An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

BẪY

Câu nói ám ảnh bà Sonnet Ehlers trong suốt những năm sống của bà sau đó là lời một cô gái mà bà nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn của CNN: “Cô ấy nhìn tôi và nói, nếu tôi có răng ở dưới đó!”. Chuyện không thể xảy ra được. Hóa công không dư răng để gắn vào chỗ không cần răng. Nhưng cuộc sống và những đam mê dục vọng của con người sau khi tác phẩm của hóa công đã hoàn thành tới những chi tiết cuối lại bày ra một nhu cầu mới: nếu có tí răng mới đúng.

Lúc bà Sonnet Ehlers nghe được câu nói này, bà mới 20 tuổi và đang chập chững trong ngành y. Bà nói tiếp: “Tôi đã hứa với cô ấy là tôi sẽ làm gì đó để giúp đỡ những người như cô ấy”. Bốn chục năm sau khi nhìn cô gái thoi thóp như một cái xác chết, bà Sonnet Ehlers, nay đang hành nghề bác sĩ, đã hoàn tất việc gắn răng vào nơi mà con tạo cho là không cần thiết. Đó là một loại bao cao su  đặc biệt có tên là Rape-aXe. Gọi là bao cao su có lẽ là do thói quen chứ thứ mà bà bác sĩ Nam Phi này vừa trình làng chẳng bao bọc chi cả mà thực ra chính là một cái bẫy giương ra để đớp con mồi.

Nam Phi vừa được cả thế giới biết tới khi tổ chức giải World Cup 2010. Hình ảnh được trình chiếu trên ti vi hàng ngày trong suốt một tháng tranh giải là những vận động trường tuyệt mỹ làm sân chơi cho các cặp giò số một trên thế giới. Nhưng còn một hình ảnh khác không được nhắc tới, không muốn nhắc tới thì đúng hơn. Đó là tình trạng hiếp dâm tại quốc gia này. Đây là quốc gia có tỷ lệ hiếp dâm cao nhất thế giới. Con số chính thức khoảng 50 ngàn trường hợp mỗi năm nhưng thực ra số này còn cao hơn nhiều. Mỗi ngày có khoảng gần một ngàn ca sanh là kết quả của các cuộc hiếp dâm. Trong năm vừa qua có khoảng 21 ngàn trường hợp vị thành niên bị làm hỗn. Cứ bốn ông Nam Phi thì có một ông thú nhận đã từng hiếp dâm. Còn chi là con gái người ta!

World Cup người ta trù tính là “nghề” cướp tình của các ông Nam Phi còn sung mãn hơn nữa. Vì mấy thầy an ninh đổ dồn về các sân vận động lo cho các du khách tới coi đá banh nên sẽ lơ là với các chốn khác. Vậy là các ông nội Nam Phi sẽ tung hoành. Bà bác sĩ Ehlers vội phân phối 30 ngàn Rape-aXe cho các phụ nữ Nam Phi để ngăn…giặc.

Cái bẫy Rape-aXe là kết quả sau bốn chục năm nghiên cứu của bà bác sĩ đã tự gán cho mình món nợ với cô bé nạn nhân của một vụ hiếp dâm năm xưa. Nó có hình dáng giống những cái áo mưa mà chúng ta đã quen thuộc từ lâu. Khác một cái là nó có răng. Bộ răng của nó lởm chởm trông như bộ răng cá sấu. Các phụ nữ có nguy cơ gặp mấy thằng phải gió sẽ trang bị bộ răng này. Khi chúng hành động, răng sẽ bám chặt vào cái của nợ đang rú rí vô cung. Thương tích sẽ bắt chúng ngưng ngay cuộc tấn công và vội vàng rút quân có trật tự. Rút ra không phải là xong chuyện. Bà bác sĩ Ehlers cho biết: “Sẽ rất đau, anh ta không thể đi tiểu, không thể bước chân được. Nếu anh ta cố gắng tự dứt nó ra thì nó còn bám chặt hơn. Tuy nhiên những chiếc răng đó không làm rách da…Tôi đã tham khảo ý kiến các kỹ sư và các nhà tâm lý học để vẽ kiểu và bảo đảm bao cao su an toàn”. An toàn là bao sẽ không phạm tội làm hư hao súng ống của quân cướp nhưng chúng không tháo được bao ra, phải nhờ tới kỹ thuật trong các bệnh viện. Mà mang súng vào bệnh viện thì lạy ông tôi ở bụi này rồi. Trốn đâu cho thoát tội đi vặt trộm hoa!

