An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

NGẪU

Một thân hữu vừa gửi tới tôi một câu chuyện tù của tác giả Nguyễn Như Ý. Đọc xong tôi thừ người suy nghĩ. Chuyện có thật hay chăng? Nhưng tác giả đã kể tên thật của những nhân vật trong chuyện lại còn ghi rõ tên các trại tù, nếu không tin thì tự cảm thấy có lỗi, mà tin thì…bán tín bán nghi! Thôi thì cứ kể lại nơi đây. Thực hay không, nhờ trời.

Tác giả bị kết tội “phục quốc” và bị kêu án tử hình. Trong trại biệt giam cho các tử tội, tác giả gặp một nhân vật tên là “Chú Ba” nguyên là Trung Tá trong quân đội Cộng Hòa. Tên ông là Đinh Văn P… Ông này, sau khi Cộng sản chiếm miền Nam đã không ra trình diện mà còn dẫn một đoàn quân hỗn hợp gồm sĩ quan và lính của đủ các binh chủng vào rừng, lập chiến khu kháng chiến. Năm 1977, Trung Tá P. bị bắt khi nổ súng chiến đấu chống lại Cộng quân khi chúng tấn công bao vây chiến khu của ông và bị kết án tử hình. Trong một đêm giông bão, ông Trung Tá thấy tác giả khóc vì nghĩ tới vợ con và cái chết trông thấy trước mắt khi mới hơn hai chục tuổi đầu bèn nhìn và nói: “Chú em yên tâm đi vì chú em sẽ không bao giờ chết vì cái bản án tử hình này đâu. Đừng có nản chí!”. Anh Ý tỏ vẻ không tin. Ông Trung Tá coi kỹ cho anh một quẻ bói. “Ông kêu tôi khấn vái một câu gì đi rồi nói cho ông biết, căn cứ vào đó, ông sẽ coi cho tôi một quẻ.Và tôi đã khấn: “Cầu xin Trời Phật, những vị khuất mày khuất mặt cho con biết tương lai hậu vận của con ra sao”. Chú Ba dùng chai dầu gió Song Thập viết dòng chữ này xuống nền xi măng, rồi chú gạch gạch, xóa xóa, viết ra thành một dề số chi chít, kín cả tấm bản xi măng. Sau mươi phút im lặng, nhìn vào dề số chằng chịt đó, mặt ông dãn ra, tươi hẳn lên, ông thở một cái khì như cậu học trò vừa giải đúng được một bài toán khó. Chú nói: “Chuyện đầu tiên tao muốn nói với chú mầy là tao xác định chú mầy sẽ không chết trẻ như vầy đâu. Mạng của chú em mầy rất lớn vì nhờ luôn có ông Quan Đế Thánh Quân với lại nhiều vị Ơn Trên phò hộ. Chú em mầy thọ ghê lắm, tới gần ngót nghét một trăm tuổi lận đó! Hồi nhỏ thì hơi khó nuôi nhưng càng già thì càng mạnh giỏi, không có bệnh tật gì tầm bậy tầm bạ như người khác đâu. Từ bây giờ cho tới đó, có bỏ chú em vô cối mà giã thì chú em cũng văng ra, sống khỏe re. Bây giờ là tháng tư âm lịch phải hông, tới tháng mười, tức là sáu tháng nữa thì chú em sẽ thấy kết quả cụ thể là chú em sẽ không chết. Rồi đó, coi như chú em biết mình sẽ còn sống dài dài. Hễ còn sống tới già thì còn rất nhiều chuyện phải lo, vậy chú em muốn biết thêm chuyện gì nữa đây?”

