Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

CHIM

Trong một bữa cơm thân mật tại nhà một người bạn, không biết nhân chuyện gì mà một bà nói với tôi nên viết một bài về chim, mà chim thiệt ấy! Tôi phân vân mãi. Chim nào là chim thiệt, chim nào là chim không thiệt. Chim của nhà thơ Phạm Thiên Thư có phải là chim thiệt không?

Đôi chim nho nhỏ trên cành
Giục nhau đan tổ cỏ xanh bên đường
Nửa đời mây nước du phương
Thiền sư ngắt cỏ cúng dường phật thân

Đúng là chim của thiền sư, củ mỉ cù mì, chỉ biết cùng nhau…xây nhà cho con cháu có chỗ ngóc cổ lên chờ được mớm mồi. Ngoài đời chim không hiền như vậy đâu, kể cả thứ chim gần gũi chúng ta nhất là chim bồ câu. Tháng 8 năm 2007, chiếc cầu bắc qua sông Mississipi bị sụp làm 13 người chết và trên 100 người bị thương. Sau cuộc điều tra về nguyên nhân khiến cầu xụm bà chè, có nhiều yếu tố để chỉ danh thủ phạm. Đích danh hắn là chim bồ câu. Dĩ nhiên chim bồ câu chỉ có chiếc mỏ chẳng thể nào cắn sập cầu được nhưng thứ chúng thải ra mới nên nông nỗi. Ngay từ năm 1989, các nhà điều tra đã báo động trong bản báo cáo: “Có một lớp phân chim bồ câu phủ đầy trên sắt và những chiếc tổ chim nặng trĩu trong các hộp rỗng của cây cầu”. Phân chim thì làm chi được sắt thép? Không, chẳng nên coi nhẹ nhau như vậy! Trong phân chim có chứa ammoniaacide. Để lâu nó sẽ khô lại và kết đặc thành muối. Khi nước mưa rơi xuống, kết hợp với muối và ammonia, sẽ tạo nên phản ứng điện hóa làm gỉ thép. Neal Langerman thuộc cơ quan American Chemical Society đã báo động: “Cứ mỗi lần có một lớp chất nhầy ở đó, lại có một phản ứng hóa học xảy ra và dẫn tới sự bào mòn phân hủy. Cuối cùng, qua một thời gian dài, nó làm công trình yếu hẳn đi”. Vậy là phải ra tay mời các anh chị trông hiền như…bồ câu đi chỗ khác chơi. Năm 1996, cây cầu đã được gắn màn hình trên các thanh xà lan để ngăn không cho các anh chị tới rù rì làm tổ uyên ương. Không được làm tổ nhưng các anh chị bồ câu vẫn tới đậu… hóng mát. Cầu và những tòa cao ốc là chốn…công viên tự tình của các anh chị này. Chúng rất thích mang nhau ra cầu để tự tình. Đừng hỏi tại sao. Đó là truyền thống vì tổ tiên của bồ câu ngày xưa là giống chim sống cheo leo trên vách núi. Chim có cái tệ hơn người là ngay khi bù khú với nhau cũng phóng uế. Vậy mới nên nỗi. Thép cầu không chịu nổi chất thải của chim nên cầu sập. Cứ…kế hoạch nhỏ mà cũng tạo thành tai nạn lớn!

