An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

CHƠI

Tôi vốn rất mê ca dao nhưng lần này bị ca dao dụ khị. Chơi xuân kẻo hết xuân đi / Cái già xồng xộc nó thì theo sau. Cứ đọc tới hai câu ca dao này là thấy sốt ruột. Lúc nào cũng thấy cái già bám sát lưng như mụ nặc nô đuổi đòi nợ. Nay còn đi được, mai chắc có đi được nữa không. Vậy thì cứ chơi trước cho chắc ăn! Ngày xưa các cụ chơi sao tôi chẳng biết nhưng bây giờ tôi chơi theo thời bây giờ: đi chơi! Nói là đi nhưng chân đâu mà đường trường xa ta cứ cất bước. Leo lên máy bay cho nó chở đi là hợp mệnh trời nhất. Vậy thì tôi leo lên máy bay.

Nói vậy nhưng đâu có giản tiện như vậy. Trước khi đi phải lo bài vở cho ngon lành. Đi một tuần là một bài, đi hơn thì cứ làm tính cộng. Gò lưng cho xong đủ bài, vào internet, bấm vào nút send là thở phào. Nhưng sự đời đâu có giản dị như vậy. Chỉ vài phút sau là các vị chủ bút…bình luận liền. Toàn những câu không mấy êm ái. Đàn ông hay đàn bà, đã là con người thì nhân chi sơ tính bản…cà khịa nằm vùng sẵn. Có dịp là bày tỏ. Người thì cắm cúi làm, người thì xách va li đi chơi, chắc chắn sẽ nảy sinh ra mâu thuẫn. Thôi thì mọi sự cứ coi như hề hề hết. Coi như anh em ghét yêu vậy!

Rũ sạch nợ tôi thảnh thơi lên đường. Muốn cho cuộc đi du hí có chính nghĩa, tôi coi như mình đi trốn lạnh. Trời chưa lạnh lắm nhưng một hai tuần sau ắt sẽ lạnh. Cứ trốn trước cho chắc ăn. Nơi tôi tới là miền nắng ấm Florida, hang trốn lạnh hàng năm của các cụ già xứ Montreal. Các cụ tây thường chơi luôn sáu tháng mùa đông rồi mới qui hồi cố hương. Tôi chưa già, chỉ nhiều tuổi, nên chưa cần tới sáu tháng. Trời đất chi mà phước đức. Tháng mười một vẫn cứ phong phanh một tấm áo mỏng, một chiếc quần cụt, đôi dép lẹp xẹp, sướng cách chi đâu. Này hoa giấy, này hoa tim vỡ của T.T.Kh., lại thêm nhãn, mít, cóc, ổi, thanh long. Tôi nhìn lại được cây bàng, cây muỗm.

Mục tiêu của những ngày nắng ấm Florida là các vườn trái cây của người Việt. Bấm GPS, tới một vườn nhãn. Cũng thấy nhãn đấy nhưng đã cuối mùa, không còn bao lăm. Dưới một mái nhà tôn bốn bề trống hốc trống hoác, một đám thợ Mễ đang ngồi lựa những chùm nhãn còn dính đầy lá để đóng thùng. Chúng tôi (người là một con vật bầy đàn nên chúng tôi rủ nhau đi tới chín mạng!) xà vào nếm thử. Nhãn tươi mới hái từ cây xuống ngọt lịm, khác xa với thứ nhãn đông lạnh đắt như vàng tại Montreal. Bê ra xe mỗi người vài cân, ăn cả tuần chưa hết. Vậy mà cũng không chán. Chỉ phải cái tội ních nhiều nên nóng. Nóng thì nóng, thần khẩu vẫn thắng nên ăn vẫn cứ ăn. Không thấy ai báo cáo về chuyện trục trặc nơi đường nhập cảng và xuất cảng của đường ruột nên tình hình không rõ ràng.

