Béo
Chim
Đi
Điếm
Đồi
Đúp
Hãi
Hẻm
Khăn
Khỏa
Lạnh
Lộc
Lưỡi
Mai
Mạng
Mặt


Nhậu
Nhột
Nhỏ
Nổ
Nở
Phún
Rình
Sành
Són
Tây
Tên
Thèm
Tiết
Valentine
Xẻo
Xmas

MẶT

Mặt là cái mặt…tiền. Tiền đây không phải là thứ có thể mang đi shopping được mà là phía trước. Nhìn một người, ta thấy cái mặt trước. Cũng giống như nhìn vào một căn nhà, ta thấy cái mặt tiền trước. Mặt tiền có nói lên được trị giá của những thứ bên trong không là chuyện còn phải xét lại. Nhưng thông thường thì mặt tiền sáng sủa thì bên trong nhà cũng sáng sủa. Đó là nói về căn nhà. Mặt người có nói thật về những thứ bên trong không thì còn phải xét lại cặn kẽ hơn. Tin cái nhà thường dễ hơn tin con người!

Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo bộ lòng mới ngon.

Từ ngàn xưa ca dao đã túm lấy khuôn mặt để biết những thứ bên trong con người. Nhưng con heo mập thì bộ lòng ngon là một điều dĩ nhiên. Nhìn cái mặt biết cái lòng nơi con người là chuyện may rủi. Có khi vậy mà không phải vậy. Ca dao thường chất phác. Các cụ thâm nho tinh quái hơn nhiều. Cũng chỉ nhìn cái mặt thôi, các cụ biết nhiều thứ lắm. Như nhìn sắc mặt hồng diện có thể biết được cả hệ thống dẫn thủy nhập điền, nhìn hàng mi dài biết được chuyện cỏ cây, nhìn cái miệng biết được cái…miệng.

Các nhà khoa học ngày nay cũng có tính tò mò như các cụ ta ngày xưa. Họ cũng nhìn mặt mà bắt hình dong. Mặt một anh hay một chị có thể tiết lộ khuynh hướng tình dục của họ. Các nhà khoa học tại Đại Học Durham, Anh, đã khảo sát trên hình khuôn mặt của khoảng 700 người trên 20 tuổi. Họ lựa một nhóm 153 người để nhìn mặt mà đoán khuynh hướng tình dục của những người này. Kết quả là 72% đã đoán đúng theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học. Vậy thì mặt nào là mặt…tình? Nơi các chàng trai, khuôn mặt có mắt nhỏ, mũi to và hàm vuông đích thị là những người thích tìm kiếm tình dục hơn tình yêu. Nghĩa là chỉ muốn chiếm đoạt nhất thời hơn là muốn tiến tới yêu đương dài lâu. Trái lại, những chàng  có nét mặt mềm mại lại là những người chung thủy, không phải là hạng chơi qua đường mà có rước nàng về dinh đàng hoàng. Phía các cô gái, nếu khuôn mặt có đôi mắt to, môi dầy, miệng rộng, kiểu mặt của cô nàng Angelina Jolie, thì đích thị là những người không muốn chuyện lâu dài. Nhưng đàn ông lại thích những cô gái như vậy. Phụ nữ thì ngược lại, chỉ thích những anh chàng chung thủy, nghiêm túc đi hết đoạn đường tình. Những anh có thân hình vạm vỡ với khuôn mặt đầy nam tính, quyến rũ thì có quyến rũ nhưng bị chê vì thiếu thủy chung. Kết luận cho cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Lynda Boothroyd, nhận định: “Kết quả cho thấy những ấn tượng ban đầu chính là một cách chúng ta đánh giá đối tượng khi mới gặp. Nó sẽ mở đường cho việc tìm hiểu lâu dài sau này”.

