Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

LƯỠI

Bên Tây người ta có câu tục ngữ: Lưỡi của Esope. Bên ta cũng …tục ngữ: Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Đông và Tây gặp nhau cái rụp bởi vì nghĩa hai câu cũng xêm xêm như nhau. Ông Esope là ai mà lưỡi dài đến thế. Thè ra tới 28 thế kỷ! Ông là một danh nhân Hy Lạp sống vào cuối thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Ông nguyên là một nô lệ đã được giải phóng. Một hôm, chủ của ông là Xanthos sai ông đi chợ và dặn: “ Hãy mua món gì ngon nhất”. Ông mang về toàn lưỡi. Chủ hỏi lý do. Ông thưa: “Ở trên đời không có gì tốt hơn lưỡi. Đó là mối dây đoàn kết của xã hội, chìa khóa của khoa học, cơ quan của lý luận, của luân lý, của thành tín…” Để bắt bí Esope, ngày hôm sau, Xanthos lại sai ông đi chợ và dặn mua món gì dở nhất. Ông lại vác về toàn lưỡi. Lại vấn đáp tại răng. Ông thưa: “ Ở đời không có gì xấu hơn lưỡi. Đó là mẹ đẻ của kiện cáo, nguồn gốc của chia rẽ, của giặc giã, quê hương của ngụy biện, của vu cáo, của hành vi bất tín, bất thành…”

Câu chuyện này chắc nhiều bạn thấy quen quen tuy nội dung có khác chút đỉnh. Thời tôi, khi còn ê a ở trường tiểu học, đã phải học thuộc lòng câu chuyện chiếc lưỡi trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng. Chắc các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, đồng tác giả của cuốn sách giáo khoa này, đã phóng tác câu chuyện của Esope. Các cụ có đổi chút xíu cho hợp với cảnh quan thôn quê Việt Nam. Chuyện của các cụ như thế này. Một ông chủ sai đầy tớ bắt giết lợn và bảo mang vào món gì ngon nhất. Hắn mang vào chiếc lưỡi. Cũng đối đáp lý do đại khái như trên. Ngày hôm sau lại bảo giết lợn và mang vào thứ gì “không ngon hơn cả”. Tên đầy tớ lại mang vào chiếc lưỡi. Lại…ngư tiều vấn đáp. Kết luận tên đầy tớ đáp: “ Thưa ông, cũng một cái lưỡi, khi tử tế ra thì không có gì tốt cho bằng, nhưng khi độc ác, thì lại không có gì xấu cho bằng.”

Cả Tây lẫn Đông xúm vào bề hội đồng chiếc lưỡi. Nếu tôi là chiếc lưỡi, chắc tôi sẽ cự nự dữ. Vừa phải thôi chứ! Tôi chỉ là một dụng cụ để con người phát âm. Bộ não chỉ đâu tôi đánh đấy, tội tình chi tôi. Khi lưỡi còn con nít, cũng ê a ra tiếng đó, nhưng nào có nghĩa gì đâu. Những âm thanh có ý nghĩa là vì chúng nằm trong ngôn ngữ. Nói lời tốt hay lời xấu đâu phải tự thân tôi làm được! Sao lại gán cho tôi cái tội tròng tréo, điêu ngoa, phản phúc?

Nào phải chỉ có Esope với Quốc Văn Giáo Khoa Thư không thôi đâu. Sách Hàn Phi Tử cũng nói móc tôi. Thử đọc chuyện người nước Sở coi có bực cái…mình không! Có một người nước Sở vừa bán thuẫn (cái mộc để che) vừa bán mâu (cái giáo để đâm). Ai hỏi mua thuẫn thì anh ta khoe: “ Thuẫn này rất chắc, không gì đâm thủng”. Ai hỏi mua mâu thì anh lại nói: “Mâu này thật sắc đâm gì cũng thủng”. Một người hỏi anh: “ Nếu bây giờ lấy mâu của bác đâm vào thuẫn của bác thì sao?” Anh câm tịt, không dùng tới lưỡi được nữa!