Nhãn chỉ là một tiết mục, chúng tôi lên xe trực chỉ một vườn trái cây khác của người Khmer. Vườn này không chuyên trị như vườn nhãn mà trồng lung tung đủ thứ. Ông chủ vườn vui tính (có lẽ vì trong đoàn có một ông trước kia lập nghiệp ở xứ Chùa Tháp nên tiếng Miên nói giòn như bắp rang) dẫn đi khắp chốn trong vườn. Những trái ổi còn toòng teng trên cây như mời gọi. Nhà chủ vui vẻ mời mọi người tự nhiên hái ăn. Có lẽ từ ngày rời xứ sở tôi mới lại được ăn những trái ổi ngọt ngào thơm tho hái trên cây xuống ăn liền y như thời xưa. Ổi nhập cảng từ Thái Lan có bán tại các tiệm thực phẩm ở Montreal lạt lẽo vô duyên, sánh sao đặng. Ngay cả những lần về thăm nhà sau này, ổi bán đầy rẫy, trái lớn, tươi, nhưng trái thì sâu, trái thì lạt thếch, không giống như ổi ngày trước. Ổi trồng ở Florida đúng là thứ ổi…kỷ niệm. Ăn vào thấy như gậm nhấm quá khứ.

Vào khu thanh long, ông chủ vườn cho biết đây là loại thanh long ruột hồng, ăn thử biết khác ngay. Quả là khác với loại thanh long ruột trắng chúng ta thường ăn. Sao lại có thể ngọt lịm người như vậy! Giá cả của loại thanh long này cao hơn gấp mấy lần loại thanh long ruột trắng. Nhưng quả rất xứng với đồng tiền bát gạo!

Những cây mít thấp lè tè đeo nặng những trái nặng tới cả chục kí. Mít trên cây trông tư cách hơn mít nằm trên quầy hàng. Dân Montreal chúng tôi thực ra có bao giờ được trông thấy trái mít nguyên vẹn đâu, chỉ thấy những miếng mít đã được xắt ra, bọc plastic, giá cao ngút ngàn ngoài tầm tay với. Vậy là những bàn tay của dân xứ lạnh rối rít chỉ. Trái này, trái kia, ông chủ vườn chỉ biết cười trừ. Cuối cùng cũng đi tới đồng thuận nhờ ông chủ vườn cắt cho trái mít mà ông cho biết là ba ngày nữa sẽ ăn được. Trái mít lớn như con heo sữa rời thân cây mà lệ trắng tràn lan. Ai đó đọc lớn câu thơ của nữ sĩ họ Hồ. Xin đừng mân mó nhựa ra tay. Bỏ vào chiếc thùng cạc tông lớn, bê lên xe mang về, nhựa tuôn ra dầm dề ướt hết đống báo lót. Ba ngày sau, vẫn chưa thấy mùi mít. Nắn vẫn chưa thấy mõm. Ai bảo không nghe lời bà Hồ Xuân Hương. Làm thân  mít vỏ xù xì múi dầy, muốn chín thì phải quân tử có thương thì đóng cọc. Quân tử thì có, chúng tôi có tới bốn quân tử lận. Nhưng cọc có đóng được hay không là chuyện khác. Đành chờ vậy.

Chúng tôi trực chỉ đi Kennedy Space Center nằm ở mũi Canaveral trên đảo Merritt Island, nơi các phi hành gia bay vào vũ trụ. Từ West Palm Beach, nơi chúng tôi trọ, mất khoảng ba giờ lái xe để tới chiêm ngưỡng đất thánh của khoa học không gian. Nhìn tấm bảng lớn ghi giá vé vào cửa tới 65 đô 67 xu một người, đầu óc hơi chao chao. Tặc lưỡi một cái, đã tới đây thì giá nào cũng phải vào. Vậy là hiên ngang xếp hàng theo dòng người đông đảo. Khi tới cửa bán vé mới hay đó là giá bao gồm người hướng dẫn, giá không có người hướng dẫn chỉ có 43 đô 41 xu. Vậy là…lời được 12 đô rồi! Mua vé phải xuất trình thẻ có hình để kiểm soát an ninh. Thấy ngày sinh tháng đẻ trên thẻ thuộc vào loại trên 55 tuổi, bà bán vé xé vé giá…già chỉ có 37 đô. Lại lời! Mới tới cửa mà đã hai lần lời, người lâng lâng như đang ở không gian!