Ông Trung Tá cho anh Ý biết thêm một số chuyện. Chuyện buồn. Hai vợ chồng không có số sống gần nhau, đứa con gái nhỏ của vợ chồng anh phải cho làm con nuôi một người ruột thịt. Hai điều này sau đó đều đúng. Vợ anh theo một đoàn cải lương và khi chết không ai trong gia đình được biết. Đứa con gái do người anh vợ của anh nuôi cho tới khi lấy chồng. Án tử hình của anh sau đó được giảm xuống tù chung thân, rồi 20 năm. Khi anh ở được 10 năm thì, năm 1988, được cho về làm…tù tại gia theo chính sách mới áp dụng cho các tù chính trị theo đó thì “ nếu các tù nhân đã thụ án được nửa bản án, không có thành tích trốn trại, không bị giam kỷ luật vì phạm nội quy trại, được gia đình làm giấy bảo lãnh ...thì được phép "cải tạo không cách ly xã hội", nói nôm na là được trại giam cấp một giấy chứng nhận đang cải tạo không cách ly xã hội, mang về trình công an tại địa phương cư trú rồi ở lại nhà mình, đi làm ăn kiếm sống, nuôi gia đình như một người bình thường. Hàng tháng, tù nhân phải quay về trại đổi giấy chứng nhận và đóng cho trại một số tiền, gọi là tiền công lao động đóng góp cho quỹ của trại. Số tiền này không phải là nhỏ, nhưng có rất nhiều gia đình cắn răng ăn mắm húp dòi, chắt mót, tiện tặn để mua sự tự do (!) cho chồng con, cha anh”.

Nhưng chuyện ly kì hơn là chuyện ông Trung Tá P. quả quyết là năm 1989, lúc 38 tuổi, anh Ý sẽ cưới người vợ thứ hai. Người vợ đó sẽ là một  cô gái lai nhiều dòng máu, ở gần nhà, có quen với gia đình anh và biết cả cô vợ cũ của anh, anh bị động trong chuyện quen cô gái này và đám cưới sẽ diễn ra khi đang có đại tang. Ngộ một điều là các đồng tù trong trại A-20 của anh Ý như linh mục Đ., đại đức T.T.S., Đại Úy Địa Phương Quân H.M.Q., Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Công Binh H.Q.T. đều có chấm tử vi cho anh Ývà nói đúng y chang như Trung Tá P. về người vợ sắp cưới của anh Ý. Sự việc về sau xảy ra đúng y chang như vậy.

Phải chăng cuộc đời của mỗi người đã được một lực vô hình nào đó…thảo chương trước rồi cứ thế mà diễn tiến? Rất nhiều người không tin như vậy. Nếu tất cả đã được định đoạt trước, tước hết quyền tự do của con người, thì cuộc đời còn chi để hoa lá cành. Sống là cứ ỳ ra cho một lực vô hình dẫn dắt mình đi. Đi tới đâu, không ai biết được trừ những người đọc được tương lai. Sống như thế chán chết. Cứ như con trâu bị xỏ mũi! Cuộc sống hứa hẹn những bất ngờ hơn nhiều.

Tất thảy chúng ta được sinh ra đời rất ngẫu nhiên
Và số phận cũng ngẫu nhiên
                 đưa đẩy con người đến những bến bờ không định hạn
Nào ai có thể chọn quê hương cho mình
Cũng như việc chúng ta không thể chọn nguồn cội
Ngẫu nhiên ngày cha mẹ yêu nhau định hình một sinh linh
Có ngôi sao vô tình xoẹt ngang định mệnh
Con gái, con trai,
Đàn ông, đàn bà…
Kẻ bình thường, người tài năng…
Sống bên nhau mà thành dân tộc.
(Trần Bình)

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người hay thắc mắc về thân phận. Một câu nhạc của ông: Tôi là ai mà yêu quá cuộc đời? Tại sao có tôi trên cõi thế này? Nghe nhức đầu! Muốn hết nhức đầu thì cứ nghĩ là do sự ngẫu nhiên. Này nhé, bụng mẹ có biết bao nhiêu cái trứng và số lăng quăng của cha là bao nhiêu triệu. Vậy mà một đêm đẹp trời (đêm thì làm sao mà đẹp trời được!) cha mẹ bỗng…văn nghệ, một cái trứng nào đó trong bụng mẹ và một con lăng quăng trong hàng triệu con lăng quăng phát xuất từ cha bỗng gặp nhau ở góc phố và bắt tay nhau tạo ra một sinh vật. Rất tình cờ. Rất ngẫu nhiên.