Hoa nở nhưng hoa có gai. Chú ong sục sạo hút nhụy sẽ bị gai túm cổ. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Rất nhiều tình thế có thể xảy ra. Lợi cũng có mà hại cũng có. Lợi bất cập hại hay ngược lại. Đó là chuyện phải tính tới. Trước hết là chuyện mang bẫy. Biết khi nào bị tấn công mà mang bẫy vào phía dưới? Chẳng lẽ cứ ra đường là phải nai nịt, lích kích và tốn…của chết! Có khi mấy tên mất nết xông vào nhà làm hỗn. Vậy thì chẳng lẽ lúc nào cũng bao bì chật chội? Có người lại lo xa hỏi là khi thú tính nổi lên, kẻ tấn công sẽ mất hết tính người, mất hết suy xét lý lẽ. Bị ngăn cản chúng sẽ như con thú mất phần ăn nổi cục có thể giết chết nạn nhân. Vậy thì mang  bẫy trong người chính là mang bản án tử hình! Nghe mà thấy ớn!

Từ khi bà bác sĩ Ehler tung ra cái bẫy để giữ cái ngàn vàng hay cái tiết trinh của phụ nữ, nhiều người còn suy ra nhiều tình huống khác nữa. Như lỡ tên hiếp dâm có tính lo xa, sợ sẽ sa vào bẫy, hắn sẽ cho một thằng nhỏ giả, một trái dưa leo hay một trái chuối xanh vào thăm thú tình hình trước. Chiếc bẫy sẽ bị lừa, chộp ngay thứ giả. Chúng sẽ tương kế tựu kế, lột cái bẫy ra trong trạng thái lộn ngược rồi nhét lại với mặt gai ra phía ngoài, vậy thì còn gì là thâm cung của nạn nhân!
Lại nữa. Nếu bị bề hội đồng thì chỉ có một tên xung phong đầu tiên bị, những tên khác được an toàn trên xa lộ. Khi đó, chúng có thể nổi điên lên giết nạn nhân sau khi thỏa mãn thú tính. Hoặc khi thấy đường chính bị gài bẫy, chúng sẽ hành hạ nạn nhân theo các đường lỗ khác phía dưới hay phía trên thì sao.

Từ những giả thuyết trên, người ta đặt vấn đề với nhà phát minh: tại sao không tẩm thuốc mê vào bẫy để chúng đụng vào là thẳng cẳng ra liền, chỉ việc khiêng chúng về bót cảnh sát cho tiện việc sổ sách. Giải pháp này coi bộ cũng không ổn vì nếu có thuốc mê thì có khi gậy ông lại đập lưng ông, chính người mang bẫy sẽ bị thuốc ngấm vào trước.

Những giả thuyết trên làm cho việc giăng bẫy không phải là giải pháp hữu hiệu và an toàn trăm phần trăm. Có người đưa ra ý kiến là với phát minh này, chúng ta có thể chơi đòn tâm lý. Mang bẫy hay không mang bẫy, không cần biết, nhưng cứ công khai cho biết là mình đang mang bẫy có thể khiến kẻ gây hấn cảm thấy teo mà từ bỏ ý định làm hỗn. Các bà các cô cứ mặc ngay những chiếc áo có in câu…quảng cáo trước ngực. Bà thì mang câu: “Tôi có mang Rape-aXe”. Bà có thể giỡn chút đỉnh: “Đừng giỡn mặt với Rape-aXe”. Bà có thể chơi luôn hình vẽ một hàm răng nhe ra dọa dẫm. Còn có mang bẫy hay không, một mình mình biết một mình mình hay!

