An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

SINH

Chuyện được các báo mạng tại Việt Nam đồng loạt đăng tải và làm phóng sự, được gửi lòng vòng trên internet đến chóng mặt. Đó là chuyện của chú nhỏ Nguyễn Phú Quyết Tiến ở thị trấn Vụ Bản thuộc tỉnh Hòa Bình ngoài Bắc. Có nhiều bài điều tra của các ký giả tới tận nơi nói chuyện với em Tiến và gia đình. Một cô ký giả của VietnamNet đã mở đầu bài phóng sự điều tra của mình như sau: “Tiến cầm tay tôi lắc lắc và chỉ ra con sông gần nhà: “Ngày trước cháu chết ở kia kìa”… Chúng tôi tìm tới thị trấn Vụ Bản lúc trời đã gần chính ngọ. Không khó để hỏi thăm nhà anh Tân, chị Thuận, bởi dường như câu chuyện “hồi sinh” của cháu Tiến ở cái thị trấn nhỏ này ngay cả cháu bé lên 10 cũng kể rành mạch được”.

Tôi vốn ít tò mò về chuyện đời sống ở bên kia thế giới. Khác với chuyện chúng ta đi du lịch nơi này nơi nọ, chúng ta đọc tài liệu, sách báo về nơi chốn chúng ta sắp đến thăm một cách náo nức, chuyện đi du lịch xa xôi và rốt ráo mà chẳng cần máy bay xe lửa tầu bè chi cả, ra đi không hẹn ngày về, chúng ta chẳng có nhà báo hay ký giả nào đi rồi về kể cho chúng ta nghe. Chuyện đi rồi lại về là chuyện viển vông, khó xảy ra. Đi là đi một đường thẳng, nằm thằng cẳng ra đó cho người ta khiêng đi, chân cẳng đâu mà quay trở về. Cuộc sống ở phía bên kia vẫn chỉ là niềm tin, người ta nói tới nhưng chẳng ai có kinh nghiệm. Người tin thì cúng bái lễ lược, người không tin thì coi như chuyện giả tưởng. Vậy mà nay có một cậu bé đã ra đi và trở về bằng xương bằng thịt để chúng ta có thể hỏi chuyện được, xôn xao là phải.

Chuyện như thế này. Tôi trích nguyên văn lời cô ký giả đã tới tận nơi kể lại cho chắc ăn: “Anh Tân và chị Thuận cưới nhau được 6 năm mới sinh được cháu Nguyễn Phú Quyết Tiến (28/2/1992). Cháu Tiến lớn lên bụ bẫm, xinh xắn, trong sự yêu chiều hết mực của cả gia đình. Thế nhưng, đến năm cháu 5 tuổi, tai họa bất ngờ ập xuống. Hôm đó vào buổi chiều tháng Giêng, anh Tiến đang nằm đọc báo bỗng giật nảy mình chồm dậy, ruột gan như lửa đốt. Anh gọi chị Tân bảo: “Thằng Tiến đâu, tìm nó về đi”. Chị Tân tìm gọi mãi nhưng không thấy Tiến đáp lại, ra phía bờ sông gần nhà chị chỉ nhìn thấy đôi dép cháu để trên bờ. Dưới dòng nước xanh ngắt nhìn thấu tận đáy, không thấy điều gì bất thường. Chị chạy về báo anh Tân. Bỏ tờ báo, anh hớt hải ra phía bờ sông thì nhìn thấy xác cháu Tiến nổi cách bờ 3m. “Tôi lao xuống dòng nước, ôm chặt lấy con nhấc lên bờ. Nhưng tất cả đã quá muộn!”, giọng anh lạc đi, không giấu vẻ kinh hoàng khi nhớ về cái ngày đau thương ấy. Cháu Tiến mất đi khiến cả anh Tân, chị Thuận đều như kẻ mất hồn. Nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi chị Thuận do vấn đề sức khỏe đã “không còn khả năng làm mẹ” nữa. Trong cơn vật vã, bà cụ hàng xóm mà sau này anh Tân mới biết là “bà mế” có sang vỗ vai anh và bảo: “Con yên tâm, sớm muộn gì nó cũng tìm về với con thôi!”. Khi ấy vì quá đau buồn anh cũng coi lời bà như lời an ủi của những người hàng xóm tốt bụng khác”.

