An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

BÍT

Bà già trong câu chuyện sau đây không biết về cái vật nho nhỏ mà bà chưng trong nhà. Bà đã vào tuổi bát thập nhưng chưa bao giờ kết hôn và vẫn còn đánh đàn trong nhà thờ. Một bữa kia, cha xứ tới thăm bà. Bà mời cha ngồi chơi tại phòng khách và đi vào bếp sửa soạn trà để mời cha. Ngồi nhìn vơ vẩn trong phòng khách, cha xứ bỗng chú ý tới một chiếc hũ thủy tinh rất xinh đẹp đặt trên cây đàn organ. Chiếc hũ đựng đầy nước và nổi trên mặt nước là một chiếc bao cao su. Cha thắc mắc về cái hũ  này nhưng, khi bà trở ra với khay trà trên tay, cha cũng chưa biết lựa lời ra sao để hỏi. Cuối cùng, trước khi ra về, cha đánh bạo hỏi: “Bà Beatrice này! Tại sao bà chưng  chiếc hũ này vậy?”. Vừa nói cha vừa chỉ về phía chiếc hũ. Bà Beatrice vui vẻ trả lời: “À! Chiếc hũ này ấy hả? Thật kỳ diệu! Mấy tháng trước đây tôi đi dạo ngoài công viên và lượm được một gói nho nhỏ. Tôi tò mò đọc lời hướng dẫn cách dùng. Họ bảo là đặt nó vào organ, giữ cho nó ướt thì có thể trừ được bệnh tật. Tôi làm theo và kỳ diệu thay, trong suốt mùa đông, tôi chẳng biết cảm cúm  là chi!”. Để cho câu chuyện thêm rõ ràng, tôi thấy cần phải ghi là từ organ trong tiếng Anh vừa có nghĩa là “cây đàn phong cầm” lại vừa có nghĩa là “bộ phận”!

Đức Giáo Hoàng thì chắc chắn biết rất rõ về cái bao nho nhỏ này. Nó đã làm Ngài cơ khổ! Trong chuyến viếng thăm Phi Châu vào hồi tháng 3 năm 2009, Ngài đã phát biểu là dùng bao ngừa thai để phòng chống bệnh AIDS sẽ làm cho việc chống lại căn bệnh này thêm phức tạp! Lập tức báo chí và nhiều giới chức khoa học lên tiếng phản bác lại lời tuyên bố này. Khi Ngài tới thăm nước Pháp sau đó, một nhóm thanh niên đã biều tình chống lại. Họ tụ tập trước cửa Vương Cung Thánh Đường để phản đối bằng cách tung bừa bãi những chiếc bao cao su. Tất cả các đảng chính trị tại Pháp, nhân cuộc viếng thăm này, đã lên tiếng chỉ trích Ngài. Báo chí đã tổ chức hai cuộc thăm dò dân ý. Kết quả của báo Le Parisien cho biết 57% người được hỏi đã cho biết là họ có cảm tưởng xấu đối với Giáo Hoàng. So với kết quả thăm dò được tổ chức vào tháng 9 năm 2008 là 32% thì uy tín của Ngài đã xuống tới 25%! Cuộc thăm dò thứ hai do báo Journal du Dimanche thực hiện cho thấy 43% người công giáo ở Pháp muốn Giáo Hoàng từ chức!

Hơn một năm sau, vào tháng 11 năm 2010, Giáo Hoàng đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, viết tắt là WHO, hoan nghênh vì Ngài đã nói lại. Ngài phát biểu là việc sử dụng bao cao su “không phải lúc nào cũng sai trái”. Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám Đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ Chức WHO đã nói: “Phát biểu của Giáo Hoàng về bao cao su là bằng chứng rõ rệt cho thấy công dụng của nó trong việc phòng chống virus HIV”.

