An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

NGỌC

Cuối năm 1973, trong một dịp qua Hương Cảng, tôi được gặp một nhân vật rất…lóng lánh. Ông là người Hoa nhưng trước đây có ở Hải Phòng và là bạn thân của một ông bạn tôi. Khi hiệp định Genève được ký kết, ông trở về Hương Cảng. Ông bạn tôi có rất ít tin tức về ông từ khi ông quy hồi cố hương. Nhân dịp tôi qua đất Cảng Thơm này, ông đưa địa chỉ và nhờ tôi tới thăm ông. Tôi cầm địa chỉ đi tìm và tới một tiệm bán vàng bạc và đá quý ở Đại lộ Queen, con đường huyết mạch chính của Hương Cảng. Hỏi thăm hóa ra ông là chủ nhân tiệm quý kim này. Ông đã quên hết tiếng Việt nhưng sau khi được một anh nhân viên trẻ của ông thông dịch lời tự giới thiệu của tôi, ông vội ôm chầm lấy tôi như vừa vớ được…vàng! Trong ba ngày tôi lưu lại Hồng Kông, ông tiếp đón rất nồng hậu, dẫn đi ăn ở nhà hàng nổi Thái Bạch cùng gia đình và bạn bè của ông, sau đó vì đã có tuổi ông để cho anh nhân viên trẻ tuổi nói được tiếng Anh dẫn tôi đi khám phá mọi ngóc ngách của Hồng Kông bằng tiền của ông. Ngày cuối cùng, ông dẫn tôi xuống hầm chứa kim cương ngọc thạch. Ông mở tủ sắt, không biết cơ man nào là đá quý. Ông đưa cho tôi cầm một viên ngọc thạch xanh biếc khá lớn. Tay tôi mát lạnh. Ông hỏi tôi có biết giá của viên…đá này không. Ông hỏi quá lầm người. Tôi cười không nói. Ông nhẹ nhàng cho tôi biết cái giá một triệu đô Mỹ! Một triệu đô Mỹ vào thời điểm gần 40 năm trước! Tôi nhìn viên ngọc. Cục đá này kể cũng ngộ!

Một triệu đô thì tôi biết. Nó lớn hơn nhiều số tiền tôi đang có trong túi. Nhưng giá trị của cục đá xanh trước mặt tôi thì tôi thực sự không hình dung ra. Cuộc đời nhiều khi làm ta bối rối. Cái bối rối ngày đó tuy vậy ăn thua chi với cái bối rối ngày nay. Tôi vừa được đọc một bài báo nói về bộ sưu tập cổ vật của ông Dương Phú Hiển. Ông này sống ở Hà Nội trong một căn nhà 5 tầng chật ních 4 ngàn cổ vật bằng ngọc. Ông tuyên bố một câu xanh rờn: “Chỉ cần bán một cổ vật, tôi đủ tiền mua nửa phố Hàng Ngang Hàng Đào!” Cha mẹ ơi! Nhà ở phố cổ Hà Nội thuộc loại đắt nhất thế giới mà ông Hiến này không thèm tính theo đơn vị nhà, tính tới đơn vị đường thì phét lác quá! Nhưng hình như ông này không nói bốc đồng. Trong bộ sưu tập cổ vật của ông có tới 5 khối hổ phách, mỗi khối nặng chừng 5 kí. Cách đây vài năm một người Trung quốc có một viên lớn bằng quả trứng gà mà đã bán được tới vài tỉ nhân dân tệ! Những món tiền lớn thường làm tôi lúng túng vì không quen. Nhưng cũng phải thắc mắc. Bèn nhờ internet tính dùm. Giá thị trường  1 nhân dân tệ ăn 0,1477 đô Mỹ. Một tỉ nhân dân tệ ăn 147.710.487 đô Mỹ. Vài tỉ thì các bạn cứ tính ra, tôi mệt quá rồi! Như vậy cũng chưa ăn thua chi. Bộ sưu tập của ông Dương Phú Hiến còn nhiều thứ quý giá khác như các bộ ngọc trai tự nhiên và ngọc phỉ thúy. Ngọc phỉ thúy là loại ngọc màu xanh bí cực quý. Theo giá thị trường do tạp chí Arts of Asia định giá thì một chiếc vòng phỉ thúy có giá cả chục triệu đô Mỹ. Vậy mà ông Hiến có chiếc vòng phỉ thúy màu xanh lý, thứ có giá cao hơn màu xanh bí, chưa biết giá thị trường là bao nhiêu. Nhưng vòng phỉ thúy đã ăn thua chi. Ông Hiến còn có nguyên một khối phỉ thúy có chạm khắc tinh xảo nặng tới 12 kí rưỡi. Thứ độc này trị giá bao nhiêu? Chưa ai đánh giá được. Chỉ biết là vào năm 1998, tại Hồng Kông, một khối phỉ thúy xanh bí đã được trả giá tới 350 triệu đô Mỹ! Cũng chưa hết. Đỉnh cao trong bộ sưu tập ngọc của ông Hiến là một chiếc lắc đeo tay ngọc mắt mèo giát vàng. Đây là…linh hồn của bộ sưu tập. Theo ông Hiến cho biết thì đây là chiếc lắc số một trên thế giới, trị giá là…vô giá, chưa có ai có thể định giá thứ xịn này. Cỡ tôi và các bạn chắc chẳng thể nào sờ được vào thứ của quý này. Thôi thì đành nhìn hình cho đỡ ấm ức. Tôi nhìn hình chiếc lắc mắt mèo mà lòng vẫn dửng dưng. Chẳng thấy đẹp chút nào. Có lẽ mắt tôi thuộc loại mắt giấy! Bạn nào có mắt…ngọc thử nhìn coi có suýt soa không!

