, phải thấy qua, đôi lúc phải sống thực và phải thấu hiểu về mọi trạng thái  cùng tâm lý của các nhân vật trong các trang Phiếm và từ đó mà gởi gắm cái nghĩa bóng nằm khuất dưới những dòng chữ như nói chuyện với một ai đó gần gũi với mình, hầu đạt tới mục đích sau cùng của việc viết Phiếm là “ẩn dụ” .

Và Phiếm, đối với tác giả chỉ là chuyện đọc cho vui thôi mà, nhưng tình thiệt, đâu có đơn giản như vậy . Xin mời các bạn nghe tác giả bàn về nghệ thuật đọc Phiếm :”Bạn đang đọc Phiếm . Trong một bài Phiếm thường có những chữ bóng gió , nói bên đông phải hiểu bên tây, nói thế này phải nghĩ thế khác , cốt … thử thách độc giả . Có người đọc tới đó thì hiểu, cười thú vị, có người đọc bên đông cứ ở lì bên đông, chẳng chịu nhúc nhích sang bên tây . Thường thì chúng ta cho là hiểu được hay không hiểu, hiểu nhiều hay hiểu ít là do cái khiếu của mỗi người .”  (2) Và tác giả phân tích thêm : “Cái chỗ nào trong não làm cho một người phiếm hay không phiếm ? Vùng não bên trái có nhiệm vụ nhận thức ngôn ngữ làm cho chúng ta hiểu được nghĩa đen . Phiếm hay không phiếm là vùng não bên mặt, phía trước . Chính tại nơi này con người hiểu được các ngữ cảnh về xã hội và tình cảm, để từ đó hiểu được nghĩa bóng . Nếu phần não này bị tổn thương thì đời mất vui đi .”(Phiếm 4, trang 228). Đọc Phiếm phải bắt trí não làm việc cật lực như vậy, dĩ nhiên , theo tôi, viết Phiếm cho hấp dẫn lại càng khó gấp vạn lần .

Tiếp đến là các cái tựa trong Phiếm của Song Thao nó cô đọng lại chỉ còn một chữ duy nhứt nhưng hàm chứa mà bao quát đến kỳ lạ, giống như những chén thuốc bắc đắng nghét sau khi đổ ba chén nước đầy và sắc còn lại tám phân . Chẳng hạn như các bài Ung tức là Ung thư, Bạc là Bạc cắc, Hạc là Tuổi hạc, Trăm là Trăm năm vân … vân…Và dường như đây cũng là dụng ý của tác giả để phân biệt giữa các bài Phiếm và các bài tạp bút khác của ông . Nói một cách khác, hễ gặp bài nào có cái tựa một chữ như Bụng, Sợ, Bạc, Chót, Ung, Hạc, Trăm, Tè, Tơ, Sếch vân… vân…, y như rằng đó là Phiếm; còn bài nào có tựa từ hai ba chữ trở lên, người đọc nhắm mắt, chưa cần đọc, cũng biết đó là truyện ngắn hay các thể văn khác của tác giả … Tôi nghĩ, đó không phải là  tác giả  muốn làm khác người, mà là một cách tạo ra cái nét đặc biệt riêng với dụng ý cô đọng lại những câu chuyện tác giả diễn tả trong Phiếm của mình.

 Giọng văn trong Phiếm của Song Thao nó cũng có cái nét riêng với cách dùng chữ vừa như nghiêm trang mà trào lộng, vừa như giỡn chơi mà mạnh mẽ, quyết lìệt .Chính nhờ cái chất dí dỏm ấy đã làm cho các câu chuyện mà ông kể như có thêm chút duyên ngầm, đọc đoạn trước rồi lại không dừng được với những trang sau của tác giả. Thế nên, tôi có cảm nghĩ đọc Phiếm của Song Thao giống như mình đang đi du lịch và may mắn gặp được một người hướng dẫn rành đường, có tài kể chuyện  mà lại còn có cái duyên ngầm trong nghệ thuật kể chuyện nữa.

Đọc Phiếm của Song Thao, người đọc  bắt gặp ở những trang sách của ông một nhà mô phạm thông kim bác cổ . Từ những mẫu đời nhà quê tận miệt Nhơn Mỹ thuộc quận Chợ Mới tỉnh Long Xuyên trong bài “Hạc” như “Cụ bà Nguyễn Thị Thạnh, sơ sơ mới có 115 tuổi, hiện sống với con cháu tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới.”(3) chí đến những thống kê trên thế giới về tuổi thọ của loài người, đâu đâu ông cũng thông cũng biết. Từ cái mối đạo lạ kỳ  ở Mỹ tới các mối đạo quen thuộc ở Việt Nam mà  trong bài “Đạo”(4), ông đều không bỏ sót chỗ nào  Ông nhớ cả cái ý nghĩ của nhà  văn Lâm Chương trong cái hấp lực của tín ngưỡng là “hễ có lập đạo là có người theo bất kể là đạo gì”. Tác giả nhìn từ gần như nỗi sợ rắn, sợ cọp, sợ đỉa đến nỗi sợ xa như sợ trả thù, sợ chết đều có mặt trong các luận đề của tác giả về “Sợ”. Phiếm của Song Thao là hàng hàng lớp lớp những mảnh đời vỡ vụn được tác giả dàn trải có lớp có lang như những màn kịch có thật ngoài đời. Và dưới ngòi bút Song Thao, hồi kết nào trong các mẩu đời ấy rồi ra cũng là những trăn trở băn khoăn không rời trong lòng tác giả  … Điều này cho người đọc thấy rằng tác giả viết Phiếm không nhằm chê cười ai, hoặc đã kích ai mà ông muốn cùng mọi người nhìn lại những sự việc quanh mình mà ngẫm nghĩ lại chuyện đời vừa mới xảy ra …

