An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

THAI

Theo thông lệ hàng năm, cứ vào giờ khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới dương lịch, người ta lại đón chờ đứa trẻ được sanh đầu tiên trong năm. Tính theo toàn thế giới thì hơi khó, theo quốc gia cũng còn khó. Làm sao tính được từ múi giờ này qua múi giờ khác tiếng oe oe đầu tiên của năm mới. Vậy thì cứ tính theo từng đơn vị nhỏ hơn cho đỡ mất công cãi cọ. Có thể tính theo từng khu vực, từng thành phố hay, lớn hơn một chút, từng tiểu bang. Bên Canada thì tính theo tỉnh bang. Vậy thì em bé đầu tiên mang tiếng khóc bưng đầu mà ra của năm nay tại tỉnh bang Québec chúng tôi là một bé gái. Tên bé là Talasan Abdi Omar. Bé là con thứ ba của cặp vợ chồng Mohamed Abdi Omar và Fatouma Ali Mogueh. Nơi ra đời của bé Talasan là bệnh viện Saint Mary nằm trong khu Côte des Neiges của thành phố Montreal.

Nghe tới tên Côte des Neiges là bất cứ ai ở trên đất Mỹ và các nơi khác của Canada cũng biết ngay đây là khu quy tụ nhiều người Việt Nam. Tiếc là không có bà Việt Nam nào chịu khai hoa nở nhụy vào đúng lúc giao thừa trên đất nhà để xác nhận chủ quyền! Nhưng năm nay chúng ta cũng được giải an ủi. Bác sĩ đỡ ca sanh sớm sủa nhất trong năm là một bà bác sĩ Việt Nam. Trên báo không thấy nhắc tới tên bà bác sĩ này. Nhưng tôi nghe mấy ông bà Việt Nam có coi truyền hình Tây thì họ cho biết đài truyền hình nói đó là bác sĩ Tu. Vậy là có thể lắm vì bà bác sĩ sản khoa này làm tại bệnh viện này và phòng mạch của bà luôn lố nhố những bà có khăn choàng đầu. Bà là một bà mụ mát tay nên nhiều khách. Khách đợi khám phụ khoa và sản khoa của bà đông như kiến và là những người rất kiên nhẫn. Bà chị tôi đã có lần đợi từ trưa tới 10 giờ đêm mới gặp được bà. Vậy nên muốn hỏi có đúng là bà không là điều bất khả. Thôi thì cứ tin như vậy cho vui.

Bà mẹ Fatouma Ali Mogueh, 26 tuổi, cho biết là bà không chú ý nhiều tới cái “đầu tiên” của đứa con mà chỉ cần mẹ tròn con vuông là mừng rồi. Bà nói vậy cũng phải vì bà có tài cán chi đặc biệt đâu ngoài cái tài…canh me. Bà cho bé Talasan ra đời vào đúng bóc lúc đồng hồ điểm 12 giờ, thời gian từ năm cũ qua năm mới, không sai một giây! Tài canh me của bà như vậy có thể coi là thượng thừa. Những em bé đầu tiên của những năm trước không đúng hẹn như vậy. Em bé Talasan ngon lành như vậy có thể vì em có một sứ mạng. Đó là dẫn đầu một đoàn lóc nhóc mà người ta tin là chắc chắn đông gấp bội những năm trước. Năm nay tỉnh bang Québec của tôi sẽ bội thu con nít. Đó là vì từ tháng 8 vừa qua, tỉnh bang Québec đã là tỉnh bang đầu tiên ở Bắc Mỹ mà nhà nước sẽ tài trợ cho các cặp vợ chồng không có con được làm thụ tinh ống nghiệm (In Vitro Fertilization). Chính phủ đã dự trù 70 triệu đô mỗi năm cho công tác…thủy lợi này. Tạo hóa không ban cho những cặp vợ chồng bế tắc đường dưới một hài nhi thì chính phủ sẽ ra tay nặn ra cho họ hài nhi cưng quý này. Dân Québec là dân hiếm muộn. Chính phủ đã hết sức khuyến khích bằng cách cho các bà mẹ sanh con được nghỉ làm nguyên một năm. Anh chồng, người cũng có tí công đóng góp vào việc tạo ra cái bụng bầu, cũng được nghỉ 5 tuần. Rồi tiền sanh, tiền sữa. Bây giờ lại thêm vụ chi tiền cho những bà hiếm muộn làm thụ tinh nhân tạo. Từ trước tới nay, khi cho thụ tinh bằng ống nghiệm, các bác sĩ thường bỏ vào vài cái trứng cho chắc ăn. Kết quả ra toàn những cú sanh đôi, sanh ba hay hơn nữa. Nay nhà nước giới hạn cho các bệnh viện tham gia vào chương trình này chỉ được đặt một trứng thôi. Với biện pháp này tỷ số sanh đôi trở lên từ trước tới nay là 27,2% sẽ tụt xuống còn 3,8% thôi. Nhưng cũng vì chỉ được dùng có một trứng nên tỷ lệ thành công cho những bà dưới 35 tuổi sẽ tụt từ 58% xuống còn 40% thôi. Để bù lại, mỗi bà được làm tới ba phùa nếu cần, nên người ta hy vọng tỷ lệ…trúng sẽ xêm xêm như khi bỏ vô nhiều trứng.

