An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

NƯỚC

Nước là thứ đầy rẫy, với tay một cái là có. Muốn có nước rửa mặt mũi chân tay, tắm táp cho mát mẻ, vặn cái vòi là có. Muốn có nước uống, ấn cái nút là có. Ra khỏi nhà, vớ cái chai là có. Muốn nóng có nóng, muốn lạnh có lạnh, muốn buốt răng cũng có ngay. Nước ở quanh ta, có chi mà phải nói tới. Rẻ rề. Dân Canada xài trung bình mỗi ngày 326 lít. Dân Mỹ chắc cũng chẳng thua. Ba trăm hai mươi sáu lít là bao nhiêu? Nếu tính theo thùng gánh nước ở Việt Nam, mỗi thùng hai chục lít, thì mỗi người chúng ta xài gần 18 thùng mỗi ngày. Có nhiều không? Nhiều chứ. Bởi vì một phần ba dân số trên thế giới không đủ nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta dùng như vậy là có tội!

Chỉ nguyên khoản nước chúng ta dùng để tưới cỏ tưới cây quanh nhà cũng là đáng kể. Nhiều nhà để nước tự động tưới quá mức cần thiết khiến nước trào ra đường, ào ạt chui xuống ống cống. Nước…chùa mà! Who cares? Nhưng dù có cẩn thận khi tưới cỏ tưới cây, dùng chỉ vừa đủ nước cho cỏ xanh tươi cho cây không khô héo, thì vẫn mất một lượng nước lớn. Vợ chồng ông Quan và bà Angelina Ho ở quận Cam là người tiếc nước, thấy tưới cỏ tốn nhiều nước quá, hại cho môi trường, họ nhổ hết sân cỏ trước nhà. Tưởng như thế là yêu…nước, nhưng chuyện họ làm không giống ai lại gây ra những phiền toái. Ông Quan Ha, một manager của công ty Kelley Bluebook, phân bua: “ Chúng tôi có con nhỏ nên bắt đầu lo lắng cho tương lai của con gái mình”. Ý ông cho biết nhổ cỏ để tiện tặn được hàng chục ngàn gallons nước mỗi năm, có lợi cho tương lai con cháu chúng ta một mai khi trái đất thiếu nước. Nhưng cái tâm thiện của ông Hà đã đưa ông ra tòa! Ông bị  giới chức thành phố nơi ông cư ngụ cáo buộc là ông đã vi phạm luật thành phố. Theo luật thì người có nhà phải dành ít nhất 40%  diện tích sân trước nhà để trồng cỏ hoặc cây. Được nhắc nhở về luật, vợ chồng ông Hà đã tỏ thiện chí bằng cách dùng gỗ vụn đổ lên mặt đất, dựng hàng rào quanh sân và trồng một số bụi cây ít tốn nước tưới. Họ chụp hình gửi lên tòa thị chính nhưng không thấy nơi đây trả lời chi cả. Đùng một cái, thành phố kiện họ ra tòa về tội vi phạm các qui định của thành phố. Thế có đau đầu không! Ông Hà là người ít đau đầu, ông khôi hài: “Thật tức cười! Chúng tôi trả thuế cho thành phố và nay thành phố dùng tiền của chúng tôi để truy tố chính chúng tôi!”. Ông đưa ra những con số chứng minh rằng ông bà đã hành xử đúng như một người có trách nhiệm với môi trường: từ số nước ông dùng khi còn sân cỏ là 299.221 gallons, khoảng 1 triệu 130 ngàn lít, vào năm 2007, xuống còn 58.348 gallons, khoảng 201 ngàn 655 lít vào năm 2009. Làm một cái tính trừ thì thấy ông Hà đã tiết kiệm được 928 ngàn 345 lít nước mỗi năm! Đó mới chỉ là một cái sân cỏ! 

Đáng lẽ được hoan hô vì lo cho môi trường, cho các thế hệ tương lai, ông Hà lại bị các quan thành phố, cứng ngắc với luật lệ, làm phiền. Phiền thật! Quận Cam bên Cali thua xa thành phố thủ đô Ottawa của Canada chúng tôi. Giới chức thành phố này khuyến khích dân chúng tiết kiệm nước từ cái bồn cầu. Mỗi lần dùng, chúng ta xả nước. Đó là chuyện bắt buộc. Để giữ vệ sinh. Đôi khi chúng ta xả bừa bãi hai ba lần. Nhưng có nhiều nơi trên thế giới này, ngay cả các nước được coi là tiên tiến bên trời Âu, việc xả nước còn phải cân nhắc, vài lần dùng một lần xả. Dĩ nhiên là khi dùng việc nhỏ chứ dùng việc lớn thì không thể tiết kiệm nước được. Họ tiết kiệm nước vì giá nước khá đắt. Ở Montreal chúng tôi nước rẻ rề. Nói là vậy chứ nước dùng ở Montreal là…vô giá. Vì chúng tôi được dùng free, kể cả khi dùng nước để tưới cỏ cây.