Vậy mà cháu Tiến về thiệt! Năm 2006 anh nghe người ta đồn là ở xóm Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, cách nhà anh chị chừng 3 cây số có cháu bé nghi là “con lộn” của anh chị. Cháu này tên Bùi Lạc Bình, sinh ngày 6 tháng 10 năm 2002, là con một gia đình người Mường nhưng ngay từ khi biết nói đã khăng khăng bào bé là con người Kinh, nhà trên thị trấn Vụ Bản. Vốn không tin chuyện tái sinh, vợ chồng anh Tân vẫn tìm đến nhà cháu Bình. Thật bất ngờ khi  cháu Bình mới gặp mặt anh chị lần đầu mà gọi ngay anh chị là “bố mẹ” rồi quấn quít không rời. Khi bố mẹ đẻ của cháu Bình là anh chị Dự thử đưa cháu về nhà anh Tân ở Vụ Bản, chính cháu chỉ đường về nhà xưa. Ngay cả khi anh Tân cố nói sai tên mấy nhà hàng xóm, bé Bình cũng cãi lại và nói đúng tên. Lúc vào nhà cháu Bình chạy khắp nhà như đã từng ở đây từ trước. Cháu đi tìm đồ chơi của cháu ngày xưa. Thấy cháu ngơ ngác, anh Tân hỏi: “Cháu tìm gì vậy?”. Cháu trả lời ngay: “Con tìm chiếc máy bay và mấy chiếc xe con hay chơi”. Anh Tân sững người vì ngạc nhiên, bảo cháu: “Bác đem đốt đi rồi, sợ để lâu ngày hỏng”.

Cô nhà báo kết bài phóng sự về cháu bé tái sinh: “Mải chuyện đã quá trưa tự lúc nào, chị Thuận giữ chúng tôi ở lại ăn cơm, chúng tôi cũng vui vẻ đồng ý. Khi mâm cơm đã dọn tinh tươm, Tiến vẫn đứng ngoài sân mê mải đọc cuốn Hương Hiếu Hạnh của nhà sư Thích Tâm Hiệp viết về trường hợp “đầu thai” của Tiến. Nghe anh Tân bảo, nhà sư sau khi nghe câu chuyện của Tiến đã viết một bài in trong tập sách Hương Hiếu Hạnh và tặng anh chị một cuốn. Từ lúc rõ mặt chữ, Tiến lúc nào cũng cầm cuốn sách và đọc đi đọc lại câu chuyện kể về mình. Những câu chuyện ngày xưa cháu cũng dần quên. Tôi đứng dậy gọi Tiến vào ăn cơm thì bất chợt cậu bé nắm tay tôi lắc lắc, chỉ ra phía con sông sau nhà: “Cô ơi, ngày xưa cháu chết ở kia kìa”. Dù đã nghe câu chuyện của cháu nhưng câu nói bất chợt của Tiến vẫn khiến tôi lạnh sống lưng”

Tôi tò mò tìm đọc cuốn “Hương Hiếu Hạnh” của nhà sư Thích Tâm Hiệp. Nhà sư Thích Tâm Hiệp dĩ nhiên rất…thích chuyện “con lộn” này. Đúng với thuyết luân hồi của nhà Phật, thứ mà anh Tân không tin trước khi cháu Tiến trở về với vợ chồng anh. Tôi thấy không thể không trích đoạn cuối của cuốn sách này: “Tôi hỏi: “Anh có thay đổi cách nhìn, cách sống thế nào không khi câu chuyện này là sự thực và anh là người trong cuộc?” Anh chỉ trả lời: “Tất nhiên là có thay đổi”. Chúng tôi yên lặng, mỗi người miên man nghĩ ngợi theo cách nhìn và hiểu của mình. Bóng đêm xuống dần, quán bên sông đã bắt đầu có người vào. Chúng tôi chia tay anh Tân. Dòng sông vẫn lặng yên, tôi đưa mắt nhìn về xóm bên kia sông mà mông lung nghĩ ngợi…. Bởi theo lời mọi người, ở đó có lắm chuyện ''con lộn" như vậy. "Con lộn" là một từ địa phương vùng đó, nhằm chỉ những trường hợp con mình chết rồi sinh ra vào nhà người khác mà còn nhớ kiếp trước. Đó là sự tái sinh mà nhà Phật gọi khi con người đi đầu thai. Tôi mỉm cười suy nghĩ: chúng ta không là "Con Lộn" chắc. Khác chăng là chúng ta mê muội hơn nên không còn nhớ được gì khi đi đầu thai. Rời Vụ Bản, tôi thầm cảm ơn chuyến về  này đã may mắn cho tôi biết được trường hợp cậu bé Tiến, để xác tín thêm về niềm tin lời Phật dạy, niềm tin về nhân quả luân hồi”.