Bồ câu trên công viên ghế đá là một hình ảnh đẹp như trong mộng. Năm 1967, lần đầu tiên đặt chân tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tôi đã mê bồ câu. Chắc ảnh hưởng của những phim tình cảm Hồ Ly Vọng! Yêu nhau là phải ra ghế đá công viên ngồi, có mấy chú chim bồ câu nhảy loanh quanh bên cạnh. Như thế mới tình! Một buổi sáng Chủ Nhật, thiên hạ còn ngủ cả, tôi vác một ổ bánh mì ra chơi với chim trên một công viên chẳng một bóng người. Tôi vừa ngồi xuống ghế đá đã được một hai chú lông trắng xám lẫn lộn tới gật gù làm quen. Thích chí, tôi mới móc ổ bánh mì ra, bẻ cho mỗi chú một miếng ăn chơi. Thấy bánh mì, từng đàn, từng đàn bồ câu xà xuống, vây quanh tôi. Chưa bao giờ trong đời tôi có nhiều chim quanh mình như vậy. Tay tôi lia lịa ngắt, véo bánh thảy ra. Nhưng rồi tay tôi cũng chịu thua, không bẻ kịp nữa. Bồ câu xúm lại dành giật bánh mì ngay trên tay tôi. Chung quanh tôi, bầu trời tối sầm lại. Chim che khuất hết. Tôi chôn mình giữa những cánh chim, chân tay đau nhói vì chân chim bám vào. Tôi chới với. Một bà già đi ngang qua cứu bồ bằng cách giật chiếc bánh mì trên tay tôi quẳng ra xa. Chim yêu bánh mì chứ yêu gì tôi. Chúng bay ra xa theo khúc bánh mì lăn lóc trên nền đá. Từ đó trở đi tôi ngán chim.

Lòng ngán chim của tôi được củng cố thêm khi sang định cư tại vùng xứ lạnh. Mùa xuân, nắng đó, nhưng thời tiết còn lạnh, ra ngoài trời vẫn còn ngài ngại. Bởi vậy, vào một buổi ấm trời, tôi mở cửa ra balcon, thấy tiếng chim ríu rít. Dưới gầm mấy chiếc ghế đã được che phủ kín mít để tránh tuyết mùa đông, mấy chiếc mỏ chim đang ngoác ra đòi ăn. Thôi chết! Bồ câu đã làm tổ và an cư lạc nghiệp gia tăng dân số rồi. Mùa hè, tôi đã khổ vì chim. Chúng phóng uế ra trắng xóa, nước rửa chẳng sạch, phải tìm đủ cách, cương có, nhu có, để mời chúng đi chỗ khác chơi. Vậy mà bây giờ tá họa ra. Mấy đứa con tôi đổ xô ra reo mừng. Mấy con chim con dễ thương quá! Vậy là cả một lực lượng ngây thơ cứ hồn nhiên mang gạo mang nước ra tiếp tế. Bố mẹ chim bỗng nhàn nhã hẳn ra, chẳng cần vất vả kiếm cơm kiếm gạo mà vẫn có cái tủ lạnh nằm bên cạnh ê hề thực phẩm! Tôi cám cảnh mà phải lặng im chấp nhận. Chờ cho đám chim non này lớn mới tính chuyện được. Ngày chim ra giàng, bố mẹ chim mừng một thì tôi mừng hai. Kẻ thuê nhà không bail sắp tới ngày phải trả lại balcon cho tôi. Một buổi sáng sớm, tôi ra coi xem chim non bay hết đi được chưa thì, Chúa ôi, thấy ngay vài chiếc trứng trắng nằm trong tổ! Đuổi con chim mẹ đi, tôi vội gói ghém mấy chiếc trứng mang vứt vào thùng rác. Có mang tội…phá thai thì cũng đành mang vậy. Ai bảo trời không kế hoạch hóa cho chim!

Đọc được một mẩu tin nằm trong mục xe cán chó, chó cán xe, tôi bỗng thở phào. Tội lỗi như giảm đi được đến quá nửa. Tại kinh đô điện ảnh Hồ Ly Vọng, người ta đã kế hoạch hóa cho gia đình chim. Nơi đây, dân số bồ câu bỗng bùng nổ. Khu vực dành cho các tài tử minh tinh gia tăng đến trên năm ngàn bồ câu. Nguyên do là có một bà được mệnh danh là “Nữ Hoàng nuôi chim” cứ sáng sáng mang một lượng thức ăn lớn đi rải khắp trên đường phố công viên trong khu khiến chim tụ tập về sanh con đẻ cái. Mấy ông nhà báo thật tài tình. Tôi rất khoái hàng chữ “Nữ Hoàng nuôi chim”! Các viên chức thành phố phải ra tay. Họ văn minh thật. Họ dùng một loại thuốc…ngừa thai cho chim. Thuốc tên OvoControl P có công dụng ngăn ngừa bồ câu đẻ trứng. Hóa ra cái thứ mà mắt người ta vì dáng bộ e ấp hiền thục trông cho đẹp mắt nhưng ăn hại đái nát thì không ai bằng này đang bị xua đuổi gắt gao. Vậy mà vẫn có những anh nhà quê kiếm điểm cho bồ câu. Nghe những tình nhân trai gọi tình nhân gái là “chim bồ câu của anh”, tôi nghĩ trong bụng: tên này khùng. Có ngày chết!