Vậy thì giới chức thành phố Ottawa không bắt người dân hai ba phùa mới giật nước một cái. Ai lại chơi ép nhau như vậy. Thành phố khuyến khích dân tiết kiệm nước bằng cách tài trợ cho dân lắp bồn cầu xài ít nước. Mỗi bồn cầu được tài trợ khoảng 70 đô. Chương trình bắt đầu từ năm 2007 và  chấm dứt vào cuối tháng 6 năm 2010. Có khoảng 15 ngàn bồn cầu đã được tài trợ. Lo cho dân tới cái chỗ ngồi trong công đoạn cuối cùng của chu trình tiêu hóa, thành phố Ottawa đã giảm được đáng kể số lượng nước tiêu thụ. Từ năm 2007 tới 2009 số lượng nước tiêu thụ đã giảm được 9%. Hiện giờ mỗi người dân vùng Ottawa chỉ dùng 291 lít nước mỗi ngày. Nếu so với số trung bình toàn quốc là 326 lít thì mỗi ngày mỗi người ở Ottawa nhín được 35 lít nước. Một ngày đã được vậy, một tuần,  rồi một tháng, một năm, đỡ biết bao. Một người như vậy, trăm ngàn người nhín được một số lượng nước khá khẩm. Đấy là chỉ mới có cái bàn cầu. Người có lòng với…nước còn áp dụng được nhiều chiêu khác khi tắm táp, khi rửa ráy, khi xúc miệng đánh răng…

Nhưng hà cớ chi phải tiện tặn cho khổ tấm thân, nhiều người xài nước sẽ tấm tức như vậy. Bởi vì sông ngòi trên thế giới đang trong tình trạng khủng hoảng đưa lại hậu quả khốc liệt cho khoảng 5 tỉ dân sống tại những vùng ven sông và gây nguy hại cho hàng ngàn chủng loại sống dưới nước. Nước cần thiết cho chúng ta như thế nào, chẳng cần nói ai cũng biết. Ai trong chúng ta cũng đã từng sống trong tình trạng cúp điện và cúp nước. Cái nào khổ? Thực ra cứ cúp là khổ, điện hay nước đều vậy, nhưng tôi thấy cúp nước khổ hơn. Chẳng phải vì tôi là người sạch sẽ mà ai cũng vậy. Thiếu điện thì chỉ thiếu một thứ, thiếu nước là thiếu trăm thứ. Cơ thể chúng ta cần nước hơn cần điện. Nếu chúng ta là dân boat people thì khỏi phải bàn chuyện nước cần như thế nào trên đường vượt biển. Chỉ nhỏ được một hai giọt nước trên đôi môi khô cằn nứt nẻ vì thân thể thiếu nước có thể giữ cho chúng ta cuộc sống trong hy vọng có tầu vớt. Vậy mà, mỉa mai thay, nước biển tràn lan chung quanh. Cái thứ nước không phải nước này như một thứ trêu ngươi. Trong cuốn “Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông” được xuất bản từ năm 2003, biết bao nhiêu thảm cảnh vượt biển đã được những người trong cuộc kể lại. Đọc bất cứ bài nào trong 46 bài của tuyển tập này chúng ta cũng chạm vào cái khát. Tác giả Trần Thu Nga viết về nỗi khổ thiếu nước: “Sang đến ngày thứ sáu thì có thêm một anh thanh niên bị nóng sốt cùng với một em bé thơ khác rủ nhau trút hơi thở qua đời vì trên tầu không còn một giọt nước uống. Riêng hai chị em chúng tôi, nhờ sự may mắn rất tình cờ, khi đứa em trai của tôi, vào giữa trưa nắng cháy ban ngày, đã phải dầm mình xuống trong làn nước biển cho đỡ khát nước thì bất ngờ nó phát hiện ra một nguồn nước thiên nhiên vô tận, vừa bổ dưỡng thay cho sự thiếu vắng thức ăn không có đã cả một tuần qua, vừa khống chế được cơn khát nước kinh hoàng mà cả tầu chúng tôi đang phải chịu đựng khổ sở đến cùng cực. Tất cả mọi người bị thiếu nước uống đến nỗi trong từng cơn đồng thiếp mê tỉnh, chúng tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là mong có được một ly nước để rồi chỉ dùng một đầu tăm nhúng vào ly nước đó mà nhấm nháp từng giọt nước quý báu nhỏ xuống từ cái đầu tăm bé nhỏ kia. Chúng tôi khát nước đến nỗi hai hàm răng đều bị dính lại như có một chất keo dán lại, không thể nào há miệng ra nói một cách tự nhiên được cho đến khi nguồn thực phẩm quí giá kia được cả tầu hè nhau nhanh chóng tham dự. Đó là vô số những con hào nhỏ bé bằng ngón tay bám đầy rẫy bên dưới lườn ghe từ lúc nào để cho chúng tôi thay phiên nhau cạo lấy chúng, rồi nhanh chóng dồn vào miệng nhai nát vỏ và hít lấy tinh chất ngọt lịm của những con hào cứu tinh này.”

