An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

KHÁC

Nắng về, mùa cưới cũng về. Ở Việt Nam mùa cưới là những ngày trước tết, lấy vợ ăn tết. Ở bên đây lấy vợ để đi nghỉ hè. Trong túi tôi đã có hai cái thiệp mời. Một của ông bà bạn cưới vàng 50 năm. Một của cô cháu con một người bạn. Thường thì đúng bài bản, sáng nhà thờ hay nhà chùa, chiều nhà hàng Tầu. Nhưng nay thì khác. Ai cũng muốn ngày vui của mình không…đụng hàng. Ngày cưới của mình phải độc đáo khiến tân khách nhớ mãi. Khác ra sao? Trước hết là bỏ nhà hàng Tầu. Cái thứ dọn ăn lẻng xẻng, bát đĩa như nhảy dù vào mặt thực khách, í a í ôi nhức tai, bỏ được thì bỏ, không sao. Người ta tổ chức ở những sảnh đường của Ý, của Tây, của Mỹ vừa sang trọng, vừa đẹp đẽ. Nhưng nếu đãi món ăn Ý hoặc Tây là bị chê. Loạc choạc chẳng ra làm sao! Nếu đãi món ăn Việt thì cũng bị chê là cheap. Lại phải nhờ mấy anh Tầu mang thức ăn tới. Một thời gian, kiểu sảnh đường Ý thức ăn Tầu, cũng lạc hậu. Lại phải khác. Lần này mang nhau về những vùng xa thành phố. Càng bắt thực khách lái xe mút chỉ càng sang. Sang kiểu tốn xăng. Sang một thời gian cũng nhàm. Lại phải khác. Tổ chức trên du thuyền. Gần thì loanh quanh trên dòng sông, ven biển, xa thì đi tuốt sang vùng Caribbean cho mấy anh Mễ lác mắt. Lại còn khác kiểu…khác. Mang hoa ra bãi biển lộng gió, giữa bãi cát ngút ngàn, cưới cho mát mẻ!

Các kiểu khác trên là những kiểu khác…cổ điển. Ông bà bạn già của tôi kỷ niệm 50 năm ngày quấn quít với nhau, tưởng cuộc sống đã thành nếp, vậy mà cũng khác. Thay vì nhà hàng Tầu là nhà hàng Nhật. Không biết chuyện khác này có ăn nhậu chi tới Hoàng Sa Trường Sa không. Cháu gái con bà bạn tôi cũng khác. Đám cưới được tổ chức trong trại lính mặc dù cả cô dâu lẫn chú rể chưa bao giờ khoác chiến y. Đám cưới mới được loan báo, chưa cử hành, nên tôi chưa biết có súng ống chi không đây!

Chắc ít người biết cô Ivanka Trump. Cô gái 29 tuổi, con của tỷ phú Donald Trump này không ăn chơi ồn ào như cô Paris Hilton. Cô học hành đàng hoàng, tốt nghiệp ngành kinh tế Đại học Pennsylvania, làm MC cho chương trình của bố Celebrity Apprentice, ngôi sao truyền hình và là siêu mẫu. Cô được cho là siêu mẫu ngoan nhất thế giới. Hai năm trước đây, cô đã lấy chồng. Anh chàng tốt phước này tên Jared Kushner, hơn cô dâu một tuổi, là chủ bút tờ The New York Observer. Khỏi phải nói, đám cưới nhà giầu này cái gì cũng khác người. Áo cưới do nhà thiết kế thời trang Vera Wang may, đồ trang sức là bộ sưu tập kim cương của chính cô dâu. Khác ở chiếc bánh cưới. Con gái tỷ phú nên đám cưới có tới 500 khách mời. Họ sẽ được chia phần trong chiếc bánh cưới loại cồ nô cao tới 1 thước 80 và có 13 tầng. Mỗi tầng được trang trí bằng một loại hoa khác nhau. Hoa cát tường, hoa hồng, mẫu đơn, lan…Mỗi tầng mang một màu khác nhau. Và mỗi tầng là một vị bánh khác: chocolate, cà rốt, hạnh nhân… Khác ở tuần trăng mật sau đó, cô dâu chú rể sẽ đi hưởng trăng mật ở châu Phi. Và khác ở nơi hành lễ. Đó là trong sân golf. Tân khách thay vì vào nhà thờ đã vào sân golf, dĩ nhiên không cần mang theo đồ nghề như thường lệ!