Cái khổ do cái bao nhỏ nhít này gây ra thực ra đã âm ỉ từ lâu. Đạo Công giáo không chấp nhận việc dùng bao tránh thai vì việc này trái với tự nhiên. Chỉ có một cách tránh thai được công nhận là phương pháp Ogino-Knauss tính theo chu kỳ kinh nguyệt để canh ngày vợ chồng gần gũi nhau. Dựa vào kinh kỳ của phụ nữ là dựa vào một điều không chắc chắn. Nó cũng trồi sụt như tính tình của các bà. Rất nhiều đứa trẻ, sản phẩm ngoài ý muốn của hai ông Ogino và Knauss, đã chào đời. Để tránh nạn nhân mãn, hai nhà khoa học này đã hầu như bị mất tín nhiệm. Người ta đi theo các phương pháp khác bảo đảm hơn. Anh vòng xoắn, thuốc ngừa thai rồi anh bao bì ra đời. Anh bao bì coi bộ được việc nhất. Anh bít kín hết đường gặp gỡ của tinh binh và trứng nên chẳng còn ngoe nào sinh chuyện được. Vậy là an toàn trên xa lộ.

Một anh được việc như vậy mà bị cấm dùng, nhiều người Công giáo ấm ức. Họ đã…nhảy dù! Cứ bao bì bít kín cho cửa nhà khỏi nạn nhân mãn. Chuyện sanh đẻ ngày nay là chuyện phải tính toán. Một đứa trẻ được sanh ra, bố mẹ không những chỉ lo cho ăn uống đầy đủ nhưng còn phải lo việc học hành, dậy dỗ và phải tạo cho chúng có một tương lai. Trong thời buổi chạy đua với đồng hồ ngày nay, người ta không thể nhắm mắt cho ra đời những đứa con mà họ biết chắc không thể lo đầy đủ cho chúng được. Xã hội cũng luôn cổ võ cho việc mà họ gọi là “kế hoạch hóa gia đình”. Một xã hội có số sinh quá lớn sẽ không giải quyết được những vấn đề nhân sinh do việc sản xuất ồ ạt gây ra. Đầu thập niên 1970 tôi có dịp công tác trong một trung tâm kế hoạch hóa gia đình tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Đây là một xứ sở công giáo toàn tòng. Gần như trăm phần trăm dân chúng đều theo đạo. Vậy mà họ vẫn tỉnh bơ kế hoạch hóa bằng anh bao cao su như thường.Túng thì phải tính. Họ đã nhắm mắt.

Nhiều…bổn đạo trên khắp thế giới này cũng đã nhắm mắt. Hiếm hoi lắm mới gặp được những cặp vợ chồng không biết nhắm mắt. Tôi có gặp một cặp như vậy tại Montreal này. Cô vợ còn tương đối trẻ là một chuyên viên vác trống! Năm nào cũng vào nhà hộ sanh! Hỏi thì họ trả lời: “Tụi em cứ…tự nhiên, Chúa cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu!”. Chúa lại rất rộng lượng. Họ có một đàn quà tặng có thể xếp hàng thành một tiểu đội được.

Dù thế nào đi chăng nữa, bao bì vẫn là thứ…nhu yếu phẩm của cuộc đời này. Nó tràn lan khắp nơi. Tại Bắc Mỹ chúng ta, vào bất cứ cửa hàng bán thuốc tây và tạp phẩm nào, chúng ta cũng có thể dễ dàng vác về một đống dùng dần. Chẳng toa tiếc, chẳng ai hỏi han, dễ như mua một cục kẹo. Vào các nhà vệ sinh công cộng dành cho phái nam, chỉ cần bỏ một đồng tiền vào chiếc khe của một cái máy để ngay chỗ cửa ra vào cho dễ thấy là chiếc máy lòi ra một cái bao, chỉ cần nhón bỏ vào túi. Tôi nói nhà vệ sinh dành cho phái nam vì tôi không biết bên phái nữ có hay không. Quả thật tôi rất nhát, không dám đi loạng quạng.