Cái thứ ngẫu nhiên mà xuất hiện thì có chi đâu mà vênh mặt. Thế nhưng cái hạt cát hình hài đó là một sản phẩm loại xịn. Rất ngất ngưởng. Rất trời.

Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc trục trời ngưng
Sao không, hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay phải đứng dừng
(Mai Thảo)

Chỉ một hạt bụi cũng đủ làm điên đảo trời đất bởi vì trời đất cũng chỉ là sản phẩm của ngẫu nhiên. Khoa học ngày nay cho rằng vũ trụ chúng ta đang sống là kết quả của hai thứ ngẫu nhiên: sự bùng nổ Big Bang và sự tiến hóa. Giải thích như vậy là…vô thần! Vũ trụ này, trái đất này là công trình sáng tạo của một Đấng Tối Cao mà phe Thiên Chúa Giáo gọi là Thượng Đế. Không có cái thứ ngẫu nhiên nào mà lại có bài bản, đầy hài hòa, nhịp nhàng như mặt trời lên xuống, mặt trăng ẩn hiện, mùa màng tốt tươi như vậy được. Hồi tôi còn học tại trường Chu Văn An, lớp Đệ Nhất ban Văn Chương, trong một giờ siêu hình học, cha Khiết đã dựa vào sự hài hòa này để chứng minh có Thượng Đế dựng nên trời đất. Dĩ nhiên có sự tranh cãi. Cũng là cho vui vậy thôi. Chiếc áo dòng đen trên người vị Giáo sư trên bục giảng  là câu kết luận của cha Khiết khi tiếng chuông hết giờ reo vang. Trời đất có ra sao đi nữa, cứ trực chỉ cái lều của bác cai mà ba chân bốn cẳng chạy tới tranh dành một ly chè đậu đen mát lạnh cái đã. Vài năm sau đó, cũng trong một giờ triết tại Đại Học Văn Khoa, cha Crass, tên Việt Nam là Đỗ Minh Vọng, cũng quay quắt trong cơn lốc lý luận của đám học trò đang tuổi muốn khẳng định những kiến thức mới mẻ của mình. Chiếc áo dòng của cha Vọng màu trắng, lẫn với màu phấn, rất nhạt nhòa, không thể là một khẳng định. Nhưng cuối cùng cha khẳng định bằng một câu nói rất nhỏ nhẹ nhưng đã dẹp tan loạn tranh cãi: “Các anh chị muốn nói chi thì nói nhưng tôi tin như vậy!”.

Ông bạn Kiệt Tấn của tôi cũng thích tranh cãi. Thấy bạn cứ hết em nọ tới em kia, hết Tuyết nơi quê nhà đến Diane người em xóm học, tới Louise xứ tuyết Quebec, tưởng vũ trụ của anh nằm gọn thon lỏn trong đám đồng cỏ nhỏ nhoi. Nhưng không, anh cũng nhìn xa ra phết! “Cho đến sự xuất hiện của muôn loài cũng có tính cách ngẫu nhiên. Đời sống trên trái đất tiến hoá theo hai mô thức: tiệm tiến (từ từ), và đột biến (mutations). Nếu giữ nguyên di sản ADN thì giống nào sinh ra y chang giống nấy. Nhưng đôi khi trong lúc di truyền, ADN bị sao chép sai - giống như làm photocopy mà không được giống hệt như bản chánh. Vì ADN bị sao chép sai nên một giống khác xuất hiện. Và cứ thế... cứ thế... cuối cùng đưa tới tình trạng đa dạng (biodiversité) của đời sống (cho nó đỡ buồn!) như hiện nay. Cái sự kiện "sao chép sai" có tính cách ngẫu nhiên. Khoa học chưa giải thích được minh bạch vì sao. Đại khái, khoa học quan niệm: "Ngẫu nhiên là những gì không thể định trước được". Tuy nhiên, có một điều mà khoa khảo cổ biết chắc là giống primates, tổ tiên chung của giống khỉ và giống người homo đã xuất hiện trên trái đất cách đây khoảng 10 triệu năm. Loài primates sinh ra giống khỉ trước. Sau đó, cách đây khoảng 5 triệu năm, khi sao chép ADN của mình, một loài khỉ vụng về (chimpanzé?) đã lơ đễnh không sao y bản chánh, bởi vậy nên giống người homo mới xuất hiện: ADN của con khỉ chimpanzé và "con khỉ homo" giống nhau tới mức 98%, khoa di truyền đã phân tích kỹ và xác nhận như vậy. Khi biết được điều nầy, con khỉ có "đỉnh cao trí tuệ" (như Hitler chẳng hạn) chắc sẽ giận run cả người. Có biết đâu giống khỉ chimpanzé cũng đang hối hận ngày đêm vì đang bị con cháu mình săn đuổi và diệt chủng khắp nơi trên trái đất. Một gương báo hiếu kỳ lạ, không có trong bộ "Nhị thập tứ hiếu" của Ba Tàu. Đức Khổng Tử mà biết được chắc sẽ buồn năm phút. Ngài sẽ ngửng mặt lên trời khóc ba tiếng cười ba tiếng mà than rằng: "Di hầu nan! Di hầu nan!" "Làm khỉ khó lắm thay! Làm khỉ khó lắm thay!" Tới Hầu VươngTề Thiên đã từng đánh Trời cũng phải khỏ thiết bảng lên đầu mà khóc thét! Mới biết "ham vui một phút, để hận muôn đời”.