Đám cưới của hai triệu phú, chú rể người Mỹ Richard Andrew, 43 tuổi, và cô dâu người Nga Marina Nacheva, 37 tuổi, được tổ chức không phải ở Mỹ hay ở Nga mà ở Hội An. Tại sao vậy? Bởi vì họ gặp nhau lần đầu tại Hội An 11 năm trước. Cưới ở Hội An nhưng đây là một đám cưới quốc tế. Cha chủ tế đến từ Nga, đèn lồng mua từ Thái Lan, nhiếp ảnh gia tới từ Singapore và tân khách đến từ Mỹ, các nước Âu Châu, Đại Hàn và Trung Quốc. Chỉ có hoa là đồ nội địa Việt Nam. Đúng 190 khách mời được máy bay riêng của cô dâu chú rể đón sang Việt Nam và ở lại trong suốt 5 ngày cử hành hôn lễ. Họ được trú ngụ tại khu resort Nam Hải, mỗi phòng giá từ một tới hai ngàn đô Mỹ một đêm. Cưới chi tới 5 ngày lận? Sẵn máy bay nên cưới xong ở Hội An, tất cả lũ lượt bay qua Kampuchia cưới tiếp. Sau đó cô dâu chú rể trở về hưởng tuần trăng mật tại Hội An bằng hai chiếc xe đạp rong chơi phố phường và các miền quê lân cận. Chi phí cho đám cưới tính sơ sơ hết có một triệu đô Mỹ!

Làm quái chi mà tốn tiền như vậy! Đó là suy nghĩ của hai anh chị Garagh Brooks và Paul Brooks. Hai anh chị chịu chơi này chỉ cần chi hơn 200 đô là cũng có thể cưới xin như người ta. Đó cũng là một cách…khác. Họ tổ chức đám cưới trong nhà hàng bình dân Taco Bell ở Illinois. Tất cả nhân viên nhà hàng đã mỗi người một tay giúp trang hoàng các dải ruy băng và bóng bay. Cũng xanh xanh đỏ đỏ, cũng ăn no bụng, cũng cười cười nói nói vui như…đám cưới. Cũng vui như cái duyên đưa hai anh chị này tới với nhau. Anh ở Mỹ nhưng chị ở tuốt bên Úc. Xa xôi như vậy nhưng hai người có chung một họ: họ Brooks. Chung họ nhưng không họ hàng chi. Họ quen nhau trên mạng ảo. Sau 9 tháng chat  với nhau, chị Garagh, 21 tuổi, quyết định theo tiếng gọi của tình yêu  khăn gói qua Mỹ gặp anh. Họ gặp nhau lần đầu tại tiệm fast food bình dân Taco Bell. Vậy là khi cưới họ cũng Taco Bell làm chuẩn! Chuyện y như chuyện của hai anh chị tỷ phú Richard Andrew và Marina Nacheva: gặp nhau tại Hội An và cưới cũng ở Hội An. Chỉ khác nhau chút đỉnh: một bên chi một triệu đô còn một bên chi hơn hai trăm đô! Bên triệu đô chỉ có tân khách chúc mừng, bên hai trăm đô, ngoài tân khách còn có nhân viên nhà hàng và cả các khách ghé ăn nhằm đúng lúc tiệc cưới chúc mừng nữa.

Hai trăm đô đã rẻ chưa? Chưa! Còn rẻ hơn nữa. Chỉ hơn một đô. Chính xác hơn là chỉ có 9 nhân dân tệ của Trung Quốc. Đó là trào lưu cưới chay đang được các thanh niên thanh nữ Trung Quốc chọn. Cưới chay đây không phải là đãi ăn đồ chay trong tiệc cưới. Cưới chay là chỉ ra tòa làm hôn thú xong là tan hàng cố gắng! Đây là một quan niệm…khác thường. Yêu nhau là đủ, cần chi những thứ rườm rà chung quanh. Cưới…rẻ như vậy có mang lại hạnh phúc không? Câu hỏi được mang ra hỏi trong môt cuộc thăm dò trên mạng Shoho.com. Kết quả là fifty / fifty. Nửa bảo có, nửa bảo không. Nửa “có” lập luận là tình yêu không cần những thứ phụ tùng làm điều kiện ắt có và đầy đủ. Nửa “không” lý luận là nghèo rớt mùng tơi đến không làm nổi cái đám cưới thì cuộc sống thiếu thốn sẽ làm thui chột mầm hạnh phúc. Bên nào nghe ra cũng có lý. Chia phe ra thì bên các chàng coi bộ khoái vụ cưới chay này hơn. Có tới 80% các chàng chấp thuận. Bên các nàng thì có tới 70% không thích. Con gái ai chẳng thích diện, cưới xin mà có 9 tệ thì…tệ thật, làm chi có quần áo cưới!