Thường chúng ta nhìn ngọc như một vật trang sức. Có ngọc đeo trên người, con người biến thành…người ngọc! Ngọc càng xanh thì người càng có giá. Nhưng mấy ông Tàu ngày xưa còn coi ngọc như một thứ giúp duy trì tuổi trẻ và sắc đẹp. Từ Hy Thái Hậu bên Tàu chắc ai cũng biết. Tương truyền là bà…vua này đã được các nhà sư Tây Tạng bí mật chỉ cho cách dùng ngọc để giữ làn da mãi mãi tươi trẻ, dù già cũng không có nếp nhăn. Thứ mỹ phẩm ngọc này được bào chế như sau: nấu nhừ ngọc trai, tán nhuyễn, pha với sữa của phụ nữ đẻ con so. Thoa thứ dung dịch này lên mặt, lên da mỗi buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Bà Từ Hy đã áp dụng phương thức dưỡng da này nên khi đã sáu chục tuổi trông bà vẫn trẻ trung. Tôi phải mở ngay một cái ngoặc thật lớn nơi đây. Bà nào muốn được như bà Từ Hy cứ việc mang ngọc trai ra đập bể  nhưng nếu da có nhăn nheo thì chẳng nên túm áo tôi vì đây chỉ là truyền thuyết, nghe sao viết vậy người ơi!

Nếu bà nào cẩn thận thì chẳng nên đập bể ngọc mà vẫn có thể bắt chước bà Từ Hy được. Cũng tương truyền là các nhà sư Tây Tạng còn chỉ cho bà Từ Hy cách mang ngọc trong người. Bà Thái hậu xí xọn này luôn mang trong người hai viên bạch ngọc loại quý hiếm nhất, lớn cỡ quả trứng. Các Lạt Ma Tây Tạng bảo đảm với bà là khi nào bà còn giữ được hai viên bảo ngọc đó trong người thì sẽ đẩy được bệnh tật và sinh lực luôn luôn dồi dào. Chuyện này nghe quen quen, mấy ông kháo nhau như vậy. Có ông còn bĩu môi khinh bỉ: tưởng chuyện chi chứ chuyện này chúng tôi làm từ khuya rồi! Mà các bà cũng đeo riết theo hai viên ngọc này từ…ngàn năm trước!

Một nhà khảo cứu về kim hoàn người Mỹ, Tiến sĩ Alfred Doodan đã viết: “Người Trung Hoa cho rằng ngọc là vật quý, hội đủ năm đức tính cơ bản của con người là nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng”.