Tôi mới nhập vào lưỡi để cãi cho lưỡi cho vui vậy thôi, chứ lưỡi có lẽ là cơ quan được tôn trọng nhất của con người. Nói tới lưỡi, người ta thường không nghĩ đó là một khúc thịt không xương, uốn éo dẻo quẹo để phát ra âm thanh, mà nghĩ tới những chuyện…cao siêu không. Nhưng cao siêu tới đâu thì cũng không bằng trời được. Tôi lại chép truyện ngụ ngôn. Đã bảo là lưỡi chỉ giao du với tinh thần thôi mà! Ngày xưa có một thầy kiện rất giỏi. Mỗi khi thảo đơn kiện cho ai, định buộc tội, gạt lỗi mà ý nghĩa chưa được sâu sắc, lời nói chưa được chặt chẽ thì cứ muốn ngồi yên một chỗ để cấu tứ. Những lúc ấy thường dặn người nhà không được làm ồn, khách đến không tiếp, cả vợ cũng phải tránh đi nơi khác. Người vợ thầy kiện vốn có tình cùng người láng giềng, mới nghĩ ra được một diệu kế: những khi thầy kiện cấu tứ, chị ta cứ sán lại chuyện trò quấy rối. Thầy kiện tức mình đến phải mắng và đuổi sang nhà khác. Thế là những khi thầy kiện cấu tứ, thì chị vợ thảnh thơi đi sang nhà hàng xóm để cấu…tình. Bao nhiêu năm trôi qua như vậy mà anh chồng thầy kiện không biết. Sau vì mải mê cấu tứ mà thầy kiện chết. Chị vợ chửa hoang bị nhà chồng kiện. Quan tra xét nguyên do, chị cứ ngay thẳng thú nhận. Quan bèn vỗ bàn, thở dài:  “Ngòi bút, chót lưỡi của thầy kiện đã khéo, ai ngờ cơ trời còn khéo hơn!”

Đám mây hành khất
không khóc cùng mặt trời
tôi nằm sấp ướt
tử ngữ nhập nhằng ma trơi
Khi lưỡi nằm ngoan trong miệng
răng ngủ vùi sau môi
nụ cười chết
(Phan Huyền Thư)

Cứ công kênh mãi lưỡi lên trời có mà bay mất lưỡi! Lưỡi có lúc phải ngoan, nằm im trong miệng để làm nhiệm vụ trần tục của nó. Đó là giúp con người biết mùi vị của thực phẩm. Người ta bảo lưỡi là cái máy nếm. Các vị chua, cay, đắng, ngọt, bùi của thức ăn đều được lưỡi thưởng thức đầu tiên. Vì sao lưỡi lại có thể phân biệt được hương vị của thực phẩm chúng ta bỏ vào miệng? Đó là nhờ các nụ, còn gọi là đài, nằm chi chít trên mặt lưỡi, dưới lưỡi, yết hầu, hàm ếch trong khoang miệng. Các nụ này phát triển nhất trong thời kỳ non trẻ của con người rồi dần dần giảm đi, khi tới tuổi ngọt bùi đắng cay đã hưởng đủ hết trên đời thì các nụ này đã giảm gần hết. Thử đưa ra một nhận xét để minh chứng cho việc lưỡi có nhiều nụ hay ít nụ tùy theo tuổi tác của con người. Cho trẻ em uống thuốc là việc khó. Thuốc vừa vô miệng là trẻ khóc ré lên vì trẻ có nhiều nụ trên lưỡi nên cảm thấy vị đắng rất nhanh và có phản ứng liền. Còn người lớn chúng ta cảm thấy ít đắng hơn khi uống thuốc. Không biết có phải vì trời sinh ra sự nhậy đắng của trẻ em nên bù lại tuổi trẻ ít tật bệnh nên ít phải uống thuốc, trong khi dân già chúng ta, miệng chai sạn rồi, ít cảm thấy vị đắng, nên phải uống thuốc nhiều hơn ăn cơm không?