Qua lần khám xét an ninh như lên máy bay, cả một trung tâm rộng lớn bày ra trước mắt. Biết coi gì đây? Cứ làm một tua xe buýt đi coi vòng quanh khắp trung tâm cho tỏ tưởng ngọn ngành trước. Xe lần lượt chạy qua các địa điểm phóng phi thuyền. Ngồi trên xe buýt của trung tâm mới được vào khu giới hạn này. Xe dừng lại trạm đầu tiên: Khu phóng 39. Đây là một bệ phóng phi thuyền nay dùng làm kiểu mẫu cho du khách coi. Coi một đoạn phim phóng phi thuyền, viếng phòng triển lãm xong lại leo lên xe đi tiếp. Trạm dừng thứ hai nhiều màu sắc hơn: Trung Tâm Apollo-Saturn V. Hỏa tiễn Saturn V được treo dài theo tòa nhà. Đây là hỏa tiễn thiệt thụ. Tôi đi quanh, nhìn vào cây hỏa tiễn khổng lồ đến mỏi cổ. Lần đầu tiên giáp mặt với đồ thiệt thấy choáng. Sao nó lớn và kinh khủng đến vậy. Tưởng tượng chiếc hỏa tiễn khổng lồ này vun vút lao vào không gian xa thẳm thấy đầu óc sáng tạo của con người sao vĩ đại thế. Vậy mà trong các đầu óc loại xịn này có nhiều đầu óc con rồng cháu tiên chúng ta. Như Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nhà khoa học nghệ sĩ, văn võ toàn tài mà ngày xưa, khi còn là chú nhỏ học sinh trường Chu Văn An Sài Gòn, tôi vẫn nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ mỗi lần thấy chiếc xe hơi của ông tới trường. Ngày nào có cô Phượng của Đời Phi Công ngồi trên xe thì cả trường nhốn nháo. Ngày đó tôi theo ban Văn chương, môn tôi sợ nhất là toán. Khả năng toán học của tôi tuyệt…vọng đến nỗi khi đi thi Tú Tài Phần Một chỉ cốt làm được câu hỏi giáo khoa kiếm vài điểm, còn bài toán thì trả cho thầy dù là toán đại số hay hình học không gian. Cái thứ hình học không gian mà cũng chẳng ra chi như tôi thì đụng vào cái không gian thực thụ này lé mắt là đúng chỉ số. Ngoài Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, còn biết bao nhiêu con dân đất Việt đóng góp đầu óc vào công trình vĩ đại này. Người nổi nhất có lẽ là người đã thực sự bay vào không gian: Tiến sĩ Trịnh Hữu Châu, sanh năm 1950, mà báo chí Mỹ và thế giới gọi là Eugene Trịnh. Ngày 25 tháng 6 năm 1992, con dân đất Việt tên Trịnh Hữu Châu đã có mặt trên phi thuyền con thoi Columbia. Bay trên không gian, Eugene Trịnh đã nhìn về tổ quốc: “Chúng tôi đã bay vòng quanh thế giới, bay nhiều lần ngang vùng Đông Nam Á. Tuy phần lớn thời gian vùng này bị mây che phủ, song tôi nhớ đã ba lần chúng tôi bay bên trên Việt Nam. Những lúc ấy làm tôi nghĩ đến sợi dây liên hệ của mình, đến đất nước quê hương, nơi mình đã sinh ra”. Tiến sĩ Châu đã theo gia đình định cư tại Pháp từ năm 1953, khi ông mới được ba tuổi.

Hai phòng chiếu phim chính trong Trung Tâm là hai rạp chiếu phim nổi IMAX. Dĩ nhiên những hình ảnh về không gian trên màn hình nổi đã làm du khách thú vị đến thế nào. Ngoài ra còn một rạp kết hợp phim và sân khấu diễn tả cuộc đổ bộ xuống mặt trăng của phi thuyền Apollo 11. Trước màn hình là một sân khấu mà nền là bề mặt mặt trăng. Khi màn ảnh đang chiếu tới lúc đổ bộ thì một mô hình tàu không gian từ phía trên trần nhà được thả xuống trong ánh lửa xịt ra cháy rực của phi thuyền đổ bộ. Phi hành gia bước ra, lá quốc kỳ Mỹ tí hon được cắm lên trên sân khấu mặt trăng.