Ngọc ngon lành như vậy nên vua chúa ngày xưa ở Trung Quốc vơ vét hết ngọc vào người. Thứ gì của vua cũng…ngọc. Từ ấn tín đến đai áo bào. Dân có ngọc quý khôn hồn đừng nên để vua quan biết kẻo mang họa. Khoảng ba trăm năm trước Công nguyên, ở nước Sở, vào triều Lệ Vương, có người tên Biện Hòa, một dân ngu khu đen, may mắn nhặt được một viên ngọc quý còn ở dạng thô sơ, chưa được mài giũa. Ông này chắc cũng thuộc loại nâng bi nên mang đi dâng vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn viên ngọc thấy thô thiển chẳng có chi đẹp đẽ nên có vẻ coi thường. Vua sai một viên thái giám mài thử coi ngọc ra sao. Tên thái giám sợ Biện Hòa dâng ngọc quý sẽ được vua sủng ái hơn mình nên trình với vua đó là ngọc giả. Vua tức giận. Tên dân ngu này lại dám lừa vua! Bèn sai chặt một chân. Lệ Vương thăng hà, Vũ Vương lên nối ngôi, Biện Hòa lại một chân khập khiễng mang ngọc dâng vua. Vua lại sai một thái giám check coi ngọc thật hay giả. Viên quan này vốn có tư thù với Biện Hòa nên cũng tâu là ngọc giả. Vua lại tức giận sai chặt nốt chân kia. Quá uất ức, Biện Hòa bèn bù lu bù loa, ôm ngọc lao vào tường toan tự tử. Vua thấy vậy vội ngăn lại, đích thân xem viên ngọc và thấy đây quả là viên ngọc quý. Vua hối hận nhưng đã muộn vì Biện Hòa đã tàn phế, máu đổ loang đỏ sân rồng. Từ đó viên ngọc quý này được gọi là “bích ngọc Biện Hòa”, viên ngọc đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.

Đã có kim cương máu thì ngọc cũng…máu chứ kém chi. Ngoài viên ngọc máu của Biện Hòa, máu còn vương vào ngọc dài dài trong lịch sử phong kiến Tàu. Các anh vua sếnh sáng là loại ích kỷ số một. Sống đã bám lấy ngọc, chết cũng không muốn rời ngọc. Mộ các vua chúa ngày xưa đều có chôn theo ngọc. Rất nhiều ngọc. Có điều về sau này khi khai quật mộ người ta mới thấy những ngôi mộ vua chúa chôn theo nhiều ngọc thì xác chết vẫn còn nguyên vẹn dù đã hơn hai ngàn năm. Như trường hợp mộ của hoàng tử Liêu Thân và vợ là Tôn Vãn thuộc triều Hán đã được chôn trên hai ngàn năm. Khi khai quật, người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy hai xác chết vẫn còn nguyên vẹn như các xác được tìm thấy trong các cổ mộ Ai cập. Hai thi thể này không được tẩm ướp bất cứ thứ gì mà chỉ thấy rất nhiều ngọc bên cạnh. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng chính ngọc đã giữ được thi thể nguyên vẹn. Thứ ngọc này các nhà nghiên cứu Tây phương gọi là grave jade. Những viên ngọc ngàn năm bên xác chết này có sự thay đổi bất thường. Ngọc trắng từ trong suốt trở nên trắng đục, từ bên trong ửng lên các vân màu hồng giống như những sợi chỉ máu. Ngọc cẩm thạch màu xanh lục biến thành màu sẫm hơn, cũng ửng hồng như nhuộm trong máu. Riêng hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc, màu sắc cũng sậm thêm. Khi đặt chúng dưới ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, ngọc rực lên một thứ ánh sánh lung linh kỳ dị ma quái. Người ta cho rằng đó là vì những viên ngọc đã thấm máu và tinh khí từ cơ thể người chết. Có người còn cho rằng ngọc đã gói linh hồn người chết nên mới quái như vậy. Dám lắm! Tôi nhớ tới hồn Trương Chi trong viên ngọc đã vỡ ra khi thấm nước mắt của nàng tiểu thư mà anh chàng mặt thì thậm xấu hát thì thậm hay này đã mê mệt trong vô vọng.

Dân Việt chúng ta cũng xêm xêm như dân Tàu, đều thuộc nòi sính ngọc. Đã có một thời những chiếc vòng ngọc thạch, những sợi dây chuyền bằng những viên xanh xanh là biểu tượng cho sự giàu sang và may mắn. Các bà đọ nhau từng màu sắc, từng vệt vân, từng nét dáng để hơn thua nhau. Ngọc không phải chỉ là vật trang sức mà là…mê tín! Ngọc lên nước nhiều hay ít, ngọc rạn nứt hay bị bể đều liên quan tới sức khỏe hay vận mạng của người mang. Các bà mê ngọc là đúng chỉ số. Các ông mê ngọc mới là chuyện lạ. May là các vị này không mê ngọc đeo mà mê ngọc…lạ.