Nhìn hình tôi thấy bé Tiến có gương mặt thông minh, sáng sủa và lanh lẹ. Theo những gì tôi được nghe kể lại thì khi chết, con người sẽ phải húp một chén cháo lú để quên đi kiếp trước hầu khi tái sinh chẳng biết chi về tiền kiếp của mình. Cậu bé Tiến coi bộ lanh lợi, dám chui qua đám công an hộ khẩu dưới trướng Diêm vương để không phải húp chén cháo alzheimer này lắm! Số người tinh ranh như bé Tiến không nhiều. Vậy nên khi phát hiện ra được một trường hợp tái sinh, báo chí nhảy vào ăn có liền. Mấy khi có chuyện lạ được mang về từ cõi dưới! Như chuyện tái sinh của Jenny được đài truyền hình BBC khai thác vào năm 1994.

Jenny là một thiếu phụ 40 tuổi, đang sinh sống với chồng và hai con tại thành phố Nortamptonshire ở Anh. Sống ở kiếp này nhưng bà luôn luôn nhớ là bà đã có một đời sống ở kiếp trước nơi một ngôi làng nhỏ bên bờ biển xứ Ái Nhĩ Lan với cái tên Mary. Mary đã chết 21 năm trước khi Jenny được sanh ra. Lúc chết Mary đã để lại 6 người con.  Bà qua đời sau khi sanh đứa con cuối. Bà Jenny luôn nhớ về những ngày cuối cùng của kiếp trước qua các giấc mơ. Bà nhớ khi chết bà rất lo âu về tương lai bày con bà để lại mà đứa lớn nhất mới 13 tuổi. Nỗi lo âu này ám ảnh bà không rời và bà luôn nghĩ là bà có lỗi khi bỏ lại bày con dại. Vì vậy bà quyết tâm đi tìm lại đám con của tiền kiếp. Ngay từ lúc còn rất nhỏ, khi cầm được cây viết, Jenny đã vẽ ra được bản đồ làng với những con đường dẫn đến một căn nhà tranh nơi Mary cư ngụ, đến nhà thờ, ga xe lửa và các cửa hàng Mary thường lui tới. Mãi về sau, khi được coi bản đồ Ái Nhĩ Lan ở trường học, Jenny mới nhận ra là bản đồ nàng đã vẽ từ trong trí nhớ ăn khớp với bản đồ một làng nhỏ có tên là Malahide nằm ở phía Bắc thành phố Dublin. Có điểm tựa, Jenny dự tính một chuyến đi về ngôi làng này nhưng bà không có đủ tiền. Bà phải vào làm cho một nhà thôi miên chuyên dẫn người ta nhớ lại quá khứ để kiếm tiền cho chuyến đi. Vậy là đúng tủ! Nhà thôi miên này đã giúp Jenny nhớ lại nhiều chi tiết về căn nhà mà bà đã sống vào năm 1919. Từ những bức tranh treo trên tường đến cách thức ăn mặc, đi đứng nằm ngồi và nấu nướng. Nhưng có một thứ mà Jenny không nhớ được là tên họ của chính bà. Mặc kệ, khi đã để dành đủ tiền, Jenny tìm về ngôi làng Mahalide ở Ái Nhĩ Lan. Tới nơi Jenny đứng chết lặng trước một căn nhà mà bên kia là ngã ba đường dẫn về thành phố. Bà thấy sao hình ảnh này quen thuộc quá, giống như trong trí tưởng, giống như bản đồ bà đã vẽ.