Mà chết thật. Chuông điện thoại reo vang, ông bố nhấc ống nghe. Chưa kịp a lô thì đầu giây bên kia đã có tiếng thả giọng êm dịu số một: “ Con bồ câu nho nhỏ xinh đẹp của anh đấy à?” Ông bố lặng người đi một lúc mới trả lời: “Không phải! Đây là chim bố!” Đụng vào chim bố chỉ có…hố!

Con gái rượu của người ta, ăn uống có chỗ, hái hoa có nơi, đâu có bầy hầy như chim mà cứ  “bồ câu nho nhỏ” bố ai mà chịu được. Quý hóa gì mà cứ bồ câu với bồ kéo! Cái thứ chỉ đáng mang ra…nấu cháo!

Lời mắng mỏ của ông bố đang được các đồng hương của chúng ta bên Nga thi hành. Từ giữa tháng 2 năm nay, trên hơn 30 tờ báo ở thủ đô Mạc Tư Khoa và các đài truyền hình RTR, TVS và TV3 om sòm đưa tin là có những người Việt Nam bắt chim bồ câu ngoài đường phố để làm thịt. Họ kể ra hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất xảy ra trên đường Novoslabodskaya. Dân chúng cư ngụ trên đường này đã gọi điện thoại cho cảnh sát báo tin có một người Việt Nam đang bắt rất nhiều chim bồ câu. Cảnh sát tới nơi bắt được một ông con rồng cháu tiên đang khệ nệ bắt chim. Tang vật tịch thu được là 20 chiếc túi chứa đầy chim bồ câu đã bị bóp chết và một cây vợt dùng để bắt chim. Trưởng phòng cảnh sát chống tội phạm môi trường Aleksandr Dogadayev cho biết ông Việt Nam này đã vi phạm điều 245 bộ luật Hình của Liên Bang Nga về tội “đối xử tàn nhẫn với động vật”. Trường hợp thứ hai xảy ra trên đại lộ Chongarsky. Lần này dân chúng tích cực hơn. Một nhóm người toàn là phụ nữ đã túm bắt ngay anh chàng bắt chim đem nộp cho cảnh sát. Trong ba lô của người này có chứa đầy chim bồ câu đã chết. Báo Thanh Niên Moscow đã kết luận trong bản tin: “Việc những người Việt Nam bắt chim bồ câu để làm thực phẩm đã gây nên một cú sốc cho dân chúng thủ đô!” Bà Irina Novozhilova, Chủ Tịch Hội Bảo Vệ Động Vật thành phố đã lên truyền hình phát biểu: “Những người tàn nhẫn này đã bắt và giết nhiều chim bồ câu trong các khu dân cư, trước sự chứng kiến của các cụ già, em nhỏ. Tôi không thể kết luận là chỉ có người Việt Nam bắt chim, nhưng trong tất cả các trường hợp, “bóng dáng Châu Á” rất rõ ràng!” Bà Irina kết luận là dân chúng thủ đô đang phẫn nộ trước những hành động không được xã hội Nga chấp nhận này.

Bồ câu quay, bồ câu ra giàng tiềm thuốc bắc, cháo bồ câu là những món ăn thuộc loại sang trọng của chúng ta. Cũng như thịt chó là món quốc hồn quốc túy ngon nín thở. Nhưng tập tục xã hội nơi chúng ta định cư không chấp nhận việc giết thịt những động vật này, một hành vi mà người ta coi như mọi rợ, đáng kinh tởm! Nhưng đói thì đầu gối phải bò. Tôi không nghĩ rằng hai người Việt ở Mạc Tư Khoa này đói đến nỗi vi phạm luật pháp như vậy nhưng tính làm càn, tuân theo cái dạ dày đã thúc đẩy họ phạm pháp. Cũng như chuyện một ông Đại Sứ Việt Cộng đi bắt sò ăn ở ngay trên đất Mỹ bị cảnh sát thộp cổ.