Cưới cần chi quần áo? Đó là điều mà cặp Cherie Taylor, 21 tuổi, và Shane Carson, 25 tuổi, đã làm trong đám cưới của họ. Cô dâu chú rể cứ ngây thơ như ông Adam và bà Eve. Không quần áo vậy mà đám cưới vẫn tốn tới một trăm ngàn đô. Nơi tổ chức đám cưới là một con tầu loại xịn trong vịnh Islands ở Tân Tây Lan. Có 48 khách mời tham dự đám cưới “tú nuy” này. Khách có thể chọn lựa mặc quần áo hoặc cũng tuốt tuồn tuột để chung vui với cô dâu chú rể. Cô dâu thì rất vui. Không biết vui vì đỡ vướng víu với chiếc áo cưới có đuôi dài thậm thượt hay vì được dịp trưng bày tấm thân ngà ngọc cho nhiều khán giả coi. Còn chú rể thì đánh lô tô trong bụng. Chẳng là chàng là một quân nhân trong quân đội Tân Tây Lan, sợ sẽ bị sa thải vì cú chơi khác người quá đáng này.

Thường thường cưới  xin là một dịp tiêu tiền để chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội. Càng dềnh dang càng mát mặt. Ai trong chúng ta chẳng đã từng đi dự nhiều đám cưới. Mỗi đám là một khác biệt, hay ít ra người ta cũng cố làm cho khác biệt. Cũng phải thôi. Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào thì chẳng đám cưới nào giống đám cưới nào là điều mà các đương sự mong muốn. Vậy là cứ dốc hầu bao, làm sao trả nợ được là điều hậu tính. Ngày xưa cũng như ngày nay, trong xã hội vụ vào hình thức của chúng ta, đã có nhiều đôi tân hôn cầy bừa rã người để trả nợ cưới xin. Hạnh phúc hao mòn vì nợ cưới là điều không thể tránh được. Nhiều khi món nợ se sua này đã làm tan đi lời thề chung đôi suốt đời của cặp vợ chồng trẻ. Lời thề ngày cưới bao giờ cũng đẹp đẽ.

Kìa Oui Devant Dieu
Mau quỳ xuống trước bàn thờ đi em
Đừng cắn tay, đừng ngó lên
Trước khi chớp mắt đừng quên liếc chàng
Lát chàng nâng ngón tay ngoan
Nhớ hôn mặt nhẫn nói thầm: em ơi
Lát môi chàng chạm vào môi
Nhớ suỵt khe khẽ: suốt đời nghe anh!
(Bùi Chí Vinh)

Lời thề theo chồng đó cô dâu 22 tuổi Lô Yến Nga không có dịp đọc trong ngày vui của mình. Ngày cưới, cô mặc bộ đồ cưới trắng toát nằm trong quan tài bằng pha lê trong suốt, chú rể Trang Hoa Quý, mặc áo cưới mầu đen, ôm chiếc ảnh của cô dâu trước ngực, đứng bên cạnh. Định mệnh khe khắt đã bắt họ có một đám cưới khác thường như vậy. Chỉ tám ngày trước ngày hôn lễ, cô dâu bị kẻ cướp đột nhập vô nhà giết chết ở huyện Bình Hòa, thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Chú rể vẫn cho tiến hành lễ cưới trong khung cảnh bi ai, giữa những giọt nước mắt của hai họ. Lúc vị mục sư tuyên bố hai người chính thức là vợ chồng thì mọi người đứng chung quanh mắt đã nhòa lệ. Ông bố của cô dâu cầm hai bàn tay đã lạnh giá của con gái trao cho chú rể. Chú rể chấp nhận cuộc hôn nhân. Anh đeo vào tay nhạc phụ và nhạc mẫu, mỗi người một chiếc đồng hồ. Đó là quà tặng của hai người để đền ơn dưỡng dục. Chính cô dâu Lô Yến Nga đã chọn hai chiếc đồng hồ này khi đi sắm đồ cưới. Ngày cưới đã được hai người chọn trước, trước Tết Nguyên Đán 10 ngày, vào ngày 4 tháng 2 năm 2010. Chắc cũng có ý cưới vợ ăn tết! Cưới thì có cưới, ăn tết thì không. Cưới như vậy cũng là khác nhưng khác một cách bất đắc dĩ. Thông thường chẳng ai muốn ngày vui của mình được tổ chức tại nơi âm u đó.