Trở về Anh sau chuyến tìm về tiền kiếp, Jenny bắt đầu kế hoạch tìm các con. Việc bà không nhớ tên họ của mình là một trở ngại chính. Mary thì thiếu giống chi nhưng là Mary gì? Mặc, bà vẫn viết thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan, các viện nghiên cứu sử học, các văn phòng hộ tịch và dân làng Mahalide để xin họ giúp đỡ tìm kiếm tông tích của người đàn bà tên Mary đã chết vào năm 1930. Không lâu sau, bà nhận được hồi âm của một người chủ đất ở Mahalide cho biết ở nơi đất cho thuê của ông có một gia đình mà người mẹ tên Mary đã chết ít lâu sau khi sanh để lại sáu đứa con còn sống. Sau đó tất cả sáu người con này đã được cho vào viện mồ côi. Và chiếc chìa khóa mở cửa quá khứ của Jenny đã được người này cho biết: bà Mary này có tên họ là Sutton.

Jenny vội viết thư cho tất cả các viện mồ côi ở Ái Nhĩ Lan để tim những đứa trẻ có tên họ là Sutton ở làng Mahalide. Một giáo sĩ ở Dublin đã hồi đáp cho biết tất cả sáu người con của bà đã được rửa tội tại nhà thờ Saint Sylvester ở Malahide. Tiếp tục đường tìm về tiền kiếp, Jenny mở niên giám điện thoại và gửi thư tới tất cả các người mang họ Sutton ở Ái Nhĩ Lan để tìm đám con bà Mary bỏ lại. Đồng thời bà cũng gửi thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan. Một chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng ở tiền kiếp là Tiến sĩ Stevenson đã giới thiệu bà với Gitti Coast của đài BBC của Anh. Đài này nhập cuộc. Họ kiếm được người con thứ hai của Mary. Hai mẹ con nói chuyện điện thoại với nhau. Câu chuyện thật khó khăn vì tính ra thì đứa con lớn tuổi hơn bà mẹ! Quả khó chấp nhận tình cảnh mẹ con chênh lệch như vậy.

Rồi họ tìm ra được đứa con đầu của Mary tên Sonny hiện sống ờ thành phố Leeds, Anh quốc. Khi Mary qua đời Sonny mới 13 tuổi, vào ngày họ liên lạc điện thoại được với nhau, ngày 15 tháng 5 năm 1990, Sonny đã 71 tuổi! Jenny kể lại cho cậu con…già Sonny nghe về quá khứ của ông, về hình ảnh căn nhà mái tranh, về tính nết của Sonny, về những câu bà hay dùng để mắng con hồi đó… Sonny đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và cuối cùng ông yêu cầu được gặp ngay bà mẹ…trẻ.
Đài BBC muốn điều tra cho chắc về trường hợp này trước khi họ công bố nên không cho hai mẹ con liên lạc với nhau để họ phỏng vấn riêng biệt từng người. Cuộc điều tra của BBC kéo dài bốn tháng và cuối cùng Jenny đã đích thân lái xe đưa cả gia đình tới Leeds hội ngộ cùng Sonny. Khỏi phải nói ai cũng biết cuộc hội ngộ  này cảm động như thế nào. Hai mẹ con, mẹ trẻ con già, đã ôm nhau mà nước mắt tuôn trào. Với sự cộng tác của Sonny, cuộc tìm kiếm những đứa con còn lại kéo dài trong ba năm. Năm 1993, Jenny của kiếp này cũng là Mary của kiếp trước đã đoàn tụ với năm người con còn sống. Hơn sáu chục năm, kể từ khi người mẹ qua đời, anh em mới gặp nhau đông đủ như vậy. Năm sau, 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình chương trình 20/20 của đài ABC Hoa Kỳ đã mang Jenny và tất cả năm người con trở vế thị trấn Mahalide nhân dịp sinh nhật thứ 75 của người con cả Sonny. Tất cả đã được đưa tới thăm mộ Mary, kiếp trước của Jenny. Đứng trước mộ mình, trước ống kính thu hình, Jenny đã nói: “Mộ phần này không có gì cả, không có ai ở đây bây giờ. Có thể còn trong đó là những nắm xương khô. Thực sự không có gì cả, phần năng lực tinh thần hiện đang ở trong tôi!”. Chương trình truyền hình 20/20 của đài ABC này đã được phát vào lúc 10 giờ đêm ngày thứ sáu 10 tháng 6 năm 1994.

