Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

LỘC

Lộc tới bằng nhiều lối. Có thứ lộc tới gõ tận cửa nhà nhưng cũng có thứ lộc phải đi hái mới có. Mở ti vi, nghía vào mấy mục chuyên nói chuyện con cà con kê về các tài tử Hồ Ly Vọng như “Entertainment Tonight” hay “Access Hollywood” trong thời gian gần đây thấy hết cái bụng bầu này tới cái bụng bầu khác. Các nàng kiều nữ bạc triệu Hồ Ly Vọng hồi này coi bộ chịu khó…hái lộc gớm. Cứ nói chung như thế chứ nhớ từng tên từng mặt thì chịu. Tôi vốn có kiến thức eo hẹp về các minh tinh nhà táng. Nhưng ít nhất cũng có một người mà tôi nhớ: cô đào Angelina Jolie. Cô này từ khi sang Việt Nam nhận nuôi bé Pax Thiên bỗng nổi đình nổi đám. Tới bây giờ tôi vẫn tự hỏi cô đã làm cậu nhỏ Pax Thiên nổi tiếng hay cậu nhỏ mồ côi của trại cô nhi Tam Bình đã làm cô nổi tiếng? Bởi vì trước đó cô cũng đã nhận nuôi hai đứa con nuôi, một đen một vàng nhưng ít người, trong số đó dĩ nhiên có tôi, biết tới cô. Đầu tháng 3/2008, tạp chí chuyên chơi với các người nổi tiếng và giàu có Forbes đã chọn 12 cặp nghệ sĩ Hồ Ly Vọng được cho là có ảnh hưởng mạnh nhất trong xã hội hiện đại. Cặp Angelina Jolie và Brad Pitt dẫn đầu danh sách. Thôi thì, dù sao cô cũng có lòng chứ không phải nuôi con nuôi để quảng cáo tên tuổi. Nói được như vậy vì cô đã là Đại Sứ Thiện Chí của Liên Hiệp Quốc.

Gia đình cô này lung tung lắm. Một lộc tự phát trong nhà da trắng, một lộc đen hái được, hai lộc vàng cũng hái về được. Cô còn dọa sẽ tìm thêm lộc nữa. Cô mới dọa thì anh chồng Bradd Pitt nhanh…tay hơn! Anh dí cho cô một cái bầu. Muốn chắc ăn anh còn làm tới: cho một tặng một. Một cái bầu sanh đôi! Vậy là gia đình cô này khá lung tung, màu sắc cứ loạn xạ cả lên. Nói như nữ danh ca Thái Thanh thì … cứ rối tinh lên!

Thực ra danh ca Thái Thanh đã nói nguyên con như sau: “Chuyện nhà cái Lan này nó cứ rối tinh lên!”. “Cái Lan” là cô ca sĩ nổi tiếng Ý Lan, con gái của Thái Thanh. Theo một bài báo mới được post  lên mạng của nhà báo Giao Chỉ ở San Jose thì vào tháng 10 năm 1980, Ý Lan vượt biên trên một chiếc thuyền nhỏ. Trên thuyền có 46 người và một cái bào thai. Cái bào thai đó nằm trong bụng Ý Lan. Thuyền bị hỏng máy và hết thực phẩm, trôi trên hải phận quốc tế suốt 6 ngày. Thuyền nhân nằm chờ chết trên con thuyền tuyệt vọng. Đã có 36 con tầu đi qua mà không tàu nào chịu vớt. Thất vọng hơn nữa là trong số tầu đủ các quốc tịch làm ngơ có cả tàu mang cờ Hồng Thập Tự! Một buổi sáng, bà mẹ 23 tuổi, bụng bầu, dìu một đứa con gái một tuổi rưỡi lên mũi thuyền quỳ cầu nguyện. Bạn đồng thuyền la lên bắt họ đi xuống vì mang cái bụng bầu lên mũi thuyền sẽ đem lại xui xẻo chết hết cả thuyền. Nhưng, như chuyện trong mộng, viên thuyền trưởng một chiếc tầu Na Uy đang di chuyển gần đó dõi ống nhòm về phía thuyền và nhìn thấy người đàn bà và đứa nhỏ đang quỳ cầu nguyện. Con tàu thứ 37 chạy qua vùng này đã quay mũi để vớt mọi người trên con thuyền mang biển số Vũng Tàu và đưa họ tới trại tị nạn Hồng Kông. Ông thuyền trưởng Na Uy này không thể biết được là ông đã vớt cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại hai danh ca: Ý Lan và cô bé một tuổi rưỡi lúc đó là Mai Linh sau này. Nếu nói chi tiết thêm một chút thì ông đã vớt thêm được một Bác Sĩ Nhi Khoa vì Mai Linh đã tốt nghiệp y khoa. Lên trại tỵ nạn Hồng Kông, Ý Lan đã đập bầu. Đứa bé mang quốc tịch Anh ngày nay sắp tốt nghiệp ngành Luật tại Đại Học San Diego.