Nụ lưỡi có kết cấu hình bầu dục, mặt ngoài có một lớp tế bào bao phủ, bên dưới là những tế bào vị giác nhỏ, đầu cuối của chúng có lông xơ gọi là lông vị giác. Đầu dây thần kinh bao bọc chung quanh tế bào vị giác, giống như dây điện, truyền tín hiệu cảm nhận thực phẩm lên trung khu vị giác của đại não. Có bốn loại nụ cảm thụ: ngọt, chua, đắng, mặn. Đó là bốn hương vị chính. Những hương vị khác như chát, cay..v..v.. đều do bốn loại vị trên tổng hợp lại mà thành. Những nụ cảm nhận vị ngọt phân bố khá nhiều trên đầu lưỡi, nụ cảm thụ vị chua phân bố hai bên nửa sau của lưỡi, nụ cảm nhận vị đắng tập trung ở mặt trên cuống lưỡi, còn những nụ cảm thụ vị mặn nằm hai bên nửa trước của mặt lưỡi và đầu lưỡi. Ngoài những nụ cảm giác này ra, trên lưỡi và khoang miệng còn có một lượng lớn các cơ quan xúc giác, cảm nhận nhiệt độ. Những cảm giác này được tổng hợp lại nơi thần kinh trung khu. Vị giác, xúc giác kết hợp với khứu giác sẽ sản sinh ra những cảm giác phức hợp rất đa dạng.

Mặt lưỡi là nơi tụ hội của các nụ cảm thụ nhưng cũng là…nhà của các vi khuẩn. Chúng bám vào lưỡi, kẽ răng và niếu răng. Trong miệng của mỗi chúng ta có khoảng 40 ngàn vi khuẩn. Lưỡi là nơi trú ngụ lý tưởng vì bề mặt lưỡi có những đường rãnh hẹp dọc ngang và các gai lưỡi. Các vi khuẩn này sinh sôi nẩy nở nhờ ăn các thực phẩm thừa và các tế bào chết và sản xuất ra một thứ mà chúng ta chẳng có ai ưa. Đó là mùi hôi! Hôi miệng rất phiền toái cho những giây phút tình tự. Yêu nhau mà cứ xê ra xa khi tỉ tê tâm sự quả không mùi mẫn tí nào. Hôn nhau mà hành hạ nhau bằng mùi không mấy dễ chịu thì tình yêu rất dễ dàng quầy quả bước đi.

Sáng sáng ngủ dậy, hơi thở của chúng ta rất nặng nề, hôi cái mùi mà người ta thường mô tả là mùi trứng thối! Đó là chuyện bình thường nhưng là một thứ bình thường không dễ ưa. Khi chúng ta thức những vi khuẩn tạo mùi thường xuyên bị rửa trôi nhờ sự lưu thông của nước bọt giầu acide oxy. Nhưng khi chúng ta ngủ, lượng nước bọt của chúng ta bị giảm đi, vi khuẩn lợi dụng thời cơ sinh sôi nẩy nở thêm. Vậy là chúng…hăng lên làm chúng ta mất mặt bầu cua khi mở mắt ra muốn mi anh, mi em một cái.