Chuyện chi cũng có hai mặt. Chuyện con người lên không gian cũng vậy. Có mặt thành công và mặt thất bại. Thất bại là những phi thuyền bị nổ cháy trên bầu trời và những phi hành gia đã hy sinh mạng sống cho khoa học. Đài Tưởng Niệm các Phi hành gia, được biết tới như cái tên Gương Không Gian là một kiến trúc nổi bật trên nền trời Trung tâm. Đây là một tấm gương khổng lồ bằng đá granite đen khắc tên các phi hành gia đã tử nạn trong khi thi hành nhiệm vụ chinh phục không gian!

Một tuần thăm thú Florida kết thúc bằng chuyến xe chở chúng tôi tới bến tầu để lên du thuyền Carnival Valor. Phè cánh nhạn ăn và chơi trong bảy ngày trên biển. Chuyện phe ta đi du thuyền nay đã là chuyện thường thường bậc trung. Trong chín người chúng tôi thì cả chín người đã từng có kinh nghiệm với chuyện đi cruise. Lên tầu đi loanh quanh một hồi lại gặp nhiều người Việt khác. Nghe thấy tiếng quê cha đất tổ là xúm nhau lại. Một bà ở San Francisco đi với hai cô con gái lớn. Bà có tài nói chuyện rất duyên dáng và dai dẳng. Cái tài đó không được hai cô con chung phòng thưởng thức. Thấy nhóm chúng tôi, bà bám riết, nói không kịp thở, cười bể bụng. Hai cô gái thấy mẹ có bạn mới mừng như bắt được của, tha hồ tự do đi chơi theo ý thích. Mẹ cũng thích vì “mấy đứa con khó thương nhăn nhó với mẹ suốt ngày”. Thế hệ nào ra thế hệ đó. Trên tầu có đủ hoạt động giải trí cho từng thế hệ. Dân về hưu như chúng tôi chỉ loanh quanh hết nghe nhạc sống lại coi show có các em múa hát như Thúy Nga Paris By Night! Quên, còn shopping nữa chứ. Hết sale này tới sale khác, chạy theo vất vả. Ở thì phòng ốc đẹp đẽ, tiện nghi ngoại hạng, ngày hai lần phục vụ vào làm giuờng. Ăn thì lê la hết ở nhà hàng buffet lại gặp nhau trong các nhà hàng có kẻ hầu người hạ, cơm tây chính thống mỗi ngày mỗi menu. Ăn xong vác bàn tọa đứng dậy, chẳng tiền bạc, chẳng tip chi cả. Ăn kiều này có một điều nguy hiểm. Không, tôi không nói tới việc lên cân. Chuyện đó là bắt buộc, nhưng chơi mà, cứ bình tĩnh mà thường thức, về nhà kiêng khem lại mấy hồi. Chuyện nguy hiểm tôi muốn nói là thói quen ăn xong đứng dậy thơ thới ra về chẳng thèm biết tới tiền bạc. Thói quen này khi xuống tầu đi ăn tiệm mà không bỏ được sẽ biến thành thứ ăn quịt!