Lạ như khối ngọc vừa được mọi người trao đổi nhau trên internet quả thật là lạ quá sức. Ngọc chi mà như thịt. Nhìn vào khối đá nặng 32 kí, dài 65 phân và ngang 25 phân này ai cũng muốn…ăn! Chủ nhân của khối đá…thịt này là ông Nguyễn văn Mỹ ở Hà Nội. Ông kiếm đâu ra thứ của hiếm này? Nghe ông kể thì gian truân lắm. Năm 2003 ông qua Đại Hàn tới thăm cơ sở trưng bày đá quý Thạch Gia Trang ở gần thủ đô Seoul. Ông bị sốc khi nhìn thấy hai khối ngọc giống như hai miếng thịt ba rọi khổng lồ với hai phần nạc mỡ rõ ràng. Phần nạc có màu đỏ thắm của huyết. Trên mặt phần nạc có rất nhiều đường gân, thớ thịt chằng chịt, phân biệt rất rõ ràng. Phần mỡ là một một màu trắng mịn kéo dài khắp toàn khối đá. Khối đá này có hình chữ nhật, hai đầu hơi cong lại một cách tự nhiên. Y chang như một miếng thịt ngoài siêu thị. Kể lại lần gặp gỡ…miếng thịt này, ông Mỹ say sưa: “Khi bước chân vào đây tôi thấy có hàng ngàn loại đá quý và bán quý được trưng bày trong một khuôn viên rất rộng để du khách có thể chiêm ngưỡng. Thế nhưng khi nhìn thấy khối đá này thì tôi đã bị hấp dẫn ngay tức thì. Tôi còn nhớ hôm đó trong toàn phòng trưng bày này chỉ có duy nhất hai khối đá cẩm thạch hình miếng thịt này. Trong hai khối đá thì khối này lớn và đẹp hơn khối kia rất nhiều. Vì vậy tôi đã đặt vấn đề mua miếng đẹp nhất nhưng chủ cửa hàng không dám bán vì thời điểm đó Hàn Quốc có lệnh không được phép mang các loại đá quý hoặc bán quý ra khỏi lãnh thổ”. Thấy đã có vẻ khó khăn nhưng yêu quá biết làm sao? Ông phải nhờ tới sự can thiệp của một số nhân vật người bản xứ mới mua được viên ngọc quý. Mua xong lại vấp phải vấn đề chuyên chở. Làm sao ôm được miếng thịt rắn như đá này về Việt Nam? Bà vợ đã xui ông bỏ cuộc nhưng ông nhất định không chịu. Cuối cùng ông cũng vác được niềm say mê về. Các ông bạn mê đá của ông rầm rập kéo đến nhà ông xem của lạ. Nhiều người phỏng đoán đây có thể là khối thịt khủng long hóa thạch hoặc là thịt của một loài khổng lồ nào đó hóa thạch chứ không phải phải là một khối đá bán quý đơn thuần. Thịt hay đá, ông Mỹ cũng chưa xác định được nhưng các ông chủ nhà hàng ăn và khách sạn lớn ở Sài Gòn và Hà Nội coi bộ khoái thứ thịt này. Họ nài vua về để trưng bày nơi nhà hàng. Dễ gì bán thứ đá xịn này. Ông Mỹ cho biết: “Từng có chủ của một nhà hàng khá có tiếng ở Sài Gòn sau khi biết tin tôi có miếng đá này đã bay ra và tìm đến nhà tôi để xin được chiêm ngưỡng. Sau khi xem xét, sờ mó đủ kiểu ông chủ này tha thiết muốn tôi nhượng lại cho ông để mang về đặt tại tiền sảnh của nhà hàng nhưng tôi không đồng ý. Ông ta đã ở Hà Nội ba ngày liền để ngày nào cũng đến trò chuyện với tôi mong tôi thay đổi ý định, nhưng cuối cùng tôi vẫn không chịu. Thỉnh thoảng ông ấy vẫn gọi điện ra hỏi thăm tôi và nhất là hỏi thăm về tình hình khối đá!” Tới nay ông Mỹ vẫn khư khư ôm chặt khối đá, nhất định không bán cho ai. “Chúng tôi chơi đá vì đam mê và lòng yêu thích nên dù có trả đắt gấp mấy lần giá gốc mà không muốn bán thì tôi vẫn không bán. Hiện trong gia tài của tôi còn có hơn một ngàn mẫu đá quý hoặc bán quý các loại chứ không phải duy nhất chỉ có khối đá này”. Số lượng đá quý này ông Mỹ chứa đầy nhóc trong tòa nhà 5 tầng khang trang và sang trọng của ông trên phố Thái Thịnh. Một mai ông lìa đời ông sẽ để lại cho con cái chứ nhất định không bán. Ai lại bán bạn bè!