Nhớ ngày còn nhỏ tôi đã từng nặn đầu nát óc với câu đố: Sinh con rồi mới sinh cha / Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Bây giờ ngồi moi óc nhớ lại câu trả lời được “xuất” trước là một vật dụng mà không nghĩ ra. Nhờ tới internet lại nảy ra một chuyện cổ tích. Vậy hai câu thơ trên là câu đố hay là hai câu làm nền cho chuyện cổ tích? Thôi thì cứ nghe câu chuyện tái sinh trong cổ tích của đất nước ta. “Giáp và Ất là đôi bạn chí thân, ở hai làng cách nhau con sông. Giáp mượn Ất 10 lạng bạc làm ăn, đã lâu không trả, cũng không lui tới với Ất. Nghĩ rằng Giáp có điều tủi hổ vì không trả được nợ, Ất từ giã vợ con sang sông thăm bạn, và mang theo 5 lạng bạc để phòng khi cần thì giúp thêm lần nữa. Đến nơi thấy nhà Giáp bề ngoài có vẻ khá giả, Ất thầm mừng cho bạn, bèn giấu 5 lạng bạc trên nóc cổng rồi đi vào. Ngỡ Ất sang đòi nợ, vợ chồng Giáp bàn nhau thết tiệc rồi phục rượu giết đi, xác vùi ở gốc khế sau vườn. Nhiều năm trôi qua, cây khế rất tươi tốt, nhưng chỉ ra một quả lớn khác thường. Lúc có thai, thèm chua, vợ Giáp bèn hái ăn, rồi sinh một trai mặt mũi khôi ngô, nhưng ba, bốn tuổi vẫn chẳng biết nói. Vợ chồng Giáp van vái tứ phương thì một hôm thằng bé hốt nhiên mở miệng, nằng nặc đòi phải mời quan huyện tới. Gặp quan, thằng bé xưng tên là Ất, kể rõ đầu đuôi vụ án. Theo lịnh quan, lính ra đào gốc cây khế, quả nhiên tìm được bộ xương người; moi trên nóc cổng, hãy còn đủ 5 lạng bạc. Vợ chồng Giáp bị quan trị tội; thằng bé trở về làng cũ. Bấy giờ con trai Ất cũng đã sinh con, thành thử khi gia đình đoàn tụ thì ông và cháu suýt soát nhau, con trai Ất lại già tuổi hơn Ất. Làng xóm nực cười, bảo: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.”