Vậy mà có. Đây lại là một kiểu khác nữa. Kiểu này khó có người cạnh tranh. Nơi tổ chức đám cưới là một nhà thờ bỏ hoang trong nghĩa trang Wisbech ở Anh, giữa các nấm mồ. Cô dâu Samantha Smith, 25 tuổi và chú rể Paul Adams, 33 tuổi, chọn nơi âm u lạnh lẽo này để trao nhau nhẫn cưới vì nhà họ ở cách nghĩa trang có 200 thước và họ thường đi dạo trong nghĩa trang này suốt hai năm quen biết nhau. Lại kỷ niệm. Gia đình dĩ nhiên có  ý kiến về dự định kỳ quặc này nhưng vẫn để cho hai người có tiếng nói cuối cùng. Họ nhất định cưới giữa những người đã khuất. Cô dâu tâm sự: “Bố tôi không tin khi tôi nói với ông địa điểm cưới. Ông chỉ nói, hãy làm bất cứ điều gì con thấy là hạnh phúc. Và sau đó chúng tôi có một ngày tuyệt vời với không gian bình yên bên những phần mộ và cây cối”.

Nếu bạn được mời dự đám cưới này, bạn có đi không? Hay được mời dự đám cưới trong tình trạng không trọng lực, bạn có bắt không? Sao tôi thấy ớn quá. Cưới chi mà lộn tùng phèo, người bay lơ lửng với đồ vật. Đám trẻ được tôi hỏi ý kiến lại thích thú. Đã chứ! Cô dâu Erin Finnegan cũng váy cưới lòa xòa nhưng phải mặc thêm quần để khỏi hở hang khi bay lượn. Cả cô dâu chú rể đều là dân Nữu Ước. Họ đã bỏ ra  tới 15 ngàn đô để có thể vừa bay vừa Oui devant Dieu. Lời thề khi đang bay sẽ có bay theo thời gian không, hai người tin là không. Những người dự đám cưới cũng lộn tùng phèo trông rất…phi hành gia. Họ không ra ngoài không gian nhưng thuê một chiếc máy bay Boeing 727 được thiết kế trong tình trạng vô trọng lượng làm nơi tập…phi của các phi hành gia. Hai vợ chồng son đều là fan của các truyện khoa học giả tưởng nên muốn cưới thật trong trạng thái giả. Đám cưới thật là khác tất cả các đám cưới từ trước tới nay. Chú rể hân hoan: “Thật là tuyệt vời, mọi thứ xảy ra đúng như những gì chúng tôi đã ao ước”.

Tuyệt vời thật bởi vì chú rể không bị lúng túng như các chú rể làm đám cưới theo kiểu cổ điển trong nhà thờ. Nhạc trổi lên, cô dâu, mặt rạng rỡ, được ông bố khoác tay tiến lên bàn thờ. Đám rước được dẫn dắt bởi mấy cô bé cậu bé trong  lễ phục và đám phù dâu cô nào cô nấy xinh như mộng. Ông bố ngẩng cao đầu, mặt cười vừa phải nhưng lộ ra hết vẻ vui mừng. Chẳng gì ông cũng sắp gỡ được trái bom cài trong nhà cả chục năm chỉ sợ nổ bất tử. Đứng trên bao lơn cung thánh, chú rể và đám phù rể quay xuống đón đợi. Khi đám rước mini tới chỗ chú rể đứng, ông bố trao cô dâu cho chú rể với vẻ mặt hết sức hài lòng. Nhưng cô dâu bỗng khựng lại, ôm hôn ông bố và dúi vào tay ông một vật nhỏ. Cử chỉ này ra ngoài kịch bản của hôn lễ. Mọi người ngơ ngác không biết cô dâu trao cho bố cái chi. Tính tò mò khiến tất cả đám người dự lễ trong nhà thờ nhìn vào tay ông bố. Họ có vẻ chia trí. Không ai nhìn lên bàn thờ, nơi ông cha đang mời cô dâu chú rể tiến lên làm lễ. Cha chủ lễ tương kế tựu kế, vừa muốn làm mọi người nhìn lên bàn thờ, vừa muốn...phiếm chút đỉnh cho buổi lễ có nét vui vui, bèn nhìn xuống ông bố nói: “Hình như tất cả chúng tôi muốn biết cô dâu tặng ông món quà gì thì phải”. Cả nhà thờ vỗ tay. Ông cha này thông minh gớm! Ông bố đứng lên nói: “Thưa cha, thưa các ông các bà, hôm nay là ngày may mắn nhất đời tôi”. Ông giơ chiếc thẻ MasterCard lên cho mọi người thấy. “Cuối cùng, con gái tôi đã trả lại tôi tấm thẻ này!”. Mọi người vỗ tay. Chỉ có chú rể đứng im, nét mặt không vui.