Ăn như vậy, chơi như vậy, không hiểu làm sao họ kiếm lời được với chi phí vài trăm bạc chúng tôi trả cho bảy ngày ăn ở phè phỡn. Nếu trên tầu toàn là khách cỡ chúng tôi chắc tầu đã sập tiệm. Nhìn du khách vứt tiền trong casino, trong các bar rượu, trong các dịch vụ mua bán trên tầu từ đấu giá tranh, chụp hình tới massage và trong các tour khi tầu ghé các đảo, mới biết họ kiếm lời từ đâu. Ba ngàn bốn trăm du khách mà có tới 1400 người phục vụ gồm gần 100 quốc tịch, phần lớn là người Á châu và Nam Mỹ. Dân Phi Luật Tân chiếm đa số. Vậy mà người phụ trách dọn phòng cho tôi là một anh chàng trẻ măng, trắng trẻo, lúc nào cũng cười ra vẻ rất yêu đời. Trong những lần gặp gỡ trên hành lang trước cửa phòng, tôi tò mò về chàng trai vui tính này. Anh là người Thái Lan, mới làm việc được ba tuần. Thảo nào yêu đời dữ! Tò mò thêm, tôi biết được anh có được job này, một job đối với anh là quá thơm, là nhờ dịch vụ tuyển người xuất cảng lao động ở Thái Lan. Anh đã chi hai ngàn đô Mỹ gồm tiền vé máy bay và tiền dịch vụ. Anh chỉ trả một lần vậy thôi. Lương tháng anh bỏ túi hết. Ăn ở trên tầu free, mỗi hai tuần anh lãnh được 500 đô chưa kể tiền tip. Vậy thì chỉ hai tháng anh đã gỡ lại được chi phí qua Mỹ làm việc. Làm sáu tháng anh sẽ được nghỉ hè hai tháng, sau đó lại qua làm tiếp sáu tháng khác mà không phải trả thêm tiền gì cả. Tôi nghĩ tới thân phận những công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động. Bị lừa bịp, bị ăn chặn tiền này tiền khác, bị làm việc trong các hãng xưởng thiếu tiện nghi, không bảo đảm, tai nạn lao động là…cái số ráng chịu. Thân phận người công nhân Việt Nam thật nghiệt ngã. Tôi cho anh công nhân Thái Lan này biết chuyện công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam, anh luôn miệng nói: “I am lucky!”. Nụ cười anh tươi hơn.

Theo chương trình thì tầu ghé bốn bến thuộc bốn nước khác nhau: Grand Cayman thuộc Anh, Cozumel của Mễ Tây Cơ, Belize thuộc Anh và Roatan thuộc Honduras. Nhưng tới bến ghé cuối cùng, gió to và mưa lớn đã cầm chân du khách trên tàu không xuống được. Bàn chân đành lỡ bến. Bù lại du khách được trả lại mỗi người gần 10 đô tiền dịch vụ xuống bến.

Tại mỗi bến cuộc đổ bộ của du khách trên tầu là một hoạt cảnh vui. Số du khách quá khổ rất nhiều. Mỗi lần một ông hay một bà phục phịch xuống tầu là một vất vả cho những người đứng đỡ du khách xuống bến. Chiếc cầu tròng trành như muốn chìm xuống biển. Khi về cũng vậy. Có lần tôi trở về tầu sớm, đứng trên boong cao nhìn xuống cảnh du khách từ bến trở về tầu, tôi bỗng nghĩ tới cảnh chuyển người vượt biên từ taxi lên tầu lớn. Không biết đã có bao nhiêu dân vượt biên chúng ta lỡ chân rốt xuống biển. Tổ chức qui củ thế này mà còn trật vuột, vội vàng trong những chuyến chuyển người vượt biên, nghĩ mà kinh!

Đảo Cozumel nổi tiếng về phế tích một làng Maya thuộc thời cổ đại hơn một ngàn năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Bỏ ra 7 đô Mỹ mua vé vào cửa, du khách gặp một điều khó chịu. Ngay trên bàn soát vé rất thô sơ có một thông báo nhỏ. Du khách có thể mang máy chụp hình vào nhưng máy quay video thì phải đóng thêm 4 đô mới được mang vào. Nếu mang vào lén lút, bị bắt gặp đang quay lậu thì sẽ bị phạt 8 đô. Tôi nhìn vào tấm bảng thấy hết sức khôi hài. Đây chỉ là một lối làm tiền du khách. Nếu vì lý do nào đó mà cấm quay thì cấm luôn, sao lại đóng tiền thì được quay, không đóng tiền thì khỏi quay! Tôi không muốn đóng 4 đô kệch cỡm này nên gửi lại máy quay, chỉ mang máy chụp hình vào. Trong chuyện làm tiền họ khôn mà không ngoan. Máy hình cũng có thể quay được chứ! Vậy là líp lơ quay! Cảnh là những phế tích bằng đá trắng, đường đi cũng lát bằng đá trắng gập ghềnh. Bước lên mà nghe thấy nhiều ngàn năm ấp ủ dưới chân.