Trai khôn tìm vợ chợ đông. Chợ là nơi tụ họp của đàn bà con gái. Shop vợ ở chợ là có nhiều chọn lựa. Dĩ nhiên không có cái lối lựa vợ như lựa cá kiểu mấy anh Đài Loan hay Đại Hàn lựa các cô gái Việt Nam bây giờ. Chốn buôn bán chỉ nhìn được khuôn mặt đã quý. Đòi hỏi chi những thứ khác. Vậy thì loại mặt nào là loại các thanh niên chọn làm vợ? Thường thì là loại mặt mang vẻ đẹp nữ tính cổ điển: mắt và môi to, mũi và hàm nhỏ. Nếu hỏi các chàng trai tại sao lại thích chọn khuôn mặt như vậy, chắc họ không trả lời được. Làm sao mà phân tích rồi trả lời khi họ bị một lực hấp dẫn tiềm ẩn mà họ không biết. Lực hấp dẫn đó là khả năng sinh sản của người con gái toát ra trên nét mặt. Những cô gái có hàm lượng hormone giới tính oestrogen cao thường có khuôn mặt đẹp. Các anh tưởng mình bị chi phối bởi sắc đẹp nhưng thật ra đang bị hướng dẫn bởi bản năng truyền giống mà không biết. Các nhà khoa học không nói khơi khơi. Họ nghiên cứu tất cả. Các nhà tâm lý tại phòng thí nghiệm Perception thuộc Đại Học St Andrews đã chụp hình 59 khuôn mặt phụ nữ tuổi từ 18 đến 25 và phân tích hàm lượng oestrogen nơi họ. Sau đó họ yêu cầu 30 người tình nguyện gồm 15 nam và 15 nữ coi hình và đánh giá sự hấp dẫn của từng khuôn mặt. Cả 30 người, nam cũng như nữ, đều đã chọn đúng những khuôn mặt có hàm lượng oestrogen nhiều hơn.

Quanh quẩn lại thì hình như các nhà khoa học lại gặp các cụ nhà ta. Mặt hồng diện của các cụ chắc cũng họ hàng gần với mặt…oestrogen của các nhà khoa học. Tôi nghĩ tới khuôn mặt của Thúy Vân. Vân xem trang trọng khác vời / Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Đúng là khuôn mặt năng lui tới nhà hộ sinh. Cũng có lẽ vì vậy mà nàng Kiều nhất định ghép cô em cho anh tình nhân…lỡ Kim Trọng để mong con cháu đầy đàn.

Còn nàng Kiều thì theo kế hoạch ngắn hạn. Về với Từ Hải. Anh chàng này có đủ nét nam nhi. Râu hùm hàm én mày ngài / Vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Mặt hội được tới ba loài muông thú chim chóc thì oai phong là cái cẳng. Chỉ tiếc là chàng đã chết đứng quá sớm nên chúng ta không biết là khuôn mặt đầy nam tính này có đúng thuộc loại đoản kỳ không!

Đàn bà mặt trái soan, đàn ông mặt chữ điền là tiêu chuẩn của vẻ đẹp nam nữ. Thứ nào ra thứ nấy. Lẫn lộn chắc chẳng làm sao khá được. Nhưng nhà thơ Hàn Mặc Tử lại viết ra bốn câu thơ làm ngơ ngẩn giới sành điệu.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Cô em thôn Vĩ có khuôn mặt chữ điền của phái đàn ông chăng? Nhiều giả thuyết đã chấp nhận như vậy. Mới đây, trên internet, tôi đọc được một giả thuyết khác. Đọc thơ tình, nghe thấy chữ mặt là ai cũng nghĩ tới khuôn trăng của người đẹp. Nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử, tác giả có nói gì tới mặt người em thôn Vỹ đâu. Ông nói tới cái mặt chữ điền của thửa vườn nhà em. Còn em chắc mặt hoa da phấn chứ ai lại vuông vức chữ điền! Tôi vốn không có khiếu về tranh luận văn học nên cứ đứng ngoài, ai nói sao cũng gật, được lòng cả ba bốn bên.

Mặt là thứ mách lẻo. Nhìn vào mặt biết được nhiều thứ lắm. Nếu là thầy tướng thì chỉ cần nhìn mặt là biết nội dung từ đầu đến chân kể cả nốt ruồi son ở nơi không thể nhìn được! Còn ca dao, đúc kết kinh nghiệm của bao túi khôn qua năm chầy tháng, cũng dạy bảo được nhiều điều.

Những người mặt lọ như niêu
Hàm răng trắng nõn chồng yêu cỡn cờ

Yêu cỡn cờ là yêu ra sao tôi thật chẳng rõ. Muốn dấu cái dốt, tôi đã định lơ đi nhưng thấy mặt lọ, răng trắng nõn hơi lạ nên cứ ghi vào đây, quý vị nào biết rõ nguồn cơn , chỉ giáo cho thì xin cám ơn.