Mấy ông bạn tôi từ khi biết có cái thứ kinh hồn gọi là Rape-aXe đâm ra suy tư hẳn lên. Các ông lo cho tương lai. Nếu bồ bịch lai rai, khi cơm lành canh ngọt anh anh em em ngọt sớt thì không sao. Nhưng lỡ khi mình muốn đổi thuyền, ôm tí đàn địch sang chỗ khác, em bé chơi xỏ, nai nịt Rape-aXe đâu ra đó, dụ cho phe ta nhào dzô dính chấu thì sao! Cũng phiền phức chứ! Lại phải thằng lớn cõng thằng nhỏ vô bệnh viện phẫu thuật tháo ách giữa đàng ra. Mất mặt bầu cua là cái chắc! Nghĩ tới đường tương lai như vậy, nhiều ông nổi cục đặt lại vấn đề. Tại sao có nạn hiếp dâm? Tại các bà các cô hết. Thời buổi này vải vóc thiếu chi mà giở tính hà tiện ra, thiếu chỗ này hụt chỗ kia, trông nóng mắt! Lại có bà bơm nơi này, hút nơi kia, tiền ăn thì tiếc tiền bơm thì xài thả cửa. Rồi còn giở tính tham lam, bỏ tiền ra bơm thì size nào cũng từng đó tiền , dại chi không lựa thứ lớn nhất mà bơm cho đáng đồng tiền bát gạo. Người ngợm cứ nghễu nghện đi muốn xiêu vẹo. Rồi lại giở tính khoe khoang. Bỏ cả núi tiền vô mà màn che trướng rủ thì có ma nào biết tới. Phải cho nó ra ánh sáng mặt trời cho thiên hạ lé mắt. Mời gọi bắt mắt vậy nên mấy tên đực rựa mới cựa quậy. Lỗi tại ai?

Bà bác sĩ Ehler là người có lòng. Phải là người trì chí mới có thể bỏ ra bốn chục năm chỉ để thêm mấy cái răng vào bao cao su dành cho phụ nữ vốn đã có từ lâu. Thứ bao…cổ  này nhu mì và hiền lành như tính tình người đàn bà. Tại sao đã có bao bì cho các ông lại còn phải bao bì cho các bà? Bởi vì có nhiều ông lười biếng, ẩu tả, khi nổi cơn thì coi trời bằng vung, bao biếc chi cho mất công. Lại có ông thuộc loại sành điệu, không chịu nai nịt vì nai nịt vướng víu mất phê đi. Phe các bà thì không thể để cho các ông ẩu tả được. Hậu quả ai lãnh ngoài chính phe ta? Có hai hậu quả nếu cứ thuận thiên nhiên mà hành sự. Đó là bầu bì và bệnh tật. Bởi vậy nên khi địch quân chơi trò cứ vũ khí thiên nhiên cho mát mẻ thì các bà phải nai nịt phòng thủ để tự bảo vệ.

Bao của các bà không làm bằng chất latex như của các ông mà bằng chất dẻo polyurethan, có hình ống dài 17 phân và có hai vòng mềm ở hai đầu. Bao đặt đúng cách sẽ bảo vệ đương sự trong cả hai trường hợp bầu bì và bệnh tật.

Lợi ích của chiếc bao phái nữ này càng ngày càng thấy rõ. Thấy rõ nhất là nhà chức trách tại thủ đô Mỹ Hoa Thịnh Đốn. Từ cả chục năm nay thành phố này đã có chương trình phát không bao cho các ông, bây giờ lại có chương trình phát miễn phí bao cho các bà. Cũng là một cách thực thi sự bình đẳng! Trong đợt đầu thành phố dự tính phát nửa triệu bao. Địa điểm phát được đặt tại các tiệm hớt tóc, tiệm nail, tiệm tạp hóa và các trường trung học. Loại bao được phát là loại mới nhất đã được cải tiến cho dễ sử dụng và ít gây tiếng vang hơn. Dễ sử dụng thì dễ hiểu rồi, nhưng ít gây tiếng vang thì làm tôi suy nghĩ hoài. Nghĩ hoài cũng không ra. Thế mới biết trí tưởng tượng và trí thông minh của mình nhiều khi ngắn ngủn quá lắm! Hoa Thịnh Đốn là thành phố đầu tiên tại Mỹ biếu không bao cho các bà. Người ta hy vọng đây là khuôn thước để các thành phố khác noi theo.