Nước nhắp cho qua cơn khát là một thảm cảnh. Cũng  trong tuyển tập này, tác giả Nguyễn Tiến Đức trong chuyện kể “Chờ Rác Biển” đã kể lại: “Trong ngày thứ 18, khát nước quá, ông chủ tầu đã dùng một cái nồi nhỏ và hai cần xế củi còn lại nấu nước biển để chưng lấy nước uống. Họ tranh nhau lấy mấy giọt nước uống còn hơn giật vàng nữa. Tôi liếm nước trên cái vung đọng hơi nước mà cũng đỡ khô họng. Có một người đàn bà không tranh được nước, thức cả đêm nấu nước mà được có một chung nhỏ xíu. Đến ngày 19 thì trên tàu còn dầu nhưng ông chủ tàu không cho ai đụng đến để nấu nước”. Nước biển có thể làm đường đưa thuyền vượt biên ra khơi nhưng nước biển không giúp dân vượt biển hết khát. Tôi không “được” vượt biên vì bao nhiêu cuộc toan tính chỉ đưa tôi ra được tới thành phố biển là bị bể, chưa thấy mặt nước, nhưng vẫn bị ám ảnh với nước. Sau này khi có dịp đi cruise, tôi để ý nhiều đến việc nước xài trên tàu. Quả là thoải mái. Cứ như trên đất liền. Tha hồ tắm táp, rửa ráy. Nước uống thì khỏi nói, chẳng bao giờ là vấn đề. Người ta phải chở theo tới bao nhiêu nước cho vài ngàn người trên tàu dùng thoải mái như vậy? Chỗ đâu mà chở? Không, họ cũng lọc nước biển thành nước ngọt cho mọi người dùng. Dĩ nhiên không chưng cất một cách thủ công như trên tàu vượt biên của ông bạn Nguyễn Tiến Đức của tôi!

Nước sinh hoạt chúng ta dùng hàng ngày kể cả nước tưới cây tưới cỏ cũng đều phải lọc từ nước sông, nước thải. Lọc là phải tốn tiền. Tiền đóng thuế của chúng ta. Vậy xài phung phí bạt mạng là móc hầu bao, của mình và của người chung quanh mình. Chẳng lẽ chúng ta là dân…móc túi! Nói lọc nghe ra rất giản dị nhưng trên thực tế thành phố nào cũng có những cơ sở to đùng, máy móc dữ dội, hóa chất hàng hàng lớp lớp để tạo ra nguồn nước sinh hoạt cho gia đình chúng ta. Nếu không lọc, nước là thứ nguy hại. Lọc không đúng tiêu chuẩn cũng rứa. Tôi vừa được coi hình một người dân Sài Gòn, thành phố có hệ thống lọc nước tốt nhất nước. Mặt mũi, tay chân, lưng bụng của ông dính đầy những cục to nhỏ, to cỡ trái banh quần vợt nhỏ cũng ngang trái chùm ruột, do da bị nước ô nhiễm hành. Trông hình thấy phát sợ nhưng các bác sĩ báo động là nguy cơ những bệnh ung thư rất kỳ lạ còn tai hại hơn nhiều. Các bác sĩ không chẩn đoán được nên gọi là bệnh…lạ! Số người bị viêm mũi, viêm họng càng ngày càng gia tăng khủng khiếp. Vì sao? Vì nước máy thành phố. Không biết họ lọc ra sao mà nước vàng khè như dầu nhớt. Để miếng vải trắng cho nước chảy qua thì tội cho miếng vải hết sức. Như vừa được lọc qua nước cống!