Mười năm sau ngày vượt biên, năm 1990, Ý Lan đã thực hiện được giấc mơ đứng trên sân khấu của mình. Và chỉ chưa tròn một năm cô đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Hanh thông về nghề nghiệp nhưng đường tình duyên thì lận đận. Sau những đổ vỡ, Ý Lan đã gặp được chàng kỹ sư Lê Anh Tuấn. Hai người hẹn hò đi chơi. Và mặc dù cả hai bên đều đã qua cây cầu ly dị , đã có con riêng nhưng khi hò hẹn, nàng vẫn dẫn con gái theo để hộ tống! Đó là cô bé đã quỳ gối trên mạn thuyền với mẹ ngày xưa: Mai Linh. Chàng cũng lịch sự dẫn theo con trai. Đám cưới Ý Lan và Lê Anh Tuấn diễn ra sau đó có sự hiện diện đầy đủ của các con anh lẫn sáu con em. Một thời gian sau, lại một đám cưới khác, con anh lấy con em. Cặp trẻ đi hộ tống cha mẹ trong buổi hò hẹn cũng có lộc riêng: chúng cũng gắn bó thành vợ chồng. Lung tung lang tang như vậy nên mới có câu nói của bà mẹ Thái Thanh: “Chuyện nhà cái Lan này nó cứ rối tinh lên!”

Con cái là lộc trời cho. Cứ thủy hỏa tương đồng là nảy ra lộc. Nói vậy mà không phải vậy. Có nhiều cặp cứ đều đều tương đồng mà chẳng thấy ra cái gì cả. Trên báo mạng Ngoisao.net vào cuối tháng 2 vừa qua có một bài  đề cập tới sự lộc chẳng đáo gia. Anh chị Hưng và Hiền lấy nhau đã ba năm mà chẳng có hoa có trái gì. Đi khám bác sĩ thì tìm ra là vì anh chồng yếu. Bác sĩ cho thuốc: Hưng phải bỏ nhậu nhẹt để chữa trị một thời gian mới hy vọng lộc gõ cửa nhà. Nhưng trong việc làm ăn, Hưng phải đi ăn nhậu với các đối tác đều đều thì việc mới xong. Bỏ nhậu sao được? Vậy là Hiền tự túc tự cường. “Em sẽ chứng minh cho mọi người thấy là em hoàn toàn có khả năng sinh con, việc không thể có con là do anh chứ không phải do em”. Thực ra Hiền làm tới như vậy vì tức giận. Bà mẹ chồng đã bắn tiếng chì chiết: “Cô ta đâu phải là đàn bà, đến cái việc đơn giản nhất mà bao người phụ nữ đều làm được là sinh con cho chồng mà cũng không làm nổi!” Nói là làm, Hiền cặp kè với một đồng nghiệp đã có gia đình để…xin lộc. Hai tháng sau thì lộc ngay! Hiền báo tin vui cho mẹ chồng kèm theo một thông báo: “Cái thai đó không phải là của con trai mẹ!” Nghe tin vui mà thối ruột! Bà mẹ của Hưng đã ốm liệt giường vì…lộc bá vơ.