Sở dĩ tôi phải nói vậy không phải vì tôi có tính tò mò nhưng vì tôi mới đọc được một tin khá lạ. Tin cho biết là Bộ Quốc Phòng Anh đã có qui định bắt các nữ quân nhân được phái đi chiến trường Afghanistan, ngoài các đồ trang bị thông thường của một chiến binh, luôn luôn cần trang bị thêm những chiếc bao cao su. Bộ Trưởng Quốc Phòng cho biết nguyên nhân có lệnh lạ thường này là vì tỷ lệ bầu bì của các nữ chiến binh gia tăng một cách chóng mặt. Mặc dù đã có chỉ thị rõ ràng là không có lộn xộn khi tham chiến nhưng quân ta vẫn đánh lén. Có lẽ họ là những chiến binh du kích thiện chiến nên những cuộc hành quân lén thường mang lại kết quả khả quan. Đây cũng là lẽ thường vì dân mít ta vẫn được các cụ dậy là “ăn vụng no lâu”. No tới chín tháng mười ngày quả là lâu! Theo thống kê chính thức thì từ tháng 1/2003 đến tháng 2/2009 đã có 133 nữ quân nhân công tác tại Afghanistan và Iraq ôm chiếc nón sắt trước bụng.

Trên chiến trường lửa khói mù mịt, vũ khí đầy đủ, cái nõn cái nường kề cận nhau, bảo nhịn thì bố ai chịu nổi. Vậy nên những cuộc giao tranh không đổ máu là điều ắt có. Khi thì hai bên thỏa thuận, khi thì bên gậy gộc dùng sức mạnh cưỡng ép, luật lệ chi những lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy. Thế là luật lệ bị chọc quê. Chiến trường nào cũng vậy. Cứ gậy gộc kề cận khiên đỡ ắt sẽ có…chinh chiến. Trong bài “Phụ Nữ Mỹ Trên Chiến Trường Việt Nam” trên Phụ Nữ Diễn Đàn, số tháng 1/2011, tác giả Uyên Mai đã ghi lại những hoạt cảnh mà nữ quân nhân Mỹ đã gặp nạn bởi các nam chiến binh Mỹ tại Việt Nam trước đây. Chuyện có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi chỗ. Cô tiếp viên hàng không quân đội Micki Voisar kể lại: “Tôi thường xuyên thấy cánh đàn ông thủ dâm trên máy bay. Nhớ lúc mới tới, một cô bạn nói nhỏ: “Khi thấy một gã GI đang ngủ, chớ bao giờ kéo chăn của hắn ra nghen!”. Có khi họ giả bộ bị kẹt trong dây an toàn, hay khi họ hỏi xin cái gối và nếu mình với tay lên lấy họ liền thọc tay ngay vào váy…Bọn tôi phải thật cẩn thận khi làm bất cứ việc gì cho họ”. Nữ quân nhân Cherie Rankin đang một mình lội bộ trên đường thì có một xe truck quân đội Mỹ ngừng lại hỏi có muốn quá giang không. Cô gật đầu. Vậy là rắc rối. “Trong xe có hai người lính, họ bảo mình ngồi giữa. Xe vừa chạy thì người ngồi cạnh bắt đầu giở trò. Tay anh ta mò loạn cả lên, ngược lên trên trong áo, cả vào quần lót. Mình vừa cắn vừa la. Người lính lái xe tỏ vẻ lo ngại. Nhưng cả hai đều nói cái gì đó đại khái như: “Coi kìa, cô làm chuyện này hoài vậy mà. Cô cho không mấy ông sĩ quan mà. Bộ muốn tính tiền bọn này sao đây?” Còn mình thì cứ nói: “Dừng lại! Tôi không phải vậy. Dừng lại ngay!”. Mình cố giữ bình tĩnh và khuyên can nhưng rút cục vẫn phải nạt lớn: “Nếu anh không lấy cái bàn tay khốn kiếp này ra thì tôi sẽ hét thật to và sẽ báo cáo lên cấp trên. Bị tống sang đây là quá tệ hại rồi, bộ muốn thêm điểm xấu nữa hay sao?”. Người lính lái xe dường như thấy ra mình không phải là loại đó nên cuối cùng đã dừng xe lại. Nhưng mình phải bò ngang qua người lính kia và bị mò mẫm thêm một tăng nữa trước khi thoát được ra ngoài”. Bởi vậy nên cái lệnh trong quân trang quân dụng của nữ quân nhân phục vụ trên các chiến trường phải có cái bao nho nhỏ của Bộ Quốc phòng Anh suy ra cũng không phải là điều ngớ ngẩn!