Nước cho con người dùng đến phần lớn từ sông ngòi. Vậy mà sông ngòi ngày nay rất èo uột. Chính con người đã giết hại sông ngòi. Bằng nhiều cách. Một toán nghiên cứu trong đó có ông Peter McIntyre của trường Đại Học Wisconsin – Madison vừa làm một cuộc nghiên cứu tổng quát về tình trạng sông ngòi trên thế giới. Ông  Peter McIntyre cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp các bản đồ của 23 yếu tố gây tác hại cho sông ngòi khác nhau và hợp nhất thành một chỉ số duy nhất. Trong quá khứ các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu thường chỉ đối phó với từng vấn nạn. Chúng ta sẽ có một bức tranh chi tiết hơn và nhiều ý nghĩa hơn khi mọi đe dọa được xem xét cùng một lúc”. Những yếu tố gây nguy hại cho sông ngòi được toán nghiên cứu hài ra gồm: sự ô nhiễm; việc xây dựng các đập nước và hồ chứa nước; việc khai thác nước bừa bãi; lạm dụng việc sử dụng nước cho công nghiệp; việc giảm diện tích các đồng lầy; sự xâm nhập của các chủng loại mới. Theo các nhà nghiên cứu thì sông ngòi trên thế giới đang ở trong tình trạng khủng hoảng vì con người đã lạm dụng nước trong nông nghiệp, phát triển kỹ nghệ, điều chỉnh môi trường sống trên sông và các yếu tố khác. Trong số 47 con sông lớn nhất thế giới thì có 30 sông chứa khoảng nửa lượng nước ngọt trên trái đất bị đe dọa ở mức độ vừa phải, 8 con sông ở mức độ cao, 14 con sông ở mức độ rất cao về sự khan hiếm nước với cuộc sống của con người. Kết luận của nhóm nghiên cứu là 80% dân số thế giới đang đứng trước mức đe dọa cao về sự khan hiếm nước! Phần lớn Phi Châu, vùng Trung Á và những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Peru hoặc Bolivia đang gặp khó khăn trong việc thiết lập những dịch vụ căn bản về nước như cung cấp nước uống sạch và tình trạng vệ sinh sông ngòi.

Quay về với tình trạng nước tại Á Châu chúng ta thì ông Arjun Thapan, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Á Châu về nước và cơ sở hạ tầng, báo động cho các chính phủ cần quản trị các nguồn nước tốt hơn để việc khan hiếm nước không trở nên tồi tệ hơn. Ông cho biết: “Chúng tôi tin rằng châu Á sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nước và tình hình đang ngày thêm nghiêm trọng theo thời gian”. Theo nghiên cứu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu thì nguồn nước của châu Á sẽ chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu vào năm 2030. Tại châu Á, 80% nước được dùng cho nông nghiệp. Thiếu nước có nghĩa là thiếu thực phẩm. Ngân Hàng khuyên các chính phủ không được coi nước là tài nguyên vô tận và miễn phí mà phải đánh thuế nước ngay từ bây giờ.

Con người ngày nay coi bộ lơ là quá đáng với những dòng sông. Dòng nước trong vắt hiền hòa hầu như không còn nữa. Chúng ta đổ mọi thứ vào những dòng sông tội nghiệp. Ngày xưa thì rác rưởi và chất thải của con người. Ngày nay là chất thải của kỹ nghệ, thứ làm ô nhiễm gấp bội. Trong số 412 dòng sông ở Philippines thì có tới 50 dòng sông không có sự sống. Việc làm sạch sông đòi hỏi những số tiền đáng kể. Chỉ nguyên việc làm sạch vịnh Manila và sông Pasig đã khiến nhà nước Philippines phải chi ra từ 2 tỷ tới 2 tỷ rưỡi đô Mỹ mỗi năm!