Nếu cứ đi theo ông bạn Kiệt Tấn của tôi thì tất cả chỉ là ngẫu nhiên. Từ anh vũ trụ tới cái giống người và  tới cái thằng tôi đều là một thứ…ngẫu hết. Vậy thì đời sống của mỗi con người trong cái quả địa cầu ngẫu nhiên này có xảy ra vô số những chuyện ngẫu nhiên cũng là sự thường. Sách báo ghi lại thiếu giống những chuyện ngẫu nhiên, trùng hợp đến mức khó tin.

Một đêm tháng 7 năm 1930. Trời nóng bức. Viên cảnh sát Allan Folby ở Texas bị đụng xe. Một động mạch chủ ở chân bị đứt. Máu chảy ra xối xả. May thay có một khách qua đường tình cờ đi ngang qua vội vàng dùng gạc băng bó vết thương rồi mang ông đi bệnh viện. Nếu không có thể ông đã bị mất máu và chết. Năm năm sau, vẫn đang hành nghề cảnh sát, ông Allan Folby được phái tới để điều tra một tai nạn xe hơi. Tới nơi, ông thấy một người đàn ông nằm trên đường, máu chảy lênh láng vì đứt động mạch chủ ở chân. Giống hệt vết thương của ông. Nạn nhân tên Alfred Smith, người đã cứu ông 5 năm trước!

Năm 1899, giữa công viên thành Taranto ở Ý, một người đàn ông bị sét đánh chết đứng. Ba chục năm sau, 1929, con trai ông cũng bị một cú sét kinh hoàng quật chết. Hai chục năm sau nữa, vào ngày 8 tháng 10 năm 1949, Rolla Primarda, cháu trai của nạn nhân thứ nhất đồng thời là con trai của nạn nhân thứ hai, cũng bị một cú sét sơi tái. Ai bảo số 9 là số hên!

Sét hình như là một thứ thù dai. Đánh chết tới ba đời nhà Primarda. Lại còn đánh một ông tơi tả tới 4 lần. Ông xui tận mạng này là Thiếu Tá Summerford của quân đội hoàng gia Anh. Lần đầu, vào tháng 2 năm 1918, ông bị sét đánh ngay trên chiến trường Flanders. Ông ngã ngựa và bị liệt hết thân dưới, từ thắt lưng trở xuống. Ông được xuất ngũ và trở về sống tại Vancouver. Sáu năm sau, vào mùa hè năm 1924, ông đi câu. Khi đang ngồi câu thì sét lại tới hỏi thăm. Ông bị liệt hết nửa người  bên phải. Phải mất hai năm ông mới tạm phục hồi và đi lại được chút ít. Đúng sáu năm sau nữa, năm 1930, trong lúc đang thơ thẩn giữa công viên, ông lại bị nhào vì một cú sét. Hai năm sau ông hui nhị tì. Ông chết nhưng vẫn chưa hết duyên với sét. Bốn năm sau khi ông mồ yên mả đẹp, tức là đúng chu kỳ 6 năm như ba lần sét đánh trước, một cú sét đã phá hủy toàn bộ khu mộ của ông!