Ấy! Đã gọi là lộc thì phải có phúc mới được. Làm cha làm mẹ, thấy con cái cứ bình chân như vại, chẳng chịu lộc liếc gì, sốt ruột là phải. Sốt ruột nhưng chẳng nên trách dâu như bà mẹ anh Hưng nói trên. Cứ bình tĩnh tìm hiểu và giải quyết thì lộc mới đúng là lộc. Phải nhận rằng dân Á Châu chúng ta rất chú ý tới lộc. Ngày xưa con cái đầy đàn là phúc ấm của gia đình dòng họ. Tuyệt tự là một đau khổ khôn nguôi. Không có con còn bị xếp vào catégorie đại bất hiếu! Đó là…án lệ của me xừ Khổng Tử. Tại các nơi mà bàn tay Khổng Tử không với tới được, chuyện lộc liếc nhẹ nhõm lắm. Có cũng được, không có cũng xong. Thậm chí có những người còn chủ trương chẳng lộc gì cả, cho đỡ phiền.

Chuyện…tranh chấp lộc hay không lộc là một vấn đề cãi tới tết Congo cũng không xong. Trong truyện ngắn “Bốn Người Một Bàn” tôi cho bốn nhân vật cãi nhau cật lực. Một anh người Thổ Nhĩ Kỳ, một anh người Tiệp Khắc đứng về phe…không, một bà người Hoa và một anh người Việt đứng về phe…có. Mời các bạn tham quan chiến trường! 

Mắt bà Thanh trợn trừng lên. “Mèo mà hơn con! Cậu chưa có con làm sao cậu biết được tình thương con. Đừng nói càn!”
Mắt Ozgur cũng giương lên chẳng kém. Lạnh và sắc.
“ Không phải chưa có con! Không có con. Tôi sẽ không bao giờ thèm có con! Bà hiểu không?”
Bà Thanh xuống giọng nhỏ nhẹ như một bà mẹ dạy con.
“ Nếu cậu là người Hoa như tôi hay người Việt như ông Nguyên đây thì cậu đã mắc cái tội nặng nhất trên đời: tội không con. Này nhé, cha mẹ mình sanh ra mình là để có người nối dõi dòng họ, tới lượt mình mình cũng phải có con để tiếp nối dòng giống gia đình mình. Cậu không có con là tiêu hết. Đức Khổng Tử, chắc cậu phải biết bậc thánh nhân này, đã phán như vậy. Hàng triệu con người, hàng trăm thế hệ đã răm rắp tuân theo như vậy. Cậu nên nghĩ kỹ lại đi!”
Tôi thấu hiểu lòng nhiệt thành của bà Thanh, nhưng cũng cảm thông được sự thờ ơ khinh thị của Ozgur. Hắn vác mặt lên như không thèm đếm xỉa gì đến những lời nói mà hắn cho là tầm phào vớ vẩn. Môi Jo rung lên. Hắn muốn nói.
“ Này bà Thanh, ông Khổng Tử của bà có biết ăn hamburger không?”
Bà Thanh không lường được một câu hỏi xuyên qua cả mấy ngàn năm, nối bậc thánh nhân xa xưa vào một món ăn đại chúng bây giờ như vậy. Bà còn đang luống cuống chưa tìm được câu trả lời thì Jo đã bồi thêm.
“ Nếu ông ấy mà ăn hamburger thì chắc miệng ông ấy đã không nói như vậy!”
Ozgur nhìn Jo bằng con mắt thích thú. Nhưng thực ra Jo không nói cho Ozgur mà nói cho chính hắn. Hắn cũng không có con. Có lần tôi đã chọc hai tên này.
“ Hai ông dở ẹc! Bắn phá liên miên mà chẳng trúng mục tiêu. Tôi ấy à, tôi chỉ cần đi ngang qua đầu giường là vợ đã có bầu!”
Jo gân cổ cãi. Mặt hắn đỏ nhừ, đỏ lên tới cả cái đầu hói bóng loáng.
“ Hay ho gì chuyện đó mà khoe. Tôi cai đến khờ người mới không thòi ra mống nào, chứ thả ra, chắc cũng không thua gì ông đâu. Có một lần tôi lỡ trớn, vợ phải đi phá ngay.”