Chuyện con dân nước ta bắt chim bồ câu làm thịt khiến tôi nhớ tới chuyện “Trí Nhớ Của Loài Chim” của nhà văn Hoàng Chính. May thay nhân vật đi bắt bồ câu không phải là người Việt, mà là một ông già người bản xứ. “Lão nhìn xuống chiếc ly không trên mặt bàn, trầm ngâm, “Tôi không có ai thân thuộc ngoài lũ chim ngoài công viên. My children”. Khi nhắc đến bầy chim, giọng lão ngậm đầy cảm xúc. Hình ảnh những con chim tíu tít bên người đàn ông, đậu trên vai, trên cánh tay, trên đầu gối, trên giầy. Ngóng chiếc cổ mềm mại, nghiêng cái đầu tròn trĩnh, ngước nhìn người đàn ông như lũ trẻ chờ một phần quà từ người cha già nhân hậu. Những tiếng lục cục tíu tít vây quanh chỗ lão ngồi. băng ghế đã cũ mòn. Chiếc túi vải có lẽ đựng đầy bánh mì đặt trên mặt ghế đá. Những du khách lao xao với máy chụp hình và đồ kỷ niệm. Những con chim làm đẹp thành phố bằng chính sự hiện diện của chúng. Nhưng những con chim không công ăn việc làm, tối ngày chỉ ngóng chờ những miếng bánh mì vụn của khách nhàn du”. Người cha già nhân hậu đó đang đóng tuồng. Thực ra ông đã bắt con cái bồ câu về ăn. “Lão ngồi phịch xuống ghế, chớp mắt lia như vướng những hạt bụi bối rối trong mí mắt. “Mình cũng phải ăn phải uống chứ…”
“Tôi tưởng ông yêu lũ chim ấy hơn bất cứ thứ gì trên thế gian…”
“Đúng vậy. Thôi ăn đi cho nóng, young man”.
Lão dùng nĩa xiên một con chim vàng hườm, bỏ vào đĩa của tôi, gật gù: “Ngon tuyệt!”
Những thắc mắc vẫn cứ bám lấy đầu óc tôi như những sợi tơ nhện, “Làm thế nào ông bắt được?”
Lão cắn một miếng thịt chim vàng hườm, nhai rau ráu. “Có khó gì đâu. Một ổ bánh mì. Đều đặn mỗi ngày. Cho chúng thấy rằng mình thực sự yêu thương chúng. Cứ vậy, hiền lành như người giữ con nít ờ nhà trẻ. Lũ chim xà xuống, nhìn trước nhìn sau. Nếu không có ai, túm ngay lấy một con, vặn cổ bỏ vào túi vải”.
Lão ngưng nói, hấp tấp tuốt cái xương mỏng manh từ chiếc chân chim no tròn những thịt, bỏ xuống mặt bàn.
“Ông không sợ người ta thấy sao, già John?”
“Cũng sợ chứ, nhưng không đáng sợ bằng bị lũ chim nhìn thấy.”
 Tôi ghim cái nĩa vào miếng thịt, run run đưa lên miệng. Phải như già John đừng gọi bầy chim bằng lũ con tôi thì hay biết mấy.
“Làm sao già biết?”
“Cái gì?”
“Trí nhớ của lũ con ông.”
“Làm sao tôi biết hở. Cái này nói cậu nghe qua rồi bỏ”. Khuôn mặt già John đỏ bừng, lắc lư như chiếc mặt nạ của một cái hình nộm đứt dây. “Ngày xưa, tôi đã từng hành nghề ở nhiều công viên khác nhau. Chỉ cần một sơ sót, cậu sẽ bị lũ chim tẩy chay; thậm chí khi thấy mặt cậu, chúng còn rít lên những tiếng kêu kỳ lạ như trách móc, nguyền rủa… Thôi uống đi cậu ạ. Cái này, đừng nói với ai”.