Những người mặt mũi lọ lem
Bởi chưng kiếp trước đĩa đèn không lau
Những người mặt trắng phau phau
Bởi chưng kiếp trước hay lau đĩa đèn

Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Tôi lại bị ca dao chơi khó. Cái mặt và cái đĩa đèn sao lại mật thiết với nhau như vậy? Mà ai lau đĩa đèn để trắng da? Cứ như đố vui để…tức!

Cái mặt, nếu cứ trần xì có cái mặt thì chán chết. Sợ nữa là đằng khác! “Dưới ánh trăng, tôi thấy rõ ràng là nàng nhưng không phải gương mặt của người con gái tên Lan. Mà cũng không phải gương mặt của bất cứ ai tôi đã gặp trên cõi đời này. Đó không phải là mặt người, mặt khỉ hay mặt dã nhân. Nó là một khuôn mặt ai trông thấy một lần phải ghi nhớ đến suốt đời! Nó phẳng lì, trơn nhẵn, nhợt nhạt dưới ánh trăng khô lạnh. Một khuôn mặt nhẵn thín, không có mắt, không có mũi, không có miệng, không có lông mi lông mày gì hết. Nó là một phiến thịt hình trái soan, đóng khung bằng mớ tóc đen huyền có màu tương phản nên cái mặt càng nhợt nhạt hơn lên! Tôi nghe một luồng điện chạy nhanh trong tủy sống và quay đi.” Tác giả Đào Vũ Anh Hùng là một phi công nên thừa can đảm, chỉ quay đi. Nếu là tôi chắc…chết!

Mặt phải có đủ thứ phụ tùng gắn lên mới xôm tụ. Trong những phụ tùng trên mặt, đôi mắt là thứ nổi nhất. Hai vì sao lạc này diễn tả đủ mọi tình huống hỉ nộ ái ố. Lúc ngơ ngác, khi buồn rầu, lúc hỏi han, khi vui vầy. Các đấng tài hoa thường ví von đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Vì là cửa sổ nên khi đóng khi mở, khi he hé, lúc ỡm ờ, thiên hình vạn trạng. Vì sao hai cái cửa sổ lại nằm vào vị trí chúng ta thấy ngày nay? Câu hỏi khá lẩm cẩm nhưng đấy lại là câu hỏi của các nhà khoa học. Và dĩ nhiên câu trả lời cũng là từ các nhà khoa học chứ chúng ta ai rỗi thời giờ để…lẩm cẩm như các ông bằng to uy tín lớn.

Theo các nhà khoa học thì hai mắt của người mọc ở trên mặt là kết quả của cả một quá trình tiến hóa lâu dài. Đó cũng là cách chọn lựa tốt nhất để thích ứng với môi trường. Nếu mắt ở vị trí cao trên cơ thể thì nhìn được xa hơn, có lợi cho việc tìm kiếm thức ăn và phát hiện kẻ địch, tầm mắt rộng hơn. Sự thấy nhiều, biết rộng sẽ thúc đẩy trí lực con người phát triển. Mắt ở phía trước cũng có nguyên nhân của nó. Chân của con người đi lên phía trước, nếu thấy có chướng ngại thì sẽ đi vòng qua; hai tay có thói quen làm những việc ở phía trước cũng đòi hỏi hai mắt phải nhìn về hướng này. Ngoài ra, hai mắt ở phía trước có thể tập trung quan sát và hành xử mọi việc trước mặt, tránh được những cử chỉ không đồng nhất (khi bên trái khi bên phải), tăng thêm cảm giác lập thể về hình tượng của sự vật, có lợi cho phán đoán vật xa hay gần. Điều đó trong cạnh tranh sinh tồn vô cùng quan trọng. Bây giờ ta thử thay đổi vị trí của mắt để xét về vấn đề này. Ví dụ nếu hai mắt đều ở bên trái hoặc bên phải thì kết quả khiến cho con người giống như con cua chỉ có thể đi ngang. Lấy ví dụ một mắt ở bên trái, một mắt ở bên phải, hoặc một mắt ở phía trước, một mắt ở phía sau, như vậy tầm nhìn của con người sẽ được mở rộng hơn, nhưng không thể nào tập trung sức quan sát, cũng không thể nhìn thấy hình ảnh lập thể của các vật, khiến cho ta không phân biệt được vật đó ở xa hay gần. Nếu để cho mắt mọc trên đỉnh đầu thì sẽ thế nào? Thật gay go, vì con người không thể khi nào cũng nhìn trăng sao trên bầu trời mà quan trọng nhất là phải nắm vững mọi việc chung quanh để có hành động ứng xử thích hợp.