Anh lính chữa lửa Garry Keates ở Hertfordshire thì vui ra mặt. Anh là người ham vui. Ngày anh cưới cô y tá Rachel Pitt lại rơi đúng vào ngày có cuộc chạy đua marathon ở Luân Đôn. Năm nào anh cũng tham dự cuộc đua này nhưng năm nay anh phải đau đầu suy nghĩ. Chạy đua hay cưới vợ? Anh làm cả hai. Hai người mặc lễ phục đàng hoàng. Chú rể com-lê cà-vạt, cô dâu áo cưới trắng nõn. Họ tham gia cuộc chạy trong y phục không giống ai. Khi chạy gần hết quãng đường, họ rẽ qua nhà thờ St Bride’s trên đường Fleet để làm lễ cưới. Cưới cũng vội để họ còn tiếp tục chạy nốt quãng đường cho tới đích. Trong 3 cây số rưỡi chót từ nhà thờ tới đích, chú rể Garry đã vừa chạy vừa bồng cô dâu! Khi tới đích cô dâu Rachel đã tung bó hoa cưới về phía đám đông theo đúng tục lệ.

Vừa cưới vừa chạy, cưới mà đến thế thời thôi! Lễ cưới của anh lính cứu hỏa và cô y tá người Anh làm mất hết vẻ trang nghiêm của một lễ cưới. So với lễ cưới này thì lễ cưới của những cặp thanh niên tại núi Đơn Hà, nằm trong khu danh lam thắng cảnh Thiều Quang ở Nhân Hóa thuộc tỉnh Quảng Đông, tưởng là cà chớn lại hóa ra còn có vẻ cưới xin hơn. Khu thắng cảnh này mới được một nông phu phát hiện ra vào năm 1988. Điểm đặc biệt của khu này là sự nghịch ngợm của thiên nhiên. Con sông Gấm nằm ở giữa khu thắng cảnh có hai kỳ quan. Kỳ quan thứ nhất là Dương Viên Thạch. Đây là một hòn đá cao 28 thước, đường kính 7 thước, nằm ở phía tây sông Gấm. Hình dáng hòn đá này khiến không ai nghĩ được gì khác hơn là thứ của riêng của chú rể. Phía đông con sông này là một phiến đá khác, cao hơn 10 thước, rộng hơn 4 thước, nằm dưới đỉnh núi, được đặt tên là Âm Viên Thạch, có hình dạng y hệt thứ của riêng của cô dâu. Không một vết khắc, không một vết đẽo. Hoàn toàn là tác phẩm hoàn chỉnh của trời đất. Khu công viên có một không hai này là nơi thu hút hàng năm một lượng khách du lịch lớn lao. Nhưng đặc biệt đây là nơi các tân lang và tân nương tới tổ chức đám cưới. Họ tin rằng cưới ở nơi này sẽ có con đàn cháu đống. Tôi cũng tin như vậy. Hai cái nõn nường cỡ khủng khiếp như thế làm chi chẳng làm cho các cặp tân hôn toại nguyện.

Nhìn vào hình chụp Dương Viên Thạch và Âm Viên Thạch, tôi tiếc cho bà Hồ Xuân Hương của chúng ta. Nếu được tới nơi âm dương đề huề như vậy chắc nữ sĩ sẽ tha hồ vịnh. Thôi thì chuyện đã dĩ  lỡ. Để cố vớt vát tí chút cho thỏa vong hồn bà chúa thơ nôm của chúng ta, tôi ghi lại đây bài thơ vịnh chùa Sài Sơn, xem chừng cũng hợp với phong cảnh Thiều Quang.

Khen thay con tạo khéo khôn phàm
Một đố giương ra biết mấy ngàm
Triền đá cỏ leo sờ rậm rạp
Lạch khe nước rỉ mó lam nham
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am
Đến nơi mới biết rằng Thánh Hoá
Chồn chân mỏi gối hãy còn ham.

06/2010