Làm mẹ là một hạnh phúc. Nhiều bà tịt ngòi không tự sản xuất để trở thành mẹ được nên đã xin con nuôi. Nhưng đó vẫn là con người ta chẳng dính dáng chi máu mủ của mình. Có tí con chui ra từ bụng mình vẫn thích thú hơn nhiều. Thế nên chương trình giúp các bà mẹ làm thụ tinh ống nghiệm rất được các bà yếu địa hoan nghênh. Mỗi lần làm thụ tinh nhân tạo như vậy đâu có rẻ. Nếu chính phủ không giúp thì tiền đâu mà tạo ra con!

Khỏi phải nói, dân đóng thuế ở tỉnh bang Québec tuy có mất thêm tí tiền thuế cho vụ thụ tinh bằng ống nghiệm này nhưng họ cũng vui vì chương trình này chắc chắn sẽ mang niềm vui làm mẹ cho nhiều phụ nữ vô sinh. Khoa học đã tạo ra phôi thai  từ bao giờ, chắc nhiều người trong chúng ta nhớ lơ mơ là mới đây thôi. Thực ra em bé ống nghiệm đầu tiên đã ra đời vào tháng 7 năm 1978, nay đã 33 tuổi. Đó là bé người Anh Louise Brown. Nay bé không còn là bé nữa. Bé cũng đã làm mẹ khi, vào năm 2007,  sanh được một bé trai tên Cameron. Bé Cameron có là con của ống nghiệm như mẹ không? Không, Louise đã thụ thai một cách tự nhiên. Sự ra đời của Louise đã làm chấn động giới truyền thông và là một bước ngoặc y học đáng kể nhất của thế kỷ 20. Khuôn mặt của bé Louise hồi đó xuất hiện trên báo chí nhiều đến nỗi khi em ra đường ai cũng nhận ra em. Nhiều người tò mò thích chuyện trò, đùa giỡn với sinh vật khởi nguồn của một lối thụ thai mới tinh. Bé Louise còn tức cười với câu hỏi giỡn của một người không quen: “Làm thế nào cháu có thể ở vừa trong một ống nghiệm?”

Kể từ ngày ra đời của Louise tới nay đã có 4 triệu trẻ em trên khắp thế giới, con của ống nghiệm, được tạo ra. Ồn ào nhất có lẽ là những đứa con của ca sĩ nổi tiếng thế giới Céline Dion. Tôi lại phải khoe thêm một chút. Cô ca sĩ này là dân của thành phố Montreal cùng với tôi đấy! Cô ca sĩ này mới cho ra đời một cặp sinh đôi hai bé trai Eddy và Nelson vào tháng 10 năm 2010 vừa qua. Cả hai bé này và bé René Charles Angelil, nay đã 9 tuổi, đều là những em bé của ống nghiệm. Tại sao cô ca sĩ 42 tuổi này lại phải chơi với cái ống nghiệm hoài vậy? Bởi vì chồng cô, René Angelil, 68 tuổi, bị ung thư. Trước khi được điều trị, tinh trùng của ông đã được lấy ra để đông lạnh và mang ra dùng dần. Không biết có phải vì tinh trùng thuộc loại đông lạnh nên khó hoạt động trở lại hay không mà cô phải thử đi thử lại tới lần thứ sáu mới đậu thai hai chú nhóc này.