Tôi vốn cạn cợt đâu có nghĩ xa tới quá trình tiến hóa của con người nhưng cũng thấy hai mắt ở vị trí hiện nay là đúng. Nếu không thì làm sao băng qua đường ở Sài Gòn được! Những ai đã từng về Sài Gòn chắc đã thấy ớn khi muốn băng qua đường. Cứ như phiêu lưu vào…không gian. Mặc cho con tạo xoay vần. May nhờ rủi chịu. Tôi thì sau vài lần qui hồi cố hương, chân tay có lạnh ngắt, mồ hôi có dầm dề, nhưng nhờ trời, số còn may. Nếu không thì giờ này đâu có còn ngồi mà gõ bài. Bởi đã có kinh nghiệm xương máu nên khi đọc bài “Tiến Thoái Lưỡng Nan” của Phạm Hà Trang trên báo mạng Talawas, tôi tâm đắc quá: “ Xin tạm ngưng ở đây đôi phút để Mao Tôn Cương bàn luận thêm về việc băng qua đường ở Sài Gòn. Hiếm ai mà theo đúng quy tắc “chỉ băng qua đường theo lằn dành riêng cho người đi bộ ở mỗi ngã tư đường, nơi có đèn xanh đèn đỏ”. Giữa hai cái ngã tư thì cũng chẳng gần gũi gì. Chuyện đi qua đường là chuyện thường ngày ở huyện mà không lẽ cứ khư khư “giáo điều” ngã tư đèn đỏ? Dzì dzậy, việc băng qua đường ở Sài Gòn là cả một nghệ thuật dành cho dân tôi (khách ngoại quốc du lịch thì dĩ nhiên đã thè lưỡi và không dám làm rồi). Đó cả là một quy trình nhịp nhàng của các bộ phận trong cơ thể của một con người. Mắt phải trợn ra nhìn để tính khoảng cách giữa mình và cái đám xe gắn mắy đang ua uá lao tới. Não chỉ huy đôi chân nhè nhẹ nhích tới, nhích lui theo mô đen “Lăng ba vi bộ” của Đoàn Dự. Chỉ cần một bước chân “sai lầm” là có thể trả giá cả đời cho cuộc sống tàn phế. Tim phập phồng đập vì hồi hộp. Mũi thở dồn dập. Miệng thì luôn sẵn sàng tuôn ra vài âm thanh kim loại như những tiếng ré, tiếng gào khi gặp những thằng phải gió chạy ẩu. Tay thì cứ phải giơ lên, giơ xuống, làm hiệu cho mấy chị cận-thị-không-chịu-đeo-mắt-kiếng (nhưng vưỡn khoái lái xe!) từ xa là “Tôi đây. Và tôi đang di chuyển băng qua đường” (Na ná như câu của Descartes: Je pense donc j’existe)”.

Tội cho đôi cửa sổ tâm hồn đã phải trợn trừng trên đường phố Sài Gòn. Chẳng ra cái thể thống gì. Tôi vẫn thích các nhà thơ. Họ tô hồng chuốt ngọc cho cuộc đời. Nhìn đâu cũng thấy cái đẹp. Như ông nhà thơ Quan Dương nhìn thấy trong đôi mắt.

Mắt em ai thả biển vào
Để tôi giả bộ lộn nhào tập bơi
Một hôm chợt ánh sao trời
Rơi vào đôi mắt đè tôi chết chìm

Con người có mấy cái mặt? Thưa có hai cái. Đó là mặt phải và mặt trái. Cái mặt nhìn phía trước khác, phía sau khác. Có khi phía trước cười mà phía sau có cái đá, phía trước vui mà phía sau hầm hầm muốn ăn tươi nuốt sống, phía trước dạ dạ thưa thưa mà phía sau có tiếng chửi thề. Cái mặt phía trước là cái mặt giả, phía sau là cái mặt thật. Hầu như sống với đời ai trong chúng ta cũng có mặt giả và mặt thật. Người nào chỉ có mặt thật thì khó sống với người và người cũng chẳng thích sống với mình. Người ta chỉ nhìn thấy cái mặt phía trước. Và đối đãi với nhau qua cái mặt…tiền.

