An
Bẫy
Bít
Cãi
Cầu
Chơi
Gật
Giúp
Hỏi
Khác
Khiếm
Liệt
Mảnh
Mới
Ngã
Ngẫu
Ngọc
Nguyên
Nhân
Nước
Phở
PhoFan
Quậy
Sinh
Thai
Thiếu
Thời

Xả
Xâm
Xoàn

NHÂN

Chuyện được đưa lên trang nhất của nhật báo The Gazette xuất bản  tại Montreal trong ba ngày liền với rất nhiều hình ảnh ngất ngưởng chiếm vào chỗ trung tâm của trang báo đầu tiên. Bộ thế giới sắp nổ tung hay sao mà quan trọng như rứa? Không, chuyện rất nhỏ. Lại là chuyện của một người chưa có quốc tịch. Lại là chuyện của một người làm một công việc rất tầm thường. Đó là giúp việc nhà trong các gia đình có con nhỏ. Chúng ta thường gọi những người làm những công việc này là nanny. Chuyện của chị nanny Elenor Diaz. Chị là người Phi Luật Tân. Vậy là chẳng có chi đặc biệt vì nghề này là nghề của các chị Phi. Tôi biết một vài gia đình Việt Nam cũng đã thuê mấy chị người Phi làm nanny trong nhà. Hỏi tại sao không thuê người Việt Nam, họ đều lắc đầu, nhiều chuyện rắc rối lắm. Rắc rối về thủ tục bảo lãnh khó khăn phía trong nước. Khó vì có khi cùng con rồng cháu tiên cả mà rồng nọ cưỡi rồng kia coi bộ không tiện. Nhưng thà chúng ta chịu khó một chút, bảo lãnh người Việt qua, coi bộ chữ nhân có gần gũi hơn chăng!

Chị Elenor Diaz năm nay 43 tuổi, tới Montreal từ tháng 5 năm 2006, khi được một gia đình người Canada bảo lãnh qua làm việc trông trẻ. Trước đó, chị đã có kinh nghiệm làm nanny vài năm ở Do Thái. Chị đúng là một người Phi điển hình: chỉ thích đồ ngoại! Vào giữa năm 1973 tôi có dịp sống gần một năm ở Manila, thủ đô của Phi Luật Tân. Mỗi khi có việc đi ngang tòa Đại sứ Mỹ, tôi luôn luôn thấy một hàng dài người xếp hàng trước khuôn viên tòa nhà này. Thấy lạ, tôi hỏi chuyện một bà giáo sư Đại học người bản xứ. Bà cười buồn cho biết là dân Phi ai cũng chỉ thích đi ngoại quốc. Họ chịu khó xếp hàng rồng rắn như vậy chỉ để xin việc làm tại Mỹ! Họ thuộc nhiều nghề nghiệp nhưng nghề được người Mỹ nhận ngay là nghề y tá. Bà cười buồn tiếp: Phi Luật Tân chúng tôi huấn luyện người cho Mỹ xài! Tôi biết bà nói đúng tuy sự thật không được êm ái lắm. Cũng trong thời gian ở Phi tôi nhận thấy các cô gái Phi, có học hay không, đều thích kiếm chồng ngoại quốc. Điều này mấy ông bạn độc thân của tôi tại Manila đều đã có kinh nghiệm. Không thiếu ông đã vác một bà vợ Phi về nước. Hầu như toàn dân, nếu có dịp, là vù đi nước ngoài không cần biết nước đó là nước nào. Vậy mà trong các nhà thờ, sau mỗi thánh lễ ngày Chủ Nhật, mọi người đều đứng nghiêm chỉnh hát quốc ca! Người ngoại quốc như tôi thấy khá trớ trêu. Dân Phi hầu như đều theo Thiên Chúa Giáo La Mã. Ngồi trên những chiếc jeepney, một thứ xe lam của Sài gòn trước kia, mỗi khi xe chạy ngang qua một nhà thờ thì mọi người trên xe đều giơ tay làm dấu thánh giá. Mà nhà thờ thì nhiều vô kể, vậy là cứ chấm tay trên trán, trên ngực và trên hai vai đều đều! Hát quốc ca trong nhà thờ như vậy coi như toàn dân đều yêu nước. Vậy mà ai cũng muốn bỏ nước ra đi.