Chiến trường nóng bỏng như vậy. Đạn bay súng nổ ầm ầm. Vậy mà chẳng ai thắng chẳng ai bại. Con hay không con, lộc hay không lộc, ngày nay là chuyện nhân tâm tùy…mạng mỡ! Với thế hệ con em chúng ta chuyện con cái đã nhẹ bớt nhiều lắm. Có cũng được, không có cũng OK. Chẳng nhức nhối. Chuyện nhờ cậy con cái trong tương lai thật mù mịt. Cứ suy từ nay thì biết mai sau. Các cụ xưa đã nói: nước mắt chảy xuôi. Thì bao đời nay lúc nào chẳng xuôi. Càng về sau, bờ dốc càng lài, xuôi quá đi chứ! Nghe có vẻ bi quan. Có lẽ vì tôi vừa nhận được bài viết của Tam Giang do một người bạn gửi tới bằng e-mail. Tôi nghĩ đây là chuyện thật. Người viết không làm văn chương, chỉ chia sớt với bạn bè  một hoàn cảnh, và chỉ phổ biến tới một số người hạn chế. “Tôi ra về và hứa sẽ trở lại thăm người bạn cố tri. Nhưng vài ngày sau tôi lại được tin  bà xã anh bị cơn trụy tim phải đưa vào bệnh viện cấp cứu và đã mất sau đó vài giờ. Tôi sửng sốt và đau buồn khi biết tin nầy. Cái chết của chị là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của anh. Anh đã mất chị như mất cả một phần của cuộc sống mà hai người đã gửi gấm cho nhau suốt cả cuộc đời.    
Ba tháng sau, tôi gọi điện thoại cho anh:
- Phổ Đông. Anh mạnh khỏe không?
- Cám ơn bạn. Tôi khoẻ hơn trước. Hôm bà xã tôi mất, các bạn xa gần đều gọi điện, gửi email chia buồn mà đến nay tôi vẫn chưa cám ơn hết. Tôi đang chuẩn bị bán căn nhà nầy để thuê một căn chung cư người già như anh để ở. Vào cái tuổi nầy tôi chẳng còn thiết tha cái gì cả, ngay cả người vợ thân yêu nhất đời cũng phải ra đi, huống chi của cải vật chất. Bán nhà xong, tôi chia đều cho các con, tôi giữ một ít để làm việc thiện, đi du lịch, vui chơi với bạn bè v.v.
     Tôi nói với anh lần chót trước khi gác điện thoại:
Tôi biết hơn một năm nay anh đã quên tất cả để lo cho chị, mặc dầu con cái của anh chị cũng đã thành đạt và khá giả, nhưng xứ Mỹ nầy là vậy, con cái có gia đình rồi là không còn dính dấp gì đến cha mẹ nữa. Thỉnh thoảng mỗi năm vào ngày lễ lớn mới về thăm cha mẹ một hai lần là đủ. Do đó cha mẹ phải tự lo cho tương lai của mình chứ không nên trông chờ con cái như ở bên Việt Nam mình. Hôm nay anh có quyết định như vậy là hơi trễ nhưng cũng chưa muộn.”