Chính vì vậy mà những trang đời quanh tác giả , nhiều bận cũng phải hạ màn bằng những tiếng thở dài miên man không dứt bằng những dấu chấm than hoặc đôi lúc tác giả dùng dấu chấm hỏi làm cho câu chuyện mà tác giả vừa bàn qua còn một khoảng không gian cần người đọc nghĩ ngợi thêm giùm. Có vậy mới thấy cái vui của Phiếm . Chẳng hạn khi bàn về “Mê”, tác giả hạ câu kết :”Tôi cũng thở dài ! Có cách nào để giết được cơn mê của đời mình không ? Chắc vô phương !” (Phiếm 4, Mê, trang 200). “Mơ như thế mới là mơ chứ !” (Phiếm 4,  Mơ, trang 220) . “Ai cá gì thì cá, tôi biết chắc như năm rõ mười là bác Tâm sẽ đi tìm ngay một tiệm phở ở cõi bên kia ! Và tôi tin bác sẽ tới được nơi có cái mùi bác vừa tức tưởi rời xa !” (Phiếm 4, Pho, trang 272) “Không hiểu khi trù liệu sự lộng hành của anh chàng Parkinson, Giáo Hoàng có nghĩ tới anh chàng khó chịu và lộng hành hơn nhiều là anh chàng Ung không ? “ (Phiếm 4, Ung, trang 381). Hoặc vừa dấu chấm than vừa dấu chấm hỏi trong câu kết của bài Bướm :” Ô lạ chưa ! Bướm nào mới là bướm? Bướm anh hay bướm em ? Ngày xưa ông Trang Chu cũng tẩu hỏa nhập ma như  vậy . Ông cứ đấm ngực tự hỏi Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu . Chắc phải mời me-sừ Trang Chu về để hỏi cho ra lẽ !” (Phiếm 4, Bướm, trang 55”. Và còn nhiều lắm, không kể xiết những dấu chấm than, chấm hỏi như thế ở cuối bài …

Với những cách kết bài như vậy làm cho tôi nhớ lời nói của Tô Đông Pha :” Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ; song lời dừng mà ý không tả hết được, lại càng hay tuyệt; xem văn Lê ký và Tả truyện thì biết .”(5)

Trong Phiếm của Song Thao dường như toàn là những điều có thật 100%, nhưng vì khi tác giả viết Phiếm là ông có chủ đích riêng của mình nên người đọc không nên kỳ vọng nhiều vào các tiêu đề mà tác giả nêu lên. Chẳng hạn khi tác giả viết về “Cỏ”, người đọc đừng mong tìm kiếm các loài cỏ trên mặt đất này như thế nào và có bao nhiêu loài cỏ có ích hoặc vô ích . Hoặc như tác giả viết về “Hạc” cũng vậy; người đọc đừng mơ tìm loài hạc có khác các loài chim khác như sếu, cò, vạc, diệc hay không và nếu khác thì khác như thế nào chẳng hạn . Ông nói hạc là cái cớ để ông cống hiến cho người đọc về những thống kê tuổi thọ của loài người. Nhưng khi tác giả cho rằng:” Hạc là một loại chim lớn, cẳng dài, cổ và mỏ cũng dài, tượng trưng cho sự sống lâu. Lớn và dài dĩ nhiên để chỉ những cái tồn tại lâu dài nên tuổi của những người sống lâu được gọi là tuổi hạc” , thì đó cũng chỉ là một cách diễn giải cho một chủ đề. Dĩ nhiên, cách diễn giải nào cũng có cái lý của nó. Còn đúng cùng không lại là một việc khác ngoài chữ nghĩa .