Vậy là cứ lộn tùng phèo cả lên. Có lẽ chuyện tái sinh gây nhiều phiền toái cho cuộc sống trên trần thế này nên số người được cho về lại trần gian này coi bộ hiếm. Nhưng với các lạt ma Tây Tạng thì rất thoải mái. Cứ đi đi về về như cơm bữa. Chắc là các lạt ma, vợ con không có, gia đình cũng không nên không có cảnh cha con, ông cháu lộn lạo. Chúng ta nghe hoài chuyện lạt ma nối tiếp nhau hết đời nọ qua đời kia, ông này là hậu thân của ông kia. Riết rồi chúng ta cũng chẳng lấy đó làm lạ. Chẳng lẽ vì chuyện tái sinh không ăn khách nữa hay sao mà mới đây các vị trở về bằng một cách khác. Chọn thân xác của một đứa bé ở tận Boston bên Mỹ! Đó là cậu bé Jigme Wangchuk năm nay đã được 11 tuổi. Hai năm trước đây, cha mẹ của cậu bé đã thấy con mình không giống những đứa trẻ khác khi cậu suốt ngày kể về kiếp trước của mình. Tưởng là chuyện tưởng tượng của con trẻ, hai người không chú ý lắm. Nhưng tới khi cậu tả chính xác từng chi tiết về một ngôi chùa ở tận Ấn Độ thì họ mới tá hỏa. Đó là ngôi chùa Drukpa Sangag Choeling ở Darjeeling mà cậu chưa bao giờ được đặt chân tới. Các nhà sư tại ngôi chùa này khẳng định cậu bé Wangchuk chính là hóa thân của Đại sư Galwa Lorepa, người sáng lập ra một trong bốn viện chính của Phật giáo Tây Tạng, viên tịch vào năm 1250. Gia đình phải đưa cậu về chùa. Bà mẹ kể lại: “Đó là khoảng thời gian quá khó khăn đối với chúng tôi trong hai năm qua. Suốt năm tháng tôi đã khóc rất nhiều và cuối cùng phải chấp nhận điều đó. Trên đường từ New Delhi tới Darjeeling, tôi hỏi con mình khi nào quay về Boston. Cháu nói cháu phải có trách nhiệm với những người của cháu”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay cũng là một kiếp tái sinh. Ngài nói chi về hiện tượng ra khỏi cõi thế rồi lại trở lại? Tác giả Frédérique Hatier mới đây, vào năm 1996, có cho xuất bản một cuốn sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được tuyển chọn từ các bài diễn văn, phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Ngài. Sách do nhà Le Pré Aux Clercs xuất bản gồm 6 chương. Chương cuối cùng có tên “Cõi Ta Bà: Sống, Chết và Tái Sinh”. Dịch giả Hoàng Phong đã chuyển ngữ ra tiếng Việt. Nói về sự tái sinh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho biết: “        Chư Phật bảo rằng tái sinh là một sự thật. Chính thế, đây là một sự thật hiển nhiên. Chúng ta tin rằng có một thứ tri thức (consciuosness) thật tinh tế làm nguồn gốc phát sinh ra đủ mọi thứ mà chúng ta gọi là sự sáng tạo. Tri thức tinh tế ấy hiện hữu trong mỗi cá thể từ lúc khởi thủy tiếp tục cho đến khi đạt được Phật tính. Đấy là gì mà người ta gọi là sự "hiện hữu" (être - being). Nó có thể mang nhiều hình tướng khác nhau, chẳng hạn như một con thú, một con người hoặc cũng có thể là một vị Phật.  Đấy là nguyên tắc căn bản của giả thuyết tái sinh. Theo dòng thời gian từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, tâm thức tinh tế chuyển đổi từ hình tướng này sang hình tướng khác và tìm cách đạt được Phật tính.  Nếu tái sinh là một sự bắt buộc thì đầu thai là một sự chọn lựa. Quyền được chọn lựa dành riêng cho một số cá thể xứng đáng, chủ động được sự tái sinh của mình trong tương lai, đấy là trường hợp của chư Phật và một số người khác nữa. Khi tâm thức đạt được một cấp bậc phẩm tính nào đó mà chúng ta gọi là tri thức tinh tế, tâm thức không còn chết nữa, ít nhất là theo ý nghĩa thông thường của chữ này. Tâm thức đó hàm chứa khả năng giúp nó có thể chọn lựa một thân xác khác để đầu thai. Đấy là trường hợp đặc biệt của các vị bồ-tát (boddhisattva). Dù đang đứng ở ngưỡng cửa của niết-bàn (nirvana), người bồ-tát cũng không bước vào, vì họ nhất quyết lưu lại trong cõi ta-bà tức là chu kỳ hiện hữu để giúp đỡ chúng ta. Dưới cái nhìn của chúng tôi [những người Phật giáo], tái sinh và đầu thai là một điều hiển nhiên, một hiện tượng vật lý, có thật như những hạt nguyên tử”.

Theo thuyết luân hồi của nhà Phật thì chúng ta, sau khi chết sẽ chu du qua các kiếp, tái đầu thai. Tùy theo nghiệp của kiếp này, chúng ta có thể trở về trong thân xác của loài vật hay loài người. Được trở về làm người, khó lắm. Đức Lạt Ma cho một thí dụ về sự khó khăn này: “Hãy tưởng tượng một cái ách [dùng cho bò kéo cày] bằng gỗ nạm vàng trôi dạt trong một đại dương mênh mông. Có một con rùa già mù lòa sống trong đáy đại dương, cứ cách một trăm năm lại nổi lên mặt nước để thở một lần. Vậy thì cơ may khiến con rùa chui đầu vào cái ách bằng vàng ấy là bao nhiêu? Đức Phật giảng rằng được tái sinh dưới thể dạng con người cũng hiếm hoi như thế”.

Eo ôi! Vậy là khó dàn trời. Thế mà khi được làm người, con người vẫn cứ sân si đầy mình, làm ác nhiều hơn làm thiện, coi người như rác, coi trời bằng vung. Thiện tai! Thiện tai!

Làm người khó lắm thay!

01/2011