Chuyện ra ngoại quốc làm việc hai phùa của chị Elenor như vậy là chuyện thường tình của người dân Phi. Ba năm sau khi tới Montreal, đầu năm 2009, chị được thẻ thường trú và có thể bảo lãnh chồng con qua đoàn tụ. Chị có chồng và ba con, hai trai một gái, còn ở lại Phi. Vậy là chị làm thủ tục và được chấp thuận. Kể từ khi nộp đơn bảo lãnh chồng con chị làm việc như trâu để có đủ tiền mua bốn chiếc vé máy bay từ Manila sang Montreal. Thời khóa biểu làm việc của chị thấy chóng mặt. Mỗi ngày chị làm 15 tiếng đồng hồ, bảy ngày một tuần, không bao giờ có ngày nghỉ. Một ngày của chị bắt đầu bằng ca làm 5 giờ sáng tại khách sạn Marriott ở Dorval. Chị phụ trách dọn bữa ăn sáng 5 ngày một tuần. Tới 1 giờ trưa chị mới xong việc. Hai giờ trưa chị đã có mặt tại một nhà già ở Pointe Claire để chăm sóc các cụ. Job này chị làm mỗi tuần ba ngày. Job thứ ba của chị là làm nanny trông coi một bé trai 18 tháng tại nhà của bà Lissa Matyas cũng ở Pointe Claire. Nếu có người kêu, chị cũng còn có thể làm nanny đột xuất tại các gia đình khác nữa. Chị cứ miệt mài tha những đồng tiền khó khăn cho đầy bốn chiếc vé máy bay để chồng con qua đoàn tụ khi có giấy chấp thuận của Canada. Chị kiếm được tới đâu lại gửi về cho anh chồng Nilo Dibaz còn ở lại quê nhà nơi Lipa City, một khu ngoại ô của Batangas. Anh chồng tích tụ giữ tiền và khi chị cho biết là đã có đầy đủ giấy tờ, anh tìm tới đại lý du lịch Honor Travel & Touring ở thủ đô Manila để mua vé máy bay qua Montreal vào đúng ngày Giáng Sinh năm nay. Đi vào ngày mọi người còn bận mừng lễ để cho được giá rẻ. Cầm vé máy bay trong tay, anh về đợi ngày Chúa giáng trần để tháp tùng Chúa tái sinh trong một cuộc đời mới nơi đất hứa. Anh thu xếp mọi chuyện, giã từ hàng xóm, trực chỉ phi trường Manila. Khi trình vé anh mới biết là bốn chiếc vé anh mua với giá gần bốn ngàn đô đã bị văn phòng công ty du lịch hủy bỏ. Hỏi cho ra lẽ thì mới hay vợ chồng chủ công ty là Apostol và Myra Yabot đã đóng cửa tiệm, thải hết nhân viên và ôm tiền xa chạy cao bay. Cả chị Elenor lẫn chồng con, ở hai nơi xa cách nhau, như chết đi. Chị khóc như mưa như gió. Bao nhiêu công sức của chị đã thành công cốc. Làm sao mà chồng con có thể bay qua đoàn tụ khi chị không còn đồng xu dính túi!

Bà chủ của chị ở Pointe Claire, bà Lissa Matyas, không cầm lòng được trước sự thể quá phũ phàng xảy ra cho gia đình chị Elenor, bà vội điện thoại cho báo The Gazette kể lại thảm kịch này. Ngày hôm sau, thứ hai 27 tháng 12, tòa báo đưa tin và hình ảnh lên trang nhất. Lập tức, lòng nhân nở tưng bừng. Báo vừa ra, cả báo in lẫn báo mạng, phản ứng dồn dập tới từ Montreal và tận những nơi xa xôi như Boston xuống tuốt tận vùng biển Caribbean. Người gom góp được 50 đô, kẻ hứa sẽ vận động bạn bè quyên góp một ngàn đô, nhưng chỉ một cú điện thoại của thương gia Larry Modafferi là mọi chuyện được giải quyết. Ông này đặt mua gấp 4 vé máy bay của Air Canada với giá 5.800 đô để cha con nhà Dibaz lên đường ngay ngày hôm sau, 28 tháng 12!