Cái bao đó hữu dụng ra sao chắc chẳng cần phải ngôn. Nó ngăn sông cấm chợ để bít được bệnh tật và bầu bì. Vì được việc nên nó xuất hiện ở mọi nơi mọi chỗ. Tác giả Đỗ Phấn, trong truyện ngắn “Cầu Cho Tôi Không Cầu Mong Gì Cả” trên Hợp Lưu số Xuân Tân Mão 2011, đã kể lại chuyện đi Trung Quốc: “Phải ngủ lại ngoài thị trấn Tân Xuyên. Một thị trấn mới gần thành Đại Lí…Trong phòng tắm có một hộp chứa đầy bao cao su made in China. Người chủ khách sạn nói thạo tiếng Anh giải thích rằng đó là quy định bắt buộc. Người Trung Quốc đang phải khống chế tăng trưởng dân số! Lại hoang mang. Cái màng mỏng gần đến mức vô hình ấy liệu có chống cự lại được với truyền thống nối dõi tông đường?”. Có sẵn ngay trong phòng như vậy thật tiện. Cần là có ngay. Ra tiệm mua có khi ngại. Chẳng gì đây cũng là thứ…phòng the, càng tránh lộ mặt càng tốt. Nhất là đối với dân Việt ta. Trong bài “Sài Gòn Condom” của ký giả Văn Lang trên báo Người Việt ở Cali, tác giả đã tả lại nỗi ngại ngùng này: “Nếu đặt condom làm nhân vật trung tâm của một cuốn tiểu thuyết thì nhân vật này sẽ rất đa dạng, phong phú đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố, thất tình lục dục của cuộc đời. Trước kia, bao cao su thường chỉ được bán trong những tiệm thuốc Tây, giống như các đồ dùng y tế khác, nhưng vì chung chạ như vậy, khách đi mua bao cao su thường rất ngại hỏi mua vì những khi tiệm đông khách hoặc chỉ cần có vài ba người là mấy anh chàng cả thẹn không dám lên tiếng. Nên mới có những câu chuyện thật mà nghe giống như chuyện... tiếu lâm. Ðó là có anh chàng xách xe chạy vòng vòng cả buổi tối mà chả mua được cái bao nào, vì tiệm nào cũng có người đang mua... thuốc Tây, hay có tiệm vắng nhưng nhân viên bán hàng lại là... nữ. Hoặc, có những khi vợ hoặc bạn gái phải đi mua giùm cho quý ông, và cũng vì cả thẹn nên mỗi lần mua, nàng chơi luôn cả “lố” với ý định để dành xài dần, thế là cả nhân viên của tiệm thuốc lẫn khách của tiệm đều tròn mắt nhìn nàng: Con nhỏ này dân chơi cầu ba cẳng nào mà chơi cả “vốc” bao... dữ thiệt!!! Chưa hết, tại mấy xóm nghèo hoặc vùng ven Sài Gòn, cũng như dưới tỉnh thì bao cao su được bán xen lẫn trong các món hàng của tiệm tạp hóa. Hỏi về “date” sử dụng, thì bị mắng té tát, “Ở đây bán bao chứ không bán... đít ! Muốn chơi đi chỗ khác mà chơi...”