Đảo Belize nghèo xác xơ. Thuê xe taxi dạo quanh đảo chỉ thấy những căn nhà cũ kỹ. Khang trang nhất có lẽ là tòa đại diện chính phủ Đài Loan. Đã lâu lắm tôi mới thấy lá cờ Trung Hoa Dân Quốc phất phới trên trời. Theo lời anh tài xế thì đây là đất đầu tư của Đài Loan. Xe chạy ngang qua một sân vận động thô sơ, anh tài xế cho biết sân đang xây dở dang thì hết tiền phải nhờ tới chính phủ Đài Bắc tiếp viện. Lá cờ Dân Quốc phấp phới trên sân vận động. Anh tài xế hỏi tôi với bộ mặt tự hào có biết cô lực sĩ người Belize đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội không. Anh nói ra cái tên. Tôi nghe mà không bắt được nhưng tôi nhớ có lực sĩ người Belize đoạt huy chương vàng, chẳng biết bộ môn nào, trong kỳ thế vận nào. Tôi gật đầu. Anh ta hài lòng ra mặt. Không biết có phải vì vậy mà khi đi qua một đường phố có những trái dừa lăn lóc trên đường, anh dừng xe lại, chạy tới gốc dừa. Lúc đó tôi mới nhìn thấy một người gầy gò đen nhẻm tuột vội từ trên cây xuống. Hòn đảo này có lẽ là đảo dừa. Chỗ nào cũng thấy dừa. Anh tài xế móc tiền đưa cho người hái dừa, lượm chục trái về xe. Tới một nơi có cái quán cóc rách nát, anh chạy vào mượn dao, mua ống hút, chẻ phớt đầu trái dừa, tặng mỗi người chúng tôi một trái. Nước dừa tươi thật ngọt. Uống vào tỉnh cả người.

Nhưng khi từ tầu trở lại Miami chúng tôi tỉnh người hơn nữa. Vừa mở cửa phòng, mùi mít nồng nặc. Trái mít nằm cô đơn trong phòng bảy ngày rực rỡ thơm lừng. Cũng may là chúng tôi thuê condo nên có chỗ cho trái mít nằm chờ. Nếu ở khách sạn chắc mít đã vô thùng rác trong sự ngậm ngùi của mọi người. Các bà xúm nhau lại làm thịt trái mít. Được tới ba đĩa bự tổ chảng. Tối hôm đó, sau chầu ăn tối tại một quán ăn Việt Nam lai Nhật Bổn có tên là Saigon-Tokyo, chúng tôi giở mít ra tráng miệng giữa sự ngỡ ngàng của nhà hàng. Sáng hôm sau ra phi trường, mít cũng theo ra. Ngồi chờ máy bay qui hồi cố quốc mà tay vẫn cứ bốc mít. Sao nó ngon lạ ngon lùng.

Khi leo lên máy bay thì mít đã mất tăm mất tích, chỉ còn áo trong áo ngoài. Chúng tôi nai nịt kỹ càng trở về miển đất lạnh. Xuống phi trường Pierre E. Trudeau, trời vẫn chẳng thèm lạnh. Gỡ bớt áo quần mà bụng không vui. Rêu rao với bà con là đi trốn lạnh mà Montreal chẳng chịu lạnh cho. Cứ như đứa trẻ chơi trốn tìm núp trong xó tối mà chẳng có đứa nào chịu đi tìm! Trời chẳng chiều dân trốn lạnh thì đành chịu thôi, coi như thua trời một bàn. Thắng một bàn, trời làm…trời. Chỉ vài ngày sau, trời cho một vố vừa tuyết, vừa lạnh cóng, vừa freezing rain. Cho đáng đời bọn bày đặt trốn lạnh!

Trời không thương hay trời có máu phiếm? Làm sao biết được bụng trời!

 12/2010