Sanh con vào lúc 42 tuổi như cô nàng Céline Dion kể là đã quá lứa sanh. Nhưng với thụ tinh nhân tạo tuổi tác của bà mẹ hình như không còn là vấn đề nữa. Tuổi nào hình như cũng có thể kiếm tí ti con được. Tới tuổi cổ lai hy tưởng giữ được cái mạng mình đã là quý nhưng bà người Anh tên Brown, nay đã 72 tuổi, vẫn còn muốn kiếm tí con. Dĩ nhiên tới tuổi via như bà, máy móc đã quá đát, chắc chắn phải nhờ tới cái ống nghiệm giúp đỡ. Xứ Anh của bà cho tới nay vẫn chưa OK kiểu sản xuất baby từ ống nghiệm nên bà phải bay qua các nước khác để thực hiện…tham vọng của bà. Bà đã qua Mỹ rồi qua Ý, thử đi thử lại tới 6 lần, tiền của mất bao nhiêu mà kể, vậy mà bụng vẫn lép. Bà vốn là một bác sĩ y khoa nên lòng tin vào y học lúc nào cũng dạt dào. Bà lại mới bay ra ngoại quốc một lần nữa để làm phùa thứ bẩy! Sao trẻ không chịu đẻ, đến bây giờ cuống cả lên, bà cho biết: “Tôi luôn tâm niệm rằng khi thời gian phù hợp, tôi sẽ có một đứa con. Nhưng các nghiên cứu của tôi đã khiến cho việc có con bị lùi lại mãi. Thời điểm phù hợp cũng đã đến khi tôi đã qua tuồi 50, và kể từ đó tôi đã nỗ lực và thất bại với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm”. Nếu lần này thành công, bà sẽ là bà mẹ già nhất thế giới.
Bà mẹ già nhất thế giới bây giờ là ai? Cho tới năm 2008, đó là một bà sanh đôi ở Tây Ban Nha khi bà đã 67 tuổi. Kỷ lục này đã bị phá vỡ khi cụ bà Rajo Devi ở Ấn Độ, 70 tuổi, hạ sanh một bé gái vào ngày 28 tháng 11 năm 2008. Dĩ nhiên sanh ở tuổi già khú đế như vậy là phải nhờ tới cái ống nghiệm. Ca thụ tinh này do Tiến sĩ Anurag Bishnoi thuộc Trung tâm Sinh sản Hisar ở tiểu bang Haryana thực hiện. Già cỡ cụ bà Rajo và ông chồng Bala Ram 72 tuổi của bà thì trứng với tinh trùng nếu còn thì cũng thuộc loại chẳng ra chi. Kết hợp với nhau thì chỉ có cười trừ! Biết thì ai cũng biết vậy nhưng những thứ làm thành một thai nhi này là của ai thì người trong cuộc nhất định không nói. Nhất là sau khi đã ăn ở với nhau tới 10 năm mà hai người vẫn chỉ cu ki chúng mình hai đứa, gia đình bà Rajo đã hy sinh gả thêm cô em vợ cho ông anh rể để kiếm tí con, vậy mà không vẫn hoàn không! Đánh nguyên cả cụm mà vẫn sôi hỏng bỏng không nên gia đình mang tiếng vô hậu. Tới nay, 55 sau ngày cưới, hai vợ chồng mới gỡ được danh dự cho gia đình. Mừng quá đi chứ!