Những dòng sông ở Việt Nam ngày nay hầu như đều bị ô nhiễm nặng. Ngày xưa, khi tôi còn sống ở Thị Nghè, con kinh là nơi người ta xả đủ thứ xuống, từ những rác rưởi của ngôi chợ ngay trên bờ kinh, những thú vật chết đến những nhà cầu nổi trên sông. Mùi nước hôi thối bốc lên đến chóng mặt. Mười năm trước đây, khi về thăm nhà, con kinh đã được xây kè xi măng hai bên bờ, những nhà cầu nổi trên sông đã không còn, vậy mà dòng nước vẫn đen đúa, mùi hôi vẫn làm khổ lỗ mũi khách qua cầu Thị Nghè. Hình như những dòng sông, kinh rạch của chúng ta đã bị bệnh kinh niên khó chữa. Bệnh đã vậy mà mỗi ngày các dòng sông lại bị đầu độc nặng nề bằng những chất thải kỹ nghệ của những nhà máy dùng hóa chất tuôn vào dòng sông. Điển hình là con sông Thị Vải bị nhà máy chế tạo bột ngọt Vedan giết chết một cách tức tưởi. Kiếm đâu ra được một dòng sông lặng lờ thơ mộng nữa đây!

Nguồn nước sông đã vậy, nơi không có sông còn thiếu nước trầm trọng hơn nữa. Thanh Tùng là một xã nghèo của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ở miền Trung nước Việt. Xã không có sông, không có hồ, cũng không có nhiều khe suối cho nguồn nước. Người dân sống nhờ nước giếng. Nạn hạn hán trầm trọng năm nay đã khiến giếng trơ đáy. Cả xã điên lên vì nước. Tắm táp là chuyện xa xỉ. Nước vo gạo được dành lại để rửa chén bát, rửa rau rồi mới cho trâu bò, lợn gà uống. Đồng lúa thiếu nước coi như mất hết mùa màng. Dân chỉ có mỗi một việc là đi gánh nước. Tranh dành nhau nước từ vài ba cái giếng còn cho nước. Phần lớn giếng sâu tới 20 thước mà vẫn khô rang, không vắt ra được một giọt nước. Người ta cố dùng máy khoan đào sâu hơn đến 50 thước cũng không có nước. Các xã miền núi của các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng vậy. Điên lên vì nước.

Mỗi ngày một người dân nơi miền hạn hán này dùng bao nhiêu nước? Không có số thống kê. Nhưng cảnh đi tranh dành từng thùng nước hiếm hoi coi bộ không có được một con số coi được. Đối với họ, con số mỗi ngày 326 lít nước, tương đương với 18 thùng nước, của mỗi người chúng ta xài hàng ngày là một con số hỗn hào. Có ai trong chúng ta cảm thấy mình có tội hay không? Có ông Guy Futi. Ông này dân Canada, nguyên quán ở xứ Gabon bên Phi Châu, là một manager về tài chánh của một nhà băng lớn ở Montreal. Năm 2008, ông bỏ công việc vì…nước. Ông thành lập công ty Maji Water chuyên bán các chai nước lọc cho một số cửa tiệm để bán lẻ lại cho công chúng. Vậy thì cũng là một anh lái buôn thôi chứ có chi lạ. Cái lạ là anh lái buôn này chịu khó nghĩ về nước. Ông thấy làm ăn về nước lời quá xá. Để chế được một bình nước sạch chỉ tốn có từ 10 đến 50 xu là cùng. Vậy mà bán ra tới 3 đô rưỡi. Quá xá là lời! Ông tâm sự: “Bởi vậy nên tôi nghĩ tới việc “nước cho nước”. Tôi quyết định thành lập một công ty bán nước cho các nước giầu có để tặng nước cho các nước nghèo khó”. Ông dành 25% tiền lời bán nước để giúp cung cấp nước sạch miễn phí cho các vùng thiếu nước tại các quốc gia đang phát triển. Ông tài trợ việc đào các giếng để lấy nước sinh hoạt, đồng thời cung cấp nước uống cho các cư dân thiếu nước. Ông đã thực hiện được việc tiếp nước tại Nicaragua, Ấn Độ và Darfur và dự định hoạt động ở Benin thuộc Tây Phi. Nói về những thành quả của công ty mà ông khởi đầu thành lập bằng tiền tiết kiệm của chính ông, Guy Futi hân hoan: “ Thật thú vị khi làm được điều tưởng như không thể làm được cho một cộng đồng. Khi không có nước, bạn mới thấy nước quý dường bao!”

Nước quý quá đi chứ. Có nước là khỏe ru. Chẳng thế mà ông nhạc sĩ Hùng Lân đã sáng tác ra bản nhạc Khỏe vì…nước!

10/2010