Vậy là mọi chuyện ổn thỏa. Với tấc lòng nhân của mọi người. Lòng nhân này có khi bột phát từ con tim của mọi người nhưng cũng có khi phát xuất từ những kỷ niệm riêng tư. Như một độc giả gửi tặng 100 đô với lời trần tình thiết tha: “Tôi lớn lên trong một gia đình có bảo lãnh một nanny người Phi qua giúp việc và tôi rất thông cảm cho những nhọc nhằn của một người bắt đầu cuộc sống từ con số không nơi một xứ sở xa lạ. Tôi coi nanny của tôi như người mẹ thứ hai. Lý tưởng ra thì tôi muốn đưa cả gia đình này lên ngồi trên hạng nhất của máy bay ngay, nhưng buồn thay là tình trạng tài chánh của tôi không cho phép tôi thực hiện được như vậy”. Một dân Montreal đang nghỉ hè tại Mexique vẫn không để quên lòng nhân tại nhà. Ông hứa sẽ thu nhận chồng của bà Elenor vào làm việc tại cơ xưởng của ông khi anh tới Montreal. Bà Lissa Matyas, bà chủ nhân từ động lòng trước thảm cảnh của người nanny trong nhà có lẽ là người vui mừng nhất sau Elenor. Bà đã gõ cánh cửa tử tâm và cánh cửa đã mở. Mở rất rộng rãi và nhanh chóng. Bà rơi nước mắt vì mừng: “Đây là những gì chứng tỏ Canada là Canada. Những người hoàn toàn xa lạ giúp đỡ những người xa lạ khác!”. Nanny Elenor thì khỏi nói, chị xúc động trước lòng nhân của những người chị không hề quen biết: “Tôi rất hãnh diện được là một phần tử của đất nước này và tôi cảm động tới nghẹn lời. Từ đáy tim tôi, tôi xin cám ơn mọi người!”.

Chỉ một ngày sau khi phải rời phi trường Manila về lại nhà, bốn cha con ông Nilo Dibaz gồm ông và ba đứa con: Niel John, 19 tuổi, Niel Princess, 16 tuổi và Niel Joshua, 8 tuổi lại kéo nhau ra phi trường. Lần này không có tấm vé lận lưng. Họ tới quầy vé của Air Canada để làm thủ tục lên máy bay. Tình cảnh thật trớ trêu: trong hai ngày liên tiếp, hai lần ra đi, lần có vé thì không đi được, lần không có vé thì lại ung dung leo lên máy bay!

Chuyến bay theo lịch trình bay sẽ tới Montreal vào khuya ngày 28 tháng 12, chỉ trễ một ngày so với ngày đoàn tụ dự định ban đầu, nhưng vào giờ chót lại bị trễ tại Vancouver nên tới sáng ngày thứ tư 29 tháng 12 mới tới phi trường Trudeau của Montreal. Vậy mà các ký giả báo chí và truyền thanh truyền hình đã tề tựu đông đảo với máy móc  cồng kềnh để làm tường thuật tại chỗ. Cứ y như đón một chính khách nổi tiếng. Một gia đình vô danh ở một vùng quê bên Phi Luật Tân bỗng trở thành một hiện tượng. Những chiếc máy vi âm đủ cỡ kê vào miệng từng thành viên trong gia đình, người tới cũng như người đón. Những chiếc áo lạnh, những chiếc mũ len và những đôi găng tay như chứng tích của một cuộc đổi đời. Đúng hơn, một cuộc vinh danh lòng nhân của con người.

Chắc sẽ có người bỉ thử, chuyện vậy mà cũng ầm ĩ! Người ta cho bạc tỷ, chữ nhân to kếch sù, vài ngàn bạc mà ăn thua chi! Đúng là lòng nhân của vợ chồng tỷ phú Bill Gate chẳng hạn được tính bằng tiền tỷ. Ai cũng phải kính phục một người đã mang gần hết gia tài đông bạc nhất thế giới ra làm việc thiện. Nhưng lòng nhân không đo bằng trị giá số tiền giúp mà bằng con tim của con người. Một nhóm người không biết chị nanny này là ai mà chỉ vì sự xúc động trước một hoàn cảnh làm thương tổn tới sự đoàn tụ trong mùa Giáng Sinh của một gia đình di dân mà ra tay giúp đỡ. Cũng cảm động chứ!

Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới mà giá trị vật chất thường huênh hoang chen lấn dành chỗ đứng trước giá trị tinh thần nên cái gì cũng cứ phải sòng phẳng. Muốn đo lòng nhân cũng phải đo bằng tấm giấy bạc có hình ông Hoa Thịnh Đốn. Vậy mới khoa học và chính xác. Nếu đo như vậy thì các ân nhân của chị nanny Elenor chắc sẽ buồn năm phút. Vì theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên Cứu Fraser Institute, có trụ sở tại Canada, thì dân Canada ít…nhân hơn dân Mỹ. Viện áp dụng hai tiêu chuẩn để tính lòng nhân. Thứ nhất là tỉ lệ giữa số tiền được tặng hiến và tổng thu nhập. Thứ hai là số người khai thuế  xác nhận có quyên góp cho các tổ chức từ thiện. Kết quả cho thấy là người dân Mỹ hiến tặng 1,38% thu nhập trong khi người dân Canada chỉ cho các tổ chức từ thiện có 0,73% số thu nhập của mình. Như vậy là dân Canada chúng tôi thua đứt đuôi. Bởi nếu người dân Canada cũng mở lòng cỡ 1,38% như người dân Mỹ thì các tổ chức từ thiện đã có thêm được 8 tỉ đô mỗi năm! Đáng lẽ, nếu có tinh thần địa phương cao thì tôi không nên viết ra, là theo cuộc khảo sát này thì dân tỉnh bang Quebec chúng tôi cầm đèn đỏ trong việc thể hiện lòng nhân. Lòng nhân của chúng tôi chỉ có 0,31%, thấp nhất Canada! Và số người tặng tiền các tổ chức từ thiện cũng bết nhất, chỉ có 21,8% dân số sẵn sàng móc hầu bao.

Mặc, dầu sao chúng tôi cũng có một cuộc tiếp sức hào nhoáng trong việc đoàn tụ của gia đình chị Elenor. Chuyện của gia đình chị Elenor làm tôi liên tưởng tới một chuyện khác, gần gũi với chúng ta hơn. Tôi muốn nhắc tới chuyện một bức hình phóng sự trong cuộc chiến Việt Nam. Không, tôi không nói tới bức hình quá nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nick Ut chụp bé Phan Thị Kim Phúc trần truồng chạy trên quốc lộ sau khi bị bom napalm. Bức ảnh được chụp vào ngày 8 tháng 6 năm 1972 đã mang lại cho người phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam của hãng truyền hình AP tên Huỳnh Công Út giải thưởng cao quí Pulitzer.

Bức hình tôi muốn nói tới là một bức hình khác được chụp ngay trên vỉa hè Sài Gòn vào một ngày trong năm 1973. Người chụp bức hình này là phóng viên nhiếp ảnh Chick Harrity. Ông đã có 33 năm chuyên chụp hình tại tòa Bạch Ốc cho các hãng thông tấn nổi tiếng AP và US News. Nhưng biết bao nhiêu tấm hình Chick chụp những sinh hoạt tại trung tâm quyền lực của nước Mỹ đã không mang lại cho ông chút tiếng tăm nào thì chỉ một bức hình ông tình cờ chụp được trên vỉa hè Sài Gòn lại khiến tên tuổi ông nổi như cồn. Trong bức hình vỉa hè này là một cô bé nghèo khổ đang nằm ngủ say sưa trong  một chiếc hộp bằng cạc tông, bên cạnh một chiếc bát đựng tiền ăn xin và cậu anh trai rách rưới nằm kế bên. Bức ảnh được Chick đặt tên là “Baby In The Box”. Nhìn bức hình người ta sẽ dễ thấy đây là một cảnh tự nhiên, có lẽ là thường tình, trên vỉa hè của một đất nước đang có chiến tranh chứ không có một sự sắp xếp nào cả. Khi xuất hiện trên báo chí khắp thế giới, bức hình này đã đánh động được lương tâm của nhân loại. Một làn sóng người ủng hộ đám trẻ mồ côi vì chiến cuộc ở Việt Nam thành hình. Hàng ngàn trẻ mồ côi đã được các gia đình người Mỹ đón nhận làm con nuôi. Em bé trong hình thì khỏi nói. Gia đình Evelyn Heil ở Springfield, tiểu bang Ohio, đã dầy công tìm kiếm cô bé trong thùng các tông này. Và họ đã đưa bé gái về Mỹ nuôi. Họ đặt tên cho bé là Nhanny. Câu chuyện…nhân này mau chóng chìm vào quên lãng. Cho tới 32 năm sau, vào ngày 21 tháng 5 năm 2005, phóng viên nhiếp ảnh Chick Harrity được trao tặng giải Lifetime Achievement Award , giải thưởng cao quí nhất của một phóng viên nhiếp ảnh, thì bức hình một thời đánh động con tim nhân loại lại được nhắc tới. Một cách nhắc rất…nhức tim! Khi ông Chick Harrity bước lên sân khấu nhận giải thì ánh đèn lại chiếu qua một góc khác của sân khấu, nơi một cô gái đang từ từ bước lên. Màn này không có trong buổi tập dượt trước nên chính người lãnh giải cũng đứng sững không biết chuyện gì đang diễn ra.