Mừng là phải. Có nhiều người không làm được như bà Rajo tuy trẻ hơn bà nhiều. Họ không có cái bụng chứa con dù là phôi thai đã được chế tạo sẵn từ ống nghiệm chỉ việc mang để vào bụng. Như bụng của cô nàng Gena Lucas ở Victoria, tỉnh bang British Columbia, Canada. Tử cung của Gena không có lớp lót nên cô không thể mang thai được. Sau bốn năm vợ chồng mặn nồng mà bụng chẳng nở ra, cô nghĩ tới chuyện thụ tinh ống nghiệm. Nhưng  dù có phôi thai, bụng cô cũng không cưu mang được. Chỉ còn cách đi thuê…bụng. Ngặt một cái là ở Canada luật pháp không chấp nhận việc cho thuê bụng. Cô vào internet để kiếm người ở những nước cho phép thuê bụng. Một địa chỉ cho cô cái giá ngất trời: 71 ngàn Euro! Quá nhiều. Cô định kiếm một nơi rẻ hơn như Ấn Độ chẳng hạn nhưng gia đình và bác sĩ của cô đều chống đối vì quá mạo hiểm. Đúng lúc cô đang túng lối thì nhận được một cú điện thoại. Đó là điện thoại của cô bạn thân của cô tên Robyn DoSouto, 40 tuổi. Đó là vào tháng 6 năm 2008. Gena kể lại: “Chị ấy nói với tôi là chị đã bàn kỹ với chồng chị là Jorge và hai người đồng ý giúp mang thai dùm tôi. Thật là điều quá bất ngờ khiến tôi cảm động muốn khóc. Bạn tôi vừa sanh con trai đầu lòng nên việc nhận giúp tôi là điều làm tôi quá ngạc nhiên”. Cuộc thử nghiệm sơ khởi cho thấy cơ thể của Robyn thích hợp với việc mang thai dùm Gena. Vậy là một phôi thai được tạo từ trứng của Gena và tinh binh của chồng cô được đem vào tử cung của Robyn. Nhưng chỉ một tháng sau cái thai bị xảy. Gena kể lại: “Thật là một tin kinh khủng! Cả hai chúng tôi đều khóc”. Vậy là giải pháp Robyn bị xếp xó. Hai tuần sau, vợ chồng Gena và Derek tới phòng mạch của bác sĩ chuyên khoa Stephen Hudson. Ông cho hay là ông đã biết tại sao ca này bị thất bại và ông có thể điều chỉnh lại được. Nhưng kiếm đâu ra người cho mượn bụng nữa đây? Bà mẹ chồng Susan nhảy ra cứu cô con dâu. Bà nhận mang bầu dùm. Bà mới 43 tuổi. Lại thử sơ khởi. Kết quả tương hợp. Vậy là lại có màn lấy trứng để bỏ vào bụng mẹ chồng. Lúc đó là giữa tháng 7 năm 2008. Ngày 31 tháng 3 năm 2009, Susan nở nhụy khai hoa bằng phương pháp mổ. Mọi người hồi hộp chờ đợi nơi nhà hộ sinh. Chỉ một người được vào phòng sanh. Bàn bạc với nhau một hồi, ông bố chồng Wayne tuy chẳng có công gì trong vụ sanh nở tròng tréo này lại được tháp tùng vợ. Ông khoái chí vì tuy bà Susan đã ba lần sanh nhưng chưa bao giờ ông được đứng cạnh vợ trong phòng đẻ. Chính ông đã cắt cuống nhau của bé Ava, vừa là con vừa là cháu. Cái vỏ là con nhưng cái ruột là cháu! Bà Susan, vừa là bà nội vừa là mẹ, còn có thể cho bé Ava bú nữa. Bà đã uống thuốc để có sữa.

Bên Canada chúng tôi có bà nội sanh cháu thì bên Mỹ cũng có bà ngoại sanh cháu. Bà ngoại này già hơn bà nội Susan. Jaci Dalenberg đã 56 tuổi. Con gái bà là Kim, 36 tuổi, đã có một đời chồng và có hai con. Năm 2005, chị đi bước nữa và muốn có con với người chồng sau là Joe, kém chị 6 tuổi. Nhưng chị đã phải cắt tử cung vì bị u nang nên còn chửa đẻ chi được nữa. Vậy là bà ngoại…hy sinh. Trứng và tinh trùng của vợ chồng chị Kim được kết hợp trong ống nghiệm. Phải ba lần mới thành công. Và thành công tới ba lần: có ba cái thai trong bụng bà Jaci lận. Bác sĩ sản khoa Robert Kiwi chỉ đặt vào hai trứng nhưng một trứng lại là trứng sanh đôi. Ngày 11 tháng 10 năm 2008, bà Jaci sanh tại bệnh viện Hillcrest ở Mayfield Heights, tiểu bang Ohio. Ba bé gái lần lượt ra đời có tên là Elizabeth Jacilyn, Carmina Ann và Gabriella Claire. Dĩ nhiên lại…harakiri. Muốn một lại được cho ba, bà mẹ không sanh nở Kim đâm ra bối rối. Chị phải bỏ nghề y tá để có thời giờ chăm sóc ba cô con gái. Nhưng nghỉ việc thì túng bấn. Nguyên tiền tã và tiền sữa đã ngốn hết mỗi tháng một ngàn gọn bâng! Chị đang tính tìm một công việc gì có thể làm ở nhà để kiếm thêm tiền nuôi ba tí nhau. Cực thì có cực nhưng chị không bao giờ quên được cảm giác khi thấy trên màn ảnh ba đứa con gái thân thương lần lượt ra đời bằng bụng của bà ngoại: “Đó là giây phút có một không hai trong đời tôi. Thật cảm động, tình yêu tôi dành cho mẹ vào khoảnh khắc đó, tình thương tôi dành cho các con. Tôi không thể diễn tả được, thật quá kỳ diệu!”.