Muốn giảm bớt mùi hơi thở nặng nề, phải vệ sinh miệng. Đánh răng thì ngày nay đó là chuyện bắt buộc. Chúng ta đã tập thành thói quen. Nhiều người không đánh răng thì không ngủ được. Nhưng còn lưỡi, coi bộ chúng ta rất lơ là. Nếu thè lưỡi, nhìn trước gương, chúng ta sẽ thấy mặt lưỡi có một màn trắng bao phủ. Đó là nơi các vi khuẩn đang mở hội quần tụ đó. Muốn dẹp loạn vi khuẩn, chúng ta , ngoài đánh răng, còn phải đánh lưỡi. Đánh lưỡi là quét sạch lũ vi khuẩn, nước nhầy và các vi sinh vật. Nên tảo thanh vùng lưỡi ít nhất mỗi lần một ngày nhưng lý tưởng là nhiều lần vào buổi sáng, buổi tối và sau các bữa ăn. Ngày xưa , thời tôi còn nhỏ, người ta làm sạch lưỡi bằng cái cạo lưỡi. Đó là một thanh kim loại, thường là nhôm, dài và mỏng. Cạo từ gốc lưỡi ra đầu lưỡi. Nhưng cách cạo lưỡi này coi bộ hơi vũ phu với lưỡi, có thể làm tổn hại các gai lưỡi. Ngày nay người ta không cạo lưỡi nữa mà đánh lưỡi. Đánh lưỡi cũng như đánh răng. Chúng ta có thể dùng ngay bàn chải đánh răng để đánh lưỡi. Sau khi đánh răng xong, chơi ngay một lượt trên lưỡi. Có thể dùng ngay thuốc đánh răng để đánh lưỡi cho công hiệu hơn. Nếu muốn ngon lành hơn thì ngày nay người ta có bán loại dụng cụ đánh lưỡi chuyên dụng. Hình dáng của chúng thường tròn hơn, có lớp lông tơ ngắn và mềm hơn bàn chải đánh răng. Đi kèm với loại bàn chải đánh lưỡi là gel chống vi khuẩn được dùng như kem đánh răng thông thường.

Đánh răng đánh lưỡi, miệng mồm thơm tho, tha hồ thoải mái mà…hót! Không có mặc cảm với mùi hôi nơi miệng, tay không còn phải che miệng khi nói chuyện với người khác, chúng ta sẽ thấy lên tinh thần rất nhiều, mồm miệng trơn tru, hót như khiếu, duyên ra phết! Hót lại là chuyện của lưỡi. Các bạn nào từng nuôi sáo chắc đã biết là muốn cho sáo hót hay phải bóc lưỡi cho chúng. Bóc lưỡi cho lưỡi mềm mới uốn éo dẻo quẹo được. Thú thực ngay là tôi làm tài khôn nói vậy chứ thực ra chưa hề bao giờ biết bóc lưỡi sáo là gì. Nghe chữ bóc lưỡi có vẻ to chuyện tôi bèn hoảng. Cứ tưởng tượng cái lưỡi rụt ra rụt vào như vậy, nguyên một khối thịt, bóc là bóc làm sao? Tạm ngừng viết, nhấc cái tô lô phôn vấn ông nuôi chim có nòi là ông Luân Hoán. Ông ấy cười khẩy. Bóc mẹ gì đâu, nghe cho lớn chuyện chứ nơi đầu lưỡi sáo có một chút vẩy trắng cưng cứng. Không biết tạo hóa trang bị cho sáo cái vẩy này để làm chi, có lẽ để bảo vệ khi mổ mồi chăng? Nếu bóc cái vẩy này đi thì lưỡi dễ uốn éo hơn, tiếng hót sẽ nhuyễn hơn. Chỉ có vậy thôi!

Lưỡi người chẳng vẩy viếc gì hết nhưng dầy mỏng khác nhau. Nếu trự nào được phú cho cái lưỡi dầy thì nói năng khó khăn hơn, nhiều khi âm tiết phát ra nghe hơi ngòng ngọng. Khi…hót, lưỡi cần mềm dẻo. Muốn thi tài mềm dẻo thì cho lưỡi uốn vòng vèo lượn lờ như cá lượn trong nước. Tôi nhớ thời mới học Anh văn, các thầy thường cho luyện cách đọc tiếng Anh, vốn có những âm uốn khác với tiếng Việt, bằng cách bắt đọc những câu…líu lưỡi. Câu thông dụng của chúng tôi thi đố với nhau hồi đó là câu: She sells seashells on the seashore. Đọc thử coi có trẹo miệng không! Ngày nay còn có nhiều câu ác ôn hơn nhiều. Tôi sưu tầm được vài câu mang ra lòe các bạn chơi:

- The sixth sheik’s sixth sheep’s sick! (Con trừu thứ sáu của vị tù trưởng thứ sáu bị bệnh).
- Nine nice night nurses nursing nicely! (Chín cô ý tá trực đêm xinh xắn chăm sóc bệnh nhân thật chu đáo).
- Send toast to ten tense stout saints ten tall tents (Đưa bánh mì nướng đến 10 cái lều cao của 10 vị thánh đang bồn chồn căng thẳng).