Cô gái đang tiến lên sân khấu chính là Nhanny, cô bé nhỏ thó nằm trong thùng các tông năm xưa, nay đã là một cô gái trưởng thành xinh đẹp. Nhiếp ảnh gia Chick ngỡ ngàng xúc động. Ông vội nhảy tới ôm gọn cô bé trong vòng tay. Ban tổ chức đã dành cho ông sự ngạc nhiên khi chọn cô Nhanny lên trao giải cho ông. Thành tựu của đời nhiếp ảnh của ông chính là bức hình chụp cô bé này. Quan khách trong buổi lễ đã khóc khi Chick ôm chầm lấy Nhanny. Sau cơn xúc động, Chick Harrity đã nói trong nước mắt: “Một bức ảnh có thể làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Bức ảnh đó chắc chắn đã làm thay đổi cuộc sống của Nhanny. Chúng ta, những phóng viên nhiếp ảnh có thể ảnh hưởng thế giới”.

Nhiếp ảnh gia Chick Harrity chỉ mới nói được có nửa chuyện. Đúng hơn là bức ảnh Baby In The Box chỉ làm cái công việc kích hoạt lòng nhân của mọi người. Lòng nhân đã nằm sẵn trong mỗi người. Chẳng biết có cần phải nhắc lại câu nhân chi sơ tính bản thiện không. Chúng ta luôn luôn xúc động trước những nghịch cảnh của cuộc đời. Ai cũng vậy. Và chúng ta ai ai cũng muốn đưa cánh tay nhân ái ra để giúp đỡ những người gặp gian nan trong cuộc sống dù đó là những người hoàn toàn xa lạ. Nói chi tới những người cùng huyết thống của chúng ta. Tôi muốn nói tới tấm lòng của chúng ta mỗi khi nghe thấy đồng bào ruột thịt trong nước gặp những tai ương trắc trở. Chúng ta đã mở rộng vòng tay bày tỏ lòng nhân với những đồng bào gặp đau thương trong nước. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã khựng lại. Bởi vì chúng ta đã, vì lòng nhân, vô tình ra tay thu dọn những rác rưởi do nhóm người cầm quyền tham lam gian trá để lại.

Mỗi ngày, mở bất cứ bản tin nào trên net hầu như chúng ta cũng đụng tới những cái lố lăng vô lối của những thành phần cầm quyền lắm tiền nhiều của trong nước. Hình ảnh những ngôi nhà siêu sang trọng, những chiếc xe đắt giá mà chúng ta chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt, tin về con rể Thủ tướng ngấm nghé mua căn nhà đắt nhất nước Mỹ, những cuộc ăn chơi bạc triệu đô của các công tử con quan và các đại gia. Những cái tin làm chúng ta phải suy nghĩ. Rồi đồ cứu trợ bị tráo đổi, quần áo thành giẻ rách, các viên chức công khai thu lại tiền cứu trợ vừa được phát cho dân nghèo, thay đổi danh sách để vợ con cán bộ lãnh hàng cứu trợ, ăn chặn tiền cứu trợ… Những tin tức làm mẻ đi lòng nhân của chúng ta. Đã có những người trong chúng ta bất nhẫn trước những hành động mất nhân tính này nên đã đề nghị xét lại việc cứu trợ đồng bào ruột thịt ở Việt Nam.

Chúng ta ở trong một vị thế muốn nhân cũng không được. Vậy mà số tiền kiều hối mỗi năm được chính thức loan báo sấp sỉ con số 10 tỷ đô. Con số khổng lồ này đi đâu về đâu, chúng ta không biết. Chỉ thấy bạc tỷ bạc triệu trong tay những con người huênh hoang làm cách mạng vô sản. Những con người hoàn toàn thiếu vắng lòng nhân!

Con số bạc tỷ này khiến tôi nghĩ tới con số khiêm nhường tính bằng triệu mà trước khi đất nước rơi vào tay kẻ thù chúng ta đỏ mắt trông chờ. Hồi đó, quốc hội Mỹ không chuẩn chi ngân sách viện trợ cho Việt Nam 700 triệu đô, rồi xuống còn 350 triệu cũng lắc đầu. Hậu quả là đất nước không có đạn dược tiếp tục chiến đấu khiến chúng ta thành những người thua một cuộc chiến dù chúng ta có chính nghĩa.

Nhớ lại ngày đó, so với con số gần 10 tỷ mỗi năm chúng ta đổ về nước ngày nay, nghĩ mà muốn chửi thề!

01/2011