Không mượn được bụng bà nội bà ngoại, không nhờ được bạn bè, không trông mong gì nơi chị nơi em thì phải nhờ người khác. Nhờ kiểu banh da xẻ thịt này thì không thể nhờ được khơi khơi. Phải chi địa. Vậy là có dịch vụ cho thuê bụng. Bên Canada chúng tôi chưa cho phép kiểu thuê này, nhưng bên Mỹ thì đã có. Không phải tiểu bang nào ở Mỹ cũng OK vụ thuê này. Các bà đừng có léng phéng tới Nữu Ước chẳng hạn vì nơi đây vẫn còn…lạc hậu. Và cũng cần lận lưng khoảng từ 20 ngàn tới 25 ngàn đô để trả tiền thuê. Còn ở các nước kém phát triển thì phần lớn cứ tự nhiên, với giá rẻ hơn nhiều. Bụng nào chẳng là bụng nhưng bụng nhược tiểu đâu bằng bụng Mỹ! Nổi tiếng nhất về nghề gọi là “cho thuê tử cung” này là Ấn Độ. Ngoài cái tử cung, nhiểu người còn kiếm được tiền nhờ bán trứng hay bán tinh trùng. Hai nghề này đã rất thịnh hành ở Việt Nam, có cò kiếc môi giới đàng hoàng.

Người tạo công ăn việc làm cho lớp người cho thuê và bán các thứ trời cho này là nhà sinh lý học người Anh Robert Edwards. Chính nhờ tính cách táo bạo và đột phá trong phát minh của ông mà, kể từ cô bé ống nghiệm thứ nhất Louise Joy Brown 33 năm trước, tới nay con số các baby ống nghiệm đã lên tới hàng triệu. Nhưng công lớn của ông là đã mang niềm vui làm mẹ cho các nữ nhân tưởng chẳng bao giờ có thể có được thiên chức làm mẹ này. Ông Edwards, nay đã 85 tuổi, Giáo sư hưu trí của Đại Học Cambridge, đã bắt đầu nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm từ hồi thập niên 1950. Cộng tác với ông là bác sĩ giải phẫu phụ khoa Patrick Steptoe. Ông bác sĩ này đã qua đời vào năm 1988. Năm nay, 2010, ông Robert Edward được trao tặng giải Nobel Y Sinh học. Kể là quá muộn. Cũng quá muộn cho bác sĩ Patrick Steptoe vì kể từ khi bổ sung điều lệ của giải vào năm 1974 thì giải không được trao cho người ở bên kia thế giới. Tuy nhiên thư ký Ủy Ban giải Nobel Goran Hansson đã phát biểu là ông Edwards xứng đáng được giải này một mình vì “chính ông mới là người đã thực hiện những khám phá căn bản, nhờ vậy mà phương pháp thụ thai bằng ống nghiệm mới thành sự thực”.

Giải Nobel được trao quá muộn này không làm giảm được bước tiến của phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Nó sẽ phát triển mạnh hơn. Xã hội chúng ta đang sống đã bắt phụ nữ phải có một sự lựa chọn rốt ráo. Sự nghiệp hay gia đình? Ngày nay người phụ nữ thường lo bương chải với địa vị trong xã hội mà quên đường con cái. Tới khi tỉnh ngộ thì đã muộn. Hoặc quá tuổi có thể có con hoặc bị stress cản trở việc thụ thai. Họ sẽ phải tìm tới cái ống nghiệm. Theo bác sĩ thú y John Yovich của Đại học Murdoch ở Úc, trong một bài báo đăng trên tạp chí Reproductive BioMedecine, thì “sinh sản tự nhiên của con người là một quá trình khá kém hiệu quả. Trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, các cặp vợ chồng trước lứa tuổi 40 sẽ tìm đến kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trước nếu họ muốn có một đứa con”. Tiến sĩ Yovich cũng cho biết là, ngay với những người trẻ, cơ hội thụ thai mỗi tháng bằng đường giao hợp thông thường chỉ có 25%, quá tuổi 35 thì tỷ lệ này chỉ còn 10%. Trong khi đó, tỷ lệ thành công bằng thụ thai ống nghiệm hiện nay là 50% và trong tương lai là 100%. Ông dựa vào đâu mà có tiên đoán một trăm phần trăm em ơi này? Ông dựa vào nghề thú y của ông. Cứ trộn tinh trùng vào trứng của heo, gà, bò, vịt là trúng bóc chẳng có ca nào trật. Vậy thì không có lý do gì con người lại không được như vậy!

Tới khi đó, các cặp vợ chồng muốn có con thì chơi trò ống nghiệm, còn cái trò đánh cờ người truyền thống chỉ để vui chơi giải trí! Nghe tới đây tôi thấy thấp thoáng cái nhăn mặt của hoá công. Rõ là một lũ ngốc nghếch. Cho chúng nó đồ thật, chúng nó lại biến thành đồ chơi!

01/2011