Bên Việt Nam lại có một lối tiếp cận với việc dùng bao một cách khá lạ. Đó là việc các tình nguyện viên nữ, còn độc thân, chỉ dẫn cách dùng bao cho các bạn thanh niên. Dĩ nhiên đây là bao cho các cậu. Thế mới biết các thanh nữ nước ta ngày nay…tiến bộ thật. Họ là những tình nguyện viên của Trung Tâm Phòng Chống Bệnh AIDS tại Hà Nội. Cô Hồng Giang, sinh viên năm cuối của Đại Học Công Nghiệp Hà Nội là một trong các cô gái xâm mình đi nói chuyện khó nói với các bạn nam thanh niên. Cô Giang cho biết là lúc đầu cũng đỏ mặt mắc cở. Ai lại con gái mà cầm cái thứ…nhạy cảm đó chỉ dẫn cho con trai. Cô Nguyễn Thị Vân, cựu sinh viên một trường Cao đẳng Y, tâm sự: “Bọn mình sẽ trò chuyện trực tiếp với các nam sinh, cung cấp cho họ một số kiến thức căn bản về phòng chống bệnh. Món quà cho mỗi bạn sẽ là một chiếc bao cao su và thuyết phục bạn ấy cho vào ví của mình”. Để làm gương, mỗi cô tình nguyện viên đều có trong bóp xách tay một chiếc bao. Có trong bóp thứ…của nợ đó là một điều phiền phức. Cô Mai Phương, cựu sinh viên Đại Học Ngoại Thương, cũng lòng thòng tâm sự: “Nhiều lúc cũng ngại vì bị các bạn trêu chọc, hay vô tình một người lớn nào đó nhìn thấy bao cao su có trong bóp của mình. Nhưng ai cũng có công việc riêng, và mình tự hào vì việc mình làm có ích cho cuộc sống.”

Những cô gái này quả là có can đảm phi thường. Chuyện bao bì là chuyện rất riêng tư. Nhìn cái bao người ta liên tưởng ngay tới những hoạt động thầm kín, ngượng chết. Cô Nguyễn Thị Vân đã gặp trường hợp cười ra nước mắt. Đi ăn với một đám bạn, trai có gái có, khi móc tiền trong bóp để trả nhà hàng, chiếc bao rơi ra. Đám bạn tròn xoe mắt nhìn. Hại một cái là trong đám bạn đó có anh bạn…ruột. Thôi chết! Ăn làm sao nói làm sao cho chính nghĩa sáng tỏ bi chừ! Anh bạn ruột đứng dậy bỏ đi một nước. Có cô bồ sành sỏi như vậy chỉ có thánh mới không nghi!

Các cô sinh viên hay cựu sinh viên Mai Phương, Nguyễn Thị Vân hay Hồng Giang, lớn rồi mà còn bị cái bao hành cho xấc bấc xang bang như vậy. Nhỏ như em K.Q.H., mới 16 tuổi, đang học lớp 11 trường Hai Bà Trưng Hà Nội, bị mẹ bắt gặp cái bao trong cặp sách thì tình huống còn…căng thẳng đến thế nào nữa! Cô bé H. bị mẹ la mắng. Đã đành. “Mẹ không ngại mắng mỏ mình là đứa con hư hỏng, mất dậy mà không cho mình một cơ hội giải thích. Mình chỉ mang bao cao su để đề phòng trường hợp bất trắc. Mẹ không hiểu mà cũng chẳng lắng nghe mình”. Nếu bà mẹ lắng nghe sẽ biết cô con gái của bà đã trải qua một kinh nghiệm như thế nào. H. còn nhớ như in cái ngày đưa cô bạn cùng lớp đến một phòng khám tư nhân để phá thai. Cái thai đã được năm tháng, là kết quả của một lần đi quá giới hạn của cô bạn và người yêu. Khi đưa cô bạn mặt mũi xanh lét, nhợt nhạt ra khỏi phòng khám, H. đã tự nhủ giá như cô bạn biết cách tự bảo vệ thì đã không ra nông nỗi này. Ngày nay cỡ tuổi của H. bọn trẻ đã có người yêu. Tình yêu học trò rất trong sáng nhưng cũng rất bồng bột. Chỉ một phút không làm chủ được bản thân là đã đi quá mức. Có chiếc bao sẵn sàng trong ví bóp, bọn trẻ có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc. Cô bé 16 tuổi giãi bầy: “Mình nghĩ mang bao cao su bên cạnh không có gì là xấu cả. Đó là một cách tự bảo vệ mình khi không thể từ chối anh ấy. Mình biết mẹ sẽ rất lo lắng nhưng mẹ cũng cần hiểu rằng mình đã lớn”.