Nhưng cũng có người có hai mặt thật hẳn hoi. Đó là một em bé chưa có tên, sống trong một xóm nghèo ở thị trấn Noida, cách thủ đô Ấn Độ Tân Đề Li khoảng 50 cây số về phía đông bắc. Bé được sanh ra vào khoảng trung tuần tháng 3/2008 vừa qua với hai bộ mặt nằm sát cạnh nhau. Vì cái mặt…đúp này mà người dân trong vùng coi bé như một vị thần. Anh công nhân Vinod Kumar, cha của bé cho biết: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống như thế trong đời, vì thế tôi cũng thấy hơi sợ khi lần đầu nhìn thấy cháu”. Nhưng khi đã quen với hai khuôn mặt của con, anh thấy bé “rất đặc biệt với chúng tôi”.  Đó là một khuôn mặt cái gì cũng nhân hai hết: hai cặp mắt, hai cái mũi, hai cái miệng. Đây là đứa bé độc nhất trên đời có thể ăn bằng một miệng và mút ngón tay bằng một miệng khác. Cả hai miệng đều ăn được cả. Cứ cái miệng nào rảnh thì cho bú sữa!

Cái mặt đặc biệt như vậy chắc ai nhìn thấy cũng dễ nhớ. Nhưng chẳng cần đặc biệt, mỗi người chúng ta đều có những nét mặt riêng, không ai giống ai, nhìn vào là biết liền đó là ông này hay bà kia. Trừ phi mang bộ mặt made by H.P. hay product of B.N., những chuyên viên chế tạo ra những khuôn mặt đúc cùng một khuôn. Thằng con tôi, khi còn nhỏ, có dịp theo tôi qua Little Saigon chơi. Gặp hết bác này tới bác khác, thăm nhà này qua nhà nọ, cháu thắc mắc hỏi tôi: “Sao  bác nào cũng giống nhau vậy hả ba?”.

Nét mặt như vậy là chữ ký của mỗi người. Nó phân biệt người này với người khác một cách rõ ràng. Các bộ phận khác trong người thì không rạch ròi như vậy. Nhà văn Bùi Bích Hà, trong một bài viết của mục “Thư Viết Chiều Thứ Bảy” trên báo Phụ Nữ Gia Đình, đã kể lại câu chuyện sau: “Một toán lính Việt Nam Cộng Hòa đi hành quân về qua một bản làng, bắt gặp một toán các cô sơn nữ đang tắm dưới khe suối. Các cô vội lấy tay bụm mặt. Các anh chiến sĩ cười thầm: chỗ đáng che thì không che. Đi quá một đỗi, gặp mấy cô gái kinh cũng đang tắm suối. Các cô lấy tay che ngực”. Chuyện tưởng như bình thường nhưng đặt ra vấn đề văn hóa. Các cô sơn nữ cũng như các cô gái kinh hành động một cách tự phát nhưng biểu trưng cho hai nền văn hóa khác nhau. “Che ở đâu là do khác biệt về văn hóa: bộ ngực phụ nữ giống nhau, người lạ nhận diện nhờ ở khuôn mặt. Sơn nữ che mặt để người qua đường không nhớ ra mình trong tình huống ấy. Tưởng là họ hớ hênh, thật ra, họ sâu sắc và có sự cẩn trọng riêng so với con gái miền xuôi”.

Tôi chắc trăm ông, chiến sĩ hay không chiến sĩ, thì đủ trăm ông đều thích cái văn hóa của các cô sơn nữ. Nó sâu sắc thật. Một tập cheque thì cái nào chẳng giống cái nào. Nó có giá trị hay không là ở cái chữ ký. Không có chữ ký thì của chị hay của em, ai biết đó vào đâu! Các ông bạn tôi cũng giống như tôi: chỉ cần biết đó, chứ cần gì đâu!

05/2008