Có con để nhờ cậy khi tuổi già, để nối dõi tông đường hay để vui cửa vui nhà. Và còn nhiều lý do khác nữa để người ta thèm một tiếng ê a. Lý do nào đi nữa thì cũng chỉ là những suy nghĩ bên ngoài. Hình như người ta quên đi những tâm cảm bên trong. Trong truyện ngắn “Mưa Phố Cũ” của Nguyễn Xuân Tường Vy trên Văn Học số tháng 1 & 2 / 2008, tôi mới bắt gặp được những tình huống nằm sâu bên trong mỗi người đàn bà khao khát một chút lộc. Nhân vật xưng tôi từ bên Mỹ về Việt Nam làm thủ tục nhận và mang đứa con nuôi về Mỹ. Anh chồng chẳng tha thiết gì việc con cái. “Em xin con về nuôi thì em tự lo nhé. Có con vào càng thêm vướng bận. Em không sinh được, anh có trách gì em đâu? Em buồn làm gì vì cái câu người ta nói, cây độc không trái, gái độc không con”. Người vợ đã một mình về nhận con. Cô chỉ mới được coi hình bé Ngọc, một bé mồ côi còn trong cô nhi viện. Lần đầu gặp “con”, cô đã loạng quạng ôm nó trong vòng tay trìu mến. “Con bé đây rồi! Con bé trong tấm hình tôi vẫn dán nơi cánh cửa tủ lạnh từ ba tháng nay. Con bé tôi vẫn hằng mơ ước được ôm vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh dễ thương, đang nằm gọn ghẽ trong vòng tay tôi. Thốt nhiên, lòng dậy lên một tình cảm mới mẻ lạ lùng. Những giọt nước mắt chợt ứa ra làm mờ hình ảnh thiên thần trên tay. Tôi đưa tay chạm nhẹ lên đôi môi bé bỏng của con bé, mơ hồ một nỗi xao động dịu dàng. Chẳng bao lâu, từ đôi môi chúm chím xinh xắn này sẽ bập bẹ thốt ra một tiếng gọi “mẹ”. Ôi, nghe sao thật ngọt đến mềm cả lòng!” Người bảo mẫu của đứa bé lân la bắt chuyện. “Người đàn bà ngồi lại bên tôi, ngập ngừng hỏi: “Cô đưa cháu về Mỹ hả cô? Cô có nuôi con nít ngày nào chưa? Ở Mỹ, cô ở vùng nào lận? Sao chồng cô không thấy tới?”. Ngạc nhiên vì những câu hỏi như điều tra lý lịch, tôi quay sang nhìn chị. Chị còn trẻ, chỉ độ bốn mươi tuổi, người ngăm ngăm gầy gò, mắt loang loáng ướt. Chị cúi xuống, nhỏ giọng: “Xin lỗi cô, tại tôi chăm sóc nó từ ngày mới sanh tới nay, nên tôi cũng thương nó…”. Sự thực không phải như vậy. Khi cô Việt kiều cư ngụ tại New York trở lại cô nhi viện để mang bé Ngọc đi, người bảo mẫu tên Thủy này mới thú thật. “Điều tôi linh cảm trong lòng về chị Thủy đã trở thành sự thật. Sáng nay, đến cô nhi viện, tôi bàng hoàng khi nghe chị nức nở: “Bé Ngọc là con ruột tôi. Tội lắm cô ơi, nghèo quá nên tôi bỏ nó vào đây, hy vọng có người nhận nuôi nó, cho nó một cuộc sống đầy đủ hơn. Cô đem nó đi Mỹ, thương nó giùm tôi. Tôi mang ơn cô suốt đời”. Tình mẹ thật vô biên mà cũng thật tàn nhẫn! Trên thế giới có người mẹ nào đau khổ hơn người mẹ ở quê hương tôi? Chiến tranh có nỗi khổ của chiến tranh và thời bình lại có những niềm đau của thời bình….Tôi nghe lòng tan nát với giấc mộng làm mẹ và nỗi đau chia lìa của mẹ con chị Thủy. Tôi chưa chính thức được làm mẹ bé Ngọc ngày nào mà đã xót xa cả cõi lòng, tôi không thể tưởng tượng được nỗi đau phải đành đoạn dứt đi tình máu mủ ruột rà của chị. Chị Thủy khóc. Tôi khóc. Nước mắt của hai người đàn bà rơi trên mặt trẻ thơ vô tội. “Cô đừng khóc. Bà Giám Đốc thấy, tôi mất việc”. Chị đặt bé Ngọc vào tay tôi, nghẹn ngào: “Cô nuôi nó. Lâu lâu cho tôi xin ít tấm hình, coi nó khôn lớn ra sao. Xin cô đừng cho nó biết về tôi. Mẹ chỉ mong con được sung sướng, con ơi!” Bé Ngọc đã không phải xa mẹ. Người mẹ nuôi đã mang bé ra khỏi cô nhi viện nhưng không mang về Mỹ mà trao lại cho mẹ ruột của bé. “Khuôn mặt cằn cỗi của chị Thủy rực lên sung sướng khi tôi đến nhà chị sáng nay. Chị nuôi bé Ngọc giúp em. Chị yên tâm, em hứa sẽ bảo bọc cho cháu tới ngày khôn lớn. Cần gì, chị liên lạc với em”.

Trên tất cả là bản năng làm mẹ của mỗi người phụ nữ. Đó là…lộc của trời!

03/2008