Cái gì tây có thì ta cũng có. Đề cập đến chuyện lưỡi thì tây và ta tâm đầu ý hợp lắm! Tôi lại ghi ra đây vài câu nói tréo lưỡi của ta để các bạn thực tập lưỡi cho dẻo.

- Lúa nếp là lúa nếp non, lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng. Lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lợn nàng no nê!
- Con lươn nó luồn qua lườn nó lượn lên lưng!
- Luộc hột vịt lộn, luộc lộn hột vịt lạt, ăn lộn hột vịt lạt, luộc lại hột vịt lộn, lại lộn hột vịt lạt!

Các bạn cứ việc tự nhiên luyện lưỡi. Nếu nội lực chưa đủ mà để lưỡi đâm ngang đâm dọc tới những chữ đỏ mặt không hề muốn nói thì không phải là thâm ý của tôi. Tôi đâu có ác khẩu đến vậy! Lưỡi tôi cam đoan không độc!

Cái lưỡi độc giết người
giờ uốn lời ưu ái
nạn nhân xưa
ngọt đến nghi ngờ
uốn
uốn…
liếm
liếm…
cố liếm sạch bàn tay nhầy máu
nhầy “thơ”:
chơi vớt cú lừa con cháu

Bài thơ này của Bùi Minh Quốc, một nhà thơ hiện sống tại Đà Lạt, người tích cực tham gia phong trào đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Cái lưỡi trong một chế độ lấy xảo quyệt làm phương châm hành động đích thị là cái lưỡi độc.

Nhà văn Chu Tử là người tích cực đứng về phía lẽ phải. Những bài viết của ông là những bài lột trần những trò lừa dối của con người. Lời thật mất lòng. Các cụ ta ngày xưa nói chẳng hề sai. Chu Tử ngày ngày viết lời thật trên báo nhất định phải có kẻ thù là những người không muốn sống ngay ngắn với đời. Họ trả thù bằng cách ám sát Chu Tử. Ông viết lại cuộc ám sát trong bài “Không Hận Thù”: “ Tại sao viên đạn trúng gáy trổ ra nơi miệng mà không trúng lưỡi, chỉ bị gẫy mấy cái răng thôi. Tôi hỏi bạn bè, họ lắc đầu cười nói đùa: “Vô lý thực, anh mắc nạn là vì khẩu thiệt, đáng lẽ là phải xẻo cái lưỡi của anh đi mới phải. Sao viên đạn nó lại sợ luôn cái lưỡi của anh là thế nào?”

Trong thời gian ở bệnh viện thì Thượng Tọa Tâm Ấn tới thăm Chu Tử hai lần để châm cứu cho ông và biên cho ông một cái đơn thuốc bắc uống cho dễ ngủ. Ông bèn lén uống ngay thuốc bắc vì sợ thuốc ngủ của Âu Mỹ lắm. Ông đem câu hỏi trên để hỏi Thượng Tọa thì Thượng Tọa trả lời theo lối ngụ ngôn Lafontaine như thế này: “Cái răng sở dĩ nó gẫy là vì nó cứng, còn cái lưỡi không bị đứt là vì nó mềm, có thể thè ra rụt vô, cong lên uốn xuống được. Vụ viên đạn bẻ gẫy cái răng của ông bao hàm ý nghĩa cảnh cáo khuyên răn ông chớ nên quá cứng rắn, quá thẳng thắn, làm mất lòng người chỉ mua thù chuốc oán chứ không có lợi ích gì. Sự thật uyển chuyển như cái lưỡi vì có nhiều sự thật chứ không phải chỉ có một sự thật khách quan duy nhất đâu.”