Mua cái…mũ cho thằng nhỏ mà vất vả như vậy nên khi các tiệm chỉ chuyên bán bao cao su và các đồ dùng chuyên nghề xuất hiện ở Sài Gòn thì quả là một cuộc cách mạng đã bắt đầu. Nếu phải cho cuộc cách mạng này một cái tên thì không gì thích hợp hơn khi gọi đó là cuộc “cách mạng condom”. Trong một đất nước mà condom vẫn là một anh chàng không được đón nhận, bị coi như một thứ đồ “yêu”  (“yêu đây không phải là “yêu đương” mà là “yêu quái”) thì chuyện giải thích cho mọi người làm quen với anh chàng lạ mặt nhưng hữu dụng này là cần thiết. Khốn nỗi, theo ký giả Văn Lang ở Sài Gòn thì “ chuyện bao cao su bên Tây, bên Tàu, bên Thái nghe có vẻ dễ, chứ bên Việt Nam, xứ sở như người ta thường hay nói đùa là: tiểu tiện công khai (ngoài đường, vỉa hè), nhưng hôn nhau thì... lén lén, lút lút. Do vậy, cho tới bây giờ bên đây vẫn còn tranh luận xem có nên đưa chương trình giáo dục giới tính, vệ sinh an toàn tình dục vào trong học đường giảng dạy không, vì họ cứ sợ vẽ đường cho hươu chạy”.

Mua bao ở bên ta long đong đến khổ. Chẳng phải vì khan hiếm hàng hóa nhưng vì lòng người ngại núi e sông. Để vô hiệu hóa con sông ngại ngần này, một cô nhỏ đã ra tay. Đó là cô Nguyễn Thu Trang, năm nay mới có 29 cái xuân xanh. Cô theo học trường Trung cấp Dược khoa. Tốt nghiệp, vất vả lắm mới kiếm được việc bán dược phẩm trong một quầy thuốc nhà nước. Làm cho nhà nước chỉ được chữ nhàn. Nhàn nên cô chúi đầu vào chiếc computer, cô Trang hay lang thang vào những website về giới tính. Cô thấy dân trên các mạng này bàn tán nhiều về sự ngại ngần trong việc mua bao cao su. Nhiều câu hỏi rất ngây ngô chứng tỏ có nhiều bạn trẻ chẳng biết gì về cái áo mưa chuyên dùng trên giường này. Vậy là cô nảy ra ý mở một trang bán áo mưa online. Mục đích là đưa hàng tới tận nhà một cách kín đáo và tiện lợi. Ý tưởng mới mẻ này đã đẻ ra tiền. Trang mạng của cô ngày càng đông khách. Khách chỉ việc vào trang web là có thể thấy ngay mẫu mã của các loại áo mưa, giá cả, chỉ dẫn tác dụng và việc sử dụng rất chi tiết và chính xác. Sau đó, chỉ việc nhấc điện thoại gọi vào số đã cho sẵn để order. Hàng sẽ được giao tại nhà một cách kín đáo. Vậy là cái mặt không phải chường ra, cái má không bị đỏ và cái miệng không phải ấp úng. Thật trăm đường tiện. Trang phải nghỉ việc nhà nước mới có đủ thời giờ phục vụ khách hàng. Cô cho biết : “Mình nghĩ công việc này thực sự thú vị. Bán thứ này cần nhất là mình phải khiến người ta tin cậy vào chất lượng và mục đích trong sáng của mình. Không thì sẽ chẳng ai dám mua, vì tâm lý e ngại ". Cô Trang quả là một con người can đảm, đã dám lội ngược dòng nước. Ngay bố mẹ cô cũng thấy bất ổn khi có cô con gái đi bán cái thứ trời ơi đất hỡi này. Bố mẹ cô mắng nhẹ : Con gái ai lại đi bán cái thứ kỳ cục như thế! Bộ hết thứ bán rồi hay sao! ". Ký giả Xuân Lê của báo Dân Trí hỏi : "Khách hàng của Trang có phức tạp lắm không? ". Cô gái cười : "Không, đa dạng nhưng không phức tạp. Hầu hết toàn là thanh niên, trí thức có học. Mình rất ngạc nhiên khi nhiều lần giao hàng gặp những anh trông trẻ trung, lịch lãm, dáng vẻ thành đạt. Những thanh niên trông rất sành điệu. Có những người đi cả xe hơi tới nhà mình mua hàng. Thậm chí có cả những người mình biết được là bác sĩ hay giảng viên Đại học. Nhưng lạ nhất là không hiếm trường hợp các chị em gái mua về cho bạn trai hoặc cho chồng!". Trang có ngại về việc con gái bán thứ hàng gay go này không? "Không, mình còn tự hào nói ra nữa. Shop của mình được nhiều người biết tiếng và giới thiệu cho nhau rồi. Có lẽ, điều ý nghĩa nhất mình làm được và mong muốn làm được là tạo thói quen sử dụng bao cao su cho càng nhiều người càng tốt! ".