Loài chim, chúng ngửi thấy mùi hiểm nguy, ngửi thấy lòng dạ con người. Và có trí nhớ. Chúng có cái vẻ khôn ngoan hơn dáng điệu ngơ ngáo của chúng. Chính cái trí nhớ này đã giúp chúng làm một công việc đáng yêu cho con người: đưa thư! Khoa học vẫn chưa xác minh được tại sao bồ câu có khả năng đáng quý này. Bí quyết nằm ở đâu. Tôi là một người lái xe hay lạc đường dù có bản đồ trên tay. Cho chắc ăn thì bình xăng bao giờ cũng đổ đầy. Tha hồ lạc! Bởi vậy nên tôi không ưa chim bồ câu. Không ưa không phải vì tới thời yêu đương của tôi thì ông Bưu điện đã dành hết công việc của chim bồ câu. Mà vì bồ câu có vẻ thông thuộc đường xá hơn tôi mặc dù chẳng có bản đồ trong…chân! Vì đâu mà bồ câu lại hơn được tôi? Người ta đã có lúc đặt giả thuyết là chúng sử dụng các dấu vết trên bầu trời làm biển chỉ đường. Các nhà khoa học thì nghĩ là chính từ trường của trái đất đã được chim dùng làm điển tựa cho đường bay. Họ thí nghiệm. Nhà khoa học Cordula Mora thuộc Đại Học North Carolina đã thử đặt những chú bồ câu đưa thư vào một đường hầm bằng gỗ được thiết kế đặc biệt. Mỗi đầu có đặt một kệ thức ăn và tại hai đầu đường hầm có đặt một cuộn dây từ tính. Lũ chim được huấn luyện để bay đến một khay thức ăn nào đó khi từ trường trái tự nhiên của trái đất được giữ nguyên, và bay sang khay thức ăn kia khi vòng dây từ tính được bật lên. Nhóm thí nghiệm của Mora nhận thấy bầy chim đột nhiên mất khả năng phân biệt hai loại từ trường khi người ta gắn nam châm hoặc gây tê vào mỏ của chúng. Khả năng này cũng biến mất khi khả năng sinh ba có nhiệm vụ chuyển tín hiệu thị giác tới não bị tổn thương. Song khả năng định hướng vẫn còn nguyên vẹn khi dây thần kinh khứu giác bị cắt bỏ. Kết luận ra sao? Chính các vật chất từ tính là bộ phận hỗ trợ định hướng cho chim bồ câu. Bồ câu định hướng được là ở phần mỏ. Còn bằng cách nào mà tín hiệu được đưa lên não thì khoa học vẫn…mù tịt! Ngoài ra mặt trời cũng có thể tham gia vào việc định hướng của bồ câu đưa thư.

Đường phượng bay là đường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đường chim bay là đường của chim! Không nên loạng quạng lưu thông vào con đường… chim này. Một ông lão đạp xe từ nhà quê lên Hà Nội. Tới Cầu Giấy, ông hỏi thăm một cô gái bên đường:

“ Cô làm ơn cho tôi hỏi từ đây đến Bờ Hồ còn bao xa?”

Cô gái õng ẹo:

“ Nhưng mà còn tùy ông hỏi là đường bộ hay đường chim bay chứ?”

Ông già thành thật đáp:

“ Không, thưa cô, tôi hỏi là hỏi đường…chim đi xe đạp!”

Chim có nhiều loại nhiều giống. Không có giống nào đi xe đạp cả. Có loại to khỏe, có loại nhỏ xíu. Có loại lông buồn một màu xám ngoét, có loại lông tếch-ni-co-co rực rỡ lưng trời. Lại có loại rũ rượi buồn bã, có loại ngất ngưởng kiêu hùng. Chim, nhiều thứ lắm. Tôi chọn một thứ không to lắm nhưng cũng không thuộc loại nhỏ, dáng vẻ cũng nghênh ngang, cổ cũng vươn lên oai dũng, lại biết gù gù dễ thương, thân mật với chúng ta, bầu bạn với chúng ta. Viết xong, tôi cứ ngần ngại. Không biết thứ chim bồ câu này có phải là chim thiệt như ý các bà muốn tôi viết không. Hay là có thứ…thiệt khác?

03/2008