Sét có dính líu chi tới văn học nghệ thuật không? Không! Nhưng sự trùng hợp thì có. Lần này là sao chổi, thứ sao ít xuất hiện nhưng mỗi lần xuất hiện là một biến cố. Nhà văn liên quan tới sao chổi Harley là Mark Twain. Ông sinh vào đúng ngày sao chổi xuất hiện vào năm 1835. Và theo đúng chu kỳ, sao chổi Harley chỉ trở lại vào năm 1910. Một năm trước đó, năm 1909, nhà văn có khiếu khôi hài này đã dại dột ước: “Harley đã mang tôi đến năm 1835, tôi hy vọng sang năm, khi tái xuất hiện, nó sẽ mang tôi đi”. Cầu được ước thấy, sao chổi Harley đã mang ông đi thật vào năm ông được 65 tuổi, đúng tuổi ăn tiền già. Quên, hồi đó chưa có tiền già!

Đó là ngẫu với tác giả, đây là ngẫu với tác phẩm. Chuyện xảy ra vào năm 1974. Tài tử gạo cội Anthony Hopkins được giao một vai diễn trong phim “The Girl of Petrovka” được quay theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn George Feifer. Chàng tải tử rất thích vai diễn này nên cất công đi xe lửa tới Luân Đôn để mua cuốn tiểu thuyết về coi. Chàng kiếm đỏ mắt cũng không ra một cuốn trong các tiệm sách. Sách đã tuyệt bản. Chàng thất vọng quay về ga xe lửa Leicester đón tàu trở về. Trong khi chờ tàu, Anthony Hopkins tới ngồi nơi một ghế đợi. Bỗng chàng thấy cuốn tiểu thuyết nằm chình ình trên ghế. Chắc có ai bỏ quên. Chàng vơ vội mang về nhà đọc. Hai năm sau, trong khi đoàn làm phim đang quay ngoại cảnh tại thủ đô Vienna của Áo thì tác giả cuốn sách bất ngờ tới thăm chàng tài tử chính. Trong khi trò chuyện, nhà văn George Feifer than phiền ngay chính ông cũng chẳng còn bản nào của cuốn truyện ăn khách của chính ông. Quyển cuối cùng của ông, có những chú thích ông ghi bằng tay, ông đã cho một người bạn mượn và người này đã đánh mất ở Luân Đôn. Nghe nói, Anthony Hopkins linh cảm cuốn  chàng nhặt được trên ghế đợi ở sân ga có thể là cuốn bị thất lạc, chàng bèn lấy ra đưa cho ông nhà văn coi. Đúng boong! Chính hắn.

Ngẫu nhiên là thứ mà các nhà văn rất khoái dùng để đưa đẩy câu chuyện. Nó tạo đột biến cho tác phẩm mang lại sự hấp dẫn trong tiểu thuyết. Nhưng nếu lạm dụng sự ngẫu nhiên thì tác phẩm rơi vào giả tạo. Hư cấu là cần trong nghệ thuật viết văn nhưng hư cấu một cách vô tội vạ sẽ làm cho tác phẩm xa rời thực tế. Bởi vậy nên một nhà văn có kinh nghiệm luôn thận trọng trong việc đưa đẩy truyện bằng ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên phải mang tính tất yếu của cuộc sống. Có vậy đời sống trong tiểu thuyết mới đi đôi với đời sống đích thực ngoài đời làm cho độc giả sống theo nhân vật tiểu thuyết mà vẫn ngỡ chân mình còn chạm đất!

Viết hồi ký như tác giả Nguyễn Như Ý thì khác. Cứ...ngẫu thoải mái. Miễn là viết sự thực!

06/2010