Bao cao su ngày nay không xa lạ chi với mọi lứa tuổi. Nhưng nó vẫn phải cam phận nằm trong bóng tối. Đi mua bao cao su vẫn còn là một hành động tựa như đi mua cần sa ma túy. Lén lén lút lút. Dấu trước dấu sau. Không biết có phải vì lý do này hay không mà có nhiều bà vợ ngày nay xử sự rất thoáng. Chị Hòa ở Bắc Ninh kể lại là do công việc, chồng chị thường phải công tác xa nhà. Chính chị là người sửa soạn hành lý cho chồng và chính chị là người đi mua và nhét những chiếc áo mưa dùng khi trời không mưa vào hành lý. Xong xuôi, chị còn căn dặn chồng: “Em cất cả “ủng” vào rồi nhé. Nếu có lỡ quá chén không đừng được thì cũng vì em mà mang vào nhé”. Chị cho biết lý do của việc…chiều chồng: “Thật ra mình cũng chẳng muốn thế. Cứ nghĩ đến chuyện chồng có thể dùng nó để vui vẻ với người khác là lòng lại như lửa đốt. Nhưng giờ xã hội nó thế. Chuyện bàn việc trên bàn nhậu rồi đi tăng 2, tăng 3 là bình thường. Mình để vào như thế, một là có ý nhắc nhở anh ấy hạn chế, hai là nếu chồng có quá đà thật thì cũng đừng mang bệnh tật về”. Một bà vợ khác, chị Xuân ở Thanh Xuân, Hà Nội, cũng cài…ủng vào hành lý của chồng nhưng với lý do khác. “Cái chính là để dằn mặt lão thôi! Chứ còn tí tởn thì đừng trách”. Nghe ra đã thấy…ngây thơ. Các ông chồng quả có ngại tí tởn khi thấy mấy bà đi guốc trong bụng mình. Nhưng việc các bà làm nhiều khi lại được hiểu là các bà đã cấp giấy thông hành cho việc đi ngang về tắt. Lợi bất cập hại!

Vậy mà tờ báo VnExpress mới đây đã làm một cuộc khảo sát với độc giả bằng câu hỏi: “Bạn có sẵn sàng nhét bao cao su vào ví chồng khi anh đi công tác không?”. Có tất cả 10.016 người trả lời. Có 4.561 phiếu, tức 45,5%, trả lời có. Và 4.734 phiếu, tức 47,3%, trả lời không. Kể ra, kết quả như vậy cũng gọi là nghiêng ngửa. Anh bao chẳng bị ghét bỏ lắm! Có lẽ vì cái ủng cao su này cũng được việc. Nó chặn đứng được những hậu quả tai hại của những hành động mà con người ngày nay đã nhìn bằng con mắt khoan nhượng hơn nhiều. Bởi vậy nên bao và bẫy ngày càng được khuyến khích phổ biến hơn. Nhất là trong lãnh vực kế hoạch gia đình.

Một nhân viên trong Ban Kế Hoạch Hóa Gia Đình công tác nơi vùng núi nói với anh A Pó: “Các bồ kém lắm. Nghèo mà đẻ sòn sòn lấy chi nuôi. Càng ngày càng nghèo thêm là phải. Coi người Kinh kìa, họ biết cách ngừa nên mỗi gia đình chỉ có một con. Có muốn biết cách làm của người Kinh tôi chỉ cho”. Tự ái…bản làng cao, anh A Pó lắc đầu không thèm để cho anh người Kinh dậy dỗ. Anh sẽ học…lén. Đêm đến, anh rủ vợ tới rình nhà thầy giáo người Kinh xem họ làm ăn thế nào. Nhà sàn nên hơi cao, A Pó bảo vợ đứng trên vai mình coi vợ chồng thầy giáo sinh hoạt. Chị vợ coi một hồi rồi nói với chồng: “Chả có gì lạ cả, họ cũng…sinh hoạt như vợ chồng mình thôi”. A Pó tức cái bụng. Vậy mà thằng cha người Kinh kia bảo phải học. Học cái con khỉ chi! Muốn chắc ăn, trước khi về, anh bảo vợ chịu khó để anh leo lên vai coi một lúc rồi về. Leo lên vai vợ, anh chong mắt nhìn. Mấy phút sau, anh nhảy cái một xuống đất, mặt tái xanh tái ngắt, chân tay run lẩy bẩy. Phải một thời gian sau, khi hai người đi về, anh A Pó mới ghé tai vợ nói lắp bắp: “Thôi mình nghèo cũng được, đẻ nhiều cũng được, chứ tao không bắt chước bọn người Kinh đâu! Chúng nó ấy nhau xong, lột da thằng nhỏ vứt vào sọt rác! Đau lắm! Tao chịu thua!”

08/2010