Cô Trang quảng bá việc dùng bao cao su tại Việt Nam thì nhà thờ công giáo tại Lucerne, Thụy Sĩ, cũng khuyến khích một cách tích cực việc sử dụng bao cao su để phòng chống bệnh tình dục. Họ tổ chức việc phân phối ngay trước cửa nhà ga xe lửa thành phố ba ngàn bao cao su cho giới trẻ mà phần lớn đã quay lưng với lập trường cứng rắn của Tòa Thánh. Việc này xảy ra vào tháng 10 năm 2010. Lúc đó, Giáo Hoàng vẫn còn rất cứng rắn với cái bao nho nhỏ này. Theo người cầm đầu Giáo hội Công giáo thì bao cao su không phải là giải pháp để phòng chống bệnh. Giải pháp hữu hiệu là ý thức luân lý và đạo đức về tình dục, sự tiết chế hành vi tình dục và sự chung thủy trong hôn nhân.

Chỉ một tháng sau ngày giáo hội Lucerne làm…cách mạng, ngày 23 tháng 11 năm 2010, Giáo Hoàng Benedict, trong một buổi lễ Chủ Nhật tại Công Trường Thánh Phêrô, đã…xả ga. Nhưng chỉ một phần. Việc dùng bao cao su để ngừa thai vẫn còn bị cấm. Thông tín viên hàng Reuters ở Vatican đã bình luận : "Việc thay đổi này rất có ý nghĩa mặc dù chưa đủ vì trên căn bản, Giáo Hoàng chỉ nói là bao cao su có thể được dùng trong một vài trường hợp để ngăn chặn việc lây lan của bệnh AIDS. Trước đây, Giáo hội vẫn chính thức chủ trương là bao cao su không được dùng trong bất cứ trường hợp nào. Bây giờ chúng ta được nghe, lần đầu tiên, chính Giáo Hoàng nói là có thể dùng giới hạn trong một vài trường hợp".

Cái bao con con mong mỏng này thường được dùng nhằm hai mục đích : ngừa bệnh qua đường tình dục và ngừa thai. Giáo Hoàng đã khai thông, OK mục đích thứ nhất. Có hai loại người dùng bao. Loại thứ nhất là những người dùng để ngăn bệnh tật. Đó là những người tù ti với kẻ…lạ. Vợ chồng thì cần chi phải ngăn bệnh tật! Vợ chồng là loại thứ hai, nếu có dùng bao thì mục đích là đề ngừa thai, thứ mà Giáo Hoàng không OK. Nghe ra như có điều ngúc ngắc. OK với những tù ti ngoài hôn nhân và không OK với chuyện đánh cờ người giữa vợ chồng! Mà ngoại tình hoặc tù ti ngoài hôn nhân là thứ vi phạm điều răn thứ sáu : chớ làm sự dâm dục! Tội nặng chứ không phải chơi. Tội nặng vì phải có tới hai người mới phạm được tội này, một người thì vô phương!
Cái bao nho nhỏ coi vậy mà làm khó Giáo Hoàng dữ!

02/2011