Chu Tử không chết nhưng ông đã sống những giờ phút cận tử. Một cuộc phiêu lưu không phải ai cũng có thể mua vé máy bay là lên đường được. Bằng một giọng văn rất…Chu Tử, ông kể lại kinh nghiệm để đời này: “ Là kẻ sáng tác văn nghệ, tôi vẫn ao ước được biết thực sự tâm trạng con người như những cảm giác thực, những ý nghĩ thực của người ta khi mà tử thần xuất hiện, khi mà cái chết gần kề, khi mà kẻ sát nhân bắn 4 viên đạn vào đầu, vào cổ như trường hợp của tôi. Kinh nghiệm bản thân này rất là quý báu vì thường thường khi người ta rút được kinh nghiệm thì đồng thời người ta cũng hết thở từ khuya rồi. Do đó khi các văn nghệ sĩ mô tả tâm trạng con người lúc sắp chết dù muốn dù không đều phải phịa, phịa đúng hay phịa sai thì mình không cần biết. Riêng tôi nhờ 4 viên đạn của kẻ sát nhân, tôi đã được sống thực sự tâm trạng của kẻ đang chơi vơi giữa cái chết và cái sống và nói ngay để các bạn an tâm là đối với kẻ đang hấp hối đó thì cái chết không có gì rùng rợn khủng khiếp đâu. Bằng cớ là khi lãnh đủ 4 viên đạn của kẻ sát nhân, tâm trạng tôi không những rất sáng suốt bình thản mà còn yêu đời là đằng khác. Tôi kể một cảm giác nghĩ tới đây để các bạn cười cho vui nhé. Khi tôi được đặt lên băng ca khiêng từ dưới nhà lên lầu để giải phẫu, tôi nằm ngửa, ngó lên cầu thang thấy một điều dưỡng viên mặc jupe đứng vịn vào lan can ngó xuống, nửa tò mò, nửa thương xót, khiến tôi nghĩ rất nhanh: suốt đời mình bị ngộ nhận, mình sống như ông thầy tu không biết uống la de, không biết hút thuốc lá, không biết chuồng chó ở đâu mà thiên hạ vẫn cho là mình là tay tổ hiện sinh, gán cho mình trăm ngàn thứ tiếng. Lúc này mình sắp chết, mình phải ngắm bộ giò của cô thiếu nữ để lỡ có chết cũng tiếc thương đời chứ, ít nhất mang được một hình ảnh tươi trẻ của thế giới này xuống dưói âm ty cho nó đỡ buồn. Thế là trong lúc mọi người khiêng tôi lòng lo lắng bốn chồn, trong lúc anh Tô Văn ngó tôi khóc rưng rức thì tôi bình thản, vui vẻ chiêm ngưỡng cái giò đàn bà. Tôi không phịa một mảy may nào đâu. Những ý nghĩ của tôi lúc tưởng mình sắp chết thật là lẩn thẩn, thật là ngớ ngẩn như vậy đó.”

Cận tử thì có gặp ma không, không thấy Chu Tử nói. Nhưng ma hay không ma, ăn thua chi. Ông may mắn vẫn còn lưỡi thì thành ma cũng vẫn là ma có tư cách! Bởi vì ma thì phải có lưỡi. Mà phải lưỡi dài là đằng khác. Để thè ra nhát thiên hạ cho thêm phần uy tín!

Rõ ràng con người là một con ma
Lè lưỡi
Thằng giàu có nếm thức ăn giỏi
Lưỡi dài
Thằng nghèo túng quanh năm sắn khoai
Lưỡi ngắn
Lưỡi càng cong càng ma vô cùng tận
(Bùi Chí Vinh)

Thế giới ma hóa ra cũng giống thế giới người sao? Vậy thì chán chết! Cõi dương cũng như cõi âm, người ta chỉ hơn nhau chiều dài cái lưỡi!

04/2008