Cũng gian truân về ngọc là ông Đào Trọng Cường, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Thần Châu Ngọc Việt. Giữa năm 2006, trong một cuộc bán đấu giá ngọc ở Myanmar, tên cũ là Miến Điện, với sự có mặt khoảng 5 ngàn chuyên gia và doanh nhân trong đó chỉ có hai người Việt Nam, ông Cường đã tham gia việc trả giá một viên ngọc bích lớn nhất thế giới với trọng lượng 35 tấn, cao 3 thước, rộng 2 thước 30, dày 2 thước 40, xuất xứ Myanmar, nước được mệnh danh là “vương quốc ngọc bích”. Viên ngọc khổng lồ này đã được bán cho một người Trung Quốc với giá 1 triệu rưởi đô Mỹ.  Ông Cường tiếc hùi hụi. Và ông không bỏ cuộc. Ông lên mạng và liên lạc với bạn bè tứ phương trong giới…ngọc nhưng không theo dấu được khối ngọc mà ông cho là rất quý và đẹp, không có vết nứt nào và có độ cứng rất tốt. Sau đó, trong một dịp qua Trung Quốc mua máy móc chế tác ngọc bích, ông gặp được một nghệ nhân chuyên làm tượng ở Bình Châu. Tình cờ, trong câu chuyện, người này cho biết là bạn với người đang sở hữu khối ngọc quý mà ông Cường đang tìm kiếm. Mừng như bắt được…ngọc, ông Cường thăm hỏi và được biết viên ngọc đang được rao bán. Ông vội thương lượng mua lại và đã mua được với giá 1 triệu 450 ngàn, rẻ hơn giá nguyên thủy. Ông Cường giải thích: “Đó là rủi ro của người chơi ngọc bích. Có khi mua ngọc về chỉ để ngắm và mất hàng đống tiền vì nó không đạt mục đích ban đầu”. Sau nhiều gian nan trong việc chuyên chở viên ngọc về nước và đóng thuế cho nhà nước hết ba tỷ đồng, ông Cường đã có trong tay khối ngọc với cái giá phải trả là vét hết tiền bạc và bán luôn ngôi biệt thự tại Hồ Tây.

Ông Cường sẽ làm gì với tảng ngọc bích khổng lồ này? Ông sẽ cho tạc một bức tượng Phật lớn nhất thế giới! Pho tượng Phật ngọc được ghi nhận lớn nhất thế giới hiện nay được tạc bằng ngọc Nephrite có trọng lượng 3,9 tấn, cao 2,50 thước được chế tác từ khối ngọc bích nặng 18 tấn. Pho tượng này đang được cung thỉnh khắp thế giới, đã tới Việt Nam vào tháng 3 năm 2009, tới Tu Viện Pháp Vương ở California vào tháng 2 năm 2010 để cho các phật tử Việt Nam chiêm bái. Pho tượng từ khối ngọc bích nặng 35 tấn do ông Cường sẽ cho tạc lớn hơn pho tượng hiện nay nhiều. Tượng sẽ nặng tới 15 tấn lận, ăn đứt bức tượng đang giữ kỷ lục chỉ nặng có 3,9 tấn! Tổn phí tạc tượng được trù tính là 800 ngàn đô Mỹ.
Tượng Phật ngọc nặng 15 tấn của ông Cường vẫn còn trong dự tính nhưng bộ kinh Phật tạc trên đá của chùa Pháp Hoa ở Phú Nhuận đã  hoàn thành. Đây là bộ kinh Đại Thừa “Diệu Pháp Liên Hoa” gồm 7 cuốn, 28 phẩm, được Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ bản tiếng Hán ra tiếng Việt gồm 4 phần: Khai thị, Ngộ, Nhập và Phật tri kiến. Bộ kinh được khắc trên 70 thước vuông đá granite đen khổ lớn nhập cảng từ Ấn Độ và gần 40 tấn đá trắng vân mây từ tỉnh Thanh Hóa. Không phải chỉ khắc chữ không mà còn trạm trổ các họa tiết rất công phu gồm hoa sen, rồng cách điệu thời Lý, Trần tượng trưng cho triết lý Phật giáo.

Kinh kệ là thứ tôi biếng nhác đọc. Nay kinh lại nặng đến vài chục tấn thì quả là khó…tụng. Không tụng nên trí óc cứ vẩn vơ chẳng ra cái chi cả. Đang viết bài về ngọc mà tự dưng lại quẹo qua đá. Chẳng lẽ nhận lỗi. Đành phải ngoan cố một chút. Đá đây là đá ngậm kinh. Vậy là đá…ngọc. Ngọc nào mà sánh được!

09/2010