Nói gì thì nói, trong Phiếm của Song Thao, người đọc sẽ học được nhiều bài học vô cùng thiết thực chẳng hạn như cách cứu em bé bị “sặc sữa” dưới đây, dù chuyện ai cũng gặp nhưng chắc gì ai cũng rành, cũng biết:” Nhanh và đơn giản nhất là dùng miệng mình hút mạnh vào miệng và mũi của bé. Hút càng mạnh, càng nhanh càng tốt. Vì khi sữa đã vào sâu trong khí quản sẽ khó hút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Khi hút xong, nên kích thích mạnh vào đầu trẻ để trẻ có thể khóc và thở được. Lúc đó, ông cứu thương mới ò e tới là vừa. Ông ấy sẽ tiếp tục cứu chữa.”(6)

Phiếm của Song Thao, có thể nói được rằng ở đó là một kho tài liệu bổ ích vô cùng. Nếu bạn không có thì giờ đọc sách hoặc bạn không đọc được sách báo ngoại quốc vì tiếng Tây tiếng u mình hổng có rành, thì trong Phiếm của Song Thao, song hành với lời bàn rộng ra cùng cái nhìn và nhận xét của nhà văn,  tác giả đã đọc và đúc kết giùm bạn khá chi li và mạch lạc đủ mọi khía cạnh của đời sống đã xảy ra chung quanh bạn .Ở đó, không chỉ là những sự việc mà còn có văn chương thơ phú của nhiều tác giả trước kia hay cùng thời với tác giả bây giờ . Từ Phùng Quán tới Tô Thùy Yên, Luân Hoán, từ Hồ Hữu Tường tới Mai Thảo, Nguyễn Tất Nhiên, từ Trần Hoài Thư tới Lâm Chương, Đức Phổ, Hoàng Xuân Sơn, Quan Dương, Nguyễn Nam An, và còn nhiều lắm, không kể xiết . Mà ở đây, mỗi dòng văn thơ của các tác giả  vừa dẫn được nhà văn Song Thao mời vào ngồi ngắm nghía những cảnh đời khác nhau trải dài trên từng sinh cảnh khác nhau của dòng Phiếm đang chảy róc rách giữa trùng trùng sự kiện . Mỗi tác giả đó chính là những chứng nhân của thời đại , nó mang lại cho các trang  Phiếm của Song Thao, chẳng những gần gũi với các sự việc mà tác giả đang bàn, mà nó còn làm cho trang sách của tác giả thêm mặn mà, phong phú và nhất là không quá nặng nề, khô khan vì phải lý giải những đề tài có phần hóc búa về con người …

Với cái nhìn của một người đọc, tôi nghiệm thấy mỗi nhà văn đều có cái cách viết riêng và mỗi người sở trường một món. Chẳng hạn tên tuổi Nguyễn Mộng Giác gắn bó với bộ tiểu thuyết lịch sử “Sông Côn Mùa Lũ”. Phan Nhật Nam nổi tiếng nhờ các bút ký chiến tranh “Dấu Binh Lửa”,”Dọc Đường Số 1”, “Mùa Hè Đỏ Lửa” hơn là các truyện dài ông viết sau này như “Đêm Tận Thất Thanh”. Bác sĩ Ngô Thế Vinh mặn mòi với bút ký du khảo qua hai tác phẩm “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng” và “Mékong, Dòng Sông Nghẽn Mạch” dù “Vòng Đai Xanh” làm nên tên tuổi ông trước đó . Tương tự, tôi nghĩ khi về già , Song Thao sẽ được mấy đứa con có tên là “Phiếm” nuôi dưỡng ông hơn là các anh chàng truyện ngắn truyện dài đài các cao sang nhưng xem chừng không hiếu thảo bằng…

Nhìn tác phẩm chẳng khác nào người chơi non bộ nhìn vào một hòn đá . Mỗi người thấy dáng hình của mỗi nếp xếp trên hòn đá cùng với màu thời gian qua những mảng rêu xanh trên hòn đá  khác nhau . Không ai có thể buộc người khác giống mình và ngược lại . Không có cách chơi non bộ nào giống  cách chơi non bộ nào . Do vậy mà, đối với cá nhân tôi , trong cái biển bao la của văn chương ngày nay, Phiếm của Song Thao là một hòn đá bám đầy rêu xanh trên hòn non bộ có thể nhìn hoài không chán, một loại văn có thể đọc lại nhiều lần nếu đem so với nhiều loại văn khác trong mạch văn chương ngày nay và tôi tin chắc rằng mỗi lần đọc lại, tôi sẽ tìm ra được thêm nhiều điều thú vị và  hữu ích hơn trong những trang Phiếm của ông …

Lương Thư Trung
Viết tại Boston 15-01-2008, đọc lại và bổ túc ngày 28-01-2008 (Houston)


Cước chú:
1/ Xem trang nhà “www. SongThao.com”
2/ Phiếm 4 của Song Thao, Nhân Ảnh xuất bản, Canada, năm 2007
3/ Mục “Phiếm”, trang nhà Song Thao đã dẫn .
4/ Bài “Đạo” của Song Thao, tạp chi Phố Văn, số tháng 9 năm 2007, Dallas, Hoa Kỳ, trang 37 .
5/ “Vân Đài Loại Ngữ” của Lê Quý Đôn, do Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, năm 2006, trang 238.
6/ Trang nhà Song Thao đã dẫn.